Hàng phố đã quen nghe thứ âm thanh khó chịu của chiếc xe máy cũ mèm, khói từ miệng ống bô nham nhở phụt ra đen xì, tiếng ga gằn lên rồi tắt lịm. Mấy mụ buôn dưa lê đầu phố ngoảnh mặt, ánh mắt như tạt lửa, trong đám có người nhổ đánh toẹt! Thị tỉnh bơ, vờ như không nghe thấy gì cả, dắt xe vào nhà, tiếng chân chống bật ra khô khốc, không nói không rằng, thị giáng mông xuống chiếc tràng kỷ đánh phịch rồi cầm bình nước đưa lên miệng nốc cạn nửa. Lúc lâu sau, chừng như đã hạ nhiệt, giọng thị ráo hoảnh: “Ông lấy hộ tôi cuốn sổ trong ngăn tủ ra đây!”. Thị giở sổ, lia mắt: “Hôm trước tiền tôi đưa cho ông để ông đưa dần cho nó đã đưa hết chưa? Có còn hay là bố con ông vung hết rồi?”. Lão chồng lụt đụt ngồi ghé bên cạnh đặt tay bóp nhẹ lên vai thị, cười nhăn nhúm: “Ừ… ừa… Tôi đưa rồi. Còn đây, đủ mua thuốc hút… hì… hì!” Vừa nói lão vừa cười nịnh: “Để tôi bóp cho đỡ mỏi… Hì!”. Thị hất tay lão ra: “Nỡm! Lúc nào cũng ỡm ờ… Nghe đây! Nó đâu rồi? Uống tiền như uống nước lã. Của nợ! Có chết nhanh cho tôi còn thờ!”. Nhắc đến thằng con trai là hai hàm răng thị sít lại. Đến nông nỗi này rồi thì thị còn thiết gì nó nữa. Hai đường kẻ lông mày bỗng xếch ngược: “Còn ông nữa! Nhưng mà thôi… lo dọn dẹp nhà cửa để cho con này còn xoay xở…”. Lão chồng vội thu hai tay vào lòng rồi lựa lời: “Tôi nghe hàng phố họ kháo nhau về vụ cây xăng. Họ bảo nhà mình ăn chặn tiền của phố. Đúng không?”. Thị quay lại lườm lão: “Ông thì chỉ có mà biết cái con của nỡm…”. Thị gắt lên, bỏ lửng rồi đứng phắt dậy đi vào nhà vệ sinh. Tiếng nước chảy xối xả, những tia nước mát lạnh thấu dần vào da thịt như có muôn vàn những ngón tay mềm mại vô hình động chạm, xoa dịu những chát mặn chua cay lúc nào cũng cuồn cuộn trong lòng thị. Một cái gì đó trỗi dậy trong tâm thức… cái gì không cụ thể mà lúc nào cũng chỉ chực kéo thị đi ngược lại với những mưu toan, suy tính thường ngày của thị…
*
Năm 1974, rời tuyến lửa trở về, cô thanh niên xung phong tên Kim được vào ngành thương nghiệp. Cửa hàng thực phẩm của thị xã thời ấy chỉ có hai quầy bán thịt lợn, Kim được giao bán hàng tại một quầy. Cửa hàng trưởng là một người đàn ông thấp lùn, bụng phệ, đầu hói, nước da mai mái, ông ta cười chẳng nhìn thấy ai, cái ngấn cằm nung núc trông ngồ ngộ. Bà quầy trưởng của Kim chả kém, bụng đã chảy lại còn mặc áo sát co, hai vạt trước chẳng chịu khép kín, thỉnh thoảng rốn cứ phơi ra. Từ khi Kim về, ông cửa hàng trưởng hay xuống quầy bán hàng chỉ đạo: “Các em phải thế này… phải thế nọ…”. Bà quầy trưởng có vẻ khó chịu: “Bằng tuổi bố chúng nó rồi còn anh với chả em. Lại muốn rửng mỡ!”. Nghĩ vậy thôi chứ bố bảo bà cũng không dám ra mặt… Sau một năm, Kim còn lạ gì nữa. Cái quầy bán thịt mà cũng quyền uy khủng khiếp, nhiều người nể vị, cầu cạnh vì nó là miếng ăn, lại là miếng ăn cao cấp, nó định lượng dinh dưỡng cho mọi người, thấp thì bốn lạng, sáu lạng, cao thì cân hai, cân rưỡi một người một tháng. Thiếu thịt thì tong teo, đủ thì béo tốt, đẹp dáng, láng da… Ấy là chưa kể đến phụ phẩm lòng, xương, thủ, mỳ chính, đậu phụ, mắm, muối… Con trai có máu mặt thời ấy tranh nhau xếp hàng tán gái thực phẩm, bách hóa… Kim được xếp vào hàng cao giá. Vốn thông minh, đã từng trải, lại được trường đời sớm dạy cho Kim bao nhiêu bài học, dở hay, khôn dại, cô trở thành người đàn bà sắc sảo. Kim được lòng mọi người, rồi dần dần mọi người nể cô, mọi chuyện trong cơ quan cái gì xảy ra cô biết tất, mà đã biết là biết tọc mạch từ gốc đến ngọn. Kim có tài bắt nọn, cho mấy câu phủ đầu là phun ra rông rốc, làm tình với nhau cũng kể tuốt tuồn tuột. Được cái Kim chẳng chủ hại người, chỉ là để nắm chút quyền chi phối, giúp những kẻ thấp cổ bé họng tìm lại chút công bằng xã hội trong cơ quan, thỉnh thoảng cũng giành cho mình một chút “đặc quyền đặc lợi”. Có lần nhận thịt xô đưa lên quầy bán hàng, Kim phát hiện ra thịt thăn và thịt mông đã bị sấn gần hết, những ánh mắt khách hàng nhìn cô như phán xét đầy oán trách. Hết giờ cô cự nự quầy trưởng, bà ta hấm hứ một lúc mới nói hôm nay là ngày “giỗ bố một vị lãnh đạo to”. Nói rồi bà mở kho, trở ra giúi vào tay Kim một xâu thịt mông dễ đến hai cân: “Phần của cô đây!”. Kim ngần ngừ giây lát rồi gói xâu thịt cho vào giỏ xe, trên đường về cô rẽ vào nhà một người bạn gái vừa sinh nở, đưa đẩy chán bạn cô mới chịu nhận, xong cô cảm thấy xấu hổ, ví như chính cô là thủ phạm đang bị đưa ra phán xử trước những cặp mắt ai oán của khách hàng. Những ánh nhìn ấy đã neo vào tâm trí Kim sâu lắm. Sau đấy là liên tiếp những vụ việc trong cơ quan bị vỡ lở. Rồi những lần cấp trên xuống chấn chỉnh cơ quan, cô chứng kiến cảnh họ trao đổi, thiên vị, bao biện, gỡ tội cho nhau… Rồi một lần cô thẳng tay tát vào mặt cửa hàng trưởng khi ông ta còn chưa kịp động vào người cô. Từ đó Kim trở thành kẻ cá biệt, cứng đầu, thóc mách, lắm chuyện, họ gán cho Kim cái biệt danh “Kim kiện”. Mà nào cô đã viết đơn kiện tụng ai đâu, chỉ là hay phản bác lại lãnh đạo, cứng đầu không chịu quỵ lụy, không biết ngậm miệng dung thân… Thì ra mọi người kiềng cô, kẻ có tật thì sợ cô thật, có người không liên can nhưng cũng xa lánh cô để không mất lòng lãnh đạo. Kim gần như bị cô lập, cô lặng lẽ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt sắc lạnh, bất cần, pha lẫn hằn học…
Người chồng trước làm nghề lái xe bỏ Kim theo gái vào đúng cái thời điểm đổi mới cơ chế quản lý, bỏ tem phiếu, giải tán cửa hàng. Bao cấp thoái trào, nhãn mác, tên tuổi mất giá. Những kẻ cơ hội, móc ngoặc công khai ngoảnh mặt, vợ chồng thì phản bội lại nhau… Kim xin về “một cục” lấy vốn mở một quầy bán thịt ở chợ Bóp. Một thời gian sau những kẻ đã từng kiềng mặt cô, sợ cô như sợ vạ đã trở thành những khách hàng thân thiết thường lui tới. Kim chẹp miệng, trong đầu hằn lên một đường kẻ: “… Đã từng bao năm được ăn trắng mặc trơn, xoạch một cái xóa bỏ bao cấp, giờ thì đua nhau chạy sang những vị trí tiếp tục được ngân sách Nhà nước bao cấp mấy đồng lương để được nhàn thân, an phận… Đây tự thân, được nhiều ăn nhiều, được ít ăn ít. Tiếc mà làm gì!”. Trước mắt thiên hạ, họ đến với cô hàng thịt với sự chảnh vẻ, cao sang của những viên chức trí thức. Họ cậy tình quen để cô lựa cho những miếng thịt ngon, cân kẹo tử tế, có công lên việc xuống thì đặt hàng trước để được cô lo liệu khâu chính phẩm, phụ phẩm cho cỗ bàn tươm tất. Sau lưng, họ cũng chỉ coi cô là con mụ hàng thịt! Dù biết tỏng bụng họ nhưng với Kim điều đó không là gì cả. Cô biết làm ra đồng tiền thực sự bằng khả năng, sức lao động của mình, đồng tiền biết vận động sinh sôi, bằng mồ hôi nước mắt, bằng lòng tự trọng hẳn hoi. Còn họ, những sản phẩm cuối của thời bao cấp, tiếp tục nhẫn nhịn vâng lời, tuân theo mệnh lệnh cho đến mãn hạn sự nghiệp cuộc đời. Cô vẫn thường an ủi mình bằng một mệnh đề gọn lỏn: “Chờ đấy!”.
Kim lấy chồng, người chồng thứ hai của cô tính tình nhu mỳ, thật thà, có thể nói là hơi cù lần. Anh ta bị nhốt ở trạm khí tượng thủy văn trên đỉnh núi mù sương, nghe đâu như Mù Cang Chải tới bốn “nhiệm kỳ”, khi được về xuôi thì người vợ trẻ đã không còn là của anh ta nữa. Anh ta bỏ việc, lang thang một dạo rồi được giới thiệu làm người mổ lợn thuê cho Kim. Như duyên tiền định, người đàn ông ngoan ngoãn đã gắn chặt cuộc đời mình với Kim. Hai người không sinh con, mà họ cũng chẳng cần tìm hiểu lý do gì sất, cùng chấp nhận độc nhất một thằng con riêng của Kim với người chồng trước… Từ khi thằng con đổ đốn ăn chơi, nghiện hút, Kim mới té ngửa: tính khí mạnh mẽ đã làm cô thiếu đi một phần hết sức quan trọng trong thiên chức làm mẹ, cô ít dành thời gian cho nó, ít dành hơi ấm cho nó, cô chỉ biết dành tình yêu thương cho đứa con mỗi khi nó đòi hỏi về mặt vật chất, mải mê thương trường để kiếm tiền, đến nỗi có lúc cô đã mụ mị say tiền… Người bố dượng của nó thì đã không dám động vào “cục vàng” của vợ. Không tiền thì hèn, thì nhục, khi có chút dư giả thì thằng con lại đổ đốn. Thế là đời lại đẩy cô đi xa hơn nữa trong mê lộ kiếm tiền. Thời vận như lốc, mấy mụ mua tôm bán tép bỗng dưng lên đời, đến hàng thịt của Kim ghếch chân lên kê ví móc tiền, từng cục tiền năm trăm nghìn nguyên sê ri còn dính đét vào nhau, bẻ lên bẻ xuống mấy lần mới rút ra được một tờ cạo râu. Bán một cân thịt thăn, Kim phải móc đếm mỏi tay mới thối lại cho đủ mệnh giá gốc. “Trời ơi là trời, sao mình lại ngu như vậy! Thì ra chúng nó đã lao vào buôn đen bán đỏ đất cát từ bao giờ?”… Đột ngột người ta không thấy quầy thịt đầu chợ Bóp đâu nữa. Một hồi, người ta thấy Kim đôn đáo môi giới mua bán đất cát, nhà cửa… Bữa nay người ta lại thấy người đàn bà bán thịt ở chợ Bóp tên Kim ấy tưng tửng khoác túi đi gõ cửa những nơi công quyền. Mà thị mò lên cửa quan làm gì nhỉ? Xoành xoạch như thế chỉ có là đi kiện… Quả không sai! Giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ, đất đai lên giá, tranh chấp như cơm bữa, đấu giá đất lia xia, cò đất mọc ra như nấm, đấu thửa nào hết thửa đấy, đấu xong một cái là giá lên dăm bảy lần ngay tắp lự. Lạ thật, dân thì lấy đâu ra tiền để nay đấu, mai đấu, thế mà dân đấu giá với hội đồng đấu giá nhẵn mặt nhau. Hóa ra sau lưng họ toàn là những người có quyền phán định, quyền quy hoạch, quyền thu hồi đất, quyền quyết định đấu giá, tóm lại là có quyền tất tần tật. Ai đời cứ có khoảng đất nào là thái, thái nát ra, ruộng vườn ngoại thành cũng cạn kiệt, đến nỗi không còn nổi một chỗ làm bãi đỗ xe, trường học, nhà trẻ chặt cứng không còn đất để nới rộng. Thị xã cứ sôi lên sùng sục. Trụ sở chóp bu lúc nào chả có đông người vạ vật, họ đi khiếu nại đòi quyền lợi, người ta gọi là đi biểu tình, là khiếu kiện đông người. Họ tỏ ra uất ức, bị thu hồi ruộng đất, tiền đền bù chưa biết chuyển đổi về đâu, uỵch một phát giá đất trên những thửa đất cũ của họ qua các phiên đấu giá, sang tay bỗng lên vù vù. Kể như trắng tay, họ ngồi nhìn thiên hạ giầu lên ngất ngưởng. Cơn lốc đô thị hóa nhanh như làm xiếc làm cho người ta lấng chấng, mất phương hướng, hốt hoảng… Nỗi bức xúc trong lòng họ đầy dần lên đến độ ắp ứ. Thôi thì chỉ còn có nước ăn vạ cửa quan họa may được cứu rỗi. Đồng tiền đang gia tăng quyền lực ngày một đáng sợ, lợi ích được kết bè kết nhóm với nhau rồi xúm lại đẩy quyền lực lên tầng cao vô độ… May quá họ gặp được thị, chỉ có “Kim kiện”, mụ hàng thịt năm nào mới dám to gan, đủ chiêu, đủ bả để chiềng mặt “Quan”!
*
Thị dắt xe máy qua cổng bảo vệ gật đầu chào, người gác cổng nét mặt bình thản khoát tay ra hiệu cho thị vào. Qua văn phòng thị gật đầu, nhân viên trực đưa tay về phía cửa phòng: “Sếp đang chờ chị ạ!”. Họ biết thị chẳng nguy hiểm gì cả, với lại chả dại mặt mà gây khó dễ với thị, thị đã chấp là sinh phiền toái ngay nhãn tiền, từ lâu thị đã trở thành nhân vật trung gian giữa đám dân kiện với cơ quan công quyền. Tại nơi tiếp dân thị thường tạo nên những gay cấn tưởng chừng nổ tung, khi gặp riêng lãnh đạo thì tỏ ra từ tốn: “Lãnh đạo biết rồi đấy, đã mưa thì mưa cho khắp, nới tay cho mỗi người một tí có được không. Chế độ chính sách cũng từ các sếp, với trên có sai thì cũng là cho dân chứ có gì đâu… Đừng để khiếu kiện kéo dài, không khéo lại thành điểm nóng thì mất điểm như chơi ý chứ…”. Đã bao lần như vậy, vị “Sếp” nọ đã quen tai, lần này lim dim mắt nghe thị phân trần, chừng đã hết kiên nhẫn: “Này, nhưng mà chị ăn gì mà tham gia với họ, có việc chả liên quan gì đến nhà chị mà họ lại ủy quyền cho chị thay họ là sao?”. “Thế việc này có liên quan đấy chứ? Sếp?”. “Thì chị ở phố ấy. Nhưng tôi hỏi chị, cho họ đặt cây xăng ở đấy thì có sao nào? Bây giờ công nghệ cao rồi, mức độ ảnh hưởng môi trường ở mức cho phép, phòng chống cháy nổ thì nhà nào chả có bình ga, đều phải phòng chống đấy thôi”. Thị cười gằn: “Nói như sếp! Đấy là một chuyện. Nếu đường hoàng thì việc gì phải thỏa thuận tiền nong với phố nào? Mấy cậu vắt mũi chưa sạch vác tiền đến, gọi là hảo tâm nhưng tôi biết tỏng. Không ai chống lưng thì trẻ ranh sao dám nghĩ ra chiêu này. Thấp bài, thấp bài lắm sếp ạ! Tôi thưa thật với sếp, họa may mấy cậu nhóc con mang tiền tấn lót đường thì mới dám vác cây xăng đến đầu phố tôi mà đặt nhá… Của sếp hay của ai chỉ cần nói với gái này một câu thôi nhá!”. Vị “Sếp” nọ như bị chạm nọc nổi nóng: “Này! Không được ăn nói lung tung! Tôi chưa cho người hỏi tội bà về tội chuyên đi kiện thuê đâu nhá. Bà nhận tiền của dân tôi biết… Tôi cho bắt bà lúc nào cũng được nhá!”. Mạnh mồm dằn mặt thị mấy câu mà vị “Sếp” nọ tóa mồ hôi hột, biết quá lời nên đã kịp phanh. Thị nghe những câu này xong, mọi khi chắc đập bàn với sếp, hôm nay bỗng lạnh lùng: “Vâng! Tôi biết ăn biết nói, nhìn thấy phải thấy trái, dân cậy thì tôi làm, mấy đồng họ góp lại gọi là lộ phí cho người đi kêu thay lạy đỡ, cũng như vợ sếp đi đền đi chùa cầu cạnh thánh thần, cậy nhờ thầy cậu, biếu thầy chút lộc đấy thôi. Xùy! Con này mà bị bắt ý, có mà ối kẻ bị mất chức, vào tù cũng nên ý!”. Mụ ngoảnh mặt sang một bên: “Mấy đứa mà đặt được cây xăng ở đấy, họa chỉ có con này câm điếc thôi nhá! Thôi chào sếp. Tôi về!”. Thị vùng vằng bước ra cửa. “Ấy khoan đã. Theo bà thì sao?”. “Chả sao cả. Sáo sẻ ăn nhờ đường cày mà không được nữa thì…”. Thị đứng phắt dậy bước nhanh ra cửa. Vị “Sếp” nọ vội đóng cửa, rút máy điện thoại ra, giọng gấp gáp: “Này! Mày đang ở đâu? Tìm cách gặp ngay mụ “Kim kiện”. Ừ! Mụ vừa chỗ tao ra. Mụ gợi ý đấy, mày tống cho mụ gấp đôi đi, một nhát ăn liền, khéo, không được để hỏng việc nghe chưa… Cắt khoản kia… Ừ! Đã tống cho mụ còn phố phé đ… gì nữa. Mụ xong là xong. Hiểu chưa?”.
*
Từ ngày cây xăng lớn mọc lên ở đầu phố Đồng Tiến, người ta thấy nhà “Kim kiện” thưa vắng dần. Phố xá chừng như cũng bảo nhau cách ly nhà thị. Mấy mụ đàn bà rỗi hơi thường xuyên rủ nhau ra gốc sấu đầu phố ngồi buôn chuyện, chuyện nọ sọ chuyện kia, cứ thấy bóng “Kim kiện” về là không ai bảo ai cùng ném vào mặt thị một cái nhìn tạt lửa rồi quay mặt, miệng cùng phát ra một tiếng: “Xùy!”. Ác hơn là nhổ bọt đánh toẹt! Rồi lại xả chuyện: “Chả cứ gì quan, kẻ nào ngậm tiền bất lương vào miệng đều cấm khẩu cả. Tưởng hảo hán, nào ngờ cũng ăn bẩn, ăn chặn tiền của phố lại còn moi thêm trăm triệu nữa… nuốt gọn cả trăm rưỡi triệu…”. “Mà này, chưa trôi qua họng thằng con đã móc tuột ra…”. “Quả báo. Cấm có sai!”. Những chuyện đại loại như thế “Kim kiện” nghe đã chả sót câu nào, thị thấy ức, thấy đau, có lúc uất lên đến cổ muốn nhảy bổ vào mà chửi nhau với cái đám ấy: “Tao đấy! Tao cũng đã từng từ nơi bom đạn trở về đây! Tao muốn tử tế lắm chứ! Nhưng sao cuộc đời cứ bắt tao phải chứng kiến nhiều sự bất bình đến khốn nạn thế không biết… Nhìn những kẻ dùng thủ đoạn bẩn thỉu ăn trên ngồi chốc tao không chịu được. Tao muốn đấu tranh đòi sự công bằng nhưng có mấy ai đồng tình với tao đâu. Toàn chửi đổng, toàn đơn thư nặc danh vu vơ… Biết cả đấy, biết sự tha hóa, tham nhũng ở chỗ nào rồi đấy, ti vi kêu gọi phát giác mãi mà có đứa nào dám đứng thẳng ra tố giác đâu… Hừ! Thời nào cũng chả ít tham ô, nhũng nhiễu, bỉ ổi, xấu xa đâu… Thời buổi khó khăn đói kém thì tham ô miếng ăn, rửng mỡ động chạm chân tay vào mông, vào ngực phụ nữ là bỉ ổi, vô liêm lắm rồi, tham ô mấy cân tem phiếu thực phẩm là bị kỷ luật sặc tiết ra… Bây giờ thì loạn trào, tham nhũng, tiêu cực nhan nhản ra mà chẳng sao sất… Rốt cuộc toàn một lũ hèn, ích kỷ, tham lam, mang mặt nạ người…”. Nhưng cũng lạ! Hôm nay những cái nhìn tạt lửa, những tiếng “xùy”, một cái “nhổ toẹt” như thẳng vào mặt “Kim kiện” mà thị cũng không sao nổi đóa lên mà sinh chuyện với cái đám ấy được. Ý nghĩ trong đầu đã thành bài chửi xả hận kia liệu có bảo vệ được danh dự cho thị không? Thoáng một chút hoang mang, cầm mớ tiền mà bị phỉ nhổ đến thế này thì thà chết quách đi cho rồi. Cứ bằng lòng với vai hàng thịt hóa lại yên thân…
*
Mụ nằm nghiêng, rồi lại nằm ngửa, rồi lại nằm nghiêng, chiếc khăn xấp nước lạnh khô đi khô lại mấy lần rồi mà đầu thị vẫn chưa hạ nhiệt. Thị mà gục ngã lúc này thì nhục lắm, chỉ cần hàng phố nó xúm vào chửi rủa cũng đủ ức mà chết. Thị định thủ vai một nữ “anh hùng cái thế” để bảo vệ thiên hạ nhưng thị đã nhầm! Chỉ là một chút bản năng sĩ diện giang hồ trỗi dậy chống lại những khuất tất đời thường mà thôi, nó đồng hành cùng với lộ trình mưu sinh của thị chứ nào đâu phải là động cơ trong sáng? Những chiêu trò bột phát của thị cũng có làm cho một số nhân vật bu chóp ở đất này phải dè chừng. Nhưng “Kim kiện” đã nhầm! Người ta thừa biết thị đang hành nghề bán thịt yên hàn, lành lặn là thế, đùng một cái bỏ đi đánh quả, mánh mung đất cát, có nghĩa là thị cũng ngốt tiền, cũng nổi máu tham… đã tham tiền lại còn đòi mang danh “anh hùng cái thế”. Thị có biết đâu mặt nạ đời lắm kiểu, lắm dạng, thị khôn ngoan lọc lõi là thế, nhưng đã thấm tháp gì với thiên hạ, như mặt nạ lão “Sếp” nọ đang đeo có đẳng cấp, có số có má hẳn hoi… Thị bỗng nấc lên, hai hàm răng nghiến chặt, thị hốt hoảng như vừa bị mất của. Thị bỗng nhận thấy chiếc mặt nạ thị mang vừa rớt tuột. Không ai khác mà chính lão “Sếp” nọ đã gỡ nó ra khỏi mặt thị thả rớt cho gió cuốn đi phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Thị nhớ lại, thằng đệ đứng tên làm cây xăng cho lão “Sếp” khi trao bọc tiền đã ghé vào tai thị: “Cháu gửi cô đủ một trăm triệu, phần của phố khi nào xong hẵng tính, miễn ổn cho cháu là được”. Đúng là mưu đồ lão “Sếp”, quả là thâm hiểm! Khi cây xăng xong thì cũng là lúc hàng phố nhỏ to truyền nhau câu chuyện mụ “Kim kiện” đòi một trăm triệu mới để yên cho doanh nghiệp làm cây xăng, lại còn ăn chặn nốt cả năm chục triệu doanh nghiệp ủng hộ cho phố nữa”. Hỏi ra, doanh nghiệp cứ ỡm à ỡm ờ: “Chúng cháu chỉ biết làm theo luật!”. Ai mà biết được thật giả? Luật thì ngoài Luật pháp ra còn có cả luật rừng, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Khẩu thiệt vô bằng, chẳng ai làm gì được thị, nhưng trong thâm tâm thì ai cũng tin chuyện ấy là thật. Với Thị thì thật một trăm phần trăm rồi còn gì. Lão “Sếp” cao tay đã lừa được thị. Doanh nghiệp bội ước với phố, xong việc rồi ai dám đứng ra mà đòi với cái lời hứa suông ban đầu ấy. Họ đặt niềm tin vào “Kim kiện” như tin hảo hán mới ra nông nỗi khờ. Lão “Sếp” không mất thêm khoản tiền năm chục triệu mà cây xăng vẫn mọc lên an toàn, lại gán đứng cho thị cái tội “ăn chặn” của phố. Đòn thâm hiểm của lão “Sếp” nọ đã đánh sập nhanh chóng cái uy danh “Kim kiện”. Thị uất nghẹn, nằm nghĩ miên man. Thị biết tỏng nhà nó bốc tiền ném đi cả tháng không hết mà kê khai tài sản thì ngoài đất cát nhà cửa đang ở ra, mục tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên nó ghi là “Không”. “Mẹ nó chứ! Bà sẽ lột mặt nạ của mày ra. Bà sẽ kiện, kiện lên đến thiên đình… Đất của mày la liệt, cửa hàng cửa hiệu chỗ nào tao cũng thấy bảo là của mày… Thiên hạ biết cả đấy mà sao mọi người lại im lặng thế không biết. Được rồi! Bà biết mặt nạ của mày, với lại đời này còn nhiều lắm, nhiều loại lắm, bà sẽ lột, sẽ lột không thương tiếc cho mà xem…”. Suy nghĩ của “Kim kiện”, người đàn bà đã gần như mất hết niềm tin, người đàn bà khôn ngoan lọc lõi thế mà khi bị lột mặt nạ một cái là cuồng loạn tư duy, đến hồi cực đoan. Thị nghĩ cách trả thù lão “Sếp” nọ, lột mặt nạ của lão xong, phải làm cho lão khổ hơn thị, đớn đau, quằn quại và nhục nhã hơn thị… Thị nằm thiếp đi lúc nào không hay. Thị gặp toàn những giấc mơ hả lòng hả dạ. Mấy mụ phố Đồng Tiến cùng nắm tay thị cười phớ lớ khi nhìn thấy những lão như lão “Sếp” nọ bị còng tay đẩy lên xe hòm. Thị hả hê: “Tôi đấy! Chính “Kim kiện” này đưa chúng nó vào tù đấy. Hả hê mà buôn dưa lê nhá bà con…!”. Giấc mơ kéo dài cho đến khi lão chồng vào lay gọi. Tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm, chưa kịp định thần thì đã thấy thằng con lù lù vác xác về đứng cạnh giường. Thị dụi mắt rồ lên một tiếng, đổ vật xuống giường rồi giả vờ ngất lịm…
Lại nói về lão “Sếp” nọ. Thực hiện xong được ý đồ đặt cây xăng ở đầu phố Đồng Tiến. Bây giờ là lúc phải gia cố, phòng ngừa, lão lần lại toàn bộ đường dây yểm giấu tài sản, một loạt cái tên làm bình phong cho lão. Mặc dù đã “chọn mặt gửi vàng”, lão còn viết giấy cài cắm nội dung để đề phòng phản trắc. Một năm nữa lão về hưu. Sau cây xăng là gì nữa còn phải tính. Riêng mụ đàn bà hay tọc vạch, kiện cáo kia thì lão đã cho nốc ao rồi. Lão phòng xa nên hôm nọ nghe tin mụ ốm lão đã cho đệ mang quà khá hậu hĩnh đến thăm, nghe chừng mụ cũng nguôi ngoai. Thôi cứ xoa cho mụ êm đến lúc lão về hưu là hết chuyện. Nhiều lúc lão cũng thấy sợ mỗi khi đài báo, mạng xã hội đưa tin phanh phui vụ này, vụ kia. Bữa nay đang dấy lên một làn sóng chống tham nhũng, đâu đâu, hội nghị nào cũng đề cập đến vấn nạn này. Lão ngại nhất là ở những hội nghị mà lão phải triển khai những nội dung đổi mới công tác tổ chức, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Lão hoạt ngôn nên nói vẫn trơn tru, mặc dù trong lòng lão vẫn thấy ngường ngượng, với lại lão thừa biết bên dưới nhiều người trong bụng đã coi thường, xem nhẹ lão. Không biết khi về hưu rồi còn được mấy kẻ thủy chung, giữ tình giữ nghĩa với lão. Nói đến tình nghĩa và thủy chung, lão tự thấy thế nào ấy. Chắc gì đã còn thằng đếch nào chân tình, vì sống với lão là phải biết mưu mô, thủ đoạn, phải chịu được nhiệt của lão… đến giờ thì lão cũng đã nghĩ đến nhân quả. Cơ mà sẽ còn những thằng cùng hội cùng thuyền, cơm nặng áo dày với lão chứ… Một năm sau, lão “Sếp” nọ nghỉ hưu. Từ khi nghỉ, bao nhiêu câu chuyện được bung ra không chút nể vì. Mặc dù “hạ cánh an toàn” nhưng mà ê chề quá, đau quá, nhục quá… Những mệnh đề người đời tặng cho lão: tham lam, ăn tạp, thâm hiểm, đểu giả… Chưa có gì là sai cả nên lão cũng chỉ thấy thoáng qua. Ấy là mồm thiên hạ, tha hồ, mà cứ gì mình lão chịu tai tiếng như thế đâu, có mà cả mớ. Với lão coi như miễn dịch! Nhưng có một cái lão đau, đau lắm, đau với lão phải là mất của. Lão gầy rộc đi một đận vì mấy thằng đệ bất hảo lật lọng chiếm đoạt toàn bộ tài sản đứng tên cho lão, có thằng cướp trắng cổ phần của lão bằng vị quyền của lão góp vào. Chung quy lại là của giời, của thiên hạ, lão vơ được thì bây giờ sang tay kẻ khác. Thế thôi! Khốn nạn thật! Cáo cạnh như lão mà bị lật lọng thì quả là uất ức. Mỗi một vụ vỡ lộ ra người ta lại mỉa mai riếc rủa. Người ta bảo lão là: “Khôn quá hóa rồ. Vơ lắm vào rồi để kẻ khác nẫng đi. Mướp đắng mạt cưa, kẻ cắp bà già gặp nhau”…
Đau chết đi được là thằng con trai ham mê cờ bạc, cá độ bóng đá bị sập cầu mấy quả, mỗi quả mất mấy chục tỷ lão phải nghiến răng trang trải. Có kẻ thán rằng: “Tiền nhà lão ấy đông như quân nguyên, mất có thế thì đã thấm tháp gì, chỉ là muỗi chí cột điện!”.
Đinh Ngọc Lâm
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm