Gần đây câu chuyện một người mẹ bị “sốc” khi đọc cùng con cuốn sách cô giáo yêu cầu đọc “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” của nhà văn Ocean Vuong gây nóng trên mạng xã hội. Nhiều vấn đề tranh cãi được đặt ra nhưng thiết nghĩ, điều quan trọng nhất là cần nhìn lại việc đọc sách của trẻ em, nên làm gì khi trẻ đọc một tác phẩm “có vấn đề” cũng như hỗ trợ trẻ khi gặp những sản phẩm văn hóa, giải trí có khả năng tác động không tốt đến nhận thức và sự phát triển tinh thần nói chung.
Không có môi trường “vô trùng” cho việc đọc của trẻ
Thực tế cho thấy, cha mẹ cũng như thầy cô khó có thể kiểm soát những gì trẻ em đọc, xem, nghe, nhất là trẻ em trong độ tuổi mới lớn. Việc không biết con em mình đọc gì, nghĩ gì có thể gây tâm lí bất an với thầy cô và cha mẹ. Nỗi sợ trẻ bị “đầu độc” tinh thần và trách nhiệm bảo vệ trẻ đôi khi lấn át sự bình tĩnh của người lớn, làm dâng lên những con sóng tranh cãi về việc “cấm” trẻ đọc tác phẩm này hay tác phẩm khác.
Trong làn sóng của lo âu, căng thẳng nhân vật chính là trẻ em thường bị bỏ rơi, bị xếp ở phía bên lề. Cha mẹ, hay thầy cô cũng như dư luận chung bị hướng vào việc tranh luận: tác phẩm này nên đọc hay không? Tác phẩm gây hậu quả gì? Ai là người có lỗi? Nhưng ít khi người lớn đặt ra câu hỏi: “Con/trò thấy tác phẩm này thế nào? Con có ổn không?”.
Giữa “rừng” sách như thế này, rất cần có sự định hướng cho trẻ em trong việc chọn sách.
Nhà trường, gia đình và những nhà quản lí xã hội thường cố gắng tạo ra môi trường trong lành cho việc đọc của trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay có xu hướng độc lập, tự chủ trong việc lựa chọn những gì mà các em thấy cần và muốn đọc. Mạng Internet cùng khả năng thông thạo ngoại ngữ khiến các em tiếp cận với kho sách “khổng lồ” từ nhiều phía, nhiều luồng hết sức đa dạng. Trong kho sách ấy có những kiến thức quý giá nhưng cũng có thể xuất hiện cả “rác phẩm” độc hại.
Người lớn, cần chấp nhận và đối diện với việc: không có môi trường an toàn tuyệt đối cho việc đọc của trẻ em. Đó là điều nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Dù có mất bao nhiêu công sức hay tiền bạc, cũng không thể tạo nên một môi trường đọc vô trùng cho con em mình? Bắt đầu từ việc chấp nhận thực tại đó, có thể nhận diện và ứng xử với việc: cần làm gì khi trẻ đọc một tác phẩm có vấn đề?
Trở lại câu chuyện của người mẹ đã nói ở trên. Theo chia sẻ của chị, trước kì nghỉ lễ, cô giáo phát cho học sinh một cuốn sách để đọc. Người mẹ “hân hoan” vì đây là dịp hai mẹ con sẽ “được cùng nhau thảo luận một tác phẩm văn học hay”. Nhưng chị “bàng hoàng” khi đọc một số trang trong cuốn sách vì thấy nhiều trang viết khiến chị “đỏ mặt tía tai” dù chị đã ngoài 40. Chị “giận run cả người” vì thấy “bé con nhà tôi đang bị đầu độc về mặt tinh thần”, chị chất vấn tại sao một tác phẩm như thế lại được chọn để “dạy cho học sinh” trong trường học?
Nhưng trong những chia sẻ của người mẹ hoàn toàn thiếu vắng cảm xúc, suy nghĩ của người con (cô bé lớp 11, sắp chạm mốc của tuổi trưởng thành). Ở đây, cô bé là một người đọc độc lập, mà lẽ ra, người mẹ nên lắng nghe, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của em trước khi kết luận tác phẩm đã “đầu độc” chính em.
Câu chuyện mang tính chất cá nhân này hoàn toàn có thể tiêu biểu cho tâm trạng và suy nghĩ của nhiều cha mẹ khi thấy con em mình đọc hoặc xem những tác phẩm “có vấn đề”. Nhưng ngoài việc hướng trách nhiệm cho thầy cô, nhà trường, đôi khi cha mẹ thường bế tắc vì không biết nên làm gì, giải quyết vấn đề ra sao? Vấn đề chỉ có thể được giải quyết nếu nhìn nhận từ hai phía.
Trường hợp quả bom căng thẳng: tức là cả con và mẹ đều xúc động mạnh và chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ tác phẩm. Trong trường hợp này, hai mẹ con có thể ngồi xuống cùng nói ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình để “tháo ngòi”. Nếu nhận thấy cuốn sách thực sự không đáng đọc, cả hai sẽ quyết định giải pháp: hoặc không đọc tiếp, loại bỏ khỏi danh sách đọc và có ý kiến với cô giáo, nhà trường, hoặc tìm kiếm thêm thông tin về cuốn sách từ những nhà chuyên môn để rộng mở hơn trong cái nhìn về tác phẩm. Chia sẻ, thảo luận thẳng thắn, bình đẳng là cách thức tốt nhất khi gặp tác phẩm “có vấn đề”.
Trường hợp, không phải tôi: tức trẻ đọc như một câu chuyện bên ngoài mình, chỉ chứng kiến và không liên quan. Trong trường hợp này người mẹ có thể đặt câu hỏi: Con ổn không? Con thấy thế nào? Khi nhận được câu trả lời từ con, mẹ sẽ yên tâm, ngoài ra, người mẹ còn có thể chia sẻ với con nỗi xúc động của mình, nhờ con làm “điểm tựa” cho mẹ.
Một trường hợp: con không giống mẹ, tức là người con có cái nhìn trái ngược với mẹ, em phát hiện ra vẻ đẹp, giá trị độc đáo từ tác phẩm. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi mỗi thế hệ đều có kinh nghiệm và trải nghiệm không giống nhau. Ngay bà mẹ trong câu chuyện trên cũng thoáng băn khoăn “Tôi không biết bản thân mình có quá cổ hủ, lạc hậu hay không”? Với trường hợp này, cần tôn trọng góc nhìn đa chiều: từ mẹ, từ con, từ nhiều cá nhân khác để lắng nghe, đối thoại và trao đổi. Người mẹ có thể nói về những nguy cơ mình thấy, đồng thời lắng nghe ý kiến phản biện từ con.
Khi mọi suy nghĩ có điều kiện “vỡ tung” qua trao đổi, bày tỏ, tranh luận, có thể kết hợp tham vấn ý kiến từ thầy cô và các nhà chuyên môn, vấn đề của tác phẩm sẽ được nhìn nhận đầy đủ và rõ nét. Tác phẩm tốt hay xấu, nên tiếp nhận như thế nào cũng trở nên rõ ràng hơn. Việc trao đổi, chia sẻ sẽ gia tăng sự tương tác, kết nối giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học trò, giữa các thế hệ khác biệt về tuổi tác và kinh nghiệm. Thêm vào đó, việc thảo luận giúp làm đầy lên hiểu biết của cả người lớn và trẻ em, làm giàu thêm những trải nghiệm nghệ thuật cần thiết cho tâm hồn mỗi con người.
Nhìn chung, khi gặp một tác phẩm có vấn đề, cần bình tĩnh “ngồi xuống” để xem xét, nhận diện một cách bình thản, khách quan, cần bước qua những rào cản của nỗi sợ và nhiều định kiến xã hội để đối thoại, trò chuyện, lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của trẻ em. Từ đó, sẽ có thể tìm ra cách thức giải quyết vấn đề phù hợp.
Không chỉ là chuyện đọc …
Khó tránh khỏi việc có một độ vênh nhất định trong việc đọc giữa cha mẹ và con cái. Không chỉ sách, những sản phẩm văn hóa khác như âm nhạc, phim ảnh cũng luôn có độ vênh nhất định trong tiếp nhận giữa người lớn và trẻ em. Người lớn, với ý thức, trách nhiệm cần chăm sóc, bảo vệ trẻ em thường nhạy cảm đôi khi quá mức cần thiết khi thấy trẻ tiếp xúc với những tác phẩm “có vấn đề”. Vì vậy, việc bình tĩnh nhìn nhận lại chính “mình” từ người lớn cũng là một việc làm cần thiết trong giáo dục.
Dưới đây, là câu chuyện cá nhân mà tôi muốn chia sẻ về việc đi qua định kiến của bản thân để có thể đồng hành với học sinh. Năm 2000, tôi được “mật báo” về việc một học sinh nam trong lớp mình chủ nhiệm mang sách và ảnh “đồi trụy” cho các bạn cùng xem. Tôi gặp riêng em và “quạt” cho một trận về đạo đức, kỉ luật rồi yêu cầu hủy hết những thứ em có. Nhưng tôi cũng hiểu, đằng sau lớp học, những chuyện tương tự vẫn tiếp diễn, bọn trẻ vẫn tò mò và tự phát trong việc tìm hiểu những “góc khuất” cấm kị. Tôi ân hận vì đã để những đứa trẻ “tự đi”, không phương hướng, trong mịt mù nhưng đó là điều mà sau nhiều năm tôi mới “đủ lớn” để nhận ra.
Năm 2015, tôi bị “sốc” khi được biết một học sinh lớp 10 mình dạy “nghiện sex”. Em bị bố mẹ phát hiện và định cấm đi học cũng như giao tiếp với bạn bè một thời gian. Tôi không tìm thấy bất cứ sự liên quan nào giữa thông tin mình được nhận với cô bé lớp trưởng mắt sáng, miệng tươi, học giỏi đều các môn và đầy tinh thần trách nhiệm. Sau nhiều trăn trở, tôi lựa chọn những chủ đề hướng tới việc yêu quý, trân trọng bản thân, ý nghĩa và giá trị của tuổi trẻ cho học sinh thảo luận và trao đổi thường xuyên trên lớp. Trong những trò chuyện vu vơ với em, tôi nói về sự yêu quý và tôn trọng của tôi với em. Em đã đi qua ba năm cấp ba với thành tích xuất sắc. Đến nay, tôi biết là em ổn, vững vàng và thành đạt.
Sau nhiều năm đứng trên bục giảng, gặp nhiều học trò “có vấn đề”, tôi nhận thấy việc ứng xử với trẻ em cũng giống như câu chuyện đọc một tác phẩm “nhạy cảm” nói trên. Mỗi người lớn cần bình tĩnh, đặt cái tôi của mình xuống, gác lại những định kiến để nhìn nhận và tin tưởng vững chắc vào sự đẹp đẽ, thiện lành trong tâm hồn trẻ em. Trẻ có thể hư, có thể sai như những cơn mưa, cơn lốc đến bất thường, nhưng rồi, trời vẫn lại xanh, hoa vẫn lại ngát hương nếu ta không ngừng tin tưởng, lắng nghe, tôn trọng và vun đắp.
HƯƠNG MỘC/VNCA
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: