Hoa Hồng và Bánh Mì (Truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú)

Chị bước xuống máy bay khi đồng hồ chỉ con số 10: AM.

Ra đón chị tại sân bay là một nhân viên của công ty mà chị từng làm giám đốc. Bây giờ chị không trực tiếp quản lý, điều hành bất cứ công việc gì nữa. Chị chỉ đứng vai trò nhà đầu tư mà thôi. Nhưng là nhà đầu tư có số vốn quyết định đến đường hướng kinh doanh. Người ta bảo chị thừa tiền nên chả làm gì nữa, chỉ ăn với chơi thôi. Chị cũng chả biết là mình có thừa tiền không, nhưng tự nhiên chị nhớ con, muốn ở với con, thế là chỉ trong vòng vài tháng, chị rút lui khỏi mọi vị trí trên thương trường, tự cho mình sự rảnh rang, để sang Singapore ở với con gái.

Bây giờ chị lại trở về, sau chưa đầy một tháng sống cùng đứa con gái duy nhất của mình nơi đất nước xa lạ kia. Tâm trạng của chị lúc này thế nào, suy nghĩ của chị ra sao, thật khó biết được, chỉ biết câu đầu tiên chị hỏi cô bé nhân viên ra đón là: “Chị Minh đâu?”

Cô nhân viên đáp lễ phép: “Dạ, em gọi điện rồi, nhưng chị Minh bảo ốm quá, không đi nổi xe ra đây để đón chị”.

Chị vẫn nở một nụ cười nhưng trong lòng thấy trống trải và hụt hẫng quá. Chị đã điện về trước cho Minh, đã nói với Minh rằng, chị muốn Minh ra đón. Như thế tức là chị có rất nhiều điều muốn tâm sự mà chỉ Minh mới chia sẻ được. Nhưng Minh đã ốm. Ốm thế nào? Con này chả có gì làm nó ốm được. Chỉ có tình làm cho nó ốm mà thôi. Chị đã từng ví von một cách rất hình ảnh về Minh, rằng Minh như một thứ dây leo, khát tình như khát nước, hễ thiếu nước là ỉu xìu, vẩy cho vài hạt nước là lại ngóc lên, xanh cành mướt lá. Minh xinh đẹp nhưng nông nổi. Minh cũng có một đứa con như chị, nhưng con Minh đang học bên Mĩ. Minh không chịu nổi cuộc sống mà không có tình yêu. Minh luôn mụ mị trước những người đàn ông đẹp. Gần đây Minh còn “hư hỏng” hơn nữa khi lúc nào cũng hau háu muốn “làm thịt” lũ giai tân kém tuổi. Chị bảo, con tim mày bây giờ lại mù lòa đến thế hả Minh? Minh cười, nhìn những thằng con giai căng tràn nhựa sống, tao mụ mị hết cả người, không còn thiết gì nữa mày ạ. Như thế có phải là tao “hiện sinh” quá không? Chị hét vào mặt Minh: Có mà hiện hình quỷ dữ. Minh lại cười, mắt mơ màng: “Nhưng Minh chỉ yêu thôi, Minh có tội gì đâu?”

Chị không xinh đẹp như Minh. Dáng hơi thô, giọng nói hơi khàn, khuôn mặt hơi méo, lại sở hữu cái đầu “hơi bị thông minh” nên, nói như Minh là, chả giai nào dám yêu. Minh còn phân tích, xấu một tí thì có thể khắc phục được, nhưng thông minh quá, nhìn thấy tất tần tật những cái đểu giả của đàn ông thì thằng nào dám đến gần. Chị bảo, rồi tao sẽ gặp được tình yêu lớn, tao không yêu vớ vẩn như mày? Minh bĩu môi, tao cứ đi nhặt những tình yêu nhỏ, gom góp lại, đời tao thế là đầy ắp tình yêu, mày tìm tình yêu lớn, đến hết đời có khi cũng không thấy, thế là sống một đời không có tình yêu, phí hoài.

Nói thì nói vậy thôi chứ chị cũng thừa biết rằng, cả hai đều đã lầm lỡ và dang dở với cuộc hôn nhân đầu tiên, bây giờ còn yêu được, còn gửi gắm được tình cảm của mình vào ai đó, là còn tìm kiếm được hạnh phúc trong cuộc đời này. Chị cũng mong tình yêu chưa thực sự “quay lưng” với mình. Nhưng chị không thể yêu như Minh.

Mà thôi, xe vào đến thành phố rồi, chị bảo lái xe chạy thẳng đến nhà Minh. Cô ô sin bảo, Minh nằm bẹp trên giường từ tối qua đến giờ, chả thiết ăn uống gì. Chị chạy vội lên phòng ngủ của Minh. Thấy chị đẩy cửa vào, Minh lật chăn ra ngồi dậy, giọng ủ rũ: “Trang về rồi à, Minh xin lỗi nhé, đang chán đời quá, người ngợm như thế này, chả muốn ra khỏi nhà”. Chị ào tới bên Minh:

– Lại bị thằng nào nó đá hả?

Minh đưa hai tay lên ôm mặt: “Tại Minh thôi. Minh đã cư xử một cách quá quắt với người ta. Cũng đáng đời Minh. Minh đang hối hận quá mà không biết phải làm thế nào”.

Chị lôi tay Minh:

– Thôi, đến nhà tao. Tao có nhiều quà cho mày lắm. Rồi tao kể nhiều chuyện cho mày nghe. Quên cái thằng chó thiến nào đó của mày đi. Nào, đi!

Minh rụt tay lại: “Trang ơi! Minh buồn lắm, Minh không thiết gì nữa cả, thôi để lúc khác mình gặp nhau đi. Minh chỉ muốn tự trừng phạt mình bằng cách nằm một mình trong nhà thôi. Trang thông cảm cho Minh nhé!”.

Chị đứng dậy, giọng giận dỗi:

– Thế thì cứ nằm đấy mà chết rũ vì tình đi. Tao đi về!

Chị bỏ về thật.

Xe đưa chị về nhà trong sự chào đón của bác osin già và ông lão quản gia vốn là những người họ hàng xa với chị. Nhưng chị cũng chả thiết gì nữa. Mệt mỏi và chán chường sau một tháng xa nhà không như ý muốn, chị lên phòng riêng nằm nghe nhạc rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau Minh gọi điện cho chị.

Chị đã định dỗi không nghe nhưng rồi nghĩ lại, giận con bạn đồng bóng này có mà giận cả đời, chị cầm máy lên: A lô!

– Dậy chưa? Minh qua đưa Trang đi ăn sáng nhé. Rồi mình đi cà phê, buôn dưa lê cho đã nhé.

– Sao đổi giọng nhanh thế. Hôm qua như con gà bị cắt tiết, hôm nay lại hơn hớn được rồi. Giai nó quay lại à?

– Ừ, hôm qua lúc Trang vừa về thì người ta đến. Người ta tha thứ cho Minh rồi. Tuyệt vời lắm. Trang không biết cái cảm giác giận hờn rồi tha thứ nó tuyệt vời thế nào đâu. Người ta hôm qua nồng nàn và đắm đuối lắm. Người ta còn bảo… Mà thôi, Minh qua Trang bây giờ nhé!

Chị tung chăn, vào nhà tắm làm vệ sinh rồi ngồi vào bàn trang điểm. Nửa tiếng sau Minh đến. Cả hai đi ăn phở Bát Đàn xong lên tầng thượng của toà nhà Vincom ngồi cà phê. Minh chả thèm mở quà của chị ra coi, mồm nói, mắt nói, tay khua khoắng, cứ như lên đồng. Nào là người ta cũng là dân có học thức nên dễ bị tổn thương. Người ta còn trẻ nên đôi khi người ta cũng không thể chiều hết được những buồn vui vô cớ của mình. Nào là người ta đắm say mình thực sự Trang ạ. Khi người ta quấn lấy mình, mình hiểu thế nào là tình yêu. Mà người ta có khuôn mặt thiên thần làm sao. Khôi ngô lắm. Đôi mắt đen thăm thẳm, nhìn vào chỉ muốn chết trong đó thôi. Mà Trang biết không? Cái gì của người ấy cũng dài. Những ngón tay, cặp đùi, hai dóng chân, bờ lưng, cái cổ… dài, thon, đẹp, căng tràn và quyến rũ lắm ý.

Chị ngồi nghe Minh nói mà bỗng che miệng ngáp một cái rõ dài.

Minh nhận ra nói về bản thân như thế là hơi vô duyên trong lần gặp gỡ đầu tiên với một người bạn mới đi xa về, liền quay ra hỏi:

– Thế sao Trang lại về? Dự định sang đó ít nhất là sáu tháng cơ mà?

– Tớ đã không thực sự hiểu con gái tớ. Tớ cứ nghĩ nó cần mình, tớ đã bỏ tất cả để sang với nó. Nhưng hoá ra nó đã lớn. Nó cần tự do, cần làm theo sở thích và cần bạn trai hơn là cần một bảo mẫu.

– Minh đã bảo rồi, chỉ có mỗi Trang là cổ lỗ sĩ thôi. Cuộc sống bây giờ là phải làm ra tiền và yêu. Bọn trẻ nó yêu theo kiểu bọn trẻ, bọn mình yêu theo kiểu bọn mình. Thằng con mình bên Mĩ cũng thế. Trước kia nó còn cần tiền của mình gửi sang. Bây giờ nó làm ra tiền rồi, nó cũng chả cần đến mình nữa. Trang hãy lo cho Trang đi, nó đủ lông đủ cánh rồi, đường bay của nó còn rộng hơn của Trang ấy chứ.

– Thì tớ đã nhận ra là tớ lầm mà. Và tớ đã quyết định về nước đấy thôi.

– Ý Minh nói là Trang nên lo lắng đến đời sống tình cảm riêng tư. Cuộc sống mà chỉ nghĩ đến công việc, đến làm ăn, đền tiền tài thì đến lúc chết đi cũng chả mang được gì theo. Cần phải mở lòng mình ra với đời Trang ạ.

– Thì tớ vẫn tham dự tất cả các cuộc vui đấy thôi.

– Ôi dào, vài ba buổi tiệc chiêu đãi trọng thể, vài ba mối quan hệ kiểu cách, quý tộc rởm đời, rồi các buổi nghe nhạc thính phòng, các hoạt động tài trợ này nọ… tất cả những cái đó làm nên một người phụ nữ lịch lãm nhưng không làm nên một người đàn bà. Mình phải là đàn bà nữa chứ Trang. Phải yêu, phải cháy lên, phải có đàn ông trong hơi thở của mình.

– Thì tớ vẫn đang tìm người đàn ông của tớ mà.

– Một kiểu người cổ điển chứ gì, bằng hoặc hơn vài tuổi, vợ bỏ hoặc vợ chết, con cái đã lớn, hiểu biết, lịch lãm, tây học, biết nắm bắt tâm lý phụ nữ và… lên giường một cách nền nã. Ha, ha… Cổ lắm. Cổ lắm. Thế là yêu một manơcanh chứ không phải người.

– Thế phải yêu như thế nào?

– Yêu con người xác thịt, yêu sự thèm muốn, yêu những cảm xúc bản thân, bất chấp màu da, tuổi tác, địa vị. Như người ta của Minh đấy. Kém tuổi Minh rất nhiều. Nhưng điều đó không làm nên khoảng cách giữa hai đứa. Điều đó…

– Con tim tớ không có chỗ dành cho đám trẻ ranh đó.

– Chưa gặp thôi. Gặp rồi lại chả chết không giãy giụa.

– Tớ luôn tạo mọi cơ hội cho đám đào mỏ ấy đấy chứ. Nhưng có đứa nào chinh phục nổi tớ đâu. Nhìn thấy tớ là đã sợ phát khiếp.

– Thôi được rồi, không tranh cãi nữa. Trang thử đi theo mình mấy hôm xem sao nhé?

– Đi đâu?

– Thì đi lên sàn nhảy. Đó là nơi các quý bà sẽ bị đánh gục bởi các chàng trai trẻ.

– Tớ không bị đánh gục thì sao?

– Thì Minh mất cho Trang toàn bộ cổ phần bên công ty thời trang đó. Còn Trang thua thì phải nhường cổ phần bên công ty bất động sản cho Minh nhé?

Chị bật cười, suýt nữa phun cả cà phê vào áo Minh:

– Không được lẫn lộn giữa kinh doanh và tình ái. Nhưng mà cứ thử xem!

Đúng lúc đó điện thoại trong túi sắc của Minh bỗng phát ra một bản nhạc rất trẻ trung, tình tứ. Minh nghe xong, cười hấp háy: “Bọn mình về đi, cũng hết cả buổi sáng rồi còn gì!”.

Chị và Minh đi cầu thang máy xuống. Tới tầng 6, Minh kéo chị vào một shop quần áo lót của nam giới mua một đôi sịp hiệu Tomy. Xuống tới tầng 3, Minh lại kéo chị vào một shop nước hoa mua lọ Allure Homme Sport Cologne thương hiệu Chanel. Minh xịt vào tay chị, bảo gửi thử, rồi cười toe toét: “Mùi này làm con người ta thèm nhau hơn”. Chị bảo: “Hôm qua mày là cái dây leo héo, hôm nay thì đã lại tươi xanh rồi”

Ba ngày sau, Minh rủ chị đi sàn nhảy. Đó là một sàn cổ điển, khá lịch sự. Chị không phải là người sống khép kín hay cổ hủ như Minh nói. Thời con gái, chị còn nhảy giỏi hơn Minh nhiều. Nhưng công việc, những lo toan cuộc sống và tuổi tác khiến chị xa dần những chỗ như thế này. Chị hiểu là Minh đang muốn thử thách mình, và thực lòng, chị cũng muốn thử phiêu lưu xem cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu.

Đúng là có rất nhiều những chàng trai trẻ đến mời chị nhảy. Họ là những người phục vụ kiêm dắt nhảy cho khách. Chị có thể nhờ bất cứ ai dìu chị đi theo những giai điệu mê đắm. Lâu rồi chị mới nhảy nhưng những bước phăng của chị vẫn còn điệu nghệ lắm. Chị khá ưng ý với một chàng trai dìu chị đi điệu tango, nhưng cậu ta chỉ xuất hiện dưới ánh đèn mờ, khi nhạc hết là cậu ta biến đi đâu mất. Những điệu sau này chị cố ý tìm cậu ta để nhờ dắt nhảy nhưng không thấy đâu nữa. Cậu ta bảnh trai vậy, chị thích thì chắc nhiều người khác cũng thích, độc chiếm cậu ta cho những vũ điệu của riêng chị là điều không dễ. Giữa lúc chị còn đang hào hứng với tiếng nhạc của sàn nhảy thì Minh kéo chị về. Chả lẽ lại tỏ ra ham hố quá, sợ Minh cười, chị đành phải đứng dậy. Mấy cậu phục vụ mang áo khoác đến cho chị. Đêm đó trời trở lạnh. Chị ngủ rất ngon và trong giấc mơ chị thấy mình nhảy mãi không được. Khi cất được mình lên thì tỉnh ngủ. Minh lại alô hẹn chị đi buổi nhảy vào tối thứ năm tuần tới.

Lần này chị trang điểm khá kỹ và chọn đôi xăngđan chuyên dùng cho việc lên sàn. Minh và chị đến ngồi ở chiếc bàn kê sát ban nhạc. Ngồi chưa ấm chỗ Minh lại có điện thoại. Nghe xong, Minh quay sang bảo chị: “Trang cứ ở đây nhé, Minh đi giải quyết công chuyện một chút rồi quay lại ngay”. Chị thoáng ngại ngần: “Hay là tớ đi cùng với Minh?”

– Không được, chuyện riêng mà, một chút thôi, Minh sẽ quay lại ngay.

Minh khoác áo bước ra khỏi sàn nhảy. Chị còn đang chưa biết phải ở lại một mình như thế nào thì chàng trai cùng nhảy điệu tango với chị hôm trước bước đến. Nụ cười rạng rỡ của cậu ta làm chị phấn chấn trở lại. Cậu ta mời chị đi điệu valse trên nền nhạc nhẹ nhàng. Vừa nhảy cậu ta vừa bắt chuyện với chị:

– Lần trước chị nhảy tango rất đẹp!

– Nhảy với nhiều người thế mà vẫn nhớ ra mình à?

– Nhiều người đến sàn nhảy, nhưng nhảy có hồn và ấn tượng như chị thì không nhiều!

– Hôm trước, sau khi nhảy điệu tango xong, nhìn mãi mà không thấy bạn đâu?

– Em tên là Kiên. Hôm trước em phải về sớm để học bài, hôm sau em phải thi.

– Kiên là sinh viên à?

– Dạ. – Ngành gì?

– Kinh tế ạ.

Nhạc dừng, Kiên lại phải chạy ra sau quầy bar mang nước cho khách. Nhạc nổi lên, Kiên lại ra với chị. Chị biết là nhiều người muốn nhảy với Kiên, muốn được Kiên dắt nhưng Kiên tỏ ra có cảm tình với chị. Cậu ta nói ít và thường nói những lời có cánh. “Chị mặc cái váy này lên sàn rất hợp”. “Bàn tay chị mềm và ấm, đó là bàn tay của những người phụ nữ nhân hậu”. Không thể nói là tai chị không thích nghe những lời nói ấy. Nhưng nếu cậu ta đang giở hết tất cả các ngón nghề ra để đưa chị sập bẫy tình thì đừng có tưởng bở. Chị không phải là Minh, không dễ dàng rưng rưng xúc động, không dễ dàng bị đốn ngã bằng những lời hoa mỹ và sáo rỗng như thế.

Tự nhiên nhạc chuyển sang vũ điệu bốc lửa. Đó là điệu lambada cuồng si. Điện bật sáng hơn một chút. Chị nhận ra một chàng Kiên khác hẳn lúc trước khi cùng chị đi các điệu slow, rumba, vance hay tango. Với lambada Kiên cho thấy cậu mạnh mẽ, đắm đuối, gợi tình và quyến rũ lạ lùng. Khi điệu nhảy này kết thúc cũng là lúc cái vòng đeo tay của chị văng ra khỏi cổ tay. Kiên đã nhặt cái vòng ấy đưa cho chị. Cậu ta ngắm nó một lát rồi bảo, hoa văn của nó lạ quá, chắc nó được làm ra từ xứ xở của những ngọn Kim tự tháp.

Chị mỉm cười. Đúng là sự hiểu biết của Kiên không đến nỗi nào. Chiếc vòng đó chị mua khi đi thăm Ai Cập. Sàn nhảy đã bắt đầu có người lục tục ra về. Chị bật máy gọi cho Minh. Minh xin lỗi rối rít, bảo việc riêng chưa xong, Trang gọi taxi về vậy. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của chị, Kiên bảo: “Chị có muốn em đưa chị về không?”. Chị nhã nhặn: “Như thế có phiền Kiên không, thôi để mình đi taxi”. Kiên bảo: “Nếu chị thấy ngồi sau xe máy của em bất tiện thì thôi. Lâu lắm rồi em mới được dắt nhảy cùng một người nhảy đẹp như chị. Em chỉ muốn thể hiện thiện cảm của mình thôi”.

Ừ, nếu Kiên đã muốn thể hiện thiện cảm thì chị cũng chẳng nên từ chối. Kiên vội chạy đi mượn mũ xe máy rồi đèo chị về. Tới cửa nhà, chị dúi tiền vào tay Kiên. Kiên đưa hai tay, cầm rất lễ phép: “Em xin chị”. Chị bảo: “Có muốn vào nhà chị uống nước đã rồi hãy về không?”. Kiên lắc đầu: “Dạ thôi, em xin phép phải về còn học bài. Chúc chị ngủ ngon ạ”

Chị vừa thay quần áo xong, chuẩn bị lên giường thì Minh điện đến. “Về đến nhà chưa? Đi taxi hả? Hôm nay có vui không, xin lỗi nhé, mà Trang cũng nên tự đến sàn một mình đi, đâu cần cứ phải để Minh đưa đi nữa”. Chị đáp bâng quơ; “Ừ, đi taxi về, nói chung không vui lắm, nhưng cũng được”.

Rồi Minh đi Sài gòn công tác.

Cả tháng sau đó chị thấy nhàm chán kinh khủng. Chị rất muốn lên sàn nhảy nhưng mà ngại đi một mình. Chị cũng thấy nhơ nhớ cái cậu Kiên dắt nhảy đó. Cậu ấy có vẻ là một người ngoan ngoãn, biết thân biết phận, biết mình là ai và hiểu việc mình đang làm là gì. Chị cũng chả phải cảnh giác với kiểu người ấy. Còn lâu cậu ta mới làm chị đổ được. Mà chắc gì cậu ta đã thèm để ý đến chị, một phụ nữ hơn cậu ta tới gần hai chục tuổi. Tiếc là đã không xin số điện thoại của cậu ấy. Thôi chờ Minh về vậy. Đi đâu có hai đứa cũng cảm thấy đỡ ngại ngùng hơn.

Nhưng rồi Minh lại điện ra, nói rằng công việc nhiều quá, không thể ra trước sinh nhật của chị được. Ôi chao, thế thì chị cũng chả thiết tổ chức làm gì nữa. Một vài người bạn, các đối tác làm ăn, đám nhân viên dưới quyền ngày xưa ào ào đến nhà chị, gửi quà rồi đi. Con gái bên Singapore gọi điện về chúc mừng mẹ được vài câu rồi thôi. Quà sinh nhật nó đã gửi về từ một tuần trước. Nếu chị tổ chức thì có đến cả trăm người vác mặt đến. Nhưng chị đang chán. Đang tạm ngừng mọi quan hệ và không muốn tiệc tùng kiểu xã giao ầm ĩ. Minh điện ra, hỏi thăm chị liên tục. Minh hỏi chị thích quà gì? Chị bảo: “Cái tao thích thì mày cũng không thể mang đến được”. Minh hỏi: “Thích gì?”. Chị bảo: “Thích nhận một món quà giống như thời sinh viên ấy, mày còn nhớ không, Sống và Yêu”. Minh cười khúc khích trong máy: “Đồ dở hơi, bây giờ còn ai tặng quà kiểu ấy”.

Đó là sinh nhật trầm lắng nhất trong đời chị. Nhưng chị chấp nhận điều đó. Mười một giờ tối chị mở rượu sâm panh ra ngồi uống một mình. Bỗng chuông cửa kêu. Người giúp việc bảo với chị là có một thanh niên đến xin gặp chị. Ai vậy nhỉ? Chị mặc áo ngủ đi xuống phòng khách. Trời ơi, Kiên! Kiên không mặc đồ xơvin như khi dắt nhảy cho khách mà mặc quần bò, áo phông, bên ngoài khoác một chiếc áo len dài tay có mũ. Trông Kiên đẹp một cách bùi bụi, đời thường. Kiên bảo: “Em đi làm về, thay quần áo rồi mới đến đây. Em biết chị sẽ rất đông khách, nên em đến muộn chỉ để nói lời chúc mừng sinh nhật chị thôi”.

Chị bỗng trở nên lúng túng. Rất may là người giúp việc mang đến cho chị chai rượu và hai cái ly. Chị rót rượu mời Kiên: “Cảm ơn Kiên, nào, uống với mình một ly rượu”. Kiên giơ ly rượu lên uống cạn rồi đặt lên bàn một chiếc hộp nhỏ bọc giấy màu có thắt nơ hồng.

– Chắc chị tiệc tùng cả ngày cũng mệt rồi, chị đi nghỉ đi, em cũng phải về để mai còn đi học sớm, nhưng trước khi sang ngày mới, chị hãy mở món quà của em ra nhé!

Chị không biết phải nói thế nào. Chả lẽ mời Kiên ở lại? Ở lại để làm gì? Giữ Kiên ngồi thêm vài phút để nói đôi ba câu chuyện xã giao ư? Nói gì đây khi hai người còn biết khá lơ mơ về nhau?

Trong lúc chị còn đang băn khoăn như vậy thì Kiên đã đứng dậy đi ra cửa. Chị vội đi theo, hỏi một câu thật nhanh: “Sao Kiên lại biết sinh nhật mình?”.

– Em đọc thấy nó trên chiếc vòng đeo tay của chị, chiếc vòng có những hình Kim tự tháp ấy.

– À…

– Lâu không thấy chị đến nhảy, chị bận lắm à?

– Không, mình ngại đi một mình.

– Có em ở đấy mà.

– Ừ, mai mình sẽ đến. Kiên dắt mình nhảy nhé.

– Với chị, lúc nào em cũng sẵn sàng.

Kiên lên xe phóng đi rồi, chị cứ thắc mắc mãi về sự có mặt của chàng thanh niên này. Đây là buổi tối sinh nhật buồn tẻ nhất đời chị nhưng với sự có mặt của Kiên thì nó lại trở thành đáng nhớ nhất. Chị mở quà của Kiên ra. Cha mẹ ơi, một bông bồng và một cái bánh mỳ! Chả phải đây chính là món quà cực kỳ có ý nghĩa thời chị còn là sinh viên sao? Thời ấy có mốt tặng quà kiểu này. Cuộc đời cần phải có hoa hồng và bánh mỳ. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, của giá trị tinh thần, còn bánh mỳ là lương thực, là vật chất để nuôi sống con người. Sống và yêu, đó chẳng phải là niềm hạnh phúc của con người đấy sao? Chính chị từng bảo với Minh rằng, chị muốn được sống lại cái cảm giác nhận món quà lãng mạn và đầy ý nghĩa như thế này.

Và Kiên đã làm được điều đó.

Kiên còn làm được hơn thế nữa khi đưa chị tiếp tục dấn sâu thêm vào cuộc phiêu lưu khám phá bản thân, dù lúc này không còn có Minh bên cạnh nữa. Minh vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm chị, không biết tự bao giờ chị trở nên hay nói dối, ngay cả khi mối quan hệ giữa chị và Kiên đã tiến xa đến mức chị không còn kiểm soát được nữa, Minh vẫn không hề hay biết. Khoảng thời gian đó Minh thường xuyên có các cuộc đi công tác xa. Chị còn đùa Minh: “Hay mày lại sập bẫy tình mới ở phía Nam rồi?”. Minh cười hi hí: “Trang sập bẫy tình mới là sự kiện đáng quan tâm chứ còn Minh thì điều đó đâu có gì là lạ”.

Chị đã sập bẫy tình rồi chăng? Ngay sau đêm đầu tiên Kiên ngủ lại ở nhà chị, chị đã đặt ra câu hỏi ấy. Về phía Kiên, cậu ta cũng luôn tự cật vấn mình.

Không hiểu sao em không cưỡng lại được ý nghĩ điên rồ, là em yêu chị! Mỗi khi nghĩ về chị, em lại tự cảnh báo mình, rằng như thế có phải là em đã rồ dại không? Mối quan hệ này rồi sẽ đi đến đâu, em rất muốn dừng lại, nhưng không hiểu sao, em không thể cưỡng lại được ham muốn được ở bên chị.

Những tin nhắn đó chị còn lưu lại trong máy. Nhiều lúc chị muốn lý giải cho rõ quan hệ giữa chị với Kiên là gì, muốn định danh định tính để gọi tên cho bằng được việc chị đang làm, nhưng rồi chị lại quên đi để cuốn vào vòng xoáy mê đắm với người con trai có những bước nhảy xiêu hồn bạt vía mỗi khi lên sàn.

Trí thông minh của chị chỉ thực sự quay trở lại vào cái đêm chị bị đau bụng, phải bật dậy chạy vào buồng tắm. Kiên vẫn ngủ say sưa trên giường với tấm chăn mỏng đắp ngang ngực. Khi quay ra chị bỗng nhìn thấy cái quần lót của Kiên rơi ở cuối giường. Chị cầm lên và nhờ ánh đèn hắt ra từ buồng tắm, chị nhận ra nhãn hiệu Tomy trên đai quần. Trước đây chị không bao giờ để ý Kiên mặc đồ gì vì chị đưa ra một quy tắc là mỗi khi làm chuyện ấy, phòng ngủ của chị luôn luôn phải tắt đèn. Dù sao thì chị cũng mặc cảm với cái thân hình ngoại tứ tuần của mình.

Chị trườn lên giường, rúc vào chăn, mùi nước hoa từ người Kiên hắt vào mũi chị. Mùi này làm con người ta thèm nhau hơn. Câu nói của Minh bỗng ập về trong trí nhớ chị. Tại sao lại có những sự trùng hợp ngẫu nhiên thế nhỉ?
Quần sịp Tomy, nước hoa chanel, hoa hồng và bánh mỳ trong ngày sinh nhật, sự vắng mặt trong khoảng thời gian dài của Minh… Lẽ nào chị đã sập bẫy tình của chính người bạn gái thân thiết nhất giăng ra để chơi xỏ chị? Không khó gì để có thể làm một phép thử. Minh bảo đang ở Sài Gòn, được rồi, chị sẽ đến nhà Minh xem có phải đúng thế không?

Chị lặng lẽ xuống dưới nhà, đánh răng rửa mặt, trang điểm kỹ càng rồi chạy xe đến nhà Minh. Trời cũng đã rạng sáng. Người phục vụ quen mặt chị vội mở cổng cho chị vào nhà. Chị chạy lên phòng Minh. Minh đang nằm trong bồn tắm. Thấy chị, Minh ớ người ra rồi cười toe toét:

– Sao Trang tới mà không điện trước?

Chị không trả lời mà hỏi lại:

– Sao mày bảo đang công tác ở Sài Gòn cơ mà?

– Ừ thì… mới ra. Minh đứng dậy, quấn khăn tắm vào người rồi đi ra phòng ngủ. Chị chạy theo, chặn trước mặt Minh:

– Chuyện Kiên là thế nào?

Minh ngồi xuống giường, hất tóc ra đằng sau rồi đáp tỉnh bơ:

– Trang thua Minh rồi, hôm nay muốn đến để nộp mạng hả?

Chị ngồi xuống chiếc ghế trước bàn trang điểm, hỏi bằng giọng rất nghiêm túc:

– Mày nói đi, Kiên là kẻ như thế nào?

– Một sinh viên nghèo. Bố mất sớm. Mẹ bệnh nặng. Một đàn em thơ dại. Cậu ấy cần tiền để ăn học và cần một trăm năm mươi triệu để chữa bệnh cho mẹ.

– Kiên có phải chính là anh chàng người ta của Minh không?

– Phải. Minh đã yêu cậu ấy đến phát mê phát cuồng. Một lần Minh nói chuyện về Trang cho Kiên nghe và đố cậu ấy chinh phục được Trang. Và bọn mình đã hợp lực lại để xem Trang chống đỡ nổi đòn tình này trong bao lâu?

– Minh chấp nhận chia sẻ người ta như thế à?

– Kiên khôn khéo vô cùng. Cậu ấy thường “mượn tạm” đồ của mình, rồi kêu bị bạn bè cầm mất hay lỡ thất lạc vì một lý do nào đó. Sau này Minh phát hiện ra cậu ấy cần tiền của Minh chứ không cần Minh. Tình yêu trong Minh đổ vỡ từ ấy…

– Đổ vỡ rồi thì chuyển sang cho bạn mình à?

– Không đâu, khi bàn chuyện thử trò chơi tình ái với Trang, Minh chưa hề phát hiện ra con người thật của Kiên. Gần đây Minh mới biết rõ về cậu ấy. Minh đau khổ lắm. Minh đã vào Sài Gòn để tìm quên đấy chứ. Minh chỉ thực sự vui trở lại cách đây không lâu, khi có được người đàn ông đích thực của đời mình…

Chị đứng dậy:

– Thôi, hiểu rồi, hãy cứ vui vẻ với người đàn ông đích thực của mày đi. Còn tao, tao sẽ xem cậu bé này tiếp tục trò chơi tình ái được bao lâu nữa. Tao chỉ cần mày giúp tao một việc, đó là hãy hứa với tao, trò chơi này chưa chấm dứt nhé!

Minh vẫn cười toe toét:

– Minh quên người ta lâu rồi, bây giờ người ta là của Trang. Được chưa?

– Được rồi. Mọi chuyện xong xuôi, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau. Tao về đây.

Chị về đến nhà thì Kiên đã không còn ở đó nữa. Chị ngồi thần ra, lục trong trí nhớ xem Kiên đã đào mỏ được của chị những gì? Không đáng kể. Có lẽ chỉ có chiếc dây chuyền bạch kim là đáng giá hơn cả. Nhưng đó là do chị tự ý cho Kiên mượn đeo để đi sinh nhật bạn. Được rồi. Chị sẽ chờ Kiên quay lại. Chị sẽ vờ như không biết gì để xem chàng định giở trò gì nữa?

Chị chờ mãi. Nhưng Kiên không đến. Chị tới sàn nhảy. Kiên không làm ở đó nữa. Chị nhớ Kiên đến cồn cào. Hình bóng Kiên cứ váng vất đâu đó trong nghĩ suy của chị. Chị thấy Kiên hiện diện khắp nơi. Trên đường phố, nơi sàn nhảy, những cuộc hội hè, trong căn phòng ngủ, thậm chí cả chiếc gối trên giường cũng như còn phảng phất hơi hướm của Kiên.

Cuối cùng chị cũng tìm ra được manh mối. Qua những nhân viên của sàn nhảy, chị gặp được một người bạn học cùng trường với Kiên. Người bạn này cho chị biết Kiên đã bỏ đi làm thêm vì mẹ cậu ấy đã chết. “Cậu ấy đi làm là mong kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Nhưng cậu ấy không kiếm nổi tiền để thay thận nên mẹ cậu ấy đã chết. Từ đó không thấy cậu ấy đi làm nữa”. Chị tìm đến trường Kiên. Chị chờ mãi mới gặp được Kiên ở sân trường. Vẫn đồ bụi như lần cậu ấy đến nhà chị vào đêm sinh nhật. Kiên nhìn chị như người xa lạ. Chị bảo, ra quán cà phê đi, mình muốn nói chuyện với Kiên.

Nhưng Kiên bảo: “Em là em của anh Kiên. Anh Kiên chết rồi. Chị đừng tìm anh ấy nữa”.

Chị cố níu kéo: – Mình hiểu và thông cảm cho Kiên mà. Mình chỉ muốn tạo điều kiện thật tốt cho cuộc sống và công việc sắp tới của Kiên thôi.

Kiên vẫn lắc đầu:

– Chị muốn gặp anh Kiên thì phải quay lại ngày hôm qua. Em không phải là anh Kiên của ngày hôm qua mà chị cần tìm.

Chị đành bỏ đi nhưng vẫn nói câu cuối cùng: “Mình vẫn chờ Kiên ở sàn nhảy vào tối nay. Mình thực sự muốn gặp Kiên. Trò chơi đã chấm dứt rồi, nhưng mình muốn nói với Kiên những chuyện khác. Đây là thiện ý của mình, Kiên đừng hiểu nhầm”.

Buổi tối chị đến sàn nhảy từ rất sớm. Chị chờ cả buổi nhưng không thấy Kiên đâu. Khi điệu nhạc cuối cùng nổi lên, một cậu nhân viên mang đến cho chị chiếc hộp nhỏ và bảo: “Chị đừng tìm lại ngày hôm qua của anh Kiên nữa. Anh ấy nhờ em gửi trả cho chị cái này”.

Chị mở chiếc hộp ra. Đó là chiếc dây chuyền bạch kim chị từng cho Kiên mượn. Không, chị không muốn tìm lại ngày hôm qua của Kiên, chị biết đó là ngày hôm qua đã chết, chị muốn gặp Kiên của ngày hôm nay, và chị của ngày hôm nay cũng không phải là chị của ngày hôm qua.

Nhưng chị biết phải làm thế nào để gặp được Kiên bây giờ.