LẠC ĐẠO – Truyện ngắn của Vũ Mai Phong

Phùng nhận tin ông Nghiệp chết do bệnh tim. Ông Nghiệp đang thụ án liên quan tới tội danh chiếm đoạt tài sản.

Ông Nghiệp 68 tuổi là giáo viên về hưu, chuyên viết đơn thuê cho người dân khiếu kiện. Trong một dự án làm bãi rác, ông đã dùng chính đơn kiện đó để tống tiền doanh nghiệp và bị công an bắt, kết án bảy năm tù. Mới thụ án được một năm, các bệnh tưởng đơn giản như tiểu đường, tim đập nhanh, huyết áp cao… lại trở nên nghiêm trọng với ông. Ông thấm thía những sai lầm của mình nhưng đã muộn.

Do bệnh tình trở nặng, ông được cho về nhà điều trị nhưng vẫn không qua khỏi. Chưa đầy một tháng sau, ông mất. Mãi sau ngày thất tuần ông Nghiệp, Phùng mới đến thắp cho ông nén nhang.

Hải là con trai ông Nghiệp, trạc tuổi Phùng, vừa rót nước vừa khẽ nói:

– Trước khi mất, bố cháu vẫn nhắc tới chú.

– Anh với em bằng tuổi nên xưng hô là anh thôi. – Phùng vỗ vai Hải

– Bố cháu dặn, sau khi bố chết có gì khó khăn cứ gọi chú. Chú là bạn vong niên với bố cháu nên cháu xin phép vẫn được gọi là chú ạ.

Phùng chợt thấy thương ông Nghiệp. Anh nhớ lại bát canh cá nấu bỗng rượu mà ông từng tự tay nấu để giữ anh lại ăn bữa cơm chiều ấy.

Mối quan hệ giữa anh và ông Nghiệp bắt đầu từ một vụ khiếu kiện. Khi ấy, ông Nghiệp viết đơn thuê cho dân làng Cao Chính kiện chính dự án của Phùng. Nhiều lần gặp gỡ, thuyết phục, ông Nghiệp vẫn giả lả nói chuyện, phân tích luật lý. Phùng luôn ứng xử nhã nhặn, chu đáo, mỗi lần gặp đều biếu ông vài triệu tiêu vặt. Ấy thế mà hôm sinh nhật Phùng, ông Nghiệp làm hẳn cái phong bì mừng 10 triệu. Từ đó, mỗi lần gặp sau, Phùng đều phải chuẩn bị phong bì thấp nhất cũng 10 triệu. Phùng thầm nghĩ, ông Nghiệp quả rất khéo léo nâng trần giao tế.

Các vụ khiếu kiện mà ông Nghiệp tham gia trải khắp mấy địa phương, gây đình trệ nhiều dự án và khó khăn cho các doanh nghiệp khi triển khai. Thế nhưng ông vẫn tự hào về khả năng viết đơn và viết truyện ngắn của mình. Ông khoe: “Tôi va chạm nhiều chuyện bức xúc của dân oan nên viết truyện ngắn cũng có chất liệu. Cậu đọc truyện “Đá biến chất” của tôi chưa? Từng đăng trên báo tỉnh đấy. Tôi từng bảo chủ tịch huyện tôi: Đá quý là đá biến chất, thế người biến chất chắc cũng là người quý, người tài. Tôi khen cậu ta là người tài, cậu ta cười tít mắt mà đâu biết đó là tôi chửi cậu ta…” Ông Nghiệp thao thao.

Các đợt ông tham gia khiếu kiện thường rơi vào thời điểm trước đại hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhiều đời bí thư, chủ tịch huyện.

Giáp Tết năm ấy, trời mưa phùn. Đang xem vườn quất gần làng Cao Chính, Phùng nhận được điện thoại của ông Nghiệp:

– Cậu cho tôi chết ở nhà được không?

– Ô, sao anh lại nói thế? – Phùng ngạc nhiên.

– Tôi vừa bị hai thằng đi xe máy chém, đang cấp cứu ở viện huyện. – Giọng ông Nghiệp run run.

– Thế à, để em chạy ra ngay.

Phùng và cậu trợ lý Danh vội vã tới bệnh viện huyện. Ông Nghiệp vẫn nằm trên cáng, mặt tái mét vì mất nhiều máu. Mảng đùi bị chém rách, vết thương dài chừng ba chục phân, máu thấm đẫm quần áo…

Vừa nhìn thấy Phùng tới, ông Nghiệp chắp tay trước ngực, mặt tái nhợt mà ánh mắt vẫn ánh lên sự sợ hãi:

– Chú… cho tôi về nhà chết. Tôi có lỗi với chú.

– Ôi anh nói gì lạ thế. Em thì liên quan gì đâu mà anh áy náy?

– Chú biết việc này mà…

– Không, có gì để sau hãy nói. Giờ anh phải cấp cứu đã. Anh cần chuyển lên viện tuyến trên ngay.

– Không… chú cho tôi về. Tôi xin chú…

Phùng quay sang Danh – cậu trợ lý đang loay hoay giữ chặt miếng thịt đùi đang rỉ máu:

– Em lấy tiền, đưa cho Hải con anh Nghiệp, người mặc áo trắng kia để thanh toán viện phí.

Đợi mãi không thấy bác sĩ vào, máu vẫn không cầm được, Phùng gắt:

– Em hỏi Hải xem đã nộp tiền chưa?

– Dạ, Hải đang chạy lên nộp anh ạ.

– Thế tiền anh bảo em đưa cho ai?

– Em… em lỡ đưa bác sĩ kia mất rồi.

– Ô hay! Anh bảo em đưa Hải cơ mà!

Danh hốt hoảng chạy theo bác sĩ:

– Anh cho em xin lại, em… em đưa nhầm!

Người bác sĩ đưa lại Danh cọc tiền mà khuôn mặt vẫn chưa hết ngơ ngác. Ông Nghiệp cũng vừa lịm đi vì mất nhiều máu. Đến khi ông bất tỉnh, nhóm y tá mới vội vã đẩy cáng vào phòng cấp cứu.

Ngày ra viện, ông Nghiệp mời Phùng về nhà, làm một nồi canh cá chua, thêm vài chai bia hơi. Uống cạn nửa cốc, ông Nghiệp chậm rãi:

– Tôi cảm ơn chú, nhờ chú mà tôi còn sống. Nhưng… cho tôi hỏi thẳng một câu này.

– Vâng, anh cứ hỏi.

– Chú… có cử người chém tôi không?

– Anh nói gì kỳ vậy? Cử người chém xong rồi lại đưa đi cấp cứu à? Anh kiện tụng khắp nơi, xã hội vô cùng, kẻ thù đâu chẳng có, ai biết là ai?

– Tôi cứ nghi nghi chú, vì chỉ có chú mới đủ bản lĩnh làm việc này.

– Anh đánh giá em cao quá. Em không chọn cách đó đâu. Em cần anh giúp em vận động người dân làng Cao Chính mà. Chuyện này… cứ để công an họ điều tra nhưng em xin cam đoan với anh, em không có liên quan.

– Dù sao, từ nay tôi sẽ không dính líu gì đến làng Cao Chính. Nếu chú cần, tôi sẽ giúp hết lòng – ở phạm vi khác.

– Anh cứ tĩnh dưỡng cho khỏe đã, rồi ta bàn sau.

Hai tháng sau, dự án giải phóng mặt bằng ở làng Cao Chính khởi động. Nhưng dân phản ứng dữ dội: từ chửi rủa, xua đuổi đến đánh cán bộ. Ban kiểm kê hầu như không ai dám xuống hiện trường. Cán bộ xã, thôn thì né tránh.

Phùng đành đến gặp ông Nghiệp. Sau nửa ấm trà, anh đặt vấn đề:

– Đợt này, anh em kiểm kê không dám vào dân. Họ chửi kinh quá. Anh có cách nào để dân bớt chửi chính quyền không?

– Có bắt buộc dân phải ký không?

– Không. Chỉ cần có biên bản và người chứng kiến việc họ không hợp tác. Em cần nhất là họ đừng chửi, đừng đánh cán bộ để anh em còn làm.

Ông Nghiệp ngẫm chút, rồi nói chắc nịch:

– Cậu cứ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đi. Tôi sẽ cho người rỉ tai mấy vị có uy tín trong dân rằng lần này có ghi hình, ai chửi hay đánh cán bộ sẽ bị xử điểm làm gương. Bảo họ ba không: Không hợp tác, không ký, không chửi đánh cán bộ.

– Vậy từ khi nào thì triển khai?

– Ba ngày nữa hãy vào dân. Để tôi sắp xếp trước.

Chỉ sau bốn ngày, hơn một ngàn hộ dân đều được kiểm kê. Không ai ký, nhưng đều có người chứng kiến và biên bản đầy đủ – đủ cơ sở để lập phương án bồi thường. Ai không nhận tiền thì ngân sách chuyển vào kho bạc. Cách làm đó gọi là “kiểm kê bắt buộc” theo quy định.

Mất thêm vài năm nữa, dự án mới hoàn tất giải phóng mặt bằng. Nhưng trong chừng ấy thời gian, quan hệ giữa Phùng và ông Nghiệp trở nên thân thiết – như hai người bạn vong niên trong văn chương. Dù nhiều lần Phùng khuyên ông nên dừng viết đơn thuê, ông Nghiệp vẫn không thể rời bỏ.

Cho đến ngày ông bị bắt – khi đang nhận 100 triệu từ một doanh nghiệp. Khi ấy, Hải – con ông Nghiệp – gọi cho Phùng cầu cứu. Nhưng Phùng hiểu, án này đã “bỏ túi” rồi, không còn đường lui.

Phùng ngồi lặng trước bàn thờ ông Nghiệp, thắp nén hương trầm. Khói hương bay nhẹ, vẽ thành những vòng xoáy mơ hồ như chính cuộc đời của người đàn ông kia – đầy ngông cuồng, ngang tàng và cuối cùng vẫn chết trong sự ân hận muộn màng. Hải đặt thêm chén nước mới, khẽ nói:

– Bố cháu có nhiều sai, nhưng cháu biết bố sống có trách nhiệm với gia đình chú ạ. Trước khi mất, bố cháu có nói: “Có những việc mình nghĩ là khôn, nhưng thật ra lại dại. Nhận ra mình dại thì muộn rồi, “thật thà là cha quỷ quái” con ạ. Bố đã sai đường rồi…”

 

Phùng không nói gì. Anh nhìn bức di ảnh ông Nghiệp – vẫn là nụ cười ấy, khôn ngoan nhưng giảo hoạt. Anh nhớ lại bát canh cá nấu bỗng rượu hôm nào, ông Nghiệp vừa ăn vừa cười tủm tỉm, kể chuyện “Đá biến chất” như thể đời mình là một thứ đá từng trải qua áp lực kinh hoàng để trở nên… cứng đầu.

Mọi người nói ông Nghiệp đáng tội. Phùng không phủ nhận nhưng anh biết, ông Nghiệp không phải loại người nhăm nhe đi hại người. Ông chỉ chọn sai vai, sai chỗ đứng – giữa một xã hội đang thay đổi, giữa những vòng xoáy quyền – tiền – luật – lý. Ông quen làm người điều khiển thế cờ, cho đến khi lại trở thành nạn nhân của chính mình, của chính thế trận mình tạo ra.

Một lần nữa, Phùng rót chén rượu, đặt trước di ảnh:

– Em không cứu được anh, cũng không dám bênh anh. Nhưng em tin, nếu có kiếp sau, anh sẽ chọn một đời sống khác… đàng hoàng và bình yên hơn mà vẫn sẽ là cây viết truyện ngắn hấp dẫn.

Hải đứng dậy, lặng lẽ tiễn Phùng ra cửa. Ngoài kia, mưa xuân vẫn lất phất bay, đường làng lát gạch cổ xanh rêu. Những giọt gianh trước mái tôn hiên nhà, nơi tôi và ông từng ngồi nói chuyện đơn từ, tí tách như những lời trăn trối cuối cùng.

Phía xa, trên con đường nối tới khu đất đang được san lấp, những chiếc máy xúc vẫn cần mẫn làm việc. Một dự án mới đang hình thành – nhưng ký ức về một người đã từng làm đảo điên cả vùng đất ấy, giờ chỉ còn là khói hương và tập truyện ngắn đặt ngay ngắn trên bàn thờ mới lập.

(6.2025)

Vũ Mai Phong

Đánh giá bài viết 1 Star (Chưa có bình chọn nào)
Loading...