- 1. Đại Việt, năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769), dưới triều vua Lê Hiển Tông, phía Tây kinh thành Thăng Long có một tửu lầu khá nổi tiếng tên là Hoa Xuân Lầu. Đây được xem là chốn ăn chơi bậc nhất kinh thành, nơi mà đám công tử nhà giàu, văn nhân, mặc khách, thương gia, trọc phú cho đến quan lại, quý tộc đều thường xuyên lui tới. Họ điên cuồng đổ tiền như nước vào những cuộc ăn chơi trác táng mà chẳng cần biết đến ngày mai. Khách làng chơi còn đùa rằng, ở đất Thăng Long này, có ba nơi không bao giờ tắt đèn cho đến khi mặt trời ló rạng, thứ nhất là cung vua Lê, thứ nhì là phủ chúa Trịnh và thứ ba chính là…Hoa Xuân Lầu.
Tửu lầu đệ nhất kinh thành ấy có đủ hai thứ mà đám đàn ông đều ham muốn trên đời, đó là rượu ngon và gái đẹp. Đầu tiên là rượu, không hiểu mụ chủ Hoa Xuân Lầu có bí quyết gì mà rượu ở đây lạ lắm. Nó êm dịu khi người ta muốn say nồng nhưng lại khiến người ta say nồng khi họ chỉ muốn tìm chút êm dịu. Thói đời, đàn ông đến chốn thanh lâu, mấy ai không muốn uống cho đến khi say nồng. Nhưng thứ rượu họ đổ vào cuống họng rất lạ. Càng uống, càng tỉnh, càng tỉnh lại càng uống. Uống cho đến khi họ thèm khát cồn cào thứ mà Hoa Xuân Lầu còn có nhiều hơn rượu, đó chính gái đẹp.
Lại phải trầm trồ khen mụ chủ Hoa Xuân Lầu trong cái khoản này. Vốn là gái bán hương đã hết thời, mụ thấy mình chẳng còn xuân sắc để cạnh tranh được với đám ca kỹ trẻ trung, mơn mởn. Thế là sau tháng ngày làm đĩ ba phương, với số vốn trong tay, mụ đến kinh thành gây dựng nên Hoa Xuân Lầu. Đám tay chân của mụ có chân rết khắp cả nước, thường xuyên có mặt tại các thôn quê để tìm ra những “hương đồng gió nội” cho đám khách làng chơi cả thèm chóng chán. Và trong một lần như thế, tên đệ tử của mụ đã dắt về một con gà đẻ trứng vàng, đó là một nàng ca nữ xinh đẹp tuyệt trần nhưng quyết chỉ “bán nghệ chứ không bán thân”.
Nàng ta có một cái tên rất là yêu kiều: “Đông Mai”.
———————-
- Hôm nay, Hoa Xuân Lầu lại đông khách như mọi khi. Theo thông báo, đệ nhất danh kỹ Đông Mai sẽ chỉ múa một bài duy nhất. Cánh làng chơi đã biết tin này cả tuần trước nên khi mặt trời chưa lặn, họ đã đổ về chật kín để giành chỗ, khiến cho đám người hầu phải vất vả lên xuống phục vụ. Tất cả đều háo hức hướng về sân khấu, nôn nao chờ đợi giây phút nàng Đông Mai xuất hiện. Trăng đã lên, rượu đã ngà ngà nhưng chưa thấy người đẹp trong mộng đâu, đám khách bắt đầu nôn nóng, làm huyên náo khiến cho Thẩm Nương – mụ chủ của Hoa Xuân Lầu phải tự mình đến thúc dục.
– Nàng ơi ! Nàng định để cho các quan nhân chờ đến bao giờ? Họ sắp phát điên cả rồi.
Thẩm Nương vừa nói vừa khẩn khoản khi thấy Đông Mai vẫn còn ngồi bên khung cửa sổ. Nàng quay lại, buồn bã. Từ khi mặt trời chưa lặn, Đông Mai đã ngồi ở đó, đưa ánh mắt nhìn xuống đám người bên dưới. Người mà nàng chờ đợi hôm nay không đến. Trong thâm tâm, nàng chỉ muốn dâng điệu múa đêm nay cho người ấy mà thôi. Trước sự thúc dục của Thẩm Nương, Đông Mai vẫn bình thản như không. Ở bên dưới, đám khách làng chơi đã sốt ruột lắm rồi.
– Nói với họ, hôm nay tôi mệt trong người, không thể múa được.
Thẩm Nương tái cả mặt:
– Trời. Nàng làm thế là giết nương rồi.
Đông Mai mỉm cười:
– Bà sợ gì chứ? Chúng ta có “người ấy” chống lưng, kẻ nào dám quấy phá?
Nghe vậy, Thẩm Nương chỉ đành thở dài quay đi. Đây không phải là lần đầu tiên mụ ta chứng kiến sự đỏng đảnh của Đông Mai. Nhưng nàng ta tính khí ngang bướng lắm, một khi đã không chịu tiếp khách thì dù có làm gì cũng không lay chuyển được. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời chứ biết làm sao. Dưới lầu, đám khách đã phát điên, chửi bới huyên náo. Nhưng Đông Mai chẳng thèm quan tâm.
Nàng nép mình trên gối, tương tư đến âu sầu. Sao chàng không đến? Chẳng phải, chàng hứa sẽ đến xem điệu múa mà em mới nghĩ ra ư? Hay chàng chỉ tìm vui chốc lát bên em nên buông vội câu hứa đầu môi? Cả tá câu hỏi bủa vây lấy người ca nữ. Khuôn mặt xinh đẹp của nàng héo úa như đóa phù dung dưới ánh chiều tà.
Bỗng, tiếng gõ cửa vang lên.
– Tôi đã nói là…
Không đợi nàng dứt câu, cánh cửa đã mở ra. Đó không phải là Thẩm Nương mà là một người đàn ông cao lớn nhưng lại có khuôn mặt thanh tú, đôi lông mày sắc đậm, ánh mắt sáng rực, cương nghị như dòng thác đại ngàn. Đông Mai vỡ òa trong hạnh phúc. Nàng lao đến ôm chặt người đàn ông. Đôi tay ngọc ngà của nàng siết chặt người ấy như không muốn dứt ra.
– Quan nhân ! Sao đến bây giờ chàng mới đến?
Vị khách không đáp, lặng lẽ vòng đôi tay ôm lấy Đông Mai vào lòng. Chàng không có nhiều thời gian.
– Chàng không nhớ em à?
Đông Mai thủ thỉ.
– Có chứ. Ta nhớ nàng. Nhớ đến điên dại.
Chàng nói mà gần như sắp khóc. Đông Mai có thể nghe được tiếng thở hổn hển của chàng. Cùng với trống ngực thình thịch, gấp gáp. Hôm nay chàng lạ lắm. Nét suy tư cứ hằn lên trong đáy mắt. Cứ như là lần cuối chàng ở bên người mình thương.
– Ta lại phải đi rồi.
Chưa dứt câu, chàng đã toan quay đi nhưng Đông Mai đã kịp níu lại. Chàng sửng sốt khi thấy, nàng đã trút bỏ y phục, để lộ “một tòa thiên nhiên” tuyệt mĩ, với những đường cong đầy mê hoặc mà biết bao gã đàn ông ngoài kia thèm khát. Nhưng Đông Mai chỉ muốn dành nó cho chàng mà thôi.
– Chàng ở lại cùng với em đêm nay được không?
Vị quan nhân đứng lặng khi Đông Mai đến gần. Đôi môi chàng hấp hé, run rẩy khi cặp nhũ hoa áp sát vào ngực. Cơ thể cường tráng của chàng như mềm nhũn ra trước hơi ấm từ da thịt của giai nhân. Một mùi thơm tự nhiên tỏa ra như sợi dây vô hình trói chặt người đàn ông. Nàng ghì cổ chàng xuống sát mặt mình. Và rồi, những đôi môi tìm thấy nhau trong những chiếc hôn nồng nàn. Bỗng, chàng ngừng lại đột ngột khiến Đông Mai bẽ bàng.
– Chàng chê em ư?
Vị quan nhân lắc đầu. Chàng lấy chiếc áo choàng của mình khoác cho Đông Mai rồi âu yếm lên trán nàng một nụ hôn:
– Hãy chờ ta ! Xong việc rồi, ta sẽ đưa nàng rời khỏi đây. Chúng ta sẽ đến một nơi thật xa, làm một đôi vợ chồng như bao người. Nhưng bây giờ ta phải đi…
– Quan nhân…- Đông Mai rưng rưng – Chàng sẽ về tìm em chứ?
– Ta hứa!
Vị khách lên ngựa rồi phi thẳng, để lại sau lưng nàng ca nữ yêu kiều cứ bịn rịn trông theo. Lòng chàng rối bời. Chàng cũng muốn bên nàng say giấc đêm nay, càng muốn đưa nàng rời khỏi chốn ấy ngay lập tức, để cùng nhau sống những tháng ngày hạnh phúc yên bình. Nhưng bây giờ thì không thể, chàng còn một sứ mệnh phải gánh vác. Chàng không thể bỏ mặc một người ngay lúc này mà đi được. Bởi chàng là Lương Việt – võ sỹ thân tín của Đông cung Thái tử Lê Duy Vĩ đương triều.
Nhìn Đông Mai buồn bã trông theo bóng người thương, Thẩm Nương lắc đầu rồi lặng lẽ rời đi.
“Chúng ta chỉ là những quân cờ trong tay “người ấy”. Không bao giờ cô thoát khỏi tay “người ấy” được đâu”.
———————-
- “Sao ngươi lại quay về?”
Thái tử Lê Duy Vĩ ngạc nhiên. Lương Việt quỳ xuống:
– Bẩm, thần không thể bỏ mặc Người lúc này.
Lê Duy Vĩ nhìn người thuộc hạ thân tín, xúc động trước sự trung thành của chàng. Nhà Lê tuy được trung hưng nhưng chỉ còn là hư vị, mọi quyền hành đều trong tay họ Trịnh. Tiếng là tôn phò nhưng thực chất lại áp chế nhà vua. Muốn cho ai làm vua thì cho, muốn phế ai thì phế, muốn giết ai thì giết, chẳng chút kiêng dè. Ngay chính vua Lê Hiển Tông (cha ruột của Thái tử Lê Duy Vĩ) lên ngôi cũng là do chúa Trịnh Doanh bức vua Lê Ý Tông thoái vị nhường ngôi. “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”. Nếu không phải vì lòng người còn hướng về nhà Lê thì có lẽ họ Trịnh đã xưng đế mất rồi.
Thái tử Lê Duy Vĩ vốn là người có tư chất thông minh, giận vì nhà vua mất quyền, thường vẫn khảng khái nuôi chí thu phục lại quyền bính cho họ Lê. Lại thêm việc năm xưa, Thái tử có hiềm khích với Trịnh Sâm (khi đó là Thế tử) càng khiến cho hai nhà Lê – Trịnh nuôi sẵn oán hận, bằng mặt nhưng chẳng ưa lòng.
– Bẩm Thái tử ! Qua thông tin mà thần điều tra, cái chết của Đô ngự sử Lê Đạo có liên quan đến một tên sát thủ mà giang hồ gọi là “Vô Ảnh Kiếm Nhân”.
Lê Duy Vĩ sầm nét mặt.
– Vô Ảnh Kiếm Nhân?
– Vâng. Khám nghiệm tử thi cho thấy, Lê đại nhân chết bởi một vết chém rất sâu ở yết hầu. Đối chiếu với những người bị giết bởi “Vô Ảnh Kiếm Nhân” trong thời gian gần đây thì hoàn toàn trùng khớp.
– Tên sát thủ đó là ai?
– Bẩm ! Cho đến nay, thân thế của hắn vẫn là điều bí ẩn. Chỉ biết, hắn nắm trong tay tuyệt kỹ “Vô ảnh kiếm” đã thất truyền, chưa ai sống sót khi giao đấu với hắn. Rất có thể, kẻ nào đó đã thuê hắn giết Lê đại nhân.
Lê Duy Vĩ cố xâu chuỗi lại các dữ kiện. Tất cả mọi hướng đều dẫn đến một cái tên.
– Trịnh Sâm lên ngôi Chúa chưa lâu đã thanh trừng một loạt quan lại không chịu quy thuận họ Trịnh. Lê Đạo từng dám lên tiếng về việc họ Trịnh lấn át quyền bính của nhà vua. Rất có thể, cái chết của ông ấy có bàn tay của Trịnh Sâm trong đó.
Thái tử ngừng lại, nhợt nhớ ra một chuyện nữa. Cũng là điều làm chàng bất an bấy lâu.
– Hôm qua, giếng núi Tam Sơn ở phía sau Đông Cung lại bị sét đánh…
Lương Việt kinh hãi. Đây không phải là lần đầu xảy ra việc đó. Nửa năm trước, giữa đêm thanh vắng, giếng núi Tam Sơn cũng bị sét đánh. Thái tử dùng thuật số, biết được mình sẽ gặp nạn, bèn nói để vua biết. Vua Lê Hiển Tông cũng làm lễ cầu đảo xin cho Thái tử thoát nạn. Nay giếng núi Tam Sơn lại xảy ra việc đó, càng khiến Thái tử tin rằng tai họa sắp đến. Chính vì thế, Thái tử mới dặn Lương Việt đến Hoa Xuân Lầu chuộc thân cho Đông Mai rồi đưa nàng rời khỏi kinh thành để tránh tai họa. Lương Việt là thuộc hạ của Thái tử, nhưng hai người xem nhau như ruột thịt, làm sao chàng có thể bỏ mặc Thái tử lúc này.
– Thái tử ! Ý trời khó tránh nhưng xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Lê Duy Vĩ lờ mờ hiểu ra:
– Ý ngươi là…
Lương Việt ghé sát người Thái tử mà nói nhỏ. Lê Duy Vĩ xúc động, ôm chặt lấy người huynh đệ của mình. Ván cược của Thái tử với số mệnh chính thức bắt đầu. Vừa lúc ấy, một cơn gió thổi qua chiếc áo choàng còn vương vấn mùi hương khiến Lương Việt nhớ Đông Mai da diết. Chàng gạt đi, siết chặt thanh gươm, đưa mắt nhìn về phủ chúa Trịnh xa xăm.
———————-
- Lại một đêm tối mịt, không trăng, không sao. Phủ chúa Trịnh lên đèn. Xa hoa. Tráng lệ. Đêm nay, Chúa thượng không đến cung hợp hoan làm cho đám thái giám mừng như bắt được của. Chúng sẽ không phải chạy ngược chạy xuôi lo cho cả tá cung nữ sửa soạn nếu may được gọi vào ân sủng. Trong khi đó, đám cung nữ lại thở dài tiếc cho công sức sửa soạn cả chiều mà chẳng được hầu hạ mình rồng.
Đã về khuya, Trịnh Sâm vẫn còn ngồi trong thư phòng, trầm tư gõ những ngón tay lên bàn. Hai người thân tín là Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc và Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh đứng dưới, hết nhìn nhà Chúa lại nhìn nhau, hồi hộp chờ lệnh. Tiếng gõ bàn của những đầu ngón tay chậm dần rồi ngừng hẳn.
– Cách đó liệu có được không?
Trịnh Sâm cất lời. Phạm Huy Đĩnh nghe vậy bèn vội tâu:
– Bẩm Chúa thượng ! Chỉ có cách đó mới có thể giúp Người diệt trừ hậu họa, cắt bỏ ưu phiền bấy lâu trong lòng. Xin chớ nên chần chừ kẻo bỏ lỡ thời cơ.
Trịnh Sâm không đáp, quay sang nhìn Hoàng Ngũ Phúc.
– Việp quận công ! Ông nghĩ sao?
Hoàng Ngũ Phúc cau mày, không biết nói sao cho phải.
– Bẩm Chúa thượng ! Đúng là Thái tử đã có bụng khác với nhà Chúa, nhưng xét sự tình, Thái tử vốn được tiếng thông minh, am hiểu kinh sử, lại ưu hiền đãi sĩ, được thần dân mến mộ, xưa nay chưa có điều tiếng gì, lại còn được Ân Vương yêu quý, gả Quận chúa Tiên Dung, với Chúa thượng cũng là em rể. Nay ta bịa cớ đó để bắt Thái tử liệu có…
Không đợi Hoàng Ngũ Phúc nói hết, Phạm Huy Đĩnh đã chen ngang:
– Quận Việp ! Sắp khởi sự rồi, sao ông còn nói những lời làm nản lòng Chúa thượng?
Hoàng Ngũ Phúc cự lại:
– Quận Thiều ! Tôi chỉ muốn hành sự cẩn trọng, để Chúa thượng không phải chịu tiếng…
– Đủ rồi ! – Trịnh Sâm cắt lời – Ta triệu các người vào không phải là để nghe cãi nhau.
Nghe vậy, hai vị quận công bèn cúi gập người tạ lỗi. Trịnh Sâm rời khỏi ghế, chậm rãi đến gần đám tâm phúc. Lời của Hoàng Ngũ Phúc không phải là không có lý. Nhớ năm xưa, chỉ vì bà Chính phi đuổi ông ra khỏi chiếu, không cho ngồi cùng với Lê Duy Vĩ đã khiến cho người kế vị của nhà Chúa thề rằng dưới vòm trời Thăng Long, kẻ này sống thì kẻ kia phải chết, không thể cùng nhau tồn tại. Nhưng đó là chuyện hồi xốc nổi. Nay ông đã bước lên ngôi Chúa, dưới một người trên cả vạn người, đâu thể vì oán giận năm xưa mà hành sự thiếu suy nghĩ. Nhưng giá như Lê Duy Vĩ chịu giống như cha mình, an phận với cái hư vị hoàng đế, còn việc nước cứ để nhà Chúa gánh vác thì đâu đến mức phải đi nước cờ hiểm ác này.
– Mọi việc cứ theo kế hoạch ! Đêm mai, đầu giờ Hợi[1], lập tức khởi sự.
Trịnh Sâm ra lệnh. Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Huy Đĩnh cúi đầu tuân mệnh rồi vội rã rời đi. Cánh cửa phòng vừa khép lại, Trịnh Sâm chậm rãi nói:
– Vô Ảnh ! Ngươi nghe cả rồi chứ?
Từ phía sau, một nữ nhân mặc áo tím bịt mặt xuất hiện. Không ai biết danh tính của ả, nhưng Trịnh Sâm biết rất rõ. Ả chính là Vô Ảnh Kiếm Nhân, tên sát thủ khét tiếng giang hồ với tuyệt kỹ “Vô ảnh kiếm”. Dưới tay ả, không biết bao nhiêu kẻ đã làm ma không đầu. Chẳng ai có thể ngờ, “Vô Ảnh Kiếm Nhân” lại là đàn bà và càng không thể ngờ, đó lại là tâm phúc của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm.
– Phần còn lại ta giao cho ngươi ! – Trịnh Sâm nói.
– Xin Chúa thượng yên tâm ! – Ả sát thủ cúi đầu lĩnh ý – Thuộc hạ xin cáo lui để chuẩn bị.
Trịnh Sâm lắc đầu:
– Không ! Đêm nay, ngươi ở lại hầu hạ ta.
Ả sát thủ chững lại.
– Bẩm, nếu là chuyện chăn gối…
– Ngươi không muốn ư?
– Bẩm, thân thể Vô Ảnh tanh hôi, sợ vấy bẩn mình rồng.
Trịnh Sâm cau mày, không vừa ý.
– Ngươi đã từng thề với ta như thế nào?
Ả sát thủ quỳ xuống:
– Bẩm, Vô Ảnh chưa từng quên.
Trịnh Sâm cúi xuống, tháo chiếc khăn che mặt của ả sát thủ, rồi đưa bàn tay thô ráp của mình lên má ả ta và nói:
– Qua đêm mai, ngươi sẽ được tự do ! Nhưng đêm nay, đừng trái ý ta.
Ả sát thủ im lặng không đáp. Dưới ánh đèn hiu hắt, ả miễn cưỡng trút bỏ y phục. Trịnh Sâm hài lòng trước sự trung thành của ả. Đêm nay, biết bao cung nhân thèm khát được sủng ái, nhưng nhà Chúa chẳng thèm đoái hoài. Chúng hành lạc với ông theo cách giống nhau, ngoan ngoãn và mơ mộng. Vậy nên, Trịnh Sâm muốn ả sát thủ hầu hạ mình, xem thân thể gái giang hồ như thế nào. Trong mắt vị Chúa thượng, đàn bà trong thiên hạ dù có là ai chăng nữa thì trước sức mạnh của uy quyền, cũng chỉ là tấm đệm nhục thể cho quân vương thỏa mãn xác thịt.
Trịnh Sâm đổ ập xuống thân thể người đàn bà. Ngấu nghiến. Một mùi thơm tỏa ra từ ả kích thích người đàn ông quyền lực đến man dại. Nhưng khi đôi môi khô khốc đang khát tình dừng trước đôi môi đỏ mọng, ả lại hờ hững quay đi khiến Trịnh Sâm phật ý. Chưa người đàn bà nào trong đời dám từ chối nụ hôn của vị quân vương họ Trịnh. Trước đây. Bây giờ. Và cả sau này cũng sẽ như thế.
Với những ngón tay cứng như sắt, Trịnh Sâm bóp lấy cổ của ả, nói trong từng tiếng thở dốc:
– Ngươi…là của ta ! Cả thể xác…và…linh hồn.
Ả sát thủ vẫn im lặng. Một cơn gió thổi qua làm tắt ngọn nến trên bàn. Bóng tối bủa vây lấy căn phòng, nơi hai cơ thể lõa lồ đang đè lên nhau. Nhờ đó, không ai thấy được khóe mắt đỏ hoe của người đàn bà giang hồ.
———————-
- 5. Đầu giờ Hợi cũng là phiên lính canh trong cung đổi gác. Phạm Huy Đĩnh thay hết bằng người của mình rồi dẫn một toán thân binh hùng hổ tiến vào Đông Cung, toan bắt Thái tử trước rồi mới tâu lên vua. Đám người đạp cửa xông vào thì thấy Thái tử vẫn thản nhiên đọc sách trên bàn, xung quanh không có ai. Phạm Huy Đĩnh lớn tiếng:
– Thái tử ! Vâng lệnh Chúa thượng, chúng tôi đến đưa Người về tra xét!
– Ta có tội gì mà phải tra xét ? – Lê Duy Vĩ bình thản hỏi.
– Có người tố giác Thái tử thông dâm với cung nữ của Ân Vương[2]! – Phạm Huy Đĩnh đáp.
Nghe vậy, Thái tử cười khinh bỉ và nói:
– Có người tố giác hay là các ngươi bày trò để vu oan cho ta?
Phạm Huy Đĩnh nhìn Thái tử mặt không chút biến sắc, ngờ có phòng bị trước.
– Thái tử, oan hay không, xin hãy theo chúng tôi về phủ Chúa là sẽ rõ.
Nghe đến đó, Thái tử bật dậy và quát lớn:
– Khốn kiếp ! Lũ các ngươi ăn lộc của nhà Lê ta mà lại hùa theo họ Trịnh thâu tóm binh quyền, bức bách thiên tử. Để giữ tình giao hảo giữa hai nhà, phụ hoàng ta đã phải nhẫn nhịn đủ đường nhưng họ Trịnh lại được nước lấn tới. Nay tên nghịch tặc Trịnh Sâm lại vu oan ta tư thông với người của Ân Vương, thật đúng là bỉ ổi. Chỉ có phường vô sỉ mới làm điều ấy. Lũ các ngươi cũng một giuộc với hắn, cũng vô sỉ chó lợn như nhau cả.
Phạm Huy Đĩnh vẫn điềm nhiên khi nghe những lời chửi mắng, hắn nâng thanh gươm lên rồi nói:
– Thái tử ! Xin hãy theo chúng tôi về phủ Chúa. Đừng để chúng tôi ra tay làm Người phải chịu thêm nỗi đau thể xác.
– Hahaha…- Thái tử cười lớn – Anh em võ sỹ !
Dứt lời, từ bốn phía, mấy chục võ sỹ mặc áo đen ập vào, tuốt gươm vây lấy đám người của Phạm Huy Đĩnh. Hắn không thể ngờ rằng, Thái tử đã cho người mai phục sẵn từ trước.
– Giết sạch bọn chúng cho ta ! – Thái tử hét lên.
Ngay lập tức, đám võ sỹ liền xông tới. Phạm Huy Đĩnh cũng thét quân xông lên. Hai bên lao vào nhau chém giết dữ dội. Một góc Đông Cung bỗng trở nên náo động. Mặc dù ít người hơn, nhưng các võ sỹ của Thái tử vẫn áp đảo được đám thuộc hạ của Phạm Huy Đĩnh. Nhìn lũ chó săn tối tăm mặt mũi, Thái tử cười lớn rồi bỏ đi, để mặc cho cuộc chém giết vẫn còn diễn ra.
Một ánh chớp rạch ngang màn đêm kéo theo một cơn mưa nặng hạt. Lê Duy Vĩ biết mình chẳng còn nhiều thời gian bèn cất bước thật nhanh về tẩm cung của vua Lê Hiển Tông. Trong cung vắng hoe, không có lấy một bóng người. Bỗng, Lê Duy Vĩ nghe được tiếng ho mỗi lúc một lớn ở trong buồng. Chàng đau lòng khi thấy cha đau ốm mà không có người túc trực chăm sóc. Nghe tiếng bước chân, vua Lê Hiển Tông thều thào hỏi:
– Là…là ai…ở ngoài đó ?
– Là con đây…là Duy Vĩ đây thưa cha…- Thái tử nghẹn ngào ôm lấy cha mình rồi òa khóc như một đứa trẻ.
Vua Lê Hiển Tông nhận ra con trai, cũng ôm lấy chàng mà khóc theo. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của vị vua già đã một đời nhẫn nhục. Lê Duy Vĩ nước mắt giàn dụa mà nói:
– Phụ hoàng ! Chúng hành động rồi. Trịnh Sâm và bè đảng của hắn vu cáo con tư thông với người của chúa Trịnh Doanh. Vừa nãy, tên chó săn Phạm Huy Đĩnh đã đem quân vào Đông Cung để bắt con.
Nghe vậy, vua Lê Hiển Tông bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Chuyện họ Trịnh thâu tóm quyền hành, bức ép nhà Lê ai cũng biết nhưng vua Lê Hiển Tông phải nhắm mắt làm ngơ, miễn sao tránh được tai họa cho cả hoàng tộc, đặc biệt là Thái tử. Với cả, nhà Chúa tranh quyền của nhà Vua thì cũng phải ôm cái lo của vua. Phúc hay họa, âu cũng chỉ là do cách nghĩ. Thế nhưng, mọi tính toán của vị vua già giờ đây đã tan theo mây khói.
– Ta thật nhu nhược…- Vua Lê Hiển Tông vừa nói vừa cố gằn cơn ho đang đè nặng cuống họng – …thân là vua một nước…mà chẳng thể che chở…cho con mình, để lũ nghịch thần hãm hại…
Nói đến đó, vua Lê Hiển Tông ho một tiếng thật mạnh khiến máu mồm ộc ra. Lê Duy Vĩ kinh hãi vội đỡ lấy cha, đoạn tức giận gọi người tìm Thái y. Vua Lê Hiển Tông lắc đầu xua tay:
– Không có ai đâu con. Lũ thái giám và cung nữ…đều là người…của Trịnh Sâm. Chúng để mặc ta suốt mấy đêm thế này rồi.
Nghe vậy, Thái tử chỉ còn biết lặng người mà ôm lấy cha khóc ròng. Ngoài kia, cơn mưa ngày càng nặng hạt. Từ cửa chính, một đám người lăm lăm gươm giáo tiến về tẩm cung của nhà vua. Dẫn đầu không ai khác là Phạm Huy Đĩnh, theo sau là Hoàng Ngũ Phúc. Mặc dù đã mai phục trước nhưng với quân số ít hơn, đám võ sỹ của Thái tử chỉ giết được phân nửa thân binh của Phạm Huy Đĩnh trước khi Hoàng Ngũ Phúc kịp đến giải vây. Toàn bộ 30 võ sỹ là môn khách trong nhà Thái tử đều bị giết sạch. Sau khi xới tung cả Đông Cung mà không có ai, Phạm Huy Đĩnh nhận được tin có kẻ nhìn thấy Thái tử ở tẩm cung của Hoàng thượng bèn kéo đi bắt người.
Đám nghịch thần ở ngoài cung không dám tự tiện xông vào, bèn nói lớn:
– Muôn tâu Thánh thượng ! Có người tố cáo Thái tử thông dâm với cung nữ của Ân Vương. Theo lệnh Chúa thượng, chúng thần đến đưa Thái tử về tra xét. Được biết Thái tử đang náu ở chỗ của bệ hạ, xin hãy giao người cho chúng thần !
Dứt lời, đám lính cũng hùa theo, đồng thanh hét lớn:
– Xin Thánh thượng giao người !
Vua Lê Hiển Tông chết lặng, cứ ôm chặt lấy con mà không rời. Đám người của Phạm Huy Đĩnh cứ quỳ mãi ở ngoài điện, liên tục hô lớn đòi người. Biết không thể trốn tránh được, càng không muốn liên lụy đến vua cha, Lê Duy Vĩ chỉ biết đỡ vua Lê Hiển Tông lên giường, đoạn quay xuống dập đầu ba lạy:
– Phụ hoàng ! Đến lúc con phải đi rồi. Phụ hoàng xin đừng vì con mà hao tổn long thể.
Nói xong, Thái tử lau nước mắt, đau khổ rời đi. Vua Lê Hiển Tông nhìn con trai sắp bước vào chỗ chết còn mình thì lực bất tòng tâm, bất giác, bao uất hận dồn nén bấy lâu cứ thế trào ra dữ dội:
– Trịnh Sâm ! Người phải ép ta đến mức người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mới hả dạ hay sao? Trịnh Sâm…
Cứ thế, tiếng kêu gào thảm thiết của nhà vua vang ra ngoài cửa. Phạm Huy Đĩnh và Hoàng Ngũ Phúc chỉ biết nhìn nhau. Lê Duy Vĩ bước ra ngoài, thấy đám chó săn đứng sẵn ở đó, bất giác xúc động nghĩ đến các môn khách vì mình mà bỏ mạng. Phạm Huy Đĩnh vẫy tay ra hiệu, hai tên lính lực lưỡng toan cầm dây đến trói thì chàng gạt đi:
– Đến lúc này, các ngươi còn sợ ta chạy nữa hay sao?
Nghe vậy, Phạm Huy Đĩnh bèn cho người lui xuống. Cơn mưa vừa dứt, để lại những vũng nước còn loang lổ, ẩm ướt. Lê Duy Vĩ ung dung bước đi giữa bầy lang sói, nhưng trong lòng nôn nao xiết tả.
“Lương Việt ! Trông cậy hết cả vào ngươi”.
————————
- 6. Cùng lúc ấy, ở phủ chúa Trịnh, cánh cửa chính vừa bị bật toang, theo sau đó là tiếng thét dữ dội:
– Anh em! Giết bằng được tên nghịch tặc Trịnh Sâm cho ta.
Lời vừa dứt, những ánh đuốc bừng lên. Tiếng chân người, tiếng hò hét làm huyên náo cả khoảng sân đang im ắng. Bọn cung nữ và thái giám nháo nhác bỏ chạy khi thấy Lương Việt dẫn theo đám người áo đen hùng hổ xông vào. Từ hai bên tả, hữu, các vệ quân mai phục sẵn xông ra. Cuộc hỗn chiến mang theo vận mệnh của hai họ Lê – Trịnh bây giờ mới chính thức bắt đầu.
Giữa sảnh, Trịnh Sâm vẫn ung dung uống rượu. Cạnh đó, đội thị vệ đã tuốt gươm sẵn sàng. Đằng sau, đội súng hỏa mai với những khẩu súng được mua từ thương nhân Hà Lan cũng đã lên nòng. Uy lực khủng khiếp của thứ vũ khí ấy đủ sức hạ gục đám người đột nhập trong chớp mắt. Thế nhưng, Trịnh Sâm vẫn chưa muốn ra tay. Tháng ngày vừa qua thật quá tẻ nhạt, nay lại có cuộc đọ gươm mua vui thì còn chi hấp dẫn bằng. Điều mà Trịnh Sâm không ngờ là Thái tử có thể huy động được nhiều người hơn dự tính. Nhìn cách mà đám võ sỹ áo đen chiến đấu với lính trong phủ thì biết võ nghệ của họ quả không tầm thường.
Tuy vậy, Trịnh Sâm vẫn không hề nao núng, bởi ngoài đội súng hỏa mai, ông vẫn còn một quân cờ chưa sử dụng.
– Nghịch tặc Trịnh Sâm !
Lương Việt vừa nói vừa xoay người tránh mũi giáo đâm tới của một tên lính. Ngay sau đó, một võ sỹ có vết sẹo lớn trên má liền xông đến yểm trợ, xoay đao chém tên lính kia bay đầu. Máu phụt lênh láng. Người võ sỹ hét lên:
– Đại ca ! Mau giết Trịnh Sâm ! Bọn lính cứ để chúng tôi.
Lương Việt gật đầu, băng mình qua hàng lính dày đặc. Khoảng cách đến bàn rượu của Trịnh Sâm chỉ còn vài bước:
– Bảo vệ Chúa thượng !
Đám thị vệ thét lớn rồi hò nhau xông tới. Chỉ vài nhát chém, chúng gục ngay dưới thanh gươm sắc lạnh. Trịnh Sâm mặt vẫn chẳng biến sắc, còn vỗ tay tán thưởng cho dũng sĩ đệ nhất kinh thành. Thấy Trịnh Sâm ngồi một mình trên bàn, xung quanh không có ai bảo vệ nhưng không hề e sợ khiến Lương Việt khựng lại, có chút hoài nghi. Phải chăng hắn đã biết được kế hoạch.
– Đại ca ! Ra tay đi !
Tiếng hét của người võ sỹ mặt sẹo khiến Lương Việt bừng tỉnh.
Chàng nghiến răng:
– Nghịch tặc. Hôm nay ngươi phải chết.
Lưỡi gươm xé gió lao đi. Đúng lúc ấy, một bóng đen ập tới, chỉ dùng vỏ kiếm đã chặn được mũi gươm của Lương Việt. Đoạn, kẻ lạ mặt xoay người tung một chưởng hất chàng bật ngược ra sau mấy bước. Lương Việt định thần, nhận ra trước mặt mình là một nữ nhân mặc áo tím. Thấy thủ lĩnh bị đánh bật trở ra, người võ sỹ mặt sẹo lao đến, vung đao nhằm thẳng Trịnh Sâm mà bổ xuống. Thế nhưng, chỉ một cú xoay người nhẹ nhàng, lưỡi phi đao nhọn hoắt trong tay ả sát thủ đã găm phập vào cổ của người võ sỹ. Anh ta gục xuống, không kịp nhắm mắt.
– Ngươi đến đúng lúc lắm. Vô Ảnh !
Lương Việt giật mình. Vô Ảnh Kiếm Nhân. Tên sát thủ khét tiếng giang hồ với tuyệt kỹ “Vô ảnh kiếm” là nữ nhân ư? Lại còn là người của Trịnh Sâm nữa.
– Ngươi là Vô Ảnh Kiếm Nhân ?
Lương Việt vừa nói vừa đưa tay vuốt mắt cho võ sỹ mặt sẹo, lòng thề sẽ băm vằm ả để trả thù cho người anh em của mình. Ả sát thủ quay đi, như không muốn đối diện với ánh mắt giận dữ của chàng lúc này.
– Ngươi không thắng được ta đâu – Ả nói như cố không để lộ giọng thật của mình – Nếu muốn sống, hãy mau rời khỏi đây.
– Khốn khiếp !
Lương Việt rít lên rồi lao về phía ả. Thanh gươm cứ thế vung lên vụt xuống liên hồi. Thế nhưng, ả sát thủ chỉ xoay người tránh đòn chứ không đánh trả. Đúng hơn là ả không muốn đánh trả.
– Vô Ảnh ! Ngươi còn chờ gì mà không chịu xuất kiếm ?
Trịnh Sâm rốt ruột, vỗ bàn thúc gục. Trong phút mất tập trung, ả sát thủ bị Lương Việt chém đứt chiếc khăn che mặt. Một mùi thơm quen thuộc tỏa ra từ lớp vải cùng khuôn mặt của ả sát thủ hiện ra đột ngột khiến chàng chết lặng, không dám tin vào mắt mình.
– Đông Mai ! Là nàng ư ?
Đông Mai sững lặng, không đáp.
– Nàng là…Vô Ảnh Kiếm Nhân? Là tên sát thủ…giết người không ghê tay… khét tiếng giang hồ ư? Nói với ta…đây chỉ là mơ đi…nàng nói đi…
Lương Việt nói trong vô thức, đau khổ níu kéo chút hy vọng mỏng manh rằng điều khủng khiếp bày ra trước mắt không phải là sự thật. Đến lúc này, Đông Mai chỉ biết gật đầu. Lương Việt rụng rời khi hiểu ra mọi chuyện. Chàng và Thái tử đã cược một ván cờ mà đối thủ đã nắm hết mọi đường đi.
Chàng gào lên đến lạc cả giọng.
– Tất cả…đều là…kế hoạch của các ngươi phải không?
– Chàng ơi, em…! – Đông Mai đau xót cất lời.
– Câm mồm ! Đừng gọi ta như thế… – Lương Việt nghiến răng – Con ác nữ ! Ta thật có mắt như mù…khi đã tin yêu ngươi thật lòng…Ôi Thái tử ! Lương Việt có tội với Người !
Nhìn dáng vẻ đau khổ đến thảm hại của Lương Việt, Trịnh Sâm cười lớn hả hê. Đoạn, ông vẫy tay ra hiệu. Lập tức, đội súng hỏa mai với 50 tay súng từ bóng tối ập ra, chúng xếp thành ba hàng, chỉa súng về đám người đang hỗn chiến giữa sân. Lương Việt kinh hãi. Lẽ nào?
– Bắn !
Loạt đạn chết chóc thứ nhất vang lên. Không cần biết địch ta. Đám võ sỹ của Thái tử cùng bọn lính chúa Trịnh lẫn vào nhau trúng đạn, ngã xuống như rạ. Đến loạt đạn thứ hai, khoảng sân chỉ còn những cái xác chất chồng lên nhau trong những tiếng rên rỉ ai oán. Mùi tử khí ngập tràn phủ Chúa. Lúc này, còn mỗi Lương Việt trơ trọi giữa vòng vây.
– Sao ngươi có thể tàn nhẫn đến thế?
Lương Việt giận dữ hét lên, siết chặt thanh gươm lao về Trịnh Sâm khiến Đông Mai không kịp cản lại. “Bùm” ! Một âm thanh chát chúa vang lên. Lương Việt bị bật ngược ra sau, gục xuống với một vết thương trước ngực. Một làn khói trắng tỏa ra trước mặt Trịnh Sâm, khét đặc. Làn khói tan đi, để lộ ra một khẩu súng ngắn phương Tây lạ lẫm. Đông Mai vội chạy tới, toan đỡ Lương Việt nhưng lưỡi gươm của chàng lạnh lùng cự tuyệt:
– Con ác nữ ! Đừng để bàn tay nhơ bẩn của ngươi chạm vào người ta.
Đông Mai đau khổ nhìn người mình yêu ôm vết thương rỉ máu trên ngực. Đôi môi chàng đã nhợt nhạt đi rồi, nhưng ánh lửa căm hận thì vẫn bừng bừng trong đáy mắt. Ván cờ đã tàn cuộc. Trịnh Sâm cũng nói hết bí mật cho Lương Việt biết.
Hoa Xuân Lầu – chốn ăn chơi bậc nhất kinh thành Thăng Long lại là vỏ bọc của tổ chức gián điệp do Trịnh Sâm dựng lên, với mục đích thu thập tin tức, kiểm soát quan lại, thanh trừ những ai chống đối họ Trịnh. Tổ chức này hoạt động trong bí mật, ngay đến cả Phạm Huy Đĩnh, Hoàng Ngũ Phúc cũng không hề hay biết. Nhờ mạng lưới gián điệp cung cấp những thông tin quan trọng mà Trịnh Sâm đoán ra được kế hoạch của Thái tử và Lương Việt để tương kế tựu kế. Ngay cả việc Thái tử cho người mai phục trước để thu hút quân của Phạm Huy Đĩnh, Hoàng Ngũ Phúc hòng câu giờ cho Lương Việt có đủ thời gian đánh vào phủ chúa Trịnh.
– Ngươi biết kẻ đứng đầu tổ chức gián điệp của ta là ai không?
Trịnh Sâm ngừng lại.
– Là ả ta phải không? – Lương Việt chua chát đáp lại.
– Đúng vậy. Đệ nhất danh kỹ Đông Mai, đồng thời là Vô Ảnh Kiếm Nhân khét tiếng giang hồ. Tâm phúc của ta và cũng là…người mà ngươi đem lòng yêu thương.
Trái ngược với phản ứng dữ dội lúc nãy, Lương Việt im lặng để lắng nghe tất cả. Dù cho từng lời của Trịnh Sâm như từng vết dao cứa nát trái tim chàng. Đông Mai vẫn đứng đó. Không. Chàng lắc đầu. Đó không phải là Đông Mai. Đó là con ác nữ Vô Ảnh. Đông Mai của chàng đã chết rồi. Chết trong cái đêm chàng rời Hoa Xuân Lầu để về cung gặp Thái tử. Lương Việt gục xuống, máu từ vết thương đã loang đỏ cả ngực. Chàng biết mình chẳng còn trụ được thêm nữa.
– Vô Ảnh ! Giải thoát cho hắn đi.
Trịnh Sâm ra lệnh, toan quay đi thì lưỡi kiếm của Đông Mai đã lạnh lùng kề sát vào cổ.
– Chúa thượng ! Thế là đủ rồi.
Thấy chủ nhân bị uy hiếp, đám lính vội quay súng về phía Đông Mai. Trịnh Sâm vẫy tay ra hiệu cho chúng dạt ra, rồi nói:
– Cuối cùng, ngươi đã chịu xuất kiếm rồi à? Vì hắn mà ngươi dám đưa kiếm lên cổ ta? Ngươi quên rồi sao? Là ai đã cứu ngươi ra khỏi bãi tha ma, giữa những xác người đang bị lũ quạ rỉa thịt, là ai giúp ngươi báo thù cho cha mẹ, là ai đã dạy võ nghệ cho ngươi có được ngày hôm nay?
Đông Mai bình thản đáp:
– Thuộc hạ chưa từng quên. Nhưng 15 năm phục vụ ngài, vào sống ra chết để ngài ngồi vững trên ngai Chúa và cả…chuyện đêm qua….ngài lấy đi thứ vốn dĩ thuộc về người khác. Từng đó chưa đủ để Vô Ảnh trả ân tình năm xưa hay sao?
Trịnh Sâm thở dài.
– Ngươi yêu hắn thật rồi.
– Ngài cũng biết yêu ư? Không! Trái tim ngài gỗ đá làm sao hiểu được cái gọi là tình yêu chứ? – Đông Mai lắc đầu – Giờ ngài đã có mọi thứ mình muốn. Thái tử đã nằm trong tay ngài, những kẻ chống đối ngài cũng chẳng còn ai. Hà tất phải so đo với một người sắp chết. Hãy để Vô Ảnh đưa chàng ấy đi. Chàng cũng chẳng thể qua được đêm nay để khiến ngài phải bất an.
Không chờ Trịnh Sâm chấp thuận, Đông Mai vứt thanh kiếm xuống đất rồi quay về phía Lương Việt, đưa chàng lên đôi vai mảnh khảnh của mình. Bọn lính ập đến nhưng Trịnh Sâm ngăn lại. Chúng há hốc mồm khi thấy người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé lại có thể nhẹ nhàng cõng người đàn ông cao lớn trên vai. Trong cơn mơ màng, Lương Việt nói như mê sảng:
– Thái tử ! Thái tử ơi…
Đông Mai nắm lấy tay chàng, vỗ về:
– Chúng ta về thôi. Nơi chỉ có hai ta, chàng đã hứa phải xem điệu múa của em rồi mà…
– Thái tử…Thái tử…
– Trong lòng chàng chỉ có Thái tử, nhưng trong lòng em, chỉ có chàng mà thôi…
Trịnh Sâm lặng lẽ nhìn hai người rời phủ cho đến lúc khuất dạng. Lần đầu tiên, vị quân vương hiểu được rằng, không phải thứ gì mình muốn đều sẽ là của mình, đều sẽ khuất phục trước uy quyền của mình. Nhưng điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Gần đó, đám thái giám, cung nữ và binh lính đang hì hục dọn rửa lại sân. Chưa đầy canh giờ, phủ chúa Trịnh lại lên đèn, sạch sẽ, thơm tho, mọi sinh hoạt trở lại bình thường như chưa từng có cuộc hỗn chiến đẫm máu nào xảy ra.
Đến giữa khuya, kinh thành bỗng một phen náo động khi Hoa Xuân Lầu bốc cháy. Ngọn lửa dữ dội nhấn chìm ba tầng lầu khiến người ta chẳng kịp trở tay. Chốn ăn chơi xa hoa một thời trong phút chốc biến thành đống tro tàn. Những người chứng kiến tận mắt vụ cháy quả quyết rằng, khi ngọn lửa ác bốc lên tầng lầu thứ ba, người ta thấy nàng Đông Mai vẫn đang sưa sưa với điệu múa trước một người đàn ông.
Đó là một điệu múa rất lạ, chưa từng thấy bao giờ.
Nguyễn Anh Tuấn
Bài viết liên quan: