Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân

1.

Tên tôi là Mị Châu, tôi đã chết được hai năm rồi. Do bị đầu độc chết.

Người xóm này ai cũng rùng mình khi được hỏi đến tên tôi, có người bảo không biết, có người khỏa khỏa tay bảo đừng nhắc đến, có người chạy đi mất như sợ liên lụy.

Lúc còn sống chúng tôi biết nhau nhưng sau khi tôi chết, họ đều tỏ ra như không quen biết hoặc không còn muốn nhắc tới. Chắc vì họ sợ sau nhiều lần thấy tôi ngồi trước bậc cửa nhà mỗi buổi chiều chạng vạng trong bộ dạng tóc tai rũ rượi như cái ngày họ đưa tôi đi bệnh viện. Hôm đó tôi uống hẳn một ly nước đã được hòa chung với thuốc trừ sâu.

 

2.

Ngày mưa dầm tháng Sáu, thiên kim của một gia đình tiệm vàng sinh được một đứa bé gái. Đứa bé đó chính là tôi.

Ngày hôm sau, cô thiên kim ấy chết vì kiệt sức sau sinh và chắc cũng vì tuyệt vọng bởi sự phản trắc của gã người yêu trăng gió.

Thế là tôi mất mẹ.

Mẹ bảo với bà đặt tên tôi là Mị Châu, mẹ mong cái tên có thể giúp người cha bội bạc tìm lại được tôi.

Tôi không có cha, không có mẹ. Chỉ có bà.

Mùa mưa sinh ra đứa trẻ mồ côi.

Mưa dầm dề.

Mưa không quan tâm.

Mùa mưa mang đi của bà tôi một người con gái.

Mưa ảm đạm trên mái đầu bạc trắng.

Mưa thản nhiên tầm tã.

Bà cũng có cho người đi tìm cha tôi nhưng nghe đâu ông đã đi làm rể ở miệt khác lâu rồi.

“Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra…”

Bà hay hát những câu ca dân gian như thế cho tôi chìm vào giấc ngủ. Trong ký ức mơ hồ loáng thoáng, tôi nghe tiếng hát hòa với tiếng khóc của bà. Tôi nhớ nhất là những chiều mưa thê lương, câu hát nhỏ dần rồi rơi vào xa vắng, cùng tiếng ểnh ương kêu, chạng vạng xóm làng vắng thưa người – mưa đổ dầm dề, lệ bà thầm rỏ xuống. Không khô.

Ngày đầy tháng, có một người ăn xin đi ngang, bà cho ông nhiều xôi chè. Ông nhận với ánh mắt cảm ơn. Trước khi đi, ông bảo bà hãy mang tôi vào chùa gửi. “Một sinh linh chất chồng nghiệp chướng”.

Bà hồ nghi, bà không nỡ mang đứa cháu không cha, không mẹ gửi vào chùa.

Bà ngày đêm chăm bẵm, yêu chiều.

Là cháu bà chứ không phải nghiệp chướng.

Mị Châu là một cành hoa.

Bà hay tưng tiu mỗi khi dỗ tôi ăn.

Mị Châu là một cành hoa.

 

3.

Tháng ngày êm đềm tôi lớn lên bên bà trong nhung gấm đủ đầy. Đến tuổi gả chồng, bà cậy nhờ người mai mối nhưng mối nào tôi cũng lắc đầu ngoay ngoảy cho đến ngày kia, có một người con trai trú mưa dưới mái hiên nhà tôi. Đó là Ninh – một thầy thông ký trẻ, là con của bà Hội ở xóm bên, nghe đâu là một gia đình trí thức trung lưu.

Lần đầu tiên nhìn thấy Ninh, tôi cơ hồ nghe như tim vừa nảy một mầm xanh, có hạt giống nào dưới tầng tầng lớp lớp sâu bỗng dưng nứt vỏ, trở mình.

Ninh trở lại rất nhanh cùng những lời ngọt ngào thề nguyện.

Những sợi tơ quấn lấy trái tim tôi.

Quấn quýt không rời.

Mùa mưa đã dứt. Những ngày nắng chói chang trên đầu không sánh được bằng niềm hạnh phúc trong trái tim tôi khi nghe bà mối báo tin rằng tháng tới bà Hội cầm trầu cau bước tới.

Tôi nhảy chân sáo ở nhà sau, phía trước bà mối và bà tôi lâm râm bàn chuyện đến tận chiều tà.

Bà đồng ý gả tôi cho Ninh. Năm đó tôi vừa tròn 22 tuổi.

Ngày đám cưới, mưa rơi trắng trời.

Mưa dửng dưng không khoan nhượng ngày vui.

Bà bịn rịn tiễn tôi về nhà người.

Mưa thấm trên mắt bà dòng nước mặn mòi dốc kiệt.

Tôi không còn nhìn thấy gì, ngoài Ninh.

Ninh là anh cả trong gia đình có 7 anh em, tất cả đều là con trai. Thân làm dâu trưởng, tôi ngày đêm tất bật vun vén gia đình.

Lớn lên trong gia đình khá giả, tôi chưa từng một ngày cực khổ. Về làm dâu nhà này, tôi phải tất bật việc nhà, không ai quan tâm phụ giúp, gia đình chồng tôi lạnh nhạt thờ ơ. Cho đến một ngày tôi nghe họ nói chuyện, họ chỉ cưới tôi vì bà tôi đồng ý cho họ mượn 20 cây vàng trả nợ, thứ nợ nần do cờ bạc mà ra. Tôi lặng người. Thì ra để tôi có thể đến với Ninh, bà đã âm thầm sắp xếp.

Tôi đành bấm bụng như không có chuyện gì, khi yêu, trái tim không có mắt.

Những sợi tơ thắt chặt làm tôi không còn nghĩ đến chuyện vẫy vùng.

Tôi tin tình yêu của Ninh, tôi chỉ muốn sống cùng Ninh.

Về sống bên nhau tôi mới nhận ra Ninh không còn ân cần, nồng ấm như hồi hò hẹn. Anh bỏ nhà đi biền biệt, tôi hỏi thì anh nói đi Sài Gòn công tác. Có hôm tôi bảo muốn ra ở riêng, Ninh khuyên hãy cố gắng một thời gian, anh cần tiền làm ăn, có chút vốn liếng rồi sẽ dọn ra riêng. Nghe thế tôi dốc hết tiền để dành đưa cho chồng.

Làm dâu xa xứ, tôi chỉ biết dựa vào Ninh để được vỗ về.

Nhưng Ninh cứ đi biệt.

Tôi mỗi chiều đều ra trước cổng ngóng Ninh về.

Bàn tay tôi ngóng Ninh về.

Từng tế bào trong tôi ngóng Ninh về.

Bóng tôi hòa vào đêm làm một.

Ngày ngày tháng tháng, gia đình chồng tất bật bè bạn đến đánh bài, tôi cảm thấy cô quạnh lạnh lẽo vô cùng. Cũng may, từ hồi về đây còn có gia đình nhà bà Sáu hàng xóm là quan tâm tôi, bà Sáu là người quen cũ của bà tôi. Bà Sáu hiền lành, thấu hiểu lòng người. Bà hay sai bé Út mang đồ ăn cho tôi hoặc nấu được món gì ngon cũng rủ tôi sang ăn cùng. Bà thương đứa con gái xa xứ làm dâu trong khi gia đình chồng toàn những người lạnh nhạt.

Tôi mang bầu, Ninh vẫn đi biền biệt.

Tôi rấm rứt khóc.

Căn phòng cũng chật vật trở mình tìm giấc.

Đêm sâu hơn vũ trụ ngoài kia.

Ngờ đâu, ngày kia, có một cô tiểu thư danh giá từ Sài Gòn xuống tìm chồng tôi, cô bảo cô là hôn thê của chồng tôi từ hồi hai người còn học tú tài trên Sài Gòn. Khi đến cô mang cơ man nào là quà cáp. Mẹ chồng tôi ngọt ngào hết sức, “mẹ sẽ đường đường chính chính cưới con về làm vợ thằng Ninh” mọi người giấu biệt đi sự có mặt của tôi.

Thì ra họ đã quen nhau từ khi Ninh còn học ở Sài Gòn, còn tôi chỉ là niềm vui mỗi mùa hè Ninh về xứ này thăm gia đình. Nhưng thấy gia đình tôi có tiền, mẹ chồng tôi bày kế lợi dụng để có tiền trả nợ.

Tôi trở dạ trong ngày đó, tôi lờ mờ đoán ra tiền của tôi Ninh đem cho bồ bịch. Tiếng tôi rên xiết vì cơn đau đẻ ở nhà sau cũng không át đi được tiếng cười trai gái trong phòng ngủ của tôi ở phía nhà trên.

Tôi sinh được một đứa con trai. Cơn đau trong cơ thể cũng không buốt tận xương như sự lừa dối của chồng mình.

Gia đình chồng không một người đoái hoài. Ai cũng biết tôi chỉ là một con cờ, không ai xem tôi là dâu của gia đình này. Mẹ chồng tôi còn bảo tháng sau sẽ đi cưới vợ khác cho chồng tôi.

Tôi quá uất ức.

Tôi hỏi Ninh đã bao giờ yêu tôi chưa.

Chỉ có sự lặng im đáp lại.

Lời thề đã theo gió lang bạt tứ phương.

Tôi đòi lại số tiền vàng của bà tôi. Tôi đòi lại số tiền đã đưa cho Ninh. Tôi đòi thưa chính quyền.

Tôi quyết bỏ về nhà, vừa khóc vừa xếp quần áo vào cái bị nhỏ.

Ai ngờ bọn họ độc ác, hòa thuốc sâu vào nước uống của tôi. Tôi uống xong lập tức ngã quỵ xuống nền nhà.

Không ai phát hiện ra cho đến khi con trai tôi khóc ré lên, dù còn rất bé nhưng chắc nó hiểu điều gì đó khi thấy tôi nằm lăn ra đất, bọt mép trào ra trắng dã. Bé Út hàng xóm nghe tiếng em bé khóc liền chạy sang thì thấy tôi đang nằm co giật, mắt trợn tròng, nó vừa la vừa khóc lên, mọi người chạy đến. Mẹ chồng tôi bảo tôi cãi nhau với chồng rồi tự tử. Có ai đó bảo đưa tôi đi bệnh viện, họ đặt tôi nằm trên chiếc xuồng rồi chống đi, thời đó làm gì có xe cộ, chỉ đi bằng xuồng ba lá.

Bà Sáu nắm chặt tay tôi, liên tục gọi tên tôi trong nước mắt, tôi cố gắng mở mắt ra nhìn bà Sáu rồi thều thào “con sẽ trả thù”. Bà Sáu khóc, xin con đừng chết Châu ơi, con dại dột quá Châu ơi. Đó là những âm thanh cuối cùng tôi còn nghe được bằng thân xác, qua đến đoạn đầu cầu cách nhà tầm 80m, tôi đã hồn lìa khỏi xác. Lúc đó trời cũng vừa chạng vạng.

Hồn tôi đi về nhà bà, vừa thấy bà vào giấc, tôi báo cho bà biết tôi đã chết rồi, xin bà đến đưa con trai tôi về nuôi. Bà tỉnh dậy hoảng hốt, vội vàng đánh xe đến nhà chồng tôi. Đến nơi thì thấy xác tôi đã nằm trên giường, cứng đờ, tím tái. Bà tôi khóc lóc, ngã quỵ. Lòng tôi đau như có ai đó đang xát muối vào vết cắt, máu tôi như đang sôi trong lửa hận thù và lan ra khắp cơ thể. Tôi phải trả thù.

 

4.

Chỉ một tháng sau ngày tôi chết, mẹ chồng tôi mất đi đứa con đầu tiên – đứa con trai út, thanh niên đang mạnh khỏe bỗng một ngày đi nhậu về khuya, khi qua cầu bị té xuống sông, con sông chỉ xâm xấp nước, vậy mà chết, mặt úp xuống nước, chết lãng. Chỗ nước ấy cũng là chỗ hồn tôi lìa khỏi xác.

Đó cũng là mùa mưa.

Mưa tầm tã mờ mịt dáng người đi.

Mưa bình thản trước tiếng gào khóc của người mẹ già tiễn kẻ đầu xanh.

Đêm đó, nghe tiếng khóc thảm thiết của mẹ chồng, tôi cười ha hả dù chẳng hiểu sao nước mắt lại ứa ra hai bên khóe mắt. Chắc vì tôi vui quá. Tôi phải vui chứ. Đây chỉ mới là bắt đầu cho “món quà” tôi dành riêng cho những kẻ đã dồn ép tôi.

Một tháng sau, đứa con trai kế tiếp của mẹ chồng tôi ra đi, trúng gió mà chết. Sáng đó bà không thấy con trai dậy, vào phòng gọi thì đứa con mình đã cứng đờ, mắt trợn trừng.

Mùa mưa vẫn chưa dứt.

Tầm tã xám ngoét.

Rạp đám ma gần như không người, chỉ có tiếng khóc bi ai của bà mẹ già kiệt sức.

Mưa không biết đau thương của trần thế.

Mưa chỉ biết trút nước não nề.

Tôi lại cười ngạo nghễ khi thấy cả gia đình chồng tôi lại phủ lên đầu màu tang trắng. Tôi hả hê trong tiếng khóc ai oán, xé ruột của sinh ly tử biệt. Các người giờ cũng nếm trải thử nỗi đau của bà tôi vào ngày tôi mất, phải như thế cho biết vị đắng của thế gian.

Tôi đang ngồi nhìn lũ người đau khổ đó thì chợt nghe tiếng khấn lâm râm. Ai đó đang gọi tên họ, ngày tháng năm sinh, ngày tháng tôi mất mà khấn. Là tiếng của bà Sáu. Bà bày mâm cơn sau nhà, toàn những món tôi thích. Bà vừa khấn vừa khóc, bà bảo Châu ơi hãy đi đi con, oan oan tương báo khi nào mới dứt. Chắc bà biết là do chính tôi làm, trước khi đi tôi đã nói với bà là tôi sẽ ân đền oán trả.

Tôi cảm động chảy nước mắt. Tôi biết bà thật lòng thương tôi nhưng nỗi hận này tôi chưa nguôi, tôi không thể đi đâu cả. Tôi thà chịu tội trầm luân còn hơn để những kẻ độc ác này sống tiếp.

 

5.

Xóm làng bắt đầu xầm xì chuyện nhà mẹ chồng tôi có ba người chết trong ba tháng liền nhau. Có người nhìn thấu chuyện đời bảo là con Châu bị bức chết. Thời buổi này ai lại chịu đi cưới vợ khác cho chồng. Thế chẳng phải là ức chết người ta sao. Có thể nó khiến cho hai thằng con trai chết, hận thù mạnh như sóng cao. Có người lại bảo chuyện chỉ là trùng hợp chứ ma quỷ làm gì có ở trên đời. Cả xóm lao xao từ sáng tới chiều chỉ để kể lể, phân tích, phỏng đoán, bán tín bán nghi cho đến ngày chú Tư đầu xóm nhìn thấy tôi.

Bữa đó chú đi bắt ếch tận khuya, chú về ngang nhà mẹ chồng tôi, đúng lúc tôi đang ngồi ngay bậc thềm, đêm đó mưa lâm thâm, tôi nhớ con tôi, tôi hát ru cho nó ngủ. Tiếng hát thì thầm như lời thủ thỉ “ví dầu tình bậu muốn thôi…” Tôi thấy chú quăng thùng ếch bỏ chạy.

Mưa lâm thâm giữa khuya vắng ngắt.

Mưa không hiểu được nỗi sợ của người sống thấy ma.

Sáng hôm sau, phiên họp chợ xóm này không còn nói về chuyện gì khác, chỉ quanh chuyện chú Tư nhìn thấy con Châu ngồi chải tóc và hát ru con.

Chú Tư bệnh nằm liệt giường cả ba ngày mới dậy nổi, người ta bảo ám khí của ma quỷ là thứ chết chóc nhất trên đời. Người ta bắt đầu hạn chế qua lại với mẹ chồng tôi, căn nhà nườm nượp khách ghé thăm nay lại vắng như chùa Bà Đanh. Lạnh lẽo.

 

6.

Có người bảo mẹ chồng tôi tìm thầy cúng về để giải trùng tang. Ngày ông thầy bói tới, ông bảo mẹ chồng tôi nhà này có vong ám, phải bắt nó thì nhà mới yên. Nói đoạn ông nhìn thấy tôi đứng trong buồng, tóc tai rũ rượi, mắt đỏ ngầu nhìn chằm chằm về phía ổng, ổng sợ xanh mặt, nói năng lắp bắp, quầy quả bỏ về.

Mẹ chồng tôi cũng không vừa, bà đi mời một ông thầy pháp khác, nghe nói ông này rất giỏi trừ tà ma. Tối đó, ông đến lập đàn, đèn đuốc sáng cả góc sân, xóm làng ai ai cũng sợ, nhà đóng kín cửa. Ông thầy pháp này không phải người dễ dọa, nhìn thấy tôi, ông đọc bùa chú làm tôi loạng choạng. Tôi chạy đi, ông cho bùa chú dí theo. Tôi chạy về nhà bà.

Từ ngoài sân tôi đã nghe tiếng hát của bà, bà đang hát ru con trai tôi

Vẫn là tiếng hát đó hòa trong nước mắt, tiếng mưa lộp độp trên mái nhà, “ví dầu tình bậu muốn thôi” – tiếng hát bà cuối cùng cũng rơi vào xa vắng. Tóc bà bạc trắng cả rồi, cả đời đau khổ vì mất mát.

Mưa vẫn rơi mặc chuyện dâu bể thế trần.

Ru con xong tôi thấy bà đến bàn thờ, bà khấn nguyện cho tôi đã được đến thế giới tốt đẹp. Tôi không chịu được cảnh đau lòng ấy, tôi quầy quả bỏ đi. Tôi sẽ chỉ rời khỏi kiếp sống này khi ân đã trả tận, oán đã đòi xong.

 

7.

Mấy hôm sau tôi quay lại thì thấy nhà đó dán đầy bùa chú, ánh sáng của nó làm tôi hoa mắt, nếu tôi đến gần, người tôi như có lửa đốt. Mẹ chồng tôi còn tinh vi, phát cho mỗi người trong nhà một tấm bùa. Tôi không đến gần chúng được. Mẹ chồng tôi đã cầm trầu cau đi cưới vợ mới cho chồng tôi. Vẫn là người phụ nữ ấy. Không hiểu sao tôi không thấy oán hận người con gái ấy, tôi thấy cô gái có gì đó thân quen. Không ai phải khổ đau vì những gì không phải do họ gây nên.

Không vào được nhà, tôi đành ngồi dưới gốc tre sau nhà bà Sáu. Tôi không tin đời này tôi không bắt chết hết được đám người nhà đó. Ngàn năm tôi vẫn đợi.

Mùa mưa ngâu, xóm làng càng vắng vẻ, lạnh lẽo.

Tôi ngồi ngoài gốc tre trong cõi âm u đói lạnh của mình.

Tôi chảy nước mắt mỗi lần nhớ đến cơn mưa mà Ninh đứng trú dưới mái hiên nhà tôi.

Nụ cười đó, ánh mắt đó giờ chỉ còn lại hồn tôi lạnh lẽo.

Nhưng trái tim tôi vẫn không quên, những sợi tơ quấn chặt, càng hận lâu thì càng yêu sâu.

Tôi nhớ những lần tay ấm, thân mềm quấn quýt.

Những sợi tơ xiết tim ứa máu.

Ngày qua ngày. Mùa mưa nối tiếp mùa nắng đi qua, năm tháng đuổi nhau không ngừng nghỉ. Có những ngày mòn mỏi trong cõi vô hình, tôi cũng có lúc xiêu lòng muốn bỏ qua hết khổ đau mà làm lại kiếp người nhưng mỗi lần nhớ đến tiếng cười gái trai vào ngày tôi sinh con, nhớ dáng bà khóc lịm đi vào ngày nhìn thấy xác tôi tím tái. Tôi không có được nhân từ đại đức nào có thể tha cho chúng. Lòng thù hận ngùn ngụt bốc lên. Dù đơn độc, cô quạnh như sống dưới nấm mồ hoang tôi vẫn kiên gan bền chí.

Bụi tre đó trở thành một nơi kinh sợ của xóm làng, ai ai cũng không dám đi qua. Người ta bảo hay nhìn thấy tôi ngồi trên ngọn tre, có người bảo nghe tiếng người hát “ví dầu tình bậu muốn thôi…” từ trong bụi tre, có người bảo chỉ nghe tiếng khóc than nỉ non. Loài người cũng có những linh hồn nhạy cảm, dễ dàng nghe thấy được tôi.

Nghe người người đồn như thế, bà Sáu mang cơm ra bụi tre cúng cho tôi, đốt thêm giấy tiền quần áo. Tôi chảy nước mắt mỗi lần thấy bà đến gốc tre, bà cứ luôn miêng “Châu ơi, con hãy đi đi, máu không giải được oán thù”.

Tôi không quan tâm, tôi chỉ muốn họ đau khổ, máu phải trả bằng máu. Tôi bền bỉ đợi chờ.

Tôi chờ đợi như thế hai năm liền, nắng mưa làm bùa chú cũng phai, ông thầy pháp già đã chết, lại đến lúc tôi được trả thù. Mùa mưa lại đến, mưa sẽ làm cho nỗi đau của kẻ thù thêm ai oán.

8.

Đứa con thứ ba của mẹ chồng tôi chết khi đang ngồi ăn cơm, đang mạnh khỏe tự nhiên ngã ngang ra chết. Sùi bọt mép, đôi mắt trắng dã.

Làng xóm lại một phen kinh động. Khắp nơi xầm xì, Mị Châu nó đã trở lại rồi sao?

Tiếng xầm xì chưa ngơi, đứa con trai thứ tư của mẹ chồng tôi leo dừa bị ngã xuống, chết tươi tại chỗ.

Chỉ trong vòng một tháng, mưa còn chưa kịp ướt hết đất ruộng mà thù tôi trả ngọt như dao cắt.

Mưa lạnh lùng rơi trên những mái nhà.

Mưa càng không hay biết người chồng cũ của tôi giờ đã hóa điên hóa dại.

Tôi lại cười ha hả khi màu tang trắng phủ lên nhà mẹ chồng tôi, bà khóc nấc, khóc đến lịm đi.

Rạp đám ma không bóng người lui tới viếng, mưa mù mịt xóm làng.

Mưa không thấu được đau khổ của thế nhân.

Mưa vô tình tiếp tay cho con quỷ đầy thù hận như tôi.

 

9.

Ai ai cũng bắt đầu run sợ. Đêm xuống nhà thắp sáng đèn, không ai dám ngủ một mình. Tôi nhiều lần toan giết chồng tôi nhưng nhìn thấy cô vợ mới bên cạnh tôi không nỡ xuống tay. Đôi mắt cô ấy đẹp quá, cô ấy không có lỗi gì. Tôi không muốn hại người vô tội. Tôi tần ngần nhiều hôm chẳng xuống tay.

Nhưng nghe bảo ba của cô ta là thầy pháp nức tiếng ở làng, cô sẽ mời ba cô đến bắt vong. Tôi cười ngạo nghễ, tôi không sợ. Có sự thù hận ngùn ngụt, tôi không biết sợ điều gì.

Ngày ba cô ta đến, ông lập đàn để bắt tôi. Lúc ông xin tên tuổi của tôi để làm bùa chú, tôi thấy nét mặt ông tối sầm lại rồi ông cuốn đồ đi về, bảo chờ ngày tốt mới có thể làm tiếp.

Tôi càng đắc chí dù trong lòng tôi nặng nề, u ám. Càng trả thù tôi càng thấy vết thương của mình lở loét thêm, cảm giác dòi bọ đã đục vào đến tận xương tủy. Tôi không thấy nhẹ nhõm, mỗi cái chết lại như một vết dao đâm vào chính mình, trả thù không “ngầu” như tôi tưởng. Càng trả thù tôi càng nghe mùi oán hờn bốc lên nồng nặc quanh mình. Tôi ôm đầu khóc nấc.

Cứ mỗi lần như thế là cả xóm lại xôn xao về tiếng khóc oán hờn nơi bụi tre.

Ai cũng có thể nghe tiếng khóc nhưng không một ai thấu được nỗi đau khổ trong tim người.

Nhiều ngày tôi ngồi bất động dưới gốc tre, cõi sống tôi đã xa mà cõi chết thì tôi chối từ bước tới. Cứ thế lưu lạc, lang thang.

Vài ngày sau ông thầy pháp ấy lại đến nhưng lần này ông không lập đàn như hôm trước, chỉ cầm ba nén nhang ra phía gốc tre. Tôi bắt đầu cảm thấy kỳ lạ. Đi sau ông còn có cả gia đình chồng tôi, có bà Sáu, có bà và con trai tôi nữa.

Ông cầm nén nhan khấn vái, ông quỳ xuống bảo “Mị Châu ơi, là ba đây, đây là em gái của con” – ông vừa nói vừa chỉ tay về phía vợ mới của chồng tôi. Ba xin lỗi đã không cho con được cuộc sống đủ đầy tình thương, là ba đã gây nên cảnh oan nghiệt này. Vừa nói ông vừa cắm nén nhang xuống.

Tất cả mọi người đều quỳ dưới gốc tre. Mẹ chồng tôi phờ phạc như một khung xương biết đi, chồng tôi mặt mày như một kẻ tâm thần. Sự mất mát tàn phá con người tận xương, không thua gì dòi bọ.

Một ông già đang ngồi khóc nấc, ông khóc thảm thiết hơn cả mẹ chồng tôi khóc mất con.

“Là ba đã không cho con được cuộc sống bình thường, là ba đã đẩy con vào đường này” – ông luôn miệng nhận lỗi. Tôi bàng hoàng. Thì ra đây là người chồng bội bạc đã bỏ mẹ tôi đi, còn đứng kia là đứa em cùng cha khác mẹ. Chắc đó là lý do tôi cảm thấy cô gái ấy thân thuộc, tôi không muốn em phải tiếp tục hận thù.

“Đau đớn nhất không phải là nhìn đứa con mình chết, mà là nhìn thấy nó đã bị hận thù làm lu mờ hết mọi thiện lương trong lòng” – nói đoạn ông lấy trong túi ra một lá bùa, một cái dao. Gia đình chồng tôi mỗi người đều cắt tay mình để lấy máu tươi phủ lên lá bùa, sau đó mỗi người ba lạy, nước mắt đầm đìa tạ lỗi.

Đến lượt ba tôi, ông cắt cổ tay mình, máu chảy ra không dứt, chỉ một chốc đã ướt hết lá bùa, nó biến thành một tràng hoa, bao bọc lấy tôi, hương thơm ngào ngạt, ánh sáng tỏa dịu, tôi như được ôm ấp vuốt ve. Tràng hoa ấy cứ quấn lấy tôi. Những sợi tơ đã đứt ra từ lúc nào không biết. Trái tim tôi như được sống lại, xanh tươi. Lần đầu tiên sau năm tháng đằng đẵng, có một điều xoa dịu trái tim hận thù của tôi như thế. Tôi khóc những giọt nước mắt lấp lánh như cầu vồng.

Xin con hãy đi tiếp con đường của mình, ba dùng máu cả đời này để rửa sạch hết hận thù – nói xong mắt ông trợn tròng. Mọi người tri hô lên đưa ông đi cấp cứu.

Bà tôi khóc như ngày tôi mất, bà bảo tôi hãy đi đi. Bà tin vào số mệnh, nghiệp duyên này xin hãy đoạn tuyệt, còn thiện duyên hãy quay về bên nhau. Con trai tôi mắt tròn xoe chắp hai tay nói theo lời bà dạy “mẹ ơi, mẹ đi đi…”

Bà Sáu tay cầm dĩa bánh mà tôi thích ăn nhất. Bà bảo Châu ơi, hãy ăn lần cuối. Dù ở đâu bà Sáu cũng cầu nguyện cho con.

Trời mưa to dần, giông gió nổi lên, lá cây bay tấp vào mặt người.

Mưa càng to, sấm chớp càng lớn, có một tia sét đánh vào gốc tre, lửa bùng cháy lên từ đó. Chỉ một chốc mà gốc tre biến thành than đen.

Mưa gió tơi bời.

Mưa rửa trôi đi hết nước mắt trên mặt người.

Mưa bình thản buông mình về đất.

 

10.

Mùa mưa năm sau, nơi gốc tre ấy đã thấy những mầm xanh mới nhú, rồi lớn nhanh như thổi, cây tre vươn mình, xanh mướt. Chẳng mấy chốc đã trở thành một bụi tre rậm rạp như xưa. Cứ đến giỗ Mị Châu, người ta lại thấy bà Sáu ra bụi tre cúng vái. Người qua lại thấy động lòng, ai cũng ghé thắp nén nhang, ai cũng mong Mị Châu đã đi đến nơi tốt đẹp, không còn sống trong địa ngục của hận thù.

Nhưng bà con trong xóm này vẫn không dám qua lại chỗ này mỗi khi chiều xuống, nhất là những ngày mưa. Trong cơn mưa mịt mù trắng dã, cơ hồ như có thấp thoáng những bóng người bên kia màn mưa.

Mưa vẫn dầm dề.

Những tiếng khóc chìm vào xa vắng.

Mưa ngàn đời vẫn theo quy luật của đất trời.

Mưa không quan tâm.

Chỉ có con người là vẫn sợ. Người ta vẫn bảo nhau là họ nghe thấy tiếng khóc nỉ non, oán hờn đâu dễ xóa đi, máu bao nhiêu người đã đổ xuống sao dễ phai nhanh như gió thoảng, nhất là máu đổ cho những hận thù./.

Ngô Tú Ngân