Người nằm lại cửa ngõ Sài Gòn – Bút ký của Nguyễn Xuân Diệu

Tiểu đoàn 11 đoàn pháo binh Biên Hòa chúng tôi vừa vượt cầu La Ngà cùng bộ binh ta tấn công giải phóng Định Quán, Phương Lâm rồi theo lộ 14 tiến lên giải phóng thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đột ngột tiểu đoàn nhận được lệnh quay trở lại, tiến về hướng Sài Gòn.

Chính trị viên đại đội Bùi Chính xoa tay, phấn chấn:

– Thế là ta tiến về Sài Gòn rồi đó, các cậu. Trận quyết chiến này, nhất định Sài Gòn sẽ được giải phóng, bà con ta trong đó thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ – Ngụy.  Còn tớ…- Anh cười rạng rỡ – Tớ sắp được về quê gặp vợ và con gái rượu của tớ rồi…!

Anh cười mà đôi mắt ầng ậng nước. Ở đại đội, hơn ai hết, tôi biết rõ về người chính trị viên của mình. Là đồng hương một làng với nhau, nhà anh cách nhà tôi một quãng đồng. Anh đi bộ đội vào cái thời tôi mới lên 10, đang đội mũ rơm cắp sách tới trường. Chừng như khoảng 5 năm trước, tôi thấy anh mang ba lô, đội mũ tai bèo về quê. Ngày ấy, cha anh đã mất trong một trận bom Mỹ. Mẹ anh thì đã già, cứ giục anh cưới vợ. Thương mẹ, anh đồng ý kết hôn với cô Ninh, một cô giáo nết na có tiếng ở làng. 9 tháng 10 ngày sau ngày anh trở lại chiến trường, cô Ninh sinh hạ cho anh một bé gái, đặt tên là Vân. Biết tin anh mừng lắm. Nhưng từ ấy đến nay anh vẫn bám trụ ở chiến trường miền Đông xa lăng, xa lắc này chưa một lần về…

Sau hai ngày đêm hành quân, tiểu đoàn dừng lại ở một cánh rừng cao su, xen những rừng chuối bạt ngàn, chuẩn bị công sự. Đến lúc này chúng tôi mới biết mình được giao nhiệm vụ nã pháo vào căn cứ Xuân Lộc, một cái chốt chặn kiên cố ở cửa ngõ Sài Gòn, yểm trợ cho quân ta đang quần nhau với địch ở đây nhanh chóng tiêu diệt tuyến phòng thủ này.

Đêm 12.4.1975, không gian không một phút yên tĩnh. Pháo sáng chấp chới giăng ngang bầu trời. Màn đêm bị xé vụn bởi trăm ngàn chớp bom, chớp đạn. Tiếng súng bộ binh ta và địch nổ không dứt ở Xuân Lộc. Trong màn sáng man dại đó, chính trị viên Bùi Chính đến nắm tay từng người:

– Bọn địch đang giãy chết sẽ rất ngoan cố. Anh em bộ binh ở Xuân Lộc đang rất cần sự chi viện của pháo binh. Cứ bình tĩnh mà bắn tới nghe!

4 giờ 30 phút sáng ngày 13.4.1975 một loạt pháo 130 ly của ta gầm vang phát lệnh giờ G. Cả tiểu đoàn đồng loạt nổ súng. Trận địa chúng tôi chỉ cách Xuân Lộc chỉ hơn 5km, nên các khẩu đội phải bắn giảm hết liều. Dù hai tai ù đặc, chúng tôi cũng nghe rất rõ từng loạt tiếng nổ rền rĩ của đạn pháo chúng tôi từ căn cứ địch dội lại. Suốt ngày 13.4 tiểu đoàn liên tục nã pháo. Vỏ đạn chất cao hơn cả thành công sự. Tin tức ở Xuân Lộc về làm ai nấy cháy ruột, cháy gan. Ở đó quân ngụy được tăng viện tối đa vẫn ngoan cố chống trả. Bộ binh ta và địch phải giành giật nhau từng đoạn hào, từng căn nhà. Tiểu đoàn được lệnh hành quân ngay trong đêm, cắt đường vòng về phía sau bắn yểm trợ cho các đơn vị sư đoàn 7 chặn đánh quân tiếp viện địch cho Xuân Lộc ở ngã ba Dầu Dây. Vào vị trí mới, tiểu đoàn nổ súng ngay, cùng các đơn vị bộ binh ta đánh tan quân tiếp viện ở ngã ba này!

Xuân Lộc giải phóng. Tiểu đoàn tiếp tục cơ động. Đó là những ngày chiến đấu không nghỉ, vô cùng căng thẳng, ác liệt, nhưng niềm vui cũng vô cùng. Chúng tôi cứ hành quân đến, chiếm lĩnh trận địa xong là nổ súng. Trận đánh vừa kết thúc, khói súng chưa bay hết khỏi vỏ đạn, lại cấp tốc hành quân. Chính trị viên Bùi Chính mặt mày hốc hác, nhưng vui như đứa trẻ, luôn miệng hát hành khúc “Tiến về Sài Gòn”. Chiếc đài bán dẫn Hitachi chiến lợi phẩm đeo bên hông anh được mở hết cỡ, phát tin chiến thắng khắp nơi, làm nức lòng mọi người. Đêm 26.4.1975 sau khi cùng các đơn vị Quân đoàn 2 nổ súng tiêu diệt căn cứ Nước Trong, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiểu đoàn cùng một đại đội pháo 85 ly tiến về Hố Nai. Được tin quân địch ở căn cứ Hố Nai đã hốt hoảng bỏ chạy, chúng tôi cứ ung dung theo lộ chính hành quân tiến về Sài Gòn. Hôm ấy khoảng 8 giờ tối, phần vì trên đường xe pháo địch bỏ lại để tháo chạy nằm ngổn ngang phải khắc phục mà đi; phần do xe kéo pháo trục trặc, đội hình tiểu đoàn bị đoàn xe tăng của ta đi trước bỏ lại khá xa. Bất ngờ chúng tôi bị pháo kích. Hàng loạt pháo 105ly và đạn cối tới tấp dội xuống đội hình tiểu đoàn. Từ ngày vào chiến dịch tới nay, chưa bao giờ chúng tôi bị một trận pháo dữ dội thế này. Cánh lính nhảy đại xuống xe, cứ gặp hang hốc, hầm hào là chui vào. Trận pháo kích kéo dài khoảng 10 phút thì ngừng hẳn. Kiểm điểm lại, toàn bộ Ban chỉ huy đại đội pháo 85 ly và 3 pháo thủ hy sinh, còn số bị thương lên đến cả chục người. Chúng tôi đang í ới gọi nhau, băng bó vết thương cho nhau thì từ sườn bên phải bỗng xuất hiện 5 ổ đại liên địch, bắn xối xả về phía chúng tôi. Quân ta nằm xuống bắn trả. Thì ra đây là lũ ác ôn ở Hố Nai ngoan cố trụ lại. Thấy đoàn xe tăng ta đã đi xa, chúng đã chỉ điểm cho pháo địch bắn và ngóc đầu dậy bắn lén chúng tôi. Bọn này xảo quyệt, biết lính pháo không có hỏa lực mạnh như trung liên, đại liên, B40, B41, nên 5 khẩu đại liên chúng đặt cách đội hình tiểu đoàn hơn 1km, quá tầm bắn AK. Tôi đang ló đầu lên quan sát, bỗng thấy có người lom khom chạy qua trước mặt về phía đại đội pháo 85 ly. Nhìn kỹ thì ra chính trị viên Bùi Chính. Át cả tiếng đạn nổ, tiếng chính trị viên vang lên dõng dạc:

– Tôi là thiếu úy Bùi Chính chính trị viên đại đội pháo 122, tiểu đoàn 11 đoàn Biên Hòa đây. Tôi ra lệnh: Tất cả Đảng viên, đoàn viên cộng sản, tất cả cán bộ, chiến sĩ pháo 85 ly về ngay vị trí chiến đấu của mình!

Nhiều bóng người nhảy ra khỏi vị trí trú ẩn, lao đến tháo những khẩu pháo 85 ly ra khỏi xe kéo. Tôi cùng Chu Văn Đưng, Nguyễn Văn Sơn đều là lính pháo 122ly cũng chạy đến nhảy vào vị trí tiếp đạn. Chính trị viên đứng thẳng dậy, hô lớn:

– Các khẩu đội hạ thấp nòng pháo, ngắm trực tiếp! Nhằm hỏa điểm đại liên địch. Bắn!

Năm khẩu pháo 85 ly đặt ngay trên mặt đường nhảy chồm dậy, gầm lên. Ngay từ loạt đạn đầu, cả 5 hỏa điểm địch bị thổi tung, bay lên lả tả. Trong ánh chớp, tôi bỗng thấy chính trị viên ôm ngực lảo đảo, khụy xuống. Chúng tôi ào cả lại, đỡ lấy anh. Anh nằm bất tỉnh trong tay tôi, áo quần ướt đẫm máu. Một viên đạn đại liên địch xuyên qua bụng. Một viên khác trúng vào ngực anh. Băng bó cho anh rồi, ai cũng mừng thấy anh từ từ mở mắt. Đôi môi anh mấp máy, thều thào:

– Tôi biết…mình không…sống được…nữa đâu. Các đồng chí cứ để tôi… ở lại. Hãy tiến về…Sài Gòn…cùng đại quân…cho kịp!

Rồi trìu mến nhìn khắp lượt mọi người, anh nói rành rọt không ngờ:

– Vào thành phố giải phóng, nhưng cuộc chiến đấu chưa kết thúc đâu. Dù làm bất cứ việc gì, các đồng chí hãy luôn nhớ mình là bộ đội Giải phóng, bộ đội Cụ Hồ!

Nói rồi anh nhắm mắt. Trên gương mặt thanh thản của anh thoáng một nét cười. Chúng tôi đứng cả dậy, đưa tay ngả mũ, ai cũng dàn dụa nước mắt. Có người bật khóc tức tưởi. Lúc ấy là 21 giờ 25 phút đêm 29 tháng 4 năm 1975!

ảnh minh họa : Internet

Gần 50 lần tháng tư đi qua cuộc đời. Tôi biết khi nhận giấy báo tử của anh, mẹ anh đã lâm bạo bệnh qua đời. Vân, đứa con gái mà anh chưa biết mặt, đã trở thành cô giáo và đã lấy chồng. Chồng Vân cũng là một người lính, hiện ngụ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những người con chí hiếu. Hai người đã mời mẹ vào sống cùng vợ chồng mình và xin phép chị Ninh được rước bài vị ba Chính vào thờ phụng. Theo vợ chồng anh: “Phần mộ của ba ở nghĩa trang Long Khánh, cách nhà con cũng gần. Rước ba vô trong này vừa tiện bề hương khói, vừa để ba tiện hôm sớm đi về với mẹ, với chúng con!”

Và, chúng tôi, những người còn sống – những đồng đội của anh ở tiểu đoàn pháo binh 11 ngày ấy – mỗi độ tháng tư về vẫn hội tụ với nhau. Chúng tôi gặp nhau để mà nhớ về một thời trai trẻ của mình, nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc, của cuộc đời mình. Mỗi khi gặp nhau, không ai bảo ai, mọi người đều đứng nghiêm hướng về phương Nam kính cẩn tưởng niệm người chính trị viên và những đồng đội thân yêu ngã xuống như một người anh hùng, cho cuộc đời hôm nay. Lại như ngày nào ở cửa ngõ Sài Gòn đêm trước ngày giải phóng tháng tư năm ấy, chúng tôi cùng nhau nhắc lại lời dặn cuối cùng của anh “Dù làm bất cứ việc gì, các đồng chí hãy luôn nhớ mình là bộ đội Giải phóng, bộ đội Cụ Hồ!”. Để lời dặn ấy mãi vẹn nguyên trong trái tim mỗi chúng tôi. Mãi mãi…!

NGUYỄN XUÂN DIỆU

Trích nguồn: Vanvn.vn