Trời đương sáng bỗng tối sầm trước mặt. Đêm nay lại lắm chuyện mê hồn.
Nếu mới đến thành phố này lần đầu, người ta sẽ thấy ngay đất này dáng lạ. Cả một dãy núi liễu đỉnh gặt ngang tấm thời không này, cậy ngay nơi mép trời đất giao thoa mà thốt nhiên xuất hiện, hăm hở chạy cặp bên con sông thoi ra biển lớn như thanh đao chém vào lòng nước. Lưỡi sắt cắt sâu tựa chớp, nung lòng biển hóa hơi trắng xóa. Nơi sống đao mỗi tháng cứ hợp thế với ngày trăng tròn, biến cả vực đá dựng đứng bên kia thành miền chắn sạch gió trời thổi vào bãi Trái, làm sóng triều bên rìa ấy cứ dâng lên sùng sục, cắn tới tấp vào bãi ngầm và vách đá. Thành phố bên bãi Phải nép vào cửa sông nhờ vậy mà thuận hòa hơn hẳn.
Tháng nào cũng như tháng nào, cứ đêm rằm là miếu thờ lại làm lễ đón trăng. Con trăng mọc từ bãi Trái, chạy chếch qua lưng núi rồi mới trồi qua bãi Phải. Người ta hay gọi là trăng họa đèo. Giả mà trăng tròn leo qua hết, sáng trưng, tròn vạnh thì kì trăng mới trời yên biển lặng. Còn bằng giống như đêm nay, trăng đang hí hửng qua núi mà bị con mây lẳng lơ kéo ngang không xót chút mặt mày, ắt là điềm dữ. Tháng này sẽ hay có âm binh.
Người sống ở đây phải thí mạng, ăn thịt, uống rượu để cho mùi người lẫn vào mùi thú. Máu người có mùi máu thú. Khí nhân – súc lẫn lộn thì âm binh nhầm lẫn, không thích theo, trù, ám gì nữa. Mà chuyện này kể ra cũng chẳng ghê gớm gì, vì một bữa thịt rượu nào phải chuyện to tát.
Cái tục cổ dị này làm cả thành phố chỉ có dăm ba miếu thần, ngoài ra chẳng còn giáo phái nào tồn tại nữa.
Ánh trăng thoáng chốc đã tối hiu.
Áp mấy tờ giấy vào ngực, ghé vai nghiêng đầu liếc ra cửa sổ. Hoàn toàn mù mịt. Gió mặn tràn vào. Căn phòng gỗ thấm mùi chật hẹp chứa bốn mạng người lại vắng sạch sinh khí. Tôi hít nhẹ một hơi, rướn nhìn lại ba tờ giấy kê trước ngực. Khỉ gió, màu mè gì cũng chẳng còn phân biệt nổi trong cái đám chập chờn này.
Lại có tiếng đàn bà than khóc rin rít bên tai. Lũ ma gió? Đích thị là lũ ma gió rồi! Ôi cái lũ ma gió lâu lâu lại kéo về dưới gốc đá làm tổ chợ, chẳng cần biết trên này đang xảy ra cớ sự gì cả. May cho chúng, tôi vừa đẩy kèo. May cho chúng, đêm nay tôi không thèm thuồng gì hơn mấy gã đàn ông trong căn phòng này. Thường ma gió làm vận xui thêm, đặc biệt là mấy người oán tình nợ chủ như tôi đây. Nhưng may, cái xui lúc này càng bự bao nhiêu thì càng bẻ quẹo qua cái hên chứ chẳng đùa.
Ba tờ giấy vừa đánh bẹp xuống chiếu thì thằng Liều lại trở ho húng hắng. Cái thằng yếu bóng vía này cũng dám tọt xuống tận đây, làm sao nó biết chỗ này mà tới ta? Còn điềm nhiên tranh đua với bậc cha chú của nó, dù không một đồng xu dính thân.
Không có tiền, nó lấy mạng mình làm vốn á hả? Càng tốt. Tôi cần cái mạng nó.
Thằng Liều đột nhiên quắc mắt qua lão Bèn. Mày phải về tập quắc thêm vài chục ngàn lần mới có sát thương con ơi, chứ nhìn bây giờ như gái lọ hèn mọn thôi. Lão Bèn bên này không thèm khinh, ngả người vào cây cột lim dim. Thằng cha con mẹ nào đẻ ra thằng xấu già này đặt tên con mình mà cũng có căn mất dạy lắm. Biết đứa con sau này lớn lên bèn bẹt con mắt thì thôi đi, còn nã cái tên Bèn vào cuộc đời nó cho bấy thêm. Coi kìa, lão đang nhìn xuyên qua cái mí mỏng tang như lá lúa kia để cân đếm. Con mắt đó nhìn thấu tới ruột già ruột tịt người ta rồi tắm hơi thối ở trỏng còn được.
– Mày hốt tiếp hay thả đây Liều? – Lão Bèn hỏi giọng cà nhựa.
– Con hốt tiếp chứ, nhưng đang tới lượt của chú Bèn rồi.
– Tui nói thiệt nghe Lĩnh, ván này ăn không nổi thằng nhỏ đâu.
Tiện mồm, tôi phun vào mặt lão một tràng cười. Rảnh đời thứ già sắp chết. Lòng đây, ruột đây, soi vào cho mát mặt. Muốn bao nhiêu lòng thì có bấy nhiêu lòng, ở nhà còn cả tấn giao hẳn tới chỗ ông cho ông ngắm què luôn con mắt còn được. Với một con người bao la mênh mông lòng dạ thì thằng lé thông manh phóng dao còn trúng, bày đặt phán như thánh để hả dạ tử sinh khỏi phí cái đời mài mắt à? Thua với chả lỗ. Ánh mắt lão cứ nhìn chòng chọc thằng Liều. Dám chừng lão nhắm tới thằng nhỏ chứ không phải tôi?
Ánh sáng lúc la lúc lắc, quét lên cái ngực to bẩm sinh chưa nhỏ sữa. Cặp mắt vừa mới nhìn thằng Liều thì chớp cái đã đá qua chỗ tôi. Tối nay đúng là tổ đãi lão Bèn rồi, nghe đồn lão chưa từng trật mồi mấy đêm kiểu này. Dân như lão ấy mà, tôi rành lắm, càng giông bão là càng máu.
– Ông ngồi chình ình chờ cái khỉ gì nữa? Xốc lẹ lên cho thằng nhỏ chơi!
Ánh sáng lúc lắc lúc la, quét vô cái miệng vừa nhếch lên của lão Bèn. Gió đá, cái đèn lại quét xuống đỉnh đầu bóng rượt và sống mũi thẳng cao như đấm nát bóng đêm của thằng Liều. Lão Bèn khệ nệ đưa cánh tay nhũn nhão ra giữa chiếu, chụp cái tô đảo ra một vòng tròn mệt mỏi. Chiếc bóng lắc lư theo vòng đèn xoay, họa xuống mặt chiếu một hình như pháp uốn lượn bồng bềnh trái hẳn với tiếng sóng gió ma chó rần rật. Trông thì hay hay con mắt, nhưng căn bệnh yếu sinh lý đang ăn lên tới cổ lão rồi cũng nên.
Lão nghiêng tay, cái tô ở trên trượt xuống. Là chẵn. Lão lấy một tờ. Chậm chạp đưa lên mắt ngó một cái rồi mở ngửa trên chiếu.
Thằng Liều với ngay tới cái tô lăn lóc, xốc đúng mười tám cái. Tiếng leng keng vang lên thánh thót như tiếng ma gió dưới chân đá. Cái sống mũi trắng phau nhảy nhót giữa không trung. Rồi nó trịnh trọng đặt cái tô xuống chiếu.
Lẻ. Nó lấy thêm hai tờ. Ngửa ba, úp một. Vậy là nó hết lượt rồi! Ôi Liều ơi, mày liều mạng tới đây để thua dưới tay chị chó này.
Khoan đã, hình như tôi chưa nói gì về mình từ nãy giờ thì phải? Đúng rồi, nãy giờ tôi mãi bàn về thằng Liều và lão Bèn, còn chuyện về cô Lĩnh thì vẫn chưa.
Nói một câu đơn giản thế này nhé, đời tôi là một cuộc đời chó má.
Ậy, tôi biết mọi người đang tưởng tượng cái gì. Bạn đang liên tưởng tới mấy cuộc đời khố rách áo ôm, tứ cố vô thân, lay lắt kiếm sống để rồi bị chà đạp ngày này qua tháng nọ ở ngoài đầu đường xó chợ, hoặc rung đùi hí hoáy trong tay mấy thằng già hử? Đúng là tầm bậy! Bậy hết. Đời tôi chó má, đơn giản vì tôi là con đàn bà duy nhất trong cái thành phố này làm trại buôn chó. Chính xác hơn phải là nuôi chó tơ cho hàng trăm quán nhậu đặc sản đang kinh doanh phát đạt ở chốn này.
Ôi cái nghề cũng chẳng vinh quang gì, chỉ được cái tiền bạc ở không cũng có. Mà tiền này bạc thiệt chứ đùa, bạc tới nỗi không thằng nào sống trong nhà con Lĩnh này quá một năm hết. Ậy, đừng nghĩ tôi có số sát phu, chúng chồng cũ đó còn sống nhăn ra cả. Lúc chúng nó bỏ trốn khỏi nhà con Lĩnh này cứ phải nói là khỏe khoắn như trai mười tám. Tôi hiền lành phải phép chứ có phải loại dâm loàn gì cho cam. Chưa một ngày đánh mắng lũ chồng, lại cưng phải nói còn hơn cưng chó nái.
Ba lượt chó là một đời chồng. Yêu thằng trước một thì thằng sau phải ba bốn lần hơn thế. Tôi cứ nghĩ chân thành yêu thương thì người ta sẽ thương yêu lại mình. Mà trời ơi vù một cái bay mất hăm bốn đợt chó đẻ. Tám thằng. Là tám thằng! Trái tim con đàn bà chứ có phải miếng giò chó đâu mà ăn xong là nhả. Trái tim con đàn bà cũng không phải đá!
Rồi sợ phật lòng cô Lĩnh, đi đâu người ta cũng hề hà xài nhiều chồng là sướng, là sang. Sang cái đàng!
Chém chết cái kiếp chó má của tôi không được thì tôi chém cả trại chó. Chém hết, để người ta ngậm cái sướng cái sang tự no một mình đi! Để mấy ngày ma gió nó kêu thì đói rã họng cho vừa! Nhưng cuộc đời chó má của tôi không ngừng được các bạn ạ. Người ta thương tôi, hay lại thương cái mỏ thèm thịt chó của họ chẳng rõ, cứ lũ lượt mua về cả đám chó béo tốt nhờ tui nuôi giúp. Ờ nuôi giúp. Giúp riết thành ra lại tòi thêm một mớ giống tốt. Trang trại chó cô Lĩnh lại cầm trùm thành phố này.
Dần dần, người ta không còn phân biệt được mỗi lần tôi chém trại vì tôi mất chồng hay một mánh khóe cải tạo giống. Chắc có người còn gộp lại là cải tạo giống chồng. Trời không thấu, tôi còn chưa được đẻ con lần nào!
Cho đến một ngày đẹp trời nọ, cựu thầy Cấm Phong bảo ban, nói tôi giết chó đực nhiều quá nên làm gì còn thằng nào ở lâu. Cải mệnh đi. Thế là tôi chuyển hẳn sang bán chó giống không bán chó thịt. Được một đời chồng dài ba năm. Ôi ba năm mà nó dài như ba kiếp. Đến năm thứ tư, ba kiếp đó chắc bằng ba kiếp ruồi. Chồng dạt nhà theo gái. Chém trại lần thứ chín.
Thế rồi lại một ngày đẹp trời nọ, ông thầy bói ngồi kia đi ngang nhà tôi, đứng trước cái bàn cân chó gia truyền gọi vống bà chủ Lĩnh. Tôi chưng hửng chạy ra chưa hiểu mô tê gì thì lão đưa một tờ giấy viết có dăm chữ: Bất định phu thê đừng nghịch thiên cải mệnh. Lão chọc đúng chỗ ngứa quá, tôi đành ba chân bốn cẳng chạy theo hỏi. Chạy miết, leo miết tới đúng nơi này lão mới hé răng. Lão bảo số tôi có một vị đi theo, vị này vốn có tướng vượng phu nhưng chết trẻ, chưa kịp có lấy một mảnh tình nào. Vào một đêm trăng trượt đèo nào đó đã bám theo tôi rồi áp vào số đắt đào đắt kép. Ấy mà vị kia lại có bản tính chóng thích chóng chán, theo một thời gian sẽ nhảy qua người chồng, đến khi tên chồng bỏ đi tròn năm thì hồn lại chán gã, lại theo tiếng ma gió mà về với tôi. Ôi cái chuyện ma ma quỷ quỷ này nói thì nghe vậy, thà tin là có còn hơn là không chứ?
Mà, tới lượt tôi bốc lượt cuối rồi. Ván này giá nào tôi cũng phải thua.
***
Một đụn mây đen kéo qua trước cửa sổ.
Thật ra, trong cảnh tranh tối tranh sáng này thì cái quái gì chẳng đen xì như nhau. Chỉ có con mắt quen nhìn trời ngó biển bao nhiêu chục năm của lão, thì xác định cái thứ đang bay ngoài kia đích thị là mây giông đen kịt chứ không khác được. Một cơn gió theo sau thốc cả nắm hơi lạnh vào trong chòi, lắc chùm đèn trên cao đu đưa tới lui một cách chậm chạp. Lão lẳng vào bóng tối lúc đèn đưa, rảo cặp mắt của mình lên đối phương. Sét nhá lên. Lão bẻ cặp tròng qua người đàn bà ngồi quay lưng với cửa sổ. Vốn chẳng có gì hiện lên cả, mắt người thì chỉ thấy rặt là người. Nhưng, với con mắt quen tìm nhìn chấm đỏ điển đen giữa biển, dù cách bao nhiêu hải lý, phất phơ một tảng hay chỉ là vạch mảnh trên cần cây thì gã cũng thấy hết. Thế nên ngay thời điểm ánh ét làm nhiệm vụ so sáng của nó, con mắt của lão bắt được mấy chấm màu dội ngược vào mặt bả. Đỏ đỏ đen đen. Lão bình thản liếc lại thằng trai trẻ bên cạnh. Hắn quá bình tĩnh, đôi mắt đăm đăm nhìn hờ vào giữa chiếu. Không có gì phản chiếu từ người của nó ra cả, ít nhất là chả có gì để lợi cho ván bài này. Nhưng không chỉ có con mắt, cái mũi cá mập của lão cũng đang giẫy đạch đạch lên đòi bỏ thở. Đủ thứ cặn mỹ phẩm đâm òn ọt vào khứu giác lão hết sức man rợ.
Ghét. Lão ghét thằng trai này. Lão không được thắng. Nếu lão thắng thì coi như ván này chẳng được gì. Lão phải thắng bà Lĩnh và thua thằng Liều. Đúng thế. Chỉ có máu chó của bà Lĩnh mới giúp lão qua được mùa trăng này. Bả đâu cần cái danh hải tặc khét tiếng khi mà cả đời đi ngựa qua mấy cái chuồng chó. Mùi mĩ phẩm trên người Lĩnh chó cũng nhẹ nhàng dịu dàng hơn, còn thoang thoảng thi vị tiết chó. Quá uổn, phải cái ruộng muối ở làng xưa mà còn thì bây giờ có thể hú đám bàn em qua đó hốt liền nửa cân muối hoa để rắc lên người bà Lĩnh. Bây giờ thì đất thành xi măng, phảng phất mùi cặn mĩ phẩm thậm cẩm trộn. Phải là lão không lên được thì không phải mất muối.
Sét lại nhá lên. Thằng Liều vẫn làm như bình tĩnh lắm dù ai cũng biết nó chết nhát nhất thành phố. Đêm nay chắc là đêm diễn đạt nhất trong đời nó. Chắc nhờ vậy mà nó rãi máu khắp cái thành phố này, rồi thành phố này rãi mĩ phẩm lên người nó. Đáng đời. Nó cũng như ông, nó cần thắng bà Lĩnh. Ông càng thêm ghét nó.
– Thầy Hai. Ông đốt chút trầm lên cho ấm được không.
– Trời này đốt lên cũng không ấm được bao nhiêu đâu.
– Cứ đốt, vui mắt cũng được.
– Chú Bèn trên tàu quen rồi, mấy cái sản vật đồi núi này cũng mới lạ.
Giọng thằng Liều chế giễu. Lão Bèn cứng mặt, giọng không vui cũng chẳng buồn.
– Tuổi trẻ háo danh, ham tiền mà nhát chết như mày bộ có ai phù hộ sao mà hôm nay gan dữ. Mày có một trong hai rồi còn mạng mà xài không?
Liều bóc hai lá bài lên coi, miệng ung dung nói.
– Mạng con cũng như chú thôi.
Lão Bèn lại khẽ nấp vào bóng tối và quăng ra cặp mắt tinh ranh của mình. Đời hải tặc có máu mặt thì sao? Thì vẫn bị một thằng cô hồn cát đảng trong đất liền nới chuyện trên đầu trên cổ. Muối lão thích thì chúng nó trộn Iot. Còn biển chúng thích thì ra chơi, không thích thì lão có nghĩa vụ chó hầu. Nói hải tặc chứ thật ra lão lâu rồi cướp gì của ai? Không cha không mẹ không đất không giấy tờ lên bờ thì không xong, lão ra biển làm gian thương đổ dầu lậu cho mấy tàu cá, tàu vượt biên. Rượt nhau cho cố rồi cuối cùng không có lão thì hải tặc hay cá tặc, nhân tặc, bảo tặc, hộ tặc gì cũng trôi lềnh bềnh hết. Làm khó làm căng làm giá thì lão một mồi nổ banh chành, coi thằng nào chết. Nghỉ vài hôm, coi thằng nào chết. Biển không có thuyền ào ào chạy mấy tháng, không đưa tàu mới lại cho lão đưa dầu, thì coi thằng nào chết. Một tiếng thở mệt mệt của lão cũng làm người ta sống mệt mỏi gấp trăm. Lão lắm tật, nên cái tài đi đêm là cao thủ trong cao thủ tàu dầu. Mắt lão nhìn đêm quen đến nỗi, bóng tàu cá, tàu giặc hay tàu tuần tra cả mấy hải lý lão cũng nhìn ra được. Thế nên mấy cái đốm đỏ đỏ đen đen chỉ thoáng hiện ra trong con ngươi thằng Liều, lão đã đếm đủ nút.
Bà Lĩnh là một con sáu rô, một con bảy bích và một con bảy cơ. Rút lại chỉ tính mỗi con sáu rô, quy bốn điểm.
Thằng Liều là hai bích, sáu cơ. Rút lại là con bốn cơ, quy bốn điểm.
Lão cầm một con chín chuồn và một con đầm cơ, rút còn năm cơ quy năm điểm. Lão đang ăn hết, và cứ đà này thì lão thắng hết. Thắng hết tức là thua trắng ván. Bởi vì lão thắng nghĩa là thua, nên lần này không phải coi thằng nào chết, mà là thằng nào coi lão chết.
Tiếng ma gió bất ngờ kéo lên từ gốc đá. Điềm xấu, đúng là họa vô đơn chí. Nhưng bằng mọi giá lão sẽ phải thua ở vòng bài úp, chỉ có thua ở vòng bài úp thì mới được toại nguyện là thắng ván này. Bà Lĩnh quay ra phía cửa sổ cười nhạt. Bà ta đang toan tính gì đó. Lão Bèn chột dạ. Ông là người có thể đọc ra mọi thứ chỉ cần đôi mắt mình rà trúng, cái mũi mình hít phải nhưng bà Lĩnh là dân làm toán từ khi ẵm ngửa. Trong trò chơi này, bài úp mới là ván quyết định thắng thua, mà ông làm gì tính giỏi cho bằng bà Lĩnh được? Nhất là khi cả hai người đều dễ dàng bắt bài thằng Liều sẽ ngửa bài trước lá úp.
Đúng ngay tắp lự, bà Lĩnh ngửa bài. Tiếng giấy vừa chạm chiếu thì thằng Liều cũng húng hắng ho mấy tiếng như con bệnh triền miên chưa khỏi.
– Mày hốt tiếp hay thả đây Liều? – Lão Bèn hỏi giọng cà nhựa.
– Con hốt tiếp chứ, nhưng đang tới lượt của chú Bèn rồi.
– Tui nói thiệt nghe Lĩnh, ván này ăn không nổi thằng nhỏ đâu.
Bà Lĩnh lại cười một tràng dài. Rõ là bà đã tính xong canh bạc này, và cũng rõ luôn là bà ta đang đắc thắng. Đã ba năm chơi bài cùng nhau, hàng trăm trận xét cho cùng cũng đủ để hai người hiểu. Hễ nghe tiếng ma gió mà bả cười lớn là bả chắc chín phần thua nên sẽ thắng, hễ nghe ma gió mà bả cười mỉm là chín phần thắng chắc nên sẽ thua.
– Ông ngồi chình ình ở đó chờ gì dạ, xốc lẹ đi rồi tới thằng nhỏ.
Không cần bà Lĩnh nói, chính lão cũng mệt mỏi cái sự uể oải trào ra từ trong xương tủy mình lắm rồi. Cuộc đời tung hoành trên đầu sóng, ăn ngang nói ngực, chỉ cần hứ một tiếng là một chiếc tàu mất xác, ho một tiếng là năm sáu chiếc hoang mang. Tiền xài chán đến nỗi lão còn chơi cả cái trò chôn vàng trong hang trong động, dụ người ta tới rồi ra tay dạy dỗ một bài học về lòng tham. Thế thì sao? Cả đời ăn muối uống biển oanh liệt đã bù gì cho một gã bốn con vợ, đẻ ra cả một bầy toàn là quái dị! Cả cái thế gian, ai chỉ vào mặt lão chửi đồ điên, đồ quái dị thì lão cười như được huy chương. Nhưng, có thằng cha nào trên đời này chịu đựng được cảnh ngón tay dị dạng của con mình chỉ vào mặt, chửi hận nghiến thù vì đẻ ra chúng trong cái hình hài như thế không? Nhưng lão thì làm gì còn ai để chỉ mặt mà chửi như chúng nó?
Làm đàn ông mà không có nổi một đứa con đàng hoàng thì chỉ có một nửa đàn ông.
Cái thứ giúp lão ít ra không tuyệt tự là đống bím chó đất liền tươi rói nhồi vào mồm mỗi ngày. Nhưng bây giờ lão Bèn kiệt quệ rồi. Lão cần một người gánh vác cơ đồ, hoặc ít nhất là không gác kiếm vì yếu nhược già nua để còn tiếp tục gồng gánh cái gia tộc quái thai của mình không mơ hồ chết yểu.
Lão Bèn khệ nệ đưa cánh tay đang nhão ra vì bệnh đái tháo đường, cầm cái tô mà lung lay muốn rớt, vô tình lại ra một cú đảo vòng tròn mệt mỏi vô dụng. Lão dỏng tai nghe tiếng leng keng chẵn lẻ. Đúng tiếng chẵn! Lão ngừng lại, nghiêng tay cho tô ở trên trượt xuống. Lão kéo phải tám rô, quy sáu điểm. Vậy là lão Bèn đang thắng ván ngửa, tức là có nguy cơ thua cả mạng mình. Nén tiếng thở thành làn hơi đều đều, chậm chạp mở ngửa bài trên chiếu.
Thằng Liều với ngay tới cái tô lăn lóc, xốc đúng mười tám cái. Tiếng leng keng vang lên thánh thót như tiếng ma gió dưới chân đá. Rồi nó trịnh trọng đặt cái tô xuống chiếu. Lẻ. Nó lấy thêm hai lá bài. Ngửa lên con hai bích, ách cơ, mười chuồn rồi úp xuống con sáu bích. Rút còn bốn cơ là bốn điểm bài ngửa. Vậy là nó hết lượt rồi! Lão Bèn có chạy cửa trời mới thắng được ván này.
Bà Lĩnh vui mừng bốc một lá. Ông Bèn làm như không có gì, điềm nhiên lấy lá bài úp của mình.
***
Bên căn chòi cheo leo trên vách đá dựng đứng, tưởng gió bạt một cái là gẫy lìa từng mảnh vụn, ấy mà sức ma gió lại làm nó vững như bàn thạch.
– Thầy Hai. Con muốn sống. Con không phải là gái bán hoa mà sao người ta cứ đối xử với con như gái bán hoa. Thầy cho con theo thầy tu học đi, để tụi nó sợ phạm thần thánh mà tha cho con!
– Con tên Liều mà người ta cứ nói con chết nhát nhất thành phố này. Rồi bây giờ con lên đây đòi thần thánh chống lưng cho con luôn, con đúng Liều như tên. Sống mà hiểu lầm hoài cũng mệt. Do khí con thịnh quá nên cô nào nhìn cũng muốn tận dụng dương khí. Nhưng tướng con hồng hồng, số con hoa hoa, hai giới yêu hóa ghét, ghét hóa yêu. Nhưng theo đạo cũng cần có nghiệp, nghiệp của con không theo ta tu hành được đâu. Con chỉ còn nước đổi nghiệp với người khác.
– Đổi? Con biết đổi ai bây giờ hả thầy?
– Có một người thừa quái dũng và có một người thừa vắng duyên.
– Vậy con làm sao để đổi hả thầy?
– Một ván bài ba bên nhưng con phải thua người con muốn đổi nghiệp.
– Hả? Trước giờ con chỉ nghe người ta nói đánh bài cầu thắng, sao ở đây đánh bài cầu thua?
– Con phải mất thứ mình có thì không thua là gì? Trên đời này tựu trung lại, thế sự xoay vần, cơ hồ chỉ có mất mát là còn lại trên ván bài. Kẻ thắng là mất mình, kẻ thua thì mất mạng.
Liều thấy đầu óc mình xoay mòng mòng với những lời thầy Hai nói.
– Dạ, để thắng thì khó chứ thua con thấy dễ òm.
– Không con ạ. Trên đời này, thắng người khó, nhưng để mình chịu thua càng khó hơn nhiều. Con có thứ con cần, người có thứ người cần, làm sao con biết được người mình muốn thua sẽ cho mình thua? Còn nữa, người thua trắng là người thắng tất trên bàn cược, người thua trắng như vậy sẽ không đổi được gì ngoài ván bài kế.
Liều do dự. Bỗng nghe lửa trong người mình nóng rực, cái thứ lửa đốt cháy Liều ra tro nếu không có đàn bà. Mà đàn bà cũng tìm Liều như tìm phấn son túi xách. Đem Liều về vắt kiệt rồi đá khỏi cửa như món đồ xài một lần. Bọn trai thì toan hạ nhục vì ghen tức, bọn chúng đâu có biết cái cảm giác ghê tởm khi bị một người đàn bà hà hiếp vào thuở ấu thơ. Rồi bà ta còn bán cậu cho một cặp vợ chồng thú tính.
Trai thì đốt lửa vào người Liều. Gái thì hắt nước lên người Liều.
Rốt lại, Liều không ghê tởm đàn bà. Liều ghê tởm chính Liều. Dù lý trí có thông suốt tới đâu, mỗi lần bị người kéo đi là ngay lập tức trí óc và bản năng cậu bị chẻ thành hai mảnh rời rạc. Phần trí óc thì bị tống ngay vào hầm ngục để đứng nhìn trong bất lực, còn bản năng thì tự mình điều khiển tất cả mọi thứ. Cơ thể Liều như được tạo hóa sinh ra để thỏa mãn ham muốn của người khác. Đã từ rất lâu rồi Liều không dám nhìn hình ảnh phản chiếu của mình. Nó quá đáng sợ. Một tạo vật đáng sợ đến nỗi cậu cảm giác rằng nếu lỡ gặp mình trong gương, có khi cậu còn động tình với chính kẻ phản chiếu đó. Cái thứ nghiệt ngã gì đã gieo xuống đời cậu?
Nhưng may, cũng có cách để cậu nén nó xuống. Bấy lâu nay Liều uống tiết chó ngày rằm mà giải độc. Bất kẻ trăng gió gì. Tiết nóng ngay trên cổ, kì lạ lại áp chế khí độc trong người cậu phát ra. Nhưng tiết chó thì cũng quá ghê tởm, chỉ thua mỗi kiếp trai bao đúng một bậc.
Chợt có tiếng lục đục trên mái nhà. Vậy là mấy người chơi ván bài định mệnh với Liều đã đu dây xuống căn chòi này một cách hết sức an toàn. Một ông một bà. Liều nhận ra họ. Bà hoàng Lĩnh chó và ông Bèn tặc.
Ba người ngồi xuống bàn bài, nghe thầy Hai từ tốn giảng cách chơi bằng một bài vè không ra vè, nguyện không ra nguyện, cầu chẳng nên cầu:
“Nhất thái bích âm tựa nhị thiếu chuồn
Nhất thái dương cơ khả bằng nhị rô
Song thái tương phùng đồng tuyệt diệt
Nhị thiếu tương tri dẫn hư không.
Gieo phần chẵn lẻ âm dương
Chẵn thời lấy một, lẻ thời chọn hai.
Ngửa đủ ba phần song sắc như dương định
Một phần âm định tha hương trở về.
Sắc tức thị không, thắng nhân cầu bất đắc”
Liều nghe là hiểu. Đỏ là số dương, đen là số âm, chuồn và rô trừ hai điểm sẽ bằng bích và cơ. Ai xốc xí ngầu số lẻ thì chọn hai tấm, xốc số chẵn thì lấy một tấm. Lấy đủ bốn lá bài chia ba lá dương ngửa và một lá âm úp, đến cuối xét giữa âm dương của ai xa hơn thì người đó thua. Thua người nào tức là thắng người đó.
Hai lượt xốc xí ngầu thấm thoát trôi qua. Một đụn mây giông kéo qua trước cửa sổ. Ánh trăng thoáng chốc đã tối hiu. Liều húng hắng ho vài cái, lửa dương lại đốt ruột gan cậu nóng rần. Chú Bèn thì đang ngả người vào cây cột lim dim. Ôi con mắt của lão thật sự ghê gớm, Liều có gan trời cũng chẳng dám ngước lên nhìn, toàn nhìn đăm đăm xuống mặt chiếu.
Một cơn gió thốc hơi lạnh vào chòi, lắc chùm đèn đu đưa tới lui. Sét nhá lên. Liều cố giữ mình không giật bắn. Bà Lĩnh đang xem bài. Đúng như thầy Hai nói, kiểu chơi này mới quá, Liều không biết làm sao mới thắng thua cho đúng người.
– Thầy Hai. Ông đốt chút trầm lên cho ấm được không.
– Trời này đốt lên cũng không ấm được bao nhiêu đâu.
– Cứ đốt, vui mắt cũng được.
Đúng rồi, nói chuyện. Liều không có tài gì chỉ có cái miệng là giỏi đưa đẩy. Nhờ nó nhiều lần nghe ra chuyện thầm kín của người ta. Chỉ cần người đó cất giọng là cậu biết ngay tâm của họ ngay thẳng quanh co thế nào để uốn éo chiều lòng người khác. Nhưng đó là lúc cậu không kiểm soát được mình. Liều bèn lần đầu tiên trong đời, cả liều đánh tiếng châm chích người khác.
– Chú Bèn trên tàu quen rồi, mấy cái sản vật đồi núi này cũng mới lạ.
– Tuổi trẻ háo danh, ham tiền mà nhát chết như mày bộ có ai phù hộ sao mà hôm nay gan dữ. Mày có một trong hai rồi còn mạng mà xài không?
Chú Bèn giọng uy lực mà đoản hậu. Khí đang bế tắc. Người bế khí chỉ có hai dạng, một là yếu sinh lý, hai là sắp chết. Không tránh đi đâu nữa, chính là chú Bèn, ông ta chính là người Liều phải thua trong ván bài này. Rồi sau đó, cậu có thể ăn bao nhiêu thịt chó chỉ vì đó là thịt chó, cóc cần biết do trăng gì. Liều bốc hai lá bài lên coi, miệng ung dung nói.
– Mạng con cũng như chú thôi.
Tiếng ma gió bất ngờ kéo lên từ gốc đá. Bà Lĩnh nhìn ra cửa sổ cười nhạt rồi đánh ngửa cả ba lá bài. Liều giật mình bật ho vài cú.
– Mày hốt tiếp hay thả đây Liều? – Lão Bèn hỏi giọng cà nhựa.
– Con hốt tiếp chứ, nhưng đang tới lượt của chú Bèn rồi.
– Tui nói thiệt nghe Lĩnh, ván này ăn không nổi thằng nhỏ đâu.
Bà Lĩnh lại một tràng cười. Liều lạnh toát sống lưng, cái giọng này rõ đắc thắng. Nhưng thắng ai? Thắng Liều hay thắng chú Bèn. Tiền bạc của bà Lĩnh mà cho Liều hết thì cậu cũng đâu đổi được nghiệp! Lúc đó thì bọn ác ôn ấy có khi còn vũ nhục Liều nhiều hơn trên đồng tiền.
– Ông ngồi chình ình ở đó chờ gì dạ, xốc lẹ đi rồi tới thằng nhỏ.
Chú Bèn chậm chạp đưa tay lắc cái tô mà không thấy sức. Thôi đúng là chú Bèn chứ chẳng ai vào đây. Liều khí dương quá mạnh, còn chú Bèn thì dương khí đang suy kiệt thế kia còn gì. Liều nghe tiếng chú thở, rõ là hơi thở không thành một phản xạ tự nhiên mà là hơi thở của người đang lâm vào thế kẹt. Tức là chú Bèn đang thắng tất, bà Lĩnh chắc chắn thắng một trong hai người, vậy thì người thua ván này là Liều sao? Ván bài âm dương, chỉ cần điểm âm dương xa nhất là người thua.
Liều với ngay tới cái tô lăn lóc, xốc đúng mười tám cái. Mười tám năm cuộc đời của Liều đặt hết vào lần này. Theo bàn tay nhịp nhàng, tiếng leng keng cứ vang lên thánh thót như tiếng ma gió dưới chân đá. Liều lấy thêm hai lá bài. Hai bích, ách cơ, mười chuồn và con sáu bích. Mười chuồn bằng tám bích. Lại không được để ba lá dương cùng màu. Đúng là số trời định chứ không còn đường tính toán nữa, Liều đành úp con sáu bích xuống. Bốn cơ dương, sáu bích âm, tổng là mười nút âm dương cách biệt. Vậy là hết lượt rồi!
Bà Lĩnh vui vẻ bốc một lá. Ông Bèn làm như không có gì, điềm nhiên lấy lá bài úp của mình. Rồi cả ba cùng ngửa lá bài úp.
Mặt cả ba người đồng loạt biến sắc. Kẻ từ vui thành trợn tròn kinh ngạc, người từ bình thản hóa ra câm lặng, từ chờ đợi thành thất vọng. Duy chỉ có thầy Hai vẫn bình thản quay mặt ra biển, đôi mắt sáng lên nhìn vào khoảng không vô hình tối đen trước mặt.
***
Đất này dáng lạ. Có cả một dãy núi dài chạy song song bên con sông lặng lờ chảy xuôi ra biển. Núi thì cây cao nhọn liễu, đỉnh núi cũng nhọn liễu. Sông rộng thênh thênh mà mùa khô chỉ còn bằng dòng suối hẹp. Thế núi thì cứ đằng đằng thoi ra biển lớn, chẳng khác gì lưỡi đao. Mặt núi bên ngoài người ta gọi là bãi Trái, dựng đứng, sắc lẽm, lại còn nhiều đá ngầm. Mỗi tháng cứ ngày trăng tròn là bãi Trái triều dâng cao, gió mạnh, sóng lớn ầm ập đập vào. Thành phố bên bãi Phải nép vào cửa sông, nhờ vậy mà thuận hòa hơn hẳn.
Ở đất này có tục làm lễ đón trăng leo núi hằng tháng, rồi nhìn trăng leo núi mà đoán niềm cát hung. Còn cả tục ăn thịt chó cho có mùi thú để tránh âm binh, thành ra văn hóa thịt chó phải nói là thăng hoa lừng lẫy. Chỉ có điều, văn minh cứ lên án và du lịch cho người Tây phương thì tất nhiên không lên được chút nào. Mặc kệ, ai cũng sống ngon quan tâm gì lũ Tây.
Thầy Hai là người ngoại đạo duy nhất sống ẩn dật trên núi, theo học đạo sĩ Cấm Phong từ hai chục năm trước. Từ khi đất này còn chưa biết kinh thương, từ khi những làng xa xa quanh đó chỉ biết làm muối cho tới khi nó đã hóa cảng thơm, chùa cao, mỏ dầu, du lịch. Đến cuối đời, sư phụ mới nói cho thầy Hai lý do sư phụ gắn lấy đất này không chịu đi. Hóa ra vì ông biết một bí mật không ai được biết: Thứ mà người ta gọi là âm binh và đám ma gió kia thật ra là một. Chúng là hồn chó. Chó vừa chết bị ném xương xuống sông, trôi theo nước ra biển. Đến khi triều dâng, nó lại tấp vào bãi Trái rồi kẹt luôn không ra được. Ánh trăng tròn sáng tỏ thì ma gió bị ru ngủ trong đá, trăng tròn mà có vân vũ che đi thì ma gió hết bị ru ngủ, trở dậy cất tiếng tru qua kẽ đá, đòi thoát khỏi vách núi này. Thầy Cấm Phong tới đây, biết được điều đó mà nguyện ở lại siêu sinh cho chúng. Giờ thì sư phụ Cấm Phong chết rồi, cái việc siêu thoát bầy ma gió hồn chó này giao lại thầy Hai.
Kể ra thì siêu thoát cho ma gió không khó mà cũng chẳng dễ. Cứ tới đêm rằm, ngoài miếu làm lễ thờ, bên vách núi bãi Trái thì làm trận hoán mạng trừ phận là ma gió được thoát. Hoán mạng trừ phận chính là dùng mạng người sống, số người dở, nghiệp người tàn, vận người hư đổi hoán cho nhau. Mà số kiếp con người, đổi hoán không có như lấy trung bình cộng. Đổi hoán xong rồi luôn dôi ra một chút mạng số nghiệp vận nho nhỏ. Chính cái nhỏ này giải thoát ma gió đi.
Nhưng thầy Hai không như sư phụ Cấm Phong. Ông biết bầy ma gió kia dù có dành cả đời để hoán mạng trừ phận thì cũng chẳng hết được, trừ phi một tổ chòi bạc biến thành một trấn chòi bạc.
Gió đưa mây che ngang ánh trăng. Ma gió lại tỉnh. Tiếng tru văng vẳng qua vách núi. Trên vách đá cheo leo, hàng chục căn chòi liêu xiêu cứ thế chống hờ trên đá. Tưởng chỉ một cơn gió độc là đổ nhào xuống biển. Ấy vậy mà hồn chó vẫn làm hàng chục căn chòi vững như bàn thạch.
Mạc Yên
Bài viết liên quan: