Xóm Rạch Sậy, nơi dòng Cái Vừng uốn lượn như dải lụa bạc màu, lặng lẽ len qua những bãi bồi hoang hoải và cánh đồng thưa lúa. Nơi đó, có một căn nhà lá xiêu vẹo như sắp ngã theo chiều gió. Mái nhà được chắp vá bằng bao bố cũ, từng mảng rách phất phơ mỗi khi gió chướng tràn về. Trong căn nhà ấy, có hai con người nương tựa vào nhau qua tháng ngày. Bà Năm, một bà lão hom hem, lưng đã còng như dấu hỏi thời gian và đứa cháu gái tên Ánh Dương, cái tên nghe như ánh sáng đầu xuân, nhưng đời cô lại là chuỗi ngày u ám không ánh mặt trời.
Dương không biết mặt cha, chẳng nhớ được giọng nói của mẹ. Những ký ức đầu đời của cô chỉ là tiếng võng kẽo kẹt bên hiên, là mùi khói bếp ám vào tóc, là bàn tay nhăn nheo của ngoại dắt cô qua từng mùa lũ. Ngoại kể, hồi cô vừa tròn bốn tháng tuổi, cha mẹ để lại cô trong chiếc nôi be bé, dặn dò ngoại trông chừng rồi khăn gói lên Sài Gòn làm thuê. Rồi một ngày, tin dữ bay về, một chiếc xe tải chở gạch ngã lật, đè lên người hai vợ chồng đang đạp xe đi làm. Dương lớn lên bằng lời ru câu hát của bà.
Bà Năm nuôi Dương bằng chén cơm nguội chan nước lạnh, bằng nước cơm pha chút đường và bằng tình thương của sức già đã cạn kiệt như giếng làng mùa hạn, nhưng càng khô càng sâu, càng khắc nghiệt càng chân thành. Bà từng chèo xuồng đi bán cá từ tờ mờ sáng, giọng khàn đặc vì rao hàng suốt mấy chục năm xuôi ngược sông nước. Bây giờ, bà già yếu, răng rụng gần hết, chỉ còn lại một giọng nói trầm đục, đôi mắt mờ mờ và đôi tay run run đan lục bình thuê nuôi cháu qua ngày.
Dương lớn lên như một ngọn cỏ dại ven bờ, mềm mại, xanh nhạt, yếu ớt trong mắt người đời, nhưng lại kiên cường một cách thầm lặng. Cô bé lúc nào cũng ngẩng đầu tìm ánh sáng, hướng về nơi ánh mặt trời khuất sau những vạt mây dày. Trong cái nghèo quắt queo của xóm Rạch Sậy, nơi mà cái đói có thể thình lình tràn vào mâm cơm như cơn gió đồng cuối mùa, Dương vẫn là đốm lửa nhỏ cháy âm ỉ, không chịu tắt. Cô bé bướng bỉnh như đất phèn khô cằn nhưng một khi có mưa xuống thì vẫn màu mỡ, nảy mầm.
Khi sáu tuổi, Dương đã biết lội ngang con mương đục ngầu phù sa. Cô biết trèo lên cây ổi già bên bờ sông, hái trái đem ra chợ bán, đổi lấy vài đồng lẻ phụ bà mua gạo. Cô cũng đến những nhà trong xóm để xin lại sách cũ, những cuốn vở đã viết nửa chừng, những tập đọc nhăn nhúm nhưng còn nguyên chữ. Dương yêu con chữ như người ta yêu ánh nắng sau cơn giông, nhỏ nhoi nhưng ấm áp, hiếm hoi nhưng quý giá. Mỗi trang giấy, với Dương là một bậc thang để bước khỏi cái nghèo.
***
Người bạn đầu tiên và cũng là duy nhất của Dương, là một thằng con trai cao kều, da ngăm rám nắng, răng thưa như mấy cây đòn tay trên nóc nhà và cái giọng thì cứ như thể sắp gây sự với cả thế giới. Nó tên Hoàng. Nhà Hoàng cách nhà Dương hai con mương, ba gốc gừa và một bãi đất trống thường lầy lụa mỗi khi mưa xuống. Nhà nó cũng không khá, nhưng ít ra còn có mái tôn chưa thủng. Cha nó là thầy giáo trường làng, mẹ bán rau ở chợ, đủ để không lo chuyện ăn từng bữa.
Hoàng nghịch ngợm như quỷ đất. Nó thích nhất là lội sình bắt cá lóc, trèo cây chọc tổ chim, đá dế cho đến khi cả hai con đều què cánh và rượt gà đến độ mấy bà trong xóm phải cầm chổi dí chạy. Nhưng lạ thay, giữa cái ồn ào bặm trợn của nó và cái lặng lẽ cứng cỏi của Dương lại nảy ra một tình bạn giản dị, không màu mè. Có lẽ vì hai đứa đều hiểu nhau bằng cái nghèo, thương nhau bằng cái lặng thầm mà không đứa trẻ có nhiều tiếng cười nào trong xóm có thể hiểu.
Hai đứa quen biết nhau vào một chiều đầu mùa gió chướng, khi bầu trời xám xịt như phủ một lớp tro bếp, gió rít qua từng lùm tre phát ra thứ âm thanh se sắt và mặt sông thì lăn tăn gợn sóng như đang thở dài. Dương hôm đó trèo lên cây mận trĩu quả của ông Sáu để hái trộm. Nhưng xui thay, Dương kẹt trên một nhánh cao chót vót, không dám xuống.
Hoàng tình cờ đi ngang, thấy cô bé mặt mũi cau có vì mắc kẹt như con mèo nhỏ trên cây, thì không nói không rằng, chạy đi vác về cây thang tre, dựng sát gốc, ngước lên:
– Leo xuống lẹ đi, gió lên rồi té cái rụp đó!
Dương lườm, rồi leo xuống, không cám ơn, chỉ nhăn mặt:
– Bộ muốn làm anh hùng hả?
Hoàng cười toe toét, mắt nheo lại như trăng non:
– Không, muốn chia mận thôi!
Từ hôm ấy, hai đứa thành đôi bạn. Tình bạn của chúng không bắt đầu bằng lời hứa hẹn, cũng chẳng cần giao kèo. Chỉ đơn giản là có thêm một người để chia nhau củ khoai, trái ổi, hay cùng lội mương bắt cá, móc sình đắp đê. Hoàng thường mang cho Dương trái bắp, củ khoai, khi thì cái bánh in mẹ làm dư. Đổi lại, Dương dạy Hoàng cắt giấy làm diều, bẻ tàu dừa đan cào cào và ngồi kể say mê chuyện bà ngoại mình từng chèo xuồng vượt qua ba trận lụt lớn, khi nước ngập tới mái nhà. Trong cái nghèo, tình bạn của hai đứa như ánh đèn dầu le lói trong căn nhà lá, không sáng lòa, nhưng đủ ấm áp để xua đi cái giá lạnh của đời nghèo.
***
Còn Hùng, thằng con trai của ông Ba Quý, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng thì khác hẳn. Nó mập tròn, trắng bóc, lúc nào cũng mặc đồ mới thơm mùi nước xả, đi giày ba-ta sạch bong và giọng nói thì luôn vang lên với điệu hất mặt quen thuộc. Mỗi lần thấy Dương đi học bằng đôi dép nhựa đứt quai, vá bằng sợi dây thun, Hùng lại bĩu môi:
– Nghèo riết chắc quen luôn rồi hả?
Dương không đáp, chỉ siết chặt quai cặp cũ như muốn giữ chặt lòng tự trọng của mình, rồi cúi đầu đi nhanh hơn. Nhưng Hoàng thì không chịu được. Mắt nó long lên, nhặt một cục đất, nhắm ngay chân Hùng mà ném:
– Sao bằng mày, giàu mà học ngu, chắc ngu riết cũng quen luôn rồi hả?
Cái giọng ồ ồ kèm thêm hai chân mày nhíu lại của thằng Hoàng làm thằng Hùng sợ ra mặt, nhưng vì giữ sĩ diện nên nó cố trợn tròn mắt, mặt đỏ như gấc, rồi hậm hực chạy về méc cha. Chẳng bao lâu sau, ông Ba Quý hớt hơ hớt hải chạy tới trường, đứng ngay giữa sân, chỉ tay thẳng mặt hăm he, xỉa xói thầy Tâm, cha của Hoàng, cũng là thầy giáo ở trường. Nhưng thầy Tâm chỉ cười nhẹ, ánh mắt bình thản, giọng ôn tồn mà đanh thép:
– Thằng Hoàng nó chỉ phản pháo lại câu thằng Hùng nói thôi, chuyện con nít mà. Tôi thì lại nghĩ, cuộc sống giàu sang mà không có tình người thì có nghĩa gì?
Lời nói ấy như một nhát dao lột vỏ dừa, lột sạch cái hào nhoáng bên ngoài, để lộ ra cốt lõi. Dương nghe và không bao giờ quên. Lúc đó, cô chưa hiểu hết, nhưng nhiều năm sau, khi đã đi qua biết bao nhiêu cơn gió chướng của đời mình, cô mới biết: có những câu nói không phải là bài học, mà là cái phao để người ta bám vào để cố bơi ra khỏi vực sâu.
***
Đến năm Dương mười tám tuổi, cái tuổi mà người ta vừa đủ lớn để mơ mộng, nhưng chưa đủ mạnh mẽ để chống chọi với cái khắc nghiệt của cuộc sống. Hoàng cũng mười tám, nó cao lênh khênh như cây dừa mọc giữa đồng trống, tóc nâu cháy nắng, mắt lúc nào cũng sáng như thể có một ngọn lửa nhỏ luôn cháy âm ỉ bên trong. Cả hai cùng học lớp mười hai ở trường cấp ba Hòa Bình, ngôi trường được xây bằng gạch xám, nằm lọt thỏm giữa ruộng đồng, cách xóm Rạch Sậy hơn ba cây số đường đất.
Sáng nào cũng thế. Khi sương còn bám trên ngọn cỏ ven bờ, cũng là lúc Hoàng đạp chiếc xe đạp cũ kĩ qua đón Dương. Cái xe cà tàng, sườn rỉ sét, phanh kêu két két như than thở, nhưng cứ mỗi lần hai đứa cùng ngồi lên, là nó như hóa thành một con ngựa chiến, gấp gáp, hăm hở và có cả tiếng cười của thanh xuân lẫn mồ hôi của những giấc mơ không chịu ngủ yên. Hoàng ngồi đạp phía trước, miệng luyên thuyên đủ thứ chuyện, từ con gà trống nhà ai gáy lạc giọng, đến bài toán khó hôm qua nó giải sai. Dương ngồi sau, cặp ôm trước ngực, áo dài trắng lấp lóa trong nắng sớm, mái tóc mượt buông nhẹ theo chiều gió, phảng phất hương bồ kết và mùi nắng quê.
Lũ bạn trong lớp hay trêu:
– Xe hoa nhen! Tụi bây cưới hồi nào mà đi chung hoài vậy?
Dương nghe vậy thì đỏ mặt quay đi, môi mím lại như giấu một nụ cười đang tràn ra. Còn Hoàng thì tỉnh bơ, miệng ngậm một cọng cỏ gà, mắt nhìn ra đồng mà đáp:
– Cưới gì! Đợi đậu đại học rồi cưới!
Câu nói ấy tưởng chơi chơi, nhưng nghe sao mà xa xăm như tiếng tò te của ghe bẹo về bến lúc hoàng hôn. Cả hai đều hiểu, đường tới tương lai còn lắm gập ghềnh. Bà Năm giờ đã yếu, bước đi run run như chiếc bóng giữa chiều nghiêng, mắt đã mờ, tai đã lãng, bữa cơm nhiều khi chỉ có cháo trắng chan nước tương. Dương biết, từng đồng bạc cho học phí, tập vở, ăn uống đều là những sợi chỉ rút từ vạt áo sức khỏe của bà.
Còn Hoàng, tuy có cha là thầy giáo, mẹ bán rau ngoài chợ, nhưng dưới Hoàng còn ba đứa em đang sắp sửa đi học. Cái gánh gia đình lúc nào cũng nằm nặng trên vai Hoàng như cái cặp to tướng cậu đeo mỗi ngày, đầy những ước mơ bị gấp lại, đặt tạm qua một bên vì cơm áo gạo tiền.
Những ngày cuối cấp, nắng cháy hơn, đồng cạn hơn và lòng cả hai cũng linh đinh sóng nước xứ này.
***
Cuối hạ, trời như bốc lửa. Mặt đất nứt nẻ, gió thổi lồng lộng qua xóm Rạch Sậy mang theo mùi cỏ cháy. Dương đang ngồi bên chiếc bàn học, chăm chú ôn từng bài văn, bài toán cho kỳ thi đại học sắp tới, thì nghe tiếng “uỵch” vang lên ngoài sân. Tiếng động nặng nề, đột ngột, như ai đó vừa đánh rơi cả bầu trời.
Cô vùng chạy ra, tim thắt lại khi thấy bà Năm nằm sõng soài bên lu nước, chiếc nón lá văng ra xa, đôi mắt trợn khẽ mà không còn tỉnh táo. Hàng xóm nghe tiếng kêu, vội vàng xúm lại. Người bế bà, người tìm xe, rồi lũ lượt đưa bà lên trạm y tế. Nhưng bệnh nặng quá, y tá lắc đầu, chuyển thẳng lên bệnh viện huyện trong đêm.
Sau mấy giờ cấp cứu, bác sĩ gọi Dương vào phòng riêng, giọng trầm như tiếng mưa đêm. Bác sĩ nói, bà Năm bị suy tim độ ba, phải điều trị nội trú dài ngày, truyền thuốc, theo dõi sát và chi phí ước chừng hơn mười triệu. Dương nghe mà chân tay rụng rời. Tài sản trong nhà, ngoài chiếc nồi nhôm đáy cong, vài bộ quần áo sờn vai và chồng sách vở của Dương ra thì chẳng còn gì đáng giá. Cô chạy đôn chạy đáo khắp xóm, tới từng nhà, ngửa tay mượn từng đồng lẻ. Ai cũng thương, cũng cảm, nhưng mà ai cũng nghèo, người cho được vài trăm, người biếu lon gạo hay chai nước tương. Gom góp hết, cũng chỉ chưa tới một phần tư số tiền cần.
Không còn cách nào khác, Dương phải tìm đến nhà ông Ba Quý, cha của Hùng. Căn nhà nằm ngay đầu kênh, nổi bật với mái ngói đỏ và hàng rào sơn xanh. Dưới ánh chiều chạng vạng, Dương bước vào, đôi dép nhựa gần đứt quai. Cô cố đứng thẳng, nuốt nước mắt vào trong.
– Mượn mười triệu? – ông Ba Quý nhíu mày, giọng lạnh tanh.
– Có gì cầm cố không?
– Dạ… con không có. Bà ngoại con đang nằm viện… Con hứa sẽ làm trả dần…
Ông bật cười, tiếng cười lạnh như nước giếng sâu. Ánh mắt ông đầy mỉa mai:
– Mày làm gì có khả năng trả nổi. Cơm còn không đủ ăn.
Đúng lúc đó, Hùng từ phía sau nhà bước ra, tay cầm ly nước cam. Không rõ nghe từ lúc nào, cậu thản nhiên lên tiếng:
– Cứ cho mượn đi. Con sẽ bảo lãnh. Dù gì cũng là bạn học cũ.
Nói rồi Hùng nhìn ông Quý. Hiểu ý con, ông hừ một tiếng, rồi vỗ mạnh lên bàn:
– Viết giấy tay. Ba tháng không trả được thì phải chịu trách nhiệm… theo cách khác.
Thật ra mà nói, mười triệu với nhà ông Ba Quý chẳng đáng là bao, chỉ như một bữa ăn phụ thường ngày, thậm chí nếu Dương không trả nổi, thì cùng lắm họ coi như hôm đó không ăn khuya. Chỉ vậy thôi, nhẹ tênh như vứt bỏ một món đồ ăn thừa. Nhưng với Dương, đó là cả một thế giới. Mười triệu của người giàu chỉ là cái nhấc tay, nhưng với kẻ nghèo… có khi là cả một đời mang nợ.
Tờ giấy nợ đặt lên bàn. Dương run tay ký tên, chữ ký như sợi chỉ mong manh vắt ngang số phận. Ba tháng, nghe chẳng khác nào một bản án.
Những ngày sau đó là những ngày dài đằng đẵng. Dương quyết định ngừng ôn thi đại học. Không thể tiếp tục ngồi bàn học khi từng đồng đều phải tính toán để mua thuốc, mua cháo, trả viện phí. Cô đi làm đủ thứ: bưng bê quán nước, phụ bán cơm, rửa chén thuê… Sáng lo cho bà, trưa chạy việc, tối lại thức trắng bên giường bệnh. Đôi mắt cô thâm quầng, bàn tay khô gầy, nhưng trong lòng vẫn chỉ có một điều: giữ bà sống thêm được ngày nào hay ngày đó.
Hoàng biết chuyện vào một buổi chiều, khi ghé qua thăm bà Năm sau buổi học nhóm. Nhìn Dương gầy xọp, áo đã ngả màu, chân tay lấm lem, mắt cậu ứa lệ:
– Em nghỉ học thiệt hả?
– Không còn cách nào khác, Hoàng à. Bà… sắp không qua khỏi.
Hoàng đứng im một lúc lâu. Rồi cậu móc ra một phong bì, dúi vào tay cô:
– Đây là số tiền anh để dành để lên Sài Gòn thi đại học. Em cầm đi, lo cho bà. Rồi mình cùng ráng thêm hai tháng nữa.
Dương lắc đầu, nghẹn giọng:
– Đừng. Anh phải đi. Anh mà bỏ thi vì em, em mang tội suốt đời. Anh còn trẻ, còn cơ hội. Em thì… đâu dám mong nữa.
Không ai nói gì thêm. Im lặng. Hai cái bóng cạnh bên mà vẫn cách biệt.
***
Cuối tháng năm, Hoàng khăn gói lên Sài Gòn. Không để thi, mà xin phụ hồ, phụ quán, chạy bàn… kiếm tiền gửi về cho cha mẹ và mấy đứa em đang tuổi học. Dương không hề biết ý định của Hoàng. Lúc tiễn nhau ở bến xe, nắng đổ vàng như rót mật, nhưng lòng người thì chát ngắt. Dương dúi vào tay Hoàng túi bánh in nhỏ, giọng thì thầm:
– Anh lên Sài Gòn, ăn bánh thì nhớ đến em nha.
Hoàng nhìn cô thật lâu, ánh mắt buồn hơn cả những buổi chiều trên cánh đồng:
– Em chờ anh… ba năm, được không?
Dương gật đầu, mà trong tim dội lên từng cơn sóng. Bởi cô biết, tương lai không phải chỉ có sự chờ đợi, mà còn là những ngã rẽ không ai đoán trước được.
Giữa tháng sáu, bà Năm qua đời. Không kịp một lời trăn trối. Dương lo đám tang đơn sơ, chỉ có vài người hàng xóm tới đưa. Xóm giềng phụ chôn cất bà cạnh cây mận già. Cô ngồi suốt đêm, nhìn khói nhang quẩn quanh như mảnh hồn của người thân yêu vừa mất đi.
Hôm sau, Hùng đến.
– Giấy nợ hết hạn rồi. Nhưng mày khỏi lo. Nếu mày chịu làm vợ tao, coi như xí xóa, và còn được sống trong giàu sang.
Dương sững người. Mặt tái nhợt. Hùng nói tiếp:
– Tao nói thiệt. Từ lớp 11 tao đã thích mày. Nhưng mày cứ mê thằng Hoàng. Giờ nó đi rồi, tới tao chứ còn ai?
Cô không biết Hùng nói vì tình cảm thật lòng, hay chỉ để thu lại món đầu tư của cha hắn. Nhưng nhìn tờ giấy nợ, nhìn căn nhà lá không còn ai, mảnh sân rêu loang, tro nhang chưa tàn. Dương gật đầu, một cái gật như ai vừa bẻ gãy chiếc cổ con chim nhỏ. Nhưng khẽ khàng bảo Hùng chờ, chí ít phải sau một trăm ngày của ngoại, thượng hình ngoại lên bàn thờ để cô còn bái lạy ngoại đi lấy chồng.
Hùng đắc ý, chạy tới ôm chặt Dương. Dương không phản kháng, gương mặt trầm tư.
Cô viết thư cho Hoàng. Không nói về đám cưới. Không nói về Hùng. Không nói gì cả, ngoài một câu ngắn ngủi:
“Em không chờ được nữa. Xin lỗi vì làm anh thất vọng.”
Rồi cô gấp lại bức thư như gấp lại giấc mơ, giam mình trong căn phòng nhỏ. Đêm như một cái bóng u liêu và tĩnh mịch.
***
Một chiều muộn vài hôm trước lễ cưới, trời xóm Rạch Sậy chuyển mình lạ lắm. Từ phía con sông Cái Vừng, mây đen ùn ùn kéo tới như một nỗi buồn không tên đang dần phủ trùm lên tất cả. Gió bỗng ngừng thổi. Không một chiếc lá lay động, không một tiếng chim kêu, như thể âm thầm báo hiệu một điều gì đó sắp sửa xảy ra.
Dương ngồi trong buồng, mắt nhìn xa xăm. Tấm áo dài trắng treo ở đầu giường khẽ lay động trong luồng gió lùa khe cửa, tựa như một bàn tay đang vẫy gọi. Cô không nhìn nó nữa. Trong lòng ngổn ngang như thửa ruộng sau mùa gặt, trơ trọi và mệt mỏi. Bất chợt ngoài ngõ vang lên tiếng gọi quen thuộc của bà Tư bán cháo đầu xóm gọi cô ra vì có người tìm. Dương không định ra. Nhưng rồi, một giọng nói vang lên trầm, ấm, không thể lẫn đi đâu được. Giọng của Hoàng.
Cô bước ra mở cửa. Trời như đứng gió, mọi âm thanh dường như ngưng đọng. Trong ánh sáng nhợt nhạt của buổi chiều tà, một người đang đứng đó, là Hoàng. Anh vẫn như xưa, nhưng gầy đi, làn da sạm nắng hơn. Chiếc áo sơ mi nhăn nhúm, mái tóc bết mồ hôi, đôi mắt hoe đỏ. Dưới chân là chiếc ba lô bạc màu, dính đầy bụi đường.
Dương đứng chết lặng. Trái tim cô như bị bóp nghẹt. Hoàng nhìn cô, ánh mắt chất chứa cả nghìn điều chưa nói. Anh kể rằng đã nhận được thư của cô trễ hai tuần. Lúc đầu cứ nghĩ Dương đã giận, đã muốn cắt đứt, nhưng trong lòng vẫn tin rằng cô chưa từng buông tay.
Dương không kịp kìm nước mắt. Giọng cô nghẹn lại khi thú nhận rằng mình đã hứa sẽ cưới Hùng, và đám cưới chỉ còn vài ngày nữa. Hoàng lặng lẽ bước tới một bước:
- Em lấy Hùng vì yêu, hay vì món nợ?
Dương không trả lời ngay. Trong đầu cô hiện lên ánh mắt mệt mỏi nhưng lặng lẽ của bà ngoại lúc nằm trên giường bệnh, tờ giấy vay tiền với con số như một gánh nặng, tiếng cười khẩy của ông Ba Quý và vẻ mặt dửng dưng của Hùng từ sau hôm hứa hôn.
Cô muốn nói, Hùng đã bảo nếu cưới thì xem như xóa nợ. Còn nếu không cưới, cô không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng cô lặng im. Gương mặt nhòe nước. Hoàng không hỏi thêm. Anh lặng lẽ mở ba lô, lấy ra một tờ giấy nhàu nát, chính là tờ giấy vay nợ Dương đã ký. Giọng anh dịu nhưng đầy kiên quyết khi nói rằng anh đã chuộc lại rồi, và từ nay cô không còn nợ ai điều gì nữa.
Dương nhìn tờ giấy. Lòng như cô như luồng gió đầu mùa gió chướng thổi qua đồng, làm tán bần sau nhà xào xạc. Dương cúi đầu, nước mắt rơi xuống lòng bàn tay đang siết chặt.
***
Sáng hôm sau, trời không mưa nhưng mây vẫn dày. Dương một mình đến nhà ông Ba Quý. Trên mái hiên, Hùng đang tháo băng rôn đỏ thắm với dòng chữ “Lễ Tân hôn”. Thấy cô, Hùng nở một nụ cười đầy ẩn ý, như thể mọi chuyện đều đã được định đoạt. Nhưng Dương không cười. Cô bước đến, rút từ túi ra tờ giấy nợ Hoàng đã chuộc lại, đặt lên chiếc bàn tre trước sân. Giọng cô điềm tĩnh, nhưng dứt khoát. Cô nói, mình trả lại món nợ ấy, không phải bằng tờ giấy đăng ký kết hôn, mà bằng lòng biết ơn.
Hùng không bất ngờ. Anh đã chấp nhận xóa nợ từ hôm trước, chỉ là trong thâm tâm vẫn nuôi hy vọng cô sẽ ở lại. Anh sững lại giây lát, rồi bật cười. Tiếng cười khàn và buồn, như tiếng gà gáy lạc quãng sau cơn mưa đêm:
– Mày vẫn là đứa bướng như ngày nhỏ. Tao biết, nhưng vẫn hi vọng. Thôi thì, coi như tao thua. Nhưng tụi mày nhớ đó, nợ tao một lời mời đám cưới đàng hoàng nghe chưa?
Thì ra, trước khi tìm gặp Dương, Hoàng đã lặng lẽ đến cửa hàng vật liệu xây dựng của ông Ba Quý để chuộc lại tờ giấy nợ. Cửa tiệm hôm đó vắng lặng, chỉ có tiếng quạt quay đều và ánh nắng phủ bụi lên mấy bao xi măng. Trong văn phòng phía sau, Hùng đang gác chân lên bàn, mắt dán vào điện thoại, gương mặt lặng như mặt nước.
Thấy Hoàng bước vào, Hùng không ngạc nhiên, chỉ có sự giễu cợt lạnh lẽo của kẻ đang nắm quyền. Hoàng không vòng vo. Cậu đứng thẳng, điềm đạm nhưng dứt khoát, nói rõ đến để chuộc lại tờ giấy vay nợ Dương đã ký ba tháng trước. Hùng bật cười, một nụ cười cay nghiệt của người yêu đơn phương và không được đáp lại. Với hắn, tờ giấy ấy không chỉ là tiền bạc, mà là ràng buộc cuối cùng với một thứ tình cảm mà chỉ mình hắn tin là có thật. Hoàng lấy từ túi ra một xấp tiền được gói kỹ trong giấy báo cũ, thành quả của bao đêm làm thêm vất vả. Cậu đặt lên bàn, giọng rắn rỏi:
– Đây là mười triệu. Đủ cả.
Cậu không muốn Dương sống cuộc đời do người khác quyết định. Không muốn cô phải trả ơn bằng cả cuộc đời làm vợ. Hùng nhìn xấp tiền, rồi ngẩng lên, ánh mắt gai góc như tường gạch chưa tô vữa. Hắn không cần tiền. Hắn cần Dương, cần thể diện, cần được người ta công nhận là đã từng có người chịu lấy hắn. Không khí đặc lại.
Sau hồi lâu trầm lắng, Hùng bất ngờ đứng dậy, khoanh tay, dõng dạc:
– Thôi được, nếu mày muốn lấy giấy nợ, thì quỳ xuống trước mặt tao.
Một câu như cái tát. Hoàng không phản ứng ngay. Cậu nhìn xấp tiền, rồi nhìn vào mắt Hùng. Cuối cùng, cậu quỳ xuống, cái quỳ không vì Hùng, mà vì Dương. Căn phòng lặng đi. Hùng đứng yên, thoáng sững sờ. Trong khoảnh khắc đó, hắn chợt nhận ra mình chưa bao giờ dám làm điều gì vì Dương. Hắn cười khẩy, tay run nhẹ khi mở ngăn kéo, lấy ra tờ giấy vay nợ, đặt nhẹ nhàng lên bàn, dường như hắn đang từ từ buông bỏ Dương:
– Lấy đi. Tao cho đó. Không cần trả nợ đâu.
Hoàng đứng dậy, cầm tờ giấy và xấp tiền. Khi bước tới cửa, cậu dừng lại, quay đầu:
– Cảm ơn mày. Ít ra mày cũng hiểu thế nào là tình cảm thật, dù không đủ can đảm để yêu đúng cách.
Rồi cậu đi, để lại sau lưng tiếng quạt quay đều và một góc phòng trống rỗng. Hùng đứng như hóa đá. Mãi đến khi tiếng bước chân tan vào im lặng, hắn mới bước tới tủ gỗ bên trái, mở ngăn kéo dưới cùng, lấy ra một chiếc hộp giấy cũ.
Bên trong là vài món lặt vặt: một dây thun đỏ đã giãn, một kẹp tóc gãy, và tấm ảnh cũ, là tấm ảnh Dương trong chiếc áo trắng, ngồi đọc sách dưới gốc ổi sau trường. Ánh nắng xuyên qua tán lá, lấp lánh như bụi mơ hồ. Tấm hình nghiêng nhẹ, vì do hắn chụp trộm. Hùng vuốt mép ảnh, trầm ngâm.
Ngày xưa, khi cả lớp cười vì Dương đi dép đứt quai, hắn cũng cười, không phải vì khinh, mà để giấu đi tình cảm thầm lặng của mình mà không muốn bị ai phát hiện. Lớn lên, tình cảm ấy thành cố chấp. Muốn sở hữu, không phải yêu. Khi có cơ hội giữ cô bằng một món nợ, hắn bấu lấy, như thể đó là cách duy nhất để gần cô.
Hắn thở dài. Ánh mắt trong tấm hình vẫn dịu dàng như năm nào, như đang đọc một trang sách còn dang dở.
Gió ngoài kia lùa qua khe cửa, mang theo mùi đất và tiếng con nước dềnh lên từ sông Cái Vừng. Trong lòng Hùng, có thứ gì đó vừa rơi xuống. Nhẹ tênh!
Phan Thành Đạt
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: