Trong cái se lạnh cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên, tôi lạc vào khu rừng già như kẻ mộng du. Bầu trời chạng vạng, ánh hoàng hôn rớt xuống từng giọt hổ phách qua kẽ lá, nhuộm thảm đất đỏ một màu huyễn hoặc. Giữa màn sương mỏng tựa tấm voan của trời, những đóa hoa nghinh xuân bung nở từng chùm, từng lớp, trắng muốt như tuyết nhưng lại ấm áp như hơi thở của đất, lơ lửng trên những cành khẳng khiu, mỏng manh đến nỗi tưởng chạm vào là tan biến thành khói sương.
Cánh hoa mỏng tang, uốn cong như đôi môi chưa kịp cất lời, run rẩy trong làn gió thoảng. Mỗi bông hoa là một ngọn đèn nhỏ, phát sáng từ bên trong, làm bừng lên cả góc rừng tưởng chừng đã chìm vào bóng tối.
Tôi đứng lặng, tim đập thình thịch thổn thức như lần đầu nhìn thấy thiếu nữ. Rồi hương thơm ập đến mê đắm đến ngạt thở chừng như không phải mùi ngọt ngào của hoa lài, thơm gắt hơn, đắm hơn, như khói hương trầm len lỏi vào từng tế bào. Hương ấy dẫn lối, kéo tôi tiến sâu vào rừng, qua những thân cây già xù xì in hằn dấu thời gian, như thể cả khu rừng đang thở cùng nhịp với hoa.
Bỗng, một cơn gió ào qua. Cánh hoa rụng lả tả, bay lượn như đàn bướm trắng mù quáng, chạm vào da, mát rượi, để lại cảm giác như nước mắt ai đó vừa khô trên má. Tôi giật mình nhận ra: hoa nghinh xuân chỉ nở một lần trong năm, và khi rụng, chúng không chạm đất, chúng bốc hơi, tan vào không khí thành làn sương mờ ảo.
Đêm xuống, rừng Tây Nguyên chìm vào màn đen dày đặc, chỉ còn hoa nghinh xuân lập lòe như những vì sao lạc. Tôi ngồi bệt xuống gốc cây, lắng nghe tiếng thì thào của hoa, có phải chúng đang kể chuyện ngàn năm đất đỏ, hay gọi về ký ức của những mùa xuân xưa, khi người Tây Nguyên còn hát cầu mưa bên đống lửa? Hương hoa quyện với khói sương, đánh thức nỗi nhớ da diết như thương nhớ về một điều gì chưa từng thuộc về mình…
***
Tôi trở lại khu rừng ấy vào một ngày cuối đông, khi gió heo may vẫn còn vương vấn hơi thở của mùa khô cũ. Nhưng lần này, không phải để ngắm hoa, vì chẳng còn hoa nào để ngắm. Và đâu đó, trong cái tĩnh lặng của rừng, tôi nghe thấy tiếng thở dài trầm lạnh.
Những kẻ săn hoa đã đến. Họ xé nát màn đêm bằng đèn pin chói lòa, giẫm đạp lên lớp thảm mục đang ôm ấp hạt mầm. Những chiếc móc sắt, lưỡi dao, bao tải nilon, công cụ của sự tận diệt, vung lên không thương tiếc. Hoa nghinh xuân, thứ ánh sáng mỏng manh từng thức tỉnh lòng người, giờ bị bứt khỏi cành như những linh hồn bị giật khỏi thể xác. Tôi chứng kiến cảnh họ chất đầy hoa lên xe bán tải, cười nói xôn xao về thứ “vàng trắng” sẽ được bán với giá cắt cổ. Mùi nhựa cây hòa lẫn mùi mồ hôi vụ lợi, xua tan cả hương thơm mê đắm ngày nào.
Rừng chết từng ngày… Những cây xanh bị đốn hạ để lấy đường cho xe xuyên rừng. Dòng suối trong veo giờ đục ngầu bùn đất, lăn tăn như nỗi oán hận. Đàn chim chao liệng trên cao, tiếng kêu thảng thốt như tiếng trẻ lạc mẹ. Và hoa nghinh xuân, thứ tôi từng tưởng là bất tử trong sương khói đã biến mất từ bao giờ.
Một buổi chiều, lần theo vết bánh xe in hằn trên đất, đến một bãi đất trống cuối rừng, tôi cúi xuống nhặt một cánh hoa còn sót, vỡ vụn trong tay, thổn thức như tiếng khóc tắc nghẹn. Bỗng, từ đâu vọng về tiếng hát của một phụ nữ già người Êđê, khàn đục, ngân nga bài ca cầu mưa xưa cũ. Bà bước ra từ lùm cây, đôi mắt đục mờ nhìn về phía tôi: “Chúng nó giết mùa xuân rồi, con ạ, không còn hương thơm dẫn lối tổ tiên…”
Đêm đó, tôi nằm giữa rừng, cố tìm lại cảm giác huyền ảo một thời. Nhưng bóng tối giờ đặc quánh, không một ánh sáng lập lòe. Gió rít qua kẽ lá như lời nguyền rủa. Bỗng, tôi ngửi thấy thoáng hương hoa nghinh xuân nồng nặc, đắng chát như linh hồn hoa hòa vào sương độc. Tôi đứng dậy, đi như người mất hồn, dấu chân in trên lớp đất khô cằn. Và kìa, trong khoảnh khắc này, tôi thấy những bóng hoa mờ ảo hiện lên, cánh trắng tái nhợt, lơ lửng. Chúng bay vòng quanh tôi, rồi bỗng tụ lại thành một vệt sáng dài, vẽ lên hình ảnh khu rừng năm xưa rực rỡ, đầy sức sống. Nhưng chỉ một giây sau, tất cả vụn tan.
Sáng hôm sau, tôi gặp một đứa bé đi bắt cá đang nhặt nhạnh cành hoa khô ven suối, nói: “Người thành phố đến, họ bảo hoa nghinh xuân chỉ dành cho khách giàu.”
Tôi bật cười đắng chát. Cái đẹp giờ đây đã thành thứ hào nhoáng nhuốm mùi tiền, còn ký ức về mùa xuân chân thật chỉ còn là bóng ảo.
Tôi rời đi khi mặt trời lên cao, bỏ lại sau lưng khu rừng thương nhớ. Trong túi áo, một nắm đất đỏ khô cằn, thứ duy nhất còn sót lại của mùa xuân ngày ấy. Và đâu đây, như vọng về từ cõi u minh, mùi hương ám ảnh của hoa nghinh xuân vẫn quyện trong gió, vừa như lời tạm biệt, vừa như tiếng gọi đòi nợ của thiên nhiên…
***
Người ta bảo rừng đã chết, nhưng tôi vẫn mang theo một niềm tin mù quáng rừng và hoa nghinh xuân sẽ hồi sinh. Bởi tôi đã mơ thấy chúng. Trong giấc mơ, những đóa hoa trắng muốt hiện lên từ lòng đất nứt nẻ, vươn mình qua lớp tro tàn, thì thầm: “Hãy trả lại cho rừng giấc ngủ của những hạt mầm.”
Tôi tìm đến già làng Êđê, người duy nhất còn nhớ bài thuốc gọi hồn hoa. Căn nhà dài của ông chìm trong khói bếp, mùi rễ cây lạ phảng phất như lời cầu khẩn. Già làng run run đổ một nắm hạt giống đen bóng vào lòng tôi: “Hạt này đã ngủ suốt 73 mùa rẫy, chỉ nảy mầm khi trái tim rừng đập lại. Nhưng muốn thế, phải đánh thức được linh hồn đất.” Tôi cầm hạt giống, cảm giác nóng rực như cầm viên than cháy âm ỉ.
Đêm ấy, già làng dẫn tôi vào trung tâm khu rừng cằn cỗi. Chúng tôi đi qua những gốc cây trơ rễ, qua dòng suối đầy rác phát sáng ma quái, đến một bãi đất trống nơi còn vài xác hoa nghinh xuân rơi rớt. Già làng đốt lửa bằng lá cây thiêng, lửa cháy sáng như con mắt hổ, khói xanh cuồn cuộn vẽ lên không trung hình những đóa hoa biến mất. Ông hát, một thứ ngôn ngữ cổ xưa, tiếng hát rạn vỡ như tiếng đất vỡ òa. Tôi bỏ những hạt giống vào miệng, nhai cùng nước mắt, rồi phun chúng xuống đất. Máu từ lưỡi tôi thấm vào hạt, thứ máu của kẻ ngoại lai mang nỗi tiếc nuối khôn cùng.
Bỗng, mặt đất rùng mình. Từ những kẽ nứt, rễ cây bò ra như rắn, quấn lấy chân chúng tôi. Không khí vỡ òa mùi hương nghinh xuân đắm say. Những mầm cây đen nhánh nhú lên, lớn nhanh trong chớp mắt, vặn xoắn thành những thân cây kỳ dị. Rồi từ các cành cây, hoa nghinh xuân nở rộ, nhưng không còn trắng tinh khiết. Chúng đỏ như máu, tỏa ánh sáng tím ngắt, cánh hoa xé rách toang toác như vết thương. Cả khu rừng rung chuyển trong làn gió, tiếng thì thầm như hàng ngàn linh hồn oán hận.
Già làng ngã quỵ, thở dốc: “Rừng đã sống dậy… nhưng bằng sự giận dữ!” Ông chỉ tay về phía những đóa hoa đỏ thẫm, chúng rụng xuống, chạm đất thành ánh sáng xanh lè của những vì sao vừa sinh ra. Tôi nghe tiếng hoa nghinh xuân hét lên chói tai, xé toạc màn đêm. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy bóng những kẻ săn hoa năm xưa hiện ra, quằn quại trong đóm sáng của mắt hổ, miệng há hốc không thành tiếng.
Khi bình minh ló dạng, những mầm xanh nhú lên. Hoa nghinh xuân trắng tinh khiết như xưa đung đưa trong gió. Chúng mỏng manh hơn, trong suốt như thủy tinh, mỗi cánh hoa phản chiếu hình ảnh khu rừng quá khứ. Già làng cười khằng khặc: “Rừng đã tự cứu mình… bằng cách hủy diệt để tái sinh!” Ông gục xuống, hóa thành cây nấm đất, rễ đâm sâu vào lòng đất đỏ.
Từ đó, hoa nghinh xuân chỉ nở vào đêm trăng mờ. Chúng không còn thuộc về thế giới thực tại mà là linh ảnh của rừng. Những kẻ săn hoa trở lại, nhưng tay họ xuyên qua cánh hoa như xuyên qua khói. Hương thơm của hoa giờ là thứ độc dược khiến ai ngửi phải đều thấy dày vò bởi ký ức về sự tàn phá. Còn tôi, mỗi lần chạm vào hoa, lại thấy hình ảnh già làng nhắc nhở: “Cái đẹp chỉ tồn tại khi con người biết quỳ xuống lắng nghe tiếng rên của đất.”
Mùa xuân năm nay, tôi đứng trên đồi cao nhìn xuống khu rừng mới xanh biếc nhưng lạnh lẽo. Những bóng hoa nghinh xuân ma mị vẫn lập lòe mỗi đêm, dẫn lối cho ai dám bước vào thế giới song song. Có lần, tôi thử trồng lại hạt giống nơi đất lành, nhưng chúng không nảy mầm. Một đứa bé trong làng bảo tôi: “Hoa đã chuyển kiếp thành gió, thành mưa, thành tiếng thở dài của đá. Chừng nào con người còn tham lam, chừng ấy hoa chỉ sống được trong mơ.”
BÙI MINH VŨ
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: