Sẩm tối. Páo bước vào cổng thì con Đen đã chôn chân đầu hồi nhà từ lúc nào, cậu sung sướng chạy lại ôm lấy cổ con trâu, ra chiều biết lỗi. Con trâu tỏ vẻ cảm thông với chủ bằng cách nghếch sừng, lắc lắc cái đầu cho cái mõ dưới cổ kêu lóc cóc, lóc cóc. Páo bỗng giật mình, nhớn nhác nhìn quanh, nhà Say với nhà cậu đã thỏa thuận mỗi nhà chăm con Đen một tuần, chiều nay đến lượt cậu đến đón con trâu tình nghĩa song mải việc ruộng làm cậu quên mất. Nhưng mọi lần cậu không đến đón thì Say hoặc bác Lử – bố của Say cũng dắt con Đen đến trao. Páo cũng vậy, đến hẹn bao giờ cậu cũng tắm rửa con Đen, cho ăn no nê rồi chờ Say đến dắt, hoặc đến nhà Say trao tận tay, còn lần này…, tự dưng lòng cậu như lửa đốt, đã vậy con quạ lão trên cây lê chỗ đầu hồi lại kêu lên chín tiếng não nề. Khi nhà quạ kéo nhau về làm tổ trên cây lê nhiều người bảo Páo xua đuổi chúng song cậu không nghe. Nhà người H’Mông ở Tả Ngảo không dính lấy nhau mà tách ra mỗi nhà một quả đồi, trong quả đồi ấy rừng quây nhà quây vườn, quây nương, ruộng, người quây người quây vật, chỉ có Páo mồ côi làm lụng ăn ngủ hú hét gì cũng lùi lũi một thân một mình, có lũ quạ đến làm bạn chắc chắn hoang vắng bớt đi, vô tâm vô tính cũng bớt đi. Quả đúng như vậy, từ ngày lấy cây lê làm nơi trú ngụ đàn quạ nắng không ngấm qua vai, rét không luồn qua ức, mặt trời lên mở mắt, mặt trăng lên lơ mơ, mặc kệ mây tụ mây tan, ngày ngày cứ đi kiếm ăn về là lại chế ngự ngọn cây, lại quàng quạc kể cho nhau nghe chuyện trên trời dưới rừng. Lũ quạ đã khiến cho cả khu vườn náo nhiệt, khiến cho lòng Páo náo nhiệt, còn hôm nay…, chẳng nhẽ già bản nói đúng, tiếng kêu ai oán của con quạ lão có mười chín cái khoang đen trắng trên lông đúng là mang mười chín kiếp thuận nghịch, chín tiếng kêu ai oán của nó có lẽ báo hiệu nhà Say có người sắp về với Tổ tiên…Nghĩ đến đây Páo toát mồ hôi hột, vội dắt con Đen vào chuồng, mang cỏ bỏ vào máng, rồi để mặc con trâu đứng ngơ ngẩn cậu vội vã phóng sang Tả Ngảo.
Quả là nhà Say có chuyện, chuyện rất nghiêm trọng, Say đi rừng, bị ma rừng bắt mất vía. Páo đến, thấy trong nhà ngoài sân chật kín những người là người, lời cầu xin, thưa gửi, đón đường, dẫn đường cho thần linh của thầy cúng rền như chảo bánh trên bếp. Những nén hương giữ vía cháy bỏng lòng thành, cháy bỏng ước mong. Những tàn nhang cong xuống, thì thầm, thì thầm.
Biết phận mình không thể tham gia cứu giúp Say được, Páo len lén găm mắt vào cái dáng thẳng đuội không động đậy của Say trên cái giường cạnh bếp rồi lặng lẽ rời nhà, ra làm cái bóng dán vào tảng đá mồ côi bên bờ suối. Tự nhiên lòng cậu bồn chồn, thổn thức. Tự nhiên cậu chắp tay khẩn cầu thần Núi, thần Sông, thần Sét, thần Đất, Thần Mưa, Thần Gió, Thần Nắng, Thần Nông, Thần Rừng, cuối cùng là thần Bản mệnh giúp Say tai qua nạn khỏi. Tự nhiên cậu nhận thấy giời đất u u mê mê chẳng ra tối chẳng ra sáng, cỏ vừa thức vừa ngủ, dế giun trong cỏ cũng lơ mơ, những dãy núi đứng núi ngồi ngay trước mặt mà mịt mờ sương mây. Tự nhiên cậu thấy mình nghĩ về Say nhiều đến thế…
* * *
Páo với Say. Không Páo với con Đen, sau đó mới đến Say gặp gỡ tình cờ rồi gắn với nhau như duyên nợ.
Páo mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm Páo chín tuổi, một cơn lũ quét khủng khiếp đã phạt cả một vạt nương rộng, trong đó có mẹ Páo đang trú trong cái lều coi nương ra suối, ra sông. Năm Páo mười một tuổi, không biết nghe kẻ xấu dỗ ngon dỗ ngọt thế nào bố Páo bỏ hết cả nhà cửa ruộng nương dắt Páo theo một số người trong bản lên xe lên tàu vào tận Tây Nguyên mịt mùng rừng núi. «Miền đất hứa» chưa mang lại sung sướng gì cho những người tự ý di cư thì tai họa ập xuống, một trận sốt rét khủng khiếp đánh gục hầu hết dân bản, sáu người mãi mãi về với đất trong đó có bố Páo. May mắn, không biết các bác ở huyện, tỉnh làm việc thế nào mà Páo và những người sống sót đang lử là vì đói rét bệnh tật được đón ra Bắc, trả về bản. Suốt chặng đường về dằng dặc Páo háo hức chờ mong trở về với ngôi nhà, mảnh ruộng thân yêu của mình, cậu đâu ngờ ở nhà chú Lùng nghiện, em ruột của bố đã bán phần lớn ruộng, nương nhà Páo, may mà ngôi nhà chưa có người mua. Ngày Páo về nhà cũng là ngày chủ ruộng mới thuê người kéo nứa, vầu đến khu ruộng bậc thang trước cửa rào dậu thách lợn, thách trâu, thách người. Căm ghét ông chú vô tâm, nghĩ đến phận mình, sống ở cái thời giời hành, đất hành, đói rét triền miên, ngẩng lên cha mẹ, chú bác, anh em đón, cúi xuống họ hàng làng bản cảm thông, bên phải bên trái tay đỡ tay nâng đã khổ chẳng là một thân một mình đứa trẻ mồ côi không nương không ruộng.
Đúng lúc cùng quẫn, cầu giời – giời không mở mắt, cầu đất – đất không mở lòng, Páo nghĩ tới thân phận cần bày tỏ, cậu trèo lên mái nhà tru lên, tiếng tru thành tiếng hát: «Lủi thủi/ ta lủi thủi/ ta vào rừng – rừng trong mồm hổ/ ta xuống suối – suối miệng thuồng luồng/ ta như hạt sạn trong bát cơm/ như người thừa bên mâm cỗ/ vất vưởng/ cùn quằn/ sớm lo mai/ mai lo lăn lóc/ cỏ lú bùa mê/ củ nâu củ mài đắp đổi – ta ơi… ». Nghe tiếng Páo tru mọi người ngẩng lên. Người có trái tim chó: nghĩ mặt đất sắp mất đi một con người. Người có trái tim người: nghĩ nay người mai ta, cứu người là cứu chính mình. Trái tim chó: không hả hê, chẳng thương xót, thản nhiên tai điếc mắt mù, thoăn thoắt trói buộc vầu nứa làm hàng rào, không biết đang tự tay trói buộc chính mình. Trái tim người: ngẩng lên thương trời xanh rỗng ruột, cúi xuống thương mặt đất hỗn độn, nghĩ phận người như phận kiến, lòng thương cảm trỗi dậy, «một miếng khi đói bằng một gói vàng», một cánh tay đưa ra, hai cánh tay đưa ra, nhiều cánh tay đưa ra, ơn trời rồi thì Páo cũng được cứu giúp để tiếp tục sống.
Thế rồi người trong bản thương quý Páo, quý mến, thương hại kẻ mồ côi đã đành, song còn quý cái giọng hát trời ban cho cậu nữa. Ông Trời không cho ai tất cả song cũng không triệt hoàn toàn con đường sống của ai. Páo đã sống những ngày khổ ải. Ngày – vác bụng rỗng đến cửa nhà người xin việc kiếm cơm. Tối – cõng gánh nợ tiền nợ tình người trên lưng về nhà. Ra đường lấy sức thay lý. Về nhà lấy lý đo sức. Ra đường chặt cây mong người cùng khiêng, úp cá mong người cùng vây đuổi. Về nhà – không chó mèo bầu bạn, bếp quên hơi lửa, nồi treo vách đến mốc meo. Nhịp điệu cực nhọc vừa quen vừa không quen, vừa bắt phải quen ấy cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nhịp điệu khốn khổ ấy dẫu không bắt chết song cũng không cho sống như người tưởng sẽ làm Páo tự lụi tự tàn, song không, cậu như cái cây mọc trên kẽ đá bền bỉ sống, bền bỉ lớn, mà còn lớn khỏe hơn nhiều người một phần nhờ giọng hát. Cậu hát hay, nhớ giỏi, lại thả cả tâm tình, số phận vào bài hát nên tiếng hát của cậu được nhiều người, nhiều lần cho vào tai, vào óc rồi nhả ra hân hoan, mộng mơ, nhớ nhung, vui, buồn, bùi ngùi, thương cảm. Cậu thuộc nằm lòng những bài hát gốc song cũng mở ra biết bao bài hát mới, ứng với tâm tư của cả ngàn số phận, ở đâu có tiếng hát của cậu là như có đĩa mật nhử kiến, cây hoa rủ ong.
Rồi Páo gặp may.
Một lần Páo đang gùi một gùi củi nặng, mệt nhọc lê bước ra cửa rừng thì nghe thấy tiếng kêu nghé ọ thoi thóp. Tiếng kêu hụt hơi, dai nhách báo hiệu sắp rời khỏi cõi trần của con vật làm cho Páo động lòng, cậu dừng lại, đi lại về phía tiếng kêu và thấy một con nghé cái ghẻ kềnh ghẻ càng bị buộc vào gốc cây non. Páo động lòng, đoán nó bị bệnh, chủ nó không chữa được phải mang ra đây nhờ Thần Rừng đưa đi cho xong kiếp. Có lẽ “ngứa ghẻ hờn ghen” hành tội, bắt nó cọ xát thân thể bao lần vào cột, vào cây, vào đá nên nó lông trụi, da dẻ đỏ đen lỗ chỗ, nước vàng chảy rề rề. Có lẽ bệnh tật, đói khát làm nó bốn chân nó xẹo xọ, mắt mũi rỏ nước, hình dáng, bộ dạng của kẻ sắp bị giời bắt chui xuống địa ngục. Páo chần chừ, định bỏ đi song thấy con nghé nhìn mình cầu khẩn, lại nghĩ vạn vật đều có linh hồn, gặp linh hồn bị nạn cứu được thì phải cứu. Cậu nhìn trước nhìn sau, nhìn trời nhìn đất, rồi thở dài, cứ mang nó về nhà tắm rửa, bôi thuốc, nó sống thì có bầu có bạn, nó đi thì cũng đi trong sạch sẽ, đỡ đớn đau. Tâm thiện nghĩ thiện làm cho lòng cậu nhẹ nhõm, bình thản dắt con nghé về nhà, tắm rửa, cho ăn uống tử tế. Thấy con vật đã gượng lại được cậu cả mừng, hôm sau đi làm thuê kể hết chuyện này với bạn cùng làm. Một người mách cậu chữa ghẻ cho trâu là phải lấy lá đào về, một phần giã nhuyễn, đắp lên vết thương, một phần đun nước tắm cho nó. Phải đắp, tắm sáng, trưa, chiều, tối, phải chăm như chăm người ốm. Phải Đông Tây y kết hợp cúng bái thì may ra mới cứu sống được nó. Cậu cảm ơn bạn rồi bỏ việc về nhà chăm bẵm con nghé theo mách bảo, theo những gì mình biết, mình có.
Con nghé khỏe lại một cách chậm chạp, bởi nó quá yếu hay bởi giời thử thách lòng kiên nhẫn của Páo, có lẽ cả hai, nhưng hai ba năm bẩy gì thì cuối cùng con nghé cũng hồi sinh. Con nghé vui, Páo vui, hai kẻ đều gặp cảnh cái sống sau lưng cái chết trước mặt nên thương nhau, hiểu nhau, quấn quýt với nhau. Trâu ngựa là giống nghĩa tình, đánh đập, bỏ đói, bắt làm việc đến kiệt sức, dọa mổ thịt nó vẫn nghĩa tình huống hồ với người đưa nó từ cõi chết trở về. Páo mừng hú. Vậy là cái chuồng cũ lại có tiếng mõ kiên nhẫn báo hồn vía trâu đang rất gần với hồn vía cậu. Vậy là Páo tự dưng có một gia tài trên trời rơi xuống, tự dưng có bạn sẻ chia sớm tối, điều mà trước đây cậu có mơ cũng không với tới. Rồi đây con nghé sẽ lớn thành trâu, trâu sẽ cho sức cầy sức kéo, nhất là sẽ đẻ ra những cô chú nghé con, nghé con lớn cậu sẽ con vật làm ma khô cho bố cho mẹ…, trời ơi chỉ nghĩ đến đó thôi lòng cậu đã rạo rực suốt ngày thao thức suối đêm.
Giữa lúc hai kẻ một nghé một người tưởng như không thể thiếu nhau thì chủ cũ của con nghé tìm tới, bảo từ khi đưa con nghé đi chết cô con gái duy nhất của ông ta mất ăn mất ngủ, người gầy rộc, miệng lúc nào cũng mấp máy gọi nghé ơi. Thấy cảnh con gái tàn tật sắp phải về thế giới bên kia ông đã phải mời thầy khắp nơi về thuốc thang, bổ dưỡng song bệnh của con càng ngày càng nặng. Thương con, ông lần theo dấu chân con nghé thì biết được Páo đã cứu sống được nó. Ông định lại mua con nghé song với giá nào Páo cũng không chịu bán. Cực chẳng đã ông đưa con gái đến thăm con nghé. Cô bé cỡ tuổi Páo, song da dẻ trắng xanh, dáng vẻ tiều tụy, cánh tay bị teo cơ thõng xuống như cuộng chuối héo gá tạm vào người. Cô chạy lại, dùng cánh tay khỏe ôm lấy con vật, nước mắt chảy ròng ròng. Con vật dụi dụi đầu vào cô chủ, nước mắt ứa ra. Không nói Páo cũng biết người và vật này khó có thể rời nhau, song nuốt nước mắt chấp nhận cho cô bé dắt nghé về thì không được, làm gì có chuyện cây lìa đất nước lìa suối dễ dàng thế.
Đêm ấy Páo không ngủ.
Bình thường đêm đến bóng tối hệt như bà mẹ rộng lòng rộng nghĩ, gậu hồn vía cực nhọc, rã rời của Páo vào bên bếp lửa rồi vuốt ve, cưng nựng, thả ơn, che chở, làm cho đớn đau, bơ vơ nguôi ngoai, lấy quấn nhau gây giấc ngủ mệt nhọc cho cậu.
Bình thường, khi đã nguôi ngoai ngày, bầu trời trong giấc ngủ của Páo giản đơn, nhỏ hẹp, dịu ngọt dăng dăng đưa cậu đi qua hết chập chờn này sang chập chờn khác, nhớ nhớ quên quên trôi trong khắc khoải tiếng gà.
Bình thường, Páo nhắm mắt thấy cây ngủ ngọn, mở mắt thấy cây đảo ngọn, đâu đấy gà vịt dáo dác, mõ trâu, nhạc ngựa rối tung, kiến bò đường rối, gió phập phù đón vía đón hồn.
Còn đêm ấy!…
Bên ngoài, trăng gió chùng chình, hơi sương khiến mặt cỏ, mặt lá, mái nhà lấy cộng nhau làm nên giọt bầu giọt bạn.
Trong nhà, Páo tựa vào đêm. Hai con mắt đăm đăm vào ngọn lửa phập phù sáng tối. Đôi chân bền bỉ đo dốc đo rừng co lại, hai đầu gối miễn cưỡng đỡ lấy cái cằm non chẳng ra non già chẳng già. Hai tay bình thường cứng tựa hai sợi dây song giờ lúc thừa lúc thõng.
Trong cảnh cô đơn, cô độc, Páo đau đáu nghĩ tới con nghé giời cho rừng tặng, nghĩ tới bố con cô bé đến đòi nghé, nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ còn nghĩ mất.
Páo nhớ tới ngày mẹ mất, nòng súng kíp báo tổ tiên ngỏng lên, nòng súng kíp báo đất đai rừng núi chúc xuống. Tiếng súng báo cho anh em cách chín núi mười sông biết mà về. Tiếng súng chập chờn, loạn xạ, không hiểu người chia tay với người hay người chia tay với ma. Rồi lễ đuổi ma chạy vòng quanh nhà không biết có hiệu nghiệm hay không mà đàn đom đóm hút theo bay nhanh đến nỗi không đậy nổi nắp đít, làm thành những vệt sáng như vệt đuốc lạnh. Rồi người chết oan chết thảm, không có trâu làm ma, không chịu để hồn bơ vơ bất vất đã ra sức níu chặt lấy người sống, người sống đau khổ vật vã, bất lực, trơ trơ cùng đá núi…
Páo nhớ tới ngày bố mất khổ mất sở nơi núi lạ rừng lạ. Bố chết, cái đói cái rét buộc cậu ngày ngày phải lê chân tới cửa nhà người xin làm thuê làm mướn. Già bản bảo bố ăn lầm cơm ma, uống lầm nước ma nên giời bắt tội khổ mình, khổ con. Páo không trách bố mà chỉ thương, thương và thương. Ngày xưa bố kể ngày sinh ra Páo đúng lúc mùa giao mùa, thầy Sa Man gọi được ma nhà về nhà, dẫn được ma rừng về rừng, song không lôi được vía Páo ra nhận mặt người. Bố còn bảo khi bà mụ cõng vía nụ vía hoa ngược dốc thì già bản ra đầu hồi cất tiếng tù và thúc rừng thúc núi. Lúc này bản săm sắn nỗi lo ruột thịt, sáu vía Páo leo lên giời, cả trăm lòng thành níu lại, thành tâm động đến lòng giời cầu vồng uốn cong ngọn núi. Đúng lúc tưởng như Páo không thể thành người thì bà mụ thương tình, bà cho Páo xếp hàng vào rắn rồng con đàn cháu đống. Biết đã có được Páo tiếng gà xiên qua tiếng khóc. Bốn vía Páo bám vào thang giời, giời đẩy thang cho Páo ngã vào đám mây màu xám, mây biến thành mưa, mưa rơi xuống dòng sông nước mắt. Ba vía Páo chui xuống chín tầng địa ngục, ma quỷ quay đầu, Diêm vương lánh mặt, cửa Âm Dương rộng lối đi về. Bố đem nhau chôn chân cột giữa nhà, chân cột rung rung đón nhận, bố ngửa mặt ơn giời. Trong căn nhà đời nối đời nuôi lửa, bố mẹ truyền lửa cho Páo như ông bà xưa truyền cho hai người. Bố mẹ vất vả sinh nở, nuôi nấng Páo, vất vả suốt cuộc đời, vậy mà khi hai người mất đi vẫn không có ma trâu ma bò dẫn hồn lên thiên đường, Páo có con nghé trời cho đang mong có ngày lớn khôn, sinh nở thì lại sắp rời khỏi tay…
Đêm dần về sáng.
Páo rời bếp lửa phập phù, trí nhờ phập phù, con mèo quên phận sự rình chuột co ro thưởng thức hơi ấm bên bếp. Ngoài trời sương sa lạnh buốt, cây cối chết lặng dưới ánh trăng nhạt nhẽo, mơ hồ, con nghé được đánh thức cọ cọ vào văng chuồng, tiếng mõ từ cái cổ nó vang lên náo nức.
Páo vịn vào văng chuồng, nhìn con nghé trìu mến. Đâu đó một làn hương thoảng qua dịu ngọt. Có lẽ là hương hoa dẻ. Đúng rồi, loại cây mọc hoang trên các triền đồi này thường được các thợ sơn tràng tìm đến. Cây có hoa có màu vàng hơi xanh, với sáu cánh mỏng manh, dài và xoăn xoăn. Ngày xưa, ngày Páo còn lũn cũn theo bố vào rừng, ngày mà rừng chưa bị cưa búa tàn phá, cả một dải rừng dọc bờ sông Chảy dẻ mọc xen kẽ, dẻ mọc thành rừng. Những cây dẻ cao hai ba chục mét, thân rộng mấy người ôm, thân vỏ xù xì mốc thếch, tán rộng, lá cứng, đặc biệt là hương thơm của hoa. Vào mùa hoa dẻ thì thôi rồi, hương thơm ngào ngạt quyến rũ bung ngày bung đêm của hoa trở thành tâm điểm thu hút các loài ong về xây tổ, về hút mật.
Trong lúc Páo đang bâng khuâng, bịn rịn thì bác Lử phóng ngựa tới. Thấy Páo bác vội xuống ngựa, chạy lại ôm lấy vai cậu lắc lắc, miệng thốt lên:
– Không xong rồi, không xong rồi cháu ơi!
Páo ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đã sảy ra.
– Không xong rồi…, đêm qua con Say đã… đã… – Bác Lử buông Páo ra, rũ xuống. Páo giật mình:
– Say đã sao…, đã sao hả bác…
– Con Say đã lên rừng sau nhà… Nó định lấy ba cái lá ngón lìa đời… Nếu bác không theo chân nó thì ba cái lá chết ấy đã làm nát ruột nát gan nó mất rồi… – Người đàn ông ôm lấy mặt, nấc lên.
Páo rã rời, là kẻ say mê hát lý lối cậu biết cái tiếng hát trái ngang đã chui sâu, sinh nở trong lòng rất nhiều người HMông, nhất là những người chỉ mong tìm đến cái chết để tỏ rõ lòng mình. Say lấy cái chết để tỏ lòng gắn bó, yêu quý con nghé non tơ ư! Đúng là mặt trời mọc ngược, phải làm cho Say tỉnh táo, phải bắt Say quay mặt lại thôi, con nghé chứ có phải con giời đâu mà phải đổi một mạng người.
Hôm ấy con nghé không chỉ giữ lại mạng sống của Say mà còn mở ra cho Páo một trang đời mới: Páo và Say thỏa thuận với nhau mỗi người nuôi con nghé một tuần, cứ đến lượt thì người nọ dắt nghe trao cho người kia. Hơn hai năm qua, chính xác là chín mươi bẩy tuần qua con nghé, nay đã thành con Đen vâm váp cứ mỗi ngày cuối tuần lại kiên nhẫn theo con dốc nối hai nhà, đặc biệt là nối Páo với Say. Chín mươi bảy tuần qua, cùng với sự thân thiết, gắn kết giữa hai nhà gốc mai mọc trên hõm đá, khóm lau cạnh đường hoang, cái đít nồi đặt chỗ nào cũng nhọ là Páo đã vụt lớn như người. Nhờ Tổ tiên Páo đã đi qua cái tuổi đêm ngủ mê trên đá lo sập núi, ngủ mê trong nhà lo sông trôi, sợ người ôm đống của lo bạc tóc, mình ôm mây trời lo trắng tay. Nhờ giời Páo bước vào ngày mới. Mở mắt là thấy màu hồng tràn trời tràn đất. Ra đường là thấy thân thiện, thấy ríu rít nói cười. Đêm đến là thấy trăng thấy sao, giun dế ếch nhái tấu vang bài ca muôn năm vui vẻ. Páo không biết con dốc như sợi dây thừng quấn chân người chân trâu mỗi tuần sẽ dẫn cậu và Say tới đâu song cậu biết ơn con nghé. Có nghé cậu mới biết đến Say, đến nhà Say, biết đến những buổi vực nghé vực người biết cày bừa. Có nghé Say mới biết đến cậu, đến hoàn cảnh nhà cậu. Những buổi chờ Say tung tăng đi trước nghé hớn hở thồ hai bó cỏ trên lưng đi sau tự nhiên cậu ước thấy nho rừng chờ họa mi nhuộm mỏ, mỏ đỏ rồi mỏ hót lời xanh. Những ngày cả nhà Say sang cày bừa, gặt hái tự nhiên Páo khao khát mình có một gia đình. Vậy mà…
Páo trân trân nhìn rừng trúc đang thiêm thiếp trong sương mây. Già bản bảo ngày xưa nước biển dâng ngập trời làm cho giống tre giống trúc bị tuyệt diệt hết, loài người mong tre trúc trở lại để vây quanh xóm làng, phủ xanh đồi núi bèn cử con chim chì đi tìm giống. Chim chì vâng lệnh bay khắp gầm trời, nhìn thấy một cây trúc duy nhất mọc ở thiên đình còn sống sót, chim ta bèn sà xuống cứa được ba mẩu đốt rồi dùng mỏ cắp bay về. Đến trần gian chim đánh rơi một mẩu đốt trúc xuống cánh đồng, mẩu đốt liền mọc lên giống trúc, mai, tre góp phần làm xanh lại làng lại xóm. Một mẩu rơi nhầm xuống hõm đá bị dúi cắn nát, coi như chết. Một mẩu rơi vào nhà thầy Sa Man, biết đây là vật quý có thể làm cầu nối giữa giời đất và thần linh với con người, thầy liền bổ đôi mẩu đốt tre làm cặp cháo để xem âm xem dương. Từ đó đời nối đời người H’Mông gìn giữ cặp cháo. Mỗi khi trong làng hoặc có nhà trong làng có chuyện lớn, sau bài cũng khẩn cầu cặp cháo trong tay thầy Sa Man được tung lên là biết được âm dương có giao hòa hay không; giời đất, thần linh đồng ý hay không đồng ý; nhà hay làng có sự buồn hay vui. Cặp Cháo trong tay thầy Sa Man đang cúng vía cho Say báo may rủi gì đây?…
Páo sốt ruột, mệt mỏi đứng dậy, ngược về phía quầng sáng tối đang nhập nhòa trong sương mây.
Trong nhà Say đám cúng vía đang hồi cao trào. Ma quỷ đang khiến cho Thầy Sa Man nhập đồng. Hai mắt Thầy lúc đầy lòng đen lúc đầy lòng trắng. Hai chân Thầy nhảy cồ cồ. Rồi Thầy nhảy lên lưng ngựa gỗ, ra tay vung roi, miệng phì phì, ngửa mặt: Mặt trời mở, cúi mặt: Mặt trời đóng, thiên mệnh phập phù, người, ma đuổi nhau mãi mà Thầy vẫn lắc lư, lắc lư. Ông Trưởng họ lôi súng, ra đầu hồi bắn lên trời, lôi cung bắn xuống đất. Tất cả đám người dự lễ cúi đầu, rưng rưng, bất lực. Páo sững người. “Say lìa bỏ thế gian thật rồi ư?…”, lòng Páo cuộn lên đau đớn, giận dữ, uất ức trào sôi, không kịp nghĩ ngợi nhiều cậu xông thẳng vào chỗ Say nằm, gào lên: “Say không thể chết oan uổng thế này được. Say phải xuống bệnh viện. Bệnh viện cứu được bao nhiêu người ốm thì cũng cứu được Say…”. Đám đông từ ngỡ ngàng đến bực tức, một người hét lên: “Lôi nó ra ngoài, đây không phải chỗ của trẻ con.”. Hai người lập tức lao đến xốc ngang người Páo, lôi ra cửa. Páo gào lên: “Phải đưa Say đi bệnh viện, Say không thể chết oan chết uổng thể này các ông các bà ơi!…”, tiếng gào của cậu chìm nghỉm trong tiếng hú hét thị uy của Thầy Sa Man.
Đoàn Hữu Nam
Bài viết liên quan: