Người của vương quốc chè- Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam

Cũng như mọi lần, khi cảm thấy cần tâm sự Năm lại bỏ thời gian lên “vương quốc chè” tâm sự cùng với cụ già họ Nguyễn.

“Vương quốc chè” của họ Nguyễn gồm một quả đồi có chẵn một trăm cây chè tuyết cỡ ngàn tuổi nằm cạnh khu biệt phủ của Năm, “vương quốc” này ly kỳ, huyền thoại ngay từ thuở khai thiên lập địa.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa ở vùng đất này có hai vợ chồng và một đứa con trai họ Nguyễn sinh sống, không may ông bà bị mắc bệnh giời đầy, tóc bạc trắng, thân hình chỉ còn da bọc xương. Theo chỉ bảo của thần Rừng người con lên đường tìm thuốc cứu cha mẹ. Con đường đi tìm thuốc của chàng như đường lên trời, biết bao núi cao vực sâu chắn lối, thú dữ chặn đường, nhưng với lòng thương cha mẹ chàng vẫn quyết tâm vượt qua. Cho tới một hôm, sau một ngày lội rừng đến kiệt sức, chàng leo lên một chạng cây ngủ thiếp đi, sáng hôm sau chàng thức dậy, nhận ra khu rừng đang vang lên khúc hát của hàng trăm loài chim, tiếng reo ca hùng tráng của thác nước, tiếng vi vút của núi rừng, cùng lúc đó một đàn mười ba con hạc trắng từ trên trời cao hạ xuống ngay gốc cây cổ thụ mà chàng đang núp. Những con hạc trút bỏ bộ cánh, hiện nguyên hình thành mười ba cô gái lộng lẫy rồi thoăn thoắt hái những búp lá xanh của cây cổ thụ bỏ vào giỏ đeo cạnh mình. Sau đó mười hai cô khoác lên mình bộ cánh rồi bay lên trời, còn một cô trẻ nhất mải nô đùa với mấy cánh bướm quanh khóm hoa rừng quên mất mình đang ở đâu. Chàng trai tinh nghịch lấy bộ cánh của cô tiên giấu đi. Cô tiên quay lại gốc cây, cuống cuồng tìm quanh rồi bật khóc. Chàng trai e ngại, vội lấy đôi cánh trả cho cô, cô bảo mình là con út của Tây Vương Mẫu, một tháng hai lần cùng các chị tới đây để hái búp cây Mẫu Thiên Trà về dâng Ngọc Hoàng Thượng Đế. Chàng trai ân hận, xin lỗi nàng, thật thà kể lại hoàn cảnh và mục đích chuyến đi của mình. Nàng ngần ngừ rồi bảo búp lá của Mẫu Thiên Trà chính là vị thuốc chữa cái bệnh “già sớm” mà cha mẹ chàng đang mắc phải. Nàng nói bộ cánh hạc của nàng chỉ còn bay được đến chính giờ Ngọ nên có muốn về trời cũng không kịp. Hơn thế nữa, thiên cơ đã bị lộ nếu nàng có về thì cũng bị Tây Vương Mẫu đày xuống hạ giới. Chàng bảo đằng nào cũng phải xuống trần, chi bằng hãy cùng chàng đem  những búp “Thiên Trà” này về chữa bệnh cho cha mẹ. Nàng bằng lòng, hai người mang những cành Mẫu Thiên Trà và chung đôi cánh hạc trở về ngôi nhà của chàng. Bố mẹ chàng, sau khi uống bát nước vàng óng như mật ong do con trai và cô tiên sắc đã nhanh chóng hồi tỉnh, khỏe mạnh, từ đó chàng trai và tiên nữ nên vợ nên chồng. Bốn người mang cành cây thuốc quý giâm trồng song lạ thay chỉ cành nàng giâm mới bật mầm, nàng có trồng bao nhiêu cũng chỉ sống được đúng một trăm cây, búp của một trăm cây đã được nàng xao sấy thành thuốc chữa bách bệnh, được nhiều người tìm đến nhờ cậy.

Câu chuyện huyền thoại về “vương quốc chè” là vậy, khi có ý định thâu tóm cả cái ốc đảo bên lề thị xã làm vương quốc riêng thì chuyện về một trăm cây chè huyền thoại vuột qua tai Năm như những chuyện tào lao ngoài thân, song khi biết “vương quốc” ấy nằm cạnh vùng đất anh định thâu tóm làm biệt phủ thì anh quan tâm đặc biệt.

Lần đầu đi khảo sát, lên tới đây anh ngỡ ngàng.

Trong âm u sương mây, tiếng gió cất lên tiếng nhạc bổng trầm, hệt như tiếng sáo diều, cả quả đồi như phát sáng. Anh tò mò đi ngược lên thì bắt gặp một cánh rừng chè. Những cây chè cổ thụ xùm xòa, da dẻ mốc thếch, rêu mọc xanh cây, địa y mọc như rừng thời tiền sử, muôn vàn búp chè mập mạp, xanh non phủ lên cây, phủ lên cả cánh rừng. Không có ánh mặt trời rọi soi song lớp lông tơ màu trắng bạc, mịn như nhung bao bọc phía lưng búp chè vẫn ánh lên màu sáng bạc. Anh hứng khởi đưa mắt bao quát, bên rìa sự ồn ào phố xá vẫn còn nguyên vẹn một cánh rừng chè tuyết san ngàn năm tuổi làm anh thích thú. Anh đi tiếp lên thì gặp một cái hang ngay cạnh lối đi. Anh tò mò, ngoài cửa hang, chỗ mái đá chìa ra. Phía ngoài, cạnh cái bếp kê đá có một cái bàn và hai cái ghế bằng đá, trên chiếc bàn đá nhẵn bóng thời gian, nhẵn bóng sự tác động của con người là bộ ấm chén cổ. Bếp đá, bàn trà và cách sắp xếp chứng tỏ chủ nhân là con người chu đáo, cẩn thận, biết thưởng thức. Anh chui vào trong hang. Cửa hang nhỏ, quay về hướng Đông, cỡ hai người chui lọt, song lòng hang rộng, cao, như lòng một cung điện. Trần và vách hang khô ráo, không có nhũ đá, không nước rỏ nên nền khô roong, bạc phếch, đang hè mà không khí trong hang mát lành như cuối thu. Trên tảng đá nằm chính giữa hang, giáp với vách hang có một ban thờ bằng đá tự nhiên, trên ban thờ đặt tượng những vị thần có thể làm xoay chuyển càn khôn như Thổ Công, Thần núi, thần Sông và hai bức tượng một nam một nữ, chắc là tượng vợ chồng chàng trai họ Nguyễn. Ở góc bên phải, khuất sau một bức mành đá mỏng là một chiếc giường đá, một hõm đá rộng. Giường đá trải đệm, chăn gối gọn gàng, hõm đá xếp đầy những cuốn sách, nhìn bìa và gáy biết ngay là sách mang chữ thánh hiền. Có lẽ đây là nơi ở của người nối dõi cuối cùng của họ Nguyễn. Năm ồ lên thích thú. Đúng là muôn hình vạn trạng, cũng đầu óc, chân tay, cũng dòng máu chảy trong huyết quản mà chẳng ai giống ai. Kẻ phải bùa mê ồn ào náo nhiệt, người thích giời đầy cô độc chốn thâm sơn. Kẻ đày đọa mình vào cả lo cả nghĩ, người vui thú với được chăng hay chớ, ruột để ngoài da. Kẻ bám sống bám chết vào mộng làm giàu, người chỉ cần vài lưng cơm bỏ bụng mỗi ngày. Kẻ cả đời chăm chắm vào cái gọi là tâm hồn, người lấy sự vô minh làm lẽ sống… Kẻ nào cùng tìm ra cái lý để bằng lòng, để tồn tại, ai khôn ai dại, ai sướng ai khổ, điều này chỉ giời biết đất biết và bản thân người đó biết. Khoa học đã phân ra loài người có bốn nhóm máu song đã có ai dám khẳng định nhóm nào chảy trong huyết quản khỏe hơn nhóm nào. Cũng vậy, não bộ người trưởng thành chứa cả trăm tỷ nơ ron thần kinh song rừng tế bào này cho mỗi người một nghĩ suy, cảm xúc và trí nhớ, chẳng ai giống ai. Cũng vậy, biết là xấu tốt vui buồn sung sướng khổ ải mà mỗi người nhận được chính là do kết quả của con người làm ra mà đời trước đời nay vẫn mê muội sinh ra nghiệp chướng. Cũng vậy, cụ già họ Nguyễn chín chục năm giời nay chọn cách sống cô độc, ăn hốc ngủ hang mà vẫn gọn gàng, cốt cách thì sức sống của tâm hồn chắc là mạnh mẽ và bền bỉ lắm.

Cụ già họ Nguyễn đã trên núi về. Nhìn thấy cái dáng tiên phong đạo cốt, da dẻ hồng hào, râu tóc bạc trắng, đặc biệt là ánh mắt của cụ khiến Năm ngạc nhiên như gặp Quỷ Cốc Tử tiên sinh. Soi vào ánh mắt tinh anh của cụ, anh thấy dồn tụ trong đó tự hào, sức sống, hiểu biết, đặc biệt là thoát khỏi vướng bận sân si. Quả là tuyệt vời, con người ước vọng quá nhiều nên khổ ải quá nhiều, biết đủ biết sướng như cụ có được bao nhiêu người.

Vừa nhìn thấy Năm cụ già đã thủng thẳng:

– Tôi biết bác lên đây vì việc gì rồi.

Năm ngạc nhiên:

– Cụ biết việc…

– Không chỉ biết việc bác định thâu tóm cả vùng đất này mà còn biết sâu về bác nữa.

– Vậy là cụ…

– Tôi không phải là tu hành hay ở ẩn, mà an bần lạc đạo, mọi nóng lạnh cuộc đời ở ngoài kia đều thấm vào tôi. Chắc bác biết rõ lý do tôi bám chặt mảnh đất này rồi, mua bán tranh giành thế nào là việc của bác, giữ lại thế nào là việc của tôi, được mất nhiều khi không phụ thuộc vào ý chí con người đâu. Thôi, ta cứ đối ẩm đã, tôi chẳng mấy khi đón khách.

Nói rồi cụ già nhẩn nha nổi lửa đun nước, tỉ mẩn, cẩn trọng pha trà.

Năm ngỡ ngàng, vừa ngại ngùng vừa thích thú, lát sau hương trà sực nức hòa quyện với không gian tĩnh lặng đưa hai người vào cõi thiền.

Cụ già bảo trăm cây Thiên Mẫu Trà nghìn tuổi của Tổ tiên để lại không chỉ nuôi sống cụ mà còn là sợi dây vô hình nối quá khứ xa xưa với hiện tại, minh chứng được sự trường tồn của cây, của người.

Cụ già thủ thỉ đưa Năm vào cõi mộng. Cụ bảo khi những cây Thiên Mẫu Trà đầu tiên mọc mầm bâm rễ được ba năm thì hoa nở trắng cây. Cuối năm ấy tự dưng rừng Sơn Đông hỏa hoạn. Ngọn lửa trồi lên từ sau nhà chàng trai họ Nguyễn rồi lem lém leo lên núi Vả, lan sang núi Sâng, núi Phay, núi Dổi. Ngọn lửa nhẩn nha, kiên nhẫn, ác nghiệt. Ngọn lửa phần phật liếm gọn cây cối cỏ giả, nung đất đá đỏ rực khiến cho vạn vật chìm trong đau đớn, tuyệt vọng. Lúc đó con cháu họ Nguyễn bó tay, chùn chân, giương mắt, ai nấy chỉ còn biết nguyện cầu trời đất thánh thần ngừng gieo họa xuống đầu. Dường như nguyện cầu của họ đã thấu đến trời xanh nên ngọn lửa chỉ bò lên thiêu cháy những cánh rừng chứ nhà họ Nguyễn vẫn vẹn nguyên, cây cối trong vườn vẫn xanh tươi bình thản. Diệu kỳ hơn nữa một trăm cây Thiên Mẫu Trà trên đồi vẫn khoe những búp mập mạp, óng ánh ánh tuyết. Từ đó những búp, hoa quý báu hái từ một trăm cây Mẫu Thiên Trà được những thầy thuốc nổi tiếng trong vùng cùng những người yêu trà, sành trà coi là thần dược giúp con người giải khát, giải độc, tỉnh táo, phòng chống nhiều loại bệnh nan y. Tiếng lành đồn xa, tri phủ sở tại đã về tận Sơn Đông ăn nằm, coi sóc những người hái chè, sao sấy, lên mốc rồi bao bọc, đóng hộp, tự thân mang lên Kinh cúng vua. Nhà vua thưởng thức những búp trà quý thấy sảng khoái như uống thần dược liền ban tặng cho họ Nguyễn vùng đất Sơn Đông và giao trách nhiệm cho dòng họ mỗi năm dâng cúng vua một trăm cân Trà Thiên Mẫu. Thần dân họ Nguyễn mừng vui khôn tả, họ mời các quan phủ quan huyện cùng dân chứng trong vùng tới chứng kiến lễ đón sớ vua ban. Ba ngày ba đêm Sơn Đông tưng bừng náo nhiệt, một trăm vò rượu được mở nắp, mười con trâu, mười con bò, ba mươi con dê, hai trăm con gà bị hóa kiếp. Đêm đó, trên sân đình các cụ cùng mọi người đang ngồi nhấm nháp vinh quang thì một ngọn gió ào tới bốc Tiên nữ bay lên không trung. Nàng chỉ kịp khoa khoa tay, thả xuống dải khăn thổ cẩm rồi mất hút trong đám mây hồng. Biết Tiên nữ đã về giời và nhắn gửi điều gì họ Nguyễn liền lập đền thờ và nguyện giữ “vương quốc bách trà” tiên ban mãi mãi.

Cụ già thủng thẳng đưa Năm về thực tại.

Cụ bảo người họ Nguyễn quan niệm sống đất nuôi chết nuôi đất nên người về với Tổ tiên được đi thẳng vào lòng đất để nuôi cây, dưới mỗi gốc chè kia vẫn còn xương cốt của người họ Nguyễn.

Cụ bảo muốn có một ấm trà ngon cần có năm cái cốt yếu, đó là nước, trà, ấm chén  không khí thưởng trà và cái tâm thanh tịnh. Cụ vuốt râu cười khà khà, ấm trà trong tay cụ lại nâng lên… Năm bồi hồi, ngưỡng vọng:

– Cuộc sống thế này là thần tiên chăng?

– Cứ cho là vậy đi, khi mọi người cho mình là đủ thì tự nhiên mọi cái nhẹ nhõm, hồn muốn bay thì bay, muốn chìm thì chìm.

– Nhưng buông bỏ và kiên tâm được như cụ không dễ dàng chút nào.

– Dễ hay không ở mình thôi, cứ cay cú với được thua thì cuộc đời còn nặng gánh.

– Có lẽ vì triết lý này mà cụ bằng lòng với cuộc sống một mình một trời?

–  Không phải. Tôi gắn bó với hang đá này, rừng chè này là từ trách nhiệm với di sản của Tổ tiên, sau đó tôi tôi luyện cho tâm tính thoải mái, không bị danh lợi lợn cợn người đời quấy rầy, tôi nói thật lòng đấy, bác đừng giận.

Năm ồ lên, tự nhiên toan tính thu gom đất cát nguội đi trong anh. Giời cho anh gặp quý nhân chăng? Đời anh đã không còn trẻ lại tham vọng quá nhiều, cuộc chơi còn phải tiếp diễn. Với mưu mô, mối quan hệ và tiền bạc anh định gom “vương quốc” này vào trong tay, song lên đây, tiếp xúc với người “muôn năm cũ” anh biết đập vỡ viên đá cản đường này không dễ, cố làm chắc cũng được nhưng không mất đi một mạng người cũng bóp chết một hồn người. Mạng người, hồn người trong thời buổi kim tiền rối ren trong đục chẳng qua cũng là con sâu cái kiến, song trong lúc phía trước còn nhiều đường để bước có cần thiết thế không? Có lẽ vui nhất, thanh thản nhất lúc này là chấp nhận sống cùng với cụ già, coi cụ và vương quốc bách trà của cụ là một vườn hoa lạ mà giời đất, quá khứ, tương lai gửi vào vùng đất của anh. Năm thổ lộ những tâm sự và mong muốn của anh với cụ già, cụ trầm ngâm hồi lâu rồi thủng thẳng:

– Cảm ơn bác nhiều, Tổ tiên họ Nguyễn ở đất này phiêu diêu đến đời tôi thì dừng, tuổi giời cho tôi được ngày nào quý ngày ấy, tôi chỉ mong gặp được tri kỷ để khi về với đất có người hiểu và chăm nom di sản của tổ tiên để lại mà thôi.

Năm thuận lòng với cụ, kết quả cuối cùng của buổi nói chuyện là cụ, ngôi đền thờ trong hang đá và rừng Mẫu Thiên Trà vẫn tiếp tục tồn tại riêng biệt cạnh khu biệt phủ của anh, một trăm cây chè cổ thụ vẫn là di sản của dòng họ Nguyễn. Từ buổi gặp gỡ ban đầu cứ mỗi khi hồn vía cần thư thái là Năm lại lên đây với cụ, cùng cụ đàm đạo đông tây kim cổ hay xả bớt những day dứt với đời. Lần này cũng vậy, sau buổi đấu trí căng thẳng với những kẻ nhăm nhăm bóc lột tới tận xương tủy Bên B là “Chùm khế ngọt” anh liền nghĩ tới việc lên xả stress với cụ già tâm đầu ý hợp.

Năm  thích thú lội ngược theo con đường mòn. Ven rừng những cây chuối mập mạp có những bông hoa đỏ vút lên như ngọn lửa chen nhau làm thành những bụi chuối sum suê. Xa xa, gần gũi vang lên tiếng gà rừng te te, tiếng chim rừng líu ríu. Dưới chân, nước suối trong, mát lạnh mơn man, mơn man, những cây phong lan bám vào chạc cây sà ra giữa lòng suối thả xuống những chùm hoa sặc sỡ tím, vàng, hồng, trắng…

Mặt trời càng lúc càng xa vời vợi, ngọn gió thổi qua cánh rừng đã bắt đầu ù ù như xay lúa.  Bên kia đồi đôi vợ chồng người làm công đang hí hửng xuôi dốc, trên tay anh chồng toòng teng cái lồng có một đôi sóc vừa bẫy được. Hai người vừa chui ra khỏi con đường nhỏ có những bụi nứa tép lòa xòa che khuất thì chạm trán với Năm. Cả hai giật mình luống cuống, từ lâu họ đã coi chim, thú, tôm cá trong khu biệt phủ được rào chắn cẩn thận này là bất khả xâm phạm của ông chủ.

Năm mỉm cười thân thiện, bảo:

– Được đôi sóc hả, cái này nấu với hoa chuối ngon phải biết!

Người chồng lúng túng:

– Dạ, nó mới chui bẫy, ông chủ mang về dùng ạ!

Năm cười:

– Không được, thành quả của hai người mà, cứ mang về làm đồ nhắm đi, trên núi mùa này đầy.

Hai người cuống quýt cảm ơn rồi vội vã xuống núi.

Năm rẽ vào hang cụ già họ Nguyễn. Cụ đang làm bữa trưa, mùi cá mắm nướng thơm lựng khiến bụng dạ anh cồn lên những ngày đói kém, anh vui vẻ bảo:

–  Cụ cho con báo một suất nhé!

Cụ già họ Nguyễn cười:

– Được được, mời bác ở lại, tôi cũng đang mong có người uống rượu đây.

Nói rồi ông sốt sắng mời Năm ngồi vào mâm, sốt sắng vào góc nhà mở từng hũ thò tay vào. Hũ củ kiệu muối. Hũ cải cay. Hũ đậu hũ. Hũ đậu xị…, toàn những đồ ăn sẵn đưa cay cũng được, đưa cơm cũng được.

Nhìn mâm đồ nhắm bảy tám món bày ra ngon mắt ngon mũi, Năm cười:

– Rau sạch, cá sạch, rượu sạch, không khí sạch, tâm sạch, như thế không sơn hào hải vị nào bằng đâu cụ nhỉ.

Cụ già nâng chén rượu lên khề khà:

– Bác quá khen, ở đời cứ bỏ được tham sân si, bằng lòng với những gì mình có thì ăn gì, ở đâu chẳng quan trọng.

Năm cung kính:

– Dạ vâng, nhưng tự bỏ tật của mình để nuôi an nhẫn, lấy an nhẫn làm vui, làm cảm động đất trời, con người như cụ không dễ dàng chút nào.

Cụ già bảo:

– Cảm ơn bác đã hiểu lòng già, rất buồn là lâu nay xã hội đã làm cho thần phật nguội lạnh, họ phải biết đâu dù tẩy não đến mấy thì  “Từ – Bi – Hỷ – Xả” vẫn nằm sâu đức tính của con người.

Năm:

– Dạ cụ dạy chí phải ạ!

Cụ già:

– Không dám, từ ngàn xưa Phật đã dạy đời là cõi tạm. Đã tạm thì sân hận ganh ghét làm gì, hãy ngày sau ta thương nhau hơn ngày trước đi.

– ….

– Cùng thương nhau ắt nhẹ cõi lòng. Cùng buồn đau, sẻ chia sẽ nhẹ gánh nặng. Cùng vượt qua bản ngã, hướng đến vô ngã sẽ có sự an lạc, thanh tịnh. Cùng buông bỏ thì lòng tham vợi đi, thế giới hòa đồng, người gặp người bình đẳng, vui từ nhà ra ngõ, như vậy có đúng không bác.

Năm chỉ còn biết chắp tay cung kính, cũng như bao lần lên đây, trước cụ già thông tuệ này ngọn lửa nghiệp chướng sân hận nguội dần để cho anh có giây phút thật là anh.

Đoàn Hữu Nam