1
Hắn co ro trong chiếc áo mưa mỏng tang mà người khách nào đó bỏ lại. Chiếc áo có mùi khét khét, hăng hăng khó chịu. Thứ mùi nhắc về mùi nhựa cháy bốc lên từ những đôi dép cũ lúc mẹ hắn “vá” bằng đầu con dao bài gỉ sét cắm trong lò than bùn. Những thứ mùi khó chịu từ kí ức lúc nhỏ được hắn xếp vào loại mùi xưa cũ. Đa phần thời gian từ lúc sống ở đây, hắn đều thấy khó chịu khi chợt ngửi thấy lại những mùi vị đó. Giờ đây, hắn chợt nhận ra, hắn thư giãn đến kì lạ, giống như được an ủi mỗi khi ngửi thấy lại những mùi vị ấy.
Có lẽ vì thế mà hắn cứ tấp cái xe đẩy chở ít đồ nghề cũ nát về đúng chỗ này mỗi tối thì phải. Gọi là xe cho sang chứ thực ra, trên trục bánh cũ của chiếc xe đấy tay bốn bánh đã hư hết khung sắt là cái thùng gỗ tạp hắn đóng lại rồi sơn lên lớp sơn trắng kẻ nổi dòng chữ màu đỏ tươi. Dòng chữ in đậm trong trí nhớ hắn về tấm bạt phủ ngoài cái góc con con lọt giữa hai bức tường của hai ngôi nhà mặt đường có vỉa hè lát đá xám. Khoảng vỉa hè ấy tuổi thơ hắn đã êm đềm trải những mùa hạnh phúc nhất của cuộc đời mà giờ hắn mới biết. Thứ mùi dĩ vãng cũ xưa ấy tưởng là nghèo đói rách rét nhưng giờ đây, với hắn lại là một khát khao.
Phải. Hắn thèm vị miếng bánh chưng cũ rán vàng giòn trong chiếc lập là nhôm móp mép bắc trên bếp dầu của mẹ ngày xưa, lúc hết Tết. Chồng bánh chưng khác nhau từ kích cỡ đến màu lá gói từ những nhà quanh phố mang sang cho anh chị em hắn cả trước và sau Tết. Mẹ hắn giữ kĩ lắm, cứ đem rửa rồi luộc lại, hoặc rán cho đến hết. Sáu đứa con lít nhít của mẹ cả cái Tết có lẽ dùng tiền ăn không nhiều bằng tiền mua rượu của bố. Chúng sống nhờ đồ hàng phố cho nhiều hơn bằng tiền ông bố nửa đời dành cho việc say quắc cần câu kiếm được bằng cách nhún cả thân mình ốm nhách trên cái bơm tay. Hắn thèm cả mùi vị bát canh chân rốc những ngày hè mẹ phụ bán ở chợ mang về, kì cạch giã lọc rồi thả mớ rau tập tàng lẫn cả dền gai và rau sam mọc dại anh em hắn mót ngay hè phố cũ.. Hắn thèm hơi nóng của miếng đậu hũ rán thiếu mỡ, giòn rộm hơi khét rều rệu lẫn miếng cơm gạo nở xôm xốp tưới chút nước mắm mặn gắt… Quanh hắn bây giờ, những món ăn na ná vậy họ bán đầy xung quanh khu chợ tạm này. Đói, hắn băng qua khúc cua, đưa tờ giấy bạc màu hồng cho bà cơm bụi, chỉ chỉ hai ba lần rồi nhận về chiếc hộp xốp trắng tinh đầy ú ụ đủ thứ nom gần giống món hắn thèm từ ngày xưa cũ. Quen rồi, bà hàng chẳng hỏi, hắn cũng chẳng phải nói. Đôi khi, quán ế, hắn chẳng chỉ mà bà hàng cứ gắp lia lịa, bỏ thêm bịch canh và vài trái ớt, quả chuối còn ương ương đưa lại hắn cùng tờ tiền màu xanh thối lại. Rồi hắn uể oải nhai nuốt, cố tưởng tượng ra mùi vị những thức ăn nom giống mà rất khác thứ hắn thèm và nhớ. Tưởng tượng ra cuộc sống cơ cực ngày bé để đừng nhớ đến những ngày hạnh phúc như ảo mộng mới mất đi…
Lâu rồi, hắn chẳng quan tâm gọi tên tờ tiền. Trên nền sơn trắng ghi chữ ‘ sửa xe” màu đỏ, dòng chữ sơn đen viết bằng bút lông bằng ghi giá tiền từng dịch vụ rất rõ ràng. Có lần, cô bé khách sinh viên mỹ thuật nói với hắn:
– Cháu ghé bơm xe chỗ chú bởi cái biển trên thành xe đó nhen chú. Cháu chưa từng thấy ai viết thư pháp đẹp như vầy. Chú tự viết phải hôn?
Có lẽ cũng giống những người khách quen, cô bé chẳng chờ nhận ở hắn câu trả lời. Khuôn mặt bị lấp bởi bộ râu quai nón và đôi mắt sẫm chẳng buồn ngước lên như sự công nhận thầm lặng . Hắn đưa tay nhận tiền, thối tiền cũng hờ hững và nhanh gọn như những động tác hắn sửa xe cho khách. Không bao giờ có động tác thừa. Cũng không bao giờ trả lời quá ba câu nhát gừng về tình trạng xe phải sửa. Vậy mà hắn lại đông khách. Đông theo nghĩa người ta vẫn chờ hắn sửa dù có thể dắt ra tiệm gần đó. Có lẽ vì giá hắn lấy rẻ. Có lẽ vì hắn làm nhanh và chuẩn xác. Có lẽ cả vì tính tình kì cục quái lạ của hắn. Phố mà. Họ luôn tò mò những thứ lạ lẫm. Và hắn lạ lắm. Hắn chả giống ai.
Vợ hắn từng bảo, giá được chọn lại cô ấy sẽ chọn người đàn ông hài hước luôn khiến cô ấy cười chứ không ở bên người đàn ông như hắn. Vậy nhưng câu nói cuối cùng cô ấy cố thều thào vào điện thoại lại là câu nói ngắn gọn nhất. Chỉ hai từ.
Yêu anh!
Thậm chí cô ấy còn tiết kiệm cả từ em. Giống mỗi khi hai đứa giận nhau, hay khi cô ấy đã nguôi giận nhưng muốn hắn dỗ dành… Nhiều đêm, trong những cơn nửa thức nửa ngủ chập chờn, hai từ “yêu anh” ấy cứ vọng đi vọng lại như tiếng ê cô chỉnh âm thanh của giàn karaoke tay trưởng phòng hành chính chỉnh mỗi sáng thứ hai chào cờ ở cơ quan cũ. Tiếng vọng cứ to dần, to dần rồi vỡ ra. Đôi lần, nó lại vang vọng giống tiếng hắn và bọn nhóc cùng xóm chơi trò âm dài cúi đầu vào chiếc giếng cạn nhà bà xẩm già cuối phố ngày xưa. Dội lại nhiều lần. Lành lạnh. Tiếng vọng nhỏ dần như sợi lụa mảnh quấn sau gáy hắn, miết nhẹ… Hắn thường giật mình chồm lên, quơ tay sang trái phía vợ hắn vẫn nằm bên hắn suốt sáu năm. Và rồi, có khi mồ hôi rã ra ướt lưng, có khi hơi lạnh như những chiếc gai nhỏ xíu cạ lên da thịt và rốt cục là hắn nghe thấy chính tiếng mình nức nở…
Tiếng yêu hắn đã mong chờ từ ngày đầu tiên nhìn thấy cô ấy cười trước bức tranh hắn vẽ chính mình. Buổi triển lãm đầu tiên thành công ngoài sức tưởng tượng của hắn. Khách đến vì những người tổ chức mời và cả đến vì tò mò. Hầu hết đều tấm tắc trầm trồ, tụm lại nghe mấy chủ phòng tranh rì rầm về hiện tượng mới trong biểu đạt hội hoạ. Không mấy ai để ý đến bức vẽ lạc lõng nằm trong góc khuất cuối lối rẽ hành lang sát ngay nhà vệ sinh. Cô ấy đã đứng đó rất lâu, bàn tay rờ nhẹ lên mặt khung tranh rồi ôm lấy ngực. Hắn đã kịp chạy từ giữa đám người ồn ào xưng tụng chỉ để tỏ ra mình am hiểu hội hoạ, hiểu hắn và chạm vào bàn tay nàng đang tra chìa khoá vào cửa xe. Hắn như tê liệt khi hổn hển đứng cạnh nàng. Lúc ấy, khao khát duy nhất đổ đầy phần trống rỗng trong tâm hồn hắn là đôi môi nàng đang hơi hé ra ngạc nhiên kia thốt lên từ “ em yêu anh”…
Cơm nưa sầm sập tới. Hắn co gối cho chân ép chặt vào ngực. Ngực hắn giờ lép kẹp, không còn những múi cơ nở nang phía trước hay phần cơ xô ra cạnh sườn trước đây vợ hắn vẫn thích lướt tay ve vuốt. Hắn sợ nhìn vào chính ngực mình, tay mình và cả khuôn mặt mình nữa. Mỗi khi da thịt ở từng khoảnh cơ thể ấy bị chạm tới là những hình ảnh của vợ con lại hiện lên như những thước phim quay chậm. khuôn mặt cô ấy trên ngực hắn, đôi mắt ngước âu yếm và đôi môi cong. Bàn tay cô ấy trên vai hắn. Hai cánh tay hắn ôm chặt thằng bé đã cứng đờ trong lớp chăn có hình siêu nhân màu đỏ… Hắn có cảm giác những khoảnh da thịt ấy đau đớn y như chính tâm hồn hắn đang cháy bởi ngọn lửa đau khổ. Đúng vậy, hắn đã cháy rụi, biến thành tàn tro từ cái ngày hắn ôm xác con trong tay và nghe hai từ cuối cùng kèm theo cơn nấc của vợ qua điện thoại. Từ ngày đó, hắn trở nên sợ rất nhiều điều. Hắn sợ da thịt mình nhớ đến từng đụng chạm của vợ con. Sợ nghe cả tiếng mình vì thói quen chạm tới thứ gì trong nhà cũng thường hỏi vợ. Hắn còn sợ cả nghe điện thoại. Bởi mỗi lần chuông reo, thứ cảm giác đau đớn của cuộc gọi cuối cùng từ số lạ với giọng nói nghẹn nứt của vợ như vang tới.
Họ thì thầm với nhau sau lưng hắn rằng hắn phát điên sau cái ngày cả vợ và con chết lúc cao điểm dịch covid-19 phá nát Sài Gòn. Kẻ thầm thì cãi lại, ngày đó hắn chưa điên. Khi mất hết cả nhà cửa, mất luôn công ty tổ chức sự kiện đang ăn nên làm ra của hai vợ chồng vì bị siết nợ sau đó hai năm hắn mới phát điên. Kẻ lại thì thầm, những chuyện đó chưa chắc làm hắn phát điên mà chắc tại do sự đau khổ cùng áp lực khiến hắn không thể vẽ lại được nữa nên hắn mới trở điên đi lang thang như vậy. Hắn còn thính chán, nghe thấy cả và luôn cúi mặt bởi hắn thấy họ nói đúng hết. Và hắn cũng dần tin, hình như hắn điên thật.
Mưa ràn rạt. Chiếc áo quá mỏng không chịu nổi sức nước tạt theo gió quật mà rách bung nhiều chỗ. Nước chảy vào cổ, quanh nách, quanh ngực rồi đẫm ướt toàn bộ thân trên hắn. Hiên nhà này mọi khi hắn vẫn ghé ngủ lại nếu có khách muộn và nằm co trong lòng xe đồ nghề mà ngủ tới hửng sáng. Bao lần mưa rồi, nước không thể tạt tới chỗ hắn ngồi được nhưng hôm nay hình như ảnh hưởng bão, gió đổi chiều tạt ngược. Hắn đứng lên, kéo chiếc xe sát thêm vào mé giữa mấy bậc cấp khô ráo rồi mở cái hộp tôn lôi ra bộ quần áo sạch. Hắn đặt chiếc điện thoại đã tắt chuông vào sát cánh cửa, thay quần áo và ghé vai tựa vào góc tường. Bức tường thật ấm áp. Ấm như nắng chang chang ban ngày hấp thụ hết vào mảng tường dày này vậy. Và phảng phất mùi thơm. Hình như là mùi nhang bài quyện với mùi hoa ly trắng từ sau khe cửa thoảng ra. Hắn hít một hơi dài rồi duỗi chân, tựa đầu vào góc cửa cạnh tường mà thiếp đi. Kệ cơn mưa ngoài kia. Cơn mưa trong da thịt hắn đang rã hắn ra mà chảy từ từ như nước. Nhẹ bỗng. Bồng bềnh.
2
Đã hai ngày rồi, anh ta vẫn ở trạng thái ngủ lịm. Hiền gỡ dây khỏi cánh tay anh ta và đặt máy đo huyết áp lên đầu tủ. Cô vắt chiếc khăn ướt lau chỗ bẩn nơi cổ anh ta. Tay cô chạm vào lớp da chùng trên cái yết hầu nhọn nhô cao, nỗi xót xa dấy lên khiến lòng cô như thắt lại, xốn xang nơi mắt..
Sớm qua, vừa mở cửa để bắt đầu buổi chạy bộ hiếm hoi cuối tuần thì cô đá phải chiếc điện thoại nằm ngay giữa cửa. Hình dạng người đàn ông đổ trên bậc cấp bất động, lờ mờ như bao tải hàng la ghim người ta hay vứt trên vỉa hè chờ người nhận. Nếu không có chiếc xe đẩy sơn trắng đỏ án ngữ cạnh đó và chiếc điện thoại, có lẽ cô đã không nghĩ đó là hình hài con người. Anh ta sốt rất cao và gần như hôn mê suốt hai ngày nay. May mắn cho anh ta, với tình trạng suy kiệt mức ấy nếu không được phát hiện kịp thời có lẽ anh ta đã nhẹ nhàng sang thế giới bên kia mất rồi. Không, phải nói là anh ta may mắn ngã gục ở cửa nhà cô, đúng thời điểm cô được bệnh viện duyệt cho nghỉ phép năm để hoàn tất công trình nghiên cứu bị gián đoạn bởi hơn hai năm covid mới đúng.
Chiếc điện thoại rung phía trên mặt bàn, một hồi rồi ngắt. Rồi nó lại rung, lần này lâu hơn và không có dấu hiệu người gọi sẽ ngắt nữa. Từ hôm qua tới giờ, khi cô cắm sạc để kiểm tra xem chiếc điện thoại cô đá phải có hư hay không nhiều lần màn hình sáng lên báo hiệu có tin nhắn từ những dãy số.. Nhưng đây là lần đầu có ai đó gọi đến. Trên màn hình nhấp nháy chữ “mẹ” với phông chữ nghiêng mảnh. Cô trượt tay rồi bật loa ngoài.
– Alo, bác sĩ Cao Mai Hiền nghe đây ạ
– Alo, ai đấy? Ai nghe máy của thằng Sơn vậy?
Vậy ra anh ta tên Sơn.
– Dạ cháu là bác sĩ của bệnh viện Bình Dân. Hiện anh Sơn đang điều trị ở chỗ chúng cháu. Bác vui lòng cho cháu thông tin đầy đủ của anh Sơn ạ.
– Nó bị sao vậy bác sĩ? Liệu nó có làm sao không? Trời ơi, con tôi. Thằng bé bất hạnh.. Vợ con nó chết cả hồi covid đấy. giờ cũng được hai năm rồi. mai là ngày giỗ vợ con nó mà cả tháng nay tôi không cách nào liên lạc với nó. Nó khổ lắm bác sĩ ơi.. Xin hãy cứu con tôi…
Hơn ba mươi phút hỏi đáp xen giữa những câu than kể của người mẹ già, Hiền tóm tắt được mọi điều cơ bản về người đàn ông suy dinh dưỡng nặng, tâm thần bất ổn đã ngã gục ngay trước nhà mình. Chắp nối những lời kể xen trong sự khẩn cầu lo lắng của người mẹ, Hiền được biết thêm anh ta từng có một gia đình hạnh phúc. Làm chủ một công ty sự kiện cùng ngườu vợ xinh đẹp và cũng mất đi tất cả theo cơn sóng dịch bệnh và sự tổn thương sâu sắc của kinh tế hậu dịch. Sự mất mát của anh ta quá lớn. Lớn tới nỗi bất cứ ai trong hoàn cảnh đó chắc cũng khó lòng đứng vững lại được. Huống chi anh ta còn chẳng có nơi để về.. Huống chi mảnh đất này lưu dấu những gì đẹp nhất của cuộc đời anh ta…
Cô không cắt nghĩa được tại sao cô lại hứa với người mẹ rằng sẽ chữa lành cho anh ta. Cô cũng đã không làm theo nguyên tắc thông thường của một bác sĩ với bệnh nhân cấp cứu. Có lẽ ngay khi xốc thân hình cao gày nhẹ bỗng như một tiêu bản khử nước vào nhà mình thay vì gọi và chờ xe cứu thương tới, cô đã vô thức thực hiện bằng được điều đó. Ở người đàn ông này có điều gì đó khiến không chỉ bản năng của một bác sĩ thúc giục cô chú tâm, mà còn khiến phần bản năng chở che của phụ nữ trong cô bộc phát. Có lẽ ở anh ta có thứ gì đó gợi nhắc đến những điều từng thân thuộc. Những thứ gợi nhắc về nỗi đau âm ỉ cứ hiện hữu, co bóp phập phồng theo mỗi nhịp đập trong trái tim cô. Phải chăng vì nỗi đau của cô và của anh ta quá giống nhau? Nỗi đau một ngày, khi tưởng hạnh phúc sẽ đầy ắp mãi mãi chợt tan biến để đổi lại sự mất mát khủng khiếp. Sự mất mát mang tên cái chết. Trống hẫng. Tàn nhẫn. Và tạo thành lỗ thủng kí ức không thể vá đầy …
Và cô nhận ra, anh ta có quá nhiều nét giống bác sỹ Quân, hôn phu của cô, đồng đội bên cạnh cô trong những ngày 24/7 trực chiến tại bệnh viện dã chiến. Đám cưới đã thật gần thì covid 19 ập đến. Và nếu như không gánh trên vai trọng trách bác sĩ cấp cứu tim phổi khi ấy, cô cũng không biết cô có đủ sức mạnh vượt qua sự ra đi đột ngột của Quân không. Đau đớn đến tận cùng khi cô vẫn đều tay đếm nhịp bóp bóng cấp cứu cho bệnh nhân lúc đồng nghiệp đẩy chiếc xe Quân nằm xuống phòng xác. Cô nhớ, lúc đó mọi thứ quanh cô như đông đặc. Cả nước mắt, hơi thở đến trái tim như bị xiết chặt vo tròn trong ngực. Duy nhất đôi mắt nữ bệnh nhân vừa tỉnh dưới tay cô cầu khẩn neo cô lại với thực tại. Đôi mắt đẹp như biết nói đã khiến cô bình tĩnh lại. Để rồi sau đó, như sự kì diệu của số phận, cô ấy yêu cầu được nói chuyện với chồng và cô đã bấm điện thoại của chính mình cho cô ấy được nói lời cuối với người thương yêu.
Lúc đó, cô đã thầm ghen tị với nữ bệnh nhân ấy. Cô ấy còn may mắn hơn cô. Giá cô kịp nói với Quân lời yêu thương mà anh ấy rất thích nghe còn cô lại hay làm nư không chịu nói. Không, thậm chí cô có thể nằm ở vị trí của cô ấy để nói với Quân để đổi cho anh được sống. Trong cuộc đời bác sĩ, chứng kiến bao nhiêu cái chết không thể cứu, sự đau đớn đến tàn nhẫn của cái chết do covid 19 ám ảnh cô đến kiệt sức. Cái chết nghẹn chặt, nhanh chóng và lạnh lùng mang âm hưởng của nốt lặng tàn nhẫn đến vô biên…
3
Hắn thấy toàn thân ấm áp. Da tay chân chạm vào lớp dra lụa mát dịu thật dễ chịu. Căn phòng rộng trống thênh. Ga gối có mùi hương lavender hăng hắc. Rèm cửa sổ và tường cùng màu xám. Đây rõ ràng là phòng nam giới nhưng bức họa treo phía cuối giường lại vẽ một phụ nữ rất đẹp. Vẻ đẹp tinh nghịch toát lên từ dáng đứng thọc tay trong hai túi áo blu y tế, cái trán rộng và đôi mắt thông minh. Người vẽ bức tranh này hẳn là người phải thân thuộc và hiểu nhân vật rất rõ nên mới phác ra nét ẩn tinh tế như kia. Có nghề đấy. Nhưng xem ra, anh ta chọn màu cho nền tĩnh vật phía sau chưa mấy ổn khiến cô gái như ở trong một không gian thiếu ấm áp và bình an. Ý thức trở lại trong sự tỉnh táo khiến hắn giật mình tự hỏi, sao mình lại ở trong một căn phòng lạ. Cảm giác nằm trên tấm nệm phẳng giữa không gian thơm tho ấm cúng quen quen như lúc xưa lâu lắm rồi, hắn từng tỉnh dậy như thế mỗi sáng trong ngôi nhà của mình. Nhưng rồi, hắn giật mình vì hiện thực gần ập về. Sàn chiếc xe đẩy cứng ngắc, đôi chân dài như dính chặt khớp gối ở tư thế gập khi hắn co người như bào thai để nằm lọt mà ngủ. Hay cái lạnh của thềm bê tông nhà ai đó thấm ngược qua tấm chăn lót vào da thịt hắn. Hoảng hốt, hắn ngồi bật dậy, loạng choạng lần ra cửa.
Người phụ nữ đứng trước bức chân dung vẽ bằng than chì. Mái tóc dài xoăn nhẹ cột hờ sau chiếc gáy mảnh. Chiếc váy hoa tím tren nền trắng có điểm những đốm lá xanh nhẹ lay động theo cơn gió lùa vào qua cửa sổ. Hắn sững sờ khi nghe chính miệng mình thốt lên:
– Hân! Hân ơi! Là em sao Hân?
Người phụ nữ quay lại và hắn nhận ra, nhân vật trong bức chân dung trong phòng đang nhìn mình. Đôi mắt cô ấy ngấn nước, hai má đỏ ửng biểu hiện cơn xúc động nén chặt. Đôi mắt người đàn ông trong bức than chì như đang nghiêng theo bước chân của người phụ nữ tiến về phía hắn. Bàn tay ấm nóng, mềm mại nắm hờ khuỷu tay hắn dắn hắn ngồi xuống sô pha:
– Tôi là bác sĩ Hiền, người cuối cùng ở bên vợ anh khi cô ấy đi. Hân đã rất thanh thản sau khi nói lời yêu anh và cô ấy ra đi nhẹ nhàng. Anh hãy bình tâm lại và hãy sống thay cả cuộc đời của hai mẹ con cô ấy..
– Làm sao tôi có thể.. Bác sĩ làm sao hiểu được tôi đã mất đi thứ gì..
– Tôi hiểu chứ! Hiểu rất rõ nữa là khác. Người đàn ông của tôi đã ra đi cùng ngày với vợ anh. Ngay tại nơi ấy, trước mặt tôi khi tôi đưa điện thoại vào tai cô ấy để nói chuyện với anh..
Bàn tay nhỏ bé nắm chặt đặt trên đùi. Những đường gân xanh nổi cao cho thấy người phụ nữ đang cố kìm sự xúc động lại. Hắn nghe trái tim mình đau thốn. Cơn đau như xé toang lồng ngực hắn khi mường tượng cảnh người phụ nữ này đứng cạnh vợ hắn, dõi mắt theo xác người đàn ông kia rời đi. Cô ấy có lẽ không nói hay nghe được lời trối trăng cuối của người thương giữ tiếng động cấp cứu, tiếng máy thở và trợ tim tít tít… Hắn đã tưởng nỗi đau của hắn là sự thống khổ cao nhất. Nhưng có lẽ cô ấy cũng không khá hơn… Mà không, cô ấy hẳn dằn vặt hơn vì lúc ấy chẳng thể chìm vào nỗi đau khổ mà tự dày vò mình. Cô ấy phải nén lại mà cứu những người như vợ hắn..
Đôi mắt người đàn ông trong bức vẽ như xoáy sâu vào tâm can hắn. Trạc tuổi nhau thôi nhưng anh ta đã xong hành trình đời mình, để lại người phụ nữ nhỏ bé này với nỗi đau giống hắn. Trái tim hắn như tan ra, nỗi đau ùa vỡ tạo thành tiếng nức nở lần đầu tiên hắn nghe từ chính giọng mình.
– Ngày mai tôi và anh cùng tới chùa thăm họ nhé. Anh hãy ở lại căn phòng của anh ấy tới khi nào anh khoẻ hẳn. Không, anh có thể ở lại đến khi anh đủ mạnh mẽ để bắt đầu lại mọi thứ nếu anh muốn. Tôi bận hoàn thành luận án trong thời gian tới nên anh cứ tự nhiên..
– Cô tin tôi sao? Họ đều nghĩ tôi điên..
– Anh quên tôi là bác sĩ sao? Có nhiều lúc tôi cũng muốn hoá mình thành người điên như anh nhưng không thể. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh với cuộc đời này. Nỗi đau và nghịch cảnh là điều ta phải vượt qua chứ không thể bắt ta dừng lại chìm đắm, bỏ quên mình trong đó. Tôi tin, cô ấy và con trai anh đang cùng nhau dõi theo anh, dõi theo người đàn ông họ yêu thương để được thấy anh mạnh mẽ và sống tốt thế nào. Cũng giống anh ấy đang dõi theo tôi vậy…
– Tôi có thể sửa một chút bức chân dung tự hoạ kia không? Dường như anh ấy chưa kịp hoàn thiện nó?
– Cảm ơn anh! Đó là điều anh ấy loay hoay mãi mà chưa làm được. Xin nhờ vào tài năng hoạ sĩ của anh nhé. Cả bức chân dung tôi anh ấy cũng muốn chỉnh..
– Tôi đã thấy. Cho phép tôi làm ngay bây giờ được không?
Nắng xuyên qua tấm rèm the rọi lên mu bàn tay hắn. Bàn tay đã hai năm chưa thể cầm lại bút vẽ giờ đang lướt dứt khoát mảnh than chì trên nền toan. Đôi mắt người đàn ông trong hình như sáng hạnh phúc hơn, khoé miệng như cười viên mãn sau những động tác tỉ mỉ của hắn. Bác sĩ Hiền ngồi lặng trên sô pha, nhìn hình ảnh người đàn ông của mình hiện lên chính xác trên bức vẽ thấp thoáng sau vai người hoạ sĩ. Ánh mắt anh ta cũng loang loáng nước hướng về phía ánh sáng ngày mới đang rọi tới.
Căn phòng yên lặng. Ánh nắng nhảy múa theo thay sự chuyển động của mép viền chiếc rèm bay lất phất tạo những đốm tinh nghịch trên nền nhà. Ánh sáng của ngày mới đang khiến cả hai người họ cảm nhận được sự tái sinh…
NGUYỄN THU HÀ SG
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: