Mừng tuổi mẹ – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Hiệp

“Tìm kiến lực lượng sáng tác trẻ trong quân đội hiện giờ cũng chẳng khác gì mò kim đáy biển. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân cũng đã mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng sáng tác trẻ nhưng hầu như kết quả cũng chỉ le lói… Nên phát hiện cây bút trẻ nào mới xuất hiện các bậc đàn anh hết sức nâng niu, truyền thụ kinh nghiệm và khích lệ tinh thần phát huy. Nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2023), Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu bạn đọc truyện ngắn của một người lính trẻ, tác giả Nguyễn Văn Hiệp.

Truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Văn Hiệp viết về người chiến sĩ đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Văn của Hiệp giàu cảm xúc, chứa đựng nhiều hình ảnh, chắc chắn sẽ còn nhiều khả năng tiến xa hơn nữa… Tuy rằng đến với con đường văn chương không đơn giản, mà đòi hỏi người cầm bút phải có nghị lực và quyết tâm cao. Nhiều nhà văn thế hệ trước đã phải hy sinh để có được những tác phẩm xứng tầm đến ngày hôm nay. ngắn của một người lính trẻ…” – Nhà văn Trần Đức Tĩnh giới thiệu.

***

Đợt diễn tập lần này quy mô lớn lắm, vì có sự hiệp đồng các quân binh chủng với nhau. Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu nên công việc chuẩn bị hết sức nặng nề, đòi hỏi tiến độ phải xong trước tháng mười hai để kịp cho việc đón tết. Lần đầu đón tết xa nhà, ở một nơi không phải quê hương của mình cũng khiến lòng tôi có chút bồi hồi. Sáng ra nhìn những chiến hầm còn đang đào dở. Tiểu đoàn trưởng đã la oang oảng với chỉ huy các đại đội khiến cả đơn vị đều nhăn mặt, ai cũng biết ông là người nóng tính nhưng lại được bù sự sâu sát và quan tâm tới anh em:

“Sắp diễn tập rồi mà giờ có mỗi cái hầm chỉ huy cũng chưa xong. Các anh làm công tác chuẩn bị thế này đây. Làm thì làm mà không là thì nghỉ hết đi”.

Một đứa ở dưới hầm nghe câu nói của ông liền vứt cái xẻng bộ binh xuống đất tức giận nhìn vào anh em nói:

“Có giỏi thì xuống mà đào này. Mệt bỏ mẹ. Sáng đi hành quân vừa mới đến nơi, nghỉ được chút lại phải đào hầm, lão ấy có mệt đâu mà biết”.

“Thôi đào đi – Một chiến sĩ cắt ngang – Nói nhiều không bằng tập trung làm cho xong rồi nghỉ, nhiệm vụ đã quán triệt. Đứa nào đứa ấy cũng viết bản đăng kí quyết tâm giờ còn kêu than gì…”.

Tối đến, đồng đội tôi nằm thiêm thiếp trên những chiếc võng được mắc giữa hai cây tràm lớn. Ai nấy đều rã rời chân tay khi cả ngày phải khẩn trương cho công tác diễn tập, duy chỉ có tôi là đăm chiêu suy nghĩ mấy điều vẩn vơ, nhưng rồi cơn gió dịu dịu bất chợt khiến tôi hiu hiu ngủ lúc nào không hay.

Những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má mọi người, trong tay cầm chắc gậy để leo lên ngọn dốc cao ngất ngưởng. Mới sáng sớm, trên ngọn đồi phủ kín một lớp sương mờ hư ảo. Anh em chúng tôi nối đuôi nhau bước đôi chân đã dính đầy bùn đất sau một đêm lội suối lên trên đồi. Càng lên cao chúng tôi càng cảm thấy như mình đang bò bằng hai chân chứ không phải đi, tôi ngỡ ngàng quay đầu nhìn phía sau vì mọi người nối nhau như một con rắn màu xanh đang trườn nhanh sườn đồi, lòng chỉ lo nếu đạp phải đầu đồng đội phía dưới nên bước chân phải cứng cáp. “Con rắn xanh” ấy lại trở lên đáng yêu và lung linh hơn khi mang vào mình những ngọn đèn pin từ trên tay mỗi người. Vừa đi qua cánh rừng, cái không khí âm ẩm hòa với mồ hôi khiến ai nấy khó chịu ngưa ngứa dăn dắt ở bẹn. Anh Tùng, trung đội trưởng của tôi, đi phía sau cùng cứ hễ ai có vẻ chầm chậm lùi thì lại động viên:

– Nhanh… Lên đến đỉnh đồi là nghỉ ngơi ăn sáng rồi.

Nghe đến đây, tôi có phần nào mừng rỡ và quyết tâm hơn. Cái vắt cơm nắm với ít muối lạc thoảng mùi hương còn ấm trong cóc ba lô làm cái bụng tôi réo từng cơn sùng sục. Lên đến ngọn đồi anh em thở phào gỡ vội ba lô ra khỏi đôi vai đã hằn tím đỏ, một cảm giác nhẹ bẫng khiến ai cũng thốt lên:

– Tao đang bay đấy chúng mày ạ!

Khoan khoái hơn, tôi ngả cái lưng vào ba lô, nhắm đôi mắt lại rồi mặt ngẩng lên bầu trời đón nhận ánh hừng đông đang ló rạng sau tấm màn sương đục mờ mong manh. Một tiếng gà gáy đâu đó vọng lại nghe sao mà tha thiết đến lạ. Chưa thấy anh Tùng và một số đồng chí trong trung đội đâu, Chính trị viên đại đội nói với mọi người:

– Các trung đội chú ý kiểm tra quân số bảo đảm rồi báo cáo tôi.

Chờ mãi mà không thấy quân số đủ, cái đói lại đang cồn cào trong lòng, tôi suy nghĩ hay là ăn trước gói cơm nắm, thôi hẵng cứ chờ mọi người lên cùng ăn với nhau sẽ vui hơn. Vừa mới dứt dòng suy nghĩ thì anh Tuấn cùng với anh em trong trung đội đã lên tới nơi, miệng ai nấy vừa ca vang bài hát Khúc quân hành vừa khua khua cái gậy hành quân lên trời, nghe mà thấy rạo rực. Nheo đôi mắt nhìn về phía anh Tùng, một con chó đang chạy nhảy tưng tưng khiến lòng tôi khắc khoải. Như bắt được ánh mắt của tôi, nó vội chạy ào tới khiến tôi chưa kịp phản ứng gì:

– Ôi có phải Rek đây không? – Tôi nhìn kĩ nó mà thốt lên – Mày đến đây để hành quân với tao phải không?

Con Rek vừa quẫy quẫy cái đuôi vừa nhảy xung quanh khiến tôi vui lắm. Ánh mắt của nó vẫn thế vẫn long lanh và đẹp biết chừng nào. Thế là nó đang đi hành quân với tôi sao, nó đang ở bên cạnh tôi sao.

Giấc mơ dang dở với niềm hân hoan vậy mà tiếng còi trực ban đơn vị vang lên: “Tuýt… tuýt…”. Khiến tôi giật mình bừng tỉnh. Thế là hết, tôi lơ mơ nhìn xung quanh thì thấy mọi người đã cầm cuốc xẻng để chuẩn bị đào hầm tiếp, anh Tùng quát tôi còn ngồi đờ ra đấy à! Làm nhanh rồi nghỉ. Bên ngoài hầm giọng tiểu đoàn trưởng vẫn then thét: “Khẩn trương… nhanh tay mấy anh này…”.

***

Rek đến với gia đình tôi vào một buổi chiều mẹ đi chợ về, trong gánh hàng của mẹ một con vật nho nhỏ với màu lông xam xám. Cái đuôi nó quẫy quẫy đến là kháu khỉnh, đôi mắt đen nhánh với vẻ mặt tinh anh. Mẹ tôi nói nhà mình mới sửa lại, mua con “míc” này về để nó trông nhà con ạ. Thực ra nhà tôi đã trải qua rất nhiều lần nuôi chó nhưng lúc nào cũng vậy đều nuôi được một thời gian thì bị bọn trộm đánh bả đến chết. Mẹ tôi tìm một cái que nhỏ ướm chừng cái đuôi rồi cắt đi đoạn thừa vứt ra ngoài vườn sau nhà. Tôi thắc mắc hỏi mẹ sao lại làm thế. Vì nuôi chó nhỏ nó hay ị bậy nên để nó sẽ biết ra ngoài vườn, bớt đi lung tung trong nhà. Nghĩ mà cũng hay hay, tôi kể chuyện này cho anh Hiệu nghe như khoe một điều kì thú mới được phát hiện trong cuộc sống. “Ôi dào, cái đó ai chả biết! Mỗi mày là không biết thôi”. Bố tôi có vẻ không thích đôi tai của Rek bởi nó quặp xuống không được vểnh lên như những con chó săn trong phim trường nước ngoài. Cái tên Rek được anh Hiệu ưng lắm. Có lần tôi hỏi về vấn đề đặt tên cho con chó. Anh Hiệu trầm ngâm một lúc rồi quyết định lấy tên con chó một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Sherlock Holmes anh yêu thích. Hai anh em cứ thế mà ngày càng yêu quý Rek bởi nó đã gắn bó với chúng tôi vào đúng cái độ tuổi của sự suy nghĩ về thời gian, về những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, hai anh em định hình cho mình những tình cảm thân thuộc với bản thân, với quê hương nghĩa tình làng xóm. Đó là khi chúng tôi học lớp bảy.

Rek ở nhà những ngày đầu, nó cứ ư ử một góc hành lang với chiếc xích nhỏ, tôi nhìn nó mà lòng tội tội hệt như một người tù khổ sai mất tự do. Lúc thì ăng ẳng giãy giụa muốn chạy nhưng sức nó yếu quá, không tài nào thoát ra được. Có lần thương nó quá, tôi tháo dây xích để mặc nó tung tăng chạy nhảy, rồi chạy ra đường không may bị quệt vào chiếc xe máy đi ngang qua, nó vừa kêu ăng ắng lên vừa chạy về nhà. Bố tôi hỏi sao lại để nó chạy như vậy, nó còn nhỏ cần xích lại để cho quen, không sau này sẽ khó bảo. Có cần chỉ thả cho nó ra sau vườn để đi vệ sinh thôi con ạ. Ra ngoài đường kia, xe cộ đi lại nó bị đè bẹp chết đấy. Tôi chỉ biết dạ rồi lấy chai dầu xoa vào vết thương cho nó, sau vụ tai nạn, nó có vẻ sợ tiếng xe máy lạ và sợ ai đó chạm vào cái chân đau.

***

Trong buổi trưa hè oi nồng, tôi trải chiếu ra hành lang nằm ngủ. Con Rek bước lặng lẽ đến gần nó khìn khịt cái mũi ươn ượt rồi chậm rãi nằm xuống bên tôi. Rek ngoan lắm, có lẽ chính chiếc xích của bố đã làm nó nghe lời và không còn kiểu thả ra cái là vụt chạy ra đường. Cái lưỡi đốm gần như toàn phần thì cứ lè ra thở hồng hộc trông thật đáng yêu, nó khoái nhất cái cảm giác được tôi vuốt cằm, cứ mỗi lần như vậy nó lại nhắm tiệt đôi mắt lại gật gù cái đầu mà thưởng thức niềm khoái lạc. Tôi nhìn nó mà lòng lo sợ lắm, nỗi sợ đó bắt nguồn từ hôm nhà bà Hoa trong xóm bị bọn cẩu tặc thả bả vào sân khiến con chó nhà suýt nữa thì mất mạng. Anh Hiệu về kể lại với tôi khi đi qua nhà bà, con chó quằn quại nằm vật vã trên sân giữa tiết trời oi nóng, từng đám bọt trắng từ miệng ùn ùn ra. Nó lắc lắc cái đầu đi lại chao đảo hệt như một kẻ say rượu không vững. Anh Hiệu vội chạy ra cánh đồng gọi bà Hoa về nhà, cũng may là kịp cứu được. Anh giúp bà banh cái miệng để dốc từng ngụm nước đường cho nó uống, rồi đập vào mõm nó quả trứng gà, quả đầu con chó chẳng thể nuốt được cứ nôn ứa ra khiến bà xót ruột, rồi quả thứ hai thì nó nuốt ực một cái vào bụng. “Ăn đi nhá, ăn đi rồi ở lại còn trông nhà cho bà đi làm lấy tiền nuôi mày nhé!”. Bà Hoa vừa vỗ cái lưng nó vừa âu yếm nói. Anh Hiệu rưng rưng nước mắt khi nhìn con chó nằm im hồi lâu. Một lúc sau con chó có phần tỉnh hơn. May quá cháu ạ, không có cháu chắc con chó giờ cũng bị bọn nó mang đi mất rồi. Anh Hiệu cười:

“Dạ! Không có gì đâu bà, cháu cũng chỉ tình cờ qua đây. Bọn trộm chó giờ ngang nhiên lắm, bá chú ý không lại bị mất oan đó ạ”.

Tôi nằm một lúc đến khi mở mắt ra đã thấy Rek quẫy quẫy cái đuôi ngoài vườn đang vờn những chú bướm lươn lướt bên khóm hoa của bố. Nhìn con chó tinh nghịch tôi không dám thả nó ra ngoài đường, vì tôi sợ nó sẽ lại như con chó nhà bà Hoa. Tôi vỗ vỗ hai bàn tay gọi nó lại: “Rek… Rek!”. Con chó nghe thấy chủ gọi thì lao nhanh tới, đến gần nó nằm kềnh giữa hai chân tôi đòi được vuốt ve xoa xoa cái đầu. Bố tôi nhiều lần cũng dặn dò hai anh em thật kỹ, đừng để vật gì ở cạnh mõm con chó vì rằng “mồm chó, vó ngựa”, nó vớ được cái gì là nó cắn tan bành khói mây ra ngay. Lần đó, đôi dép quai hậu mẹ vừa mới mua cho tôi đi học cũng bị nó cắn cho đứt mất quai, tôi ức đến phát khóc toan cầm cái chổi phang vào mông nó mấy cái thật đau, nó kêu thé lên thảm thiết. Hôm đấy nó đã không ăn cơm, nó nằm dài một góc nhà nhắm con mắt lại và lặng người đi đến phát sợ. Phải chăng nó cũng buồn và biết nhận ra lỗi lầm của mình.

Cứ thế Rek lớn nhanh là đằng khác, nó đã biết khao khát tìm cho mình một “tình yêu”, nó tò mò nhìn ra phía ngoài cánh cổng, cứ hễ có con chó cái nào đi qua là lại sủa inh ỏi lên rồi lại i í cái gì đó trong cổ họng, không biết ngôn ngữ giữa hai con vật như thế nào nhưng tôi cảm nhận như nó đang cố gắng nói với con chó cái một điều gì đó lãng mạn lắm. Mỗi lần cho ăn, nó lại nhảy cẫng lên, cạp hai chân trước vào chân tôi rồi ra cái dáng điệu giao phối nhìn mà phát cười. Bữa cho nó ăn anh Hiệu phải quát: “Mày có yên để tao cho ăn không, hay là nhịn nhé!”, nó mới chịu buông.

Mấy ngày gần đây trong làng rộ lên nhiều vụ mất trộm chó. Nghe tới đây, mẹ tôi lại dặn hai anh em đi đâu làm gì thì đóng cửa cẩn thận không trộm nó khiêng cả nhà đi lúc nào không biết đâu. Hôm rồi ở xóm trong có vụ đánh thằng trộm chó mà sợ quá. Ai cũng thế thôi, nuôi được con chó để có tí niềm vui hoặc kinh tế. Bỏ công bỏ sức ra giờ lại bị mất như vậy nói không xót thì là lạ. Bố tôi nghe tin mà cũng thở dài ngao ngán, xưa nuôi chó để nó trông nhà trông cửa, bây giờ mình đã tốn cơm nuôi lại còn phải trông cả chó mèo nữa thì cũng đến chịu. Tôi ôm Rek vào lòng, xoa xoa cái đầu rồi nói với nó: “Mày nghe thấy rồi đấy, ra ngoài đường là bị bắt nghe chưa, cứ hơi tí là đi “tán gái” có ngày bị thịt”. Rek có vẻ chẳng hiểu những gì tôi nói nhưng nghe đến từ “bị thịt” nó có vẻ lo âu mà dụi dụi vào tay tôi như muốn nói: “Đừng…”. Ấy vậy mà đã có ngày nó đi biệt tăm, bố mẹ tôi phải đi ra các xóm khác để tìm thì thấy đang đùa nghịch với một con chó cái khác, cứ ngỡ là đã mất nó rồi.

Chuyện về thằng trộm chó bị đánh cho nhập viện không biết bằng cách nào mà đến tay cái Minh đứa bạn học cùng với tôi. Chúng nó truyền tai nhau trong lớp nói anh này thất nghiệp, học hành cũng chẳng đến nơi đến chốn, chó đắt lại dễ có tiền ngay nên mới hành cái nghề này. Chỉ tội cho mẹ anh, một mình nuôi con giờ lại phải chịu phải cái tiếng sinh con không biết dạy dỗ. Làng xóm trong ngoài bức bối với nạn trộm chó ngày càng lớn, chúng giờ đã có tổ chức và thực hiện ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt. Có cả chuyện một bác dẫn con chó đi dạo vào buổi chiều, đang đứng trên tay còn cầm dây xích thì một đám thanh niên đi qua hỏi:

“Chó của ai thế ông bác ơi?”.

“Chó nhà tôi chứ nhà ai”. Ông bác bực mình nói.

“Không phải đâu, chó nhà cháu đấy”. Một anh ngồi trên xe nói. Ông bác ớ người rồi cũng không biết bằng cách nào mà đám thanh niên xách được con chó, cứ đờ người ra nhìn đám thanh niên đi xa với con chó của mình, trên tay vẫn cầm khư khư dây xích. Về đến nhà nói với con trai là mất chó rồi.

Bên thôn tôi đã viết một số đơn đề nghị với ủy ban xã tổ chức một buổi họp mặt để bàn biện pháp chống trộm chó mèo và gia súc. Thế là một buổi tối chống trộm đã được triển khai, dưới ánh đèn tỏa sáng khắp cả cái sân lớn của nhà văn hóa thôn, người cầm dây, người cầm gậy tập trung để chuẩn bị cho một cuộc truy bắt, hôm đó có cả bác chủ tịch xã và anh phụ trách an ninh cũng có mặt đầy đủ. Cái không khí đấu tranh là thế như sắp bước vào một trận chiến đấu với kẻ địch là lũ cẩu tặc đang ẩn lấp đâu đó. Tôi còn nhỏ nhưng cũng hiểu rằng liệu có đạt kết quả gì không nếu tất cả lũ cẩu tặc kia lại đi ngủ hoặc cười ha hả một góc tối nào khi dân mình lại nườm nượp đi “khua chiêng gõ trống” bắt trộm. Có khác nào rút dây động rừng.

***

Ngày càng đẹp và óng mượt với bộ lông của mình, Rek có phần kiêu hãnh lắm bởi ít ra nó cũng bảnh mà. Hồi nạn trộm chó chưa đến mức rầm rộ, nó cũng được thả thảnh thơi khắp nơi để tung tăng chạy nhảy. Cứ tháo dây xích, mở cổng ra là nó lại xồng xộc chạy tới nhà “bạn gái” của mình. Mẹ tôi nói có lẽ nó đã đến cái tuổi đi “đực cái”, không biết cu cậu đi tán tỉnh với ai mà khi trở về thì cứ thở phì phò ngủ say như chết vậy, mỗi lúc đó tôi lại lấy cái sợ tóc ngoáy ngoáy vào cái lỗ mũi ươn ướt khiến nó hắt xì hơi lia lịa rồi lại nằm dài ra đất thở phì một cái. “Chắc nó nhớ người tình thật rồi”. Tôi nói với anh Hiệu. Tôi có thói quen hay trêu Rek cắn vào tay mình, cái cắn thực sự không hề đau mà tôi gọi đó là “cắn yêu”, chỉ cần bẹo cái tai luôn chúi xuống thì lập tức nó cắn nhẹ vào tay tôi, nhưng cảm giác thinh thích không hề đau chút nào: “Này, này nhé, mày cắn tao hử?”. Nhưng không phải lúc nào cũng trêu được nó, cũng có lúc nó giận tôi thật. Đấy là khi tôi sờ sờ vào cái chân bị vết thương cũ năm nào, Rek sẽ rụt chân lại ngay không buồn đùa với tôi nữa.

Mùa hè rồi cũng hết, lũ trẻ trong xóm lại bắt đầu chuẩn bị sách vở để vào năm học mới. Không có nhiều thời gian chơi với Rek nữa, nó như cũng hiểu điều đó, ngày ngày đi học về nó luôn đứng đợi tôi ở ngoài cổng. Không cần nhìn thấy dáng mà chỉ cần nghe văng vẳng giọng nói của tôi cũng đủ khiến nó quẫy đuôi nhẩy cẫng chân lên, chạy qua chạy lại bên cánh cổng. Tôi ôm và thơm vào cái mũi ươn ướt của Rek, hai tay cầm vào hai tai lắc lắc cái đầu khiến nó cứ gừm gừm đến là vui. Có lẽ nó khoan khoái cái cảm giác được xoa đầu.

Cứ thế mà Rek ở với gia đình tôi cho đến ngày tôi lên đường nhập ngũ. Rek buồn lắm, nó không ăn uống gì nhiều chỉ nằm ở góc nhà. Tôi vô tâm quá, mải đón tiếp bạn bè người thân mà quên mất nó. Đoạn đến ngồi bên, Rek liền đứng dậy dụi dụi cái đầu đòi tôi vuốt ve.

“Mai tao đi rồi, mày có buồn lắm không?”. Tôi vừa vuốt đầu vừa hỏi, như hiểu được lòng người, nó gầm gừ đến xót xa. Tiếng gầm gừ không phải là sự phản vệ trước một mối hiểm nguy nào đó, mà tiếng gầm đang xé vào lòng như thể không muốn tôi đi, sẽ nhớ tôi biết chừng nào. Sáng hôm sau, nó đã đứng trước cổng đợi mặc dù từ tối qua tôi đã đinh ninh rằng sáng nay sẽ tránh mặt nó. Phải chăng nó hiểu được những suy nghĩ trong tôi rồi. Tôi xoa xoa đầu nó tạm biệt rồi lên chuyến xe đi vào quân ngũ. Qua ô cửa sổ của xe, tôi thấy Rek nhìn với ánh mắt ươn ướt và lưu luyến. Biết dù chó không nói được nhưng qua ánh mắt ấy tôi hiểu nó muốn nói rằng: “Chào cậu chủ nhé, tôi đợi cậu về”.

Mỗi dịp viết thư cho bố mẹ tôi không quên gửi cái vuốt ve tới Rek, nghe mẹ kể hàng ngày sau bữa cơm trưa và tối nó lại ra chỗ hay nằm để đợi tôi về sau mỗi giờ học, có lẽ nó chỉ nghĩ tôi đang đi học và sẽ về vào ngày nào đó không xa. Càng lớn lên, tôi càng biết suy nghĩ hơn về cuộc sống, một loài động vật như chó vừa gần gũi và trung thành với con người như vậy sao lại có thể trở thành thức ăn được. Mỗi một con chó, con mèo luôn là những kỉ niệm mang dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ, là một người bạn thiếu thời. Nó vun đắp nên tình yêu thương giữa con người với thiên nhiên. Khi gọi về cho gia đình, ở đầu máy bên kia Rek như biết được điều gì đó. Nó chạy lại đến bên mẹ, cào cào vào chân như thể muốn nghe cái điện thoại mẹ đang cầm. “Con ơi! Rek muốn nói chuyện đây này”. Mẹ để sát điện thoại bên tai nó, nghe thấy giọng tôi nó quẫy quẫy cái đuôi thích lắm, mẹ tôi còn nói cái tai nó cứ vểnh lên như để nghe giọng tôi nói. “Ở nhà không được hư nghe chưa, trông nhà cho mẹ mình nhé! Ra ngoài là người ta bắt làm thịt đấy, không được gặp tao nữa đâu”. Bố và anh Hiệu đi làm xa, một mình mẹ ở nhà với Rek cũng khiến lòng tôi yên tâm phần nào, bởi có con chó sẽ giúp mẹ được vui hơn. Mỗi lần nghe tiếng xe máy của mẹ đi làm đồng về, nó cũng vui mừng lắm rồi  thì hay sủa đánh động nếu có người lạ đến nhà tôi, phần nào vơi đi nỗi nhớ thương con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở phương xa. Vậy mà…

Ngày nghe tiếng mẹ thở dài tiêng tiếc khi gọi điện thoại về nhà làm tôi trực khóc: “Rek bị người ta bắt rồi con ạ”. Cánh cổng được khép hờ, từ trong nó có thể đã trỗi dậy một niềm vui nào đó mà không thể kiểm soát được để rồi quên đi những lời căn dặn của mẹ, quên đi cái ám ảnh của tiếng xe máy lạ. Nó đã lao nhanh ra đường như thể tìm thấy được một sự tự do nào đó đã trói buộc bấy lâu nay, như thể đã tháo được chiếc xích sắt hồi nhỏ đã giữ nó trong một góc nho nhỏ chẳng thể rộng lớn như thế giới bao nhiêu mới lạ ngoài kia. Tôi đã tự hỏi nó có quan tâm đến những mối nguy hiểm đang rình rập ngoài kia không, có thể biết hoặc không biết nhưng nó vẫn đi vì cái thèm khát tự do và tình yêu của nó. Gia đình tôi chỉ có thể trói buộc được thể xác chứ không trói buộc được tâm hồn của nó. Mẹ về đến nhà, thấy cánh cổng mở toang yên ắng, vắng đi dáng vẻ vui mừng của Rek mỗi khi đi làm về, đã đinh ninh có chuyện chẳng lành. “Rek… Rek… Rek…”. Mẹ tôi vừa gọi vừa chạy ra đường làng rồi tìm khắp các ngõ ngách trong xóm cũng không thấy. Đi qua một ngôi nhà đang xây, mẹ hỏi mấy bác thợ thì được biết có một đám thanh niên lượn qua lượn lại chỗ này. Con Rek nó đang ngơ ngác như đang đợi điều gì thì bị cái thòng lọng của đám thanh niên vút qua luồn vào cổ rồi kéo lê suốt một quãng dài, nó giằng co giãy giụa kêu lên thảm thiết, nó miết miết cái chân để mong có thể hãm được sức kéo của tên cẩu tặc nhưng cũng không thể địch nổi sức mạnh của thằng ngồi phía sau xe vừa hung hăng nghiến răng kèn kẹt vừa quát lớn: “Này thì chạy này, này thì bướng này”. Sau một hồi vật vã nó kiệt sức rồi lịm, bọn cẩu tặc dừng xe bế đi đến nơi nào không hay.

“Thôi! Chị ạ, của đi thay người. Để cho nó được hóa kiếp, giải thoát”, Một bác thợ nói với mẹ tôi. Mẹ tần ngần không nói không rằng trở về nhà…

***

Trong đơn vị nơi tôi đóng quân có một bồn cỏ xanh, mỗi lần nhớ gia đình, quê hương tôi vẫn hay ra đây ngồi để hóng mát. Nhìn lên bầu trời có những chòm sao lấp lánh cũng khiến lòng vui vui như được an ủi động viên để hoàn thành nhiệm vụ. Rek rời xa gia đình tôi đúng vào ngày rằm tháng năm, chẳng biết thổ lộ cùng ai khi mất đi một con chó, tôi sợ đồng đội sẽ cười và chê tôi yếu đuối. Ôm nỗi buồn ra bãi cỏ, tôi âm thầm tâm sự với trăng sao.

– Tại sao lại là con chó nhà tôi mà không phải nhà khác? Hay tại sao không ai cứu con Rek và nhiều câu hỏi khác nữa cứ vẩn vơ trong đầu tôi lúc này. Làn gió thổi từ biển vào man mát như hiểu được nỗi lòng, đang xoa dịu trong tôi nỗi buồn thăm thẳm nhưng cũng chẳng thể cho tôi câu trả lời. Nhìn lên vầng trăng tròn trịa đang tỏa sáng, tôi cứ ngỡ như đang nhìn khuôn mặt của Rek rồi ôm mặt khóc. Suốt mấy đêm tôi trùm kín chăn khóc một mình, lòng tôi muốn gào thét lên thật to nhưng sợ đồng đội sẽ cười, sẽ nói tôi rằng sao chỉ vì một con chó mà khóc. Càng ngày tôi chẳng thể tháo được cái nút thắt đang giằng xéo con tim mình khi nỗi nhớ về Rek cứ dai dẳng đeo bám mãi. Ngay đến chuyến hành quân rèn luyện phục vụ diễn tập, ngày bình thường tôi đi thoăn thoắt chỉ mệt có chút, ấy vậy sau khi con Rek mất là cái vai đeo ba lô hình như trĩu xuống trở lên nặng nề hơn,

Một lần trong lúc thơ thẩn đi bộ trên đường, tôi không để ý bị mấy chiến sĩ bên tiểu đoàn khác không may đá bóng văng vào đầu. Tôi điên tiết lên quay sang nhìn sân gần đó mà hô lên:

“Chúng mày không có mắt à! Đá bóng kiểu chó gì thế”.

“Thằng kia, mày nói cái gì đấy, mày nói ai là chó. Tiểu đoàn mày không dạy được mày à! Mày nhìn xem ai đá vào mày”. Một thằng to con đứng ra chỉ tay vào mặt tôi quát.

“Mày định làm gì tao!”. Tôi quát lại.

“Mày có giỏi thì vào đây, tao sợ mày chắc”. Nó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sân rồi chạy lại túm lấy cổ áo đấm vào mặt tôi một cú inh đầu.

Tôi choáng váng, nhìn những giọt máu đang từ mũi chảy ra, bất chấp cái to con của thằng vừa đấm mình, tôi lao lại túm lấy mái tóc màu nâu cháy của nó rồi hai thằng giằng co nhau.

Biết chuyện này, anh Tùng lên phòng quân y gặp gỡ tôi. Nhìn thấy tôi đang nằm thoi thóp trên giường, bên cạnh là đĩa cơm chưa ăn. Anh liền hỏi:

“Có chuyện gì khiến em nóng vội như thế. Tiểu đoàn trưởng đang tra hỏi và bắt anh giải trình về vụ việc của em”.

Tôi lóng ngóng, không biết sẽ trả lời lí do thế nào, rồi sẽ nói là đang buồn vì mất chó lại bị quả bóng văng vào đầu làm tôi mất kiểm soát mà gây nên mất đoàn kết với đơn vị bạn. Tôi thấp thỏm không dám nhìn vào ánh mắt của anh Tùng, đôi mắt anh như thắc mắc, ai cũng biết ở đơn vị tôi là người hiền lành, ít có bao giờ cau có mặt mày gây gổ với ai.

“Em nói cho anh biết, em đang gặp chuyện gì vậy? Anh nghĩ không phải vì quả bóng mà em gây gổ như thế, có đúng không?”. Anh Tùng cầm lấy tay tôi nói.

“Dạ… dạ anh”. Tôi cúi ngằm mặt xuống rồi thở dài.

“Diễn tập sắp tới nơi rồi em ạ! Em bị như thế này thì làm sao tham gia được. Hành quân đi được xa thì phải rèn luyện, anh hỏi y sĩ có thể em sẽ phải ở lại đơn vị”.

Tôi ớ người ra, đoạn nghe anh nói không được tham gia diễn tập làm hai khóe mắt tôi rưng rưng:

“Thưa anh, nhà em bị mất con chó. Đó là một kỉ niệm của em. Em buồn lắm nhưng cũng không biết chia sẻ cùng ai”.

Anh Tùng ôm tôi vào lòng nói:

“Anh biết chứ! Anh đã để ý em nhiều lần rồi. Cả việc nhà em bị mất chó rồi đến việc mỗi đêm em khóc nữa. Anh đều biết”.

“Anh biết hết ạ. Nhưng… nhưng…”. Tôi bất ngờ nhìn anh.

“Nhìn cách em đi hành quân là anh có thể đoán là có chuyện rồi. Anh đã từng có một con chó. Trong lần đi chơi, anh trượt chân ngã xuống ao may nhờ có con chó chạy về nhà sủa inh lên khiến ba mẹ thấy lạ nên đã chạy theo nó mới cứu”.

“Thế con chó đó sao bị mất vậy anh?”.

“Bọn cẩu tặc ném bả chó vào nhà, con chó đã ăn phải và ngã ra chết. Gia đình anh chôn nó sau nhà”.

“Anh đã làm thế nào để vượt qua được nỗi buồn đó?”. Tôi hỏi anh Tùng.

“Bà nội anh khi ấy đã nói. Với mỗi một con vật đến với ta rồi đi cũng là duyên. Có những thứ mình nên học cách chấp nhận, em hãy nghĩ mà xem nếu cứ buồn buồn thế này thì làm sao có thể hoàn thành đợt diễn tập này”.

“Anh tin là con chó của em dù ở nơi nào nó cũng dõi theo để cùng chúng ta hành quân trong mỗi lần thực hiện nhiệm vụ”.

Tôi lau đi nước mắt, nói với anh:

“Anh ơi, em xin lỗi đã làm ảnh hưởng tới đơn vị như vậy. Anh yên tâm nhé, em sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ diễn tập sắp tới”.

“Ừ! Cố lên em. Trước hết ăn uống cho mau lành đã, mọi người đang chờ em về để hành quân đó”.

“Dạ!”. Nói rồi hai anh em tôi cười với nhau.

***

Giấc mơ làm tôi tin rằng những gì anh Tùng nói là đúng, Rek là một phần của tuổi thơ, là quê hương và là gia đình của tôi. Trên nẻo đường hành quân đêm đó, Rek phải chăng đã tiếp thêm sức mạnh, lòng tôi như thêm phần phấn chấn và tin vào điều đó. Cũng dịp này mẹ gửi thư vào đơn vị động viên tôi cùng cố gắng anh trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, không quên khoe với tôi vừa rồi anh Hiệu đi làm xa đã mang về nhà hai con chó mực đáng yêu lắm. Tôi thầm nghĩ, có thể Rek đã quay trở lại với gia đình tôi bằng hình hài hai con chó đáng yêu này, hoặc có thể nó đã hóa thành một kiếp người đợi một ngày nào đó đến gặp tôi hay dù thế nào thì trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết Rek sẽ vui vì thực sự nó đã được tự do, được bay nhảy khắp nơi. Kiếp con chó vốn chẳng thể sung sướng gì. Như ông bác thợ xây đã nói với mẹ, nó đã được giải thoát, bước ra cánh cổng nhà là nó đã tìm thấy chính mình, tìm thấy được sự tự do mà nó đã thai nghén bấy lâu. Cuộc đời là như vậy, dù biết phía trước có hiểm nguy, có gian nan nhưng rồi vì niềm đam mê, niềm hạnh phúc của bản thân mà bất kì ai sẽ còn dấn thân vào cuộc sống mà không sợ những gian nan đang rình rập.

Kết thúc đợt diễn tập, toàn đơn vị bước vào công tác chuẩn bị đón tết. Cái không khí hân hoan và hồ hởi đã tràn về tới mỗi con đường, mỗi căn nhà chúng tôi sống và với mỗi người chiến sĩ, riêng tôi còn được một niềm vui nho nhỏ là được đơn vị tặng giấy khen vì đã có thành tích hạ nhiều mục tiêu trong đợt diễn tập. Tôi sẽ gửi tấm giấy khen về quê làm món quà mừng tuổi cho mẹ mình. Nghĩ tới đây, lòng tôi lại rạo rực vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương…

NGUYỄN VĂN HIỆP

Trích nguồn: Vanvn.vn