Khỉ làng – Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

“Kia! Con Tú khỉ, đi với tao”. Lão chủ cao giọng, Tú lầm lũi cúi gằm dấn bước. Lão đã quen mặt, tuy gắt gỏng mà trả cao hơn mụ béo, còn được bánh mì ăn. Đi với lão coi như để dành được trọn một trăm. Sướng quá đi chứ.

Thân gái đi làm cửu vạn chợ làng. Chẳng ai thuê con mặt trắng. Không thích trắng thì đen, nó đầu trần, phơi mặt mọi nơi mọi chỗ. Mặt nó cũng có nét, đâu đến nỗi nào, nhưng đố ai dám đụng vào. Bởi con bướm ma xanh lè có hai mắt tím ngắt như vết đâm xăm ở cổ, nhìn gớm ghê, bệnh hoạn. Mấy ngày đầu hùng hục khuân rượu lậu cho mụ béo, nó đã tạo được chút danh tiếng, rồi bọn chủ cũng coi nó như con trai. Vẫn chưa đủ à? Nó cắt tóc ngắn cũn, dùng vải ép vú dẹp lép như ngực trai. “Ờ, thôi mày đi luôn với tao, tao biết mày khỏe rồi. Chỉ cần làm xong việc, tao vẫn trả mày thôi”. Cũng công bằng, cũng phân minh, thứ được coi là xa xỉ ở cái chợ nhớp nháp. Nó vác hàng nhanh thoăn thoắt, luồn lách khắp nơi mà không để rơi chút nào. Chân tay nó nhanh nhẹn, dẻo dai, sai gì làm nấy răm rắp miễn có tiền, trả thêm càng làm hăng hái. Tiền là đủ, gọi nó là khỉ hay chó cũng được, nó không cần biết. Gọi là điếm, nó cũng kệ.

Cái biệt danh đó, cũng một phần vì nó chẳng cho ai động đến. Nhìn lũ khỉ xem, chạm vào ăn cào rách mặt. Người nó có thể ngâm bùn nhem nhẻm, nhưng sờ ngực nó thì đừng hòng. Cùng bọn bốc xếp hàng lậu có lão Hiên dê, sau chầu ba cây thua cược, rón rén đến ôm rồi dùng hai bàn tay xương xẩu ghì chặt ngực nó. Chưa hết, ngón cái và ngón trỏ của lão nhấn mạnh, cố lần tìm bộ phận thiêng liêng tọa lạc trên đôi gò bí bách. Nó vùng vẫy, khẽ dịch hông ra một bên, rồi giáng mạnh tay vào hạ bộ lão. Mặc kệ gã dê cụ lăn lộn dưới đất, nó giật phăng cúc áo, tháo luôn cả mớ vải đang ép chặt hai vú, dậm mạnh chân nảy cái “tưng” rồi gào to diên dại:

“Đây, xem con mẹ chúng mày đi. Sướng mắt rồi hôm sau cút. Nhìn thằng Hiên đi rồi đụng tao”.

Nó trở thành đứa nguy hiểm. Cả lũ bảo kê, rồi dân bốc xếp cũng nể, cho nó có chí khí. Duy có thằng Phá, bảo kê mới dạt lên thì lúc nào cũng coi khinh. Thằng vai u thịt bắp, người to như con trâu mộng, môi dày quách, mắt cuồng điên. Ai biết gã chỉ giả vờ coi thường hay có ý gì với nó, bởi có đứa đã nhìn thấy rớt dãi nhễu nhệt rỏ xuống và tiếng chọp chẹp liếm láp thèm thuồng.

Đêm trắng. Mây kéo đi đâu hết, để trăng rằm thỏa sức rải ánh sáng vằng vặc. Thằng Phá mò đến căn phòng mốc meo cuối ngõ, bám theo là hai thằng đệ cứng gã mang theo từ hồi còn trong băng bảo kê cho chủ hàng. Hai đứa đứng ngoài cảnh giới, thằng Phá rón rén mò vào, trên tay là cây kìm chích điện nhưng gã không thích dùng. Gã muốn thấy con Tú vùng vẫy, kêu khóc. Phòng cuối dãy, xung quanh trống không, cả ngõ bị đuổi đi hết thì ai cứu, nếu gã không tha.

Thằng Phá nhìn con Tú lấm lét. Trước mặt gã, đứa con gái bán khỏa thân với bắp thịt nở nang, đôi vú tròn lẳn đang cầm con dao tự dí vào cổ. Hai khóe mắt nó không một giọt nước, răng nghiến ken két hăm dọa. Dao chọc vào cổ rớm máu mà con Tú vẫn nhếch mép cười. “Đó, cho mày hiếp được cái xác tao, rồi công an sẽ kéo đến hàng đống. Mày sẽ bị gô cổ thôi con chó”. Phá run rẩy, mồ hôi túa ra ướt đẫm hai tay. Cái kìm điện rơi xuống sàn đất đánh cộp, thằng dâm tặc tự nhiên cười phá: “Tao chịu mày rồi”, xong lủi thủi dắt hai thằng đệ biến mất.

*

* *

Làng buôn hàng, làng phơi giấy. Tiền cũng chỉ là giấy, khác gì xưa kia người làng đói quá phải đi làm sơn tặc. Giờ hiện đại, có cái điện thoại để liên lạc, kiếm tiền bằng đánh hàng lậu dễ hơn trước nhiều. Dây với ai chứ đừng rờ vào dân buôn lậu. Biết đâu trong mấy bịch đem ngòm, hun hút được thồ, vác kia lại có hàng nóng, hàng lạnh. Dân lương thiện thì tránh xa, còn gái bán hoa lại bập vào. Duy có lũ cửu vạn thì vẫn thế, đời đời kiếp khổ. Hào quang phú quý lúc mờ, lúc tỏ, cũng đủ để con bé mồ côi cố bám chặt lấy như kẻ chết đuối vớ được phao. Xóm chợ có truyền thuyết về một đứa con gái, do chăm chỉ bưng bê nên để dành được món tiền kha khá, lấy được chồng tử tế. Nghe sướng tai thật, nó nhổ vào đứa nào dám đơm đặt. Bà Hoa điên đầu làng chứ ai, ngày ngày bị thằng chồng nghiện đánh đến méo mặt, không dám hó hé một câu. Làng gì mà nhà cửa đâu khác thị trấn lớn. Ruộng vườn bỏ hoang khô cằn, cỏ mọc xum xuê. Lợi nhuận từ hàng lậu lớn quá, biến cái làng vốn nghèo xơ xác trở thành điểm tụ tập của những người muốn đổi đời. Nhưng hỡi ôi, đó chỉ là mộng tưởng, còn thực tế dân làng được chủ hàng thuê kho chứa cũng chỉ được vài trăm một ngày, cửu vạn còn ít hơn nhiều. Chở khoán thì một hai trăm cà ngày, không thì tính vài ngàn một thứ. Chừng đó thì bao giờ mới giàu? Chỉ mấy ông chủ đứng ra đánh hàng được hưởng phúc đó thôi.

Xong buổi làm công, Tú về căn phòng nhếch nhác cuối ngõ. Mấy hôm làm cho lão Đấu bánh mì, nó để dành được kha khá. Tiệm bánh mới của lão đã xây xong, cần chuyển một lượng lớn hàng vào kho nên mới cần những đứa khỏe nhất. Xong cái tụ điểm hút chích, chơi bời. Ma túy, gái gú chứ bánh mì quái gì. Biết vậy nhưng cấm có ai dám hé răng nửa lời. Lão Đấu quan hệ với lắm loại người, đủ phe cánh nên trời có sập lão vẫn nằm dài hưởng thụ. Tú thấy đàn em lão chở con nọ ả kia ra vào như con thoi, xong việc đứa nào đứa nấy mặt tươi roi rói. Nó đưa tay lên vuốt mặt, ngồi xuống nhìn mặt mình in bóng trên vũng nước tù. Như con bóng, gái chẳng ra gái, trai không ra trai. Nhìn nó có chó mới chơi trừ thằng Phá điên, nó tự khinh rẻ chính mình, bặm môi chốt cảnh cửa sắt hoen rỉ.

Ngoạm nốt miếng bánh mì cuối cùng, nó lăn ra ngủ. Dòng sông ở đâu hiện lên mát quá. Nó cào rách mấy thứ chật ních trên người, lao xuống vùng vẫy. Ngực nó lềnh phềnh, mặt nó trắng phau. Nước sông như có ma thuật, gột rửa sạch sẽ cái thân bụi bặm, rồi vùng lên mơn trớn đôi má bẩn thỉu. Người nó nhẹ bẫng, nó khoát hai tay phành phạch, bơi theo cánh hoa vàng chói sáng rực rỡ đang trôi theo dòng. Cố chạm được vào cánh hoa thì ánh sáng vàng cũng biến mất, nó lại đang ở trong một khu rừng rậm rạp ngập tràn tiếng kêu hỗn loạn. Trên cành cây cổ thụ phía trước, ló ra khuôn mặt khỉ với hai cái răng nanh nhọn hoắt. Khỉ bất ngờ nhảy xuống vai nó, ngoe nguẩy cái đuôi dài đâm vào cổ nó. Con bướm xanh lét biến thành bò cạp, thứ bò cạp với kim tiêm nọc độc ăn sâu vào cổ, thấm xuống ngực nó tụ lại thâm sì. Tay nó cố nắn, cố ép những nọc độc đi, nhưng thân thể bắt đầu tê rần, rồi mất đi cảm giác. Con khỉ vẫn cười khành khạch, nhìn kỹ ra là khỉ cái. Cười chán, nụ cười trên mặt khỉ tắt ngấm, rồi xịu lại như muốn khóc, dáng chừng chỉ muốn chơi đùa chứ không muốn làm nó đau. Loài vật ân nghĩa lắm, thấy đồng loại bị đau thì thương cảm, xót xa. Nó khác gì con khỉ đâu, cho gì cũng nhận, chỉ đâu làm đấy.

Nó giật mình thức dậy. Cánh cửa sổ bằng gỗ bị mọt ăn lỗ chỗ không thể ngăn được nắng sớm chói qua. Nó mặc quần áo, lật đật ra gốc đa chợ làng. Trưa trề trưa trật, cửu vạn đã có người thuê hết rồi. Nó dậy muộn, hết việc, ngồi thụp xuống dưới gốc đa bực bội. Đa già như cố nội, rủ bóng mát che chở cho đám cửu vạn tội nghiệp. Tiền dành dụm, nó nhất quyết không tiêu vào, thà chết đói không tiêu. Lẩm bẩm được hai câu, bụng nó réo lên như ễnh ương đói muỗi. Mùi phở, mùi chả nướng rồi cơm canh thi nhau tỏa đến, ve vuốt hành hạ sống mũi. Nước miếng tuôn ra đầy miệng, nó cố kìm bằng cách nhớ lại bữa thịt trâu được lão Đấu đãi khi xong việc. Trâu đấy. Thứ điên rồ nhất, chưa từng xuất hiện kể cả trong mơ. Bò còn chưa có, moi đâu ra thứ thịt trâu gần đây đã trở thành đặc sản của giới thầu hàng lậu. Thân làm phu, khuân khỏe, ăn nhiều, chỉ biết hốc đầy bụng cơm rau dưa đến no căng. Đồng nghiệp bảo nó điên, lấy ra một vài trăm ăn thêm chất thì chết ai. Nó lắc đầu quầy quậy, ra nhón dăm bìa đậu phụ. Thế là đủ. Sư trong chùa cũng ăn chay đấy thôi, vẫn khỏe re.

*

* *

Lão Đấu lại gọi Tú đến làm. Lần này là dọn dẹp đống đổ nát ở ki ốt lão mới mua lại. Chỉ cần dùng vài trò bẩn thỉu, lão đã buộc chủ nhà phải bán rẻ một trong những vị trí ngon nhất chợ. Hôm nay, lão đóng bộ com-lê lịch sự, thứ xa lạ ở phố chợ này. Như thường lệ, lão vẫn dẫn gái theo, nhưng giờ chỉ có một con bé tóc vàng, da ngăm, phấn dày hàng cen-ti-mét. Tú hùng hục vác được một lúc, lão Đấu bảo nó dừng lại, kéo ra một góc khẽ khọt “Mày có muốn vừa nhàn thân, vừa kiếm nhiều không?”. “Ông cứ trêu, làm gì có thứ đó”. Lừa ai chứ đừng lừa con này. Mấy năm bám rễ không phải gà mờ, nó cũng đủ khôn để biết thứ nào nên tin thứ nào không. Lão Đấu xua tay lia lịa, chỉ qua đứa con gái đi cùng: “Là đấm lưng cho người ta chứ không phải làm gái, hiểu chửa?”. “À tưởng gì, tôi đấm mạnh lắm”.

Đời như gió. Tú trở thành tay đấm chủ lực của quán mát-xa “Ba nàng tiên”. Lão Đấu dỡ hẳn biển tiệm bánh mì, sớm tối tập trung cho nghề động chân tay mới mẻ. Mỗi lần thấy vẻ mặt khoan khoái của khách, dù là dân làng hay dân buôn, lão Đấu cũng nở nụ cười giả lả. Hàng ria hai bên mép được tỉa tót kỹ càng, vung ra như hai chân con bọ ngựa, hàm răng vàng xỉn do xì gà rẻ tiền cũng đồng loạt sắp hàng ngay ngắn, như muốn chứng tỏ độ sành điệu của ông trùm làng mới nổi. Ai cũng biết lão thế nào, cũng chả cần phải phô trương, nhưng lão quan niệm: cứ cười với người ta, chẳng ai khóc với mình. Mấy cụ già sống lâu, biết Đấu vốn là thằng xe trâu của làng cũng chết gần hết, số còn lại chỉ ru rú trong nhà, còn ai biết về quá khứ tủi hổ của lão?

Lại một khách nữa được con Tú chăm sóc cái lưng, nhón từng bước mệt mỏi ra chiều vừa phải chịu đựng dữ lắm. Tay Bắc thịt lợn, ngữ gầy nhẳng, qua tay con Tú thì kiểu gì cũng dặt dẹo. Bắc đến gần lão Đấu, buông ra lời than vãn: “Con Tú nó làm thì sướng thật đấy, mà cái kia không có nên vẫn chưa giải tỏa hết”. “Sao không kêu đứa khác làm cho đầy đủ?”. “Thôi, bọn kia đấm bóp qua loa lưng không đỡ mỏi”.

Đời là thế, được cái này phải mất cái kia. Đứa làm khỏe thì không có dịch vụ giải tỏa sinh lý. Lão Đấu vẫn để Tú làm vì đấm bóp rất tốt, mỗi tội sống chết nó không làm cái kia, dù chỉ dùng tay. Mấy hôm nay, lão đã nghe mấy lời phàn nàn, rồi nát óc nghĩ về con Tú. Con gà đẻ trứng vàng, lão đâu bỏ được. Công an bắt đầu nhòm ngó, đánh hàng Tàu qua không còn dễ như trước. Internet dần phát triển, lan rộng, lại thêm mạng chát chít, thông tin ngày càng khó kiểm soát. Đâu đó đã có mấy thằng ất ơ đổi tên cho làng này thành “Làng buôn lậu”. Lão Đấu chỉ muốn tóm chân, tóm tay lũ mạt hạng đó để bẻ, để chặt. Nóng đầu, Giận điên. Lão không thể làm gì được bởi bọn chúng có thể ném đá giấu tay. Trong lão có một ngọn lửa điên cuồng ngùn ngụt cháy, nó thiêu rụi chút lương tri cuối cùng trong con người mờ mắt vì thứ vật chất tầm thường. Lão nốc từng ừng ực rượu tây bằng cốc uống chè, mùi rượu bốc lên hừng hực, ruột gan cháy khét, lão vẫn cứ uống, muốn vắt cạn cái cảm xúc hỗn loạn, dần dần bất lực. Lão có thể ép con Tú chiều khách, khó gì. Nhưng còn nguyên do khác. Lão thèm. Lão khát. Lão muốn nằm yên, muốn bị trói lại để nó dí khuôn vú ngồn ngộn vào mặt. Rồi nó tha hồ hành hạ, vần vò. Lão sẽ không làm gì nó hết, nó muốn làm gì lão cũng được. Lão cười hềnh hệch. Kiểu gì cũng có cách chiếm lấy nó.

*

* *

Tú có người nhà đến tìm. Đó là sự kiện khuấy động chợ làng, vốn chìm nghỉm trong sự yên ắng giả tạo. Cũng làng kia đấy, của chìm của nổi phơi hơ hớ, người làng biết với nhau thôi. Thời đại công nghệ mới, hàng lậu được giao dịch chỉ bằng một cú điện thoại di động hoặc tin nhắn. Hàng được tập kết ở nhiều chỗ rồi bí mật thuê người thồ về giấu ở làng sau. Giàu đâu thì giàu, duy đội cửu vạn ở đâu cũng thế, cũng nghèo kiết xác dù phố hay làng. Tú xong việc về, thấy một lão già rách rưới bó gối ngồi trước cửa. “À thì ra là ông”. Tú cười nhạt, ném cho lão cái bánh mì khô khốc. “Ăn đi, xong ông lượn giùm”. Lão già cum cúp nghe lệnh nó, gặm lấy gặm để. Ăn xong, lão lí nhí xin ở lại. Nó cười nhạt. Để lão lại xẻ thịt nó lần nữa sao? Lão không bằng con chó ngoài kia. Người ta tách chó con ra cũng phải ăn vài vết đớp, chí ít cũng nghe tiếng sủa điếc lỗ nhĩ. Còn lão, hí hứng đếm mấy đồng dơ bẩn, để đẩy con gái ruột phải phơi mặt, phải băng vú. Đưa đẩy khắp nơi, nó dạt về làng gần biên, bán nốt đống sức xuân, ngày ngày cố dành ra chút ít. Để dành để làm gì, nó cũng không rõ. Về quê? Quê nào? Lấy chồng? Nghĩ đến đó, nó tự tát vào mà một cái đau điếng. Lão thẽ thọt “Con nói là trẻ mồ côi? Con điên à?”. Ừ, cũng không điên như lúc ông bán tôi. Lão bố không biết nhục, quỳ mọp xuống xin nó cho lão ở lại. Lão điên rồi. Đói quá nên không còn biết chút liêm sỉ nào. Nó cũng đâu có liêm sỉ. Nó phơi ngực trước trai mấy lần đó thôi. Trước lưỡi hái sáng loáng của tử thần, liêm sỉ hay tự trọng hóa thành một miếng giẻ rách. Nó là giẻ rách, ăn bầm dập nhưng không chết. Nó cho thế là tử thần đã nhân nhượng với nó lắm rồi, vẫn tha không giết. Nó chỉ cần thế thôi.

Lão Bản, hay cha trên giấy khai sinh của Tú chính thức ở lại. Chẳng hiểu sao nó vẫn giữ cái giấy rách nát, mốc meo ấy bên người. Thì để khi ông chết còn có cái xem, viết tên lên bia mộ. Ông chỉ có một đống đất đắp thôi, cùng lắm có thêm miếng gỗ làm bia. Đó là thứ tốt nhất nó có thể cho lão, để làm trọn chút đạo hiếu cuối cùng của thứ gọi là con. Lão Bản cứ thu lu ở góc nhà khi nghe nó chửi, không dám hé răng cãi lại nửa lời. Lão thui thủi trông nhà cho Tú. Tối mịt Tú về, vứt cho thứ này đồ kia cũng qua cơn đói, thu lu ngáy o o. Khốn nạn. Ông cũng ngủ ngon cơ đấy. Mà thôi, nó cũng mệt rồi. Lăn ra đất, nó chìm vào dòng sông xanh. Khỉ cái từ đâu nhảy đến chồm hỗm trên phiến đá trước mặt, hàm răng trắng ởn nhe ra, tay khua loạn xạ. À nó hiểu rồi, khỉ không muốn giết nó, chỉ muốn chơi đùa cùng nó thôi. Khỉ lại biến con bướm thành bọ cạp. Thứ độc được tiêm vào nó chỉ là thuốc tê, tạm ghìm đau đớn để người nó lâng lâng hòa vào dòng nước trong mát. Nó ưỡn ngực đón nhận chất độc đó ngấm xuống toàn thân, nhuộm đen huyền bí. Nó nhìn xuống nước, thấy mình biến thành một sinh vật mặt khỉ xám ngoét, đôi cánh sau lưng lớn lên, giang rộng, gai nhọn chĩa ra tua tủa. Khỉ cái tót lên lưng, nó đập cánh bay lên, dòng sông thu lại bé như sợi chỉ.

Đang đắm chìm trong cơn gió mát lành, khỉ bỗng kêu khe khé, vỗ liên tục vào lưng. Nó choàng tỉnh dậy. Bóng người to thù lù, rón rén tiến đến gần. Nó vùng dậy nhưng không kịp nữa rồi. Bóng đen đổ sụp xuống người. Hai cánh tay lực lưỡng đè chặt tay nó. Nó cố vùng vẫy, hai chân khua loạn xa nhưng không ăn thua. Đầu gối nó đã bị cố định, gã này rõ ràng đã có kinh nghiệm ăn thịt con gái, dáng người lại rất quen. Thằng Phá. Chỉ có nó mới dám làm chuyện này. Vừa kịp nhận ra, toàn thân nó lả đi, mắt trĩu nặng. Chó đẻ. Gã không muốn dùng điện nên chụp thuốc mê. Nó cố mở to mắt, mở to để thấy từng miếng vải bị xé, phơi ra toàn bộ cơ thể nó cố gắng gìn giữ. Không. Nó không thể cưỡng lại nữa rồi. Tay chân nó mềm ra, cam chịu. Thằng Phá vẫn chưa làm, nó muốn ngắm cái vẻ mặt nửa tỉnh, nửa mê một lúc rồi mới hành sự. Gã cười hi hí, thè lưỡi ra liếm láp trên mặt, rồi vục xuống ngực, mơn trớn hai chiếc núm hồng hào.

Bỗng từ đằng sau có thứ gì đó giáng xuống làm thằng Phá thấy nhồn nhột. Ra lão già, tưởng đã ngất đi mà vẫn tỉnh lại được. Cú vụt gậy của lão chỉ khiến thằng Phá điên tiết, tóm lấy lão rồi ra sức thụi vào bụng, vào ngực. Lão Bản ôm chặt lấy thằng Phá, nhất quyết không buông ra dù bị giáng liên tục vào đầu, vào lưng. Đấm một lúc mỏi tay, thằng Phá cũng tách được lão ra, ném vào tường, hậm hực nhìn con mồi chưa kịp ăn rồi chạy mất. Máu từ đầu lão Bản rỉ xuống, biến khoảng đất thành màu đen kịt.

*

* *

Tú đang quỳ trước mặt lão Đấu, miệng ngập tràn thứ dơ bẩn của đàn ông, cố mãi mới thốt ra được ba tiếng “Sướng không anh”. Lão cười hô hố: “Tốt, em đáng yêu lắm”. Chó chết. Bẩn thỉu. Lão Đấu mở két, lấy ra một cọc tiền xanh lét ném lên bàn. Tùy em. Tiền hoặc không có gì. Nước mắt từ từ nhỏ xuống. Nó khóc? Con cửu vạn bầm dập đến đâu cũng không khóc, nay còn không bằng miếng giẻ hôi hám. Cởi đi em. Trói anh lại đi em. Cố lên em, làm anh sướng anh thương, rồi em sẽ lo được cho cha. Mắt nó nhắm nghiền, tay nó nắm lại, răng nghiến ken két. “Em phải thả lỏng, đừng căng cứng. Cứ coi như mình là người yêu làm với nhau đi”. Nào, gọi anh đi em, nói em yêu anh đi. “Em…yêu anh”. “Ừ, tốt, có thế chứ, anh cũng yêu em, yêu từ lâu lắm rồi. Nói thật với em từ ngày em đến anh đã phải lòng em rồi đấy”.

Khốn khổ. Khốn nạn. Trong đầu nó đầy rẫy tiếng gào thét, than thở. Hết cách. Còn thứ gì đâu ngoài cái thân lõa lồ của nó. Mấy đồng để dành chỉ như muối bỏ bể, không đủ cứu lão Bản đang hôn mê trong bệnh viện. Bỏng rát. Xót đến rên xiết. Lão Đấu biết không? Con quỷ già nằm ngửa, hai tay giang rộng, cứ cong người tận hưởng những cú nhấp nhô mạnh mẽ. Sức hông cửu vạn đâu phải chuyện đùa, đủ làm lão già rú lên kinh hãi sau mỗi lần nó thả người xuống cái rắc. Mặc thứ đỏ chót trinh nguyên nhều nhễu chảy xuống mớ da đùi nhão nhoét của lão Đấu, mặc nước mắt, nước mũi, rồi nhớt dãi tha hồ biến người Tú thành con khỉ cái đúng nghĩa, nó vẫn cố gắng làm thứ nó chưa làm bao giờ, và không bao giờ nghĩ có ngày sẽ phải làm, kể cả trong mơ. Lão Đấu đưa tay lên cằm Tú đẩy lên, bảo nó nhìn vào cái gương trước mặt. “Em xem chúng mình có hạnh phúc không?”. Đấy, nhìn kỹ đi em. Anh muốn lưu giữ mãi mãi khoảnh khắc tuyệt vời này. Lão đã đặt sẵn máy quay. Nó mặc kệ. Còn gì để mất nữa đâu. Mắt nó mờ đi. Rớt dãi, mồ hôi trên người nó bỗng biến thành lông xám. Trong gương, khỉ cái đứng cạnh, cố ôm lấy nó, nhấc nó lên nhưng không đủ sức. Khỉ khóc. Nó cũng khóc. Lão Đấu vẫn rên hư hư sung sướng. Cọc tiền trên bàn bốc ra mùi tởm lợm, bay đến mũi, luồn xuống cổ bắt nó nôn hết ra đám dịch mửa cặn bã đang bập bùng ứ ách trong bụng. Nó cố kìm lại thứ cảm giác kinh khủng đang bứ lên khỏi vòm họng, nghiến chặt răng phục vụ cho lão Đấu.

*

* *

Tú mải miết chạy khỏi làng. Chạy mãi không dám dừng lại, dù bị đạp bùm bụm từ trong bụng. Trên vai nó đeo túi tiền thụt từ két nhỏ trong phòng lão Đấu. Đã chín tháng từ lần nó bán trinh. Nó không nhớ đã làm với lão bao nhiêu lần sau đó, nhưng đủ để lão cưng chiều, coi nó như vợ bé. Lão không có vợ cả, đứa nào qua tay lão cũng coi là vợ bé, gọi là em yêu. Nó biết quá đi chứ. Nhưng nó vẫn thấy sướng, vẫn thấy mê. Khốn nạn. Nó không cưỡng nổi cơn thèm thuốc. Thuốc và làm tình run rẩy đến co giật. Hai thứ đó cộng lại mới đưa được nó lên mây. Lão Bản thì đã đi nhanh hơn nó tưởng, dù có tiền cứu chữa cũng chỉ duy trì được tám ngày. Xuất huyết não quá nhiều, trời cũng chẳng cứu được, huống chi tiền lão Đấu. Nó có tiếc không? Có tiếc cái mảnh da mỏng toẹt trong người không? Nó chẳng nghĩ đến nữa rồi.

Sướng thế, sao nó phải chạy khỏi làng? Nó chịu. Chỉ biết thằng chó chết nào bán đĩa phim nó điên cuồng hành hạ lão Đấu, rồi tự đặt tiêu đề “Công chúa khỉ”. Đúng quá. Nó đã trở thành một con khỉ cái bị xích. Thậm chí không cần xích sắt ngoắc cổ, nó đang mang một sợi xích vô hình. Lão Đấu tin vào sức mạnh của dây xích đó, thứ dây xích tối thượng lão tạo ra để nắm trong tay cả cái làng buôn lậu. Chạy được một đoạn mệt quá dừng lại, nó nghe thấy tiếng súng nổ râm ran. Công an đến rồi! Buôn hàng vớ vẩn thì được nhắm mắt làm ngơ, nhưng động đến ma túy là nước đi dại dột. Giọt nước tràn ly. Kiên nhẫn biến mất. Mấy tay biến chất cũng không giấu nổi kim lòi ra trong bọc. Chủ buôn chạy loạn. Cửu vạn bơ vơ. Ở lại cũng chết mà chạy thì may ra sống sót. Vấp phải viên đá, nó ngã dúi dụi. Vừa lồm cồm bò được lên, xa xa có tiếng loa vọng lại: “Khu vực này đã bị bao vây. Yêu cầu những người đang chạy trốn, ẩn nấp hãy bỏ vũ khí đầu hàng để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật!”. Nó nằm sát xuống đất, nín thở, lặng im co ro như con khỉ mất chuồng.

Mưa. Đau rát. Máu nó chảy ra thành dòng. Tiếng lão Bản lí nhí. Tiếng lão Đấu phê pha. Rồi thằng Phá từ đâu mò đến, xòe hai bàn tay to bè bẩn thỉu xé từng cái cúc, từng mảnh vải. Nó mê đi. Mưa tí tách rơi vào mắt, vào mũi. Mắt nó mờ mịt. Khỉ lại hiện về, bàn tay nhỏ xíu quét ngang qua hàm răng trắng ởn đang nhe, không nói không rằng rồi biến mất. Nó muốn đưa tay lên với. Nó muốn níu lại con vật mơ hồ đó, con vật nó tưởng là bạn. Giọng nó vụn vỡ. Cố lấy hết chút hơi còn sót lại, nó cố hét lên “Khốn nạn…!” rồi gục hẳn.

*

* *

Ba mươi năm sau, ở khu chợ trong ngôi làng vùng biên, một thanh niên cao lớn tiến từng bước chân mạnh mẽ. Anh là cảnh sát đã cùng đồng đội lập chiến công triệt phá đường dây buôn lậu quy mô lớn từng một thời hoành hành nơi đây. Sau cơn mưa trời lại sáng. Cuộc sống ở làng dần trở lại nguyên sơ, hiền hòa, buôn bán giao thương phát triển. Trong nghĩa trang của làng, có người con trai đang thắp hương cho mẹ. Đó là chiến sĩ hình sự mà giới giang hồ run sợ gọi là “khỉ trắng” vì sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và nước da trắng giống mẹ, người mẹ “khỉ làng” đã cố sức tàn kiếm tìm chút ánh sáng tự do.

Đinh Thành Trung