MÙA NẤM TRÀM CUỐI

Ở nơi ấy, khuất sau một ngọn đồi lớn, thông xanh cao vút,  vững chãi đón gió đại ngàn;  có một đồi nhỏ, với một vạt cây tràm, hoa vàng lấm tấm rơi trên bãi cỏ. Bên cạnh một nghĩa trang Lớn, lăng mộ bề thế lô nhô, đủ kiểu kiến trúc, với câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành được khảm sành sứ sặc sỡ; có một nghĩa trang Nhỏ,  nhỏ không phải vì diện tích  hẹp, không phải do mộ ít, mà ở đây,  những ngôi mộ  bé xinh, nằm ngay hàng thẳng lối, trước sườn đồi.

Ở đó. Có một bà lão, người chăm sóc nghĩa trang này.

Mỗi ngày, cứ sáu giờ hơn, bà ra khỏi mái nhà tôn lụp xụp. Trước khi đến nghĩa trang bà ghé ngôi trường mẫu giáo nằm cạnh bờ sông. Nhìn lũ trẻ tung tăng, nô đùa. Nghe tiếng ríu ra ríu rít. Những cánh tay tròn lẳn, những bàn tay mập mạp, trắng hồng bên trong tường rào, vẫy gọi: “Ngoại Tóc Bạc ơi, vào đây chơi”. Chỉ chừng ấy thôi, đôi mắt sâu, hằn những vết chân chim lấp đầy bên khóe, hấp háy cười. Bà đã nạp đủ năng lượng bắt đầu cho một ngày mới. Bà rời đi.

Bà đi dọc bờ sông, trong nắng sớm, những cánh bướm lim vàng vẫy gió. Qua nhà thờ, đỉnh tháp chuông óng ánh bạc,  Mẹ Maria bế Chúa Hài Đồng nhân ái dõi theo  bà. Qua chiếc cầu trắng bắc qua con hói, nước róc rách đổ ra sông. Chiếc lưng gù xuống hình chữ u  leo dốc. Mái tóc bạc lơ phơ.

Khi lên đến đỉnh dốc, ngang tầm với tháp chuông nhà thờ. Trước mắt hai ngã rẽ. Bên trái dành cho những ai vào thăm lăng mộ, nơi con người trở về với cát bụi,  kết thúc cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau. Bà chọn rẽ phải, đi về nghĩa trang Nhỏ. Dọc triền đồi thoai thoải, những ngôi mộ ngay hàng thẳng lối, các “em” đang chờ bà. Mỗi em của bà là kết quả của những cuộc tình ngang trái. Những cảnh đời bất hạnh. Nhưng khi đã đến đây, mỗi em đều có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn giống nhau, từ kích thước đến cấu trúc. Những ô hộc hình chữ nhật nằm cách nhau không đầy một bước chân, khung viền gạch tráng men trắng ngọc, trên đổ đá cuội xanh. Mỗi ngôi mộ đều gắn cây thánh giá có tượng Chúa Hài đồng dang đôi tay, đôi cánh thiên thần. Các em sẽ là những thiên thần bé nhỏ của những cặp đôi hạnh phúc,  nếu không vì hoàn cảnh trớ trêu, họ đã không rứt đi núm ruột của mình khi còn trứng nước. Bà trân quý những người cha, người mẹ đã gắn bia có tên họ đủ đầy, hàng chữ trên bia như lời sám hối: “Ba mẹ ngàn lần xin lỗi con, bé yêu”. Bà thấy thương những em “Hữu vị vô danh”.  Bà xót xa trước những ngôi mộ trống trơn, không bia, không bình hoa, bình sữa hay đồ chơi bày lên mặt đá cuội như những ngôi mộ khác. Có lẽ hòn máu nằm dưới mộ là kết quả của cuộc tình chóng vánh nên đã đi vào lãng quên trong kí ức con người.

Vào đến nghĩa trang, treo chiếc túi nhung màu nâuvào mấu cành xoan rừng. Cầm cây chổi đót dựng dưới gốc cây lên. Nhịp chổi đều đều trên nền xi măng. Tiếng chổi xoèn xoẹt trên từng bậc cấp. Lá khô xao xác. Những quả xoan nâu đen lăn lông lốc. Thỉnh thoảng tiếng chổi ngừng, có tiếng bà thủ thỉ, thì thầm. Là lúc bà sửa lại chiếc  bình hoa cho ngay ngắn hay rủ những cánh xoan tim tím bám trên mái tóc búp bê đặt trên một  ngôi mộ. Đến những bậc cấp cuối, những hộc xi măng chưa viền gạch men. Bà phát hiện cát trong hộc đầu tiên ở bậc cuối đã xới lên. Một em mới đến từ chiều tối hôm qua, lúc bà đã rời nghĩa trang về nhà.  Người chôn em vội vã. Cát chưa lấp đầy. Dù ở gần đó đã để sẵn hai thùng xốp to chứa cát sạch và đá cuội. Bà lấy cát đổ vào thêm, rải một lớp đá cuội xanh trên cùng. Dấu hiệu ngôi nhà đã có chủ. Nay mai, thợ đến nghĩa trang làm thêm hộc mới sẽ viền gạch men trắng xung quanh, để em khoác bộ đồng phục như bao anh chị khác. Rồi bà đi hái nắm hoa cúc dại, nó mọc bạt ngàn trắng xóa trên thung lũng giữa hai ngọn đồi. Cắm hoa vào một nửa chai nhựa đã cắt sẵn, lấy chai nước lọc mang theo để uống rót vào. Bàn tay nhăn nheo, da lốm đốm đồi mồi vuốt vuốt những cánh hoa, bà thầm thì: “Chào mừng bé Út đến đây cùng anh chị.”.

Thẫn thờ. Bà ngồi xuống bên ngôi mộ mới. Bà lại nhớ cái lần núm ruột của mình rời cơ thể đến nơi đây…

Nó không là một cuộc tình. Nó là thú tính của dục vọng.

*

Sau một ngày, giặt giũ, cơm nước, chăm sóc chị và cháu bé sơ sinh ở bệnh viện trở về nhà. Cô bé chưa tròn mười sáu tuổi ngồi nhấm nháp từng muỗng mát lạnh của đá xay, beo béo của sữa, chua chua ngòn ngọt hương vị mãng cầu xiêm. Chưa hết ly, mắt cô đã ríu lại. Tỉnh dậy. Bên cạnh cô một đống thịt gớm ghiếc – thân thể trần truồng của gã đàn ông phốp pháp, bàn tay hộ pháp còn bấu vào ngực non tơ. Cơn thèm khát đã thỏa thê. Niềm hoan lạc hả hê tràn thành hai hàng nước dãi trên miệng hắn. Cô bé run rẩy khoác vội áo quần. Toàn thân ẩm ê,  cô lê từng bước chân rã rời. Đất trời như sụp đổ dưới chân cô.

Kể  từ ngày ấy, cái lúm đồng tiền không hề xuất hiện trên đôi má phính hồng. Cô lặng lẽ như chiếc bóng trong ngôi biệt thự chỉ có ba người và cháu bé. Gã vẫn thản nhiên, nhởn nhơ, nựng vợ, bế con.  Đứa bé đầy tháng. Gã lại ra công trình, nơi gã làm chủ thầu xây dựng. Không phải nhìn khuôn mặt nọng trân tráo nhưng sao cô vẫn lợm giọng. Nôn ọe. Bầu ngực cô tưng tức, nhói đau. Hơn cả một osin chăm chỉ, cô làm quần quật để cố quên, để não cô tẩy xóa mọi dấu vết kinh hoàng, nhưng nó vẫn bám riết, ám ảnh, làm cô xanh xao, tiều tụy.

Hơn tháng sau, gã lại về nhà. Đôi mắt chim cú long lên,  hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống cả hai chị em. Tiếng cãi vã. Trách móc. Mắng chửi. Rồi tỉ tê. Gã lại đi. Quăng xấp tiền và tiếng rít từ đôi hàm răng thưa như lời ra lệnh: “Chị em tự mà giải quyết”.

Chị đưa em đi hút điều hòa kinh nguyệt. “Đến chậm rồi. Muốn bỏ con, chỉ có cách nạo thai thôi”. Rời bệnh viện, chị thất thơ thất thểu bế con đi trước. Em theo sau, hụt hẫng. Đường phố nhộn nhịp. Xe cộ ngược xuôi. Hai chị em lẻ loi giữa dòng người tấp nập. Mấy đêm liền, chị ôm em khóc. Như những ngày sau cơn đại hồng thủy, mẹ đã bị lũ cuốn trôi.

Ngày mai, hắn sẽ về thăm con. Chỉ còn một đêm để hai chị em giải quyết. Căn biệt thự chìm trong bóng đêm của khu vườn u tịch. Nửa đêm. Dì rón rén, qua phòng ôm hôn cháu, thầm thì qua hơi thở: “Út đi tìm ngoại đây bé con ơi”.

Lặng lẽ rời căn nhà ô nhục. Cô đi ra bờ sông. Mải miết về phía thượng nguồn. Ánh đèn thành phố sau lưng chỉ còn là quầng sáng. Gà đã gáy lần thứ hai. Phía trước một mom sông mờ mờ sương trắng. Cô trầm mình xuống dòng trôi. Dòng nước đưa cô về lại mái nhà nhỏ với biền rau gối vụ. Chảo cốm rang giòn bên hông nhà ấm áp cả mùa đông. Như bao ngày mẹ gánh cốm ruổi rong, sắp tối mất rồi sao mẹ vẫn chưa về.  Mưa đã bắt đầu rơi. Nước lũ tràn về. Cuồn cuộn. Ngồi trên xà ngang, em gọi: “Chị ơi, mẹ đã về chưa?”. “Mẹ sắp về bé nờ.”, chị nói để trấn an em, nhưng nỗi lo sợ, kinh hoàng đã hiện lên trong ánh mắt. Nước đã vào nhà, ngập đến nửa lưng. Chị lên cùng em, ngồi trên xà, mấy ống tre già gác sát mái tôn. Tay ôm cột nhà, tay còn lại ôm em, đói lả, lạnh run. Em bỗng gào lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”.

Trong xa thẳm, cô nghe lời mẹ đáp: “Ôi, Trời Phật! Con bé tỉnh rồi”.  Cô mở mắt, giọng nói êm như ru không phải của mẹ. Người gọi cô ra khỏi giấc mơ là bà lão tóc  bạc phơ đang ngồi cạnh mép giường. Cúi xuống nhìn cô, ánh mắt hiền từ, bà bảo: “Bé hãy nằm nghỉ. Ngoại hâm cháo cho nóng để bé ăn. Hãy ở lại đây. Ít hôm nữa cứng cáp, ngoại đưa bé lên thăm em. Ngoại đã chôn em ở trên đồi Nhỏ.” . Kể từ hôm đó, cô đã sống cùng ngoại, chèo chiếc đò ngang mà ngoại đã từng vớt cô lên.

*

Đêm qua trời mưa. Màn mưa làm gạch men bị ố mờ. Bà lấy chùm vải vụn buộc túm trên đầu, tỉ mẩn lau cho viền gạch men trắng bóng. Có tiếng xe máy chạy lên dốc. Rồi tiếng cười nói  râm ran. Một tốp thanh niên, chừng chục người hơn, đã xuống xe. Họ dựng xe ngoài nghĩa trang. Tay xách giỏ, bao ni lông tiến về đồi tràm. Họ đi hái nấm tràm. Vài đám mưa đầu mùa cũng đủ ẩm để nấm tràm mọc lên sau lớp lá khô. Hôm qua, vòng ra sau đồi bà đã thấy chúng, những tai  nấm mập mạp, tròn ú đội mũ tím đã nhú lên. Họ không nên hái nấm mọc từ nơi đó. Bà vội vã bước ra khỏi nghĩa trang, gọi họ: “Mấy cháu ơi, có hái nấm đừng lên lưng chừng đồi, nơi ấy có mộ lâu năm đấy.”. Một người quay lại nhìn bà, nói : “Dạ, bọn cháu xuống chân đồi, gần con hói kia.”

Chừng như không yên tâm. Bà bỏ dở công việc đang làm. Cầm chổi đi vòng ra sau nghĩa trang. Bà lại nhớ cái lần đầu tiên đặt chân đến đây…

Buổi chiều hôm ấy,  nắng thu vàng hiu hắt. Hai bà cháu leo dốc, lên đồi.  Triền đồi thoai thoải, rải rác những gò đống thấp cao. Hầu hết không bia, có một nấm đất vừa đấp. Bà bảo cháu: “Em của con nằm đấy. Để ngoại trồng một cây tràm làm dấu sau này. ”.  Cây tràm mỗi năm mỗi lớn, cành lá xanh thơm ngát tinh dầu. Hoa nở vàng. Quả khô nẻ, hạt bay theo gió. Cây con mọc lên. Tràm bám đất, đồi trọc giờ bạt ngàn hoa vàng.

Tiếng chổi vang lên. Xào xạc. Những nhát chổi của bà  đi qua cuốn lớp lá khô, có cả những chùm nấm tràm, lộ ra những mô đất. Hãy để những tai nấm trở về với đất, bởi nó mọc lên từ máu thịt của con người.

Trời đã đứng bóng. Nắng rọi qua những chỗ tán lá thưa, lổ đổ đốm vàng. Bà ngồi nghỉ dưới bóng cây tràm lão, cố lục trong trí nhớ xem còn sót lại chỗ nào có thể là mã lạng chưa quét lá chăng. Còn ngôi mộ trên cao, đầu hướng về nghĩa trang. Giữa những gò,  đống lâu năm sót lại, nó đẹp như cung điện của nàng công chúa kiêu kì. Nền gạch men, hàng rào bao quanh hoa văn uốn lượn, không có bóng tràm, không có lá khô,  nấm không thể mọc lan đến đó. Dù vậy,  bà vẫn cầm chổi đứng lên. Bước thấp, bước cao, chiếc lưng gù đi về nơi ấy. Bà ngỡ ngàng đứng trước mộ. Ai đã đến đây quét dọn tinh tươm. Hai bó cúc vàng đặt trước  ngôi mộ, trên nấm có hai đóa hoa sen. Bà lại nhớ chuyện năm nào…

Khi ngoại chèo đò mất, cô gái năm xưa đã qua tuổi trung niên. Cũng năm ấy, đò ngang không qua sông nữa. Bởi chiếc cầu phao đã nối đôi bờ. Chiếc đò ngang trở thành chiếc ghe chèo  đưa khách độc hành khám phá thượng nguồn. Hay những đôi tình nhân muốn rời xa thành phố nhộn nhịp tìm đến không gian trời, nước, gió, trăng.

Có một lần, khách bước xuống ghe, một thanh niên còn rất trẻ: “Bác cứ chèo về hướng thượng nguồn”. Ngồi ở mũi ghe, đối diện với bà, tay cậu ta ôm khư khư  túi vải nhung nâu,  ánh mắt nhìn vào bờ, như đang tìm một bến đỗ. Ghe đi từ sáng sớm, đến khi trời quá ngọ: “Sắp đến ngã ba sông, cậu có muốn ghé quán để dùng bữa trưa không?”. Bà lên tiếng hỏi. Anh ta lắc đầu. Một lúc sau, rụt rè cất tiếng: “Cháu nghe nói có một nghĩa trang dành cho hài nhi nằm bên bờ sông này. Bác có biết ở đâu không, chỉ cháu với”. Bà bẻ lái cho ghe quay lui: “Sao cậu không nói sớm? Nhà tôi ở gần đồi ấy, trên đấy tôi cũng gửi một em…”. Người đi đò không gửi một mà hai em, nằm trong hai chiếc thố kiểu xanh dương nhạt, trên nắp xanh nổi lên vòm mây trắng vờn bay,  quanh vòng tròn thố có hình bát tiên quá hải, chiếc túi vải nhung êm bọc bên ngoài. Khi đào huyệt, cậu nhờ bà ôm chiếc túi ấy. Bà nhớ mãi, lúc đôi quan tài, hai chiếc thố kiểu đặt bên nhau chung một huyệt, đôi bàn tay thuôn dài cứ ve vuốt không rời. Bà nhìn thấy ngón tay cái của bàn tay phải  có cục thịt tròn đỏ hỏn co giật liên hồi, bà liên tưởng nhịp tim của con đang đập trên bàn tay cha. Và chính bàn tay tài hoa ấy đã xây mộ cho con, một ngôi mộ với hai búp sen hồng vượt lên những gò đống như một công trình nghệ thuật. Công trình hoàn thiện, trước khi từ biệt, người xây mộ gửi tặng bà chiếc túi nhung nâu: “Cháu cám ơn bác mấy ngày qua đã giúp cháu chở cát, đá, xi măng. Đã mang cơm nước. Đã cho cháu chỗ qua đêm. Một ít tiền này, cháu tặng bác, hãy chọn một nghề khác, chèo đò sông nước nguy hiểm mà bác cũng lớn tuổi rồi.”. Bà gửi trả lại chiếc túi: “Cậu hãy giữ  về lo cho cô ấy. Khi nào cứng cáp đưa lên thăm bác, rồi trả công sau.”. “Cô ấy bị u nang buồng trứng bác à. Cô ấy nhất quyết đòi sinh con dù là bị dị tật. Vừa rồi phải phẫu thuật lấy thai lưu. Cháu sẽ đưa cô ấy ra nước ngoài điều trị. Khi nào cô ấy lành cháu mới về lại. Bác hãy nhận giúp cháu với. Khi nào lên đồi thăm em, thắp hộ cháu hai cây nhang cho hai bé con nhà cháu, bác nghe.”.

Đã qua những mùa mưa. Qua bao mùa nấm. Màu thời gian nhuộm rêu phong lên hai đóa sen hồng. Bóng người xây mộ biền biệt. Ai vừa đến đây với  hai bó hoa cúc đại đóa vàng tươi?

*

Bà về lại nghĩa trang. Bước vào mái chòi che  bằng mấy tấm tôn đã rỉ. Căn chòi nhỏ, chỉ đặt một vạt giường tre, nhưng bà cứ ngó trước, ngó sau, tìm kiếm. Sáng nay, mãi lo quét lá khô, bà quên kiểm tra xem từ chiều tối và đêm qua có ai nhờ bà đem em nào đó ra nghĩa trang không.

Bà còn nhớ  khi còn bán quán cóc trước trường mẫu giáo. Chiều nào cũng vậy, những người mẹ chờ đón con, tụm năm, tụm ba ngồi ở quán bà tám chuyện nhà ra chuyện xóm. Họ bảo rằng cứ đến mùa nấm tràm, những đêm mưa là nghe tiếng trẻ khóc vang rân từ ngọn đồi Nhỏ. Họ còn nói những người  hái nấm tràm thấy những bọc thai nhi vứt bỏ ở sườn đồi làm mồi cho lũ chuột. Bà không tin lắm. Thỉnh thoảng lên thăm đồi, bà chỉ thấy gò, đống mọc lên nhiều hơn.

Rồi cái năm giải tỏa mặt đường để làm khu Du lịch sinh thái.  Đúng lúc, nhà thờ xây nghĩa trang Nhỏ. Ban giúp lễ đến nhờ bà lo cơm nước cho mấy chú thợ xây. Họ giúp bà dỡ quán đem lên đồi, dựng mái chòi này. Nghĩa trang xây xong, bà vẫn giữ nó lại. Thời trẻ gắn với chiếc ghe chèo. Tuổi xế chiều niềm vui bên quán cóc. Gần đất xa trời, bà tự nguyện chăm sóc nghĩa trang. Căn chòi là nơi nghỉ trưa, trú mưa, tránh nắng.

Mùa nấm tràm đầu tiên, mấy đêm liền bà đã ngủ lại chòi,  để kiểm chứng cái tin đồn loan truyền từ những người mẹ có con đi mẫu giáo. Không có tiếng trẻ khóc. Chỉ nghe tiếng thông reo trên đồi Lớn. Tiếng vạc đập cánh ăn đêm, bay về con hói dưới chân đồi. Nhưng việc vứt bỏ thai nhi không phải bịa đặt. Có một lần, bà trông thấy tổ kiến lửa  đùn dưới gốc tràm. Bà đến gần, mùi máu tanh xộc vào mũi. Đàn kiến bu quanh chiếc túi ni lông bà cứ tưởng ổ kiến đùn. Chúng đục thủng túi, nước ối rỉ ra bên ngoài, thấm đọng thành những vệt nâu đen trên đất. Rũ hết kiến bên ngoài, mở bọc ni lông đã rệu rã, bên trong một hình hài thai nhi  đã bắt đầu thối rữa. Nhặt hết những con kiến  đã chết vẫn còn  bám vào bọc da nhăn nheo. Xé ống tay áo, quấn lấy người em, bà bế bé con đặt xuống huyệt, lấp cát, rải đá cuội xanh lên. Cả ngày đó bà bỏ cơm. Nỗi ám ảnh đến cả trong giấc ngủ…

Trong mơ bà đã trở lại bệnh viện ấy. Đến đấy, bà gặp  những người đã từng đến nghĩa trang này. Cô bé nữ sinh chưa hết cấp ba. Cô sinh viên thường ghé quán bà mua xôi sáng. Cô gái lỡ thì ở vạn đò Ngã ba sông. Cả cô chủ Spa xinh đẹp, sang trọng thường được người tình đưa đón bằng chiếc xe con đời mới… Họ cũng như bà ngồi trước phòng phẫu thuật Sinh đẻ có kế hoạch. Cô bé nữ sinh khuôn mặt trắng bệch, ánh mắt đầy lo lắng. Cô sinh viên cầm tay bạn run run. Cô gái lỡ thì ánh mắt ngại ngùng, nhìn xuống chiếc bụng tròn sau tùng áo rộng. Cô chủ Spa điềm tĩnh, có lẽ cô giấu cảm xúc qua cặp kính đen. Cô lịch sự mở cửa đưa bà vào căn phòng gắn máy điều hòa mát lạnh, rồi bỏ đi. Bà ngồi một mình trên chiếc ghế sắt. Bên trong chiếc màn trắng, tiếng dao kéo khua lách cách. Mùi cồn. Mùi bông băng. Cánh màn trắng phơ phất. Thấp thoáng bóng áo bờ-lu trắng và giọng nói vang lên: “Đến chậm rồi. Muốn bỏ con, chỉ có cách nạo thai thôi.”. Bà nghe tiếng rên rỉ. Rồi tiếng thét kinh hoàng: “Mẹ ơi! Đau quá chết mất thôi!”. Bà mở tung cửa vùng chạy ra khỏi phòng. Qua nhiều hành lang trắng xám. Bà đâm đầu vào cánh cửa khác. Trước mắt bà những bé con trần truồng ngồi lê la. Có em mặt đầm đìa nước mắt, quờ quạng bò tìm vú mẹ. Tất cả đều lở lói. Cuốn rốn mủ tươm vàng. Ở góc phòng có hai bé gái song sinh mặc chiếc váy hồng bạc thếch đang đong đưa chiếc nôi. Trong nôi là hình hài thai nhi lúc sáng bà đã đặt xuống huyệt. Lạ kì thay, bàn tay nhỏ xíu đưa lên miệng, em chóp chép bú tay. Bà nghe có tiếng ru: “Ầu ơ… Chứ em tôi khát sữa bú tay. Chứ ai cho bú thép,  ầu…ơ … Chứ ai cho bú thép ngày ngày tôi mang ơn. ”. Bà dáo dác tìm người vừa cất tiếng ru não nuột. Đó là giọng của bà bạn láng giềng đang ru cháu cố, cháu nội bà đi làm dưới phố chưa về…

Tiếng ru đã đưa bà ra khỏi giấc mơ. Bà thao thức. Mắt mở chong chong nhìn lên trần nhà, ánh sáng vàng mờ mờ hắt ra từ bóng đèn cà na ở bàn thờ Phật. Nằm gác tay lên trán, bà nghĩ vẩn nghĩ vơ. Hạnh phúc luôn song hành cùng khổ đau. Trong ngọt ngào luôn có men cay đắng.  Tất cả như vận vào số phận con người, nhất là phụ nữ, như cô bé nhà bên, người mẹ đơn thân, tuổi chưa qua mười tám. Thương quá người  mẹ trẻ vừa qua tháng cữ, đã ra ngồi chợ với mớ cá, rổ rau.  Đêm về, còn làm thuê cho quán nhậu: tất bật bưng bê, dọn rửa. Giờ này, bầu sữa nhớ con chắc đang tròn căng nhức nhối. Khuya về đến nhà, con đã ngủ say. Lặng lẽ ngồi vắt  sữa để dành cho con ngày mai, lúc mẹ gánh hàng ra chợ. Nếu bà mẹ nào cũng như cô bé, thì đâu có tổ kiến lửa đùn dưới gốc tràm sáng nay?!

Nhưng không phải ai cũng nhẫn tâm như vậy. Có người không muốn tự tay mình lấp cát đá lên xác hài nhi, họ đã nhờ bà giúp đỡ. Họ chờ lúc bà không có mặt ở chòi, đã lén để túi giấy lên vạt giường,  bọc ni lông treo trên vách tôn, hoặc ở chỗ nào đó bà dễ nhìn thấy nhất. Trong bọc, trong túi, ngoài xác hài nhi nhiều lúc có cả tiền. Bà không muốn nhận, nhưng biết gửi lại ai. Thế là bà đi mua bình hoa, đồ chơi bày lên mặt đá cuội.

Từ sau đó, hễ lên đến đỉnh dốc,  đôi mắt hằn sâu những vết chân chim luôn ngó quanh, ngó quất. Từ rìa nghĩa trang vào đến tận trong chòi.

Hôm nay, không có ai cần bà giúp đỡ. Bà  thở phào, nhẹ nhõm, ngả mình lên tấm vạt tre.

*

Nắng chiều đã xế. Vạt nắng hanh đã vào đến giữa mái chòi ngột ngạt,  gần đến vạt giường, chỗ bà lão ngồi. Bàn tay xương xẩu, da lốm đốm đồi mồi tỉ mẩn cắt  những bông hoa giấy. Đứng ngoài mép chòi nhìn vào, những cúc áo tròn, vàng óng ánh rơi rơi trên mặt sau của tờ lịch trắng. Đến gần nhìn kỹ mới thấy hoa có tám cánh đều nhau. Những bông hoa sẽ được gắn vào bình hoa làm bằng vỏ chai  nhựa.

Năm học trước, trường Mẫu giáo có triển lãm đồ dùng từ nhựa đã qua sử dụng. Cuộc triển lãm xong, bà nhặt được một sản phẩm nằm bên hàng rào, chỗ bà thường đứng ngắm bọn trẻ tung tăng mỗi sáng. Đó là chiếc bình hoa bằng nhựa. Đế bình hoa là một phần dưới  vỏ chai nước ngọt cô ca, được cắt tám cánh như  hoa sen nằm úp. Gắn lên tâm hoa sen là cổ chai và tua rua tỏa ra xung quanh, một vài tua uốn cong vào giữa, chúng là phần tiếp nối với cổ chai được cắt dọc ra khoảng gần một gang tay. Mỗi tua là một cành  dài xòe ra quanh cổ chai, chi chít những cánh hoa làm bằng giấy gói quà. Bà ngẩn ngơ ngắm bình hoa. Bà hình dung nghĩa trang Nhỏ sẽ như vườn hoa rực rỡ sắc màu, bà sẽ đặt trên nền gạch men trắng ngọc những bình hoa như vậy.  Bà đến căn nhà nằm sát bờ sông,  chọn và mua lại những vỏ chai còn trong suốt từ đống phế liệu của cô đồng nát, cô ấy cho bà chọn lấy thoải mái, không phải trả tiền. Bà  đem về nhà nhìn theo mẫu, tỉ mẩn làm đế bình và gắn tua rua. Những lúc lên nghĩa trang, rảnh rỗi bà cắt hoa. Những tấm giấy bà đang cắt là những giấy gói quà của cô hiệu trưởng trường mẫu giáo mua tặng. Cắt hết tờ giấy, bà gấp  đôi tờ lịch,  trút hoa vào bọc ni lông. Bà định lấy trong chiếc túi nhung tờ giấy khác, chợt bà nghe tiếng người lao xao ngoài nghĩa trang. Bà đứng dậy đi ra khỏi chòi.

Dưới sườn đồi, tốp thanh niên đang đốn vạt tràm tiếp giáp với nghĩa trang. Những nhát búa vang lên cồng cộc, mưa hoa vàng rơi rơi.  Nhựa tràm từ thân cây ứa ra hăng hắc, mùi tinh dầu từ lá xanh, hoa vàng dịu nhẹ, thơm the dễ chịu lan man trong gió, tỏa khắp nghĩa trang. Ở bậc cấp cuối của nghĩa trang, có những hộc mới vừa xây,  cậu thợ phụ cầm bay trát xi măng kết dính những viên gạch. Gần chỗ bà đứng, người thợ cả đang viền gạch tráng men những ô chữ nhật. Vừa trông thấy bà, ông ngừng tay, ngước lên nhìn bà, hỏi:

  • Bác có ưng bộ áo mới này cho các bé không? Lần này cha xứ cho mua toàn gạch men cao cấp đó bác à.

Ông vừa nói vừa lấy tay gõ gõ lên viền gạch. Rồi chỉ tay về phía dưới đồi, chỗ những cây tràm vừa đốn ngã, giọng ông hồ hởi:

  • Sắp tới sẽ mở rộng nghĩa trang ra đến đó. Ai có nhu cầu dời mã lạng sau đồi có thể bốc về nơi đây. Tôi còn nghe nói sẽ xây cho bác một chỗ nghỉ. Căn chòi của bác ẩm thấp. Mùa nấm tràm lúc nắng lúc mưa thế này, hơi đất bốc lên dễ cảm lắm đó bác à.
  • Cha xứ tốt bụng quá bác ha. – Bà buột miệng khen dù không biết cha xứ là ai.

Bà đã nhiều lần tiếp xúc với người thợ này. Nhưng chủ yếu bà lắng nghe ông nói. Lần này cũng vậy, ông như người phát ngôn của nhà thờ, một con chiên ngoan đạo:

  • Dạ, tấm lòng của cha bao la như Đức mẹ Têrêsa. Bác có nhớ cái năm mới xây nghĩa trang không? Năm ấy cha đang tu học ở nước ngoài đã gửi tiền về tài trợ đó. Bây giờ cha về nước, về coi sóc giáo phận Đồi Đôi này, thật là phúc lành bác ạ.
  • Ra thế hả bác? Giờ tôi mới biết. Thật là cha tích phước còn hơn xây mấy nhà… thờ.

Suýt nữa bà bật ra tiếng cuối là “chùa”. Bà thấy sượng sùng khi sửa lại lời của Ngoại chèo đò. Bà thấy ngài ngại. Thật lòng bà cũng muốn khen vị linh mục mới của nhà thờ, bà cũng mong biết mặt người có tấm lòng nhân ái ấy,  nhưng bà lại sợ mình quen miệng nói ra những lời tương tự, những câu từ cửa miệng của  một Phật tử.  Nên bà giả lả chào:

  • Thôi bác và chú em ở lại làm nghe. Hôm nay tôi về sớm một chút, có việc.

*

Đêm xuống đã lâu, thôn Đồi Đôi chìm dần trong bóng tối. Nhiều nhà trong ngõ sâu sau nhà thờ đã tắt đèn. Chỉ còn vài đốm sáng, trong đó có ánh đèn từ mái nhà tôn của bà lão. Bà lão ngồi ở chiếc bàn tròn bằng gỗ cũ kỹ đặt ở giữa nhà. Trên bàn là những đế bình hoa nhựa đã đính sẵn tua rua. Mỗi màu hoa được phân loại để vào những chén nhựa nhỏ. Cứ một lần chấm đầu mũi chai keo lên tua rua là một cánh hoa khéo léo đặt nhẹ lên. Hết chùm tua rua màu vàng. Rồi đến màu xanh. Màu tím. Màu đỏ… Trên bàn  còn ba chùm tua tua thì cơn mưa khuya từ núi kéo về. Những hạt mưa rào rào trên mái tôn. Nước đổ ào ào xuống máng xối  mái nhà sau. Cứ nghĩ mưa nấm tràm rồi sẽ qua mau. Nhưng nó lại kéo dài. Nước từ máng xối chảy xuống cống không rút kịp, nước đã tràn vào nhà. Bà vẫn mặc kệ. Gió thổi rít bên ngoài, lùa qua khe cửa  sổ đóng bằng những song thưa. Bà thấy người ớn lạnh, vội khoác thêm chiếc áo len.  Bà cố làm cho xong những bình hoa còn lại. Khi tua rua cuối đã gắn đầy hoa. Bà mỉm cười nhìn “Bộ sưu tập hoa sen nhựa ”. Chúng không chỉ trên chiếc bàn tròn, trên tủ gỗ thậm chí trên bàn thờ và cả một phần chiếc giường bà nằm ngủ đặt bên cửa sổ.

Bất ngờ có tiếng sét nổ. Tia chớp lóe lên. Điện cúp. Căn nhà tối đen. Bà xỏ chân vào đôi dép. Lòng chân bà mát lạnh rồi đau điếng. Bà bước lần trong bóng tối qua giường nằm, chờ điện sáng.

*

Nghĩa trang Nhỏ vừa xây ngôi mộ mới. Nó to và cao gấp nhiều lần những hộc chữ nhật ở, như tấm bình phong của nghĩa trang. Chiều đã xuống từ lâu, nhưng ráng chiều vẫn còn  vàng rực. Chiếu những tia nắng cuối ngày cho khô màu nước vôi ve trên những cánh hoa sen trắng, trên nấm mộ màu vàng chanh. Người thợ già đã quét xong cánh hoa sen cuối. Ông quay lui nhìn đứa cháu đang dọn dẹp đồ nghề, bảo:

  • Cháu lấy mấy bình hoa nhựa để giữa tâm sen, hoa để trong bọc ni lông treo ở cành xoan đó.

Người cháu làm theo lời ông nói.  Những bình  hoa nhựa có những chùm tua rua màu vàng làm  nhụy hoa  sen trắng, óng ánh trong nắng ráng chiều. Hai ông cháu đi xuống đồi, cháu hỏi ông:

  • Ngoại tóc bạc chết vì bị đột quỵ hay rắn cắn vậy ông?
  • Hình như cả hai thì phải. Nhưng nguyên nhân chính do bà gắng làm cho xong những bình hoa nhựa.
  • Bà mất rồi ai sẽ chăm sóc nghĩa trang Nhỏ hở ông?

Không có tiếng người ông đáp lại. Bởi ông biết đây là mùa nấm tràm cuối, những mùa nấm tràm tới sẽ không còn tiếng chổi xào xạc quét lá khô.

Hai ông cháu vừa xuống dốc, ra bờ sông. Họ vừa bước xuống chiếc ghe chèo cả ngày neo đậu dưới bóng cây sung lão, thì một bóng người đi ngược lên con đường hai ông cháu vừa sóng bước. Người ấy đến trước ngôi mộ mới xây, đặt bó hoa cúc đại đóa trắng tựa vào tấm bia chữ nhật. Bàn tay làm dấu thánh, ngón tay cái của bàn tay phải có cục thịt đỏ hỏn run run. Người ấy thì thầm:

  • Bác ơi, mấy mươi năm trước, cháu được gặp bác rồi chia tay ở đồi này. Hôm nay, cháu đến đây đưa tiễn bác. Tiễn đưa một người mẹ, một người bà tạm chia tay cõi sống này, bác sẽ bước vào một cõi sống khác, bác nghe.

Tiếng thông vi vút trên đồi cao. Lao xao mùi hương tràm từ đồi Nhỏ. Những cánh hoa óng ánh từ những chùm tua rua của những chiếc bình hoa bằng vỏ chai nhựa đặt trên những ngôi mộ bé xinh đang vẫy vẫy. Chúng đáp lại lời ông.

  Thảo Giang