Trâm đã là người thành phố. Chuyện đó có gì đặc biệt đâu. Bây giờ, ở các vùng quê, Việt kiều còn không đếm xuể chứ nói chi người phố. Chỉ một cái làng nhỏ của cô thôi, biết bao gia đình có người xuất ngoại. Họ đi xuất khẩu lao động, học sinh du học, các cô gái lấy chồng ngoại quốc… có người may mắn định cư thành Việt Kiều. Những người trẻ không xuất ngoại thì họ cũng không ngừng cố gắng “vươn” ra khỏi lũy tre làng, tìm kiếm cơ hội đổi đời ở những miền đất hứa. Và thành phố là nơi hứa hẹn. Điều ấy sẽ thấy ngay, nếu để ý những chuyến phà kết nối làng quê Trâm với thành phố qua bên kia sông. Các buổi chiều thứ sáu, thứ bảy, nhà phà phải sử dụng 2 chiếc, một lớn, một nhỏ đầy ắp người, xe và xuôi ngược tới tấp để đưa những dòng người từ phố về quê. Rồi các chiều chủ nhật lại tấp nập những chuyến phà như thế sang bến bên kia, người về quê lại ra phố…
Nhưng Trâm thành người phố lại khác. Không xuất phát từ động cơ, hay nỗ lực thành người phố như đa số những người quê cô. Đó chỉ là tình cờ, hay như người ta vẫn nói là do “duyên số”. Còn người làng cô thì bảo, “con Trâm đúng là chuột sa chĩnh gạo”, “thời nay hồng nhan bạc tỷ”. Trâm lấy chồng thành phố. Sau khi cầm tấm bằng đại học loại ưu, cô được nhận vào một công ty lớn và làm trong bộ phận marketing. Cô gặp Bảo, Trưởng phòng nhân sự một công ty đối tác, lịch lãm, điềm tĩnh, hơn cô bảy tuổi. Đôi trai tài gái sắc hẹn hò, nên duyên chỉ trong mấy tháng (Do bên đàng trai đốc thúc vì chú rể đã cứng tuổi rồi). Con đường ra phố của Trâm như được trải thảm đỏ. Cô nghiễm nhiên thành chủ nhân ngôi biệt thự ba tầng sang trọng. Bố mẹ chồng cô đã nghỉ hưu. Ông bà chỉ mong lo vợ cho thằng út xong, giao cho chúng cai quản nhà cửa để được vào Vũng Tàu với thằng cả, trong đó khí hậu hiền hòa, lý tưởng cho ông bà nghỉ dưỡng tuổi già.
Không phải lần đầu Trâm ra phố. Cô đã có mấy năm sinh viên gắn bó với thành phố. Song vẫn là cuộc sống trong những phòng trọ cấp bốn chật hẹp, đơn sơ và những bữa ăn sinh viên tằn tiện. Giờ đây một bước lên mây, sống trong căn biệt thự tráng lệ, thênh thang, những đồ dùng, vật dụng trong nhà toàn là hiện đại khiến Trâm bỡ ngỡ, e dè. Chân tay luýnh quýnh, có bữa cô không may làm vỡ chiếc ly bằng pha lê trong tủ trà khi lau rửa, chồng cô nhắc nhở “Những đồ dùng trong nhà đều rất có giá, không giống mấy chiếc cốc bát ở quê, em nhớ cẩn thận”. Trâm biết điều đó chứ. Vậy nên cô cảm thấy gò bó trong chính ngôi nhà của mình. Đã hơn ba tháng, Trâm vẫn có cảm giác lạc lõng, bơ vơ giữa tổ ấm mới. Đôi khi cô thót tim khi nghe tiếng bước chân mình âm vang trong ngôi nhà thanh vắng. Những buổi tối chồng đi tiếp khách về muộn, hay đi công tác, một mình khiến cô sợ hãi, dù chồng đã chấn an “Em yên tâm, nhà được trang bị đầy đủ các thiết bị báo động, camera giám sát. Em chỉ cần đóng cửa cẩn thận”, cô vẫn để điện sáng trưng cả căn biệt thự. Phòng ngủ cô cũng để nguyên chiếc đèn chùm pha lê sáng lung linh. Trong giấc ngủ mơ màng, cô thấy mình như đang nằm dưới ánh trăng quê dịu êm. Ngày nhỏ, những đêm trăng sáng chị em cô thường trải chiếu ra hiên nằm hóng mát, ngắm trăng. Ánh trăng quê sáng lắm, sáng rõ đường làng, những rặng tre, khóm chuối. Cả dòng kênh bên nhà lấp lánh như dòng trăng. Gió từ cánh đồng đưa hương nếp chín cùng ánh trăng choàng lên người. Trâm bồng bềnh trôi giữa miền trăng đó, cô thấy mình từ từ chìm xuống, chìm xuống. Trâm vùng vẫy khỏi sự ngộp thở. Cô choàng tỉnh, bao quanh cô là những bức tường trắng lóa ánh điện.
Từ nhà ra phố, tất thảy đều xa lạ. Khu phố nhà Trâm cũng khá đặc biệt. Những tòa biệt thự có thiết kế giống nhau như cùng mặc một chiếc áo đồng phục. Những ngôi nhà trang nghiêm, trầm lặng nằm hai bên con đường rộng có hàng cây xanh rợp bóng, luôn cửa đóng then cài. Cô đã nghe nói, ở phố ai biết nhà nấy, không như làng quê, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Song cô vẫn tin rằng, ở đâu thì con người vẫn luôn cần sự sẻ chia, gắn kết. Buổi chiều, sau tan làm về nhà cô thường hay dạo bộ dọc khu phố để làm thân với nơi cô nghĩ mình sẽ gắn bó suốt đời. Gặp ai cô cũng đon đả chào hỏi. Song đáp lại sự vồn vã, thân thiện của Trâm là cái gật đầu lịch sự, xã giao. Một bữa, Trâm săm săm dạo bước để theo kịp người phụ nữ phía trước. Cô tươi cười đon đả như gặp người thân quen:
– Cô để cháu mang giúp
Người phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi nhưng dáng người đầy, thon gọn trong chiếc đầm hoa trang nhã, quý phái. Bà thoáng chút do dự, nhưng nét giản dị, chân thành của cô gái trẻ đã dành được thiện cảm của bà. Bà đưa túi đồ cho cô.
– Chị ở quê ra chơi à? – Bà điềm đạm.
– Dạ, cháu lấy chồng ở đây, cùng dãy phố này ạ.
Nghe những lời đó bà thấy an tâm hơn, nhưng đáp lại sự vồn vã của Trâm bà chỉ có đôi câu dè dặt. Đến cửa nhà, bà đón túi đồ từ tay Trâm, nở một nụ cười nhã nhặn cùng lời cảm ơn. Lòng Trâm hân hoan bởi có được người bạn xóm giềng. Song cô chưa kịp quay người bước đi, một khuôn mặt đàn ông nghiêm lạnh, khá trẻ, xuất hiện sau cánh cửa hé mở:
– Ai theo mẹ về thế?
– Cô ấy ở cùng khu, cầm giúp mẹ túi đồ.
– Mẹ lại cả tin, con bảo mẹ bao lần, bây giờ bọn nhà quê đang tràn ra phố, có đủ hạng người không từ thủ đoạn kiếm sống…
Ra đến cổng mà bên tai trâm vẫn váng vất những tiếng trầm lạnh như những mũi kim xiên vào da thịt.
Đáp lại nỗi ấm ức của vợ sau một hồi Trâm than thở, Bảo điềm tĩnh:
– Khu này toàn gia đình quyền quý, người ta lịch sự, văn minh, không soi mói, can dự chuyện người khác. Em phải bỏ dần cái lối sống nông thôn ấy đi, không có ngày rước họa vào thân”.
Trâm tức tưởi:
– Người nhà quê họ làm gì xấu chứ? Bao nhiêu người thành phố không phải có gốc gác từ quê?
– Em đừng tự ái. Phải nhìn nhận tích cực, anh không bảo người nhà quê xấu, mà là lối sống ấy không phù hợp ở đây.
Giọng nói và thái độ của Bảo luôn nghiêm nghị, đầy vẻ uy quyền khiến Trâm bị khuất phục. Tập cho vợ làm quen với thế giới thượng lưu, những bữa tiệc sang trọng trong giới kinh doanh Bảo hay dẫn Trâm đi cùng, có thể một phần bởi ngoại hình và khiếu ăn nói của Trâm cũng làm Bảo “sang” hơn trước mọi người. Lần nào, trước khi đi, Bảo cũng nhắc nhở vợ tỉ mỉ về cách ăn mặc, giao tiếp, cách cầm dĩa, cầm dao…Trâm luôn gượng gạo, ngượng ngùng trong những buổi như thế, nhất là khi những ánh mắt cứ đổ dồn về cô, các mệnh phụ phu nhân cười vẻ thân thiện nhưng đôi mắt như đang săm soi, phán xét cách ăn mặc, đi đứng của cô, và có cả vẻ đố kỵ.
Trâm đã là người thành phố chính hiệu. Song dù vậy dòng máu thôn quê vẫn luôn chảy trong cô. Trâm vẫn luôn nhớ những tiếng quê thân thương. Một buổi, cô choàng tỉnh bởi tiếng vọng từ xa xa “Ai xôi ngô…, xôi đậu…, xôi khúc…lào…” Trâm bật dậy bước vội về phía cửa sổ. Cô mở tung cánh cửa, một làn không khi mát dịu lùa vào, trời tang tảng sáng. Tiếng giao rõ hơn, cô biết mình không mơ. Từ ngày về nhà chồng, lần đầu cô nghe được tiếng người giao hàng quà sáng. Cô nhận ra tiếng người quê thân thuộc. Cô ngó qua song cửa gọi với xuống vội vã như sợ cô bán hàng đi mất “Cháu mua xôi…”
– Ai như chị Trâm con cô Trầm thì phải! – cô bán hàng nói như reo khi Trâm chạy đến gần.
Trâm ngơ ngác. Cô hàng như hiểu ý, vội bỏ chiếc nón trên đầu xuống.
– Cô Thoàn nhà ông Nghi xóm nhà cháu, nhận ra chưa?
Gặp được người làng Trâm mừng rỡ quấn quýnh. Cô Thoàn là chị em hàng xóm thân thiết của mẹ, cô lấy chồng làng bên, chồng cô mới mất vì bệnh. Cô ra phố với con gái út đang học đại học. Hai mẹ con cô thuê một phòng trọ. Cô bảo, ra phố kiếm tiền dễ, cô làm ô sin cho người ta theo giờ, buổi sáng làm chõ xôi bán dong, tối bán nồi ngô, khoai luộc, ngày cũng kiếm vài trăm, hơn cấy mấy sào lúa ở quê. Với lại, mấy sào ruộng nhà cô đã vào diện quy hoạch khu công nghiệp, được đền bù mấy trăm triệu, thế lại hay. Đang say sưa chuyện quê, cô như chợt nhớ ra việc gì đó.
– Hôm trước nghe mẹ cháu kể chồng cháu tuyển người cho công ty…may quá, em Thoan hết năm nay ra trường, có gì …vợ chồng cháu giúp em nhé!
– Em học chuyên ngành gì vậy cô?
– Em học hàng hải, ngành rich tích gì đó. Năm nao cũng được học bổng, em còn được trung tâm tiếng Anh thuê làm trợ giảng.
– Chuyên ngành logistics cô ạ. Ngành đó thành phố mình hiện đang có nhu cầu tuyển dụng lớn, em giỏi chuyên môn, tiếng anh tốt ra trường sẽ dễ xin việc.
– Cháu nói thế cô mừng quá, ở quê mình, bọn trẻ giờ chỉ học hết cấp ba rồi đi làm kiếm tiền. Con Thuyên nhà cô cũng thế. Nhưng con Thoan thì cứ thích học đại học, nó bảo muốn có việc làm ổn định phải có trình độ. Thấy nó quyết tâm nên dù khó khăn cô cũng cố. Được cái con bé ngoan, vừa học vừa đi làm thêm đỡ cô.
Từ hôm gặp cô Thoàn, Trâm có người bà con, như sợi dây kết nối với quê nhà thương nhớ. Mỗi cuối tuần cô Thoàn về quê lấy hàng lại mang cho Trâm những món đồ đồng quê, có khi là bố mẹ gửi cho, như rau, cà, tôm cá, hay quả bưởi, quả mít… Phần Trâm, trong nhà những đồ người ta biếu xén toàn món ngon vật lạ nhưng ăn nhanh ngán, nhà có hai vợ chồng nên cứ để lay lắt, cũng chẳng biết cho ai, nhiều khi đổ đi mà tiếc. Nay có cô Thoàn, Trâm gói ghém gửi về quê cho bố mẹ một phần, phần cho mẹ con cô ấy.
Bảo biết chuyện, nhắc vợ:
– Khu phố có quy định nghiêm ngặt, không à uôm như ở quê. Những người lạ không được ra vào thoải mái. Nên em cũng chú ý.
– Cô ấy là người bà con nhà mình, đâu phải người lạ. Phản kháng vậy nhưng Trâm hiểu thái độ chồng nên việc gặp gỡ cô Thoàn cũng kín đáo hơn, chỉ cuối tuần, hoặc có đồ gửi từ quê cô Thoàn lại treo vào cái móc trong cổng nhà Trâm.
Chiều thứ bảy ấy, Trâm ngóng mãi không thấy cô Thoàn, cũng không thấy đồ cô treo ở cổng như đã hẹn. Trâm cũng đã chuẩn bị hai túi đồ, một gửi cho bố mẹ, một cho mẹ con cô Thoàn. Xem camera, Trâm hoảng hốt thấy cô Thoàn bị hai người bảo vệ khu phố kéo ra từ cổng nhà mình. Trâm vội vàng đến trụ sở khu dân cư. “Chúng tôi nhận được tin báo từ chủ số nhà…có người đang có hành vi xâm phạm bất chính ngôi nhà anh, yêu cầu chúng tôi xử lý. Vì bà ấy chưa thực hiện được hành vi phạm tội nên chúng tôi chỉ xử phạt hành chính và bắt viết bản cam kết không xuất hiện ở khu phố…”. – Tai Trâm ù đi sau những lời giải thích của ông bảo vệ khu phố.
Trâm thẫn thờ bước về trên con đường tĩnh mịch trong bóng chiều tà oi bức. Những tòa nhà đẹp đẽ trơ tráo nhìn cô thách thức. Nước mắt cô ứ nghẹn.
– Sao anh ác thế, cô ấy đã làm gì hại nhà mình? – Trâm nhìn chồng đầy vẻ phẫn uất.
– Anh đã cảnh báo em rồi. Nhà anh không phải trung tâm từ thiện, cũng không phải cái chợ để những người nhà quê ấy ra vào tự do – Bảo nhìn vợ nghiêm khắc.
– Anh quên vợ anh cũng là người nhà quê à? Sao anh lại định kiến với người nhà quê vậy?
– Là anh không thể chấp nhận cái lối sống của họ, nhiêu khê, phiền phức, thấy người sang bắt quàng làm họ. Mà ở đâu ra nhiều ông chú, bà bác, bà dì ông cậu thế? Họ cứ bu lấy anh như vớ được cái phao cứu sinh. Thời nay phải dựa vào năng lực mà sống chứ.
Giờ thì Trâm đã hiểu vì sao Bảo hay né tránh mỗi khi Trâm muốn về quê. Có về thì một chốc một lát Bảo lại giục vợ ra ngay, với lý do bận việc.
– Em hiểu, anh có cách nhìn nhận riêng của mình. Nhưng quan điểm sống của vợ chồng mình quá khác biệt. Việc anh đối xử với người thân của em như vậy là không tôn trọng em. Giờ em còn mặt mũi nào nhìn người làng nữa? – Trâm gắng bình tĩnh, nhưng những lời nói cứ run rẩy thoát ra khỏi miệng.
– Sao em bảo thủ vậy nhỉ? Người bảo thủ thì không bao giờ tiến bộ được. Lấy chồng thì phải theo lề thói nhà chồng. Em phải nhớ đây là thành phố! Hai tiếng “thành phố” như dâng cao theo nỗi bực dọc của Bảo, anh quay người bước ra khỏi phòng để lại Trâm trong nỗi tủi hờn. Tối đó hai vợ chồng mỗi người một phòng.
Dù là ngày nghỉ Bảo vẫn có thói quen dậy sớm và duy trì nếp sống hàng ngày, ba mươi phút dành cho tập thể dục tại phòng tập gia đình trên tầng thượng, tắm nước ấm sảng khoái rồi dùng bữa sáng. Bước xuống phòng bếp, yên ắng, bàn ăn vắng tanh, vợ chưa chuẩn bị bữa sáng như mọi khi. “Cô ta vẫn còn làm mình làm mẩy, muốn giận dỗi đến bao giờ tùy thích nhưng không được phá vỡ quy định” – nỗi bực mình đang xâm lấn sự nhẫn lại vốn có của Tú, anh bước nhanh lên phòng tìm vợ với bài giáo huấn sẵn sàng. Phòng vắng, đồ của vợ trong phòng cũng vắng. Chỉ có mảnh giấy đặt dưới bình hoa pha lê trên bàn. “Em về quê!”. Bảo vo tờ giấy, anh nghĩ, phụ nữ thật nông nổi, cứ quan trọng hóa vấn đề. Nhưng đâu sẽ vào đó. Thoáng chút phân tư, anh nhớ câu vợ nói “Bao nhiêu người thành phố không phải có gốc gác từ quê?”. Hình ảnh làng quê chợt trở về trong ký ức. Anh nhớ, ngày còn nhỏ anh hay được ông nội cho về quê. Ông bảo, “đây là nơi chôn nhau, cắt rốn của ông”. Về quê, các bà, các bác, cả đám trẻ trong làng quấn quý anh lắm. Đến nhà ai anh cũng được cho quà, nào quả thị, quả ổi thơm phức, ngon ngọt, hay những chiếc bánh nếp, bánh dày dẻo thơm. Nhưng anh thích nhất là được cùng đám trẻ trong làng lên đê thả diều. Con diều rất to, to hơn con đại bàng trong những bộ phim hoạt hình ưa thích của Bảo. Khi diều theo gió bay lên, Bảo ngơ ngác, con diều khổng lổ chỉ còn nhỏ xíu như con chim nhạn trao nghiêng giữa trời xanh bao la. Song tiếng sáo của nó ngân vang khắp xóm làng, đồng bãi, hòa vào tiếng cười vui hoan hỉ của lũ trẻ. Làng quê thanh bình, trong lành quá. Lòng Bảo xuyến xao. Anh dự định ăn sáng xong sẽ về quê đón vợ.
Bảo mở cửa, sách theo mấy túi đồ chuẩn bị về quê làm hòa với vợ.
– “Alo. Tôi Bảo nghe!”
– “Cậu Dần đây. Hôm trước cậu đã nói với cháu về việc của em Dân… Cậu với em đang ở trước cổng nhà cháu đây… ”.
– Xin lỗi cậu! Cháu đang đi công tác.
Bảo nhìn qua song cổng, hai người đàn ông đang loay hoay bên cạnh chiếc xe máy cũ đeo những túi đồ lỉnh kỉnh. Có tiếng gà loác quác mổ nhau. Bảo đóng cửa lại, bước vội vào nhà.
Nguyễn Thu Hằng
Bài viết liên quan: