Hắn bỏ nhà ra đi ngót nghét cũng chục năm rồi, đến độ khi nhìn con đường vốn quen thuộc dẫn lối vào nhà cũng khiến hắn trở nên xa lạ. Hắn về tới cổng, tiếng người nhốn nháo trong nhà không còn mấy ai thân thuộc với hắn nên hắn có phần hơi sững lại. Hắn sợ người lạ. Nghĩ cũng thật buồn cười, ngót mười năm hơn trong phố thị biết bao gương mặt lạ hắn đã kinh qua, vậy mà giờ đây về với xóm làng quen thuộc hắn lại sợ. Họa chăng chỉ là cảm giác mặc cảm của một kẻ ra đi vì một lỗi quấy khiến hắn không thể ngẩng đầu. Hắn cứ thế đứng tần ngần trước cổng một lúc lâu. Hắn đợi. Hắn nhớ mỗi khi hắn về luôn có bóng dáng mẹ hắn chạy ra trước cổng dắt hắn vào nhà. Hắn tự huyễn hoặc mình còn bé lắm, đến độ cần một bàn tay người lớn dắt díu vô. Cô gái đi ngang qua trước sân nhìn thấy hắn, nói vọng lên:
- Anh Viễn! Anh về rồi à? Anh vào đây, vào đây nhanh lên.
Đột nhiên hắn thấy ghét cô gái ghê gớm, hắn đã muốn ẩn mình hòa vào đám đông trong nhà, hắn đang chờ mẹ, đột nhiên hắn có cảm giác mọi ánh mắt đang đổ dồn vào hắn. Mọi thứ như đang soi mói bộ dạng nhếch nhác của hắn. Tiếng dì của hắn vỗ vào bờ vai cao kều của hắn, thút thít:
- Vào nhìn mẹ lần cuối đi con.
Cái gì mà lần cuối? Bà dì nói gở. Hắn tách đám đông ra đi đến bên chiếc giường con. Bà con chòm xóm đã tụ tập lại khá đông quanh chiếc giường bệnh của mẹ hắn. Hắn hiểu rằng kể từ khi ba hắn mất trong một cơn bạo bệnh, mẹ hắn chỉ có duy nhất một mụn con là hắn. Vậy mà đến tuổi trưởng thành, vì nghe theo lời rủ rê của đám bạn, hắn cũng bỏ nhà ra đi sau một lần cãi vã. Và hắn cứ đi mà không để ý đã chục năm trôi qua mau chóng, cũng chẳng để ý tóc mai của hắn đã bắt đầu ngả màu trưởng thành. Cho tới khi bên nội hắn nhờ người tìm được số điện thoại của hắn và câu đầu tiên hắn nghe được lại là: “Về gặp mẹ đi con, mẹ ốm nặng lắm.”
Mẹ hắn nằm nhỏ thó trên cái giường con, đắp hờ trên người một tấm chăn mỏng, nước mắt bà lưng tròng, hai tay run run sờ lên đầu hắn như muốn chạm vào đứa con trai bé bỏng năm nào. Mọi người xung quanh cứ nhìn mẹ hắn rồi nhìn hắn bằng ánh mắt thương cảm nào đó, lại có cả những ánh mắt trách cứ làm hắn chợt nhớ nếu giờ đây mẹ hắn đủ khỏe mạnh và ngồi dậy có lẽ đã lập tức xua đuổi những thứ làm hắn kinh sợ như vậy rồi.
Hắn vẫn còn nhớ như in lúc mọi người hắt hủi hắn thời thơ ấu, khi cái nghèo trở thành thước đo tình người và lũ trẻ tách hắn ra khỏi cuộc chơi vì nom hắn bẩn sau những buổi chăn trâu đã vội đến trường. Hắn đã cố tách mình ra khỏi đám đông sau những lần cố hòa nhập nhưng không được đón nhận. Kì lạ, khi càng cố gắng tách ra, mọi người càng cố kéo hắn vào để chà đạp hắn. Những đứa trẻ thơ có thể không biết mình đã làm gì nhưng vô tình lại gây tổn thuơng vào tâm trí người khác.
– Để tao yên đi.
– Đồ không cha ở bẩn.
Hắn nhớ má hắn đã quát thật to, còn cầm theo cây gậy to tướng từ trong nhà chạy ra khi vừa nhác thấy những đứa trẻ khác toan trêu chọc hắn. Kí ức tuổi thơ thu bé lại vừa bằng một người đang nằm trên giường bệnh. Khi ấy, hắn còn nhỏ xíu, cứ thế nép vào lòng má hắn mỗi khi bị rượt đuổi, bị trêu chọc, bị dọa đánh.
Dù rằng giờ đây hắn đã khá cao, và to bè, có lẽ những năm tháng phụ hồ nơi đất khách cũng làm cơ thể hắn trở nên rắn rỏi phần nào. Hắn không nói được tiếng nào, đột nhiên hắn cảm thấy mọi quyết định của hắn đều là sai lầm. Hắn nhớ mẹ con hắn thuở ấu thơ, khi mẹ hắn quyết định không đi bước nữa chỉ để toàn tâm toàn ý lo cho hắn. Những bữa cơm rau sắn nhưng không khi nào ngớt tiếng cười. Con đường làng lầy lội vẫn còn in bóng hai mẹ con tắm mưa chung đi về…
– Má mới tát đồng được mấy con bống, đem bỏ giếng, để dành ăn dần. Chiều má ra ruộng lượm trứng với vớt tí thóc còn chừa của lũ vịt chạy đồng là được bữa cơm no.
– Con mới thấy mấy củ sắn dây to trắng như đám lợn con đó má.
– Bác Linh cho, chiều con xách lại mớ rau qua nhà biếu bác gái.
Má luôn là người được bà con chòm xóm yêu thương và cũng dạy cho hắn như thế nào là sự san sẻ. Tình người không phải là thứ phải có qua có lại nhưng cách sống thì luôn đòi hỏi sự sẻ chia.
Trong mắt hắn khi ấy, má là người phụ nữ vĩ đại và có sức mạnh to lớn đến độ dường như không gì có thể quật ngã được. Từ nhỏ, hắn đã mất ba, hắn nghe ngoại hắn kể lại ngày ôm hắn còn đỏ hỏn trong tay, má hắn, vì đức hạnh, lại vì chịu thương chịu khó nên dù đã qua một lần đò vẫn lắm người sang nhà ngoại xin gả. Nhưng má vì tình cảm với ba sâu nặng, lại vì thương hắn sợ lấy chồng khác rồi đối xử không tốt nên quyết ở vậy nuôi con. Cứ thế, đằng đẵng thân gái vò võ một mình, má ở vậy nuôi hắn cho đến khi hắn tốt nghiệp đại học.
Không ai có thể viết nổi những dòng về sự hi sinh cao cả của người phụ nữ một mình chống đỡ với cuộc đời ở vậy nuôi con trong gia đình không có bóng đàn ông. Hắn còn nhớ năm hắn học tiểu học, kí ức mang máng của hắn là những ngày hầu như hắn luôn được má đón trễ hơn các bạn học. Vì má khi ấy làm gỗ trên tận Phú Tài, mỗi khi xe đưa đón về là cũng ngót nghét cả tiếng. Hắn thường thấy bộ dạng má hớt hải chạy vào trường lúc nhá nhem, và rối rít cảm ơn cô giáo vì nán lại thêm độ nửa tiếng để trông hắn. Có nhiều lúc, vì tuổi nhỏ, hắn có quấy, giận dỗi má vì luôn bắt hắn phải đợi, má khi ấy chỉ biết nín nhịn không thể nói gì, cười xoà với mồ hôi còn nhễ nhại, và tóc bết trước trán:
- Mai má hứa sẽ đón con thật sớm nha.
Nào ngờ những lời khi ấy đã bị cô giáo hắn nghe thấy. Trong một lần lại đợi má tan ca làm tới đón, cô giáo đã hỏi hắn:
- Con có biết má con làm nghề gì không?
- Má con làm thợ gỗ.
- Con có biết làm nghề đó vất vả và nguy hiểm như thế nào không? – Ngay khi thấy hắn lắc đầu, cô giáo nói với hắn – Cô nghe nói sắp tới bên công ty má con có liên hoan mừng năm mới, nếu chịu khó con quan sát chút nhé.
Lời cô nói hắn nằm lòng, ít hôm sau công ty má hắn tổ chức liên hoan tại xưởng, các cô chú công nhân đều đưa con cái tới liên hoan, lúc đó hắn dường như choáng ngợp trước sự đồ sộ của từng phân xưởng. Thỏ thẻ hỏi má làm chỗ nào, má hắn chỉ một khu xưởng rộng lớn với những máy cắt, máy ép, máy xẻ… chạy ầm ầm bất kể ngày đêm và to tướng, phát ra những tiếng kẽo kẹt khiến hắn run lên vì sợ. Nhìn vài công nhân còn tăng ca muộn khiêng những thanh gỗ lớn trên vai và tiếng những chiếc máy như đang gào rú khoe khoang sự nguy hiểm của mình khiến hắn oà khóc. Hắn biết ngày đó má sẽ nghĩ hắn khóc vì sợ nhưng kì thực hắn khóc vì biết được má đã vất vả như thế nào. Kể từ đó dù má có đón hắn muộn đến đâu, hắn cũng sẽ luôn mỉm cười chờ đợi vì với sự nhỏ bé khi ấy của hắn, đó là điều duy nhất hắn làm được cho má.
Khi hắn lớn hơn, hắn luôn nghĩ má hắn là siêu nhân vì dường như quanh năm suốt tháng má luôn gồng gánh tất cả mọi khó khăn của cuộc đời đổ ập vào gia đình nhỏ bé này. Nhà hắn là một căn nhà nhỏ lợp mái ngói với những thanh gỗ bắt ngang dọc trên mái. Mỗi khi mưa về mái dột, hình ảnh quen thuộc của mỗi đêm vì tiếng mưa thức giấc là hình ảnh má bám vào tường, vắt người trên những cột ngang dọc ấy để giăng những chiếc áo mưa vào những chỗ dột đưa hắn giấc ngủ ngon lành. Má luôn gánh thay vai trò của người đàn ông trong gia đình, từ sửa điện, đóng tủ cho đến sửa khoá, mắc dây điện… đều một tay má làm hết. Má có thể nhờ vả những người xung quanh nhưng má luôn dạy hắn tự lực trong cuộc sống là trước nhất.
Có những đợt mưa rất to, căn nhà cấp bốn của hắn phía trước lại là cái ao nhỏ, mỗi lần nước dâng đều tràn vào nhà lúc nào không hay. Hắn còn nhớ có bận mùa mưa, ngủ trên giường, nửa đêm trở dậy vừa đụng chân xuống nền nhà đã lấy lênh láng nước, cao đến độ bắp chân, thế là hắn cứ khóc toáng lên. Má hắn đang dưới nhà vội lật đật chạy lên:
– Có chuyện gì đấy bây?
– Má ơi, lụt, lụt.
Má hắn phì cười, mùa mưa tới, xóm hắn ở trong khu hay thoát nước không kịp nên năm nào cũng ngập, thế nhưng lần nào hắn cũng quấy. Hắn còn trẻ con. Lớn lên một chút hắn đã biết phụ má mỗi khi ước chừng nước dâng sẽ lo đi kê đồ, kê tủ cho cao lên khỏi ướt, dọn dẹp những thứ ở dưới thấp lên cao cho khỏi trôi. Hắn lớn thêm một chút, má già thêm một chút, nhưng những thứ nhỏ xíu hắn làm không khi nào má hắn ngừng khen:
– Lớn rồi, biết phụ má rồi, để đó… đúng rồi. Khiêng này nữa cho má là được.
Má cũng là người dạy hắn vượt qua nghịch cảnh, đôi khi không thể thoát khỏi cảnh nghèo thì cần thích nghi với nó. Cái ao nhỏ trước nhà tuy mỗi mùa nước dâng rất cản trở giao thông, nặng thì ngập nhà trôi đồ, nhẹ thì cũng khiến đường đi phải lội, xe cộ chết máy nhưng lại mọc đầy những rau muống. Những lúc đổi bữa má hắn thường lội xuống cắt ít rau đem về ăn, tuổi thơ của hắn cũng là những khi hái lá, hái hoa và cả bắt trứng ốc chơi bán bánh mì giả với đám con nít. Có những đêm trăng nước ngập vào nhà, má và hắn ngồi trên giường nhìn đám cá chốt bơi từng đàn nhỏ độ hơn chục con. Có bận chúng dạn người bơi vào nhà, nhà nhiều đồ đạc khó bắt, chỉ má với hắn ngồi nhìn chúng bơi mà cười khúc khích.
– Con xếp thuyền giấy thả, sau con lớn làm thủy thủ đưa má đi khắp nơi.
– Thuyền giấy xếp chưa tròn đã đòi đi tàu lớn.
– Má cứ trêu con.
Má với hắn phì cười. Nước hơi ngập trên đường thì cá dưới ao cũng bơi lên, tuy không nhiều nhưng cũng đủ khiến đám trẻ xắn quần lấy rổ vớt. Có bận biết đón đầu vớt được cả rổ cá chốt dù mấy anh này bơi nhanh đến được. Có điều làm cá chốt thì phải cẩn thận vì ngạnh cá đâm khá đau nhưng nấu cháo thì ngon phải biết. Má hắn thường nấu cháo cá chốt cho hắn ăn mỗi mùa nước lên và hắn lấy rổ vớt được có khi cả chục con. Ao cũng có khá nhiều ốc, khi không đi bán má với hắn hay lội xuống ao để mò ốc. Có khi may mắn vớt được vài con cua con để dành nấu cháo. Tuổi thơ trôi qua hết sức êm đềm.
Có điều hắn sợ những đêm mưa bão. Căn nhà cấp bốn của hắn dường như luôn xiêu vẹo trước mỗi đợt gió to. Và trên mái bao giờ cũng dột nước. Hắn lần nào cũng khóc mỗi khi ngồi thu mình nơi góc giường nhìn má hắn trèo lên mái nhà để lót bạt che mưa. Hắn không biết như thế nào, má hắn tay chân bám chặt vào tường, leo lên cột nhà đầy trơn ướt, rồi mặc mưa như tát vào người, cay xè mắt, cứ thế cheo leo trên mái để lấy từng tấm bạt giăng lại những chỗ bị dột. Hắn sợ đủ thứ, sợ má bệnh, sợ má ướt, sợ cả má trơn trượt sảy chân rơi xuống…
Cứ thế hai mẹ con trải qua những năm tháng bên nhau đầy hạnh phúc và má cũng ở vậy không đi thêm bước nữa. Nhiều lần sợ má cô quạnh lúc về già và cũng vì thuận theo tự nhiên rồi hắn cũng sẽ theo bước về nhà chồng, hắn có gợi ý má đi thêm bước nữa nhưng má cứ gạt đi. Ngày trẻ thì lấy lí do lo cho hắn, già thêm chút thì cứ gạt phăng rồi cười xoà:
- Tao già rồi còn ham hố chi ba cái chuyện vợ chồng, khổ nhà người ta thêm chứ được gì con.
Hắn nghe má hắn nói thế thôi chứ hắn biết cũng có lần má hắn muốn có nơi nương tựa, nhưng khi ấy người ta bắt má phải chọn giữa hạnh phúc và hắn. Cuộc sống nơi đây còn nghèo, không thể gánh nổi miệng ăn của một đứa con dưng…Và má hắn đã chọn, chính xác là chưa bao giờ má có ý định bỏ rơi hắn. Ấy thế mà trong một lần nghe đồng bạn rủ rê hắn lại đi, hắn đi viện cớ an ủi chính tâm trí mình để lo phận mưu sinh mà không một lần ngoảnh lại nơi quê nhà mẹ hắn đã lắng lo và yêu thương hắn đến nhường nào. Hắn cứ gửi tiền về chứ không dám gọi điện, sợ má hắn nói gì đó, hắn lại về, lại khổ. Kì thực hắn chỉ muốn có thể thay đổi cuộc sống để lo được cho má hắn.
- Con xin lỗi… Mẹ ơi… con xin lỗi.
Rồi mẹ hắn quay sang nhìn dì hắn bằng ánh mắt nhờ cậy điều gì đó. Trong cơn gió thoảng cuối cùng hắn nghe thấy nụ cười của mẹ hắn ra đi trong thanh thản. Đám tang mẹ hắn, hắn chỉ biết ngồi thừ ra còn phía người thân lo hết. Hắn quyết định ở lại quê nhà để chăm lo bàn thờ cha mẹ nhưng không biết phải đối mặt với cuộc sống mới như thế nào, vì hắn bỏ đi đã lâu và chắc người trong làng đều nghĩ hắn là kẻ bất hiếu để mẹ sống trong cô độc cả một thời gian dài. Ông Thảng đi ngang qua cất tiếng gọi:
- Thằng Viễn, theo tao. Mày làm nề trên phố đúng không?
Hắn gật nhẹ, thế là hắn có công việc. Công việc mới cũng khá thuận lợi với hắn, vì hắn vốn là một tay thợ lành nghề, chỉ cái hắn ít nói quá, cứ lầm lì. Hắn cứ theo ông Thảng đi làm chung với tổ phụ, có lần ông Thảng đốt điếu thuốc rồi hỏi hắn: “Mày biết sao tao nhận mày vào làm không? Tao chịu ơn má mày, má mày nhờ tao bả đi rồi thì nhận mày vào làm, nhưng không ép tao, nếu mày làm không đặng cứ đuổi. Nhưng qua thời gian thấy bả nói đúng, mày được cái tay chân nhanh nhẹn, có điều cứ như cái cục đá lầm lì. Tao lại thương”.
Mắt hắn như có gì đó ươn ướt không rõ. Ở quê thì lại ít khi kiếm ra tiệm nào bán cơm như ở phố, những ngày đầu hắn mót gạo trong chum má để dành để nấu cơm, rồi cứ trộn mắm mà ăn. Đến non tuần, dì hắn cứ nài kéo hắn qua ngồi ăn chung, bên mâm cơm nghi ngút khói, các anh em họ của hắn cứ xôn xao nhìn hắn, nhưng không phải với ánh mắt xa lạ mà như sự thân quen của lâu ngày gặp lại:
- Ngày anh hai đi em còn bé tí thế này nè, giờ em chuẩn bị vào cấp ba rồi đấy.
- Em nghe dì nói ở trên phố anh là thợ giỏi nhất hả anh?
- Dì hay nhắc về anh lắm, nói anh trên phố bộn việc, khó về.
Hắn nhìn qua dì hắn thấy dì hắn lau vội những giọt nước mắt. Dì hắn cứ ép hắn ăn thật nhiều : “Khi con về rồi thì họ hàng và xóm làng đều vẫn yêu thương con. Má con trước khi mất đã nhờ cậy rất nhiều, đừng bỏ nhà ra đi nữa nha con, ở gần quê hương mình vẫn hơn con ạ”. Hắn cúi đầu nuốt vội chén cơm, nước mắt nhỏ xuống lúc nào không hay. Ăn xong hắn đi dạo trên đường làng, các cô chú thấy hắn luôn kéo hắn vào nhà, khi thì cho quả ổi miếng bánh, lúc lại khuyên: “Ở một mình giờ khó, khi nào thấy có gì cần thì cứ qua nhờ cô chú giúp, toàn xóm giềng với nhau, đừng ngại.”
Mọi người vẫn đối xử với hắn như cách hắn còn nhỏ, lúc nào cũng yêu thương chở che cho hắn chỉ là hắn luôn chọn cách tự thu mình lại sau đó vì cám cảnh nghèo mà bỏ xóm xa quê để mong cơ hội đổi đời nơi đất khách. Hắn ngửi thấy mùi đồng quê quen thuộc trên con đường hắn đang đi, lại cảm thấy tiếc nuối lần chia tay không được hay ho lắm non những năm về trước. Ở cuối con đường làng, hắn nhìn thấy cô gái, hắn chợt nhớ ngày tang mẹ hắn cô đội trên đầu vành khăn tang. À thì ra người con gái đã cùng hắn hẹn thề năm xưa, đã chờ hắn cũng từng ấy năm vẫn chưa chịu lấy chồng…
Biện Bạch Ngọc
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: