Hùng Huế. Thiệt ra Hùng gốc gác Quảng Trị và anh em gọi Hùng Huế từ khi thành danh trên võ đài đấm bốc chứ trước đây chết cái tên Trư Bát Giới. Trư còn đỡ chứ lắm thằng còn gọi Hùng Heo – tệ hơn là – heo nọc. Ê, Heo Nọc, nhìn mặt mày tự nhiên tao ớn mỡ quá chừng luôn. Chả biết ăn cái giống gì mà Hùng cả cốt lẫn bì những một trăm hai mươi ký lô. Cao ngoài mét bảy chứ hai mét thì chừng đó ký, thiên hạ vẫn heo mà gọi.
Bị chết danh heo nọc Hùng tự ái dồn dập. Để khắc phục thể hình không ai cảm kể cả gia đình, Hùng ra sức chạy. Sáng, nó lê cái thân tạ hai thục mạng chạy. Từ nhà đến cuối thị trấn năm ký lô mét khứ hồi mũ hai là hai chục. Chiều không bóng đá, bóng chuyền thì bóng rổ. Cái dòng thể thao không thì thôi chứ đã rớ vô là lậm không thua chi bọn nghiện. Sau sáu tháng từ tạ hai Hùng còn chín mươi ký lô. Cái bụng vẫn ăm ắp mỡ, vẫn phục phịch, thiên hạ vẫn heo nọc mà gọi – và – Hùng Heo vẫn cúi mặt cười trừ cho đến khi gặp Mười Sử.
Mười Sử bảy mươi xuân nhưng tướng tá cực ngon cơm bởi là võ sư. Về nhân thân Mười Sử có lắm điều để nói bởi, nếu Hùng là một ngoại hạng cho cái cân nặng thì Mười Sử là một thứ ngoại hạng rất ly kỳ. Đích thân Mười kể rằng, bốn mươi chín tuổi ông mới đến lò chuyên nghiệp của võ sư Kim Bảo xin thọ giáo. Bốn mươi chín thì còn cái nước nôi gì nữa mà võ thuật vậy kìa? Mười rằng, nhà nghèo quá, chữ nghĩa đọc báo phải đánh vần, tính toán nhẩm là chính thì tiền đâu để đến lò bái sư làm thầy. Tuy nhiên, mê võ nên Mười có tự luyện. Cũng uýnh đấm, đá cao, đá thấp chạc chân không bản không bài. Rồi lấy vợ rồi sinh con. Hết chiến tranh Mười cũng rừng cũng núi cũng đào hầm rác, cưa bom, moi phế liệu kiếm sống như ba quân chứ không thua. Thiên hạ hỏi:
- Nghe nói ông đào được hủ vàng trong nghĩa địa Triều Châu?
Với câu hỏi nầy Mười chỉ cười cười không nói nên ba quân chả biết đâu mà lần. Tuy nhiên, lời tục đồn như thiệt, với cái xà beng trong nghiệp đào phế liệu, Mười đêm hôm khuya khoắt vào nghĩa địa Triều Châu kiếm ăn và vớ trúng một hủ vàng mà khi chết, người Tàu táng theo để, thân nhân có cái mà hối lộ cho phán quan dưới a tỳ. Dám lắm, theo mấy thằng có đọc sách bảo rằng, trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam – gì chứ – chôn vàng người Tàu là trùm. Có thằng khẳng định, hủ nói chi cho mệt, cả đống luôn, không tin cứ tìm đọc tiểu thuyết Vàng và Máu của ông Thế Lữ là biết liền. Mẹ cha ôi… cổ tích và tiểu thuyết mà ba quân tin thiệt mới là ly kỳ dị cho Mười Sử.
Bốn chín tuổi Mười Sử đến lò xin học nghệ là thiệt thọ. Võ phải dõng. Võ Dõng. Dõng ở đây là dũng. Muốn dũng mãnh không thể khoai lang củ mỳ như đào phế liệu mà phải, thịt thà cá mú rau củ quả, tất cả phải từ dư đến dư chứ chỉ đủ là không thể dõng. Ngoài ra phải thuốc bí truyền để vỗ khi, chấn thương trong luyện tập hay suông đòn lúc đối kháng. Thị trấn quê hương của Mười Sử dài chỉ năm ký lô mét mà những chục lò võ. Các ông võ sư, không nói chắc ai cũng biết, ông nào cũng là thầy thuốc Bắc xịn sò, ông nào cũng dú như mèo dú sít một toa thuốc võ nằm ở dạng bí truyền. Về thuốc võ đồn rằng, học trò ông Kim Bảo thượng đài tự do bị suông một chỏ đến tét trán, Kim Bảo nhúng ngón tay trỏ vô bình thuốc bôi một phát là máu ngưng chảy, học trò đánh tiếp và đánh thắng. Ghê chưa?
Bốn mươi chín bắt đầu võ nghệ thì ba cái bồi dưỡng phải dư. Thuốc võ phải một bình riêng bởi võ sư Kim Bảo tập riêng cho thằng trò lớn tuổi. Võ mà dạy riêng thì tốn gấp tám lần học kèm thi tuyển vào trường chuyên của thời a móc ngoéo nầy. Tốn bao nhiêu Mười Sử cân hết. Và thế là thiên hạ đồn Mười vớ được hủ vàng từ nghĩa địa Triều Châu. Nhưng… Bốn mươi chín mới vào nghệ thì cho có với người ta chứ, ai duyệt cho anh thượng đài để có danh hiệu mà lên sư. Muốn là sư ít ra, anh phải có thành tích, đại loại như thượng dăm trận, thắng hai, hoà hai, thua một, phải có, không bằng cũng giấy chứng nhận thế nầy thế kia mới đơn từ xin phong danh hiệu. Mười Sử uýnh trận nào mà võ sư?
Xin thưa, ráo riết trong luyện tập từ thảo, quyền đến đối kháng. Bồi dưỡng thì năm phân vàng một chỉ Sâm Cao Ly, Mười Sử ngậm mỗi đêm nửa chỉ thì ba cái thịt thà cá mú rau củ quả chả là cái nghĩa địa gì. Kỹ lưỡng trong ăn uống và luyện tập như Mười, không lên được đài thiệt vì có tuổi nhưng, đài giả thì bọn tre trẻ từng thắng một đôi trận ớn Mười lắm. Võ Lê Linh, học trò nhất của võ sư Võ Lê Thắng, thượng ba trận thắng cả ba mà chịu không nổi Mười Sử hai hiệp khi giao hữu. Bọn bụi đời xóm chợ kháo rằng:
- Đù mà… Mười Sử thì ông Kim Bảo nó đánh còn chết nói gì Võ Lê Linh.
Cũng nên thông cảm cho bụi đời xóm chợ. Dân bán trời không văn tự thì Kim Bảo thầy của Mười Sử chứ có là thầy của bụi đâu mà bảo bụi nể. Bụi nói vậy đó, ai ngon ra miệng bụi chấp hết. Tay chân không lại ông chơi búa chứ sợ à.
Nói sơ vậy để biết Mười Sử ngoại hạng ra làm sao.
Mười Sử đến sân vận động thị trấn xem đá bóng. Nhìn tướng tá thằng tiền vệ phân phối bóng Hùng Heo nói rằng:
- Mày theo tao chơi võ mới thành chứ bóng đá thì thua con trai ạ.
Nghe võ Hùng cũng khoái bèn đến lò vòng tay thi lễ bái Mười Sử làm sư. Trước tiên thầy Mười luyện cho Hùng cái gọi là nền tảng của thể lực. Phải nén hơi xuống đơn điền nhảy nhảy và nhảy. Mồ hôi đầm đìa như bánh tráng nhúng nước mà vẫn nhảy. Chừng nào chín mươi còn sáu lăm ký lô mới direct, choa, bạt xivin và kutsê. Thầy nói mày chỉ nhảy, tới lui ngang dọc sao cho nhanh như sao xẹt và luyện đúng bốn đòn của quyền anh là được rồi. Gối lên, chỏ xuống, đá cao, thúc cản hay thảo bộ để tính sau.
Hai tháng. Đúng hai tháng bài bản, bụng Hùng Heo sáu múi, ngực nở eo thon, cái mặt gọn bân, cổ hết nọng, thòi ra một Tống Ngọc một Phan An mà đẹp trai tầm diễn viên điện ảnh Tuấn Trần nếu hội diện phải than ôi trời đã sinh Tuấn sao còn sinh Hùng. Trong quyền anh, Choa là đòn trên đầu vỗ xuống. Bạt xi-vin là bạt cú đấm vào mặt đối phương. Kút sê là móc vào cằm và direct là gì ai cũng biết dù không chơi võ. Sáu tháng Hùng tinh thông.
Hùng thượng đài. Xứ sở mà con gái cũng biết bỏ roi đi quyền thì đài đung là thường. Nói ngày hơi quá chứ tháng cách tháng, không nơi nầy cũng nơi kia tổ chức thi đấu từ tự do đến quyền anh. Quyền anh gồm có chuyên, bán chuyên và nghiệp dư. Tầm cấp thị trấn như Hùng thì nghiệp dư không hơn. Nghiệp dư một trận ba hiệp, mỗi hiệp ba phút chứ không dăm, bảy, mười, mười hai hiệp như chuyên hay bán chuyên. Hùng Heo – như đã biết – từ một trăm hai chục ký lô bóng đá bóng chuyền bóng rỗ maratông còn lại chín chục. Từ chín chục võ sư Mười Sử nén bốn đòn của quyền anh còn lại sáu mươi lăm. Thi đấu với cái xác sáu mươi lăm nhưng cú đấm của chín chục ký nên trận đầu tiên, đối thủ của Hùng nốc ao ở phút thứ hai của hiệp hai. Hùng tuy có ăn trên dưới chục cú vô mặt vì không kinh nghiệm nhưng, hay không bằng hên luôn hiện diện trong võ thuật.
Trong tất cả các môn thể thao. Bóng đá những hai mươi hai anh trên sân, khán giả từ dăm, bảy đến chục ngàn có đông thiệt, hò hét có to thiệt nhưng, sự phấn khích của vận động viên không bằng một chút của thượng đài. Hò hét cho hai mươi hai trên cái sân chục nghìn mét vuông, không thể bằng sàn đấu với diện tích, bốn nhân bốn mười sáu vuông. Khán giả vây xung quanh đài la ó. Khi cánh tay kẻ thắng trận được trọng tài giơ lên cao – mẹ cha ôi – phấn khích gấp nghìn lần cầu thủ trên sân bóng. Võ sĩ thắng khi thượng đài sướng lắm trời ạ. Chúng bạn sẽ vây quanh mà tung hê mà vạn tuế mà hura… và thiên tiên cùng ngọc nữ sẽ bên anh mà…
Thắng trận Hùng Heo cùng Dạ Hương – một thiên tiên hâm mộ – vào Misa quán. Misa là nơi hội tụ của dân chơi thị trấn cùng võ sư võ sĩ và bụi đời xóm chợ. Trên có nói, bụi luôn là những anh trai bán trời không văn tự, ăn nhậu không cho thiếu là phá luôn quán. Một trong số quý anh bụi là Tí Bờm. Bờm từng tạm giam ở huyện sáu tháng về tội đánh người không duyên cớ. Bờm lớn giọng:
- Ê… Hùng Heo…
Hùng bước lại bên bàn Tí Bờm. Phe cánh Tí những bốn bụi:
- Đựng lên Tí Bờm. Đù mạ… đựng lên và be mặt lại…
Hùng gốc Quảng Trị nên đứng phát âm là đựng. Tí Bờm chưa kịp đứng Hùng đã phang một direct vào mặt. Bờm ngã ra nền quán đánh huỵch. Ba bụi trong bàn đứng lên nghinh chiến nhưng tất cả sụm bà chè vì, cú đấm chín mươi ký trong cái xác sáu mươi lăm. Đó rồi Hùng ngạo nghễ giọng Quảng Trị:
- Người Nam nọi khọ nghe, người Bắc nọi cụng khọ nghe, Quảng Trị dư tau trọ trẹ dệ nghe bây hè… Từ hôm nay thằng mô gọi Hùng Heo hay Trư Bạt Giới tao cho bây chuyển viện.
Vậy là giang hồ gọi Hùng Huế.
***
Chiến thắng luôn đi kèm những thứ thất bại. Thực vậy. Vô địch một giải đấu – bóng đá chả hạn – cầu thủ luôn tuốt trên mây, huấn luyện viên phải hét khô cổ họ mới hạ cánh. Nhưng chiến thắng là cái mà ai cũng muốn và phải vô địch. Cũng một huấn luyện viên bóng đá phát biểu với báo giới rằng, vô địch chứ thứ hai là cầm đầu một tập đoàn bại trận chứ ngon lành chi. Vô địch là mục đích. Phải là độc cô cầu bại xin một lần thất bại không ai cho em mới chịu. Không một anh chị nào ôm vô địch mà không tự mãn. Biết rằng tự hào tự mãn là bệnh nhưng, căn bệnh nầy sầm sập đến không cách chi cưỡng được khi ta… vô địch.
Hùng Huế cũng vậy.
Quyền anh khắc nghiệt vô song. Khắc nghiệt cả khi anh chiến thắng. Bóng đá. Ghi bàn mới được tung hê chứ sút chạm cột dọc hay dội xà ngang thì thiên hạ chả thèm biết anh là ai. Thượng đài chẳng may chiến thắng thì khổ lắm. Dùng chữ chẳng may là chính xác bởi sau chiến thắng, sau khi được tung hê, anh phải đối diện với cái gọi là giữ vững danh hiệu cho giải đấu tới. Sẽ có vận động viên đến tận nhà, không nhà thì võ đường – thậm chí – nơi tập trung sư sĩ là Misa quán để thách đấu.
Hãy nghe dân chơi đấu khẩu khi ngà ngà men Rhum Mọi và khô hố nước mắm me ớt hiểm:
- Ê… Hùng Heo tuyên bố thằng nào gọi Trư Bát Giới là nó cho chuyển viện.
- Ai chứ tao la lớn Hùng Heo luôn.
- Mày dám thượng đài với nó không?
- Tao mà sợ nó à.
Vậy là trận đấu được hình thành.
Năm trận liên tiếp Hùng Huế thắng knock-out ba, ăn điểm hai. Vậy là dân chơi xứ võ gọi Hùng là độc cô cầu bại. Nhưng đến cái nước nầy lại lâm một thế khổ khác. Muốn không muốn Hùng Huế cũng phải vô cuộc.
- Mày nhắm độc cô cầu bại Hùng Huế – một dân chơi hỏi bạn nhậu trong Misa quán – hạ được Tấn Trung Kiên của lò Tấn Hà không?
Bạn trả lời sau khi hết một xây chừng Rhum Mọi:
- Sư phụ Tấn Hà, Hùng Huế đánh còn chết nói gì đệ tử Tấn Trung Kiên.
- Thằng Kiên 75 ký hạng siêu trung chứ không phải 65 bán trung như Hùng Huế đâu mày ơi. Có cho vàng Hùng Huế cũng đếch dám.
- Riêng tao bắt Hùng Huế… Ê… Kiên mày dám độp độc cô cầu bại không?
Men trong người Tấn Trung Kiên sợ chi ai:
- Hùng Heo dám chấp tao dám cho nó đo ván.
Nghe Kiên gọi mình là Hùng Heo, độc cô cầu bại nóng mũi:
- Tao sẽ cho mày câm luôn để hết heo nầy heo nọ.
Vậy là trận đấu chấp ký được hình thành.
Và Tấn Trung Kiên bị đo ván. Đã nói, cú đấm chín chục ký trong cái xác sáu mươi lăm ghê hồn lắm chứ không giỡn chơi. Nhưng… trong đối kháng, mày kut-sê tao cũng kut-sê. Tao ăn choa hay direct thì mày cũng dính bạt xi-vin chứ chả mèo nào cắn mỉu nào. Tao thua chẳng qua mày hên chứ, đầu cổ mặt mũi mày cũng bấy bá nào riêng một thằng tao…
Thua hay thắng chi mà chả ăn đòn khi thi đấu. Có điều thắng thì nếm được mùi vạn tuế của fans và hương thơm ngát của ái tình. Dạ Hương – một sắc nước của thị trấn – cặp kè với Hùng từ trận thắng đầu tiên vẫn theo anh như bóng với hình. Dùng từ sắc nước để diễn tả nhan sắc của Dạ Hương chả quá một lai nào đâu nghe cô bác. Một trăm thằng ở thị trấn và các xã lân cận, thằng nào nhìn Dạ Hương cũng muốn ôm một phát rồi lăn ra chết cũng cam. Nước da và cái eo của nàng y rang như nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà trong truyện ngắn Tiếng sáo trên dòng Lung Cùng đã tả… người đâu mà trắng dữ thần. Cái eo cong như khúc cua quẹo ngoài ngã ba… Hùng Huế đã hết lực vì nàng. Chính nàng là động lực để Hùng chiến thắng.
Cũng chính Dạ Hương đã khiến Nguyễn Lê Sơn Ý của lò Nguyễn Lê Sơn lâm mối hận tình. Đưa tình nương Dạ Hương đi xem đấu đài. Ý đã bị nàng đá một phát vì Hùng Huế uy vũ quá, đẹp quá. Hận tình, Ý thề với lòng anh sẽ đả bại nó cướp lại em. Ý âm thầm luyện tập ngày đêm chờ một ngày rửa mối hận lòng. Thiệt ra bà Dạ Thảo – mẹ của Dạ Hương – không ưa chi thằng không có cả mùng tơi để rớt Hùng Huế lắm. Mẹ đơn thân nuôi con bằng chạy chợ muốn sặc gạch thì đẹp làm chó gì khi nghèo – bà bảo thế – rồi nói tiếp – tao chửa, thằng cha mày vì già mà giàu nên bỏ tao… mà thiệt ra tiền so với tình tiền hơn Hương ơi là Hương. Mắc ông mắc cha gì mà ngon lành cành đào như thằng Ý mày chê là sao hả con quỷ cái?
Nguyễn Lê Sơn Ý vốn con nhà giàu. Cũng võ sĩ như ai. Dạ Hương đá Ý là nghĩa làm sao? Dân chơi bốn mùa sương gió của thị trấn bảo rằng Dạ Hương trường túc bất tri lao, đa mi tắc đa mao, tiểu yêu âm hộ đại thêm cái trường xà thì chỉ Hùng Huế mới đưa nàng lên được thiên thai chứ Nguyễn Lê Sơn Ý có mà húp cháo rùa… đã bị bồ đá còn bị thiên hạ chê chưa đến chợ đã hết tiền nên, hận tình quyết trả cho xong, bằng không hận nầy mang xuống tuyền đài Hùng Huế ơi. Ý bảo thầm vậy.
Thượng đài – như đã biết – là một cuộc chiến đấu không khoan nhượng. Cả hai lao vào nhau hết lực để đả bại đối phương. Với quyền anh thì cái đầu, bộ ngực cùng hai bên hông là nơi phải chịu áp lực. Chiến thắng nối chiến thắng tầm Hùng Huế thì áp lực từ dưới cho đến tận trên đài. Giải đấu nào Hùng cũng phải thượng vì thách đấu. Đã nói chiến thắng và vô địch luôn có nhưng thất bại đi kèm. Liên tục chiến đấu là một thất bại lớn. Trận nào Hùng cũng thắng nhưng đầu cổ ngực hông ăn cũng khá bộn đòn của đối phương.
Nghe học trò nhất – người mà – đã khiến võ đường của mình ăn nên làm ra. Bốn từ độc cô cầu bại lôi trai thanh gái lịch xin thọ giáo đông như kiến… Hùng than nhức đầu thầy Mười Sử bắt mạch rồi yêu cầu đệ tử đi bệnh viện xi ty. Xem phim xi ty cắt lớp xong bác sĩ phán:
- Cái đầu của anh có vấn đề… dây thần kinh thị giác bị chèn nên… Anh làm nghề gì?
- Tôi là võ sĩ quyền anh.
- Hiểu rồi… anh nên dừng thượng đài ngay lập tức. Nếu cái đầu còn bị va đập anh sẽ bị mù chứ nhức đầu là chuyện nhỏ. Anh phải hiểu rằng chấn thương đầu và mặt gây ảnh hưởng đến não, hệ thần kinh trung ương và hậu quả sẽ là tâm thần, liệt, mù mắt. Có khoảng 3 đến 5% sau chấn thương đầu mặt bị mù do tổn thương thần kinh thị giác. Anh nên dừng cuộc chơi nầy nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Nhưng cây muốn lặng cũng không được bởi gió luôn vây bọc người chiến thắng. Tại Misa quán – lại Misa – Nguyễn Lê Sơn Ý vào và đến tận bàn của Hùng Huế:
- Tao muốn lấy lại cái mà mày đã cắp của tao.
- Tao lấy cái gì của mày?
- Cái gì mày tự biết lấy.
- Dạ Hương thích tao, tao thích cô ấy. Tình cảm là tự nguyện chứ ăn cắp ăn qué gì ở đây? Mày muốn gì?
- Tao với mày chơi một trận. Thua tao sẽ dừng cuộc ái tình. Thắng mày phải trả cái gì của Xê xa lại cho Xê xa. Ô kê?
Khi nhập cuộc chơi võ nghệ, có lần, Hùng Huế hỏi sư phụ về vụ đào được vàng. Mười Sử nói rằng, vàng dưới đất chứ không trên trời rơi xuống và cũng không có trong nghĩa địa. Muốn có vàng phải tháo mồ hôi. Khi Mười Sử bốn mươi chín. Con trai con gái đã ăn nên làm ra và đói nghèo đã chia tay gia đình ông. Tiền để học nghệ không là chuyện lớn như thời bao cấp. Thiên hạ đồn thì ráng mà nghe và nhịn thì hơn chứ phân trần cũng chả ai tin mình. Vụ việc Tí Bờm bị chuyển viện vì xách mé gọi Hùng Heo, Mười Sử khuyên học trò rằng, kẻ có tinh thần thượng võ không bao giờ đánh người dưới ngựa. Gươm trong tay nhưng Hàn Tín cúi đầu lòn trôn gã bán thịt bởi cái tâm đại nhẫn của bậc đại trí không chấp đồ vô lại. Đồng ý là sĩ khả sát bất khả nhục – kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục – nhưng phải thiên biến vạn hoá chứ không thể cứng nhắc. Thiên hạ có thể một sự nhịn là chín sự nhục còn với sĩ của võ thì một sự nhịn là chín sự lành. Mười Sử lại dẫn Tân Ước. Chúa dạy, ai đánh má bên tả của ngươi thì đưa luôn má bên hữu cho họ.
Hùng Huế biết mình phải dừng cuộc chơi võ nghệ nếu không hậu quả khôn lường nhưng… Lúc nầy có cả Dạ Hương trong bàn nhậu. Cô cũng Rhum Mọi khô hố như dân chơi thứ thiệt chứ không đùa. Cô nhìn Nguyễn Lê Sơn Ý:
- Bây giờ tôi và Hùng Huế bồ bịch chứ đâu đã là của nhau. Nếu đánh, tôi trăm phần trăm anh là người chiến bại. Ô kê. Nếu anh thắng tôi theo anh.
Cả Misa quán vung tay hura hura hura… thứ thiệt chơi vậy chứ sao nữa giờ. Và thế là Hùng Huế bị lâm thế triệt buộc.
Nhân bảo như thần bảo. Trận đánh của Hùng Huế và Nguyễn Lê Sơn Ý kết quả như Dạ Hương phán. Trụ được đến hiệp thứ ba nhưng ở phút thứ hai Ý ngã ngựa. Trọng tài đếm đến mười, sau đó nắm tay Hùng Huế giơ lên cao. Dạ Hương leo lên đài ôm tình lang cười hết cỡ. Cô cười nhưng Hùng Huế thì không. Bị cả chục cú choa nện vào đầu, Hùng đã như lời bác sĩ phán… Có từ 3 đến 5% trường hợp sau chấn thương ở đầu và mặt bị mù do tổn thương thần kinh thị giác. Hùng Huế nằm trong cái % ít ỏi ấy.
Với tình yêu ông Xuân Diệu viết trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt thì trong chiến thắng mầm chiến bại luôn hiện hữu.
Than ôi!
***
Trong tấn tần nên duyên, nho gia chi phái dạy muốn trăm năm hạnh phúc phải môn đương hộ đối. Thời a móc ngoéo có câu cùng đẳng cấp, dân chơi gọi cùng hệ cho dễ hiểu. Cùng hệ, cùng đẳng cấp hay môn đương – tức – cha anh nhà to mặt phố thì mẹ em là giám đốc doanh nghiệp. Anh nam thanh, em nữ tứ chứ tuyệt không thua một lai nào. Mù phải đi với què mới đưa được nhau qua của thần phù. Nếu nho gia chi phái xướng môn đương hộ đối thì bình dân học vụ dạy nồi tròn úp vung tròn méo có vung méo. Vậy mới hài hoà phải không thưa cô bác?
Vì thế cho nên xin đừng trách Dạ Hương đã quay lưng khi Hùng Huế trong vai hiệp sĩ mù. Ngay cả Hùng còn chìm trong tuyệt vọng huống chi cô. Mới mười tám và đẹp như Bao Tự bên tàu – U Vương nổi lửa chiều Bao Tự – nghe tin Hùng Huế lâm đại nạn, những vài chục nam thanh đem lụa đến cho Dạ Hương ưng xé bao nhiêu cứ tự nhiên, xé xong cho thợ lên áo cưới chứ ngu sao đốt. Một trong những nam thanh là Nguyễn Lê Sơn Ý. Tay võ sĩ si tình con nhà giàu, đẹp trai tuy không bằng Hùng Huế và bị Hùng đả bại luôn nhưng, Ý đắm Dạ Hương chết bỏ. Bị Dạ Hương bổng bỏ ôm Hùng Huế thâm ngày qua đêm, Ý vẫn yêu thì đủ biết chả có chi lớn bằng tình. Cha má Ý phản đối cách nào cũng không chuyển được tâm kẻ đắm say. Anh em nhà Ý rằng, đang cặp với ông nó bát xê qua Hùng Huế. Rồi lại đá Hùng Huế khi lâm nạn thì ông cũng vác bị đi ăn mày khi thất thế sa cơ… Bà Dạ Thảo mừng như bắt được vàng khi Nguyễn Lê Sơn Ý đến nhà ỉ ôi rằng không có Dạ Hương đời con coi như bỏ cô ơi.
Trong khi Hùng Huế đưa tay lên trời hét lớn hỡi ông trời ông giỡn với tôi sao thì Dạ Hương cùng Sơn Ý nên một cặp. Hương đến nhà, Hùng Huế nói em đi đi anh không lo được cho em nữa rồi. Lại nói với Sơn Ý hỡi xê xa tao trả cho mày đó, ăn dộng gì đó ăn dộng đi. Dạ Hương cặp kè lại với Sơn Ý âu cũng chả có chi đáng trách. Yêu đương chỉ cần nghịch ý một chút đã đường ai nấy đi, huống chi mù và sáng mắt là hai thế giới khác biệt như nước và lửa. Sơn Ý nhanh chóng đưa Dạ Hương đến lễ đường làm đám cưới. Không cho nhanh cả vài chục thằng đang rắp tâm bắn sẻ nhảy vô là rớt đài lần nữa.
Nhưng thần tình yêu cũng có khi một mắt nhìn đời. Cặp đôi nào bị ngài nhìn lúc bụi bay vào mắt thì không chột cũng què. Sơn Ý là một điễn hình. Đã bị tình bổng bỏ lý ra, Ý phải hiểu không có mình trong trái tim nàng. Nhưng tình yêu là thứ muôn đời không ai hiểu được. Tình yêu như trái phá và khiến con tim bị mù loà. Ôm tình nương trong tay mà nhận ra nàng nghìn trùng xa cách thì có chết cho Ý không? Đã thế – sư bố nó cuộc đời – Dạ Hương còn Huế ơi Huế hỡi… ta có Huế tự hào khi mớ ngủ mới chết cha ông bà cố tổ.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên tượng đá. Thà như mưa gió đến ôm tượng đá… Nhưng… Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc chứ không thể nào có còn hơn không có còn hơn không được hỡi thế gian ơi…
Dẫn âm nhạc một chút cho vui chứ thật ra, bọn đàn ông khi biết tình nương nằm bên mình mà mơ thằng khác thì tức khí chứ không giỡn chơi. Tức sinh hận và ghen. Buồn quá Sơn Ý ghé Misa quán làm chai Rhum Mọi cùng chúng bạn. Bạn bụi đời dưới đáy ngà ngà men vỗ vai Sơn Ý bổ bã rằng vẫn ngon như xưa hả Ý? Khà khà khà… nếu anh thắng tôi theo anh mà thua cũng theo luôn… khà khà khà… Dưới đáy đời ăn nói chả nể nang ai. Thích thì chơi không thì biến dưới đáy chả cần… Buồn quá hoá cuồng Ý về nhà và xung đột xẩy ra. Phái yếu khi được chồng nâng niu họ nư lắm. Chồng lỗi một chút họ lẫy hờn quay mặt vô vách, níu áo năn nỉ miết cũng hông là hông… điên tiết, Ý văng tục rồi xáng bạt tai vô mặt vợ. Vợ một hơi về nhà má. Cái mặt rượu nhìn theo nói đi luôn đừng có về nghe, về là chết mẹ với tao à… rượu so với tình rượu hơn nên khi rượu nói là miễn bàn.
Tỉnh rượu Ý một mình nghe cô đơn chạy từ đỉnh đầu xuống tận gót chân. Từ đầu đến gót có đi qua cái lỗ tai. Chả biết vợ yêu có chửi hay không mà lỗ tai Ý ngứa quá chừng chừng. Ngứa lưng. Ai cũng biết khi một điểm trên lưng bị ngứa, ngón tay vươn hết cỡ, gãi trúng điểm một phát thì sướng ơi là sướng. Lỗ tai thì ngón út không móng tay như Ý vươn không tới được điểm gờ nên không tận hưởng được cái sự sướng. Không có cái chi để ngoáy, Ý xuống bếp. Nhà mới được chia sau lấy vợ… hai ông bà già của nả chia cho bầy trẻ cho xong chứ, mình chết chúng nó không búa cũng rựa chém nhau để giành giật mệt lắm. Ý được một căn nhà và một mớ kha khá ở ngân hàng…
Ý nhặt được một sợi kẽm. Bàn tay võ sĩ bẻ cọng kẽm cho thẳng ra rồi cho vô lỗ tai. Mẹ cha ôi… sướng ôi là sướng… sướng rên mé đìu hiu…
Thiên hạ trên toàn thế giới sợ nhất cái chiến tranh. Chiến tranh sinh học là tàn bạo dã man nhất. Chỉ với một con virux là trăm vạn con người vô lò hoả thiêu chứ không chôn cất. Lừng lẫy tiếng tăm từ tài cho đến tiền cỡ nào cũng vong mạng. Một ca sĩ thượng thặng đang từ thiện trong bệnh viện còn ra đi bởi con cô-vi mười chín. Cô-vi và vi trùng uốn ván tức tê tơ nốt cũng ác đạn như nhau. Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính, tỷ lệ tử vong cao do độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn này có tên gọi là Clostridium tetani. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố do trực khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và gây tử vong nhanh. Các nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương, các vết rách, vết bỏng, do nhiễm bẩn hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Phẫu thuật thẩm mỹ, nạo phá thai thực hiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh cũng có nguy cơ nhiễm uốn ván. Hoặc cả những trường hợp hoại tử cũng gây ra bệnh này… Sợi kẽm đã làm xước một vết nhỏ khi Sơn Ý se lỗ nhỉ và sợi kẽm ấy bị rĩ sét. Vi khuẩn uốn ván khi phát tác thì Myke-Tyson còn chết nói chi một võ sĩ quyền anh nghiệp dư như Sơn Ý.
Hôm sau bà má tội nghiệp của Ý sang thăm thì thằng con trai đã lạnh ngắt rồi. Công quyền vào cuộc điều tra vì nghi ngờ Dạ Hương giết chồng. Trước khi chết võ sĩ Nguyễn Lê Sơn Ý tên thật là Trần Văn Ý đã mua bảo hiểm nhân thọ và người được thụ hưởng là Dạ Hương. May quá. Cái chết của Trần Văn Ý không tai nạn không tự tử cũng không bị giết. Cái chết nầy – sau điều tra – được bảo hiểm tử vong từ một trong những hạng mục là động đất, sóng thần, nhiễm phóng xạ, phản ứng hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, chiến tranh, nội chiến, khủng bố…
Chắc cú nhất là Dạ Hương đang bầu bì con của võ sĩ Nguyễn Lê Sơn Ý.
Mẹ cha nó… có chồng được ba tháng, bầu hai tháng chồng chết thì… buồn quá trời ơi. Buồn nên Dạ Hương nhớ đến người tình võ sĩ tên Hùng Huế. Huế cũng đang trong chán nãn và tuyệt vọng. Mù bẩm sinh chả nói chi chứ đời tối đen vì tai nạn thì chết mẹ nó cho rồi. Ông cha nát rượu ôm chai rượu mà tổ cha bình tổ mi đồ ăn hại, đồ báo cô… tau đã nói rồi… võ với chả nghệ…
Hùng Huế đang không biết làm cách chi để tự sát thì Dạ Hương đến. Nàng ôm chàng vào lòng mà ráng lên anh ơi… còn da lông mọc còn chồi đâm cây… Cô đưa tình lang về để chăm sóc. Hương lấy chồng có đăng ký kết hôn. Nhà của chồng là nhà của mẹ con cô. Cô có tiền được chi trả từ bảo hiểm và ở ngân hàng. Tiền nhiều để làm gì không chu toàn cho đứa con trong bụng và đôi mắt của tình cơ chứ? Ông bà già cùng anh chị em chồng ai dám mè nheo cô chấp hết. Dạ Hương tựa vào sức mạnh của luật pháp. Luật pháp là sức mạnh. Sức mạnh không công lý thì chỉ là bạo lực. Công lý không sức mạnh thì chỉ là sáo rỗng. Tiền. Sức mạnh của tiền là vô song – dù rằng – tiền không là gì nhưng không tiền là bó tay chấm com.
Và hỡi ba quân trên chốn ta bà nếu, trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, trong chiến thắng luôn tiềm tàng chiến bại thì có có không không không không có có là vốn dĩ của cuộc đời. Cái còn lại của chúng sinh là tình. Tình yêu. Yêu nhau đi đời đâu có nghĩa chi. Yêu nhau, ta trao nhau đôi môi tươi với những nét cười…
Vậy là trai tài Hùng Huế và gái sắc Dạ Hương không phải một mà hai hậu duệ khác ra đời sau thằng con trai của Nguyễn Lê Sơn Ý.
Mù thì mù yêu vẫn yêu chả chết ông chết cha gì ai cả./.
Nguyễn Trí
Bài viết liên quan: