Cuộc phỏng vấn bất ngờ của Đài truyền hình Al Qahera
Trong khuôn khổ Hội chợ Sách Quốc tế Cairo lần thứ 56, diễn ra từ ngày 23/01 đến 05/02/2025 tại Ai Cập, tôi đã có một trải nghiệm đầy bất ngờ và đáng nhớ – một buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp trên kênh Al Qahera, một trong những đài truyền hình danh tiếng nhất thế giới Ả Rập.
Mọi chuyện bắt đầu khi tôi nhận được một tin nhắn từ nhà thơ người Bangladesh, anh Aminur Rahman – một người bạn thân thiết tôi quen biết suốt 5 năm qua trong các hoạt động văn chương quốc tế. Anh cho biết Đài truyền hình Al Qahera muốn mời tôi tham gia chương trình trò chuyện trực tiếp với thời lượng từ 15 đến 30 phút. Nghe tin ấy, cảm xúc trong tôi xen lẫn giữa vui mừng và lo lắng.
Lý do tôi đắn đo không hẳn vì ngại xuất hiện trước công chúng – điều tôi từng quen khi tham gia các diễn đàn văn học quốc tế – mà bởi vì tôi sợ mình không có đủ hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử Ai Cập. Đứng trước một đài truyền hình lớn với quy mô như Al Qahera, được ví như “CNN của thế giới Ả Rập”, tôi tự hỏi liệu mình có đủ khả năng thể hiện bản thân một cách xứng đáng? Tuy nhiên, tôi nhanh chóng gạt bỏ nỗi ngại ngần, coi đây là một cơ hội quý giá để học hỏi và kết nối sâu rộng hơn với bạn bè quốc tế.
Tôi tranh thủ những giờ phút rảnh rỗi trong khuôn khổ Hội chợ để tìm hiểu thêm thông tin về Ai Cập, về đời sống văn học và những nhân vật văn hóa tiêu biểu của đất nước này, hy vọng có thể vận dụng khi trả lời phỏng vấn. Trong lúc ấy, tôi cũng trao đổi thêm với anh Aminur để tìm hiểu trước về nội dung chương trình. Anh cho biết, chương trình sẽ xoay quanh các chủ đề như con đường văn chương của tôi, những tác phẩm tôi từng sáng tác và ảnh hưởng xã hội từ các tác phẩm ấy, ngoài ra sẽ có phần đọc thơ trực tiếp. Tôi lập tức chuẩn bị một bài thơ tiêu biểu, ngắn gọn, có sức gợi, có thể dễ truyền cảm trong phiên bản tiếng Anh.
Sau đó, biên tập viên chính của Al Qahera, anh Muhammad Ali Qalyoby, trực tiếp liên hệ với tôi qua tin nhắn và xác nhận sẽ có xe đưa đón tôi từ khách sạn Tolip đến trụ sở đài. Anh hứa sẽ gửi sớm các câu hỏi phỏng vấn, giúp tôi chuẩn bị tinh thần. Anh còn yêu cầu tôi gửi bản chụp trang chính hộ chiếu, để báo với hệ thống an ninh cho phép tôi vào khu vực ghi hình được bảo vệ cẩn mật. Dẫu vậy, nỗi lo vẫn len lỏi trong đầu tôi: một thân một mình nơi xứ lạ, lỡ có chuyện gì trên đường đi thì sao? Tại sao họ không chọn các nhà thơ quốc tế khác, mà lại chọn tôi? Trước khi tôi đi Ai Cập, em gái tôi kể một chuyện về một ca sĩ Hongkong nổi tiếng, nhận lời sang Thái Lan để thực hiện một hợp đồng biểu diễn, nào ngờ khi đến nơi, anh bị nhóm lừa đảo bắt cóc và giữ làm con tin để lợi dụng danh tiếng của anh, tiếp tục lừa đảo người khác. Liệu rằng ở nơi đất khách quê người, không người thân bên cạnh, và còn chẳng kịp liên hệ trước với Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo, thì tôi có khả năng bị lừa không? Cho dù đầu óc có lo nghĩ như vậy, thì lòng tôi đã quyết rồi, tôi sẽ không bỏ qua trải nghiệm này. Thêm nữa, tôi thấy mình cũng không nên bỏ phí tư liệu các chuyến du thơ độc đáo của mình, cần viết ít nhất 3 thể loại: 1 cuốn bút ký “Đường đến Cairo”, và thơ, rồi truyện ngắn “Người tình Cairo” nữa chứ. Theo mẫu đó mà tiến hành cho các chuyến du thơ tới Kolkata, New York, Safi, Tashkent, Budapest, Como, Zalau, Kuala Lumpur, Padang, Astana, Yangon, Bangkok…
Tôi tự trấn an rằng mình không đơn độc – tôi có sự bảo chứng từ anh Aminur, người từng kết nối tôi với các chương trình truyền hình tại Malaysia, Ấn Độ và Indonesia trước đây. Anh là người có uy tín trong giới văn chương quốc tế, và chưa bao giờ sự giới thiệu của anh khiến tôi thất vọng.
Sáng hôm sau, một chàng trai Ả Rập liên hệ với tôi, tự giới thiệu là người được cử đến đón tôi đi phỏng vấn. Tôi xuống sảnh khách sạn, thấy anh ăn mặc kín đáo, ít nói. Tôi liều bước lên xe anh ta. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, tôi để ý thấy ở vai ghế lái có treo một chiếc mặt nạ “Người vô danh” – biểu tượng thường thấy trong các phong trào phản đối và có chút sắc thái nổi loạn. Một nỗi bất an nhẹ dấy lên. Tôi hỏi anh ta rằng đài truyền hình cách khách sạn bao xa, anh lưỡng lự một lúc mới trả lời: “Hơn một giờ lái xe”. Trong quãng thời gian đó, tôi không thể rời mắt khỏi những biển chỉ đường, vừa đi vừa cố giữ bình tĩnh. Tôi sẽ phải thông báo cho ai nếu có chuyện không may xảy ra? Và những chữ Ả Rập loằn ngoằn này tôi chẳng hiểu được thì biết mình đang ở đâu cơ chứ? Đầu óc tôi thì rối loạn cho dù vẻ ngoài của tôi khá bình thản, trong bộ áo dài may kiểu Hoàng hậu quyền lực, với món đồ trang sức đá màu lấp lánh trên cổ.
Rồi cuối cùng, tôi nhìn thấy trước mắt một khu tổ hợp truyền thông đồ sộ, với bảng hiệu “Al Qahera TV” hiện ra rõ ràng trước cổng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lái xe hạ kính xe, chìa ra một tấm thẻ, và nói tràng tiếng Ả Rập với gác cổng. Tấm chắn nặng từ từ nhấc lên cho xe tôi chạy vào.
Bên trong là một không gian ghi hình hiện đại, kín đáo với trần cao và tường sơn đen. Tôi được dẫn đến ghế phỏng vấn, đeo tai nghe và ngồi đối diện với máy quay. Câu hỏi được truyền qua tai nghe. Tôi trả lời từng câu một cách cẩn trọng, chân thành. Cảm giác hồi hộp tan biến dần khi tôi bắt đầu quen với không khí chuyên nghiệp nhưng cũng đầy thân thiện tại trường quay. Sau khi kể về một số nội dung chính trong các tác phẩm thơ và truyện ngắn của mình, về tác động xã hội, về giới trong tác phẩm, về dấu ấn khi thăm Kim tự tháp, nhận xét về chất lượng khảo cổ địa phương, tôi đọc bài thơ “Tôi chọn nỗi đau” để tặng khán giả truyền hình Ai Cập.
Sau khi buổi ghi hình kết thúc, một nhóm các biên tập viên và phát thanh viên trẻ trung, xinh đẹp ùa vào chào đón tôi. Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng nhau, trò chuyện ngắn, trao đổi liên lạc. Tôi tặng họ một số cuốn sách văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Anh – món quà nhỏ nhưng chứa đựng lòng tri ân và hy vọng về sự kết nối văn hóa sâu rộng hơn giữa Việt Nam và thế giới Ả Rập.

Trải nghiệm ấy đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên. Tôi không chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình của một đài lớn, mà còn vượt qua chính nỗi sợ hãi và hoài nghi ban đầu để khẳng định mình trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Có lẽ, đôi khi sự can đảm không phải là không có sợ hãi, mà là biết vượt qua nỗi sợ hãi ấy để bước tiếp.
Buổi phỏng vấn tại Al Qahera là dịp để tôi chia sẻ về thơ ca và văn hóa Việt Nam, và cũng là hành trình khám phá chính mình – một bước tiến nữa trên con đường giao lưu văn hóa, kết nối trái tim qua ngôn ngữ thi ca và sự cảm thông. Trong khoảnh khắc rời đài truyền hình, tôi thấy mình trưởng thành thêm một chút – không chỉ là một người viết, mà là một người dám bước ra thế giới, kể câu chuyện của dân tộc mình bằng chính giọng nói của mình.
Ngay chiều hôm đó, anh Muhammad Ali Qalyoby đã gửi cho tôi đường link cuộc phỏng vấn. Tôi lập tức chia sẻ trên Facebook link này để bạn bè, người thân được biết. Tôi chú ý nghe một đoạn đầu xem giọng mình ra sao trên kênh, sau đó đóng lại. Tôi vẫn khá xấu hổ mỗi khi xem chính mình trên truyền hình. Nhiều năm qua rồi mà điều này chưa thay đổi.
Kiều Bích Hậu
Bài viết liên quan: