– Em làm ở đây lâu chưa Vũ?
Tôi giật mình trước câu hỏi của cô gái đang ngồi trước mặt. Thật sự sau câu hỏi này, tôi mới nhìn kỹ lại cô gái ngồi ngay quầy bar gỗ sồi cổ kính, sang trọng, nơi giang sơn của tôi. Đặt cái ly Highball xuống quầy, tôi mỉm cười một cách chuyên nghiệp trả lời cô gái.
– dạ em làm ở đây 5 năm rồi chị!
– học nghề bartender có khó không em? – cô gái chậm rãi mồi điếu thuốc từ gói thuốc lá rẻ tiền.
– Nếu chị thích, thì nghề gì học cũng dễ! – tôi lại cầm cái ly lên và lấy cái khăn chuyên dụng, tiếp tục công việc lau chùi, nâng niu những thứ lấp lánh mà tôi đã dự định gắn bó cùng quãng đời còn lại của mình.
– vậy, làm sao để biết mình thích cái gì đó hoặc không? – chị vẫn nhìn tôi
– Cái gì chị cũng phải thử, thử đến thích thì thôi!
Cô gái cười phá lên, ngụm khói thuốc vụt bắn lên khoảng không trước mặt như đám bụi khói của một quả bom vừa phát nổ. Tôi quá quen với những câu chuyện không đâu ở nơi này. Cái nơi mà người ta bước vào để xài một đống tiền như muốn chứng tỏ mình, để khỏi phải nhọc công cho những mong muốn ngại nói bằng lời. Những doanh nhân, nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng…và cả những cô gái như người đang ngồi trước mặt tôi chẳng hạn. Cuối cùng, ai cũng muốn đến đây để tìm thấy một cơ hội cho điều gì đó….
– chị chưa từng vào nơi sang trọng thế này!- Chị lại rít điếu thuốc
Tôi châm thêm nước cho chị. Chị chồm người về phía tôi hỏi nhỏ
– Smith, làm ở công ty Đan Mạch, có thường đến đây không em?
Tôi thấy bộ ngực của chị vồng lên khi chị tì vào mép mặt bàn bar. Những bộ ngực gần như giống nhau trước quầy bar này trong suốt 5 năm qua của tôi..Mr. Smith? Có hàng trăm cái tên Smith như vậy ở nhà hàng danh tiếng này. Nhưng Smith Đan Mạch thì ai mà quên được. Béo ục ịch. Khó tính và luôn thay đào mỗi tuần. Nhưng mọi cái khó ưa của gã ngoại quốc có mái tóc xoăn vàng này, lại dễ dàng bị đè bẹp bởi một tính cách khác rất thực tế của gã : hào phóng. Hào phóng luôn là cái tính mà có lẽ đến nhà sư cũng khó ghét được…
– dạ, Mr. Smith là khách VIP ở đây đó chị..
Cô gái vẫn tì ngực vào thành bar, hỏi tôi thêm điều mà chị cho là cần thiết
– chị không biết cách ăn uống ở đây, Vũ chỉ chị chút nha?
Tôi khá bất ngờ vì lời nhờ vả này của chị. Thông thường, những cô gái vào đây đều cho mình cái quyền và cái vẻ cao sang hơn những người có nghĩa vụ phải phục vụ, như tôi chẳng hạn. Tiếng Anh nói như gió. Hương thơm sự nức. Dáng vẻ tự tin và ngoại giao, đó là hình ảnh chung của những cô gái thời đại mà tôi gặp suốt trong không gian châu Âu quen thuộc này, dù nhiều cô lúc ăn uống vẫn xin đũa và thêm nước tương xì dầu kèm chút ớt xắt bỏ vào cho món bò Tenderloin.
– dạ cách ăn uống kiểu Âu là uống khai vị trước. Có thể là khai vị ngay quầy bar này hoặc tại bàn ăn. Sau đó mới vào bữa ăn. Ăn xong thì bắt đầu dùng tráng miệng bằng rượu riêng.
– nghe rắc rối thật Vũ ha. Chị bao năm nay cứ thủ một cái CMND trình cho quản lý quán nhậu, rồi sà vào ngồi bàn khách yêu cầu….Lần đầu tiên chị mới ăn uống kiểu Âu đầy dao, nĩa này!
Cô gái dụi điếu thuốc, nhấp ngụm nước rồi lại nheo mắt nhìn tôi hỏi tiếp.
– Vậy chị phải uống thứ nào cho nhẹ nhẹ vậy em? Uống theo tụi nó, say sớm là chết chị…
Chị lại phá lên cười như khỏa lấp sự quê mùa của mình, nơi chị chưa từng dấn thân vào trong suốt quãng đời trước kia như chị kể. Tôi bất giác có cảm tình với chị, dù tôi thừa biết gã Smith và chị muốn gì với nhau. Những cô gái chân phương như chị trong thế giới hào nhoáng nhưng đầy manh mún này không nhiều. Nhưng mà chị chân phương hay tôi chân phương? Hão. Chị cần gì ở gã Smith có lẽ tôi cũng biết mà! Hào phóng luôn là thứ dễ gây cảm tình nhất với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, đó là cách của gã Smith. Còn chị, lẽ nào chị lại để “sổng” một con mồi như Smith?
– dạ em nghĩ uống khai vị thì chị nên dùng cocktail Caipirinha. Thứ này thực chất là nước đá chanh, hợp với khẩu vị người Việt mình. Chẳng qua, nước lã được thay bằng rượu rum Brazil thôi.
– ok. Làm cho chị một li Cai..cai
– Caipirinha!
– Ừ, cho chị ly Caipirinha đó đi. Thằng Smith phải trả tiền vì chị đến sớm đợi nó mà!
– Mr. Smith hẹn chị ăn tối hôm nay à?- tôi hỏi lấy lệ trong khi tập trung vào việc tôi yêu thích nhất là pha chế một ly cocktail phù phiếm nào đó, mà đôi khi ít người thực sự biết vị nó ngon ra làm sao. Họ uống vì không thể làm điều gì khác tỏ vẻ sành điệu hơn. À..trừ cô gái đang ngồi đối diện tôi. Có lẽ vậy!
– bạn chị facetime với tên Smith này. Hắn thấy chị, và sau đó làm quen chị. Smith hẹn chị ăn tối ở đây khi hắn đi làm về.
– Bạn chị không đi cùng à?
– Hôm nay nó đi với thằng khác rồi. Chắc Smith cũng đã chán nó. Cơm ai nấy ăn, phúc ai nấy hưởng phải không Vũ?- chị nhìn tôi pha cocktail và lơ đễnh trả lời.
Tôi đành cười trừ. Câu trả lời của chị trần trụi như cách mà mọi thứ đang thực tế vận hành. Tuy nhiên, tôi biết mình thật sự thích chị. Tôi tin rằng, chỉ khi nào ai đó trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, lên bờ xuống ruộng với cuộc sống, thì mọi thứ họ chẳng cần gì phải làm màu, phù phiếm hão chi nữa cho mất thời gian. Cứ huỵch toẹt ra cho dễ sống. Trần trụi nó có ưu điểm của nó. Tôi đưa ly Caipirinha cho chị. Chị ngắm nhìn ly cocktail màu xanh với vỏ chanh nghiền, đá cube, và một lọn mía ngắn đã gọt vỏ để khuấy. Chị khuấy đều ly cocktail, nhấp vài ngụm..
– Hết sảy! – mắt chị reo lên cùng thán từ chị bung về phía tôi.
– chút nữa khi Mr. Smith đưa “wine list” cho chị, chị cứ lựa chai rượu nào có chữ Cabernet Sauvignon thì gọi. Giống nho này nữ giới dễ uống hơn các loại khác.
– “wine list” là thực đơn rượu vang phải không em? – ánh mắt chị đầy quan tâm
– đúng rồi chị. Ly lớn uống rượu. Ly nhỏ uống nước. Mr. Smith hỏi chị uống nước “sparkling” hay “still” thì..
– uống nước suối Lavie. Bạn chị chỉ như vậy!
– Lavie là “Still water”, nhưng ở đây không phục vụ Lavie, chị cứ gọi Evian, cũng tương tự…
Tôi nói một hơi như sợ mình còn nhiều thứ để chỉ cho chị rồi lại quên. Tôi chẳng hiểu sao mình lại sốt sắng với chị như vậy!
– À chị..rượu vang thường dưới 15 độ, nên rất khó say như chị nghĩ. Nhưng khi uống thì chị đừng dùng ống hút như uống bia, hay bỏ đá vào uống kèm kiểu người Việt mình hay làm. Uống vậy kỳ cục lắm, người nước ngoài hay cười người mình là vậy. Họ nói mình học đòi chứ không biết thưởng thức rượu!
Chị nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Chị lại phá lên cười. Lần đầu tiên sau 5 năm làm bar trưởng ở nhà hàng Âu tiếng tăm này, tôi lại cảm thấy bối rối trước một cô gái như vậy. Nụ cười của chị bỗng hóa tôi thành đứa trẻ con, khiến tôi phải vứt bỏ cái khinh khỉnh, đạo mạo của kẻ kiếm cơm nơi mọi thứ phải chuyên nghiệp, giống phút ban đầu. Tôi cũng chẳng hiểu mình nghĩ đâu ra từ “học đòi”, nhất là khi nhìn chị cứ dửng dưng quẳng cái quê mùa của mình ra một cách thanh thản như vậy. Có lẽ trước chị, tôi mới là chú nhóc học đòi, dù thực tế chị chẳng biết gì ở đây..
Ngoài cổng nhà hàng, chiếc xe hơi bóng loáng trờ tới. Mr. Smith nhanh nhảu bước ra với cái cặp xách cầm tay. Một hình ảnh quen thuộc trong một không gian cũng quen thuộc. Mr. Smith bước vào, đứng nói cười cùng cô tiếp tân đang bắn tiếng anh như gió chào mình. Cả hai cùng bước vào sảnh dưới ánh sáng của nơi danh tiếng.
Chị ngồi trong quầy bar nhìn ra cổng. Chị quan sát cách Smith đang nắm tay nói cười cùng cô tiếp tân. Có lẽ mọi thứ kiểu cách bề ngoài của Mr.Smith lại chẳng xa lạ trong mắt chị. Tôi tin chắc như vậy. Chị rướn thẳng người, hai tay chị khẽ xốc lại khuôn ngực mình. Chị lại nheo mắt hỏi tôi.
– ngực chị ok chứ Vũ?
Tôi lại bất ngờ trước câu hỏi này. Chị vẫn nhìn vào những phản chiếu từ những khuôn kiếng đầy sắc màu của kệ rượu sau lưng tôi.
– Ngực chị đẹp mà. Yên tâm! – tôi bối rối cười, trả lời nhanh cho xong
– Chị biết! Chị tên Hà. Cưng dễ thương lắm đó Vũ.
Nói xong, chị bước ra khỏi ghế, đi ra sảnh và xổ một tràng tiếng Anh khi Smith bước vào. Cả hai ôm hôn chào nhau ngay cửa sảnh. Bên trong, người nào việc đó. Chuyện ai hôn nhau hay lãng mạn như thế nào đều bình thường ở đây. Cứ ăn uống, cứ thưởng thức, hay cứ mưu cầu cơ hội gì đó từ bữa ăn, thì cứ việc. Còn tôi, tôi đứng ở quầy bar nhìn chằm chằm cảnh tình tứ của chị và gã Smith. Tôi biết rồi cả hai sẽ sà vào quầy bar của tôi dể bắt đầu thưởng thức khai vị. Sau đó, họ sẽ lên lầu, bước vào phòng ăn bắt đầu dùng bữa chính. Có thể là một ly Armagnac tráng miệng để kết thúc bữa ăn như thói quen thường thấy của Mr. Smith. Rồi cuối cùng, chị sẽ cùng Smith ra khỏi nhà hàng, bước lên chiếc xe màu đen, bóng lộn, đóng sầm cửa lại. Chị và Smith sẽ đi đâu, tôi chẳng biết, và cũng chẳng lạ. Giống như tôi cũng không lạ một điều. Trước mắt chị, có lẽ không chỉ mỗi tôi hóa thành trẻ con.
Tôi chẳng biết đời mình đến lúc này có điều gì thú vị để kể lại. Có lẽ chỉ là chuyện quyết định theo học nghề bartender của tôi. Thoạt tiên khi nghe tôi theo nghề này, ba má tôi đã nhảy dựng.Sau đó, má tôi thì chỉ nhìn tôi thở dài, rồi lấm lét nhìn người đàn ông quyền lực nhất nhà là ba tôi. Có lẽ ông trời sắp đặt bà sẽ có một cuộc sống ấm êm, nhà cao cửa rộng, và đổi lại chỉ là bà phải chấp nhận ru rú sau thân hình béo tròn của ba tôi. Cứ vậy đến hết đời. Ba tôi là một hình mẫu đúng nghĩa của người đàn ông có thể xứ lý mọi chuyện. Tuy là một viên chức, nhưng giọng của ông đủ to để nhiều người phải lắng nghe. Hàng năm, có hơn mười dịp để người ta tìm đến nhà tôi. Thật ra họ cũng chỉ muốn gặp ba tôi để tỏ tấm lòng thành cùng những món quà. Tôi chẳng quan tâm nhiều đến những phong bao dày xanh đỏ, nhưng tôi thật sự thích những cái đi kèm theo nó. Rượu. Hàng loạt thương hiệu rượu Âu, Á nổi tiếng cứ chất đống trên kệ rượu trong nhà mỗi năm. Ba tôi chẳng bao giờ động tới một giọt, mà nói thẳng ra thì ông không có thời gian để thưởng thức rượu nhà, dù đêm nào về ông cũng ngà ngà say. Mỗi khi má hỏi ông cách xử lý hàng chục chai rượu này, ba tôi chỉ cười : đời chẳng thứ gì cho không!
Hai bà chị của tôi cũng tốt nghiệp đại học, rồi cũng dễ dàng bỏ việc như lúc cả hai bất ngờ có việc nhanh chóng. Thật ra thì họ không đến nỗi ngốc nghếch để phải trầy trật như vậy. Khi mọi thứ đủ đầy và dễ dàng, thì ai lại dại dột xông pha vào chốn cùng cực. Hai tấm bằng đại học là quá đủ cho các bà chị của tôi, và ba tôi nữa. Tôi cũng chẳng thiết tha gì việc phải theo học đại học, dù ba tôi luôn ngày ngày nhẩm tính cho tôi trường này trường kia. Tôi đã nhiều lần nói với ba :”con sẽ học thứ con muốn”. Ba tôi ngay lập tức chứng tỏ bản lĩnh chinh chiến của mình bằng nụ cười trên gương mặt bình thản :”mày đang ở nhà tao. Mày phải làm theo điều tao muốn”. Ngày tôi tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc hai bà chị của tôi lần lượt theo chồng. Ba tôi về hưu. Còn tôi, tôi mặc kệ toan tính của ba mình. Tôi đi theo tiếng gọi của những nhãn rượu đủ sắc màu đã ám ảnh suốt cả quãng đời đã có của tôi. Mà nếu hiểu theo cách nào đó, thì quyết định của tôi cũng bắt nguồn từ ba tôi đó chứ!.
Dù ba đã về hưu, nhưng ông vẫn bận bịu cùng hàng loạt toan tính sau sự nghiệp của mình. Có lẽ điều đó cũng là sức mạnh riêng của nghiệp viên chức. Căn nhà bỗng trống vắng hơn kể từ lúc hai bà chị tôi sống cùng chồng ở nước ngoài. Tôi theo học hai năm nghề bartender, và cũng nhanh chóng thiết kế riêng một quầy bar khá đủ đầy ngay tại nhà. Tôi nhớ có có lần ba tôi nhìn quầy bar và khẽ nhếch mép cười. Những chai rượu đủ chủng loại trong quầy bar cá nhân của tôi, có lẽ không quá xa lạ với ba tôi, nó chỉ chệch hướng tính toán của ông.
Đã hơn một tháng nay tôi không gặp chị. Lần cuối cùng tôi gặp chị là khi chị cùng gã Smith ngồi âu yếm ngay quầy bar. Chị khoe với tôi rằng ngày hôm sau cả hai sẽ đi Thái Lan du lịch vài ngày. Tất nhiên tôi sẽ nở nụ cười đã được huấn luyện bài bản của mình để chúc cả hai có một chuyến đi vui vẻ. Như vậy, tôi hiểu cái quy trình của chị và của Smith đã vào guồng. Gặp gỡ, làm quen, mặn nồng, rồi đường ai nấy đi. Có thể những hoạt động kiểu ấy biết đâu không chỉ vận hành ở nơi tôi biết. Suy cho cùng, mọi thứ đều kết nối vào nhau như những bánh răng, để cho guồng quay nào đó hoạt động. Chẳng có điều gì tốt, cũng chẳng có điều gì xấu. Guồng quay nào cũng có mục đích riêng của nó. Tôi nghiệm ra điều này khi tôi pha chế ly Caipininha. Thứ cocktail này chỉ ngon nhất khi dùng loại rum Thoquino chính hiệu. Tuy nhiên, vì đây là loại rum khó kiếm, nên tôi được lệnh phải thay bằng rum Tondena. Thiên hạ vẫn ầm ầm thưởng thức Caipirinha và nức nở khen ngon. Tôi biết, nó vẫn ngon đấy, vì mấy ai lại dám nói điều trái ngược khi họ đang cần nhau, nhất là ở nơi danh tiếng như cái nhà hàng này. Vì thế, cái guồng quay của Caipirinha vẫn hoạt động cùng với những bánh răng của nó, và nó vẫn đủ tốt dù có Thoquino hay không. Miễn là có một công thức, thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Từ Thái Lan chị nhắn tin cho tôi rằng ly Caipirinha bên này không ngon như cách tôi thường làm cho chị. Tôi thả trái tim cảm ơn chị. Chị kể rằng, chị đưa hẳn công thức làm Caipirinha cho anh chàng bartender, và anh chàng này chỉ nhoẻn miệng cười bảo rằng, quầy bar của anh chỉ dùng Bacardi rum để thay thế cho Thoquino. Kết thúc lời tường thuật trên, chị nhắn lại câu hờ hững:”chị nhớ cưng rồi đó”. Tôi ngã người ra ghế, nhìn ngắm quầy bar cá nhân của mình và mỉm cười khi nghĩ về cuộc hội thoại ngắn ngủi với chị. Bằng cách nào mà một cô gái lấy thế mạnh nhan sắc làm lẽ sống như chị, lại có thể biết được sự khác nhau giữa ly Caipirinha không dùng Thoquino chứ? Tôi nhớ lại những lần nói chuyện với chị ngay quầy bar nhà hàng. Vẫn là trong những lúc chị đến trước để đợi gã Smith như bao lần. Chị kể rằng, ba chị đã sớm rời bỏ ngôi làng hẻo lánh xứ Cầu Kè xa xôi nào đó ở miền Tây, để chạy theo một bóng hình khác. Chị cũng chẳng biết mặt ba, nhất là sau nỗi hận thù còn lại của má, mỗi khi chị hỏi đến. Chị cứ lầm lũi lớn lên bên cạnh bà má đã già của mình. Rồi sau một trận say bí tỉ nơi bến phà, chị sực tỉnh giữa căn nhà hoang nào đó gần khu chợ tăm tối. Người chị trần truồng như nhộng. Vùng kia đau ê ẩm. Điều cuối cùng chị còn nhớ được là tiếng phà xình xịch ở khoảnh khắc cuối ngày. Đám thanh niên tứ xứ cùng buổi nhậu quên đời gần bến phà với chị, cũng đã rời đi, như đám lục bình rày đây mai đó. Chị định thần nhìn lại nơi mình đang hoang hoải. Bên cạnh đống quần áo tả tơi của chị đang nằm vương vãi nơi góc nhà, vẫn con chai rượu lăn lóc, lạnh lẽo. Chị biết, đêm qua nơi đây đã có những người rất vui.
Đứa con ra đời trong nỗi im lặng của má chị. Chị chẳng biết bà đã bị câm hay bà bắt đầu chẳng muốn nói thứ ngôn ngữ của giống người. Có lẽ, kiếp đời của bà đã nếm trải trọn vẹn những điều mà chẳng có người đàn bà nào mong muốn nhắc tới, nên bà cũng chẳng còn thiết tha chi lời lẽ. Giờ đến lượt chị, con gái bà. Chị không muốn mình mãi câm lặng như má. Làm sao chị có thể câm nín được khi nhìn đứa con gái đang lầm lũi lớn lên từng ngày, như mình trước kia, nhất là khi nó chợt hỏi :”cha con chết rồi hả má?”. Những chiếc phà vẫn ngày ngày rù rì, dìu dặt cùng cảnh đời cùng cực nơi mịt mù Cầu Kè. Chị kể, cứ mỗi chiều nhìn những con phà chạy qua lại trên sông, chị như muốn chạy trốn đi khi nỗi ám ảnh về cuộc nhậu quên đời ấy. Nhưng mặc khác, chính từng tiếng còi phà trầm đục nơi mờ mịt mỗi ngày, như đang cố thức tỉnh một chút lương tri sống còn nào đó từ sâu thẳm bên trong chị. Rồi đến một ngày, chị gửi con lại cho má, bước lên một chiếc phà, hướng về nơi mà cha chị đã quyết dứt áo ra đi.
Tôi chậm rãi đi đến quầy bar của riêng mình. Giờ này chắc má đã ngủ, hay bà đang trằn trọc chờ đợi ba tôi về. Đó có lẽ là hạnh phúc của má tôi? Tôi không chắc. Tôi chỉ chắc rằng, trên chiếc giường sang trọng của má tôi ấy, chính là nơi mà bà phải chứng tỏ thân phận của mình với ba tôi, bất chấp sớm muộn, hay lúc ông tỉnh táo hoặc đã ngà ngà say. Chiếc giường nào cũng vậy, nó thường là nơi mà ai đó luôn cố gắng quyết tâm làm đầy cho một thứ được gán tên là hạnh phúc. Tôi cầm chai Thoquino duy nhất mà mình có lên ngắm nhìn. Một vị khách quen người Brazil đã cất công tìm mua và tặng cho tôi sau chuyến bay vài chục tiếng từ Brazil về Tân Sơn Nhất. Trên nhãn chai vẫn còn dòng chữ ký dài ngoằn ngoèo của gã trung niên này. Có lẽ gã muốn tôi nhớ đến gã từ một chai rượu. Tôi chẳng ấn tượng gì về gã này, ngoài đôi bàn tay của gã luôn nắm chặt tay tôi mỗi khi tôi chìa ra cho gã ly Caipirinha. Những lúc như vậy, ánh mắt gã rất thiết tha khi nhìn tôi và đôi tay nham nhở của gã sẵn sàng nắm giữ hoặc ve vuốt thêm nữa trên cánh tay tôi. Từ đó, tôi hiểu thêm tại sao chị sợ bị uống say khi hỏi tôi về rượu. Tôi vẫn sẽ nhớ gã Brazil này vì chai rượu gã tặng tôi, cũng như gã sẽ nhớ đến tôi, một người sống nhờ rượu nhưng chẳng bao giờ uống, dù chỉ một giọt. Tôi nhìn ngắm chai Thoquino đẹp mắt, trong vắt trên tay mình. Giờ này chị đang làm gì với tên Smith ấy? Tôi ngần ngừ trong phút giây thinh lặng. Đặt lại chai rượu lên kệ, tôi mở điện thoại, tìm đến tên của chị. Chấm xanh cạnh tên chị đã tắt ngấm, tôi nhíu mày, gửi chị dòng tin nhắn :”em cũng rất nhớ chị!”
Tôi vẫn ngày ngày bình thản nơi quầy bar giang sơn của mình ở nhà hàng. Bình thản? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết mình luôn ngóng nhìn ra cửa nhà hàng lúc khách vào. Chẳng có chiếc xe màu đen, bóng loáng nào của gã Smith trờ tới cả. Hàng đêm, vẫn còn đó những cô gái khác, sặc sỡ trong những bộ đồ hiệu cùng bộ ngực nóng hổi, ngồi nơi quầy bar này. Họ thưởng thức những ly Caipirinha cùng đối tác của mình. Họ vẫn khen ngợi ly cocktail mà tôi pha chế cho họ. Gã Brazil trung niên vẫn đến, cùng một gã trai khác nhu mì hơn tôi. Họ ngồi nơi quầy bar này cho buổi khai vị, và gã trai ấy cũng khen ly Caipirinha tôi pha nồng nhiệt. Duy chỉ gã trung niên Brazil là nhìn tôi khó chịu, vì gã biết ly Caipirinha của gã không được dùng rum Thoquino. Gã nhếch nhìn tôi với ánh mắt hậm hực của kẻ thua cuộc, rồi nhanh chóng đồng ý trước sự tán thưởng ly cocktail từ đối tác của gã. Tôi bình thản trong xó xỉnh quen thuộc, trước mọi guồng quay vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh mình. Tôi nhớ tin nhắn cuối cùng tôi gửi chị báo rằng đã xem. Nhưng chị vẫn không nhắn lại điều gì cả, dù chấm xanh bên cạnh tên chị vẫn rực sáng đêm ngày. Chị đang nghĩ gì về tôi? Một anh chàng bartender nơi phồn hoa luôn ngạo nghễ với vị trí của mình? Một cậu nhóc đứng nơi sang trọng nhìn ngó mọi thứ qua ánh mắt phân biệt? Hay chỉ lại là một gã trai khác thoát ẩn thoát hiện trong đời chị? Chị còn biết sự hiện diện của tôi không?
Cuối cùng, nhà hàng cũng phải đóng cửa vì dịch bệnh. Nhiều khách hàng tỏ ý tiếc rẻ vì phải tạm biệt một nơi quen thuộc. Nơi mang đến cho họ nhiều cơ hội từ những trải nghiệm thú vị. Những ngày cuối cùng trước khi nhà hàng đóng cửa, mọi thứ cứ tấp nập lên trước thời khắc chấm dứt những quy trình. Tôi vẫn không thấy chị quay lại cùng gã Smith. Dấu chấm xanh bên cạnh tên chị vẫn sáng, nhưng tuyệt nhiên chị không dành cho tôi một dòng gì như để biểu lộ, đáp lại câu nhớ nhung mà tôi đã gửi chị. Những ngày cặm cụi để kiểm kê rồi phủ vải che chắn mọi thứ trong quầy bar nhà hàng cho giai đoạn kết thúc, tôi cũng hiểu rằng, mình không thể nào là một bánh răng nào đó trong guồng quay của chị. Tôi không phải là Mr. Smith hay những gã tương tự như vậy mà chị tìm đến. Tôi lầm lũi cùng những công việc cuối cùng. Ít ra, cũng nhờ lý do dịch bệnh, mà tay tổng quản lý cũng vỗ về tôi bằng câu sao rỗng :”đừng buồn nữa em. Cười lên như được huấn luyện đi. Mọi thứ rồi sẽ qua”. Mọi thứ rồi sẽ qua. Có lẽ nó cũng giống như cách tôi và chị kết thúc với nhau.
Ba tôi vẫn vắng nhà như mọi bận, thậm chí còn nhiều hơn. Hôm qua, ba về nhà và khinh khỉnh nhìn quầy bar của tôi. Gần nửa tháng nay, tôi cũng chẳng xớ rớ gì đến quầy bar mà tôi yêu thích nữa. Mọi thứ đến một lúc nào đó phải có giai đoạn chuyển mùa. Tôi vẫn yêu những chai rượu, những thể loại cocktail mới lạ. Chỉ trừ lúc này. Lúc tôi đang cố tìm lại mình. Tôi chẳng biết mình còn nhớ chị hay không? Có lẽ tôi đang trong giai đoạn cách ly mọi thứ một chút, để tìm kiếm điều gì đó. Nhưng cụ thể, tôi chẳng biết mình tìm lại điều gì. Hoàn toàn trống rỗng. Hồi sáng má hớt hải báo tôi, rằng ba bị dị ứng sứa. Sứa? Ba ăn gỏi sứa và bị dị ứng! Tôi chẳng hiểu ba tôi làm gì ở những nơi có sứa, nhất là trong mùa dịch này? Tuy nhiên, tôi biết mình ngớ ngẩn khi tự hỏi điều gì đó về ba. Ba không muốn cho tôi hiểu ông, hay là tôi quá chìm đắm trong thế giới riêng, để đến nỗi chẳng để ý gì đến những người thân? Lúc sáng ba về, tôi thấy má lo lắng, điện hỏi lung tung cách chữa trị cho ba thoát khỏi cảnh ngứa ngáy vì dị ứng sứa. Tôi biết má lo, và có thể má vui nữa, bởi vì đó là cơ hội cho má được thể hiện đúng vai trò của mình. Suy cho cùng, ai cũng luôn muốn được thể hiện điều gì đó, dù là trong khoảnh khắc, để được có giá trị hơn thôi. Tôi nhớ lúc trưa khi má bước ra khỏi phòng ngủ, và bối rối, xấu hổ, khi nhìn thấy tôi đang lững thững bước lên lầu. Má chỉ quấn mỗi chiếc áo ngủ mỏng, nhàu nhĩ, đầu tóc rối bời. Những thanh âm của má trước đó trong cơn hùng hổ của ba, khiến má xấu hổ khi gặp tôi. Qua câu nói bâng quơ khi bà tưởng tôi vắng nhà, rồi vội đi nhanh vào toilet, tôi biết má đang hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc bất ngờ như phần thưởng mà ba ghi nhận, để thỉnh thoảng dành tặng má tôi. Không thể nói tôi không quan tâm đến ba má mình được. Ít ra, tôi cũng có để ý đến những buồn vui từ má tôi đó chứ?
Chị bất ngờ nhắn tin tôi. Chị hẹn gặp tôi nơi nhà chị. Đọc dòng tin chị gửi, tim tôi đập loạn xạ. Ba tôi lại vắng nhà. Má thì vẫn lủi thủi với phận mình trong căn nhà bề thế. Quầy bar tại gia của tôi thì vẫn im lìm nhìn tôi nơi góc tối. Mọi thứ đều có trật tự của nó, nhất là trong mùa cách ly này. Tin nhắn của chị bỗng dưng làm tôi thấy tất cả như xáo trộn lên. Có thể hiểu được tạo sao chị lại hẹn tôi đến nhà chị. Nhưng, chị đã nhắn cho tôi ngay lúc tôi nghĩ mọi thứ đã định đoạt tại vị trí nó ư?
Tôi khá bất ngờ khi bước đến nhà chị. Một căn nhà nhỏ nhắn, xinh đẹp và chẳng xa nhà hàng tôi làm là mấy. Tôi ấn chuông. Cánh cửa từ từ kéo vào. Chị đứng đó, trong bộ đầm trắng, nhìn tôi khẽ cười. Ngay khi tôi chưa kịp chào chị, thì chị đã kéo ghì tôi lại, ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm nhận mùi hương Lavender từ mái tóc chị, cùng bầu ngực no tròn, mềm mại đang ép chặt vào người tôi.
Khu phòng khách ấm cúng, đầy sách ngoại ngữ vứt lung tung và những thùng đồ.
– Chiều nay chị về lại Cầu Kè. Xong, kết thúc 10 năm bon chen
– Chị về quê? Đang cách ly mà chị? – tôi nhìn chị ngạc nhiên
Chị thong thả gọt ổi, nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười mà tôi không thể nào quên được
– Chị đã từng sống cùng những thứ tởm hơn dịch nữa kìa. Vả lại, hôm nay là hạn cuối của căn nhà này rồi. Smith chỉ trả hết tháng này thôi – chị bình thản gọt ổi, ráo hoảnh.
– Nè, tặng cưng. Khó kiếm lắm đó nha. – chị chìa bịch đồ về phía tôi
Tôi miễn cưỡng cầm bịch đồ mà mắt không thôi nhìn chị. Chị sẽ tiếp tục biến mất sau cuộc gặp với tôi.
– Chị và Smith chia tay rồi. Thằng đó về Mỹ vì sợ dịch. Nó bỏ chị một mình bên Thái. – chị bày ổi ra đĩa.
Tôi nhìn chị, và buộc miệng hỏi chị câu hỏi mà sau này tôi biết là ngu nhất trên đời.
– Chị có buồn không?
Chị ngẩng mặt nhìn tôi, rồi cười phá lên. Tôi thấy rõ bầu vú chị rung lên dưới cổ áo rộng. Lại kiểu cười này.
– Buồn? Cưng nghĩ chị buồn hả? – Chị nhìn xoáy vào tôi..Tôi cảm thấy bối rối
– Làm sao chị dám buồn khi đây là cách chị chọn chứ?- giọng chị chùng xuống
– Cưng biết ba điều sợ hãi nhất của chị là gì không? – chị chẳng thèm nhìn tôi. Chị ngã người ra ghế, nhìn về bức tranh rối rắm gì đó trên đầu tôi
– Chị sợ má chị, nhất là khi má tự dưng bị câm. Chị sợ con gái sẽ giống như chị ở khu bến phà cùng bà câm ấy. – chị chồm người, mồi điều thuốc
– Còn điều thứ ba? – tôi nhìn ngón tay sành điệu của chị cùng đốm lửa đang mồi điếu Salem
– Những trần nhà!
– Những trần nhà? – tôi nhìn chị chằm chằm
– Ừ…đàn ông tụi em chẳng ai nhìn thấy những cái như trần nhà khi làm tình đâu! Những lúc như vậy, họ chỉ nghĩ, chỉ nhìn về cái mình muốn. Họ chẳng nhìn ra được những điều khác – chị phà một hơi thuốc về phía tôi..
– Chị kể em nghe bí mật của chị. Đã từ lâu, chị quyết không làm người tình cho đàn ông xứ mình nữa. Không phải vì những cái tệ của bọn họ đâu.- chị chợt ngừng lại, nhìn điều thuốc trên tay..ánh mắt chị thật xa xăm..
– mà vì chị sợ đến một lúc nào đó, người bên cạnh chị có thể là cha mình trước kia. Có thể chị là người chẳng ra gì. Nhưng nếu để chữa dứt điểm bệnh câm của má chị, và đủ sức để đưa má và con gái chị thoát khỏi cái bến phà đó tăm tối đó, chị quyết làm tất cả, miễn phần đời còn lại của họ bình an là chị ok
– Nhưng cưng biết không? – chị chợt vui lên
– vì chị quý cưng, nên tuần trước chị phá lệ để gặp gỡ một lão già xưa. Cưng biết vì sao không? Vì lão thường khoe nhà lão rượu gì cũng có, thậm chí lão còn có riêng một quầy bar ở nhà. – chị lại rít thuốc
– lão tặng chị chai rượu chị thách lão. Đổi lại, chị cùng lão về Vũng Tàu đổi gió mấy ngày..- chị ngừng nói, chỉ ngón tay về bịch quà bên cạnh tôi
Tôi lật đật thò tay vào bịch quà, rút nhẹ lên. Chai rượu. Thoquino, và hàng chữ ký ngoằn ngoèo quen thuộc đập vào ánh mắt run rẩy của tôi…
– Ông..ông ta tặng chị chai rượu này?- giọng tôi run run hỏi chị. Chị nhìn tôi phá lên cười
– Ừ..nhưng đời có gì cho không đâu em! Ai làm vợ tay này chắc trả nghiệp. Cho nên, em phải hiểu tình cảm chị dành cho em nghe chưa! Chị không quen biếu không tình cảm của mình cho người dưng đâu em trai.
Chị dụi điều thuốc, rồi móc điện thoại gọi hối tay tài xế nào đó chị thuê đến nhà chở đồ.
– chị về quê hẳn. Chữa bệnh cho má. Rồi lên thị xã tìm mua căn nhà để ba mẹ con ở cùng nhau. Có thể chị sẽ mở quán cơm để sống. Tạm biệt xứ Cầu Kè chó má đó mãi mãi..- chị vừa nói vừa lướt lướt điện thoại…
– Vũ nè!- chị nhìn tôi mỉm cười.
– Vũ?
– Dạ! Tôi như sực tỉnh. Chai rượu trong vắt, lành lạnh vẫn nằm trong tay.
– Ổn không cưng! – chị nhìn tôi lo lắng
– Dạ! Không sao. Em mừng cho chị…- tôi trả lời theo thói quen chuyên nghiệp
– Có Thoquino rồi. Em biểu diễn hai ly Caipirinha cuối cùng nhé, rồi chị em mình chia tay..
Tôi “dạ” lí nhí, rồi đứng dậy như người đang choáng váng, dù tôi chưa uống giọt Thoquino nào.
Tạ Tư Vũ
Bài viết liên quan: