Mùa hoa mận (Chu Thùy Liên)

                                                        Mùa hoa mận

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

 

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

 

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về.

LỜI BÌNH của NGUYỄN THỊ THIỆN

Nhà thơ Chu Thùy Liên sinh năm 1966, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tên khai sinh là Chu Tá Nộ – bút danh khác là Ha Ni, Thanh Thủy, Nang Bua Khưa. Nhà thơ Chu Thùy Liên là người dân tộc Hà Nhì, quê ở bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, Mường Nhé, Điện Biên. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Ngữ văn năm 2013, hiện nay là Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên.

Rút từ tập Thuyền đuôi én (NXB văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2009), bài thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thùy Liên là một sáng tác độc đáo với hương sắc riêng mang đậm bản sắc các dân tộc vùng cao. Thi phẩm đã tái hiện vẻ đẹp và không khí vui tươi náo nức ở miền núi, con người và cảnh vật rộn ràng đón Tết đến xuân về. Đây là tiếng lòng nhà thơ gửi gắm tình cảm nhớ thương và niềm mong ước được trở về đón xuân mới quê hương xứ sở.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa người đọc đến với vẻ đẹp trong trắng, tinh khôi của hoa mận: “Cành mận bung cánh muốt”. Hoa mận nở – cũng như người anh em họ hàng là hoa đào – có ý nghĩa như cánh én báo tin xuân. Hoa mận thường nở sớm hơn hoa đào một vài tuần trước Tết Nguyên Đán. Cây mận gắn bó với đời sống đồng bào các dân tộc miền núi biết bao thế hệ nay, mang lại ấm no cho nhiều gia đình. Mùa hoa mận mang đến cho bản làng nét thơ mộng tuyệt vời, vẻ đẹp lãng mạn độc đáo. Vì thế hình ảnh “Cành mận bung cánh muốt” được tác giả nhấn mạnh trong toàn bài đến ba lần, gây ấn tượng thị giác rất đậm nét cho thị giác, tạo nên sắc màu chủ đạo tươi sáng của bức tranh mùa xuân về.

Hoa mận nở cũng là lúc: “Lũ con trai háo hức chơi cù/ Lũ con gái rộn ràng khăn áo/ Bóng bay nâng ước mơ con trẻ”. “Háo hức” là sự ước ao chóng được toại nguyện; “rộn ràng” gợi tả niềm vui dậy lên từ nhiều phía.Câu thơ gợi tả hoạt động của các bé trai, bé gái đều vui tươi, mang sắc thái giới tính rõ rệt, trẻ em mong mỏi Tết đến, xuân về, vô tư hồn nhiên thích thú với trò chơi quay cù và khăn áo mới.

Trong khi đó thì người lớn lo sắm sửa: “Cành mận bung cánh muốt/ Giục mẹ xôn xang lá, gạo/ Giục cha vui lòng căng cánh nỏ/ Giục người già bản hối hả làm đu”. Giục là lời nói hối thúc làm việc sao cho gấp rút, nhanh chóng. Động từ “giục” điệp tới ba lần, hướng tới: mẹ, cha, người già với những công việc chuẩn bị cho Tết rộn ràng náo nức. Mẹ cắt rửa lá rong và gạo nếp gói bánh Tết, nấu xôi, chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tổ tiên. Còn cha sửa sang cánh nỏ chuẩn bị cho lễ hội trò chơi ngày Tết của bản. Người già hối hả làm đu – một trò chơi hấp dẫn rèn luyện sức mạnh và lòng dũng cảm không thể thiếu trong những dịp lễ hội tết đến xuân về.

Khổ thơ thứ ba: “Cành mận bung cánh muốt/ Nhà trình tường ủ hương nếp/ Giục lửa hồng nở hoa trong bếp/ Cho người đi xa nhớ lối trở về”. Hình ảnh Cành mận bung hoa trắng muốt, hương vị hương nếp dậy mùi thơm, màu sắc rực hồng của ánh lửa trong bếp mỗi nhà, tất cả tạo nên một không gian hoạt động tưng bừng rộn rịp, tạo nên không khí tết Tết thật sống động. Bức tranh bản làng miền núi cao rất có hồn ấy khiến cho những người con đi xa quê hương luôn muốn hối hả trở về với nét đẹp mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng. Điệp ngữ “Cành mận bung cánh muốt” đều ở đầu các khổ thơ cùng một loạt những từ láy háo hức, rộn ràng, xôn xang, hối hả đã tái hiện bức tranh lao động sản xuất và sinh hoạt chuẩn bị cho tết rất sống động, hấp dẫn.

Khổ thơ sử dụng nghệ thuật nhân hóa tinh tế khắc họa mùa hoa mận với cảm xúc của người con xa quê. Hoa mận nở “giục” lửa trong bếp nở hoa, cùng con người sắm sửa cho tết thật chu đáo. Hoa mận nở trở thành tín hiệu của quê hương vùng núi cao.

Người Tây Bắc khi đi xa luôn mang nỗi niềm nhớ thương vô bờ với quê hương mình. Cứ mỗi mùa hoa mận về, nỗi niềm đó lại nhân lên gấp bội, gợi nhớ những kí ức, kỷ niệm xưa. Hoa mận như biết dẫn lối đón những người con đi xa trở về bản làng ấm áp.

Bằng sự quan sát và miêu tả tinh tế, ngôn ngữ thơ giầu hình ảnh miền núi, nhà thơ Chu Thùy Liên đã tái hiện không khí đón xuân ở vùng cao đầy náo nức rộn ràng. Bài thơ mang tình yêu mộc mạc, tha thiết với cảnh vật, với con người Tây Bắc nói riêng và quê hương đất nước Việt Nam nói chung.

Chu Thùy Liên