Ngày mùng, tháng Ngâu làng Gạ như chõ xôi lớn. Mưa và sương om om, trăng trắng đục mờ giăng khắp. Đường làng lép nhép. Mùi hương thắp, mùi hóa mã tan trong không gian sũng hơi nước.
Xe máy nhả khói, tiếng giòn vang khắp đường làng.
Cả tuần nay đèn đường bật suốt ngày đêm. Mưa ẩm khiến những cây dại bên đường mọc tốt um. Đám cỏ mần trầu vươn cuống hoa dài đu đưa. Không ai dọn cỏ tầm này – mọi người ngầm hiểu. Cửa ngục đã mở, đám cô hồn, ma đói đã lên đến trần gian. Chúng sẽ đậu ở rặng cây, bụi cỏ ngóng bố thí, dại gì mà dây vào chúng.
Làng Gạ giàu có tiếng từ xưa đến nay.
Làng ven đô, đồng làng bờ xôi ruộng mật. Nước tháo vào đến ruộng chả phải lo đi tát bao giờ. Đồng làng nào úng thì cứ hứng nước sau mưa, chứ đồng làng Gạ tạnh mưa, giữ đủ nước là tháo đi cả. Chỉ mấy tháng xen canh, những chân ruộng màu làng Gạ thu hoạch cũng đủ cho nhà khéo gối vụ ăn Tết. Đã thế, làng Gạ lại có nghề phụ danh tiếng, đó là nghề dệt lĩnh, sau này là dệt vải, dệt len xuất đi châu Âu.
Xưa, người giàu và dân sành sỏi ở kinh thành thường phải nhắm cho được những tấm vải dệt từ làng Gạ về may xống áo. Đám cất buôn vải vóc ở chợ Đồng Xuân đi các tỉnh thì chẳng lạ gì những ông chủ có máu mặt người làng Gạ có nhà mặt phố nội đô.
Người làng Gạ có đi làm ăn chân trời góc bể nào thì cũng vẫn giữ đất đai tiền tổ để lại. Hơn nữa họ cũng không muốn lấy vợ, lấy chồng người ngoài làng. Vẫn là cách nghĩ, chẳng gì bằng người làng biết tỏ tông ti họ hàng hợp với cách nghĩ’’ lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống’’ như các cụ dạy. Ngay cả sau này, cánh đi học, thoát ly nhiều và nghề tằm tang xưa, nghề dệt đũi, dệt lĩnh đã thất truyền, người làng đã dệt vải, dệt len trên máy móc hiện đại xuất đi châu Âu ùn ùn những công ten nơ thì đám lấy vợ, lấy chồng người thiên hạ vẫn không nhiều.
Ngày mùng, đúng tầm giờ ăn sáng thì giời đổ mưa xối xả. Quán cháo lòng nhà cả Hoành dưới gốc đa đầu làng phải phủ bạt để đấy. Kể cả cánh đi ô tô cũng ngại cảnh đầu ráo, áo ướt ngồi ăn, nên chủ hàng hẵng gượm là phải.
Người đói bụng không chờ được tạnh mưa thì chọn món khác xơi, chứ món này là cứ phải nhâm nhi từng miếng giòn, miếng bùi, điểm cái lá húng chấm vào bát nước mắm cay mới thấy hết vị ngon. Mà không ăn hôm nay thì ăn ngày mai vì quán cả Hoành chả ngày nào nghỉ và bán đến 30 tết, lo gì.
Tạnh mưa, làng Gạ bốc ngùn ngụt mùi và khói. Mùi của đêm ngưng lại. Mùi của hương người làng thắp tuần sáng. Mùi khói xăng xe bị sương sớm bọc lấy. Mùi đậm đặc, hỗn tạp và lộ vị tanh tao nhất là xung quanh quán cháo lòng của nhà cả Hoành.
Tất cả tạo nên một mùi âm khí non non mà người ta không muốn thừa nhận.
Người làng Gạ luôn thế – tự tin và kiêu ngạo. Người làng bên thường gọi đặc tính này là ‘’ Khoảnh’’. Cũng đúng thôi, người làng Gạ hiểu biết, giàu có, đi đó đi đây, ăn mòn bát thiên hạ thì ‘’khoảnh’’ cũng là phải.
Ngớt mưa, dỡ bạt là lão cả Hoành đã tay nem, tay trạo đứng bếp ngay. Ánh đèn vàng, đèn trắng sáng trưng bật lên làm lộ rõ sự háu đói của thực khách. Mùi rượu trắng, rau thơm quện nhau, sộc lên tạo ra một mùi dương khí sống sượng. Nhưng rõ là hơn đứt cái mùi ủ ê ban nãy, khi mà lòng chưa chần, khách chưa tợp ngụm rượu cho thơm mồm.
Rượu vào lời ra – đương nhiên. Dẫu có khách chỉ cúi đầu ăn nhanh cho xong bát cháo. Nhưng phần lớn khách gọi đĩa thập cẩm nhâm nhi. Có bà già cũng chống gậy đi ăn bát cháo tiết, thay vì ra chợ ăn quà. Người lại thèm miếng dồi mà gọi bát cháo nhỏ… Mỗi người một khẩu vị.
Lão cả Hoành chỉ được chậm tay thái khi mấy ngăn tủ kính bầy lòng của lão đã hết hàng đến nơi.
Người làng ai có việc nấy, còn đám co chân lên ghế ngồi nán lại lớn tiếng kia cũng không hẳn là bọn vô công rỗi nghề đâu. Họ chính là những ông chủ. Chủ của những dàn máy dệt tiền tỷ mỗi máy. Có xưởng đến 30 máy. Đương nhiên người làng làm không xuể thì người làng bên, người trong huyện dắt díu nhau về làm thuê. Sáng nào cánh làm thuê cũng đi giăng khắp ngõ làng, vào xưởng để xe chật sân. Những người trong làng không có lực thì lẳng lặng cất một vài tỉ bù tiền đất nông nghiệp vào ngân hàng tích góp lãi và đi làm thuê cho các ông chủ này.
Làng Gạ người nghèo nhất cũng có tiền tỉ là thế.
Khoảnh là phải.
Lộc không đi ăn lòng như phần đông người làng, mà đạp xe ra hướng chợ. Dù thời sinh viên nó đưa bạn bè nghệ sỹ như nó về ăn quán này suốt. Cho đến khi đi làm Lộc vẫn đưa khách và cả đối tác về ăn và từng khoe đặc sản làng rất tự hào.
Lộc con trai đầu nhà ông cả Phúc không theo nghề này, dẫu khi làng hết nghề tằm tang ông cả Phúc đã có dàn 5 máy dệt len thay thế rất nhanh. Ông là kỹ sư, lại có mối quan hệ rộng, mối hàng dệt len đi châu Âu những ngày đầu là từ anh em nhà ông. Nhưng Lộc không theo nghiệp nhà mà chọn học trường Kiến Trúc, mộng làm kiến trúc sư. Thọ là em, học về máy tính. Ông Phúc thấy mình đã già, các con lại không nối nghiệp đã sớm nhượng lại cho chú em, rút vốn êm. Giờ xưởng của ông Thiện em trai ông đã lên đến 20 máy dệt, vẫn là hạng nhất trong làng, nên cũng không có gì phải tiếc.
Lộc học Kiến Trúc yêu và lấy người thiên hạ, nên gia đình ông cả Phúc dần dà cũng xa nghề hơn.
Những tưởng vợ Lộc học sư phạm sẽ theo nghề giáo, nhưng không ngờ nó lại đi làm phóng viên. Lấy nhau về làng, cung cách con bé kia ríu rít cũng khác. Lộc là kiến trúc sư, là nghệ sỹ say mê là phải. Nhất lại làm phóng viên, đi đây đi đó, hơn đứt đám gái làng chỉ biết chúi mũi vào việc.
Vợ Lộc mắc chậm muộn, mãi chẳng có con. Tiền của làm ra từ vẽ vời, báo chí được bao nhiêu không biết, chỉ thấy ông bà Phúc thương con dốc lòng, dốc hầu bao cho con dâu chạy chữa.
Phúc nhà bà lớn, ông bà có cháu nội đầu lòng sau ngót 10 năm vợ Lộc thuốc thang. Ông bà vui một thì Lộc vui 10, rong con gái đi chơi khắp xóm, dù vợ Lộc kỹ tính chẳng muốn con bé chơi chỗ đông người tụ tập hoặc chợ búa. Chuyện này làm em dâu bà Phúc bực bội kể oang oang:
- Gớm, nhà nó sang đến đâu, choen hoẻn dưới Hải Phòng, có bằng góc nhà anh chị tôi không? Giỏi thì kiếm tiền đi. Ở nhà chồng, sẵn nong né, ngửa tay cậy nhờ bao năm, giờ có mụn con, lại lên mặt.
Lộc bớt cho con đi chơi hơn. Nhưng người làng thấy lạ là gần đây Lộc không đi làm nữa thì phải. Tóc tai để dài, buộc túm, mặc bộ nâu sòng, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà trông con.
Nhà ông cả Phúc vẫn kín như bưng. Mấy ai muốn nói ra những chuyện thế này.
Mâm nhậu vẫn đủ người như mọi ngày. Tiếng rít thuốc lào rền vang, cái điếu cày chuyền tay mọi người. Sau mỗi cú rít, ai nấy đều ngửa mặt lên giời mà nhả khói. Như thể họ muốn thắng thứ mù loãng nhiều hơi ẩm của những ngày đầu Thu. Thứ âm khí của những ngày chuyển mùa bố thí lại thêm thứ mùi khen khét, khai khai trần thế.
Ni sư lượn vè vè xe máy đi chợ về, mấy người nhìn theo dáng. Một người cầm đũa lên địn gắp miếng gan, nghĩ thế nào lại thôi, cho nốt chân kia lên cái ghế băng thấp, ngồi xổm chồm hỗm mà rằng:
- Sư sãi điều về chùa, làm hỏng người làng này. Con em nó đủ lông cánh thế là bán xới.
- Ông nói thế nào? Người ta tu hành, đấy là nặng nghiệp, phải trả nghiệp – Người đối diện đáp lời.
- Giống này có mà tu hú, chưa bắt được theo giai tận tay thì phải chịu. Từng ý năm người làng cung tiến cho chùa, chị em nó làm được gì cho chùa làng mình. Con em khi đủ các mối quan hệ với quan chức và cuỗm được tiền chùa thì phá giới vào Nam học đại học.
- Mấy năm đi tu bằng cả nhà mình vục mặt làm bao năm. Chưa kể ế hàng, bán tháo vốn.
- Con này phải đuổi, vì nó mà ô uế cửa chùa. Chùa nhà nó à mà nó ban phát cho người làng vào lễ Phật.
- Cũng tại đám vãi mông muội và đám phật tử nửa mùa dung túng nó. Giờ trong nhà cũng kẻ bênh, người đuổi, có hôm bữa ăn mà cãi vã như ngoài chợ.
Không khí ắng đi. Miếng dồi vỡ trên đĩa nguội lạnh, buồn thiu. Một người lại cầm điếu lên, thông mãi vẫn chưa buồn bỏ vào đấy viên thuốc lào đã vê chặt.
- Còn chuyện hội làng nữa, nhỏ to thế nào cũng là lòng thành lễ thánh. Ai đời lễ thánh, rước ngài phải theo sự chỉ đạo của người ngoài.
- Là bên chính quyền quy định, ông lại nói thế – Một người nói lại.
- Dân đóng góp, tổ chức, các bố nhảy vào ngồi mâm trên, chỉ đạo cái gì? Các ông biết tế lễ, sớ văn à?
- Để xã, dân còn có quyền. Đưa người ở đâu về biết gì luật lệ, hương ước của làng mà đòi chỉ đạo.
- Chính quyền này nó thế, cãi có mà đi tù…
Mùi rượu lan ra, vì ai cũng muốn nói. Muốn nói hết nỗi bức xúc trong mình.
Ông cả Hoành ăn sáng bên trong, kệ mấy mâm này muốn ngồi đến bao giờ thì ngồi, bởi ông quá hiểu đặc tính họ. Đám có tiền này vui, chứ phải cái loại ăn tục nói phét, vợ nuôi bằng tiền làm thuê thì ông cũng nhắc khéo cho mà về.
Lộc đi chợ về, tay cầm bó hoa cúc. Ông Thiện thoáng trông thấy cháu mình gọi ời ời và đưa tay vẫy:
- Lộc vào đây làm chén rượu, chú kiếm chén sạch cho.
Lộc nhoẻn cười ngây ngây:
- Cháu ăn chay chú ạ.
- Thì uống chén rượu gạo, chứ cả làng ai chẳng biết mày chay tịnh.
- Thế dạo này kiến trúc sư còn nhớ gì không để mà vẽ, hay chữ thầy giả thầy hết rồi, chỉ mải tụng niệm, tu thân. Mày rõ là…– Một người trong bàn rượu tợp chén rượu kêu chít một cái rồi nói.
Lộc sợ bị hỏi dồn, ngó trước sau, nhân lúc mọi người hướng mắt đến người mới đang đi xe máy lại vội vã chuồn ngay. Người mới xuất hiện là Tứ – an ninh phường.
- Tứ, Tứ vội gì làm chén rượu đã.
Tứ phanh kít xe ngay bàn cháo lòng đã vãn tươi cười. Người đàn ông đẹp trai lồng lộng, đàn bà con gái có mà tâm hồn inoc mới không mê. Người cao 183, vạm vỡ, mặc bộ lính quần túi hộp, áo cộc tay sơ vin, chân đi giày đinh. Trong Tứ có đầy đủ phẩm chất của một người tin cậy được vì nét đẹp trai, hài hòa, lại có nét lãng tử tài hoa. Chưa hết, cách ăn mặc của Tứ lại phong trần, với độ tuổi sau 35, Tứ hẳn đã từng trải.
- Các anh gọi thì em vào thôi, đang đi làm, ai dám uống – Tứ đáp lại thịnh tình của mọi người nhã nhặn.
- Ôi dào! Trong xóm ngoài làng cả, ai phạt mày, gọi anh.
- Chấp gì lũ sếp mày. Mày đẹp trai, to khỏe, đẹp trai thế này mà hầu chúng nó, phí chú em ạ.
- Ông cứ nói, đâu cũng là việc, có nó người làng, chứ không để mấy thằng thiên hạ về nó ăn hiếp người làng à?
- Thôi nào! Uống đi.
Tứ cầm chén rượu sóng sánh từ tay người đàn ông ngồi cạnh. Tứ uống cũng nhã nhặn. Dường như sợ mọi người ép thêm, Tứ vội vã cáo lui.
Đám rượu chưa tàn cuộc thì Dũng công an phường đi qua. Không ai bảo ai, nhưng cũng không ai gọi Dũng, dù mọi người đã tiến sang bàn nước chè. Nhưng Dũng cũng là nhân vật để câu chuyện tiếp tục rôm rả:
- Thằng Dũng sống nhờ vợ, lương chắc chỉ đủ ăn sáng, đổ xăng xe.
- Vợ nó xấu người nhưng buôn bán giỏi. Kinh tế nó vững lắm.
- Thằng này sẵn tiền buôn bán của vợ mà không ăn bẩn dễ lên cao đấy.
- Thằng này leo lẻo, thấy thậm thụt với con Bích chủ nhà nghỉ mạn Gò Cả cũng không biết thế nào.
…
Đứng bóng đến nơi, đám làm thuê đã tản mát, đứa về ăn cơm nhà, đứa kiếm quán cơm bình dân ăn qua bữa. Đứng máy dệt cần sức khỏe, kỹ thuật, tiền công cũng không đến nỗi nào nên đám công nhân cũng chi tiêu khá mạnh tay trong việc ăn uống. Mấy quán cơm bình dân, quán bún phở, cơm rang chẳng mấy mà chật cứng. Đám bán trà đá, nước ngọt cũng đã rộn ràng. Quán trà sữa, bánh trái đồ ăn vặt cũng bị vây kín bởi đám học sinh và mấy cô công nhân trẻ.
Từ cây đa chỗ quán cả Hoành cho đến chùa, đình, quán miếu, đến sắc diện người làng, cung cách người thiên hạ đến làm thuê, giấy má làng Gạ đã lên phường từ lâu thì tất cả vẫn hiện diện làng Gạ là một cái làng – làng cổ ven đô. Dấu tích khu ruộng phần trăm của làng không còn do nhu cầu nhà ở tăng cao người làng đã xây nhà kín khu ấy từ lâu. Cả lối sau làng ra nghĩa trang nhân dân xưa hoang vắng mà gần đây cũng đã kín nhà.
Đất làng Gạ đắt như vàng.
Con gái Lộc không bụ mà rói người, nhanh nhẹn, đúng 9 tháng đã lẫm chẫm bước đi. Ông bà Phúc già hơn nhiều, tóc ông dạo này đã bạc trắng. Lộc cũng đã nghỉ làm, ở nhà trông con bé, phụ giúp mẹ nấu cơm. Nghe đâu, vợ Lộc mới được cất nhắc lên chức. Đúng là thế gian mấy khi như rồng rồng được cả đôi. Người làng Gạ vẫn bảo Lộc thương con bé, hiếm muộn mãi mới có nó, chịu lùi một bước cho vợ tiến chứ giỏi giang như nó kiếm đâu chẳng được việc. Không thì sang làm thuê cho chú ruột cũng đủ ăn. Với lại nhà ông bà Phúc cũng còn dấn vốn, lo ăn như người ta đâu.
Lộc công khai tụng niệm, ăn chay trường, còn thân xác, nhưng xem ra sinh khí kém. Gầy đét, mắt trũng sâu, tóc rụng lơ thơ. Con bé cũng đã lớn, miệng ăn chân chạy và đã đi học lớp mẫu giáo tư thục bên khu đô thị, giống như các nhà có tiền trong làng vẫn cho con học bên đó.
Một ngày, vợ Lộc ngồi ở trường kỷ, ráo hoảnh với ông bà xin ra ở riêng. Nó không đả động gì đến con trai ông bà, chồng nó, bố của con bé. Ông bà Phúc biết việc đã hỏng, nên chỉ nói đủ, không thừa một lời. Nó xin thì cho đi. Con trai cả của ông bà cũng xin theo vợ. Vợ chồng nên ở cùng nhau, rồi tính sau.
Ông Phúc bước đầu chỉ nghĩ giản dị như thế.
Lộc dọn nhà theo vợ, cả làng Gạ đều biết thế. Người ủng hộ, bảo đi là đúng, vợ chồng hết giận làm lành. Người không ưa gì vợ Lộc nói: Bao năm chữa đẻ không sao, đến khi con hết sài đẹn thì dở chứng. Lộc phóng xe máy chở quần áo đi rồi ở riệt trên phố với vợ con. Nhà ông bà Phúc vắng teo, vì thằng con út đang học đại học cũng đi tối ngày. Có về thì cũng ôm máy tính. Bà Phúc nhớ cháu thì gọi Lộc đem con về chơi, nhiều lần mẹ nó không về báo bận họp vì chuẩn bị ra phụ bản mới, mà nó đứng phụ trách. Lộc gầy rộc, bà Phúc gặng hỏi Lộc cũng chỉ bảo mất ngủ, không ngủ được càng tụng niệm, thiền, tìm tiền kiếp.
Ông bà Phúc không biết khuyên con thế nào, nó đã hơn 40 tuổi, bé bỏng gì nữa đâu.
Vợ Lộc có tài ăn nói, lại hay nói khác hẳn chồng. Trong cơ quan ai cũng bảo cờ vào tay chị là phất mạnh kiểu rồng gặp mây. Mà đúng thật, giữa bộ, bao người già giơ, có máu mặt sếp lại chọn chị. Hẳn là chọn mặt gửi vàng. Có thể sếp nhìn ra chị là gương mặt tiêu biểu, tiên phong của lớp kế cận, có kiến thức, táo bạo, nói là làm, biết tập hợp anh em làm việc theo nhóm, vì mục đích sáng tạo chứ thu nhập chỉ là thứ yếu.
Nắm bắt tinh thần ấy, chị sang sảng truyền đạt lại cho anh em, sẵn sàng dang tay đón nhận người có kiến thức và trả mức lương ưu đãi. Ấn phẩm mới này sẽ mang dấu ấn thời đại, là dấu mốc của sự đột phá. Cơ quan này, cụ thể trung tâm này là môi trường sáng tạo không giới hạn.
Lộc không biết làm gì hơn. Lộc hiểu vợ mình đang mơ và bay. 13 năm sống bên vợ, Lộc hiểu người đàn bà này. Nàng biết ém lẹm suy nghĩ thật của mình để bày tỏ cho được một ý định như mong muốn. Người đàn bà có thể thức trắng những đêm để đeo đuổi những sáng tạo không đầu, không cuối. Người tự tin nói rằng’’ Ở đây chúng tôi chỉ thiếu người làm, còn mọi việc đã có người lo cả’’. Người đàn bà luôn tự tin nghĩ rằng với trí tuệ, tài năng và sự khéo léo, tinh tế của mình thì việc gì qua tay nàng cũng thành công. Nàng là người sẵn sàng giả dối bất kỳ điều gì mà diễn đạt lại luôn như thật. Lộc biết, nhưng Lộc thương con bé, muốn ở cùng con.
Nàng mải mê sáng tạo, Lộc cũng say sưa tụng niệm trong căn nhà mà họ cùng chung tay gom góp tiền trong suốt những năm chung sống.
Nàng chán chồng, chán cuộc sống một màu tẻ nhạt của chồng. Trong khi nàng lo hàng núi việc của trung tâm, lo thu nhập cho anh em. Lo đối nội, đối ngoại thì Lộc chỉ lo thay nước, thay hoa tụng niệm, đến giờ thì đón con. Con ngồi vào bàn học hay con đi ngủ thì Lộc cũng cầm lên tay cuốn sách không ngoài những chủ đề quan tâm.
Câu chuyện của họ nhạt dần. Nàng nắm bàn tay khô lạnh của Lộc mà và tỏ rõ sự chông chênh trong mình. Nàng cần sống, cần yêu. Con bé cần đến những chân trời mới, cuộc sống đang hối hả chứ không chậm, mà đúng hơn là ngưng lại trong căn phòng này. Nàng thèm một sự cuồng nhiệt, tươi mới, rộn ràng không hẳn là trên giường mà là sự súc nạp năng lượng cho tâm hồn. Nàng sợ căn nhà cũ ở làng Gạ, sợ những người họ mạc giàu có, buôn bán giỏi, sợ con đường làng lớp nhớp mùa nồm. Nàng sợ khuôn phép, nề nếp mà ông bà Phúc mong muốn. Nàng sợ trở lại nơi ấy. Dẫu rằng nơi ấy nàng không phải đề phòng, trong lúc nàng thất vọng vì ngỡ mình không thể mang thai, bà Phúc đã nắm tay con dâu đưa hết số vàng ông bà tích lũy để dưỡng già để cho nàng chạy chữa, đi kích trứng, thụ thai.
Người nhà Lộc đã không hắt nàng đi, không biến nàng thành người đàn bà thất bại, cô độc. Lộc nhẫn nhịn mọi chuyện, miễn nàng vui vẻ không được bỏ cuộc. Lúc nào Lộc cũng nói lời khẳng định với vợ’’ Gắng lên, nhất định chúng mình sẽ có con’’. Khi con bé chào đời từ bụng người mẹ khác, nàng òa khóc nghĩ rằng không ai lôi nàng khỏi nếp nhà bà Phúc, ra khỏi đời Lộc được nữa.
Thế rồi, nàng chán Lộc. Nàng nói với Lộc điều đó. Lộc im lặng, không nói với ai nửa lời. 7 ngày sau anh bắt đầu tụng niệm, sám hối. Anh ước mong nàng sẽ nghĩ lại, thế thôi.
Và đến bây giờ Lộc vẫn làm việc đó. Nhưng nàng lại đề xuất ý kiến:
- Anh với em chia đôi cái nhà này. Anh thương em, thì hãy để em sống đúng với cảm xúc của mình. Đừng bắt em phải yêu anh – một tình yêu mang ơn.
Đêm trước rằm tháng 7, Lộc trở về làng Gạ.
Đêm chong chong. Ông bà Phúc không hỏi một lời, vì ông bà đã biết sớm muộn điều này cũng xảy ra. Bà thương cháu, khóc tấm tức. Thứ đàn bà giọng ráo hoảnh, câu khóc, câu cười sát cạnh nhau mà nói câu nào cũng trơn tru thế thì ai tin được.
Quán cháo nhà cả Hoành nay mát giời đông quá. Cả Hoành tính lấy thêm 2 bộ lòng mà cũng sạch bách tủ. Giấu cái cổ hũ phần mấy ông bợm rượu không lại bị mắng mất mặt. Cả Hoành nghĩ làm bát cháy cháo rồi thu dọn là vừa.
Giời đất lộ rõ bước chuyển mùa.
Có tiếng người tru lên như long giời, lở đất, người ta bước hết ra khỏi hiên nhà, người ta lao ra đường, nháo nhào hỏi nhau. Người chạy ngược, người chạy xuôi, không biết đâu mà lần. Mắt ai cũng long lên sòng sọc cùng linh cảm sự chẳng lành. Đi đâu? Về đâu? Hỏi ai? Tiếng xe rồ máy ròn vang vội vã lao đi chứ đám thanh niên không giằn lòng nghe ngóng mãi được.
Khói bốc lên phía xưởng nhà cả Khuynh. Tiếng kêu thất thanh cũng từ phía ấy. Một thanh niên vừa biết tin ngồi trên xe máy thở hồng hộc nói gấp gáp trong hoảng loạn:
- Anh Tứ đi đòi nợ thuê, bị người ta trộn nhựa thông với xăng đốt rồi.
- Bỏng nặng à?
- Không! Chết cháy rồi.
- Cứu làm sao?
- Cái thằng…
Người nghe, người vội vàng đi về phía khói bốc lên. Tứ phía phía người làng thuỳnh thuỵch chạy về phía ấy. Xe công an, xe cấp cứu đi cổng sau, lối nghĩa trang vào xưởng. Còi hú rền vang. Mặt ai cũng hoảng loạn, đánh nhau thì có, còn ra sự thế này thật chưa có bao giờ
Tứ đi đòi nợ thuê, chết thảm. Thân hình đen thui, quắt queo sũng nước, lọt thỏm trong manh chiếu phủ. Dù đã chăng dây cấm mà mọi người vẫn trực xô vào, khiến mấy chú bảo vệ phải cáu.
Chủ tịch phường loanh quanh ở đấy, nói không ra hơi. Tay Dũng công an phường luôn mồm nhắc bà con không bàn tán ồn ào, để công an tập trung công việc.
Vợ Tứ ngất lịm, mọi người xốc về nhà. Người làng Gạ bỏ việc vây lấy khu xưởng nhà Khuynh hóng tin.
Cán bộ pháp y mổ tại trận. Người đứng xem đông nghèn, mắt len lén, nhưng thỉnh thoảng lại rộ lên những phán đoán, tranh luận.
Xác Tứ được công an và người nhà đưa sang nhà xác bệnh viện. Mặt tay chủ tịch trắng bệch, bước lên xe công an đi cùng. Thằng Dũng vẫn ráo hoảnh nói với bà con về việc làm dại dột của Tứ. Đến lúc này bộ quần áo công an của Dũng vẫn rất phẳng phiu. Tay này chỉ được cái đỏm dáng.
Bí thư cùng nhóm cựu chiến binh, đứng một hồi ở hiện trường rồi cùng về ủy ban.
Cả làng Gạ chưa hết bàng hoàng, dù mạnh ai nấy nói, ai nghe đến đâu thì hay đến đấy.
- Chả tiền thì đừng, thằng Tứ biết nghĩ thế đã không chết thảm – Một bà chống nạnh nói, trong khi mọi người đang dịch chuyển dần giải tán.
Sương giăng khắp làng Gạ, người làm thuê về đi xe chầm chậm nghe ngóng, hỏi thăm đôi lời.
Làng Gạ chưa từng có cảnh thảm khốc thế này.
Tứ dân ngụ cư đời thứ 2. Tứ quá tự tin khi có sức mạnh cơ bắp. Tin người phe cánh dụng mình nói’’ dựng ai lên, hất ai xuống là ở mình’’. Người ta tâng bốc Tứ, xúi Tứ, vì Tứ không thuộc dòng họ nào trong làng Gạ. Người ta lại bảo Tứ công tâm – Tứ tin, Tứ tự tin.
Tứ chết thảm vì ỉ thế sức khỏe, Tứ làm việc đòi nợ thuê để thêm tiền nuôi vợ con mà thôi. Tứ đang ở phía thừa thắng. Có kẻ mượn tay giết Tứ hay không, hay chỉ thuần túy là con nợ túng quẫn ra tay.
Vợ Tứ còn quá trẻ, trẻ hơn vợ Lộc. Nhà tứ mãi rìa làng, lối ra nghĩa trang. Mấy bà mấy chị hội phụ nữ không về qua nhà lo cơm tối mà đi về phía nhà Tứ luôn.
…
Gần ngày rằm cả làng Gạ thơm mùi cỗ bàn, mùi nem rán, món xào và khói hương cúng lễ.
Chuông chùa làng Gạ ung ung trong tiết thu. Chẳng biết nhà sư thỉnh chuông hay mọi việc chỉ một tay chú tiểu làm. Đám trung niên e dè nhìn nhau chứ không mạnh dạn lên chùa lễ như các vãi và đội chấp táp. Những ngày này quán cả Hoành bán toàn hàng ngon, lại rẻ hơn ngày thường nên dù cỗ bàn bữa trưa thì sáng nay người ta vẫn phải ăn lòng. Cả Hoành tuyên bố, mua được rẻ, thì bán ra cũng rẻ, người làng cả, đi đâu mà thiệt. Lão cứ xởi lởi thế, mồi lại ngon, ai mà bỏ được. Hơn nữa, cúng lễ cũng không phải là việc của đàn ông. Nên cứ nhậu đến trưa về ăn cỗ là được.
Nay nhóm nhậu đã có người mặc áo khoác mỏng. Tháng Ngâu giời lúc nào cũng như dọa đổ sập mưa. Đôi quả đa chín rụng cũng khiến người yếu bóng vía giật mình. Đôi cái phễu cháo lá đa đổ lăn lóc dưới gốc đa này làm cho âm khí có phần dồi dào hơn những tháng ngày khác.
Lộc đi chợ về, nó lại bị gọi giật vào mâm rượu đang nồng hăng vị húng chó và mồ hôi đàn ông. Ông Thiện chỉ cái ghế, nhưng hình như Lộc hiểu không thể ngồi lại nên vẫn đứng trơ trơ. Ông lên giọng:
- Không uống thì cứ ngồi đây.
- Cháu xin phép về còn kịp giờ tụng kinh ạ – Lộc nói đủ nghe.
Một người trong mâm rượu nhìn xoáy vào mặt khiến Lộc bối rối và vội vã bước đi. Ông Thiện biết không giữ được cháu, nên cũng không nói thêm. Khi Lộc đi khuất người này mới lên tiếng:
- Thằng này mà lấy vợ làng thì còn hồn. Con kia xảo quệt, giọng xin xít toàn kim khí, mất cả chì lẫn chài.
Thấy cháu mình yếm thế, đường đường là một kiến trúc sư, con nhà có tiếng trong làng, có của, có tiền giờ không vợ, không con, tụng niệm, trốn tránh lẽ đời qua ngày ông Thiện thở dài đánh thượt rồi nói giọng nặng trĩu:
- Mẹ con nhà nó giờ như chim xổ lồng, cháu tôi yếu đuối, đâm ra khổ. Giờ lất phất thế này, con cái nó cũng xem thường.
- Ôi dồi! Qua đận này, mới hơn 40 tuổi, hết yêu tình cũ thì sang tình mới. Làng này chưa hết gái, ông yên tâm đi.
Mùi rượu lại sộc lên sau mấy cái chép miệng hơi to và đúng là nó cũng khiến cho không khí bớt trĩu nặng.
Thằng Tiến hớt hải phóng xe phanh kin kít ở quán cả Hoành, nó lao vào bàn rượu nói một lèo:
- Công an bắt vợ anh Dũng rồi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bắt ở nội thành.
- Thật không? Lắm chuyện quá! Nhà nó kinh tế vững lắm mà.
- Lừa đảo ông ơi! Một cái ô tô thế chấp vài người, đất đai cũng bay cả rồi.
Mọi người từ trong mấy ngõ đổ xô ra, mỗi người góp chuyện mỗi câu cuối cùng thì mọi người cũng hiểu ra nguồn tiền mà Dũng có để nay đi ô tô trắng, mai đi ô tô đen là từ nguồn lừa đảo mà ra.
Chưa bao giờ trong một khoảng thời gian không dài mà làng Gạ xảy ra lắm sự thế này, mà toàn sự việc tày đình. Người nói thế, người lại gạt phắt đi, bảo:
- Suy cho cùng thằng Tứ cũng chỉ là dân ngụ cư. Còn thằng Dũng chỉ là công an phường này chứ nó dây mơ gì đến làng mình mà nói.
Đến đây, lại có người lại đáp lời ngay:
- Thằng Lộc bỗng dở ông, dở thằng, vợ bỏ mà đến mức buông xuôi, ngồi tụng niệm, không chịu làm ăn gì, cậy nhờ cha mẹ già. Thằng em thì tốt nghiệp đại học xong ngồi bó gối chơi điện tử. Cửa nhà tối om cả ngày u ám. Ông bà Phúc 2 con trai mà cũng chẳng được nhờ. Người làng Gạ có sừng có mỏ đấy.
- Thằng Lộc không muốn bỏ vợ, vì nó thương đứa con. Chuyện nhà ý chưa đâu vào đâu thôi, nhà nào chẳng có chặng khó.
- Đàn bà đã bước chân đi, cấm kỳ trở lại – Một người nói giọng đanh đanh.
…
Mùa Ngâu trời chóng tối, chị em bấu vai nhau đi về.
Lâu lâu vợ Lộc không về làng Gạ. Đôi khi bà Phúc nấu canh xu hào giả cá lại nhắc con bé thích ăn xu hào nấu kiểu này. Mẹ nó theo bà cũng đã biết nấu. Người làng Gạ nấu canh cá thường hay cho củ xu hào vào, vừa ngọt nước lại thêm rau củ. Vợ Lộc nhiều khi kén ăn, sợ cá tanh, bà nấu xu hào không mà vẫn cho gia vị nấu cá là nghệ vàng, hành răm, mẹ con nó đều rất thích.
Bà cả Phúc nghĩ vẩn vơ và thương cháu, giờ con bé theo mẹ, xa mặt hẳn sẽ cách lòng, các cụ đã dạy rồi.
Mưa trắng trời, làng Gạ tối om. Ai cũng đoán đây là trận mưa cuối cùng của tháng Ngâu. Nhiều người mong nhanh chóng qua đi tháng cô hồn này để làm anh mạnh dạn, bớt kiêng khem, chả mấy mà hết năm. Hàng họ xuất đi, tiền nong thu về. Cứ chóng vóng cái tháng cô hồn này cũng mệt.
Đúng lúc mưa to, vợ Lộc đột ngột lái ô tô đưa con bé về làng Gạ. Xe vào tận sân, mẹ con vội vã xuống xe vào nhà, ông bà Phúc quá bất ngờ. Lộc đang thiền chạy xuống nghe vợ nói sắp phải đi công tác đột xuất nên gửi con bé về nhà nội với bố và ông bà. Lộc không tin, ông bà Phúc cũng không tin vì cung cách nói của con dâu hôm nay rất khác.
Con bé khóc giẫy khi phải xa mẹ. Mặt mẹ nó nhòe nước khi xa con. Bà Phúc linh cảm có biến lớn chứ không đơn giản.
Ba hôm sau có tin về đến làng Gạ, vợ Lộc dính líu đến một vụ án về truyền thông. Người thì bảo tạp chí ấy bé tí chứ có phải tờ báo lớn danh tiếng đâu, vợ Lộc đứng trưởng thật đấy nhưng trên nó còn sếp lớn hơn chịu trách nhiệm. Người lại bảo vợ Lộc chỉ là con tốt thí, bán thân chứ hay gì. Tốt đẹp đã chẳng ra nỗi này.
Bà cả Phúc và Lộc đã thừa nhận mẹ con bé đã bị bắt và đài báo đã đưa tin, có muốn giấu cũng chẳng được.
Ông cả Phúc nín lặng.
Thọ là em Lộc được chị dâu xin cho về tạp chí ấy dù trái ngành học, từ hôm chị dâu bị bắt đã tự nghỉ, chẳng xin phép ai. Phần vì tạp chí lục đục giải tán, phần vì trái ngành nghề, Lộc ở đấy cũng là núp bóng chị. Nay chị dâu bị bắt, cũng phải tính đường mới. Trong lúc Thọ lưỡng lự, tiếc rẻ chỗ làm thím nó đã nói oang oang chỗ quán cả Hoành:
- Con ý nó cho bùa mê hay sao mà anh chị tôi, cháu tôi tin nó. Thằng út cũng lại tin chị dâu xin việc cho, không chịu về lo xưởng, lo máy mà đòi đi làm báo cơ. Giờ thì báo cô đi tù. Khôn hồn thì về xưởng nhà làm, ăn lương kỹ thuật cao. Mong anh em nó mở mắt ra. Thương bác cả, hiểu hết mà chỉ vì tôn trọng các con không mạnh tay áp đặt nên giờ ra nông nỗi này.
Quán cháo lòng nhà cả Hoành vẫn đông, Lộc đèo con bé đi học rồi đạp xe hối hả đi chợ mua đồ lễ. Đám nhậu vừa xong tuần rượu đầu thấy Lộc bận chú nó cũng không muốn gọi. Lộc đảo mắt nhìn vào rồi đạp dấn cho nhanh, lộ ý tránh mặt. Mọi người trong mâm rượu đều thấy Lộc cả, họ cũng đều hiểu lòng ông Thiện.
Nâng chén lên miệng mấy lần mà ông Thiện không uống nổi, ông giằn chén xuống bàn thật mạnh. Mãi sau ông mới nói trong sự im lặng, chờ đợi của mọi người:
- Thằng Lộc nhà tôi bảo nó sẽ chờ vợ nó ra tù, còn lâu mới xử nhưng nghe thấy bảo tội này cỡ 12- đến 20 năm đấy.
Ắng lặng. Mãi sau vẫn chính ông nói:
- Người làng Gạ, có nề nếp, chẳng gây tội gì, toàn dân ngụ cư, dâu, rể, quan chức điều về phá làng.
Giọng ông Thiện rõ cay đắng.
Đồng làng Gạ đã không còn, những cánh đồng xung quanh cũng chẳng còn, đô thị hóa cả rồi. Nhà chọc trời cao ngất ngưởng chắn gió, chắn sóng điện thoại của người làng Gạ đã đành, người ta còn phá làng, phá chùa, phá nếp nhà người làng Gạ.
Hồi làng Gạ lên phường, người ta tính sáp nhập, chia cắt và ghép tên mới, nhưng người làng Gạ quyết giữ tên làng. Các bậc cao niên đem hết hương ước bản dịch hẳn hoi, rồi sắc phong đình làng đi khắp các cấp một niềm xin giữ tên Gạ. Các cụ còn mạnh mồm nếu các cấp chính quyền xóa tên làng Gạ, họ sẽ có cách. Thánh làng Gạ thiêng, chính quyền làm gì cũng phải giữ gốc cho làng, mới hợp lòng dân.
Và rồi, chính quyền phải nghe, làng Gạ, thành phường Gạ năm đó. Ranh giới làng Gạ với đô thị chính là ngòi Thanh Khê.
Những chén rượu chạm nhau khô khốc.
Mùi rau húng, mùi rượu vẫn sộc lên.
Chẳng mấy mà hết năm, ai chứ các ông chủ trong làng đã nhẩm tính được con số thu về, đồng lương công nhân, đồng thưởng, đồng mua sắm đầu tư.
Riêng Lộc lo đếm tháng, đếm năm, mong mẹ con bé sớm được trở về với bố hai bố con.
Người làng Gạ vốn thế, dẫu thiên hạ có bạc đến thế nào.
Nguyễn Thị Minh Hoa
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm