Hồn của chữ – Linh Chi

Vương Bột (王勃, 650–676), tự Tử An, dân tộc Hán, người vùng Long Môn, Giáng Châu, nay là Hà Tân của huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (huyện Vận Thành cũng là quê hương của Quan Vân Trường). Vương Bột cùng với Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương được gọi là “Sơ Đường tứ kiệt” (bốn nhà thơ kiệt xuất giai đoạn đầu của nhà Đường) của Trung Hoa. Vương Bột thông minh hiếu học từ nhỏ, theo như ghi chép trong cuốn “Cựu Đường thư”, năm sáu tuổi Vương đã biết viết văn, văn phong lưu loát, chữ viết chân phương, từng được coi là thần đồng của vùng ấy. Năm 9 tuổi, Vương đã biết đọc sách “Hán thư” rồi viết cả mười thiên lấy nhan đề “Chỉ hà” để vạch ra những cái sai trong sách ấy. Năm 16 tuổi, Vương thi đỗ khoa cử, được bổ nhiệm vào chức “Triều tản lang” là chức quan được lập ra từ thời Tùy, tương đương hàm thất phẩm sau này. Sau do làm bài “Hịch chọi gà” mà bị biếm ra khỏi  Bái vương phủ. Tiếp đó, Vương đã dành ra ba năm để đi du ngoạn nhiều nơi ở Ba Thục (Tỉnh Tứ Xuyên và một phần Thiểm Tây ngày nay), sáng tác rất nhiều thơ văn. Sau khi về lại Trường An, Vương được bổ nhiệm làm võ quan tại Quắc Châu (nay là huyện Lô Thị, tỉnh Hà Nam). Trong thời gian tại nhiệm, do hai lần sát hại chức dịch và nô bộc mà bị biếm chức. Sau một thời gian, Vương lên đường về phía nam đến thăm cha là Vương Phúc Chỉ đang bị phát vãng làm huyện lệnh một huyện ở Châu Diễn tại Giao Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh Việt Nam ngày nay). Trên đường trở về, vừa ra khỏi cửa sông Lam thì thuyền gặp bão, Vương cùng bảy gia nhân bị chết đuối. Người dân xung quanh sau khi bão tan thấy thi thể của Vương dạt vào bờ thì vớt lên rồi báo lại cho Vương Phúc. Người cha thương xót con nên cùng với dân làng chôn xác Vương gần nơi cửa sông, lại sai người tạc tượng Vương Bột để thờ bên mộ. Sau khi Vương Phúc qua đời, người dân địa phương làm mộ hai cha con gần nhau, lại lấy gỗ mà tạc tượng của ông. Người đời sau còn dựng miếu thờ trong đó thờ hai pho tượng của hai cha con Vương Phúc và Vương Bột. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh và thiên tai mà ngôi đền cũ bị phá hủy, chỉ một phần nền móng còn sót lại. Dù trải qua nhiều biến động chính trị xã hội, song hai pho tượng vẫn được người dân trong vùng lưu giữ và thờ cúng, như một minh chứng hùng hồn cho ý nghĩa nhân văn của con người.

Có nhiều câu trong tác phẩm của Vương Bột còn được người đời nay truyền tụng, ví dụ như ở những bài này

Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu








Thành khuyết phụ Tam Tần,
Phong yên vọng Ngũ tân.
Dữ quân ly biệt ý,
Đồng thị hoạn du nhân.
Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỉ lân.
Vô vi tại kỳ lộ,
Nhi nữ cộng triêm cân.

Tiễn Đỗ thiếu phủ đi nhậm chức ở Thục Châu

Thành quách bọc Tam Tần

Sương khói phủ Ngũ Tân

Đôi ta đồng cảnh ngộ

Xa nhà kẻ quan nhân

Góc biển còn tri kỉ

Chân trời vẫn hương lân

Khóc như phường nhi nữ

Ngã rẽ đành dừng chân.

(Linh Chi dịch thơ)

Trong đó hai câu

“Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỉ lân”

Được người đời nay sử dụng rất nhiều, ý nói rằng: chỉ cần trong gầm trời này còn một người tri kỉ với ta thì cho dù ở nơi chân trời góc biển vẫn như là bên nhau vậy. Hay như bài “Tư quy”




 

Tư quy

Trường Giang bi dĩ trệ,
Vạn lý niệm tương quy.
Huống thuộc cao phong vãn,
Sơn sơn hoàng diệp phi.

 

Dịch nghĩa

Nỗi thương đau đã lắng đọng trên sông Trường Giang,
Ở nơi xa muôn dặm mong nhớ lúc trở về.
Huống hồ đương lúc cuối thu,
Lá vàng tung bay trên núi non trùng điệp.

 

Mong ngày trở lại

 

Trường Giang buồn ở mãi

Muôn dặm muốn về ngay

Lại gặp chiều gió lộng

Lá vàng núi núi bay

 

(Bài thơ này tôi đã dịch như thế, và thuộc như thế, nhưng do không tìm thấy file bản dịch xưa kia trong máy, rất có thể sẽ giống với một bài thơ mà ai đó đã dịch, mong bạn đọc nếu tìm được thì báo lại cho tôi).

 

Hay như câu

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”

Mà thi sĩ Nam Trân  từng dịch sang lục bát thành

 

Chiếc cò bay với ráng sa

Sông thu cùng với trời xa một mầu

 

Chẳng phải là diễm lệ đến mức không tưởng đó sao..

 

Tôi ấp ủ ý tưởng đến thăm mộ của nhà thơ Vương Bột đã từ lâu lắm. Rồi thời cơ đã đến, chúng tôi quyết định sẽ dành thời gian để đến thăm nơi ấy thắp một nén nhang dành cho văn nhân thuở xưa.  Tìm đến xã Nghi Xuân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì trời đã tối, chúng tôi đành nghỉ tại khách sạn tại Cửa Lò để sáng hôm sau đi sớm. Cả đêm nghỉ tại khách sạn, tôi có một giấc ngủ không yên, cứ chập chờn thấy bóng trắng của một văn nhân như đang ngập ngừng đứng trước cửa, đưa tay lên gõ rồi lại thôi, mấy lần như thế. Sau cùng không hiểu sao thấy bóng trắng ấy vào phòng, lướt qua giường, mỉm cười rồi chắp tay theo lối chào của văn nhân thuở xưa rồi bước qua cửa sổ về phía bóng trăng sáng lồng lộng bên ngoài. Tôi bất giác cũng nổi lên lòng thành kính mà chắp tay tạ lại với người. Sớm hôm sau, sau khi ăn sáng, tôi chỉ mong sao thật nhanh có thể đến được nơi đã mong chờ rất lâu kia. Sau một hồi loanh quanh tìm kiếm, chúng tôi tìm đến được đền Phúc Vị là nơi thờ hai cha con thi sĩ Vương Bột. Cửa ngôi đền vẫn khóa nhưng thật may có người vừa đi ra, nghe thấy chúng tôi hỏi và nói rằng chúng tôi là những nhà văn mong muốn đến thăm đền, người phụ nữ lớn tuổi sốt sắng giúp chúng tôi liên lạc được với người giữ đền. Một lát sau, ông thủ từ cụt một tay đi đến. Ngôi đền mới xây có kiến trúc trang nhã, u tịnh với khoảng sân rộng phía trước cửa tam quan. Sau cửa chính qua khoảng sân lát đá với hòn non bộ rồi mới vào đến tiền cung và hậu cung. Tiền cung của ngôi đền có ba gian thờ thánh như nhiều ngôi đền khác. Khi nghe chúng tôi nói về nhà thơ Vương Bột, ông thủ từ nhìn chúng tôi một lát rồi lẳng lặng mở cửa hậu cung mời chúng tôi vào. Có lẽ hậu cung không phải là nơi mà ai thích đến đều có thể đến. Kiến trúc hậu cung nhỏ hơn, thờ hai pho tượng đồng giát vàng của hai cha con Vương Phúc Cơ và Vương Bột. Phía trên có bức hoành phi ghi bốn chữ “Vạn cổ anh linh”, Hai cột hai bên có đôi câu đối

Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo

Cửu tiêu nhật nguyệt ánh trùng quang.

Toàn bộ bài trí điện thờ giản đơn nhưng trang nghiêm, toát lên sự thành kính. Duy chỉ có trang phục của hai vị ấy làm tôi hơi thắc mắc. Có thể người thợ khi đục tạc tượng sẽ chế tác theo sự tưởng tượng của họ sao cho đẹp và trang trọng nhất mà bỏ qua yếu tố lịch sử của nhân vật ấy. Theo tìm hiểu của tôi và được xác nhận của những nhân sĩ hiện nay tại Tây An (thành Trường An khi xưa), Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh, là chức quan hành chính nhỏ, quan phục sẽ không thể có mây hoặc rồng; Vương Bột khi mất là thư sinh văn sĩ, không theo hoạn lộ, y phục cũng không thể khắc theo lối quan trường. Ngoài ra, quan mão (mũ) của hai người cũng khác so với phục sức đời Đường, cánh chuồn của quan chức  thời đó sẽ bo tròn. Riêng Vương Bột do chỉ là nho gia văn sĩ, không có cánh chuồn ngang mà chỉ có dải mũ phía sau buông xuống. Dù sao, những người thợ cũng đã hết sức tâm huyết khi làm hai pho tượng ấy để hậu thế có thể tưởng tượng và biết tới tiền nhân một thuở rất xa xưa.

Bên trái của đền hiện nay còn phế tích của ngôi đền cũ. Ngoài tảng đá lót chân cột có thể cách đây khoảng mấy trăm năm thì những viên gạch xây chắc chắn đã có niên đại từ rất lâu. Giống như người xứ Đoài đục đá ong để xây nhà của họ, người dân địa phương ở đây đã đục những tảng đá trầm tích dưới biển để xây lên tường móng nền vách của ngôi đền. Những viên đá trầm tích ấy vẫn còn nguyên cả những mảnh vỏ sò hến đã kết cứng qua cả thiên niên kỉ, tạo nên sự vững chãi của ngôi đền mà chỉ có nhân tai mới có thể phá hủy được nó. Cạnh nền móng phế tích là một ban thờ nhỏ với một tấm bia đã mòn hết chữ . Tấm bia và bàn thờ nhỏ ấy được đặt ở góc phía đông của cả khu đất. Các góc phía tây, nam, bắc có các tấm bia đá vuông 4 mặt, được tạc vào các năm: Minh Mạng, Đồng Khánh, Thành Thái đều thuộc thời nhà Nguyễn sau này.

Trước khi tới, tôi cũng được biết có hai pho tượng bằng gỗ của hai cha con họ Vương nay đã lưu lạc trong nhân gian. Qua ông thủ từ, tôi tìm tới quán cà phê của ông Nguyễn Xích, là con của ông Nguyễn Sung, người ngày xưa đã cất giữ và thờ pho tượng của thi sĩ Vương Bột. Không ngừng một giây nào, tôi quá nóng lòng để tìm đến pho tượng ấy. Quán cà phê đóng cửa, tôi đã dừng xe đi bộ vào làng tìm hỏi, quả nhiên tìm được đến nhà ông Xích nhưng ông không có nhà. Một bà già tiếp chúng tôi với ánh mắt và giọng nói khá dè dặt, cảnh giác. Sau khi nghe giới thiệu, một cô gái đi ra và bảo với chúng tôi rằng: pho tượng ấy hiện đang giữ ở nhà người chú. Tôi lại tìm đến nhà người chú gần đó. Một phụ nữ trung niên đang soạn hàng mã trong sân tiếp chúng tôi. Bà yêu cầu chúng tôi phải cho xem thẻ nhà văn mới được lên chiêm bái pho tượng. Sau khi kiểm tra thẻ xong, cô dẫn chúng tôi lên tầng hai của căn nhà hai tầng, mở một cánh cửa gỗ, trong đó là phòng thờ và chúng tôi thấy ngay pho tượng được bọc áo vải vàng bên dưới với gương mặt trên đích thực là gương mặt điển hình của người trung thổ Đại Đường thuở xưa, phảng phất nét mặt văn quan trong khu tượng binh mã Tần Thủy Hoàng ở Lâm Đồng, Hàm Dương, Thiểm Tây. Dẫu y phục không được nhìn rõ nhưng quan mão thì đúng là quan mão của nho sĩ đời sơ Đường không lẫn vào đâu được. Duy chỉ có tai trái của tượng bị cụt, có lẽ do tượng bị va đập làm mất cả phần tai và phần quan mão của nho sinh ngày trước. Người phụ nữ nói với chúng tôi rằng bà tên là Trần Thị Khương, còn người chồng là Nguyễn Ngọc An. Bà có nói về lai lịch của bức tượng rằng năm ấy khu vực đền thờ  bị máy bay ném bóm phá hủy, lại gặp lúc lụt nước ngập hết cả vùng. Hai pho tượng theo nước trôi ra ngoài cửa sông. Bố chồng bà là ông Nguyễn Sung khi nhìn thấy pho tượng nổi trên mặt nước, tưởng là xác người bèn gọi hai con trai là Nguyễn Xích, Nguyễn An tới để vớt lên bờ. Khi biết là bức tượng trong đền, ông rước tượng về nhà, dựng bức lều tranh để thờ phụng. Sau khi ông mất, sợ rằng bức tượng để ở nhà đó không an toàn, ông Xích bàn với ông An mang pho tượng sang để ở nhà ông An và thờ cho tới ngày nay.

Thắp một nén nhang thành kính cho người thi sĩ, xin phép ngài cho tôi được chụp lại ảnh bức tượng, tôi cảm thấy dường như có ánh mắt từ bên trên đang nhìn tôi với sự thân thiết và hết sức dịu dàng. Chỉ mong rằng có ngày hai bức tượng cha con họ (nay vẫn được thờ ở hai nơi) được đoàn tụ về cùng một chốn.

Chắc đến ngày đó, họ cũng sẽ mãn nguyện lắm!

 

Hà Nội ngày 16/8/2024

Linh Chi