Ngôn ngữ trong thơ Trần Hùng qua tập “Mắt mắt khuya từng đàn”

Tập thơ này hay phải chăng vì nhan đề tập thơ độc đáo, gợi liên tưởng; vì cách kiến trúc âm thanh trong câu, bài thơ giàu tính nhạc, tạo được giọng điệu riêng khó lẫn; vì các kết hợp từ phi lí mà có lí; vì một trường từ vựng mang màu sắc liêu trai, cổ tích, siêu thực và đa nghĩa và vì những so sánh đắt, độc đáo.

                                                                                                 Nhà thơ Trần Hùng

Nhà thơ Trần Hùng đã in 7 tập thơ. ‘Mắt mắt khuya từng đàn” – 2023, là tập thơ mới nhất của ông được nhận định là “có kết cấu hiện đại và tối giản hơn so với những tập thơ đã in”. Nhiều người đọc có chung đánh giá và cảm nhận đây là một tập thơ hay nhưng để giải mã nó thì quả thực không hề dễ dàng. Trước đây, Đoàn Phú Tứ có bài thơ “Màu thời gian” mà ai cũng biết đấy là một thi phẩm hay nhưng không ai viết được lời bình về nó (trừ Hoài Thanh và Hoài Chân). Nguyễn Sơn thì cho rằng đó là một bài thơ “không hiểu nổi”, “nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng sông chảy…, nó lung linh như một khúc nhạc thiều…, nó chập chờn như một bóng Liêu Trai!”. Như vậy, có thể thấy là từ khi bài thơ của Đoàn Phú Tứ ra đời, mọi người đều công nhận là hay, nhưng hay như thế nào thì quả là không dễ gì giải mã được.

Thơ của Trần Hùng cũng là một trường hợp tương tự. Dịch giả Phạm Hữu Quang và nhà thơ kiêm biên dịch người Mỹ Bruce Weigl khi dịch tập thơ “Mùa Vân tay” của Trần Hùng cũng đã nhận xét về thơ ông như vậy. Còn với tôi, tập thơ này hay phải chăng vì nhan đề tập thơ độc đáo, gợi liên tưởng; vì cách kiến trúc âm thanh trong câu, bài thơ giàu tính nhạc, tạo được giọng điệu riêng khó lẫn; vì các kết hợp từ phi lí mà có lí; vì một trường từ vựng mang màu sắc liêu trai, cổ tích, siêu thực và đa nghĩa và vì những so sánh đắt, độc đáo.

1. Cách đặt nhan đề độc đáo với kết hợp từ mới lạ, gợi liên tưởng

“Mắt mắt khuya từng đàn” tạo ra ấn tượng trực giác, gây sự chú ý, gợi nhiều liên tưởng đối với người đọc

Nhan đề là một tín hiệu chỉ dẫn  nghệ thuật, đòi hỏi tác giả phải suy nghĩ lao động nghiêm túc. Nhan đề càng độc đáo, càng hấp dẫn thì càng khơi gợi sự tò mò. “Nhìn vào nhan đề sẽ “hiểu nỗi lòng người sinh thành ra nó, hiểu nội dung chủ yếu của tác phẩm và khát vọng sáng tạo của tác giả”. Bởi vậy, giải mã nhan đề cũng tức là giải mã được một phần nội dung tác phẩm.

Nếu nhan đề các tập thơ trước của Trần Hùng đơn giản và “thật thà” [như: Gọi bạn (1991), Mơ quê (1998), Thảm thắc (2015), Vườn khuya (2015), Thơ Trần Hùng (2018), Mùa xa (2019)] thì nhan đề trong tập thơ mới nhất của ông là một kết hợp từ lạ: “Mắt mắt khuya từng đàn” tạo ra ấn tượng trực giác, gây sự chú ý, gợi nhiều liên tưởng đối với người đọc. Kiểu đặt tên này đã xác quyết thêm một bước chuyển của nhà thơ Trần Hùng về cách tân thi pháp.

Mắt mắt khuya có thể là biểu hiện của nhiều đêm thức triền miên (không phải vì mất ngủ) mà vì mải mê sáng tạo nghệ thuật (Đêm / Lại đêm/ Muốn tắt mình mà không công tắc”, Đêm đêm gục đầu vào giấy trắng). Mắt mắt khuya cũng có thể là mắt của những thi ảnh mà nhà thơ nhìn thấy trong đêm khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ (Những cuốn sách trên giá sách nhìn tôi/ Những chiếc áo trên mắc áo nhìn tôi; Đêm đêm cúc như mắt thức); mắt mắt cũng có thể là ấn tượng về cố hương có ngôi nhà bà cụ Phó mà gian giữa chỉ có hai cái cửa không có cánh cửa, được Trần Hùng hình dung như hai con mắt thức…); từng đàn có thể là “phím trắng từng đàn chơi vơi”; từng đàn cũng có thể là từng đàn đàn, lũ lũ (ảo giác nhiều mắt, từng đàn mắt mở, mở to trong veo đi nào). Thời gian đêm (khuya) cũng chính là thời gian nghệ thuật quen thuộc trong các truyện có màu sắc liêu trai, chứa đầy sức mạnh huyền linh của lực lượng siêu nhiên trong thế giới ảo; nó cũng là đối tượng nghiên cứu của huyền thoại học (mythology). Có lẽ vì thế mà tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn đã xuất hiện nhiều hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh con người nhoè mờ trong không khí liêu trai, cổ tích…

2. Kết hợp âm thanh, từ ngữ thơ giàu tính nhạc

Thơ Trần Hùng rất giàu nhạc tính – một thứ nhạc lòng có mã gen rất riêng. Trước hết, đó là do sự có mặt của các biện pháp tu từ ngữ âm, từ vựng (như cách sử dụng thanh điệu, phép lặp, phép láy âm láy từ…). Valéry từng nói: “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa” và như vậy thì âm thanh cũng góp phần tạo nghĩa.

Thống kê, khảo sát dấu thanh trong tập “Mắt mắt khuya từng đàn” nhận thấy: trong tất cả các bài thơ, số lượng thanh bằng chiếm 2/3 số lượng thanh trắc, số dòng thơ kết thúc là thanh bằng cũng lớn gấp hơn hai lần số lượng thanh trắc. Nghĩa là, số lượng thanh bằng trong các bài thơ và kết thúc các dòng thơ đã lấn át số lượng thanh trắc. Đặc điểm thanh điệu ấy hiển nhiên là tạo được một không gian thơ dường như rộng hơn, mênh mang hơn và khiến âm hưởng của các bài thơ nhẹ nhàng, dịu dàng hơn; nhịp thơ sẽ đi chậm hơn giống như những bản nhạc pop ballasd mà Trần Hùng thường dạo trên phím đàn piano.

Mỗi nhà thơ thành danh đều có hơi thơ riêng, nét âm hưởng, nhịp điệu riêng. Mỗi người mỗi tạng, người thì thích nhịp điệu của nhạc rock, người thì thích nhạc pop, người thì thích bolero, người thích Jazz, người thích flamenco… Và dĩ nhiên Trần Hùng cũng đã lựa chọn cho mình một loại nhạc lòng để khi nghe thơ ông người đọc nhận ra ngay giọng điệu có thương hiệu. Giống như khi nghe các loài chim hót, ta nhận ra ngay giọng hót đẳng cấp của họa mi: Đâu phải lúc nào cũng hót / Đâu phải cứ hót là mê ly / Nhưng chỉ cần cất tiếng / Biết đó là họa mi (tr.70)

Cấu trúc trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu…) là cái để phân biệt thơ với văn xuôi nên hầu như nhà thơ nào cũng sử dụng phép lặp. Tuy nhiên, Trần Hùng lại sử dụng với tần số dày đặc và với rất nhiều kiểu lặp phong phú: lặp cách quãng, lặp đầu, lặp cuối, lặp giữa, lặp đảo, lặp cấu trúc câu, lặp kiểu nhấn lại từ, láy từ (không phải từ láy)…

Theo quan sát của mình, tôi thấy các nhà thơ khác thường dùng từ láy hơn láy từ, mà nếu có láy từ thì cũng không thành hệ thống. Nhưng, kiểu lặp láy từ lại luôn có mặt trong hầu hết các bài thơ của Trần Hùng, tạo ra sự trùng điệp âm thanh và nhấn mạnh ý nghĩa. Chẳng hạn: mắt mắt, xoe xoe, mê mê, giọt giọt, dòng dòng, mầm mầm, dâng dâng, nấm nấm, hong hong, tầng tầng, chữ chữ, bay bay, cát cát, sóng sóng, ngón ngón, xanh xanh, xiu xiu, cao cao, nâu nâu, phơi phơi, âm âm, ngàn ngàn… Đặc biệt chữ chữ được láy lại tới bốn lần như nhấn mạnh nỗi  trăn trở, vất vả, khó khăn của người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo ngôn từ: Chữ chữ/ Hút vào nếp nhăn/ Trên những gương mặt/ Vừa nghẹn vừa nuốt/ Chữ chữ/ Như tóc rối/ Trong ống nước/ Như mắt cá/ Trong bùn/ (…)/ Vụm nước/ Trên mắt sàng/ Mắt sàng trên sa mạc / Mầm chữ trong cát (Phận chữ). Chúng ta thử hình dung, tóc rối trong ống nước thì sẽ dễ bị tắc, mắt cá trong bùn thì khó mà tìm thấy; nước chỉ có một “vụm” mà lại đựng bằng sàng thì đọng được bao nhiêu giọt, số giọt ít ỏi đó lại rơi trên sa mạc cát thì độ ẩm được bao nhiêu, gieo mầm chữ trong cát ấy thì bao giờ mới có thể nẩy thành cây? Qua những thi ảnh đó, người đọc đã hình dung được hành trình sáng tạo nghệ thuật ngôn từ quả là một lao động nhọc nhằn; đúng như Maiacopxki đã viết: Để tinh luyện ra một từ duy nhất / Phải lấy nghìn tấn quặng chữ mà nung (bản dịch của Hồng Thanh Quang).

Ngoài ra, tác giả còn có nhiều kiểu lặp khác. Chẳng hạn, lặp cuối: Thế giới sẽ ra sao/ Mặt người ngước lên cao/ Ánh sáng đổ về/ Vô vọng đổ về/ Tàn tích đổ về ; Mùa xa rồi/ Áo lá buông xa rồi…; lặp cả đầu, lặp giữa, lặp cuối và lặp cả cấu trúc câu: Cửa mở ra một người/ Cửa đón vào một người/ Cửa khép lại một người/ Chạm vào lá đã rơi/ Chạm vào cuống đã buông; Nước ru tôi im/ Rêu ru tôi mềm / Cát ru tôi nằm / Rác ru tôi thừa… Hoặc vừa lặp cấu trúc vừa đối một phần: Công chúa là em đây/ Chàng già là anh đấy; Cao cao lân tinh thân cau/ Nâu nâu rơm phơi trăng thâu; Ngày hoa tạnh chỉ còn mây/ Đêm mây tạnh chỉ còn hoa …

Trần Hùng sử dụng đa dạng các kiểu lặp nhưng ông đặc biệt ưa thích cách lặp liên hoàn, tiếp nối giữa các dòng thơ: từ/ ngữ cuối cùng của dòng thơ trước được lặp lại ở liền ngay đầu dòng thơ kế tiếp theo, để cho dòng thơ sau gối lên dòng thơ trước, tạo nên sự liên hoàn, vấn vít, đan quyện. Đấy cũng là một trong những dấu hiệu hình thức đặc trưng để nhận ra thơ ông:

Từng cơn nhớ về bình yên/ Bình yên thắp lên nếp cắn nhẹ nhàng / Nhẹ nhàng đỡ sương…; Dưới vực sâu là một lâu đài/ Lâu đài đầy khói; Hoa đêm bốn mùa/ Bốn mùa mưa hoa; Câu hỏi hình như cho hoa lau/ Hoa lau bận lao xao từ đèo tới đèo… Đây là kiểu lặp được sử dụng trong nhiều tập thơ khác của Trần Hùng, chẳng hạn, trong tập “Mùa xa”: Trôi dưới mây/ Dưới mây trôi  (Trên tàu bay); Hoa cải vàng bay bay trên sông/ dòng sông im mơ mơ cánh đồng/ Cánh đồng thơm như tóc (Sương hương bay)… Kiểu lặp này cũng đã từng xuất hiện trong “Chinh phụ ngâm’ (bản dịch của Đoàn Thị Điểm): Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu … Vì thế, thơ Trần Hùng có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tính hiện đại trong thơ của ông nằm trong hệ thống thi ảnh được sắp xếp trong không gian ba chiều, được kết nối bằng những liên tưởng của chính người đọc.

Nhà văn Hoàng Kim Ngoc, tác giả bài viết

3. Từ ngữ mang màu sắc liêu trai, siêu thực, đa nghĩa

Mỗi tập thơ là một chặng đường thơ của Trần Hùng. Và ứng với mỗi khoảng thời gian sẽ có một nét trạng thái tinh thần chủ đạo. Nếu như tập “Thảm thắc”, “Vườn khuya” là sự trong trẻo, “trinh tĩnh đầu nguồn” (chữ dùng của Văn Giá) thì đến “Mùa xa” (2015) là một tinh thần “buông”, là trạng thái “dứt”: “Thôi nhé ta đi đây ta không chơi với em đâu”, bởi “mũi tên ra đi bao xa bao nhiêu rồi cũng trở về mặt đất”, tất cả trở thành quá khứ, kỉ niệm “mùa xa”… Cái tâm trạng ấy dù có che đậy kín đáo bao nhiêu cũng bị phơi ra trên câu chữ. Ta dễ nhận thấy sự góp mặt của vô thức trong sáng tạo ngôn từ của tập thơ “Mắt mắt khuya từng đàn”. Trong tập thơ này, chúng ta thấy dường như có thế giới tâm linh tồn tại, “giao ứng” với thế giới thực tại. Thiên nhiên cũng có linh hồn, chúng nhập vào con người và con người nhập vào thiên nhiên. Sự hiện hữu ấy phát ra những tín hiệu đặc biệt mà chỉ nhà thơ nào đặc biệt nhạy cảm, có khả năng giao hoà các giác quan mới có thể cảm nhận được.

Màu sắc cổ tích được thể hiện qua những hình ảnh công chúa ngủ trong rừng, người già thành hài nhi, chiếc trâm gài bóng cỏ, lâu đài dưới vực sâu đầy khói… Và một trường từ vựng gợi không khí liêu trai, ảo diệu, ma mị ấy đã xuất hiện với những thi ảnh như: mộ trăng, mồ sương, núi ma, lân tinh thân cau, trăng lu,  trăng thâu, chồn nhung trong truyện Bồ Tùng Linh, ai tru âm u, sương nữ khóc ai trên đường khuya, tiếng khóc đâu đó cao như tiếng sếu, tiếng đạp rào qua canh tư…, cùng sự xuất hiện của những cái bóng: bóng người phất áo xa xăm, bóng người buông từ tầng cao, bóng bóng lặng im, bóng cũ, bóng cỏ, bóng Sương nữ … Văn Cao có :Sơn nữ ca”, Trần Hùng lại có ‘Sương nữ ca”. “Sơn nữ ca” là bài ca người con gái miền núi. Còn “Sương nữ ca” phải chăng là bài ca người con gái trong sương hoặc như sương (?). Nhan đề bài thơ đã gợi một vẻ đẹp liêu trai, có một độ nhoè về hình ảnh.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy Trần Hùng có xu hướng sử dụng một số từ có ý nghĩa nhòe mờ, siêu thực, đa nghĩa; đồng thời còn sáng tạo ra những từ mới, biểu tượng mới dựa trên tri thức nền của văn hóa truyền thống phương Đông.

Ở mỗi giai đoạn sáng tác, mỗi nhà thơ thường để lại ấn tượng ở một vài kí hiệu trung tâm neo vào trí nhớ người đọc. Với Trần Hùng, trong tập “Mắt mắt khuya từng đàn”, trước hết, đó là màu trắng mang dấu ấn tâm linh, siêu thực (khác với “trắng trong thơ Lê Đạt luôn gợi dẫn đến sự trắng trong và hình hài trắng đẹp của thiếu nữ” ; thơ Hữu Thỉnh nhiều màu tím; thơ Xuân Quỳnh có nhiều màu xanh…). Màu trắng hình như ám ảnh nhà thơ Trần Hùng một cách vô thức. Trước đây, trong tập “Mùa xa” đã xuất hiện những màu trắng ấn tượng như: cá trắng, kiến trắng, chữ trắng, chim trắng trắng, thời trang trắng trắng… thì đến tập “Mắt mắt khuya từng đàn”, màu trắng càng trở nên ám ảnh, siêu thực trong thi ảnh mưa trắng, trái trắng, cỏ trắng… “Trắng” trong thơ Trần Hùng có rất nhiều nghĩa, có thể là màu trắng, là không có gì, là khôi nguyên, trinh trắng: Khi đêm trắng mây trắng mưa trắng/ Cây sinh trái trắng; (Trăng như) phiếu trắng bầu vào đêm trắng; Cỏ thi cỏ thi/ Bao nhiêu trắng hết đêm nay đi/ Trắng hết những đêm xuân sang hè… Có thể thấy, nhiều hình ảnh trong thơ Trần Hùng luôn gợi sự liên tưởng liên văn bản. Chẳng hạn, hình ảnh “cỏ thi” màu trắng (tên khoa học là Achillea) là một loài cây họ cúc sống khỏe hết mình nên dân gian đã dùng nó làm vật  tâm linh để bói toán xin thần linh tiết lộ thiên cơ. Hình ảnh “cỏ thi”, “lá đôi phủ mặt” của Trần Hùng cũng gợi liên tưởng tới “cỏ bồng thi”, tới chiếc lá diêu bông, tới hành động “xòe tay phủ mặt chị không nhìn” mà Đỗ Lai Thúy đã phân tích như là ẩn ức tính dục kín đáo trong thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ Hữu Việt nhận xét: Thơ Trần Hùng “luôn thấp thoáng bóng hình một người phụ nữ” . Điều đó đúng. Nhưng nếu như biểu tượng người nữ hiện lên trong thơ Hoàng Cầm là yếm thì trong thơ Trần Hùng là tóc. Tập “Mùa xa” nhắc đến tóc nhiều lần như một biểu tượng kín đáo của tình yêu: Một sợi tóc rơi xuống hồ lặng lẽ/ thật nhẹ nhàng mà không thể cầm lên; Tóc giữ câu thề, tóc mãi không về; Mơ những ngón kem ngủ trong tóc ẩm; Tóc em như đàn kiến đêm miên man; Người bay về bên trời/ Kìa xa xa bồng bênh tóc trôi; Ước gì được ngậm tóc em/ Làm hạt mầm nằm sâu trong tuyết; Tóc nước ngậm đầy; Em miên man sợi tóc lạc bầy; Đâu đâu cũng tóc em thủy mặc … Tóc cũng trở thành một ám tượng trong thơ Trần Hùng. Cho nên trong tập thơ mới này, nó được bật ra vô thức khiến ông sáng tạo ra một từ láy độc lạ lơn tơn lóc tóc (đóng dấu bản quyền Trần Hùng) trong bài thơ có nhan đề là “Đồng dao” mang âm hưởng dân gian hiện đại: Rồi mưa rung mưa rây zích zắc/ Ai mang áo tơi mang áo tôi/ Đồi gai lên lơn tơn lóc tóc/ Sấm lên măng sấm ngồng…

Ngoài những kí hiệu như trắng, sương, tóc… thì từ “hoang” cũng neo ghim vào trí nhớ người đọc. Nếu như ở tập “Mùa xa”, những kết hợp với từ hoang: Ta như cây rơm đồng hoang, mùa mùa muỗi hoang, đường hoang, rừng hoang , hoang ca, cây hoang, gieo hoang…còn có thể giải thích được bằng nét nghĩa có trong từ điển thì đến tập thơ “Mắt mắt khuya từng đàn”, nhiều kết hợp với từ hoang rất lạ lẫm: vó hoang, dòng hoang, sóng hoang, vây hoang. Tuy nhiên, chúng lại dường như tạo sinh nghĩa mới bằng cách tổng hợp nét nghĩa của nhiều từ: hoang vu, hoang sơ, hoang dã, hoang liêu, hoang mang, hoang tưởng, đi hoang…: “Tận cùng dòng hoang sóng hoang rồi/ Ngập ngừng làm sao vây hoang ơi”…

Thơ Trần Hùng có nhiều tiếng gọi kết hợp với đại từ đâu đó ơi mơ hồ, phiếm chỉ, không xác định. Cũng thế, đại từ  ai trong tiếng Việt là một đại từ phức tạp, đa nghĩa, đa ngôi, vốn có tính chất nước đôi, “ỡm ờ” xuất hiện nhiều trong ca dao và trong thơ của các bậc tiền nhân cũng góp mặt nhiều trong thơ Trần Hùng. Chẳng hạn, từ ai trong ca dao: Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ai?; Ai đi đâu đấy hỡi ai/ Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm; Trăm năm ai chớ bỏ ai / Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim; Có ai thêm bận vì ai / Không ai giường rộng chiếu dài dễ xoay… Và đây là từ ai trong thơ của các bậc tiền nhân: Cái tình là cái chi chi/ Ai chi chi cũng chi chi với tình (Nguyễn Công Trứ); Khóc vì nỗi thiết tha sự thế/ Ai bày trò bãi bể nương dâu (Nguyễn Gia Thiều); Ai đương độ ấy lăm răm mắt/ Tớ đã bây giờ lún phún râu (Tản Đà); Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà (Hàn Mạc Tử)…

Đại từ ai trong thơ Trần Hùng đã có sự tiếp nối với truyền thống thơ ca Việt trong nhịp điệu đồng dao nhưng có dấu ấn tâm linh: Tiếng ai tru âm u trăng lu/ Tiếng ai hong hong như tơ giăng; Lơi vơi ới a rã rơi/ Ai ngây ngấy trong mắt ai/ Ời lua lua đêm thu trăng lu/ Ời hạ huyền then gài bóng cũ; Hình như mạch hở trong vườn/ Sáng nay ai chân trần trên cỏ/ Ơi đâu đó ơi… Trong cảm nhận của nhà thơ, thiên nhiên cũng có linh mạch: mạch cây trong đất, mạch hở trong vườn…

Đại từ này trong thơ Trần Hùng cũng trở nên đa nghĩa, bởi nó đảm nhiệm cả hai vai trò cùng một lúc: vừa là đại từ chỉ định (này, kia, ấy, nọ, đó, đấy) vừa là trợ từ nhấn mạnh: Cài hoa vàng lên mặt/ Hôn lên bức tường này/ song cửa lạnh này / Miết một đường lam vào u tối này/ Mực ứa vào giấy trắng. Từ nào trong thơ ông cũng vừa là đại từ để hỏi vừa là trợ từ biểu thị sự nhấn mạnh thêm về điều vừa nêu ra với người đối thoại, với hàm ý thuyết phục : Lên cao xem ngọn chuông nào/ Chìm sâu tìm rễ chuông nào. Vì thế, chủ thể của câu thơ vừa là của tác giả vừa là của chính người đọc, người tiếp nhận tạo ra sự gần gũi trong giao tiếp. Không khí liêu trai, hình ảnh tượng trưng và những đại từ phiếm chỉ, không xác định… đã tạo cho thơ Trần Hùng một vỏ bọc khó hiểu và càng trở nên huyền bí, mê dụ…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Trần Hùng

4. So sánh tu từ độc đáo

Thơ Trần Hùng có rất nhiều so sánh đắt, độc, lạ. Ở những tập thơ trước, người đọc đã từng ấn tượng với cách ví von như: Em vời vợi mơ xa rồi cuối cùng cũng trở về anh/ Về đau như nhung (Vời vợi mùa xa). Đau như nhung là đau thế nào, phải chăng đó là nỗi thấm đau vô cùng dịu dàng. So sánh của ông vừa hiện đại vừa truyền thống, ví dụ: Người đi như sương gót sương tinh khiết / người như là cây da mồi nẩy lộc (Sương hương bay) thì hình ảnh da mồi nẩy lộc lại gợi nhớ câu ca dao: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây biểu thị sự lạc quan của con người. Hoặc: Em như cá trong đàn/ Mê man đường vây trong trùng trùng ánh nước thì lại gợi liên tưởng tới những câu ca dao ví thân phận người nữ với cá: Em như con cá rô thìa/ Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu; Thân em như cá giữa rào (sông) /Kẻ chài người lưới biết vào tay ai… Tuy nhiên, tính chất, trạng thái của em – cá trong thơ Trần Hùng đã rất khác.

Đến tập thơ mới “Mắt mắt khuya từng đàn”, so sánh của Trần Hùng vẫn vừa quen vừa lạ nhưng ấn tượng hơn. Quen vì cái được so sánh vẫn là những hình ảnh cụ thể, gần gũi trong tâm thức Việt nhưng cái tính chất, trạng thái của sự vật lại là những phát hiện cực chính xác mà rất ít người nhận thấy. Có thể dẫn ra vài trường hợp, chẳng hạn: Ý nghĩ/ như chiếc võng / Muốn mắc vào/ Mà hiên nhà chỉ còn một cột…. Hoặc bài thơ ngắn có nhan đề là “Bình yên” nhưng lại được diễn giải như sau: Đêm qua/ Tim tôi như cánh đồng/ Cánh đồng đầy bóng giặc. Thử hỏi, khi “Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô/ Nhà ta cháy…” (Hoàng Cầm) thì làm sao trái tim còn có thể bình yên? So sánh này chính là một cách nói ngược tạo ấn tượng mang dấu ấn dân gian kiểu như: Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng… Và như vậy nghĩa là chưa thể bình yên. Làm sao có thể bình yên về một đời sống hiện đại còn nhiều bất trắc, căng thẳng khi “rắn xanh” có mặt ở khắp nơi: Rắn xanh trong giầy/ Rắn xanh trong nhà trong vườn … khiến cho Đám đông thất vọng/ Đám đông hoảng loạn…

Thêm vào đó, Trần Hùng còn có những so sánh hiện sinh mang màu sắc hậu hiện đại: Em bên anh / Như bên đống quần áo cũ lên men/ Trong gác xép . Nó gợi nhớ đến sự ví von trong thơ Hoàng Hưng: Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm/ Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác. “Anh” được ví như “đống quần áo cũ lên men” ẩm mốc bốc mùi khó chịu trên cái gác xép chật chội tối tăm; vậy mà em vẫn chấp nhận, vẫn ở bên không rời xa thì chỉ có thể nói đó là do chữ duyên (chữ Duyên cũng chính là nhan đề được nhập luôn với ba dòng thơ này để hoàn thành một bài thơ có kết cấu tối giản). Duyên chính là cái chất keo để đôi lứa gắn bó với nhau. Thực tế cuộc sống đã có những trường hợp mùi khó ngửi của người này lại là xạ hương của người kia. Chả thế mà Hoàng đế Napoleong từng gửi thư cho hoàng hậu Josephine với lời nhắn: “Em yêu, đừng tắm rửa. Ta sắp về rồi!”…

Có thể nói, tập thơ ‘Mắt mắt khuya từng đàn” đã tạo được ấn tượng ngôn ngữ: về cách đặt nhan đề độc đáo, gợi liên tưởng; về việc sử dụng nhiều thanh bằng, phong phú các phép lặp, đặc biệt là lặp liên hoàn, tiếp nối giữa các dòng thơ đã tạo cho câu thơ, bài thơ có nhạc tính riêng; về trường từ ngữ mang màu sắc liêu trai, siêu thực, đa nghĩa; về những so sánh mới lạ. Tập thơ mang dấu ấn một giai đoạn sáng tác mới của Trần Hùng. Hệ thống ngôn từ trong tập thơ đã gián tiếp phản ánh tâm trạng, suy nghĩ của tác giả trước hiện thực đời sống còn nhiều bất trắc. Đồng thời cũng cho thấy dấu ấn vô thức trong sáng tạo của người nghệ sĩ đã góp phần tạo nên những bản quyền chữ nghĩa độc đáo.

HOÀNG KIM NGỌC

Trích nguồn: Vanvn,vn