Mẹ tôi (Tản văn của Nguyễn Mai Anh)

Một lúc nào đó, giữa ồn ào của cuộc sống hiện tại, tôi muốn sống chậm lại để để chiêm nghiệm về những điều đã học, đã đọc, đã cảm nhận được từ chính những điều giản dị nhất trong cuộc sống của mình. Tôi nhớ, hồi còn học tiểu học, chúng tôi được cô giáo kể cho nghe câu chuyện cá chuối mẹ vì lo các con đói mà đã quên cả hiểm nguy, chịu để cho kiến đốt và trở về đau khắp mình mẩy nhưng sung sướng vì nhìn đàn con được ăn no, để sau này mỗi lần đọc đến câu thành ngữ “cá chuối đắm đuối vì con” tôi lại nhớ về câu chuyện tuổi thơ của mình, về tình mẫu tử thiêng liêng. Lớn hơn một chút, đọc bài thơ Con cò của Chế Lan Viên trong sách cấp II, tôi cứ ấn tượng mãi với câu thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”, tôi hiểu rằng những đứa con dù có lớn đến đâu đi chăng nữa, thì với mẹ vẫn mãi là những đứa con bé bỏng, bé trong vòng tay của mẹ, nhỏ trong tình yêu bao la, rộng lớn của lòng mẹ. Khi được đến thăm những ngôi chùa, tôi thường thấy những mảnh vải đỏ in những lời răn dạy đạo hiếu làm con mà tôi ghi nhớ trong tim: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Ngẫm những dòng ấy, bất giác tôi nghĩ về mẹ tôi với biết bao xúc cảm yêu thương, và niềm tôn kính chân thành. Với những cô cậu học trò nhỏ của tôi, viết bài tri ân về mẹ không phải là việc khó nhưng tôi nhận ra điều khó nhất với chúng là ngại thể hiện và ngại để mẹ đọc được. Tôi cũng vậy, chưa bao giờ tôi dám đứng trước mẹ và nói: “Con yêu mẹ, con cảm ơn mẹ”, dù trong lòng tôi ấp ủ, chất chứa biết bao điều.

Những ngày thơ ấu đi qua, ngày sinh nhật mẹ, tôi không còn nhớ mình và các chị đã làm gì tặng mẹ, hay nó cũng trôi qua lặng lẽ như bao ngày khác, vả lại khi ấy cuộc sống vất vả, cũng khiến con người ta quên cả sự chăm chút nhau về mặt tinh thần. Nhưng đến khi trưởng thành tôi nhớ ngày này các chị ở xa vẫn gọi điện về chúc mừng, còn vợ chồng tôi ở gần nhất nên thường mang hoa tặng mẹ.

Mẹ trong tôi là người đã có những quyết định sáng suốt dám bám trụ lại thị xã Hoà Bình không về quê làm ruộng khi bố nghỉ 176. Bố đã tính mua một sạp hàng khô để mẹ về quê bán, bố trông nom vườn tược trên núi cao và ở cùng ông bà nội đến cuối đời, nhưng mẹ đã kiên quyết: “không thể về được, cuộc sống vất vả, đã đi thoát li rồi mà lại về quê làm ruộng thì không thể nuôi cả bốn đứa ăn học. Nếu ông vẫn quyết về quê, ông có thể về một mình, còn tôi vẫn sẽ ở đây cùng các con, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng chúng sẽ có thêm điều kiện học tập tốt hơn”. Sau rất nhiều lần đấu tranh tư tưởng với bố, mẹ đã kiên định để chúng tôi có thể học tập tại trường chuyên Hoàng Văn Thụ – ngôi trường vẫn là mơ ước của mẹ và cả bốn chị em tôi. Giờ thi thoảng nhắc lại chuyện cũ mẹ vẫn nói: “Nếu ngày xưa không kiên quyết thì chắc bây giờ bọn bây đứa nào cũng con đàn cháu đống, quanh năm chỉ bán mặt cho đất bán lưng cho giời mà trồng lúa để đủ ăn”. Tôi biết ơn mẹ về điều đó.

Mẹ trong tôi là những ngày trái gió trở trời, ốm đau liên miên, ba, bốn năm nằm trên giường bệnh vì bệnh đậu lào chạy hậu, tài chính kiệt quệ, bố chạy vạy khắp nơi, tưởng mọi thứ kết thúc, mẹ gọi chị em tôi vào giường đưa cho chị Cả cuốn sổ nói thều thào: “mẹ đã ghi cả những người bố mẹ nợ, và những người nợ mẹ, các con cầm lấy để biết, sau này làm lụng trả thay mẹ”. Một ngày mưa gió, đám tang đưa người hàng xóm qua đời bằng tuổi mẹ ngang qua nhà tôi, chị em tôi hé mắt trông sau cánh cửa sụt sùi, hoang hoải với nỗi sợ không tên. Tôi còn nhỏ, chẳng biết gì, chỉ thấy hàng xóm, cô bác từ quê rất đông vào thăm mẹ. Đó đúng là những ngày thập tử nhất sinh, mẹ lạnh, đắp hai cái chăn bông trong ngày hè nồng nã. Chị Cả, chị Hai tôi học cấp II đã phải làm việc lặt vặt phụ giúp bố kiếm tiền, buôn chuối, buôn mía, nấu rượu.

Cũng chính những năm tháng chật vật ấy, tôi thấy bố tôi là người đàn ông phi thường. Bố vừa đi làm, vừa lo lắng chăm sóc mẹ tôi, nuôi bốn chị em tôi. Bố tôi chắc cũng mệt mỏi và suy sụp nhiều, nhưng vì thương mẹ, bố tôi vẫn chống chọi với mọi thứ để làm cây trụ vững chắc cho gia đình lúc bão tố phong ba. Giờ tôi đã hiểu vì sao bao nhiêu năm lấy chồng, chị Cả tôi vẫn thần tượng bố, bất kì sự vụ cần giải quyết chị cũng gọi điện về xin ý kiến bố hay chỉ để nghe những lời động viên của bố – người đàn ông đã từng trải qua bom đạn, thăng trầm của cuộc sống làm điểm tựa về tinh thần. Nhờ phúc lành, và đôi chân tìm thuốc của bố, mẹ tôi được một người thầy thuốc già cứu chữa. Mẹ khỏi bệnh, tôi thấy tim mình như bông hoa nở trong nắng sớm, bầu trời ba, bốn năm qua được vén làn mây u sầm, thay vào đó thứ ánh nắng ấm áp của sự sống. Mẹ đi chợ Tây – hồi ấy chuyên gia Liên Xô về xây thuỷ điện Hòa Bình, họ bán cho những người công nhân sông Đà thực phẩm họ không dùng hết, đổi lấy mía, chuối tây, châu chấu, cào cào…Hai chị lớn nhà tôi thèm thuồng nấp sau cánh cửa nói: “Xuống nhà cô Dựa mà mua một đống kẹo, kẹo tây ngon lắm mẹ ạ”. Thế là vì con, sợ con thiếu thốn, mẹ cũng đi chợ Tây, cũng buôn bán. Đấy là thời huy hoàng nhất trong tuổi thơ của chúng tôi: bánh mì Tây, xúc xích, đùi hun, lạp xưởng… những món ăn mà mấy chục năm rồi, khi cuộc sống tạm đủ đầy, tôi ăn lại nhưng chưa bao giờ tìm được vị ngon như hồi ấy.

Mẹ trong tôi là những nắm bánh quế, mỗi lần mẹ đi làm về mẹ lại mua ở nhà bác Nghệ, lót tay cho chị em tôi làm quà. Chúng tôi ngấu nghiến chia nhau, và thấy đó là thứ bánh thơm phức ngon nhất trần đời, cắn từng miếng roàm roạm, vị thơm tan chảy nơi đầu lưỡi. Vị ngọt béo ngậy của tuổi thơ cứ lớn đầy kí ức. Ngày ấy nhà tôi trồng thật nhiều hoa, bố nhìn ra được sở thích của những người giàu có nên bố đã ngăn căn vườn nhỏ trồng nhiều loại khác nhau: mảnh trồng khoai lang, mảnh trồng mía, mảnh trồng hoa thuý, hoa lan, hoa thược dược, hoa hồng để bán…. và kinh tế gia đình cũng khá lên từ ấy.

Mẹ trong tôi là những năm tháng đi học, luôn luôn là người dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, chị em chúng tôi dường như không bao giờ ăn sáng ngoài quán, bởi mẹ bảo ăn ở nhà đảm bảo. Vả lại con đông, không thể phát tiền cho cả bốn đứa ăn sáng mà không biết con ăn gì hay lại mua đồ linh tinh. Có lẽ, theo nếp nhà nên từ khi nhỏ cho tới bây giờ, tôi luôn có thói quen ăn sáng tại nhà, rất ít khi đi quán. Trừ những hôm có việc đặc biệt hoặc muốn thay đổi khẩu vị với món bún chả cá thiểu.

Những năm tháng tiểu học, tôi nhớ mẹ mua cho tôi chiếc cặp màu đỏ hình vuông rất vừa người, tôi đã giữ gìn nó cho tới năm học lớp 6 mới hỏng và thay cặp mới, mà lúc nhìn lại tôi vẫn muốn giá chiếc cặp ấy đi hết cùng mình chặng đường tiếp theo. Ngày đầu tiên vào lớp một, Cô Mĩ nhận lớp, mẹ tôi đứng ngoài cửa sổ, sợ tôi không theo kịp các bạn nên cứ đứng mãi giục tôi lấy cặp lấy bút, đứng lên ngồi xuống theo lời nhắc của cô. Sở dĩ mẹ lo vậy bởi chị em tôi hồi ấy tự trông nhau, không đi học mẫu giáo. Trừ hai chị đầu đi được vài ngày rồi tự trốn về vì kêu cơm ở lớp không ngon, nhiều sạn. Thế là bốn đứa đều ở nhà. Mỗi lần đi làm ca kíp bố hoặc mẹ thay nhau trông. Không có bố mẹ ở cùng, chị em tôi sẽ tự lo cho nhau.

Mẹ trong tôi là những năm tháng học cấp III vất vả, mẹ đã thức cùng tôi chăm lo từng cốc sữa, miếng bánh cho tôi trong những ngày thức đêm ôn đội tuyển, khi nào tôi ngủ mẹ cũng mới đi ngủ. Lên kiểm tra thấy tôi ngủ gục trên bàn, mẹ lay tôi dậy, nhắc nhở tôi rất nhẹ nhàng. Mẹ luôn động viên tôi cố gắng nhưng không được cố quá. Mẹ trong tôi là người phụ nữ vất vả, nhưng rất tự trọng- người đã từ chối sự giúp đỡ của cô giáo tôi và nói: “Cảm ơn cô, nhưng tôi không muốn phiền cô, cô dạy dỗ cháu nên người tôi mang ơn không biết bao giờ trả hết, tôi có thể lo tiền học cho cháu, tôi sẽ cố gắng nộp đúng hạn”. Chính vì thế mỗi khi gặp lại cô giáo tôi sau những năm tháng về hưu, cô luôn nói: “mẹ em là người phụ nữ tuyệt vời”.

Mẹ trong tôi là những năm tháng đại học chập chững bước vào môi trường mới, ngày nhập học, mẹ tôi bị ốm nhưng vẫn kiên quyết theo xe chở hai người bạn tôi và mẹ các bạn xuống. Tôi bảo mẹ ốm, mẹ cứ nghỉ đi, dưới đó còn chị Ba mà. Mẹ sợ tôi tủi thân, mãi tận lúc ra về mẹ mới nói. Khi ấy tôi mới hiểu lòng mẹ và giọt nước mắt đã lăn dài trên má tự lúc nào. Những năm cuối cùng của đại học, tôi làm mẹ bạc tóc thêm vì lo lắng. Từng nhịp thở yếu ớt của tôi, từng thìa cháo vẫn là bàn tay mẹ săn sóc. Tôi bệnh nặng, cũng từng tưởng sẽ bỏ dở luận văn và kì thực tập nhưng nhờ có mẹ, nhờ tình thương và đôi chân tìm thầy thuốc khắp nơi của mẹ, của bố, tôi đã được cứu sống.

Mẹ trong tôi là người phụ nữ tất bật, có thể xuống chăm cho chị Ba vì chị bận nhiều việc hay đi công tác, mẹ ở nhà lau li nhà cửa, nấu ăn cho chị, sợ chị buồn. Mẹ đã bắt taxi giữa đêm vào với chị Hai khi chị sắp sinh mà chồng lại không có ở nhà. Mẹ vẫn kể đi xe đêm chỉ sợ cướp, bất trắc các kiểu, nhưng mẹ đã lao đi vì tấm lòng của người mẹ. Mẹ là người chị Cả cần nhất khi sinh non bé Phích. Bà gọi điện về bảo: “Ông tự lo việc nhà và ăn uống cẩn thận nhé, tôi phải ở đây với con ít nhất ba tháng, rảnh thì ông xuống cùng tôi”. Sau một thời gian dài vất vả, bà gầy sọp hẳn đi và bị suy nhược. Mẹ trong tôi là những cuộc điện thoại ngắn: “Con ốm à, sao dạo này không qua”. Tôi giấu mẹ nhưng lần nào mẹ cũng biết. Con không qua, đồng nghĩa nó ốm. Mẹ lại giục bố sang hoặc tự tất tả đạp xe sang tận nhà, mang rau mang trứng, sữa… hay bất cứ thứ gì mẹ có thể mang mà nghĩ là con ăn sẽ nhanh khoẻ.

Mẹ trong tôi là tiếng dép lọc cọc đi lại ngoài hành lang, còn tôi thì trong phòng chờ chuẩn bị sinh Ken, mẹ ở ngoài nhìn vào từ song cửa và nói: “Cố gắng lên con, có rét không, mẹ xin các cô y tá mang thêm chăn nhé”. Hôm ấy, vào giữa đêm đông, mẹ cũng thức trắng. Tôi nằm thiêm thiếp vẫn nghe tiếng mẹ nói với cô y tá: “Nếu cháu mệt, xin cô cho cháu uống chút nước giúp tôi cô nhé!” những lời thì thầm của mẹ khiến tôi thấy lòng mình ấm áp. Mẹ trong tôi là những tuần đầu tiên thức đêm, thấy tôi mệt phờ, mẹ lay tôi dậy: “Con ơi dậy uống một chút nước, một vài thìa nước cháo cho mau khỏe. Con nằm xuống đi để mẹ bế cháu không vết mổ lại mưng, dựa lưng vào đây cho đỡ mỏi”, tôi biết mẹ cũng mệt nhoài nhưng mẹ luôn nói mẹ không mệt và không ngừng động viên con.

Mẹ là những kí ức ngọt ngào, mẹ là bến đỗ an toàn những lúc mỏi mệt hay căng thẳng, mẹ là quả hồ lô để tôi có thể trút mọi buồn vui trong cuộc sống. Mẹ không phải là người phụ nữ vĩ đại trong mắt mọi người, nhưng trong mắt chị em tôi, mẹ giản dị và vĩ đại bởi tất cả những gì mẹ đã hi sinh, chắt chiu để nuôi nấng chị em tôi trưởng thành. Mẹ cũng như bao người phụ nữ khác luôn lo lắng cho chồng cho con, luôn nhận ra mình ở vai trò người mẹ như trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu viết: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi cho con đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ… chúng tôi phải sống cho con chứ không không thể sống cho mình”. Đấy có lẽ là quan niệm cũ, bởi phụ nữ hiện đại đã nghĩ khác, họ còn sống cho mình nữa. Nhưng tôi tin có sống ở thời hiện đại này, mẹ tôi vẫn luôn như thế, không nề hà vất vả để đổi lại cho gia đình tôi sự đầm ấm, no đủ, hạnh phúc. Tôi luôn biết ơn mẹ vì điều đó nhưng chưa bao giờ nói ra, và khi có nói ra thì tôi sẽ nói với ai khác mà mẹ tôi cũng không thể biết. Nhưng tôi tin mẹ sẽ cảm nhận được qua đôi mắt nâu ướt của tôi- màu mắt được thừa hưởng từ mẹ mình. Và nhìn vào đôi mắt trong veo ấy, tôi tin mẹ hiểu tôi yêu mẹ và kính trọng mẹ biết nhường nào. Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi càng hiểu thấm thía vì sao Geogre Bernard Shaw nói: “Vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ

N.M.A