Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuý là cây bút công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Dường như những chất liệu trong thời gian làm phóng viên tại Báo Công an Đà Nẵng đã vun đúc, làm dày thêm vốn sống phong phú. Tác giả đã đem chúng vào văn chương bằng câu chữ hay đến mê muội, những câu truyện về người chiến sĩ công an được Thanh Thuý kể đầy hương vị nghệ thuật, không mang màu sắc tuyên truyền. Truyện ngắn “Mai hoa quyền” là một ví dụ, tác phẩm đã đạt Giải thưởng Đặc biệt Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật về đề tài Lực lượng Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép năm 2023.
Mặt trời như cái khóa sập, từ từ kéo tấm rèm đen trùi trũi khép xuống sau dãy đồi trọc nham nhở những khoảnh rẫy vừa đốt chờ mưa. Trên con đường mòn dẫn lên đỉnh Cư Mta, bốn bóng người lớn bé lầm lũi bước nhanh trong xế trời nhập nhoạng. Người đi đầu là người nhiều tuổi nhất, dáng to cao cồ cộ, sau lưng đeo bao súng dài. Đám người đi sau cũng lỉnh kỉnh súng, ba lô, dao quắm, bình nước dắt hông. Con đường mỏng như sợi chỉ, vừa bé vừa dốc, ngoằn ngoèo giữa những bờ đá lớn, lẩn khuất dưới vạt cỏ tranh cao ngút, vàng ệch, lay động trong ráng chiều. Đoàn người lên được tới cửa rừng thì trời tối hẳn. Đêm mùa khô Tây Nguyên, ánh trăng non leo lét chậm rãi hiện ra giữa những khe lá rừng, hờ hững hắt lên thứ ánh sáng nhàn nhạt, yếu ớt, không đủ soi rõ những góc âm u dưới tán rừng già. Đám người băng qua con suối cạn, ánh đèn pin loằng ngoằng quét những luồng sáng quắc. Hơi thở người sau hồng hộc dội vào lưng kẻ đi trước. Lũ côn trùng thấy sáng nhao ra, đập cánh loạn xạ, va cả vào mặt, vào cổ người.
Người già tuổi trong đoàn có vẻ là một thợ săn lão luyện, càng đi càng bước chậm lại, tỉ mẩn xem xét những dấu vết còn sót lại trên thảm lá rừng, tai dỏng lên nghe ngóng. Xa xa, tiếng mang toác nghe thống thiết vọng lại từ đâu đó giữa bịt bùng u tối. Người già xua tay ra hiệu, bốn người đồng loạt tắt hết đèn pin, nhắm mắt một lúc cho quen với bóng tối rồi rẽ đường đi theo tiếng gọi của con mồi. Lá rừng quét những vạt sương đêm lành lạnh ngang qua thái dương. Người già khịt khịt mũi, thoảng trong gió có mùi nước đái, mùi phân lũ mang rừng, rất gần. Từ sau đám rễ cây cồi lên gần đó có tiếng động loạt xoạt, một cái bóng phóng vụt qua, biến mất sau tảng đá lớn. Ánh mắt người già như con sói trong đêm, vừa kịp nhìn rõ một góc bụng thon mảnh và bộ móng sau của một con mang trưởng thành. “Nó đấy, tản ra nhanh”. Người già phóng dậy đuổi theo bén gót con mang rừng. Ba người trẻ, một người đứng tại chỗ, hai người vòng theo hai hướng, khép chặt vòng vây, nhanh nhẹn, thuần thục như đã quá quen với những cuộc săn đêm. Người già chạy theo tiếng gió, tiếng loạt xoạt, vừa chạy vừa nghe ngóng, toàn bộ giác quan dựng đứng. Con mang đực. Rõ ràng là một con mang đực đẹp mã. Người già đã nhìn thấy nó dừng lại giữa trảng cỏ rộng. Ánh trăng phủ lên trên mình nó một thứ màu kiêu hãnh, đẹp đẽ, đầy thách thức. Người già đưa súng lên, ngón tay se sẽ đặt vào cò. Con mang có lẽ đánh hơi được mùi sát khí đằng đặc đang tỏa ra khắp không gian, bất ngờ nhảy tót vào sau gốc cây lớn, biến mất vào bóng rừng. Nó chạy ngược trở lại con đường lúc nãy, càng tốt. Người già nở một nụ cười tinh quái, một thứ khoái cảm say mồi dâng lên, hân hoan, đầy lạc thú. Người già cũng nhập vào bóng rừng, chậm rãi bò theo dấu con mang.
Dưới ánh trăng ẩn hiện, một đốm sáng ánh lên, lay động, chỉ cách người già chưa đầy trăm mét. Đích thị là nó, đôi mắt của con mang đực. Người già nhẹ nhàng di chuyển, đưa súng lên. Nín thở. Siết cò. “Đoàng”. Một tiếng thét thất thanh vang động giữa rừng vắng. Lũ chim đêm giật mình bay tán loạn. Người già định thần, không phải con mang đực. “Ai bắn em, sao lại bắn”. Người già quẳng súng, lao đến chỗ phát ra tiếng thét. Đèn pin bật lên, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra. Một trong ba người trẻ nằm tựa lưng vào tảng đá, hai tay ôm bụng, máu không ngừng tràn qua các kẽ ngón tay. Hai người trẻ còn lại cũng kịp ùa tới. “Chết rồi, bắn trúng thằng Y Ben rồi”. Người già lập cập cởi áo thun mặc bên trong chiếc áo bông to xụ, buộc chặt quanh bụng người bị thương. “Phải đưa ngay nó ra khỏi rừng, không thì chết”. Người già xốc người trẻ lên vai, đi như chạy. Suốt đêm, ba người thay nhau cõng người bị thương xuống núi. Lưng áo mỗi người đều đầm đìa, tanh nồng mùi máu. Trên cao, trăng vẫn bàng bạc một màu xanh nhẽo nhạt, chậm rãi kéo màn sương lạnh lẽo từ từ trùm lên cánh rừng già.
***
Buôn Kdun nằm ngay dưới chân núi Cư Mta. Từ đây muốn ra thị trấn phải đi qua buôn Kram, buôn Săp, băng qua bạt ngàn rẫy cà phê và hàng dãy rừng muồng chắn gió kéo dài tít tắp dọc theo hai bên tỉnh lộ. Buôn chỉ vỏn vẹn hơn bốn chục nóc nhà dài, xen lẫn vài nóc nhà ngói xây theo kiểu mới của người Kinh, nằm rải dọc theo con suối Êa Tam. Dòng suối chảy từ đỉnh Cư Mta xuống, nước trong như nước mưa tháng bảy chảy tràn trong máng ruộng, như nước từ khe núi đổ ra ống nứa dẫn về bến nước buôn Kdun. “Đó là thứ nước từ trên trời cao đổ xuống. Nước của trời”. Già làng Ma Rung quả quyết. “Buôn Kdun là cái máng hứng thứ nước thần từ trên cao kia đổ xuống”. Mắt già sáng lấp lánh. Cánh tay như đẽo từ một trảng lim già chỉ về phía đỉnh Cư Mta. Trên đó là nơi thần rừng nằm ngủ. Phía dưới, giữa lưng chừng những khe núi là Vực Rắn. Lòng vực sâu hoắm như cái miệng con rắn khổng lồ đang ngoác rộng. Nơi nuốt chửng không biết bao bò, dê đi lạc, nơi bỏ mạng của những kẻ để cho lòng tham dẫn đường, nơi trừng phạt cả những người lạc đường, lỡ bước trèo lên đỉnh rừng thiêng bất khả xâm phạm.
Tháng tư, nắng gió mùa khô thốc từng đợt bụi đỏ bay mù mịt. Từng vạt cỏ tranh vàng khộp nhuộm cháy triền đồi. Từ phía rừng muồng, hàng ngàn cánh bướm cựa mình phá kén, chập chờn trên bát ngát cà phê, ào ạt bay về phía buôn Kdun. Ở đó có rừng, có hơi nước từ con suối Êa Tam bảng lảng, mát lạnh. Cả một vùng núi đồi trập trùng cánh bướm. Bướm bay trên vạt xuyến chi trắng muốt dọc con đường vào buôn. Bướm nhuộm vàng những sân nhà dài. Bướm lát thành tấm thảm trên những tảng đá lớn. Bướm dệt nên những bức tranh mộng mị, đẹp như cõi thần tiên hai bên bờ suối. Đám con nít rong ruổi cả ngày cùng lũ bướm. Người lớn cũng ra vào ngẩn ngơ. Đó là mùa buôn Kdun đẹp nhất.
H’Đem mang quần áo ra suối giặt. Ánh nắng đầu ngày xiên qua tán lá, vẽ trên đá những bông hoa nắng chập chờn, lay động. Con suối mùa cạn, đá nhô lên khỏi mặt nước như đám lưng rùa. H’Đem trải áo lên bờ đá. Gần đó, cha con Y Hăm để ngực trần đang nô nhau trên phiến đá lớn. Thằng bé hơn năm tuổi, nước da đen bóng, giống cha như tạc. H’Đem ngắm chồng con, một cảm giác bình yên dâng lên dịu dàng. Sáu năm trước, H’Đem hãy còn là đứa con gái hiếm hoi trong buôn Kdun theo học trường cao đẳng sư phạm tận thành phố. Trong một lần cùng với sinh viên của trường được huy động để tham gia diễn tập phòng chống khủng bố, bạo động, H’Đem đã lần đầu tiên nhìn thấy Y Hăm trong lớp lớp hàng quân áo xanh ấy. Giữa hàng ngàn con người, giữa trùng trùng đội ngũ, ánh mắt H’Đem cứ dính vào người con trai cao lớn, nước da đen bóng, hai đôi mắt sáng như ánh sao trời. Khi Y Hăm cùng đồng đội duyệt đội ngũ, biểu diễn võ thuật, hàng quân thẳng tắp, trăm người như một, lúc nhu, lúc cương, rắn rỏi, mềm dẻo, đẹp mắt vô cùng. Khi Y Hăm leo trèo, vượt chướng ngại vật, thao tác nhanh gọn, hàng ngũ cơ động, khỏe khoắn, mau lẹ. Khi diễn tập trấn áp bạo loạn, từng hàng chiến sĩ cảnh sát cơ động mũ áo chỉnh tề, khiên giáp sáng ngời, H’Đem vẫn nhìn ra Y Hăm đang đứng ở đâu giữa đoàn quân đều tăm tắp. Khi H’Đem sơ ý ngã vào hàng rào kẽm gai khu vực diễn tập, Y Hăm là người đầu tiên có mặt ôm cô lao đến tổ y tế. Hai người ở cùng huyện, chỉ khác buôn. Vài lần đi về chung đường, vài lần đón đưa, cả hai chính thức thành đôi.
Sau ngày cưới, theo phong tục người Ê đê, Y Hăm về ở cùng H’Đem trong ngôi nhà dài nhiều tuổi nhất buôn Kdun này. Nơi ông bà, cha mẹ H’Đem đã trải cả cuộc đời, sinh ra bao nhiêu thế hệ cháu con quây quần dưới chân núi Cư Mta hùng vĩ. Giờ thì H’Đem đi dạy ở xã bên, mỗi ngày đi về hơn chục cây số. Y Hăm vẫn thuộc quân số của phòng Cảnh sát cơ động công an tỉnh, quanh năm biền biệt huấn luyện, diễn tập, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, chỉ thỉnh thoảng về nhà được vào những dịp cuối tuần. Bù lại, thời gian rảnh rỗi Y Hăm dành cả cho vợ con, hết dạy thằng Y Tun bắn ná, tập võ lại cùng H’Đem ra suối, lên rẫy, dệt lại phên nứa, chống lại dàn bầu. Hết ngày nghỉ lại khoác ba lô lên tỉnh. H’Đem chỉ mong những ngày nghỉ của chồng kéo dài ra mãi, để cô ngắm nhìn, để thu hết vào mắt mình những giây phút cả nhà thanh bình bên nhau. Như lúc này đây, Y Hăm đang dạng chân đứng trên phiến đá lớn, cả người rắn rỏi, như sắt, như đồng. Thằng Y Tun bên cạnh cũng dạng chân y hệt cha. Y Hăm dạy con bài võ Mai hoa quyền. “Đây là bài quyền của Bác Hồ dạy đấy, Tun phải tập thật đúng nhé”. Thằng Tun nghiêm túc gật gật đầu. H’Đem tẩn mẩn vò bộ quân phục của chồng dưới dòng nước mát, thỉnh thoảng ngẩng lên cười ngặt nghẽo cái dáng điệu xiêu vẹo của thằng Tun. Từng đàn bướm nhỏ vẫn chập chờn quanh chỗ hai cha con đang đứng. Nắng càng lên cao, bướm đổ về phía dòng suối càng lúc càng dày.
Một tiếng “Đoàng” chát chúa vọng lên đâu đó từ khoảng rừng phía trên bến nước. Lũ bướm nháo động, bay ào lên tạo thành một vùng mù mịt như đám mây trắng xanh, xao xác. Y Hăm chụp lấy con trai, nhảy phốc ba bước đã kịp ngồi thụp xuống chỗ H’Đem đang ngồi. H’Đem dường như quen hơn với thứ âm thanh này, xua tay trấn an chồng. Là tiếng súng săn của đám thanh niên đấy thôi, dạo này thanh niên buôn mình suốt ngày ôm súng lượn lờ, hết bắn chim, bắn sóc, lại kéo lên rừng săn thú. Y Hăm vẫn ngạc nhiên lắm, súng ở đâu ra. H’Đem vừa cắm cúi giặt cho xong mẻ đồ, vừa giải thích: Súng kíp, súng tự chế là nhiều nhất, người này bày cho người kia. Gần đây nghe mấy đứa choai choai còn rủ nhau hùn tiền mua súng hơi, rồi mua phụ tùng về tự ráp. Công an huyện, công an xã họp dân, vận động nhiều rồi. Có cả chương trình đổi gạo lấy súng đấy, nhưng người biết sợ mà đem súng đi nộp thì chẳng bao nhiêu đâu. Y Hăm suy nghĩ một lúc rồi quả quyết: Tối nay phải gặp già làng Ma Rung một chuyến vậy. H’Đem gật đầu.
Y Hăm khoác gùi quần áo lên vai, H’Đem dắt tay con. Ba người đi về phía bến nước. Ở đó, H’Đem hứng nước vào bầu để cõng về nhà. Cha con Y Hăm vẫn vừa đi vừa nô trên những bậc thang dẫn lên đường về buôn. Từng cánh bướm lác đác vẫn chập chờn trên không trung, lang thang trên bờ rào phủ đầy những vạt hoa sao nhái.
***
Y Kương là người đầu tiên phát hiện ra thằng Y Ben không còn thở nữa. Hai tay Y Ben vẫn quàng qua cổ Ma Nap. Cái đầu vẫn lắc lư trên lưng áo đỏ thẫm, hai chân thõng xuống trên mặt đất, kéo lệt phệt trên đường. Tiếng rên của nó lúc đầu hôm hợ hờ, nửa như tiếng cười, nửa như tiếng khóc rống, sau nhỏ dần, ư ử trong cổ họng. Từ nãy giờ thì không thấy nó ư hử gì nữa. Y Kương hào hển chạy lúp xúp bên cạnh, cố lay hỏi mấy lần, Y Ben không còn trả lời nữa thật rồi. “Nó chết rồi, Ma Nap ơi, thằng Ben chết rồi”. Ma Nap đang vừa bước vừa thở hồng hộc, người cong về phía trước, hai tay vẫn đang bấu chặt cánh tay thằng Y Ben trước ngực, nghe tiếng Y Kương gọi thì đứng sững lại. Cả ba người đỡ Y Ben nằm ngửa ra đám cỏ. Tiếng gà gáy từ dưới buôn vọng lên tao tác. Chỉ còn hơn trăm mét nữa thì về tới bến nước rồi, thằng Ben không thể chết được. Ma Nap lật đầu, vạch ngực Y Ben ra xem xét một lúc rồi lăn người nằm vật ra bên cạnh. Y Kương cũng ngồi thụp xuống, rờ rẫm khắp người Y Ben. “Nó chết thật à, Ma Nap?”. Ma Nap gật đầu. Y Kương bỗng khóc rống lên, tiếng khóc tồ tồ như nước xối. Thằng Y Miên ôm mớ súng lỉnh kỉnh đứng chôn chân gần đó nãy giờ, mặt mày kinh hãi. Nó mới mười bảy tuổi, là người trẻ nhất trong đoàn.
Những gì đang diễn ra trước mắt có lẽ là hiện thực kinh hoàng nhất trong cuộc đời nó cho tới lúc này. Ma Nap nhổm phắt dậy, bịt chặt mồm Y Kương. “Câm ngay, không được khóc to như thế”. Thằng Y Kương đang vật Y Ben dậy, vừa lay, vừa gào, bất ngờ quay lại xô ông Ma Nap nằm bật ra đất, lao người đến đè nghiến lên, vừa đánh vừa chửi. “Là mày giết em tao, mày bắn nó”. Ông Ma Nap bị đánh đau quá, cố ghì tay nắm lấy đầu thằng Y Kương đè xuống đất, giọng rít qua kẽ răng: “Tao không cố ý, mày nghe chưa, tao không cố tình bắn nó”. Y Miên vẫn đứng thất kinh từ lúc đến giờ, nó lính quýnh không biết làm thế nào để dừng hai con người đang vật lộn nhau dưới đất. Bất ngờ một cái bóng cao lớn đổ ập tới, giật phắt cây súng trên tay Y Miên. Nó chỉ kịp nghe thấy tiếng súng lên đạn lịch kịch, sắt đanh vang lên giữa thinh không. Ông Ma Nap đứng quay lưng về phía nó, cố kiềm tiếng thở dốc: “Tao đã nói là tao không cố tình, mày thôi đi, không tao bắn”. Dưới ánh đèn pin ngược sáng, ánh mắt thằng Y Kương vằn lên, sáng quắc như hai ngọn lửa ngùn ngụt cháy. Có lẽ, nhiều ngày tháng về sau, Y Miên vẫn sẽ không sao quên được ánh mắt cuối cùng của thằng Y Kương. Ánh mắt vừa uất hận, vừa đau thương, vừa đáng sợ, bi oán vô cùng. Thằng Y Kương vẫn lao đến, hai tay như hai gọng kìm đưa ra phía trước như chỉ chờ tóm được cổ ông Ma Nap. Tiếng súng lạnh lùng vang lên. Y Kương bị hất văng về phía sau, tiếng nó thét còn to hơn cả tiếng súng, nhưng tắc tịt giữa chừng. Từ đó thì Y Miên Không nhớ gì nữa.
Sau này, khi ngồi ở đồn công an, nó đã cố mường tượng lại nhưng cũng không thể nhớ rõ đoạn ký ức hãi hùng ấy. Chỉ nhớ dường như có một dòng ấm nóng ùa ra từ phía hai kẽ chân nó. Dường như nó đã bỏ chạy. Dường như ông Ma Nap đã lôi cổ nó trở lại. Ông Ma Nap quăng cây súng xuống cạnh thằng Y Kương đang nằm oằn oại, hai tay ghì chặt lấy đầu thằng Y Miên, thì thầm như ra lệnh: “Mày phải nói với người làng là anh em nó bắn nhau, tự chúng nó bắn vào nhau, nghe rõ chưa?”. Từ dưới buôn có tiếng người lao xao, ánh đuốc chập chờn trên con đường đi lên từ bến nước. Ông Ma Nap giật thót, lôi cổ thằng Y Miên chạy ngược trở lại lên rừng. Tiếng gà gáy gọi ngày vẫn thao thiết sau lưng, đuổi lên đến tận những khoảnh rẫy dọc theo triền đồi, lên đến tận cửa rừng. Tiếng gáy vọng cả từ phía âm u Vực Rắn, dội lên the thé. Chả biết là gà nhà hay gà rừng, nghe vừa giống tiếng khóc hợ của thằng Y Ben, lại vừa như tiếng rống thống thiết của thằng Y Kương. Y Miên hoảng quá, vừa khóc, vừa gào, vừa đâm đầu chạy.
Điều ông Ma Náp không ngờ là thằng Y Kương không chết ngay lúc đó. Tiếng súng cùng với tiếng thét đầu ngày đánh động cả buôn. Khi dân làng đốt đuốc kéo lên đến nơi, thằng Y Kương hãy còn nằm thoi thóp. Câu chuyện thều thào, đứt quãng thằng Y Kương kể làm cả buôn Kdun chấn động. Người này chạy về làng gọi người kia. Trời chưa sáng rõ cả buôn đã kéo ra đầy khoảng rừng sau bến nước. Y Kương chết trên đường đến trạm xá. Mắt vẫn trợn ngược nhìn về phía đỉnh Cư Mta.
Hai mạng người cùng lúc, những cái chết dữ chưa từng xảy ra trên mảnh đất này.
Cái chết của anh em Y Kương cũng làm cả buôn Kram nháo động. Mặt trời lên đến ngọn cây thì người buôn Kram cũng kéo vào đông nghịt. Anh em Y Kương là người buôn Kram. Chuyện người buôn Kdun làm chết người buôn Kram cũng chưa từng có tiền lệ. Mí H’Chướp khóc bên xác hai thằng con, vật vã, lăn lóc, cào cấu nát nhừ khoảnh riềng tía mọc ven rừng. Ma H’Chướp cũng khóc con, nhưng tiếng khóc chỉ tắc lại nơi cục khế chạy lên chạy xuống trước cổ. Thanh niên, trai tráng buôn Kram theo Ma H’Chướp tập trung thành đoàn lớn. Gậy gộc, dao rựa sáng lòa. Đoàn người quyết lên tận đỉnh rừng Cư Mta lùng bắt cho được Ma Nap về đền tội. Người buôn Kdun cũng làm thành đoàn lớn, không chỉ bắt cho được Ma Nap mà còn đi cứu thằng Y Miên. Nó vẫn còn đâu đó trên rừng, chưa thoát khỏi tay Ma Nap thì chưa thể biết sống hay còn. Mí Miên chạy theo đoàn người lên rừng, mái tóc dài xổ tung, dính bết trên trán, trên mặt, nước mắt lẫn với mồ hôi. Già làng Ma Rung ngửa mặt lên trời, hai tay giơ cao, hết chạy từ con đường lên rừng về bến nước, lại từ bến nước lội lại lên phía rừng. Miệng không ngừng lầm rầm cầu khấn.
Người buôn Kdun sắp phát điên rồi, người buôn Kram cũng thế.
Từng tốp người vẫn hừng hừng tiến lên đỉnh Cư Mta. Mặt trời lên cao, người đổ về bến nước ngày càng nhiều, giờ thì có cả người buôn Sắp, người từ ngoài thị trấn kéo vào, đông ngẹt.
Từng đàn bướm đậu kín trên những vũng nước đọng lại ven bờ bị đám người giày xéo tả tơi, xác bướm, cánh bướm rụng nát trên đường, lẫn trong đất bùn, nhoe nhoét.
***
H’Đem rời buổi dạy về đến nhà khi mặt trời đã đứng thẳng trên đỉnh đầu. Từ đầu làng đến tận con đường xuống suối, từng tốp người lạ, người quen đứng lô nhô, xì xào bàn tán. Trên sàn nhà, mí Liên đang ngồi bên đống bắp khô, hai bàn tay chậm rãi lẩy từng hạt bắp nhỏ. Dáng mí nhỏ thó, khô rang, cái lưng cong về phía trước, hai đầu gối chống lên cao gần bằng mái đầu bạc trắng. Cây me lớn đổ bóng che gần hết sàn nhà, lá me lắc rắc trên mặt sàn, trên lưng, trên tóc mí Liên. Chả thấy thằng Tun đâu. Giờ này mà nó còn chạy đi đâu. Mí Liên chậm rãi đẩy đống bắp đã lẩy vào phía trong nhà, gần chiếc ghế kpan, chỉ tay về phía sân bóng. Thằng Tun với đám con nít hiếu kỳ chạy chơi giữa đám người ngoài đó. H’Đem chui ra sau nhà rửa mặt, định bụng đi tìm con. Tiếng chân thằng Tun dậm trên cầu thang bịch bịch, nó ào vào nhà, réo rắt: Mẹ mẹ, cha về. H’Đem ngạc nhiên lắm, đang giữa tuần, sao Y Hăm lại về. Thằng Tun mồ hôi chảy từ đầu xuống cổ, kéo tay mẹ chạy về phía cuối buôn. Giữa sân bóng làng, bốn chiếc xe tải màu xanh chở quân nối đuôi nhau nằm san sát. Có lẽ Y Hăm về thật. H’Đem chen vào đám đông. Từ bờ suối lên đến lưng chừng đồi, người từ các nơi xúm về, đứng ken dày như đám rừng le, mặc cho cái nắng tháng tư đang hừng hực dội xuống trên đầu.
Trên khoảng đồi sau bến nước, công an đã phong tỏa một khoảng rộng từ sáng nay, nghe nói để đo đạc, khám nghiệm hiện trường. Tiếng khóc, tiếng hờ than vẫn văng vẳng đầu bến, cuối làng, xao xác ruột gan. Dưới bìa suối, công an huyện, công an xã phát loa kêu gọi đám đông giải tán, ai về nhà nấy. Thỉnh thoảng, từng đoàn người trên núi được cảnh sát cơ động đưa xuống. Dao rựa, gậy gộc bị thu giữ, xếp thành đống lớn dưới gốc cây sung. Ma H’Chướp ngồi tựa lưng vào gốc sung, mặt mũi nhàu nát, ánh mắt không còn thần hồn trong đó nữa. Mỗi lần trên núi có người được đưa xuống, đám đông phía dưới lại xô đẩy nhau chen về phía trước, như đám cỏ tranh bị gió tạt nghiêng, rạp hẳn về một bên. H’Đem len giữa đám người, nhón chân nhìn mãi vẫn chẳng thấy Y Hăm đâu giữa những tấm lưng áo giáp quen thuộc. Nghe nói gần một trăm cảnh sát cơ động đã được huy động về đây để truy bắt người trên núi. Xe đã đổ quân xuống làng từ sớm nay.
Trời nắng quá. H’Đem chạy về phía nhà già làng Ma Rung. Vẫn còn hơn hai chục quân cảnh sát cơ động tập kết giữa làng. Dưới bóng cây gòn cao nhất buôn, già làng Ma Rung cùng với lực lượng công an đang chụm đầu quanh một tờ giấy lớn. “Con đường cuối cùng là đường qua Vực Rắn, khó đi lắm, nhưng từ hướng này ngược lên đỉnh có một hang lớn, nhiều khả năng đến tối Ma Nap sẽ ở đó”, già Ma Rung gấp tờ giấy, đưa cho Y Hăm. Ánh mắt già Ma Rung nhìn lên phía đỉnh Cư Mta, rười rượi. H’Đem không dám lại gần, đứng từ xa giơ tay vẫy vẫy. Y Hăm nhìn thấy vợ, nở một nụ cười như đóa M’nga trong sương sớm, chỉ kịp hỏi vợ con đâu. H’Đem chỉ về phía sân bóng. Y Hăm gật đầu rồi nhanh chóng đứng vào đội ngũ. Nhóm của Y Hăm sẽ đi về hướng Vực Rắn. Nhiệm vụ phổ biến nhanh chóng, những bóng lưng áo giáp ào về phía cửa rừng. Hai chú chó nghiệp vụ hùng dũng xông lên phía trước. Thoáng chốc chỉ còn lại nhấp nhô trên triền đồi những chấm xanh lay động giữa miên man những vạt cỏ tranh trải dài ngút ngát.
Đêm, buôn Kram không ngủ, cả buôn Kdun cũng không ngủ. Giữa sân bóng buôn Kdun, ai đó đã đốt lên một đống lửa lớn, củi cháy lục bục, sáng rực. H’Đem cũng không ngủ, nằm nghe tiếng mí Liên trằn trở bên kia vách nứa. Từ ngoài buôn Kram vọng vào tiếng chiêng, lúc xa, lúc gần. Tiếng chiêng làm ma cho người chết. Hai chân H’Đem mỏi nhừ. Chiều nay, H’Đem đã chạy tới, chạy lui không biết bao nhiêu lần. H’Đem cùng với cán bộ phụ nữ xã tổ chức nấu cơm, hỗ trợ cho lực lượng công an làm nhiệm vụ. Đàn ông, đàn bà buôn Kdun cũng thôi kéo nhau lên núi, xúm vào phụ người buôn Kram đưa người chết về làm tang ma. Nghe nói vừa lúc trưa thôi, rẫy của nhà Ma Đóa bị cướp. Ma Nap dẫn theo thằng Y Miên xông vào chòi, trói gô Ma Đóa vào cột chòi, lấy sạch gạo, cá khô, biến mất vào rừng. Trên lưng ông Ma Nap vẫn còn vắt hai khẩu súng, một khẩu CKC, một súng kíp, lủng lẳng dao quắm bên hông. Người người nín thở, cả buôn Kdun nín thở. Từng tin tức trên núi truyền xuống được hứng lấy như hứng từng giọt nước từ trên núi cao chảy về, người này rót cho người kia, chẳng thể làm dịu cơn khát cho những đầu đang thắc thỏm những lo âu, sợ hãi.
Khuya. Ngoài buôn có tiếng chó sủa, tiếng chân người rầm rập bước, tiếng nói, tiếng gọi nhau lao xao. H’Đem lao mình ra cửa. Bên đống lửa lớn, công an, cơ động, người trong buôn tập trung thành vòng tròn. Ở giữa vòng, Ma Nap đang quỳ dưới đất, trước mặt là hai khẩu súng, dao, hộp tiếp đạn. Già Rung ngồi bên cạnh, hai vai rung rung. “Ma Nap à, mày là cái ung nhọt của buôn này. Cái nhọt mà không chữa sớm thì sẽ lở loét ra như này đây. Mày làm đau người khác, làm đau cả buôn Kdun, buôn Kram”. Một vài người đỡ già Rung đứng dậy. Ma Nap đã lưu lạc ở đâu đó bên ngoài mấy năm nay, nghe nói là sang Campuchia. Nhưng Campuchia ở đâu, người làng chẳng mấy ai biết. Chỉ thấy Mí Nap ở nhà quắt quéo với ba mặt con dại, suốt ngày cắm mặt trên rẫy. Ma Nap trở về thì thân tàn ma dại, chẳng mấy khi thấy lên rẫy, lên nương cùng Mí Nap, cứ lui lủi vào rừng bắn thú. Y thạo súng, thạo rừng, như con sói già tinh quái. Cái súng, con thú của Ma Nap hấp dẫn nhiều đứa thanh niên trong buôn. Già Ma Rung, cán bộ công an xã, huyện, cả Y Hăm cũng nhiều lần đến tận nhà khuyên giải. Cái đầu Ma Nap chỉ gật gật để đó. Lũ thanh niên vẫn say y như say thuốc lá. Đám người vẫn kéo nhau vào khu rừng thiêng trên đỉnh núi, bất chấp luật cấm đã chảy trong huyết quản người Ê đê dưới chân đỉnh Cư Mta tự bao đời.
Ma Nap được công an đưa lên xe thùng trắng, dẫn đi ngay trong đêm. Mí Náp chạy liêu xiêu sau vệt khói sáng, dáng người vừa nhỏ vừa mỏng, quắt queo như lá cỏ tranh mùa khô. Y Miên cũng được công an cõng trên núi xuống. Tiếng la, tiếng hét váng động cả trời đêm. Nó phát điên rồi, chẳng còn nhận ra ai được nữa. Cứ ôm cột nhà úp mặt khóc. Mí Miên cũng khóc ti ti. Người làng nhìn nhau, lặng lẽ lắc đầu.
Lực lượng cảnh sát cơ động tiếp tục quay lại trên núi. Xe cứu thương hù hụ chạy xộc vào buôn, ánh đèn loang từng vòng, từng vòng đỏ loẹt. Dường như còn có người mắc lại trên núi, ai đó bị thương. H’Đem thắc thỏm chạy theo. H’Đem cũng muốn lên núi. Vài đồng đội của chồng nhận ra cô, ai đó ôm lấy vai H’Đem vỗ vỗ, động viên cô cứ về nhà trước thôi, lát nữa Y Hăm và các anh sẽ về. H’Đem đứng lại giữa trảng cỏ, mắt nhìn mãi về phía đỉnh Cư Mta, cho đến khi đoàn người biến mất hoàn toàn vào đêm đen dày kịt.
Đêm dài mãi, dài như cả một đời người cộng lại…
Sáng sớm, đoàn người đưa Y Hăm về thật. Y Hăm nằm trên cáng, máu nhuộm đỏ quân phục, đỏ cáng, máu thấm ướt cả ngực áo của những đồng đội đưa anh về. Có tiếng khóc dậy lên đâu đó từ ngoài sân. Tiếng khóc bật lên từ những tấm lưng áo giáp còn ướt lạnh sương đêm. Tiếng khóc làm rung rung sàn nhà, lay động cả gốc me già. Tiếng khóc vang lên khắp buôn. Mọi người khóc Y Hăm, đồng đội khóc Y Hăm. H’Đem vẫn thẫn thờ ngồi đó, rờ rẫm từng chút trên thân thể chồng. Này là sống mũi cao, đôi mắt sáng. Này là khuôn miệng cười như đóa M’nga buổi sớm. Này là đôi bàn tay như sắt, như đồng, đôi bàn tay đã bao lần nắm lấy tay H’Đem. H’Đem ôm lấy thân thể chồng, máu từ chỗ bị thương sau đầu nhuộm đỏ hai cánh tay. Chẳng ai đoán được tai họa sẽ rơi vào ai, sẽ giáng xuống lúc nào. Nhưng sao lại là hôm nay? Sao lại là Y Hăm của cô? H’Đem nhìn đôi cánh tay đầy máu, nhìn chồng, nhìn thấy thằng Tun đang rẽ đám người từ đằng xa chạy lại. Cô nấc lên, ngất lịm.
***
Nắng sớm xuyên qua vách nứa, rọi vào buồng những cột sáng li ti bụi. H’Đem mở mắt, tiếng chim ríu rít gọi nhau đầu sàn nhà. H’Đem đã nằm như thế bao lâu rồi nhỉ. Có lẽ là mười ngày, hay mười lăm ngày. Chẳng biết nữa. Thằng Tun khe khẽ chui vào buồng, nằm xuống bên cạnh mẹ. Cô xoay người ôm con, nước mắt lại chảy. “Mẹ, con muốn ra suối”. H’Đem hôn con, hít hà cái mùi khét nắng trên mái tóc vàng cháy của thằng bé. Ký ức những ngày qua trôi trong cô thật chậm. H’Đem vẫn mong đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ xấu. Chỉ cần nhắm mắt thôi, khi tỉnh dậy mọi việc sẽ khác. Nhưng biết bao ngày qua, đã bao lần tỉnh rồi mê, H’Đem vẫn không thoát ra được giấc mơ ấy. Sự thật là Y Hăm đã xa mẹ con cô thật rồi.
Đồng đội của Y Hăm kể, trong lúc bị truy bắt, Ma Nap đã túm lấy Y Miên, dí súng vào đầu thằng bé để uy hiếp lực lượng công an. Ma Nap muốn vượt đỉnh Cư Mta. Bên kia là địa phận tỉnh Gia Lai, từ đó sẽ có đường vượt sang Campuchia. Khi lực lượng cảnh sát cơ động quật ngã được Ma Nap thì thằng Y Miên vùng chạy. Nó đâm đầu xuống Vực Rắn, rơi ngay trên một mỏm đá lớn chìa ra. Y Hăm lao theo. Khi đưa được thằng Y Miên lên phía trên thì đá lở. Đồng đội đã mất nhiều giờ mới tìm được nơi anh nằm.
“Mẹ, con muốn ra suối”. Thằng Tun lặp lại lần nữa. H’Đem gật đầu, chống tay ngồi dậy, cả người ê ẩm. Từ cầu thang, mí Liên cập rập đi lên, trên lưng mang cái gùi không. Mới mấy ngày thôi, cái lưng mí dường như đã quặp gần hơn với đất, hai cái xương vai nhô cao hơn dây gùi. H’Đem đưa tay đỡ. “Mí đi đâu về?”. Mí Liên thả cái gùi không xuống sàn, chậm rãi: “Dậy được rồi à. Đi gùi cho nhà mí Miên ít bắp, ít cà. Bên đó còn khổ hơn cả nhà mình mà”. “Thằng Miên đỡ hơn chưa mí?”. Mí Liên lắc đầu, “Vẫn còn phát điên bên đó, gặp ai cũng bảo đừng nhìn tao nữa”. Mí Liên đi vào nhà, miệng vẫn còn lầm bầm gì đó.
H’Đem dẫn con ra suối. Nắng lên. Từng đàn bướm xòe tung, rực rỡ. H’Đem ngồi trên phiến đá quen thuộc, thả chân xuống dòng nước mát trong. Thằng Tun chán nô đùa với lũ bướm lại nhảy phốc lên tảng đá lớn. Nó múa bài võ Mai hoa quyền. Một mình. Trên chính nơi cha đã đứng. Ngực trần, chân đất, cả người đen rẫy như đồng. Cánh tay nhỏ bé huơ lên, lúc nhanh, lúc chậm. H’Đem nhìn con, bất giác mỉm cười. Đất này, dòng suối này, cánh rừng này, đã bao đời sinh ra, dung dưỡng, hun đúc nên những lớp người Ê đê dũng mãnh, những chàng trai Ê đê đẹp như tượng, như đồng. Bao thế hệ đã sinh ra từ đất Kdun, từ rừng Cư Mta, uống nước từ dòng suối Êa Tam này. Chết đi lại úp mặt vào đất, hòa mình vào suối, biến thành cỏ cây. Người sinh ra cho đất này. Chết đi cũng cho đất này. H’Đem bỗng nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng thằng Tun, rắn rỏi, mạnh mẽ giữa hàng quân oai dũng.
Bướm vẫn chập chờn quanh chỗ hai mẹ con ngồi…
NGUYỄN THỊ THANH THUÝ
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: