Độc giả đã biết đến nhà văn Trần Thị Trường từ năm 1990 với tiểu thuyết “Lời cuối cho em” và sau đó là những truyện ngắn và tiểu thuyết liên tiếp ra đời. Nhà văn Trần Thị Trường mang đến cho văn xuôi đương đại một giọng điệu mới mẻ, khác lạ. Văn của chị đi vào nội tâm của nhân vật, giàu sức gợi, thể hiện sự tinh tế và giàu trải nghiệm. KHÔNG BIẾT VÌ SAO MẤT VỢ của nhà văn Trần Thị Trường là tác phẩm tham dự cuộc thi ” Truyện ngắn hay Đường Văn 2024″ – sau rất nhiều năm chị mới trở lại với truyện ngắn. Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Thị Trường trong mục “Truyện ngắn dự thi”. Xin mời các độc giả đón đọc.
Thức dậy vào lúc 8 giờ sáng, muộn hơn so với mọi ngày, ông Hùng thoáng giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh được ngay. Ông tự cười mình. Giờ đâu còn phải vội. Ông đã có quyết định nghỉ hưu tháng trước, nhưng ông đã “làm luật” với tay tổ chức, không công bố cho anh em trong vụ biết, để ông còn cưới con trai. Công bố rồi, hạ cánh rồi, đám cưới của con sẽ “tẻ nhạt” đi ngay, sẽ khó “hoành tráng và hiệu quả” như đám thứ nhất. Lần ấy tiền mừng đủ mua được nửa cái chung cư. Cấp vụ của ông tuy chả gì trong bộ máy quyền lực, nhưng chữ ký của ông cũng đem lại lợi ích cho ối người. Cưới con gái là thêm một lần ông “thu nợ”. Tiền mừng của bạn vợ không nhiều, chỉ là mấy cái phong bì tiền Việt mỏng quẹt của đám nhiều chữ nghĩa nhưng ít tiền…Ông Hùng cho tất, thêm tiền bên thông gia nữa là gái và rể của ông đủ mua cái phòng hơn trăm mét chung cư. Mua xong, chúng xin ra ở riêng. Ông thấy mát mặt, khi bên thông gia cũng vui vẻ, nhất là họ nể ông, gia cảnh đàng hoàng, nhà biệt thự, bố mẹ sống cùng, hai cụ trông có vẻ nề nếp gia giáo… Bà Liên vợ ông là một người khá đẹp dịu hiền, nhưng giống một bà nội chợ hơn là một tiến sĩ nghiên cứu nghệ thuật.
Ông vươn vai, đi ra ban công vẩy vẩy hai tay. Cái môn dịch cân kinh ông nghe nói từ lâu, nhưng bận nên hôm nay mới thử lần đầu. Chả biết vẩy thế nào cho đúng nên ông cũng phân vân. Một lát ông quay vào, rồi đi xuống phòng khách. Im ắng. Điện chưa bật, tivi cũng không. Quái. Thế là sao nhỉ? Ông vào bếp. Cũng không có ai. Ông chợt nhớ ra. Bố mẹ ông hôm trước đã nói sẽ chuyển sang nhà em gái ông ở một thời gian. Em gái ông đã sang đón chiều qua. Hai đứa mới cưới xin đi tuần trăng mật. Chắc cũng đi sớm nay rồi. Thế còn Liên? Bà ấy đi đâu? Thế là thế quái nào. Đi hết không có ai ở nhà à? Sao mình lại đồng ý cho họ đi như thế nhỉ. Đi hết cũng được nhưng vợ thì không? Ai cho cô ấy đi? Đi đâu? Đi làm thì không phải rồi, xe máy của cô ấy vẫn còn kia. Mà hình như cô ấy cũng đến tuổi rồi. Ông cũng không nhớ có nghe vợ nói gì về chuyện nghỉ hưu hay vẫn còn đi làm
Ông Hùng quay lại phòng ngủ, ngồi thừ ra một lát. Ông nhớ là ông chỉ đồng ý cho Liên ngủ riêng mấy tháng nay khi cô ấy kêu mất ngủ, mà ông thì có tật ngáy to. Ông không sang phòng vợ. Lẽ ra, như mọi khi, không cần nghe tiếng bước chân ông, là bà ấy đã nhanh chóng có mặt, là đã phải chuẩn bị mọi thứ cho ông rồi. Tuy ông không mấy khi ăn sáng ở nhà, nhưng bà vẫn phải chuẩn bị, phải hỏi, khi ông bảo không ăn thì mới thôi. Ông hay đến ăn ở quán quen và ngon rồi mới đến cơ quan. Ở đó, nếu ông gặp người quen thì họ trả tiền, vì ông là người họ cần, hoặc đã nhờ vả rồi, hoặc sẽ có lúc. Còn với các em gái trẻ mà ông thích thì ông trả tiền, ăn xong còn đưa đi cà phê và mua sắm những gì các em thích. Cũng không nhất định chỉ một em nào. Ông coi việc một cơ số các cô gái trẻ đẹp thích ông là chuyện bình thường. Đàn ông trung niên, cao ráo đẹp trai, hào phóng, có địa vị và có vợ không biết ghen như ông là tiêu chuẩn số 1 của đàn bà trẻ bây giờ. Việc gì ông phải trung thành với một cô nào.
Loanh quanh mãi, vẫn không thấy vợ đâu. Bụng đói. Ông Hùng cầm máy định gọi lái xe để đi ra quán, nhưng rồi nhớ ra làm gì còn xe và lái xe phục vụ nữa. Ông không mở tủ lạnh. Mở tủ lạnh tìm đồ ăn, hay vào bếp nấu ăn với ông là việc không chấp nhận được nếu là đàn ông. Mẹ ông, người phụ nữ được coi là “công dung ngôn hạnh” cả dòng họ kính nể luôn bảo với anh em ông rằng, đàn bà dù giỏi đến mấy cũng phải đứng lùi phía sau chồng một bước, nhiều việc trong nhà người đàn ông không nên động tay vào. Chuyện chợ búa, bếp núc là của đàn bà. Ông nghĩ mẹ ông nói đúng và ông sống như thế cho đến hôm nay… Đã quá 10 giờ, nếu đi chợ thì Liên cũng đã phải về rồi chứ. Đói quá, ông Hùng đành vào phòng vợ. Không thấy Liên. Phải dến khi mở toa lét cũng không thấy vợ ông Hùng mới tỉnh hẳn người mà nghĩ. Ông nhìn lên mặt bàn viết nhỏ đặt trong phòng ngủ của vợ. Cái bàn mà Liên tự mua để đặt chiếc máy tính nhỏ. Ông không tin vào mắt mình: Tờ đơn ly dị và một bức thư dài.
– Láo quá. Láo.
Ông Hùng rít lên qua kẽ răng. Mình không bỏ nó thì thôi, nó lại dám bỏ mình. Láo. Ông thoáng đảo mắt, mọi thứ vẫn nguyên, không mất gì, và ông cũng chắc chắn rằng Liên không mang theo thứ gì, tính Liên ông rất hiểu. Vả lại có gì mà mang, tivi tủ lạnh là thứ giờ trộm cũng không lấy. Tiền lương, thưởng, lộc lá, lại quả… ông giữ hết trong két riêng ở phòng ông. 5 miệng ăn đã có lương của Liên và ông đưa một chút. Ông luôn nghĩ Liên không thiếu gì. Nhiều người lấy chồng còn không có chỗ ở tử tế ấy chứ. Liên lấy ông, chỗ ở đã không phải lo, nhà chồng không thiếu thứ gì. Ngoài việc nhà hằng ngày, nếu thích thì bà Liên đi làm, còn không ở nhà ông cũng nuôi đủ. Bà là tiến sĩ nghệ thuật học. Nhưng vị trí của ông cũng đủ sang cho Liên rồi. Tiến sĩ chả là cái gì, vớ vẩn hết, cứ suy từ mình ra thì biết. Ông Hùng nghĩ thế. Ông cũng tiến sĩ, ông chả cần viết một bài nghiên cứu nào, toàn sinh viên giỏi viết hộ rồi ông đưa tiền cho họ liên hệ để xuất bản. Với ông, tiến sĩ mà không kèm chức vụ trong bộ máy công quyền thì chỉ là một người hầu thiên hạ, hữu danh vô thực, ham làm gì. Ông biết thừa, ông từng duyệt bao nhiêu dự án, kết quả thu về có gì đâu, mà chả có nó cũng không chết ai, dự án nghiên cứu chỉ là cái cớ để xin phân bổ tiền ngân sách… Chẳng qua ông để cho vợ đi làm vì ông tránh tiếng là ông phong kiến cổ hủ. Ông cho rằng, đàn bà ra đường chả có gì lành. Đàn ông như ông, ới một câu là được ngay…Mặc dù vợ ông không thế, bà đã từng rất yêu ông và ông đã từng hưởng cả cuộc đời trong sự chiều chuộng phục tùng của bà, nhưng biết đâu đấy, rồi cũng dễ sa đà như tất cả những người đàn bà ông gặp. Ông cho rằng, nếu ông không cứng rắn và nếu ông không phải là ông, một người có vô số đàn bà thèm muốn,… thì việc vợ ông ra khỏi nhà là tiềm ẩn nguy cơ vợ ông hư hỏng.
Quát tháo một hồi, chỉ có tiếng vọng lại của mấy bức tường. Ông Hùng thấy mệt. Nhìn đồng hồ đã 12 giờ. Cứ thế ông đi ra đường, đến quán cơm rang dưa bò- phở bò. Ông chưa từng ăn ở những quán tầm tầm như thế này, nhưng ông vẫn vào ngay vì đói quá, gọi bát phở nhiều thịt. Gọi thêm đĩa cơm nhỏ. Cơm rang cứng quá, ông dịnh vứt bỏ, nhưng bụng vẫn vơi nên ông cố nuốt hết. Ăn xong mới sực nhớ không mang tiền. Chủ quán niềm nở: “Không sao bác ạ, lúc nào bác gửi cháu cũng được ạ. Bác cứ ăn cả tháng gửi một thể cũng không sao”- Cậu chủ quán nói thêm, giọng mời chào, thực lòng. Nhưng ông Hùng chột dạ. Không hiểu sao nó lại biết rồi đây có thể cả tháng ông sẽ không có người nấu cho mà ăn sáng… Đi bộ về nhà, ông nghĩ về tình huống của mình. Ông nhớ toàn bộ bức thư vợ ông viết. Bà cho biết, bà đã yêu ông, đã nghĩ sẽ gắn bó với ông đến chết. Đã hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng, chồng, và con cái. Giờ đây 2 đứa con đều đã có gia đình. Ông cũng đã nghỉ hưu, không còn phải đến cơ quan, mà vẫn rất khoẻ, mới ngoài sáu mươi, nếu muốn ông vẫn có thể lấy vợ mới… Bà đã tròn bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, nhưng bổn phận làm người của bà với những gì bà được số phận ưu ái thì bà chưa làm. Bố mẹ cho bà một cuộc đời có học, Giời cho một khả năng nghiên cứu, đời cho một chỗ làm, bà phải có nghĩa vụ trả nợ. Chưa kể bà chưa từng được sống là chính bà kể từ khi bước chân về nhà với ông. Bất kể việc gì bà làm đều xuất phát từ ý ông, từ yêu cầu của ông, hoặc của bố mẹ, anh em nhà ông. Ngay cả việc ái ân bà cũng trông đợi ông ban phát, bà không cảm thấy mình được yêu thương, được tự nhiên cười khóc… Nhưng bà lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, vì bà biết ông muốn bà như thế trước mặt mọi người. Ở nhà, mọi chuyện ông quyết định tất cả… Bà viết thêm: “Thực ra thì tôi chả muốn giành cái quyền quyết định mọi sự ấy làm gì. Nhưng nhiều cái nó phi lý quá mức, nhưng ý kiến của tôi chưa bao giờ được ông để ý. Lâu dần, tôi quen đi, tôi đã phụng sự ông và gia đình ông như cái máy. Chỉ khi nào về phòng riêng với những nghiên cứu của mình, tôi mới được sống, tôi mới được là tôi… Giờ, tôi đã có vé, đã làm đủ các thủ tục đi châu Âu theo lời mời của tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật A. M quốc tế. Có thể tôi sẽ quay về, có thể không. Nếu quay về, tôi cũng không về với ông nữa. Tôi để sẵn Đơn xin ly hôn, để ông không bị pháp luật ràng buộc mà lấy người khác. Ông có thể lấy được người trẻ đẹp hơn tôi nhiều. Tôi chúc ông hạnh phúc…”.
Ông Hùng nếm trải một tuần sống một mình với nỗi tức giận khôn nguôi, mấy ngày liền ông phải dùng thuốc ngủ mới thoát khỏi những giật mình, mồ hôi túa ra trong đêm. Ông không tiếc vợ. Ông cho rằng ông lấy được người khác bất cứ lúc nào. Nhưng ông tức vì vợ dám bỏ ông. Ông vã mồ hôi vì sợ, bố mẹ, các em gái ông sẽ nghĩ ông ngu thế nào, thiên hạ sẽ cười ông ra sao. Sẽ là một vết nhơ, và ông không thể chịu đựng được. Ông ước nếu giờ này bà ấy xuất hiện ở đây ông sẽ đấm, sẽ đá cho vỡ mặt ra mới hả.
Sau cái tuần ấy, vợ chồng cậu con trai về. Bữa đầu tiên con dâu ông nấu cơm. Ba bố con ngồi ăn cua bể luộc. Một đĩa cua vàng óng, bát nước chấm sóng sánh, đĩa miến xào với thịt ghẹ và cần tây thơm lừng. Cậu con trai không hỏi mẹ đâu. Câu hỏi “mẹ đâu hả bổ” của con dâu suýt làm ông bật khóc. Nhưng ông kịp trấn tĩnh, nói, mẹ đi công tác. Miếng thịt càng cua con dâu gỡ cho ông bỗng đắng chát trong miệng. Con trai rót thêm rượu vang vào ly, mời: “bố uống thêm đi, rượu này tốt cho tim mạch bố ạ”. Cuối bữa, cậu nói với bố: “Từ mai vợ chồng con lại tiếp tục đi làm. Mẹ không có nhà, bố tự lo 2 bữa sáng và trưa. Tuỳ bố, ăn quán hay ăn ở nhà thì bố lấy đồ trong tủ lạnh ra nấu. Nấu cũng không khó đâu ạ. Hồi du học, con toàn nấu lấy. Mà bọn Tây đứa nào cũng biết nấu ăn, trai gái như nhau. Bố chỉ ít ngày là sẽ quen thôi…”. Ông Hùng định trừng mắt nhìn con trai sau câu nói ấy, nhưng sực nhớ ra còn con dâu, nó là đứa mới. Ăn xong, cậu con mang bát đĩa đi rửa. Vợ nó lau bàn xong thì ngồi uống trà túi lọc. Ông ngạc nhiên quá. Con dâu hỏi ông có uống không. Ông uất nghẹn. Mọi khi, ăn xong, vợ ông rót cho ông vào chiếc chén có lót cái đĩa ở dưới từ ấm trà Thái bà Liên đã pha sẵn để trong giỏ mây. Rồi bà đi rửa bát. Bố mẹ ông, ông và thằng con trai thì ngồi nói chuyện tầm phào.. Ông tức. Tại sao nó không làm như mẹ chồng nó. Đàn bà về nhà chồng là phải học ngay những việc cần học… Ông tự ái nên bảo, không uống, rồi đi lên gác. Chưa mở cửa phòng ông kịp nghe thấy con giai ông bảo vợ: “Mai em cứ đi làm, cuối buổi mua đồ ăn cho cả tuần rồi để tủ lạnh. Hằng ngày cơm nước nếu ai về sớm thì nấu. Người nấu sẽ không phải rửa bát. Còn bố. Em cứ yên tâm, anh nghĩ bố sẽ nhanh chóng biết nấu thôi…Phải có thời gian bố mới nhận ra được…”.
Đóng cửa lại, ông Hùng nằm vắt tay lên trán, tính. Rồi ông gọi điện, hẹn em Lan, cô em mà ông thích nhất, hẹn ngày mai ăn sáng với ông. Đầu giây đằng kia Lan đang cười rúc rích với ai đó, cô nói “anh không bảo em sớm, mai em có hẹn rồi”. Ông tìm số gọi cho Huệ. Huệ bảo để tuần sau. Tuần này Huệ bận. Ông tức điên người, hạn gì hạn nặng thế, cùng lúc không gọi được người đàn bà nào cho ông cơ hội giải khuây. Chợt nhớ ra, trên mạng có ối cô đẹp nõn nà luôn nháy mắt chào mời ở các trang quảng cáo. Ông nhấp tay. Một cô nhận lời luôn, nhưng bảo ông phải chuyển khoản cho quản lý X. mới có chỗ gặp “an toàn và hiệu quả”. Gì chứ, chuyển khoản thì ông rất thạo, cũng chả đáng gì. Cần phải ra khỏi tình trạng điên đầu này. Ông chuyển ngay một khoản gấp mười lần số tiền ông đưa vợ đi chợ hàng tháng…
Chuyển xong, ông vẫn không nằm yên, không ngủ được. Cũng không thấy háo hức ngày mai đến chỗ hẹn. Có lẽ bởi ông vẫn tức anh ách. Bỗng dưng ông mất một… một cái gì nhỉ? Ông không nghĩ ra. Mất cái gì. Mất một tài sản lớn mà ông đang sở hữu à? Đúng rồi. Một người nấu ăn, pha trà, đi chợ, lau nhà, là quần áo… bỗng nhiên bước khỏi cửa nhà ông. Ai cho phép? Ông gầm lên trong họng.
Một năm, ông trôi qua trong những tháng ngày hẹn hò vất vưởng mất rất nhiều tiền cho em này em kia nhưng vẫn không tìm được người nào có thể thay bà Liên, nên ông chưa dám ký giấy ly hôn, cơ hội để ông đề nghị toà gọi bà Liên về giải quyết. Ông cũng tự ái không hỏi con trai ông có biết tin gì về mẹ nó. Xem ra vợ chồng nó không đả động gì đến mẹ. Chúng thoả hiệp với nhau và với bà ấy hay chúng vô tâm, chúng cũng không cần mẹ? Một năm rồi ông vẫn tỏ ra là vợ ông đi công tác ông có biết và có đồng ý mỗi khi bố mẹ ông hỏi… Khổ sở như thế nhưng ông Hùng vẫn chịu đựng. Vẫn hướng về phía trước: tìm người đàn bà mới cho mình. Ông không hề biết rằng, ông không phải đàn ông thời nay. Ông là đàn ông của cái thời đã xa rồi, thời vợ chỉ là vật sở hữu của chồng. Ông vẫn đinh ninh rằng bà Liên là người đốn mạt dám bỏ chồng, bỏ con nên ông không thèm gọi về, không đi tìm và cũng không thèm biết bà ấy giờ ra sao. Song, mấy người đàn bà ông thích, ông có ngỏ ý, ông bảo với họ ông bỏ vợ rồi. Nhưng người nào cũng cười cười: “Anh điên à? Vợ anh hết ý như thế sao anh lại bỏ? Em mà là vợ anh thì không được ba bảy hai mốt…Mà anh là người phải vác va ly ra khỏi nhà ấy chứ”.
Phần bà Liên. Bà vẫn liên lạc thường xuyên với các con. Bà dặn con không cho bố biết là bà đang rất thành công ở nước ngoài. Bà có bạn bè nhưng không kết hôn, có thể bà sẽ về nước và về thì: “có ở với bố nữa hay không tuỳ thuộc vào bố” ./.
Trần Thị Trường
Bài viết liên quan: