Hẹn với Cleopatra – kỳ 3

Hội chợ sách quốc tế Cairo lần thứ 56, diễn ra từ ngày 23/01/2025 tới 05/02/2025, là một sự kiện văn hóa quy mô lớn quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ và dịch giả quốc tế. Tôi đặt chân đến thủ đô Cairo vào trưa 25/01/2025, mang theo những háo hức và kỳ vọng về hành trình văn chương đặc biệt này. Chỉ vài giờ sau khi tới nơi, lúc 14h chiều, tôi đã có mặt tại khu Triển lãm quốc tế của Ai Cập. Theo thông báo của tiến sĩ, nhà thơ, dịch giả Sara Hamid Hawass, buổi đọc thơ của tôi sẽ diễn ra vào lúc 18h cùng ngày.

Trên xe của ban tổ chức từ khách sạn Tolip đến khu Triển lãm, tôi có dịp làm quen với nhà thơ người Uzbekistan, A’zam Obidov. Một chàng trai cởi mở, vui vẻ và đầy nhiệt huyết. Anh đã đến Cairo trước tôi một ngày, vì vậy anh có thời gian đi dạo quanh Hội chợ và nắm được rõ vị trí các khu vực triển lãm cũng như nơi tổ chức hội thảo, tọa đàm và đọc thơ. Khi tôi hỏi anh đã đọc thơ hôm trước chưa, anh bảo chưa, nhưng theo lịch trình thì hôm nay sẽ là phiên đọc của anh. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ rằng ban tổ chức có thể thay đổi lịch trình bất cứ lúc nào do số lượng sự kiện dày đặc. Anh khuyên tôi nên đến Hội trường số 1, Plaza 1, sớm ít nhất nửa tiếng trước buổi đọc.

Tôi đề nghị đi theo A’zam, bởi tôi chưa gặp được nhà thơ Ahmad Al Shahawy hay dịch giả Sara Hamid Hawass để nhận lịch sự kiện và hướng dẫn cụ thể để sau đó tự tìm đường giữa khu Triển lãm rộng lớn này. Anh vui vẻ nhận lời và cùng tôi đi qua những sảnh triển lãm rộng lớn. Vừa đi, A’zam vừa bàn luận về cách tổ chức sự kiện, đồng thời chia sẻ về mục đích tham gia Hội chợ của mình. Anh đặc biệt quan tâm đến cách Ai Cập duy trì một Hội chợ sách quy mô cực lớn suốt hơn nửa thế kỷ. Với tư cách là một người sáng lập dự án “Uzbekistan Literary Residency”, anh muốn tìm hiểu thêm về cách tổ chức, kết nối, và tạo điều kiện cho các nhà văn quốc tế giao lưu, sáng tác tại Uzbekistan. A’zam chia sẻ rõ nội dung dự án của anh, đó là: đón các nhà văn, nhà thơ từ các vùng khác nhau trên thế giới đến đất nước của anh, để sống trong nhà cư dân địa phương, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lối sống, phong cảnh, sau đó có thể có kinh nghiệm và cảm xúc để sáng tác về Uzbekistan. Anh cũng bày tỏ mong muốn mời tôi cùng một số tác giả Việt Nam tham dự chương trình của anh.

Sau một hồi lang thang trong khu Triển lãm rộng lớn, cả hai chúng tôi quyết định ngồi nghỉ bên bậc đá ngoài trời, nơi có nhiều cư dân Ai Cập đến Hội chợ. Dưới ánh mặt trời ấm áp, chúng tôi cùng nhau thưởng thức hạt điều rang, nho khô và bánh mì ngọt Uzbekistan mà A’zam mang theo. Câu chuyện của chúng tôi kéo dài từ văn chương đến thời cuộc, từ thơ ca đến chiến tranh, từ cách các chính phủ đối xử với văn nghệ sĩ như thế nào, những chuyện khuất tất trong giới văn chương. Chúng tôi nhận ra rằng, dù là Việt Nam hay Uzbekistan, giới cầm bút đều có những niềm vui và nỗi buồn riêng: những giải thưởng và danh hiệu chẳng phải lúc nào cũng là vinh quan thực sự. Hóa ra, ở nước bạn cũng có những chuyện như ta, cũng có những ngậm ngùi của những người chuyên viết văn mà phải đứng ngoài cuộc, có cả những sự tối sáng trong xét trao giải thưởng, danh hiệu, những cay đắng và nụ cười mỉa mai buồn bã sau những danh hiệu và giải thưởng. Có những nhà văn ăn tiền chính phủ và có những nhà văn độc lập nói lên tiếng nói khác…

Buổi đọc thơ đầu tiên của tôi diễn ra vào buổi tối hôm đó. Tôi báo với Sara rằng mình sẽ đọc ba bài: Bài ca sông Hồng, Ẩn số, và Sự sụp đổ của nhân tính. Tôi đọc bằng tiếng Anh và tiếng Việt, sau đó Sara đọc bản dịch tiếng Ả Rập của cô. Khi nghe thơ mình được cất lên bằng thứ ngôn ngữ huyền bí, qua giọng đọc của một hậu duệ nữ hoàng Cleopatra, tôi không khỏi xúc động. Sara có đôi mắt bồ câu đầy cuốn hút, mái tóc đen bồng bềnh, và thường đeo những chiếc nhẫn mặt đá lớn. Cô toát lên vẻ quyền lực và cá tính mạnh mẽ. Tôi cảm kích Sara vì đã dịch bảy bài thơ của tôi sang tiếng Ả Rập – một điều mà chỉ vài năm trước, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra. tôi chẳng dám mơ ước rồi một ngày tác phẩm của mình được dịch sang thứ tiếng với chữ viết huyền bí như thế. Nhìn vào tôi chẳng thể nào luận ra được một chút gì.

Dịch giả Sara Hamid Hawass đọc bản dịch tiếng Ả Rập thơ tác giả Kiều Bích Hậu 

 

Buổi đọc thơ thứ hai diễn ra sau đó, và lần này tôi chọn ba bài khác: Phiên bản nước, Hai vầng trăng, và Tôi chọn niềm đau. Khán giả hoan nghênh và dành cho tôi những lời khen, nhưng tôi lại không dám tin thơ mình hay đến thế. Khi sáng tác, những dòng thơ như tự tuôn ra từ một cõi bí ẩn mà tôi không thể kiểm soát. Kỳ lạ thế! Thơ ấy có phải từ một tôi này, hay là tôi khác? Tôi đã chạm đến điều gì để khiến thơ sinh ra, hay ai chạm tới tôi? Và giờ đây, liệu thơ ấy có chạm tới ai đó giữa những khán giả nơi đất nước của Cleopatra?

Trước Sara, một dịch giả khác, Mohamed Moukhariq từ Ma-rốc, đã dịch cả tập thơ Hai vầng trăng của tôi sang tiếng Ả Rập, nhưng cuốn sách vẫn chưa kịp xuất bản trước khi tôi đến Ai Cập. Điều này khiến tôi tự hỏi, liệu đây có phải dấu hiệu tôi sẽ trở lại với sông Nile trong tương lai? Tôi vẫn chưa thể hoàn toàn tin vào những dòng thơ mình viết, nhưng tôi biết ơn chúng. Nhờ có thơ, tôi đã được bước lên nhiều sân khấu thơ và diễn đàn văn chương trên khắp thế giới – từ châu Âu, châu Mỹ, đến châu Á và châu Phi. Với tôi, thơ là tiếng nói nội tâm và là đôi cánh, nâng tôi bay cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tác giả đọc thơ tại sự kiện Thảo luận và đọc thơ trong Hội chợ sách quốc tế Cairo lần 56 (2025)

 

Thơ là nơi tâm trí lắng dịu, nơi lòng người tìm thấy bình yên. Giữa thế giới đầy nhiễu loạn, thơ mở ra những cánh cửa mới. Chữ nghĩa hòa tan lo âu, dẫn lối những tâm hồn mỏi mệt. Thơ không chỉ là nghệ thuật, mà còn là phép chữa lành. Nhìn lại mình trong vần điệu, tôi thấy sự thanh thản vững bền. Mọi vấn đề dường như giản đơn, bởi thơ giúp tôi tìm ra lối đi, thấy Đạo giữa Đời.

Kiều Bích Hậu

(Còn nữa)