MỘT GIỌT MÁU ĐÀO… truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Ngày mẹ bỏ bố con tôi đi theo ảo ảnh của tình yêu là một ngày đầy nắng. Nắng nhễ nhại. Nắng gắt gỏng. Nắng nhức nhối.

Trưa hôm ấy, tôi đi học về, nhà vắng lịm. Chiếc tủ gỗ xọc xạch nơi góc buồng buông cánh hững hờ. Rỗng không. Tôi chạy nhào ra sân giếng sau nhà nơi ngày ngày mẹ vẫn cặm cụi giặt giũ, băm bèo thái chuối. Tôi chợt khựng lại. Bố đang ngồi bất động như một pho tượng đá, chỉ có đôi mắt vằn lên những tia sắc lạnh, quai hàm bạnh ra trèo trẹo, tay nắm chặt con dao thái chuối sắc như nước. Bên cạnh là viên đá mài còn ướt ròng ròng những giọt nâu đỏ. Giàn bầu trên đầu lá phủ xanh rợp, hoa trắng buôn buốt. Có tia nắng lọt qua kẽ lá hắt xuống vai bố một vệt sắc lẹm. Thấy tôi, chẳng hiểu sao bố chợt đứng vùng dậy cầm dao chém lia lịa vào gốc cây bầu. Tôi run rẩy ôm lấy cây cột chống giàn, mếu máo: “Bố ơi, cây bầu đang đơm hoa mà…”. Bố nhìn tôi, ánh mắt man dại u ám, bất lực. Rồi bố thẫn thờ quăng dao vào gốc cây, thất thểu đi ra cổng. Ông nội tôi và bác Nhất vừa lật đật đến. Than thở. Trách móc. Chửi thề. Nguyền rủa. Tôi đứng trân trân nhìn những dây bầu đứt lìa, nhểu ra những giọt nhựa nhờ nhợ, não nề. Mấy cây cột chống giàn xiêu vẹo, ngả nghiêng.

Chiều tối, bố ngật ngưỡng trở về, người nồng nặc hơi men lẫn mùi mồ hôi khét nồng. Thấy tôi đang cầm chổi quét sân, bố gườm gườm: “Mày có giỏi thì đi theo con mẹ lăng loàn của mày đi. Đi đi cho khuất mắt tao”. Tôi cúi đầu. Nghèn nghẹn. Tay run rẩy. Cây chổi trĩu nặng sượt xuống, vài que nan đâm vào chân tôi. Nhoi nhói. Tôi nghe trong thẳm sâu có cái gì rôm rốp vỡ.

Tôi thơ thẩn đi ra sau vườn, nơi có cái chuồng lợn lợp bằng lá mía. Trong chuồng chỉ còn một con lợn còi cọc đang dụi đầu vào cái máng sứt mẻ. Tiếng kêu của nó không ra rả sừng sộ như những con to khỏe khác mà khô khốc đơn độc lọt thỏm giữa không gian trống hoác. Hai con lợn nái và đàn lợn choai mỡ màng đang đà lớn phổng, mẹ tôi đã bán cho gã lái buôn từ chiều tối hôm qua. Gã người huyện dưới, đã nhiều lần đến mua lợn nhà tôi. Tôi không mấy thiện cảm với kiểu nói liến láu sơn sớt của gã. Khi tôi hỏi mẹ rằng tại sao lại bán hết lợn nái đi như vậy, mẹ ngồi ở bậc thềm vừa tẩn mẩn cạy đất ở kẽ móng chân vừa thẽ thọt bảo: “Từ mai con không còn phải giúp mẹ xách nước rửa chuồng lợn nữa. Con nhớ phải học thật giỏi để đi khỏi cái làng u ám này, không phải vùi đầu vào cái chuồng lợn hôi hám như đời mẹ”. Giọng mẹ trầm xuống đùng đục rời rạc nhưng ánh mắt lại có vẻ hoang hoải mơ màng. Ngoài cổng, gã lái buôn vừa chằng buộc cái xe ba gác vừa hát ông ổng. Hoàng hôn hắt những vạt đỏ ối xuống mái chuồng lợn xơ xác. Rặng xoan sau vườn thẫm một màu rờn rợn. Khi gã lái buôn chở xe lợn đi khuất, mẹ quay vào nhà mở cánh tủ quần áo rồi cứ đứng bần thần một lúc lâu. Tôi toan hỏi mẹ tại sao gã không đưa tiền cho mẹ đếm như mọi lần, nhưng nhìn ánh mắt nhớn nhác khác thường của mẹ lúc đó, những thắc mắc của tôi nghẹn lại, một nỗi bất an cứ cồn lên. Tôi chỉ mong bố sẽ về trong đêm, nhưng đến sáng sớm tỉnh dậy nhìn sang giường bên vẫn không thấy bố. Đi ra đầu hiên, tôi thấy mẹ đang ngồi chải tóc. Mái tóc mẹ suôn dài buông đầy lưng, đen nhưng nhức. Mấy cái rổ nan vứt chỏng chơ nơi góc sân. Phía sau nhà, tiếng con lợn còi kêu nhéo nhẳng. Mẹ giục tôi xuống bếp lấy cơm rang ăn rồi đi học kẻo muộn. Tôi cắp sách đi học mà trong lòng cứ bứt rứt không yên.

Cũng tại bố. Hôm qua nếu bố kịp về thì biết đâu mẹ đã không đi. Chỉ vì ham gặp luồng cá mòi mà bố cố neo thuyền ở lại một đêm. Buổi sáng, bố lại đem mẻ cá ngược lên bến Thượng bán cho được giá nên khi về tới nhà thì mẹ đã lén lút đi theo gã lái buôn giảo ngôn ấy. Thì ra bọn họ đã đầu mày cuối mắt với nhau từ bao giờ mà bố con tôi chẳng hay. Tôi lấp xấp chạy theo bố dọc con đường mòn ven đê, gặp ai cũng níu lại hỏi. Có người bảo trông thấy một người nhang nhác giống mẹ theo xe trâu đi tắt qua khu Gò Mả ra đường cái để bắt xe ngược lên Hà Nội. Có người lại nói thấy mẹ tất tả xuống một thuyền gỗ xuôi bến Hạ. Bố nhao ra chiếc thuyền cá vẫn buộc bên gốc cây bàng, nước lở xói trơ cả rễ cây nhằng nhợ gầy guộc, mải miết chèo xuống bến Hạ. Gió nam nổi lên, con thuyền nhỏ bị hất ngược trở lại, tròng trành, bất lực. Những vạt đất ven bờ lở lõm tõm khoắng tan cái vắng lặng của buổi trưa hè. Khúc sông đục ngầu. Bố vứt mái chèo. Con thuyền cứ xoay qua xoay lại lênh đênh giữa mặt sông gắt nắng. Tấm lưới trên thuyền rối tung xơ xác.

Bố con tôi bắt đầu sống những ngày không có mẹ. Căn nhà xộc xệch u ám lặng ngắt. Cái chuồng lợn phía sau nhà bỏ không chỏng chơ, mái lợp lá mía mủn dần tơi tả rơi xuống mặt sàn mốc thếch. Ngày ngày bố vẫn ngược xuôi hai bến sông. Thi thoảng cô Tam lấy chồng làng bên đáo qua nhà tôi dọn dẹp quấn vén, vừa làm vừa ra rả chì chiết mẹ tôi. Và bao giờ kết thúc chuỗi càm ràm đó cũng là câu thở dài não ruột: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng xem giống. Tai tiếng của mẹ mày cả đời không gột sạch được. Rồi ít nữa mày sẽ chồng con kiểu gì đây?”. Tôi nín lặng, nghe lòng quặn thắt. Tôi chưa đủ lớn để nghĩ về tương lai của mình cũng như cảm nhận được nỗi ê chề khi câu chuyện “bỏ nhà theo trai” của mẹ cứ râm ran khắp làng trên xóm dưới. Tôi chỉ thấy một khoảng trống thăm thẳm đắng đót khi nhiều đêm bất chợt tỉnh dậy bởi tiếng rít thuốc lào sòng sọc đơn độc, thấy bố ngồi như bất động bên chiếc bàn gỗ sứt sẹo tróc lở. Khói thuốc khét nồng, cay xè, rưng rức.

Đúng một năm sau cái buổi trưa nắng nhễ nhại ấy tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của mẹ gửi kèm với tờ đơn xin ly hôn. Bố tôi ngồi chết lặng, mắt vằn lên man dại như thiêu đốt những tia hy vọng mỏng manh bấy lâu vẫn thấp thoáng lẩn lút trong những tiếng thở dài cố nén. Tôi len lén mang lá thư ra sau vườn, đọc đi đọc lại, cố tìm ra một lý do chính đáng cho cái sự nhẫn tâm của mẹ. Lá thư dài chưa đầy trang giấy. Những dòng chữ run run nguệch ngoạc: “…Mẹ với chú Phóng đã vào khu kinh tế mới ở Lâm Đồng. Mẹ mới sinh em trai. Mẹ xin lỗi con, mẹ có nỗi khổ của riêng mình. Rồi mai này con lớn, con sẽ hiểu được sự bất hạnh của mẹ về những nỗi niềm đàn bà….”. Đúng là tôi chưa đủ lớn hiểu được nỗi niềm của mẹ. Tôi chỉ thấy mẹ cũng giống như bao người phụ nữ ở xóm nghèo ven đê này, ngày ngày trầy lưng xuội mặt với công việc đồng áng lợn gà. Nhà nào cũng có lúc to tiếng cãi cọ. Vậy mà họ vẫn quây quần với chồng con. Chỉ có mẹ cả gan bỏ làng đi theo gã buôn lợn có đôi mắt hấp háy đáng ghét ấy. Phải chăng mẹ nghĩ mình còn trẻ đẹp nên có quyền chọn lựa ngã rẽ khác cho cuộc đời? Dòng chữ sau cùng của lá thư ghim vào trái tim non nớt của tôi nỗi hoài nghi và niềm xa xót khôn nguôi.

***

Mười lăm tuổi, tôi thi đỗ trường chuyên dưới thị xã. Hai bố con lơ ngơ ở bến xe, khi thoát được sự giằng co chèo kéo của đám xe ôm thì cũng là lúc bố phát hiện ra bọc tiền trong túi áo đã không cánh mà bay. Tôi khóc oà lên. Bố run run trấn an tôi nhưng vẻ thất thần đựng đầy trong mắt. Hai bố con tôi thất thểu cuốc bộ trên vỉa hè khấp khểnh, đi qua những quán hàng lô nhô. Bất chợt có tiếng gọi với theo: “Anh Nhị, anh Nhị ơi!”. Bố tôi quay lại, một người đàn bà tập tễnh bước đến, bố thoắt mừng rỡ như gặp được vị cứu tinh. Người ấy là dì Nụ, em gái con chú con bác với mẹ tôi.

Dì Nụ giúp tôi hoàn thành thủ tục nhập học và khẩn khoản mời bố con tôi trở lại nhà dì ăn cơm. Dì dứt khoát bảo tôi ở lại nhà dì chứ không phải đi trọ chỗ khác. Bố tôi cười gượng gạo. Tôi hiểu thực tình thì bố cũng không muốn dây dưa phiền lụy gì đến nhà ngoại của tôi đâu, nhưng sợ tôi lạ nước lạ cái bơ vơ lạc lõng nơi phố thị nên bố đành muối mặt để tôi ở lại nhà dì. Nhà dì Nụ cách trường tôi học vài trăm mét. Dì hơn mẹ tôi bốn tuổi nhưng có nước da trắng và vóc người nhỏ nhắn nên nhìn dì còn khá trẻ. Chỉ có điều một chân dì bị dị tật bẩm sinh, bước đi tập tễnh “chấm phẩy”. Chục năm trước, dì Nụ xuống thị xã làm công nhân, qua mai mối nhận lời làm vợ lẽ một người đàn ông luống tuổi, sống với nhau mấy năm, chưa có được mụn con nào thì ông chồng già đổ bệnh, dì trở thành gái góa khi mới qua tuổi ba mươi. Mấy người con chồng đều đi làm ăn xa, nhượng cho dì căn nhà nhỏ giữa trung tâm thị xã để dì chăm lo việc thờ cúng hương khói cho cha mình. Dì bán tạp hóa lặt vặt, kê vài cái bàn nhỏ ra gốc cây bàng trước nhà bán thêm trà đá thuốc lào cho cánh xe ôm và đám công nhân của xí nghiệp chế biến hoa quả gần đó.

Chiều chiều, tôi đi học về, thấy bên mấy chiếc bàn nhựa bạc màu dăm ba cái đầu đàn ông trọc lóc chúi vào cuốn sổ ghi tay dày cộp chi chít những con số. Những tiếng cười nói hô hố. Loáng thoáng cả tiếng xuýt xoa tiếc rẻ. Tiếng chửi thề cay cú. Tiếng thở dài não ruột. Vài ba lần tôi vô tình trông thấy có gã đàn ông mặt bự thịt, dứ dứ mấy đồng tiền xanh lét trước mặt dì Nụ, buông lời chọc ghẹo tán tỉnh thô lỗ. Dì hẩy bàn tay múp míp ấy ra, giọng ráo hoảnh: “Đây không cần tình, cũng chẳng thiếu tiền. Chơi sòng phẳng thì đến, chứ có ý định tán tỉnh lợi dụng con này thì biến.”

Tôi sợ cái không khí ồn ã bặm trợn buổi chiều quanh cái bàn nước và cuốn sổ dày cộp ấy. Đi học về là tôi chui tọt vào trong nhà, lau chùi quét dọn căn bếp và phòng tắm đến sạch tinh rồi lụi cụi nấu cơm. Tôi sợ cả không khí gượng gạo trong những bữa cơm tối. Thường là tôi sẽ đợi dì Nụ xong việc mới dọn cơm. Cũng có hôm dì bảo tôi cứ ăn trước, dì bận việc sổ sách sẽ ăn sau. Đợi dì ăn xong, tôi lúi húi dọn dẹp mâm bát rồi khom người leo lên gác xép, chụp tấm bìa vào bóng đèn điện đỏ quạch và ngồi học đến khuya. Nhiều đêm tôi tỉnh giấc, thấy khát nước khô cả họng nhưng không dám đi xuống nhà dưới bởi chỉ sợ cái tiếng cót két của cầu thang sẽ khiến dì Nụ thức giấc, thế nào cũng càu nhàu cáu gắt. Căn nhà chỉ hơn ba chục mét vuông nhưng trong trái tim của đứa con gái quê mùa nhút nhát như tôi lại là khoảng mênh mông bất tận. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Dì Nụ nói câu đến cả trăm lần mà tôi vẫn thấy mình lọt thỏm bơ vơ trong gian nhà lúc nào cũng mờ tối ấy. Mấy lần tôi toan xin bố cho ra ngoài thuê trọ, nhưng cứ nghĩ đến những đồng tiền lấm lem nhàu nhĩ bố kiếm được từ những mớ tôm mẻ cá thâu đêm, tôi lại nén lòng im lặng.

Thường thường, chiều thứ bảy cuối cùng của tháng, bố đạp xe xuống tận nơi đón tôi về nhà chơi một ngày rồi chiều chủ nhật lại chở xuống, lỉnh kỉnh mang theo bịch gạo mới xát, những củ su hào bắp cải đẫy căng, đùm tôm nõn phơi khô đỏ au. Mỗi lần như thế, bố e dè đưa cho dì Nụ chiếc phong bì tự dán bằng vở học sinh, bên trong có những tờ tiền lẻ nhăn nhúm ẩm ướt còn vương mùi cá. Dì nhận lấy bỏ vào ngăn kéo, tươi cười mời bố tôi ở lại ăn cùng với con gái bữa cơm tối nhưng chẳng bao giờ bố ở lại. Bố tần ngần dặn dò tôi mấy câu rồi lóc cóc đạp xe về, chưa khi nào tôi thấy bố dừng chân ngó nghiêng vào những chiếc bàn nhựa bạc màu trên vỉa hè lát gạch nghiêng khấp khểnh. Nhìn theo bóng bố xiêu vẹo lẫn trong dòng người tất tả ngược xuôi, tôi lầm lũi quay vào nhà, thấy lòng mình se lại. Tôi bần thần leo lên gác xép, có cảm giác ánh mắt dì Nụ dõi theo thấp thoáng một chút cảm thương.

Một chiều cuối tuần, bố xuống đón tôi, hai bố con chuẩn bị ra về thì mưa bất chợt ào xuống, sấm chớp giật liên hồi. Trời sầm sập tối mà mưa tầm tã tưởng như chẳng muốn ngớt. Bố tôi cứ đứng chôn chân trước cửa. Chiều mưa nên không có cảnh những vị khách bụi bặm chụm đầu vào cuốn sổ dày cộp bên chiếc bàn nhựa cóc cách. Dì Nụ hí húi nấu nướng. Mùi thức ăn thơm phức len lỏi vào không gian lành lạnh. Dì khẩn khoản mời đến mấy lần bố mới ngần ngại miễn cưỡng ngồi vào bàn ăn. Dì đon đả gắp thức ăn cho hai bố con. Phải chăng từ ngày tôi ở đây rất hiếm khi dì vào bếp hay tại sự quây quần vô tình này mà tôi bỗng có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Thi thoảng tôi bắt gặp ánh mắt dì lấp lánh phụ họa cho những câu đùa tếu rất duyên. Còn bố chỉ đáp lời bằng điệu cười gường gượng, ánh mắt cụp xuống bối rối ngượng ngập.

Đêm, dì Nụ lên gác xép trải tấm nệm mỏng bên cạnh chỗ ngủ của tôi, nhường cho bố chiếc giường mét hai ở gian dưới. Tôi vẫn chong đèn học đến khuya. Hình như bố lạ nhà không ngủ được, thi thoảng lục sục trở dậy châm thuốc hút. Trên này, dì Nụ có vẻ cũng trằn trọc, đập muỗi đen đét, gãi chân sồn sột. Tôi cố chụp thêm một tấm bìa lên chiếc đèn học để ngăn ánh sáng không hắt về phía dì. Tiếng con mèo hàng xóm gào đực thi thoảng lại vẳng lên thê thiết. Con mèo tam thể dì Nụ nhốt dưới bếp cũng đáp lại bằng những tiếng gầm gừ khò khè trong cổ họng. Mưa vẫn tí tách rỏ xuống mái tôn trước hiên. Tôi tắt đèn, khẽ khàng chui vào màn nằm xuống cạnh dì. Nghe tiếng thở đều đều của dì, tôi miên man trong những suy nghĩ mơ hồ mà lại có cảm giác gần gũi thân thuộc khó tả.

Tôi lên lớp mười hai, bận rộn với bài vở và thi cử nên ít về nhà. Bố tôi vẫn đều đặn gửi xuống những đùm tôm cá khô ướp nhạt mà bố đã cẩn thận phơi trên những chiếc sàng trước khoảnh sân đầy nắng. Có hôm tôi đi học về muộn, dì đã dọn cơm, bát tôm khô rang lá gừng đỏ au. Dì vừa bóc đầu tôm bỏ vào bát của con mèo tam thể béo ú vừa thủng thẳng: “Mẹ mày bỏ làng đi dễ đến năm năm rồi đấy nhỉ?”. Tôi cúi gằm mặt không đáp, miếng cơm bã bứ trong miệng, mảnh râu tôm đâm xiên vào kẽ răng đau nhói. Chính xác là bốn năm ba tháng mười tám ngày. Vậy mà tôi vẫn tưởng như mới hôm qua, mẹ còn ngồi chải tóc ở đầu hiên, ánh mắt lấp lánh nhớn nhác khác thường. Và những tia nắng xiên xuống sắc như dao, dòng nhựa nhờ nhợ rịn ra từ gốc cây bầu khi con dao của bố lia qua, tiếng kêu khô khốc đơn độc của con lợn còi vẫn ghim vào tiềm thức tôi nỗi nghèn nghẹn xót xa.

Một chiều đi học về, tôi giật mình khi thoáng thấy trong đám người vây quanh chiếc bàn nhựa dưới gốc cây bàng có tấm lưng khum khum quen thuộc. Tôi thảng thốt gọi: “Bố ơi!”. Nếu người quay lại ấy không phải là bố tôi thì chắc tôi chỉ thấy xấu hổ vì nhận lầm người. Nhưng lại đúng là bố. Nghe tiếng tôi gọi, bố ngẩng đầu lên, mặt đỏ bừng. Rồi bố lật đật lên xe đạp vù đi chẳng thanh minh với tôi một câu. Cổ họng tôi nghẹn ứ lại. Tôi đau đớn ngỡ ngàng, thẫn thờ đi vào nhà, chui lên gác xép chúi đầu vào một góc khóc không thành tiếng. Thảo nào mấy tháng nay số tiền dì Nụ đưa cho tôi nộp học toàn là những đồng bạc mới cứng lạnh ngắt chứ không phải những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ còn ám mùi tanh. Thảo nào khi ăn hết đám cá tôm khô quắt, bữa cơm có thêm món thịt ba dọi kho nhừ với trứng chim cút. Những đồng tiền mới cứng, những miếng thịt béo ngậy ấy là do bố cũng chúi đầu vào cuốn sổ dày cộp chi chít số trên chiếc bàn nhựa bạc màu ấy mà ra hay sao? Bố sa vào trò đỏ đen đó từ bao giờ mà tôi chẳng hay?

Tới bữa ăn, tôi nhìn  xoáy vào mắt dì Nụ: “Sao dì để bố cháu …?” Nhưng tôi chưa kịp nói hết câu thì dì đã chặn ngay: “Ờ thì cũng phải để ông ấy sống cho mình một chút chứ, vợ không có, chỉ một mống con gái…” Tôi nuốt cay đắng vào trong, phải cắn chặt môi để không bật lên câu trả đũa: “Dì cũng chỉ có một mình, sao dì vẫn muốn kiếm tiền từ người lạ đến người quen?” Chẳng phải vì tôi sợ dì, mà có lẽ cái câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” bất chợt chạy lướt qua đầu tôi. Dù gì thì suốt mấy năm nay, tôi ăn nhờ ở đậu nhà dì. Những buổi họp phụ huynh ở trường, dì vẫn đến dự họp đầy đủ để tôi không phải sậm sụi tủi thân. Mấy năm nay, cơn đau bụng hàng tháng của tôi cũng dịu đi nhờ những nắm lá ngải cứu hơ nóng của dì. Những điều ấy lẽ ra tôi phải được hưởng từ mẹ chứ không phải từ bàn tay gầy guộc của người đàn bà góa chồng dị tính này.

***

Tôi thi đậu đại học với số điểm khá cao. Trước ngày tôi lên trường, bố làm một mâm cơm liên hoan mời ông nội, vợ chồng bác Nhất và cô Tam đến. Gần trưa thì dì Nụ đi xe ôm về. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng không dám hỏi bố, chỉ lí nhí chào dì. Hình như bố có đánh tiếng mời bà ngoại tôi tới nhưng bà từ chối, bà đợi quá trưa mới lật đật đi từ xóm trên xuống, nhờ hàng xóm gọi tôi ra cổng dúi vào tay tôi cuộn tiền bé như ngón tay cái: “Bà cho mấy đồng thêm vào mua sách bút. Mẹ mày theo thằng kia vào tận Sài Gòn rồi. Nghe bảo vào đó làm ăn buôn bán dễ hơn, cũng là để tiện đưa thằng cu con đi viện, nó ốm yếu suốt. Khổ quá. Đang chỗ quang quàng bụi rậm… Bà chỉ mong mày tha thứ cho mẹ mày mà đừng xa lánh bà… Bà cũng khổ tâm lắm…” Rồi bà khóc. Tiếng khóc của người già rấm rứt đứt đoạn khó nhọc. Tôi muốn nhào vào lòng bà mà khóc theo nhưng chẳng hiểu sao cứ đứng như bị chôn chân vào đất, mắt ngó lên ngọn tre xao xác lá. Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã nguôi dần cảm giác oán trách mẹ. Thôi thì mẹ đã cố đầm cố chì với sự lựa chọn của mình và coi đó là hạnh phúc thì tôi cũng chẳng so đo cắn đắn làm gì. Nói như bà ngoại, duyên phận bố mẹ tôi chỉ được đến vậy, có trách cứ cũng chỉ khiến tôi đau lòng thêm. Bà thập thững ra về. Tôi nhìn hút theo tấm lưng của bà đã dần còng xuống như một dấu hỏi nằng nặng trên con đường ngập nắng, thấy lòng mình hoang hoải, trơ vơ.

Tôi bần thần quay vào, tẩn mẩn dứt mấy chiếc lá cỗi trên cây mẫu đơn đầu hiên. Trong nhà có vẻ im lặng khác thường. Dì Nụ đặt lên mặt bàn chiếc hộp nhung tròn đỏ thẫm. Dì nói từ tốn. Hình như chưa bao giờ tôi nghe giọng dì trầm ấm như thế:

  • Thưa ông, thưa các anh chị… Đây là ba chỉ vàng, là số tiền mà anh Nhị gửi con trong suốt ba năm qua để nuôi cháu Thương ăn học. Con gửi lại ông giữ để mai này làm của hồi môn cho cháu. Còn đây là giấy biên nhận mua bán mảnh vườn… Con xin lỗi ông đã để cho anh Nhị sa vào cái vòng đỏ đen luẩn quẩn ấy. Cũng chỉ vì thương cảnh gà trống nuôi con của anh ấy, muốn anh ấy đổi đời, nào ngờ…. Chắc cả nhà và cháu Thương không biết rằng sau vài lần thua lô đề, anh ấy đã gán mảnh vườn cho con. Nhưng tờ giấy biên nhận này con xin giữ lại để sau này cho cháu Thương. Chị gái con nông nổi bạc bẽo vậy, con xin ông cho con được gánh vác chút trách nhiệm thay chị con…

Tôi đứng ngoài cửa, tay run run bấu vào tấm liếp, nghe tim mình đập thình thịch. Bỗng nhiên thấy mình như rơi vào một mớ bùng nhùng hỗn độn trái ngang…

Những đồng tiền ám tanh mùi cá từng khiến tôi rưng rưng.

Những buổi chiều muộn, tiếng xôn xao bên chiếc bàn nước và cuốn sổ dày cộp chi chít số.

Những ánh mắt lấp lánh khác thường của dì Nụ mỗi lần bố lên thăm tôi.

Cả ánh mắt cuống cuồng cụp xuống của bố khi nghe tiếng tôi gọi thảng thốt…

Và ngay lúc này, tôi choáng váng khi thấy bố quỳ sụp xuống dưới chân ông.

  • Con xin ông, cho con được nên duyên với Nụ. Bố con con nợ cô ấy quá nhiều rồi…

Giọng ông đùng đục:

  • Nếu hai người đến với nhau chỉ vì khoản nợ kia thì tôi không đồng ý. Cái nợ vật chất vẫn là cái nợ dễ trả nhất. Chỉ có nợ tình nợ nghĩa mới khó trả thôi. Còn nếu anh cảm thấy đã tìm được người chăm lo cho hai bố con, tôi cũng chẳng cấm cản. Nhưng anh phải hỏi ý con Thương xem sao…

Mặt bố đỏ lựng, trả lời ông lắp bắp như hụt hơi. Tôi biết không phải vì bố say rượu.

Dì Nụ tập tễnh bước ra sân. Khoảnh sân đầy nắng. Nắng gắt gỏng, nhễ nhại tựa như cái buổi trưa mẹ tôi bỏ đi theo ảo ảnh của tình yêu.

Còn sự gá nghĩa duyên mọn khập khiễng của bố với dì Nụ liệu có là ảo ảnh? Dì hơn bố tôi hai tuổi. Dì không thiếu tiền và cũng chẳng cần tình, sao dì lại đành lòng hạ mình để lấp đầy cái khoảng trống hoang hoác mà mẹ tôi bỏ lại? Dì có thấu hiểu về “nỗi niềm đàn bà”, cái nguyên cớ khiến mẹ tôi quyết dứt áo ra đi? Là dì thương tôi thiếu vắng tình mẹ, hay dì thương bố tôi, người đàn ông chài lưới thô mộc cô quạnh? Tôi ở cùng dì mấy năm nay, tưởng như đã hiểu được dì mà chẳng thể lý giải nổi những điều băn khoăn ấy.

Tôi nhìn theo những bước chân tập tễnh của dì Nụ khuất sau đoạn ngõ dài ngoằng. Nắng nhòa đi. Bố quay ra nhìn tôi, ánh mắt nửa như van lơn, nửa hối lỗi ngượng ngùng.

Tôi lên Hà Nội học đại học, luôn cảm thấy mình lạc lõng bơ vơ giữa chốn thị thành. Mỗi chiều, đi từ giảng đường về khu trọ sinh viên khuất sâu trong một con ngõ nhỏ, tay run run tra chìa khóa, bước chân vào căn phòng ẩm thấp tối bưng, ngồi bần thần bên hộp cơm bụi khô khốc, chẳng hiểu sao tôi cứ miên man nhớ tới dì Nụ. Đêm nằm, năm ở. Huống gì tôi đã ở cùng dì suốt ba năm, coi nhà dì là chốn nương thân tin cậy trong những ngày tháng chập chững xa nhà. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Không hẳn vì dì đã chăm chút bao bọc tôi trong suốt quãng thời gian tôi hẫng hụt chênh chao vì thiếu thốn tình mẹ, cũng chẳng phải vì ba chỉ vàng với tờ giấy biên nhận mua bán mảnh vườn mà dì muốn giữ lại cho tôi. Mà vì một điều gì đó rưng rưng rất khó gọi tên. Tôi kê cuốn vở lên chiếc hòm tôn cá nhân, ngồi cắm cúi viết thư. Lá thư đầu tiên gửi về cho dì Nụ…

***

Giữa trưa, tôi về đến nhà, bần thần đứng trước cánh cổng sắt còn nồng mùi sơn đã thay cho hai cánh cửa tre ọp ẹp, bỗng thấy lòng mình chùng xuống, nửa như tiếc nuối vẩn vơ, nửa lại nhen nhóm yêu thương. Căn nhà ngói cũ bấy lâu như oằn xuống giữa um tùm vườn tược giờ đã được cơi lên cao ráo bởi hai mái tôn lạnh màu xanh biếc. Mấy cây nhãn cằn cỗi ở góc vườn đã cưa hết các cành lá rườm rà để chuẩn bị ghép những mắt cây giống mới. Góc sân giếng, mấy nhành đỗ khế đang tua tủa vươn mầm ngoi lên bám vào giàn bầu đã bắt đầu rạc rã.

Nhà có bàn tay người đàn bà, dường như mọi thứ đều muốn cựa mình trổ mầm xanh lá. Bố tôi ngồi hút thuốc ở đầu hiên, những vồng khói loãng tan trong nắng. Dì Nụ đội chiếc mũ cói rộng vành hí húi bên mấy mẹt tôm khô đỏ au. Trong nhà, tiếng đài cát xét dìu dặt một làn điệu chèo tha thiết, trữ tình…

Tôi muốn quên đi “nỗi niềm đàn bà” mà mẹ từng bao biện. Cũng chẳng còn ảo ảnh nào khiến tôi trăn trở băn khoăn nữa.

Gió thông thênh, nắng rười rượi tràn trề khoảnh sân vuông vắn, sạch sẽ trước hiên nhà.

Tạ Thị Thanh Hải

Đánh giá bài viết 1 Star (1 lượt bình chọn)
Loading...