Hồ Sương – Truyện ngắn của Phan Mai Hương

Em nhân viên bưng đĩa ra và nói, cà phê của chị đây ạ. Ngồi chống cằm nhìn mưa, tôi mỉm cười vui vẻ và cám ơn. Lúc trước em gọi tôi là cô xưng cháu, tôi lầm lì im lặng, nhưng nghĩ chả sao hết vì mẹ vẫn bảo tôi là bà cô muộn chồng. Mưa không phải dây trói mà buộc chặt chân người, ngồi lâu tự thấy bất tiện, nên gọi thêm ly cà phê, thế thôi.

Nhà văn Phan Mai Hương ở Hòa Bình

Gió mưa lạnh lẽo, lời xin lỗi dễ thương vụt làm tan biến nỗi cô đơn, như viên đường tự chìm nghỉm tan trong đáy ly cà phê đen. Chợt nhớ Lâm thường ưa cà phê nâu. Mà có lẽ đàn ông nào cũng cà phê nâu, tôi tin chắc thế.Tôi thường nheo mắt cười giễu cợt Lâm, đây nhé cho sữa và cà phê uống sữa còn lại cà phê. Liếc nhìn tôi bằng nửa con mắt hạt đậu Lâm nói, tớ đây chịu được cá tính mạnh của cà phê đen không đá không đường là kỳ tích tuyệt vời ông mặt trời rồi đấy. Tôi thấy Lâm nói đúng, nhưng lại không muốn thừa nhận. Mẹ tôi vẫn bảo, chắc chỉ có Lâm chịu được cái tính ngang ngạnh của tôi.

Tôi cầm thìa lơ đãng khuấy nhẹ trong cốc cà phê như thói quen vô thức. Từ ý thức đến vô thức sẽ tạo ra thói quen như cái kén bao bọc làm cho người ta như con nhộng ngọ nguậy trong yên ấm. Dù sao cũng không thể dối lòng, hình như tôi cũng đã quen dần khi có Lâm ở bên. Thì chỉ Lâm mới nhẫn nại nghe tôi than vãn này nọ, kiên trì đưa đón này kia, yên tâm đợi điện thoại tôi gọi khi đột ngột có việc cần. Đôi khi cũng chả có gì quan trọng, chỉ là tôi nấu bún chả, gọi Lâm tới ăn. Lâm không nói câu nào cắm cúi ăn hết sạch sẽ các món có trong bát, ăn xong lại dài mồm chê tới tấp, bún kiểu gì mà không có mắm không có tôm?

Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết như thế có phải là yêu không? Có lần, đi công tác, tiện đường rẽ về quê thăm mẹ Lâm. Bà cụ hơn bảy mươi mà mắt còn tinh lắm, vẫn xâu kim được, không cần đeo kính. Bà ca cẩm như cách các bà mẹ chiều con, thằng Lâm dẫn ai về là mẹ làm đám cưới luôn. Tôi nhanh nhảu, để con giúp u tìm con dâu. Bà cụ cười phúc hậu, giá có được con dâu như chị thì tôi yên tâm nhắm mắt rồi.

Tháng ngâu mưa cơn to cơn nhỏ, thi thoảng loe hoe vài lát nắng, chiều thứ Bảy, tôi luồn ra khỏi cái kén thành phố náo nhiệt và chật chội để lên Hồ Sương. Trên vùng núi phía tây thành phố, người ta mới phát hiện ra một cái hồ suốt bốn mùa đựng đầy sương.

Nghe đâu do một nhóm sinh viên đi phượt vào trong núi, nhưng chả biết sao lại đi lạc đường ra vùng hồ. Dân vùng này bảo cái hồ vẫn có ở đấy từ ngày xửa ngày xưa. Ban đầu nó là cái hồ nhỏ, nước đọng ở dưới chân núi, nước trong veo như một mảnh gương trời đánh rơi. Sau này người ta mới khơi nguồn đào rộng ra và dẫn dòng suối cho nước chảy vào đầu này, chảy ra đầu kia, thành cái hồ nhân tạo. Chỉ khi nhóm sinh viên đi lạc đường và phát hiện ra sương mù ngày đêm lượn vòng vèo quẩn quanh trên mặt hồ, thì cái hồ mới được chú ý đến. Nghĩa là sương cứ ở đấy tự bao giờ không ai biết, như thể một cái hồ dùng để đựng đầy sương. Các nhà khoa học thì lí giải quanh hồ có núi dựng đứng vách thành bao bọc nên sương không tan. Dân gian thì truyền tai nhau rằng sương đang bao bọc hoặc che giấu môt cái gì đó ở trong hồ?

Sương quẩn quanh luồn lách theo hướng gió. Sương vón cục cuộn trôi, lênh đênh dạt góc này góc khác. Sương lật ngược lên làm lộ ra vài hòn đảo chỉ có lũ khỉ lang thang leo trèo trên đám cây rậm rạp. Vì cái hồ có sương mà có một Việt kiều ở châu Âu về đầu tư làm dự án du lịch sinh thái Hồ Sương. Tiềm năng khai thác du lịch là sương trên hồ và cánh đồng mênh mông giáp ranh ngoại ô, mùa đông rau khúc nở hoa vàng rực. Cách đó không xa là con suối nhỏ quanh năm róc rách trong cánh rừng thông. Sương mù trên hồ là cái ‘‘đinh’’ hút khách.

Tôi lên Hồ Sương xem căn hộ chị gái bỏ tiền tỷ ra mua, đã vài năm mà vẫn đang hoàn thiện. Chị Hậu nói phải bán thôi, đến kỳ đáo hạn ngân hàng, kẻo ngôi nhà vườn của bố mẹ chồng bị xiết nợ, dì xem rao bán hộ chị với. Lâm nói, tớ làm phóng viên mảng kinh tế nên biết thừa việc khoác áo huyền thoại cho di tích để dự án thu hút người mua như sắt dính nam châm, làm sao như ma đưa lối quỷ dẫn đường người ta sẽ mang tiền thật mua nhà trên giấy. Tôi từng nói chị gái nên suy nghĩ cẩn thận trước khi mua, bây giờ chị nhờ bán nỡ nào từ chối. Chắc chị Hậu nghĩ tôi là nhà báo khiến họ nể, tôi thì nghĩ biết đâu lên xem dự án Hồ Sương lại viết được cái phóng sự điều tra về chợ mua bán dự án bất động sản. Đợi đến gần năm rưỡi chiều vẫn chưa có xe. Bên biển báo xe buýt có một đôi trai gái, chàng trai nom khá ngầu, quần jean áo phông đen tóc nhuộm vàng uốn xoăn xù như rơm, tựa thoải mái nửa ngồi vào xe way Tàu màu đỏ. Cô gái thùy mị hơn, đeo ba lô đỏ căng phập phồng như có gió bên trong, quần ngố dài màu mận chín, sơ mi trắng thêu cành cúc xanh trên cổ áo, nom gọn gàng chỉn chu như vừa rời trường liền tới nơi hẹn hò. Họ nói chuyện dí dủm, thi thoảng cười như nắc nẻ, chàng trai tinh nghịch dí ngón tay vào trán cô gái.

Chiếc ô tô đen đỗ xịch sát vỉa hè. Cửa xe mở, người đàn ông bước vào quán chọn bàn sát cửa sổ. Tôi liếc nhìn khuôn mặt rắn rỏi, mái tóc đen dầy, dưới đôi mày rậm là đôi mắt to như khoảng trời mênh mang. Người đàn ông gọi cà fe nâu nóng. Ôi đấy nhé, ra là đàn ông toàn nâu, chỉ khác nhau nóng hoặc đá, tôi nghĩ chắc Lâm ở đây thì hả hê lắm. Tôi ghé quầy bar rồi bước ra nhìn màn mưa mờ mịt, giờ phải chọn thôi, hoặc trở về thành phố, hoặc đi tiếp vào cơn mưa. Người đàn ông trở ra xe, dáng vẻ vội vã. Chàng trai chạy đến, chú có vào Hồ Sương không, cho bạn cháu đi nhờ với ạ. Người đàn ông nhìn sang cô gái và nói, lên ghế sau nhé. Cô gái mừng rỡ, cháu cảm ơn chú ạ. Anh quay lại phía tôi, quý cô có vào Hồ Sương thì tiện mời cùng đi cho vui. Tôi liếc thấy bó hoa hồng đỏ thắm đặt ngay ngắn trên ghế trước. Tôi nói cảm ơn anh, thật may cho tôi quá. Anh hỏi, chắc cô ít tuổi, tôi tên là Nhân, công việc thì viết lăng nhăng vầy vậy. Dạ, chào anh ạ, anh cứ gọi em là Hiền, cũng làm việc viết làng nhàng. Nhân cười nói, vậy chào đồng nghiệp.

Nhân quay sang hỏi, còn cô bé này chắc đang là sinh viên hả? Cô gái ngập ngừng, dạ cháu Ngân Quỳnh, học chuyên ngành tâm lý lâm sàng. Nhân vui vẻ, Quỳnh có người yêu chu đáo quá. Quỳnh cười bạo dạn, anh ấy là sinh viên khóa trên ở trường cháu, chạy xe kiếm thêm tiền đóng học phí, đi xa cháu thường gọi xe anh ấy, nay trời mưa nên anh ấy đợi cho cháu lên xe buýt rồi mới về thành phố. May quá gặp chú cho đi nhờ xe, cháu xin cảm ơn ạ. Nhân đùa trêu, cảm ơn nhiều thế, à vậy là có duyên mà chúng ta chung số phận trên một con đường.

Cơn mưa sập xuống. Nhân khéo léo lái xe trên con đường nhầy nhụa bùn đất, luồn lách qua ổ trâu, ổ voi khiến bánh xe chìm nghỉm trong nước. Dự án Hồ Sương đang cần đất san lấp mặt bằng, những chiếc xe gấu chở đất phóng vèo vèo, vượt các xe cùng chiều, không khác gì hung thần, bất chấp những khúc cua len lỏi bên chân đồi thấp. Một chiếc xe gấu lấn vào khúc đường lồi lõm, nước bẩn tạt lên nắp ca po rào rào, chợt Nhân văng rất tục, chửi tài xế xe gấu đi láo bạt mạng, rồi nhấn ga vượt lên. Tôi mỉm cười, viết dòng chữ lên lề cuốn ‘‘Nhân dân cuối tuần’’ và chìa ra cho Quỳnh, ‘‘cháu có nghĩ cần học cách kiềm chế và đó là đức tính đáng được coi trọng không’’. Ngân Quỳnh mắt cười láu lỉnh, nhè nhẹ lắc đầu, viết tiếp ‘‘cháu không nghĩ thế, người ta cần phải được nói ra tất cả’’. À, có khoảng cách thế hệ rồi đây, tôi mỉm cười và nghĩ. Bất chợt có tiếng thét dài lanh lảnh, ối trời ơi… dừng lại!… đổ rồi kìa!… chết người rồi!…!!!

Xe chúng tôi đi cách xa vẫn nghe rõ. Nhân đạp phanh khựng lại, tôi và Quỳnh ngã chúi, ngơ ngác phút chốc hồn vía lên mây xanh. Nhân chạy ngược lại, tôi và Quỳnh chạy theo trên con đường nhầy nhụa bùn đất. Trước mắt chúng tôi là chiếc xe gấu đầy đất lật nghiêng vào ta luy, nửa quả đồi sũng nước sập thẳng xuống như bị rút mất chân, đất lấp kín đường như quả núi nhỏ và tràn cả xuống vực. Đầu xe gấu chở đất bẹp rúm, người ta đưa tài xế ra khỏi buồng lái, mặt anh ta nhăn nhúm đau đớn. Vài người dân nhà gần đó cầm xẻng hối hả chạy lao tới, một người đàn bà gào khóc ầm lên, ôi chết người rồi, mọi người cứu với, chị tôi bị vùi trong đống đất này. Cảnh sát và xe cứu thương vội vã lao đến nơi.

Cả ba chúng tôi hoảng hốt đứng ngây ra vì bất lực. Ngân Quỳnh mặt tái dại, bíu vào khuỷu tay tôi thầm thì, con cầu xin dì và em phù hộ. Trên xe, cả ba chúng tôi im lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mưa ràn rạt bên ngoài, bánh xe rì rì trầy trật leo qua vũng nước. Nhân nói như trấn an hai chúng tôi. Mưa nhiều ngày, rừng bị đốn hết cây, đất ngấm sũng nước, đồi bị sụt chân xuống, chắc có vài ngày tắc đường. Tôi im lặng, thì biết nói gì khi ranh giới sự sống và cái chết chỉ là chớp mắt, nghĩ trời gọi ai nấy dạ, nhẽ đổ lỗi cho số phận?

Ngân Quỳnh nói trong nước mắt, cháu sợ lắm. Nhân bảo, loài người phải đối mặt với cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, nó đau thương như tai nạn vừa rồi, nó nhẹ bẫng như một con vi rút, nhẹ như một hơi thở không sâu, con người chết chỉ vì không đi qua hết một hơi thở. Ngân Quỳnh giàn giụa nước mắt, vâng cháu cũng biết điều đó ạ, chú nói hay như nhà văn ấy, cuộc đời con người không chắc đi qua hết một hơi thở. Nhân nói, cháu vẫn còn trẻ không nên tỏ ra quá già, đời còn nhiều trải nghiệm lắm, cứ từ từ rồi biết hết.

Quỳnh im lặng sửa lại quai buộc ba lô, tôi nhìn thấy bó hồng trắng lấp ló trong ba lô màu đỏ. Tới ngã ba, Nhân hỏi các bạn xuống đâu? Tôi nói tạm biệt hai chú cháu. Quỳnh nói, cháu cũng xuống đây thôi. Nhân hỏi, thế Quỳnh về đâu? Quỳnh ngập ngừng, cháu về Nam Hồ. Nhân bảo, khu Bắc Hồ đây rồi có nhiều biệt thự và khách sạn, tôi cũng xuống Nam Hồ, còn gần hai cây số nữa, cô bạn nhỏ xuống đây thì định đi bộ à, nhỡ có ma bắt đấy. Quỳnh cười vui, cháu có bạn đón, tối nay lớp cháu đốt lửa trại ở Nam Hồ. Nhân bảo, thôi tiện đường chú đưa về đến nơi luôn, nhắn bạn không phải lên đón nữa. Ngân Quỳnh ngoan ngoãn vâng ạ. Tôi xuống xe và chào, hai chú cháu đi cẩn thận nhé. Nhân vui vẻ ngó đầu ra, tạm biệt đồng nghiệp, hẹn gặp lại.

Tranh của họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Đêm khuya, đã tạnh mưa, không ngủ được, tôi kéo rèm nhìn lan man ra hồ. Đêm phủ sương màu trắng lờ mờ, hình như trong mưa có ánh trăng, sương đặc quánh cảm tưởng sền sệt từng lớp như sữa đặc. Một làn gió lạnh thấu xương bay vút qua phòng ngủ, khiến tôi rùng mình.

Tôi thấy mình như từ từ trôi ra bờ hồ. Sương rùng rùng di chuyển cuồn cuộn trong chớp mắt hình thành đám người đông đúc dập dìu trong vũ điệu van xơ, thoảng trong gió tiếng đàn sáo réo rắt. Tuy không nhìn rõ nét mặt nhưng vẫn thấy một đám đông người đẹp đẽ và vui vẻ như trong lễ hội, sang trọng như trong đám cưới. Một bàn tay khổng lồ vo tròn từng nắm sương lại, ném vun vút từ góc này sang góc kia như ném bóng, khiến mặt hồ tơi tả như khuôn mặt người nhớp nháp mồ hôi. Từng cục sương, khi thì dồn đống lại một góc hồ để lộ ra mặt nước mênh mông bốc khói nghi ngút như trong nồi nước sôi. Khi thì vỡ tung tóe chắn ngang mắt một màn mờ mịt bí ẩn. Từ trong sương mù lao ra, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín con thuyền lá sậy vun vút, không rõ người, chỉ thấy thuyền trộn lẫn cục sương lổn nhổn. Con quái vật sương há ngoác mồm ra nuốt chửng những chiếc thuyền, xong lại lần lượt nhả ra, trên thuyền tịnh không có bóng người nào. Hình ảnh như trò đùa quái dị.

Một hòn đảo hiện ra. Ban đầu hòn đảo là nơi cư trú rắn chuột, sau đó những kẻ buôn ma túy đến cất giấu hàng, thành hang ổ mưu ma chước quỷ. Bây giờ, hòn đảo kim cương chứa những bí mật lấp lánh thu hút khách đến Hồ Sương. Mọi người chen nhau đến đảo viên kim cương, họ nhưu thể khao khát kho báu với ước mơ nhen nhóm từ hồi bé khi tìm đảo giấu vàng với viên tướng cướp chột mắt. Sương trắng vón lại thành những dáng hình người ngồi, người nằm, người nhảy múa, người đi lại thong thả. Cô gái xinh đẹp mảnh mai như tiên nữ, nhìn quen lắm như đã gặp đâu đó, nhưng lại không rõ nét mặt, không biết cô ấy có mỉm cười không.

Kìa, cô gái xoãi người ngang mặt nước, đôi chân dài nhảy múa rồi vật vã như thiên nga gẫy cánh. Khuôn mặt búp bê, cặp mắt đen láy bồ câu, lọn tóc xoăn thả xuống trán, sương phủ mờ trên mặt. Bỗng có tiếng hát chèo ngọt ngào văng vẳng trong sương trắng lung linh cầu vồng bảy sắc. Lời hát kể nàng công chúa hóa thân vào giàn lửa, tự gột rửa sạch tấm thân trong trẻo như sương. Cô gái buông mình thả nhẹ lửng lơ trôi cùng làn sương bồng bềnh, tiếng cười khúc khích tan biến cuộn tròn vào sương trôi trên mù mịt hồ sương. Đâu đây, tiếng cười ríu rít của trẻ con văng vẳng theo sương. Một bông hoa hồng trắng tinh bay vun vút lên bầu trời xanh, từng cánh hoa rời ra nhẹ nhàng bay lượn ríu rít trên mặt hồ, trật tự xếp lại thành chiếc cầu vồng lộng lẫy. Chỉ một lát, đầy ắp người chen nhau đi trên cầu vồng hoa, đoàn người ấy bị sương xô tới nuốt gọn vào mù mịt, chỉ vương lại khối âm thanh lộc cộc khô khan chát chúa trên mặt hồ. Tiếng trẻ con gọi mẹ ơi… mẹ ơi…! Thất thanh, rối rít, nhỏ dần và mất hẳn như thể chuỗi âm thanh bị đáy nước nuốt nghẹn và chìm nghỉm.

Tôi không biết đoàn người đi đâu mà chen nhau lên con thuyền hình chiếc lá lau nằm trên sương, chỉ ngón tay dí vào nó cũng chực chìm xuống nước. Sao lại chen nhau ngồi lên con thuyền sắp chìm. Tôi hoảng hốt nhìn chiếc lá lau mỏng mảnh. Hình như tôi cũng đang bị cuốn vào đám người kia, cuống cuồng như đàn kiến chạy nước lũ mong có một chỗ trên thuyền. Thật là ở đời này, người ta luôn bị cuốn vào cái gì đó cùng đám đông. Tôi biết rõ mình vô lý, phí phạm, phù phiếm, mà không làm sao thoát ra, như con nhện suốt đời mắc chân vào búi tóc rối.

Nhưng tại sao tôi lại quên chiếc túi xách có điện thoại, phấn son, có chiếc váy trắng để thay đồ chụp ảnh. Gì chứ tôi luôn muốn ảnh chụp là phải đẹp lung linh. Trong khi luống cuống tìm chiếc túi, tôi đã lỡ chuyến. Có tiếng nói bảo tôi cứ đứng đấy chờ. Tôi bị cuốn vào dòng người đang cuồn cuộn đổ xuống hồ đầy sương, thật lòng không muốn mà cứ bị cuốn đi. Bất chợt, một cánh tay mạnh khỏe lực lưỡng vươn cao trong đám đông túm tóc tôi lôi trở lại. Tôi vui mừng nhận ra Nhân, anh đẹp trai mê hồn, trẻ trung hơn hẳn cái lúc hằm hằm lái xe và văng tục. Nhân vượt cao hơn hẳn đám đông đến một cái đầu nên tôi nhìn thấy rõ mồn một. Nhân nhìn tôi cười rạng rỡ, anh nói gì rất nhiều mà người chen nhau ghê quá, tôi không nghe rõ nhưng chỉ hiểu là Nhân bảo hãy đợi. Nhân vươn tay túm được mỗi nắm tóc trên đỉnh đầu tôi lôi trở lại, rồi lại bị dòng người chen bật đi. Tôi hối hả xông thẳng vào đám đông. Tôi biết mình tìm gì rồi, phải đến được chỗ Nhân.

Cuộn sương trôi lừ lừ làm lộ ra hòn đảo, Nhân rối rít vẫy tay, tôi nhìn thấy đôi ông bà trung niên rất đẹp, ăn mặc hợp mốt. Nhân nói phải chào ba mẹ, rồi kệ họ chúng mình có nhiều việc phải làm. Cuộn sương giật mình bay đi, mặc kệ chúng tôi mắc chân lại bên bụi liễu khổng lồ xanh mướt, rễ xùm xòa thả xuống nước như rong đuôi chó, đầu ngọn rễ trắng muốt như rễ si. Nhân bảo đầu rễ trắng kia là sắp mưa. Tôi cãi, đang nắng rễ si trắng thì mưa, còn đây là rễ cây liễu. Nhân bảo, rễ cây nào cũng báo hiệu trời mưa, cơn mưa to quá làm trôi mất ba mẹ đi rồi. Nhân thì thầm, bây giờ anh chỉ còn em thôi, và nắm chặt tay tôi, cả hai cùng bước đi lùng nhùng trong sương. Chân tôi không chạm vào cái gì gì cả, đạp nắm sương nhẹ như bông, vì có hai người nên tôi không hoảng hốt mà thấy thú vị.

Nhân cố sức kéo lại một con thuyền lá sậy mỏng mảnh. Nhân kéo tôi ngồi chắc chắn lên thuyền, nói không cần tìm cái túi vớ vẩn ấy làm gì, đàn bà thật là rắc rối, cần gì phải có quần áo đâu, váy áo đẹp cũng chả làm gì, cũng không làm cho tình yêu đẹp hơn. Mà thời gian thì chạy nhanh hơn tình yêu, vì thế chúng ta phải nhanh lên mới kịp. Ơ kìa, sao lại là tình yêu. Tôi hỏi, tình yêu là gì. Nhân cười bí hiểm, tình yêu là không cần quần áo. Tôi há mồm ra định tranh luận thì bất ngờ một cục sương rơi tõm vào miệng khiến tôi bị nghẹn, cục sương thô bạo xô Nhân ngã dúi dụi. Một cơn gió bất chợt đi qua, giằng tuột quần áo của tôi bay đi mất, cái váy trắng trôi lẫn vào sương mù đặc sền sệt như một thứ bùn nhão. Phút chốc, cuộn sương mù nở bung quấn chặt lấy thân thể và chực kéo cả tôi bay đi, tôi hoảng hốt giơ tay chới với vì chân không chạm đất. Tôi vội bám vào một ngón tay của Nhân.

Thốt nhiên, cuộn sương mịt mờ trắng lạnh mang đến cảm giác ấm áp như trong chăn bông. Từng ngón tay Nhân mềm mại ấm nóng bắt đầu mơn trớn cẳng chân tôi. Bắp chân của tôi hơi buồn buồn vì đám lông gần khuỷu tay Nhân lùa qua lùa lại. Nhìn rõ chân và tay, cả vầng ngực của Nhân rất nhiều lông, dày rợp cả lên. Một cảm giác giác râm ran êm ấm tột đỉnh mà tôi chưa bao giờ từng hình dung ra. Có tiếng chuông nhà thờ vẳng lại. Tôi ú ớ rồi mở bừng mắt, phải mất mấy chục giây tôi mới định thần lại là mình đang ở trong phòng khách sạn. Ăn sáng xong, tôi đi lên khu biệt thự liền kề. Một tốp công nhân mang cuộn dây to đùng cùng máy hàn đi tới sảnh.

Tôi tiến tới hỏi thăm nhưng cũng không biết thêm được gì nhiều. Họ nói là công nhân thì chỉ biết việc chủ giao cho và làm thôi, cũng không biết khi nào xong công trình để giao nhà, làm xong ở đây sẽ chuyển sang căn kế tiếp. Còn nếu tôi muốn bán căn hộ thì họ cũng không thể giúp tôi được, hay là cứ lại để số điện thoại, họ sẽ giúp lấy chổi sơn viết lên bức tường kia, để cho ai thích mua thì tự gọi. Nếu muốn gặp chủ đầu tư thì khó lắm, ngay cả họ cũng không biết văn phòng là tòa nhà nào trong khu này, phải hẹn trước mới gặp được. Mùa mưa, việc xây dựng gần như dừng lại. Mà đợt này còn dừng chưa biết đến khi nào, vì đường vào Hồ Sương bị tắc. Nghe nói cách khoảng hai chục cây có quả núi bị lở xuống, vùi lấp một người đi xe đạp, vẫn đang bới tìm thi thể. Chắc phải mất vài hôm mới thông đường, trời mưa rả rích thế này thì chả biết đến bao giờ.

Gọi điện cho văn phòng dự án thì tôi nhận được cuộc hẹn làm việc vào chiều thứ hai. Vậy là tôi sẽ có hơn hai mươi tư giờ rảnh rỗi. Chả mấy khi tôi thấy mình được nhàn nhã đến thừa thãi như thế này. Tôi đi dạo loanh quanh tí rồi về phòng, mở ti vi đúng tin thời sự thành phố, trên màn hình là hình ảnh máy xúc đang cẩn thận xúc nửa quả núi sụt đất xuống, vẫn chưa tìm được người mất tích, nén hương cháy vất vả trong mưa bên đống đất lề đường. Sườn núi có thêm vài vết nứt to ngoác dự báo khả năng núi tiếp tục sụt lở xuống. Tôi tự trách mình sao đi lên Hồ Sương đúng ngày ngâu u ám. Chợt nghĩ, nếu Nhân chỉ giật ga chậm một giây chắc chúng tôi cũng bị đất vùi. Thôi thì hãy coi mỗi khoảng khắc buồn hay vui, thành công hay thất bại, đều là món quà tặng của tạo hóa ban phát cho chúng ta. Điều chủ yếu nhất là con người phải sống để còn yêu thương nhau, nghĩ thế tức khắc tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Qua trưa trời đã ngớt mưa. Tôi đi ra hồ bằng chiếc xe đạp mượn của em lễ tân, tiện đường xuống thẳng Nam Hồ. Mặt hồ cuồn cuộn sương, sóng lao xao nhìn xa trông giống hệt nồi cơm đang sôi. Đường vắng vẻ, tôi đạp xe theo con đường men theo quanh hồ, thẳng phía trước mặt có bụi liễu xanh um tùm. Tôi chợt nghe tiếng gọi, cô Hiền ơi, cháu Quỳnh đây mà. Tôi dừng xe, tìm đường đi vào bụi liễu, Quỳnh đang ngồi trên một cái rễ cây liễu, và thật bất ngờ có cả Nhân ở đấy. Nhớ giấc mơ đêm qua, tôi chợt thấy nóng bừng mặt, bối rối như hồi mười tám tuổi. May quá, Nhân đang đăm đắm nhìn ra hồ, khi anh quay lại thì tôi đã bình thường rồi. Tôi nhìn bụi liễu, lá xanh mướt thả chùm hoa đỏ giống như trong giấc mơ của tôi. Chỉ khác là rễ cây nổi gồ lên gân guốc, như lưng con trăn nhỏ, rất vững chãi. Bên gốc liễu có hai bó hoa hồng, một trắng và một đỏ, buộc bằng sợi cỏ mần trầu. Nhìn sang Ngân Quỳnh, tôi thấy mắt cô nàng đượm nỗi buồn xa vắng, trên má vương một hạt nước, nhìn qua rất lầm tưởng đấy là giọt nước mưa. Tôi tự hỏi sao hai người lại có thể cùng ở đây. Như hiểu ánh nhìn của tôi, Nhân bảo, Hiền ngắm cảnh hồ đi, tôi nghĩ chả mấy khi Hiền được thong thả thế này đâu. Anh quay sang Ngân Quỳnh như tìm kiếm sự đồng tình, Quỳnh nhỉ người năng động như cô Hiền chắc bận rộn lắm, à mà đằng nào thì chúng ta cũng không về được thành phố sớm hơn đâu, ti vi báo đường vẫn còn bị tắc kìa. Quỳnh cười nhẹ, dạ cháu nghĩ chú Nhân nói đúng đó cô Hiền à. Nhân nói, chắc chúng ta có duyên mới gặp nhau được đấy. Tôi nghĩ, sao mà Nhân cứ lôi tuột được ý nghĩ của tôi ra như thế?

Tôi cười vui vẻ, gặp hai chú cháu mừng quá đi mất, ở đây vắng vẻ phát sợ. Nhớ giấc mơ đêm qua, tôi nói thêm, nhỡ đâu lại có ma. Nhân nhìn tôi khẳng định chắc nịch, có ma đấy, nhưng ma hiền lắm, không bắt nạt ai đâu, kiếp ma rất muốn trở về dương gian ấm áp. Tôi thoáng rùng mình, tại sao Nhân cứ như sục sạo trong ý nghĩ của tôi mà lôi ra từng chút vậy. Quỳnh góp chuyện, thầy giáo cháu giảng, linh hồn là một dạng năng lượng vật chất tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ, khi con người chết nghĩa là thể xác hết sự sống, cái vỏ chứa năng lượng bị thối rữa, thì linh hồn sẽ bay vào vũ trụ và tồn tại ở đó. Cho nên trong vũ trụ chứa đựng thế giới của linh hồn, điều đó có nghĩa là khi chúng ta không ở trái đất nữa thì sẽ bay thẳng vào vũ trụ.

Nhân hào hứng tham gia vào chuyện, thế hai cô cháu có biết thần thoại Hy Lạp nói gì về con mắt thứ Ba, đó là thần Horuts thân người đầu chim ưng với đôi mắt hiện thân sức mạnh của mặt trời và mặt trăng cộng lại, là hiện thân của sức khỏe, trí tuệ và sự tái sinh. Nếu đôi mắt bình thường nhắm khi ngủ thì con mắt thứ Ba không bao giờ nhắm, và con mắt ấy nằm sau gáy, xuyên thấu mọi cõi, con mắt thứ Ba chứa đựng linh hồn và luôn luôn tái sinh.

Tôi vẫn bị ám ảnh bởi giấc mơ đêm qua liền hào hứng nói, chúng ta đang ngồi đây và chắc chắn có các linh hồn vây xung quanh, họ nghe thấy chúng ta nói chuyện đấy, ai dám chắc dưới đáy hồ này… Tôi chợt ngừng nói, vì thấy Nhân mắt anh trĩu nặng nhìn ra xa, chỗ con sóng lấp lánh.

Quỳnh nói nghẹn ngào như sắp khóc, thôi cô Hiền đừng nói nữa, cháu xin cô. Tôi ngạc nhiên, cô xin lỗi, vì chúng ta đang nói về linh hồn và con mắt thứ Ba. Nhân nhìn tôi giọng nhẹ nhàng, đúng rồi Hiền sẽ không hiểu đâu. À, thế Hiền đã nghe ai kể cách đây nhiều năm, trên hồ này có vụ đắm thuyền, trên thuyền có khoảng vài chục người. A, tôi nhớ ra rồi, hay đó chính là giấc mơ đêm qua? Tôi nói, em có nghe ba mẹ em kể lại, tai nạn ấy đau lòng lắm, các nạn nhân là diễn viên một đoàn ca kịch, họ dựng thành công một vở diễn, ba mẹ em yêu nhau cũng là đi xem vở ca kịch đó. Hôm ấy nhà hát ăn mừng thành công của vở diễn, và tai nạn xảy ra, cả thành phố thương tiếc. Quỳnh len lén chùi giọt nước mắt rơi xuống má. Nhân mím môi nhìn ra hồ, ánh mắt nheo lại, xa xôi thăm thẳm, như thể nén nỗi đau vô hình.

Ngân Quỳnh trầm giọng run rẩy, nếu tai nạn không xảy ra, cháu đã có em Ngân Khánh. Hôm đấy, dì Khanh đang có bầu bảy tháng. Dì Khanh cháu được đóng vai nàng hầu trong vở ca kịch, nhưng dì vui mừng lắm. Hồi đó dì Khanh vừa mới tốt nghiệp ra trường được nhận về nhà hát, lại có vai luôn, cả nhà cháu mừng lắm. Chuyến đi ấy, mẹ cháu và ông bà ngoại ngăn cản nhưng dì Khanh không chịu, dì bảo nhà hát mừng công, mừng lắm, mình phải có mặt. Bà ngoại kể dì Khanh xinh đẹp nhất nhà, người mảnh mai, mái tóc xoăn tự nhiên từng lọn thả xuống trán, dì có bầu cả nhà ai cũng lo lắng. Nhà ông bà ngoại cháu bây giờ vẫn treo ảnh cưới của dì Khanh. Biết lớp cháu họp lớp trên này, cả nhà không cho đi, nhưng cháu muốn đi để thả hoa cho dì Khanh và em Ngân Khánh.

Giọng Nhân trầm xuống, ông bà nội tôi kể hồi đó đói lắm, cán bộ nhà nước đi phát nương trồng sắn hết, thế mà sân khấu đỏ đèn được hai tháng, mỗi ngày ba suất diễn, đó là thành tích đáng nể của ban giám đốc. Cho nên, việc cho anh em nghệ sĩ diễn viên nghỉ xả hơi một ngày sau hai tháng diễn liên tục là điều nên làm. Nhà hát dự định tối về sẽ diễn suất 20 giờ 30 ở sân vận động thành phố, vé bán hết trước đó hai tháng rồi. Giọng Nhân trầm xuống, ba tôi là lãnh đạo nhà hát, là đạo diễn của vở kịch, còn mẹ tôi là diễn viên, hôm đó còn là kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ. Nghe tin dữ, bà nội tôi tưởng chết đi sống lại, khi ấy tôi tám tuổi, còn chưa hiểu chết là như thế nào. Cả ba chúng tôi im lặng, vì ai nói gì cũng đều vô nghĩa, đôi khi im lặng cũng đã là nói quá nhiều. Im lặng rất lâu, chỉ tiếng gió thầm thào. Cuối cùng tôi phá vỡ sự im lặng, hai người nhìn kìa, những con sóng xa kia lăn tròn vào bờ giống mi mắt, nước hồ xanh biếc giống con ngươi trong mắt thần Horuts. Ban ngày hồ tràn ngập ánh mặt trời, đêm đựng toàn ánh trăng, đêm qua em nhìn thấy trăng trên hồ. Nhân hỏi vẻ quan tâm đặc biệt, Hiền nhìn thấy trăng trên hồ à, thế Hiền có nhìn thấy gì nữa không?

Nhân hỏi và mắt nhìn xoáy vào tôi. Thật không chịu nổi ánh mắt vừa dò hỏi, vừa thúc giục, tôi lảng tránh nửa đùa nửa thật, anh Nhân đừng nên xé con ngươi trong mắt Hiền thành sáu mảnh như mắt thần Horuts nhá. Nhân chỉ tay ra phía mặt hồ xa, Hiền nhìn chỗ kia kìa, đấy sương chiều nay đang đổ về. Gần hai chục năm nay, cứ vào ngày này giờ này tôi ngồi ở đây. Mà lạ lắm, tháng ngâu nhưng đúng ngày này lại hửng nắng, tôi rất thuộc tính nết của cuộn sương kia, lúc này nó đang chuẩn bị cuộn xô hết về góc hồ này, đến sẩm tối là nó che phủ kín bụi liễu. Chỗ này xưa là bến thuyền cũ, người ta buộc dây neo vào gốc liễu. Sau này bến thuyền rời lên Bắc Hồ. Nhân cố nén giọng nói nghẹn lại, nhỏ hẳn đi gần như thì thầm, Hiền nhìn chỗ sương đang cuộn vào kia kìa, chính là chỗ con thuyền năm xưa bị lật chìm đáy hồ sương.

Nhân trầm ngâm như một triết gia, nếu ví cuộc đời của con người giống như một con đường và hành trình chúng ta sống cũng giống như đang đi trên nó. Ai cũng phải bước đi, dù là dò dẫm hay mạnh mẽ thì đều phải tiến lên phía trước, bạn không được phép dừng lại. Thi thoảng, bạn sẽ bị cuốn đi bởi những cơn sóng gió hoặc bão tố bất ngờ, nó cuốn bạn đến vườn hoa hay xô bạn đến vực thẳm, bạn đều không biết trước. Chỉ có điều là bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng phải đứng lên tại đó coi như ở điểm xuất phát.

Quỳnh nói, thì chú Nhân đã làm được điều ông bà mong muốn rồi mà. À, cô Hiền ạ chú Nhân là đạo diễn phim ‘‘ Một ngày của ký ức’’ đang chiếu giờ vàng trên truyền hình, bút danh là Thành Đức, chú Nhân nói cháu mới biết, thế ra cô cháu mình đang vình hạnh ở cạnh một ngôi sao, đạo diễn phim nổi tiếng. Nhân mỉm cười, mặt giãn ra, mơ màng nhìn ra hồ sương.

Tôi a lên một tiếng nhỏ khe khẽ. Nhân mỉm cười và nói nhỏ nhẹ, bút danh Thành Đức là tên ghép của ba mẹ tôi đấy. Tôi nói, cuối cùng ba mẹ anh là hạnh phúc nhất, được đi cùng nhau từ đầu đến cuối trên con đường nghệ thuật, về cõi sương vẫn ở bên nhau. Nhân nói, bây giờ ba mẹ đang hạnh phúc lắm, chắc chắn là như vậy. Nói xong, đôi mắt Nhân thả xa xăm về phía những cuộn sương bảng lảng lẫn với sóng mặt hồ. Giọng Nhân đã vui hơn, tôi nghĩ ba mẹ chắc cũng hài lòng với những gì tôi làm được, nhưng hoàn toàn thì chưa chắc. Nhân cười nhẹ thành tiếng, trong nghệ thuật, ba tôi cầu toàn lắm, còn mẹ tôi rất nghiêm khắc, vì thế họ là một đôi rất hợp nhau.

Ngân Quỳnh đang tỉ mẩn ngồi tẽ từng bông hoa, ngẩng lên nói, khi nào chú Nhân cưới vợ thì ông bà sẽ mãn nguyện thôi, cháu nghĩ thế. Nhân cười, cô bé này láu lỉnh quá, Ngân Quỳnh này, cháu thật chóng già như thể bà già ấy nhỉ? Nhân quay sang tôi, nhưng ở ngoài đời lại không giống như trong nghệ thuật, cầu toàn quá chỉ gặp thất bại, thôi thì cứ tùy duyên.

Ngân Quỳnh mỉm cười như không nghe thấy Nhân nói, cô nhẹ tay thả từng bông hoa xuống hồ, hết hoa hồng trắng, đến hoa hồng đỏ, từng bông hồng thơm ngát, lá xanh tươi thắm dập dờn bị sóng đưa đẩy. Có những bông hoa hồng bị sóng đẩy ra xa thì bắt đầu trôi nhè nhẹ, có bông cứ quẩn quanh nơi gốc liễu. Tôi nhìn những bông hoa hồng bồng bềnh trên sóng và băn khoăn nghĩ không biết có nên kể lại cho Nhân biết về giấc mơ đêm qua không. Tôi nghĩ, nếu kể ra thì chưa phải là bây giờ, một mặt tôi không muốn giữ bí mật cho riêng mình, nhưng mặt khác tôi sợ Nhân cho rằng tôi là người nông nổi và hời hợt.

Đợi thông đường xong, chắc chắn là cả ba chúng tôi sẽ cùng về lại thành phố náo nhiệt, sẽ bỏ lại sau lưng một hồ đầy sương. Chúng tôi sẽ bị cuốn vào công việc cơ quan và những bộn bề thường nhật, có gặp lại nhau hay không lại là chuyện khó nói trước. Bỗng dưng tôi tha thiết muốn ngay lập tức, cho Nhân biết về giấc mơ đêm qua. Ôi, tại sao cứ phải là khi khác, chứ không phải là bây giờ? Mỗi phút mỗi giây trôi qua là chúng ta đã thay đổi, đã khác đi rồi. Thành phố vốn chật chội, và tự dưng tôi có niềm tin là sẽ gặp lại giấc mơ của tôi./.

Phan Mai Hương