Tôi thích mùi khói nhang, nhất là loại nhang hanoi, nhang mộc, nhang quê truyền thống [sau này có nhang trầm – nhưng phải là mùi tự/thiên nhiên] còn mùi nhân tạo thì đụng cái là bật ngay…dị ứng một cách sâu sắc.
Thế nên, cứ về nhà thấy hương là thắp bất kể ngày giờ. Rằm, mùng một, lễ tết và ngày thường thì khói từ nhang khi bay lên có khác gì nhau? Chắc thế, không riêng gì tôi mà bất kỳ ai thì tâm trạng người ngửi cũng không khác mấy giữa ngày linh thiêng và ngày bình thường?! Bởi theo tôi linh thiêng xuất phát từ ý niệm khi ngắm khói, ngửi khói và thấy khói như là nguồn mạch thông động giữa sự sống của người đang sống & sự sống của người đã khuất.
Nhà văn Hồ Minh Tâm ở Quảng Bình
Từ bé đến giờ tôi chưa hỏi ai câu ấy, vì biết rằng mỗi người lớn, mỗi thời khắc khác nhau sẽ có một câu trả lời khác nhau… mà đáp án nào cũng đúng. Thì thôi, so với ngàn năm, so với dọc đời… mình đang còn trẻ chán, mình cứ tự vấn tự đáp…mỗi lần một đáp án, như thế có phải mỗi ngày thêm một lớn khôn hơn không ?
Nhớ ngày nhỏ, chừng lớp một hai ba bốn… hồi đó cả nhà tôi vẫn cư ngụ ở làng [làng Kẹ Thạng, xã Mỹ Trạch] một cái làng không xa quốc lộ là mấy, nhưng nó âm u, um tùm, không điện, không đường, không lối nào ra lối nào, giao thông trong làng được gọi là lối… Lối su ông Bồi, lối cạn ông Trì, lối cao ông Sơn, lối thấp ông Nguyên… [làng gọi tên đường theo cách gọi tùy theo đặc điểm địa hình và cái lối ấy đi qua trước mặt sau lưng một nhà nào đấy], cũng hay ?!
Chẳng riêng gì mùa mưa mà mùa nào cũng buồn, nóc nhà tranh nhà ngói nào cũng khuất che bởi lá tre, lá thị, lá mít, lá khế… và khói bếp. Ngõ nhà, ai sang & siêng thì hàng chè tàu, hàng dâm bụt, hàng cây bồ ngót được cắt tỉa vuông vắn, ai nhác & “bất cần” thì cây gì mọc lên nếu không va vấp chân cẳng thì cứ để thế cho nó mọc lên thành cây thành cọc tạo lối ra vào, cũng hay ?!
Làng tôi nhỏ bên sông/nửa đồi núi/nửa ruộng đồng/sông bao quanh làng bốn bến đò ngang mở đầu bài thơ “Làng Tôi – Văn Nghệ Quân Đội số….năm….] tôi đã nhớ làng tôi bằng những hình ảnh ấy. Bốn bến đò ngang nối làng tôi với Ba Cồn, Thông Thống, Minh Lệ, Quảng Hòa quanh năm dường chỉ phục vụ cho các bà các mẹ đi chợ, mà phần nhiều là chợ dịp Tết, chợ phiên một, phiên sáu Ba Đồn… đi chợ Mới, hoặc chợ Ba Đồn phải dậy từ lúc gà gáy mới kịp đò ngang, đi chợ Hạ [chợ ở làng Hạ Trạch, làng của ông Lưu Trọng Lư] cũng thế… Ba bốn giờ sáng là lộc tộc triêng gióng í ới nhau đi, muộn thì chợ chẳng còn chi để bán mua. Gánh khoai, gánh khế, rổ thị…tất bật xuống chợ…vừa bán vừa tháo… đôi khi chỉ đổi được mớ cá mớ tép long tong. Viết đến đây, nước mắt tôi tự chảy ra… thương [có lẽ tôi thương tôi, thương mẹ tôi, thương cả làng, thương cây khế cây tre cây mít… thương một thời]. Thương !
Dịp tết hay khi nhà có kỵ chạp, mẹ tôi thường phải đi chợ từ sớm khuya, từ bao nặng nhọc & mong manh như thế. Mẹ ơi, mẹ còn nhớ mình đã từng phấp phỏm, lo toan, đã từng phải gánh cả gánh khế, gánh mít… chỉ để bán tháo cho nhanh kịp tiền mua mấy lạng thịt về thắp hương cúng ông bà? Ngoài dăm ba lạng thịt thiêng, thì những dịp ấy, về cùng thúng chợ mẹ tôi luôn có ba thẻ nhang, và tôi vui sướng khi được mẹ tôi sai “mang mấy thẻ nhang đặt lên bàn thờ chặp rồi thắp” và, khi cỗ bát đã xong tôi luôn được mẹ tôi sai “thắp hương đi cu nậy”.
Tôi vui sướng, có lẽ vì tôi là trai lớn trong nhà, vì tôi là cháu đích tôn, ba tôi ngày đó làm tuyên huấn trên Huyện, ít khi về làng và rất “cách mạng” ít quan tâm chuyện khói nhang… nên tôi luôn được mẹ tôi phân công nhiệm vụ thắp nhang lên bàn thờ, tôi thấy tôi quan trọng, tôi thấy tôi như một một người đưa tin giữa thần linh & trần tục. Tôi mân mê chân nhang, tôi sờ nhè nhẹ từ chân tới ngọn, tôi ngửi sống khi nhang chưa thắp và ngày đó luôn tự hỏi “ai đã nghĩ ra nhang, họ làm nhang bằng gì…” và rồi tự phục: họ tài thế!
Nhang ngày đó khác nhang bây giờ, chân nhang to, vuông và luôn được quét, nhúng màu hồng hồng, phần để thắp, để cháy luôn có màu đen đen, xù xì không trơn láng đều tăm tắp như bây giờ, ấy là hình thức… còn khi đốt lên, khói xanh, khói mỏng & thơm rất dễ chịu. Ngửi khói nhang là như ngửi được cả sự gần gụi, ngửi được cả sự bao bọc chở che cho bao đói lạnh & âu lo, ngửi được cả bao nhiêu gửi gắm và kỳ vọng. Lạy ông lạy bà, lạy trời lạy đất, lạy mưa thuận gió hòa, lạy mùa màng khấm khá… Mẹ ơi, mẹ còn nhớ mẹ đã khấn như thế mỗi dịp tết nhất, giỗ chạp trước bàn thờ tổ tiên?
Mâm cỗ đã xong xuôi, bếp núc đã gọn gàng, khói từ ngọn nhang đã mong manh & mềm mại uốn lượn từ từ bay lên, ấy là lúc mẹ tôi cứ qua lại ngó nghiêng bàn thờ… Lúc xích cái dĩa thịt, lúc dịch cái dĩa xôi… cứ như thể mẹ tôi muốn đưa đồ cúng, đưa những gì thơm thảo gần hơn với hồn vía ông bà. Mẹ tôi lầm rầm những điều ước muốn:lạy ông lạy bà… lạy trời lạy đất… trong lời khấn nhỏ của mẹ, tôi nghe những lo toan cơm áo ruộng vườn, mẹ tôi nông dân, cả đời úp mặt ruộng cằn nương cộc, lúa khoai chẳng đủ qua mùa giáp hạt, mẹ chẳng ước gì cho mẹ, chỉ ước đủ no khoai no sắn cho chúng tôi.
Những khi ấy trên khuôn mặt ba tôi như có nụ cười huyền bí, tôi không hiểu ba tôi vui hay buồn, ba tôi gửi gắm gì với khói hương, ba tôi bài trừ mê tín, không hào hứng với cúng bái. Và, đôi khi ba tôi phản đối chuyện thờ cúng, khói hương. Thế nhưng, có một lần nhân chuyến công tác [hình như như đi đại hội, hội nghị gì đó từ trung ương về, trong hành lý ba tôi lôi ra một bó hương to, màu vàng óng đều tăm tắp “hương Hà Nội” ba tôi bảo: Thơm lắm, tốt lắm!
Ba tôi theo khói hương lên giời 19 năm rồi, mỗi dịp tết, dịp giỗ, trước di ảnh ba, mẹ tôi vẫn cắm mấy cây nhang thơm và khấn nhỏ “ông sống khôn chết thiêng…”, khói nhè nhẹ xanh, khuôn mặt ba tôi cũng một nụ cười thầm… dường như khói hương thật thà đã thấm?
Tôi thích mùi khói nhang, nhất là loại nhang hanoi, nhang mộc, nhang quê truyền thống [sau này có nhang trầm – nhưng phải là mùi tự/thiên nhiên] còn mùi nhân tạo thì đụng cái là bật ngay…dị ứng một cách sâu sắc.
Thế nên, cứ về nhà thấy hương là thắp bất kể ngày giờ. Rằm, mùng một, lễ tết và ngày thường thì khói từ nhang khi bay lên có khác gì nhau? Chắc thế, không riêng gì tôi mà bất kỳ ai thì tâm trạng người ngửi cũng không khác mấy giữa ngày linh thiêng và ngày bình thường?! Bởi theo tôi linh thiêng xuất phát từ ý niệm khi ngắm khói, ngửi khói và thấy khói như là nguồn mạch thông động giữa sự sống của người đang sống & sự sống của người đã khuất.…
Tôi thích khói hương, khói hương thật thà. Nhưng tôi không thích đốt giấy, bởi mùi khói đốt giấy làm tôi khó thở và tôi thấy những tờ giấy rất đẹp, màu hồng màu xanh, màu vàng màu đỏ… nếu dùng nó để vẽ, viết nên điều gì đó hay ho có lẽ sẽ linh nghiệm hơn cho người sống. Đốt giấy, với tôi chẳng chút nào thi vị, phải chăng vì tôi không thích cái thành ngữ “theo ma mặc áo giấy” … “theo ma…” nghe nó tách bạch lạnh lùng với hồn vía ông bà chúng ta quá!
Tôi thích khói hương, khói hương thật thà, khói hương như một đức tin và tôi thích trò chuyện với nó. Có phải người ta thắp hương vì thế không?
HỒ MINH TÂM- Tạp chí Nhật Lệ
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: