Năm 2025 là năm tuổi của nhà thơ Phạm Quỳnh Loan, với chị, đây là thời gian đánh dấu một hành trình 12 năm miệt mài sáng tác, bắt đầu từ năm Tỵ 2013. Với sự kín đáo và tinh tế trong phong cách viết, chị đã truyền tải những thông điệp sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc miền núi Tây Bắc.

Dự định chuyển sang viết truyện ngắn trong năm đặc biệt này là bước ngoặt, mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Quỳnh Loan. Những giá trị văn học mà chị tạo ra, dù đậm nét truyền thống, vẫn luôn mang khát vọng hội nhập quốc tế. Với chị, thơ là nghệ thuật và là sự kết nối tâm hồn giữa người sáng tác và độc giả.
Năm 2025 là năm tuổi của chị, vậy chị có cảm nhận gì đặc biệt về ý nghĩa của năm Tỵ này đối với con đường sáng tác văn học nghệ thuật của mình?
Năm 2025, năm cả nước đang có nhiều thay đổi bước sang kỷ nguyên mới, không chỉ là năm tuổi mà còn tròn 60 tuổi đời của tôi… Tôi có sự cảm nhận vô cùng đặc biệt bởi cũng bắt đầu từ năm Tỵ (2013) tôi bắt đầu cầm bút trên con đường VHNT (sáng tác thơ) với 12 năm miệt mài cũng thu được chút thành quả khích lệ bản thân. Và năm nay bắt đầu cho 1 năm Tỵ mới, một hy vọng mới cho 12 năm tiếp theo.
Tử vi cho rằng người tuổi Tỵ thường kín đáo, bình tĩnh, bảo thủ và bí ẩn. Chị có thấy những đặc điểm này phản ánh trong phong cách sáng tác hoặc trong cuộc sống của mình không?
Thật thú vị vì có vẻ như khá đúng cả trong cuộc sống và phần nào thể hiện trong sáng tác của riêng tôi, đặc biệt là sự kín đáo, tế nhị: Những nỗi niềm trăn trở, nỗi đau, sự cô đơn tận cùng được gói ghém để người đọc suy diễn, giải mã… và đôi chút bí ẩn (ẩn ý, khiến người đọc phải suy nghĩ, liên tưởng).
Trong các tập thơ đã xuất bản, như “Giấc mơ hoa Chi Pâu” hay “Núi thả bùa mây trắng”, chị đã truyền tải những thông điệp gì đặc biệt? Có hình tượng nào trong đó liên quan đến con rắn, biểu tượng của năm Tỵ?
Trong các tập thơ mà tôi đã xuất bản gần như sự xuyên suốt về chủ đề Dân tộc và miền núi. Núi đã sinh ra và nuôi tôi lớn lên, sự vô tư ngay thẳng, nét đẹp truyền thống, bản sắc, văn hóa, tập tục của đồng bào vùng cao Tây Bắc đã ăn sâu vào tâm trí và cứ thế như một mạch chảy trong các sáng tác. Nhưng rất tiếc chưa có hình tượng nào liên quan đến con rắn…

Năm tuổi 2025 có ý nghĩa đặc biệt với chị. Vậy chị có dự án sáng tác hoặc sự kiện gì để đánh dấu năm quan trọng này không?
Đúng! 2025 là một năm rất đặc biệt. 48 tuổi cầm bút học làm thơ. Sau tròn 1 giáp và năm nay 2025 tôi có dự định khởi đầu cho việc chuyển giai đoạn sang viết truyện ngắn để tận dụng tối đa sự chiêm nghiệm của 60 năm cuộc đời và hơn nữa…
Là hội viên của các hội văn học nghệ thuật lớn và đã đạt nhiều giải thưởng, chị nghĩ những giá trị văn học dân tộc thiểu số Việt Nam được chị chuyển tải như thế nào để vừa gần gũi với độc giả Việt, vừa mang tính hội nhập quốc tế?
Bản thân là người Kinh nhưng lại sống nhiều với đồng bào dân tộc miền núi, vì vậy những nét đặc sắc, giá trị văn học, văn hóa dân tộc đã bắc cầu đến với độc giả Việt, đó là ý thức trong mỗi bài viết của tôi. Còn với quốc tế vì không có vốn ngoại ngữ nên tôi còn nhiều hạn chế cần học hỏi…
Những chủ đề nào thường xuất hiện trong các tác phẩm của chị? Đâu là lý do những chủ đề đó trở nên quan trọng và gắn bó với sự nghiệp sáng tác của chị?
Tất nhiên rồi, như đã nói ở trên, chủ đề Dân tộc và miền núi luôn là thế mạnh, sự lắng đọng xuyên suốt trong các tập thơ tôi viết. Tuy nhiên tôi cũng đang cố gắng để mở rộng đề tài…
Chị đã in 5 tập thơ riêng và đạt 13 giải thưởng văn học nghệ thuật. Theo chị, yếu tố nào là quan trọng nhất để một tác phẩm thơ có thể chạm đến trái tim độc giả và giành được sự công nhận từ các giải thưởng?
Thơ cũng là người, vì vậy ngoài kiến thức thì để có bài thơ đẹp chạm trái tim người đọc, người viết phải có tâm hồn đẹp và luôn nuôi dưỡng…
Trân trọng cảm ơn chị!
Sao Mai
Bài viết liên quan: