Giáo sư Lê Văn Lan – Một đời nghiên cứu cổ sử và chuyện tình yêu ở tuổi 90

ôi vào Viện Sử, chọn cái rất khó là cổ sử. Về sau cụ Đào Duy Anh, cụ Trần Văn Giàu cũng đều về Viện Sử. Các vị là thầy đã thành đồng nghiệp. Năm 1964, cụ Đào Duy Anh viết quyển Đất nước Việt Nam qua các đời – một công trình phải gọi là vĩ đại. Cụ tặng cho tôi với dòng chữ: “Kính gởi anh Lê Văn Lan” thì thấy xúc động lắm. Thầy đã coi tôi như đồng nghiệp. Tôi cũng đã có một chút thành tựu, đã sống chết với nó. Tôi ở ban Cổ sử suốt từ trước khi Viện Sử ra đời cho đến lúc về hưu.

Giáo sư Lê Văn Lan

Tuổi thơ “dữ dội”

Thưa Giáo sư, em hơi tò mò Giáo sư tuổi gì ạ?

– Tuổi Giáp Tuất, 1934, năm nay 89 tuổi rồi. Trùng với cụ Lý Công Uẩn cũng Giáp Tuất, nhưng là năm 974.

Tôi vẫn còn giữ được cái giấy khai sinh làm bằng 3 thứ tiếng, tiếng Pháp ở trên, tiếng Hán rồi mới đến chữ Quốc ngữ, thì tôi được sinh ở số 40 phố Hàng Cót bây giờ, tại nhà hộ sinh của bà Đốc Tâm. Thực ra bà Đốc Tâm chỉ là nữ hộ sinh nhưng vì đỡ đẻ rất mát tay nên người ta tôn vinh là docteur, rồi gọi tắt là bà Đốc Tâm.

Bây giờ cái chỗ 40 Hàng Cót, nhà hộ sinh bà Đốc Tâm đã chuyển thành nhà hàng Trống Đồng. Thỉnh thoảng tôi lại đến đấy ăn, vì 2 lý do, một là văn hoá ẩm thực, 2 là ngồi lại ở nơi mình sinh ra.

Hồi đấy, gia đình Giáo sư sống ở khu phố mà bây giờ ta gọi là cổ?

– Lúc ấy cha mẹ tôi sống ở bên phố Hàng Đậu, số 27 Hàng Đậu, nhà ống thông ra 2 mặt phố. Vì thế một mặt mẹ tôi làm cửa hàng buôn bán lương thực, còn cha tôi ở mặt sau bốc thuốc đông y. Bởi vì cha tôi là học trò của cụ cử Can (tức cụ Lương Văn Can), thông thạo cả chữ lẫn thuốc.

Cửa hiệu của cha mẹ tôi lấy tên là Xuân Sinh. Thương hiệu Xuân Sinh cũng đáng kể ở Hà Nội đầu thế kỷ 20, buôn bán làm ăn ở đấy. Mẹ tôi kể là mải làm ăn, đến lúc đau đẻ mới chạy vội từ Hàng Đậu qua cái chỗ nhà máy nước tròn chỗ bốt Hàng Đậu ấy đến Hàng Cót nhà thương bà Đốc Tâm, đẻ ở đấy.

Sau này số nhà 27 Hàng Đậu là cơ ngơi tài sản của gia đình, đến lúc cải tạo thương nghiệp thì hiến hết cho nhà nước. Không có chỗ ở, nhà thờ đạo Tin Lành cho ở nhờ một buồng trong toà nhà dành cho các giáo sĩ người Mỹ trước đây. Sau này mẹ tôi mất, mấy anh em lấy vợ đẻ con thế là cứ chia năm xẻ bảy ra, cuối cùng thành cái nhà ở phố Nguyễn Văn Tố chợ Hàng Da 6m2 mà bạn vẫn đến ấy là vì thế.

Riêng căn buồng mà nhà thờ cho mẹ tôi thì có sổ đỏ, tôi ở đấy một thời gian, để lại chỗ ấy cho con cả Lê Kim Cương về đây ở.

Lúc bé việc đi học của Giáo sư thế nào? Ông học trường gì ở Hà Nội thời ấy?

– Lúc Cách mạng Tháng Tám tôi mới 11 tuổi, đã học đến lớp nhì (tương đương lớp 3 bây giờ) ở trường Sinh Từ, bây giờ là trường Bùi Huy Bích. Sau đó đi tản cư đến năm 1948 thì hồi cư. Trước khi đi tản cư nhà tôi còn có một căn nhà ở phố Sơn Tây.

Bà mẹ hăm hở hồi cư dẫn đàn con mà tôi là con út tìm đến nhà số 4B phố Sơn Tây, ngôi nhà ấy tôi vẫn nhớ có cổng rất to, đi sâu vào phía sau có cây đề của chùa Thanh Ninh, gọi là chùa Am cây đề. Đây là căn nhà gia đình tôi ở chính hồi Cách mạng. Lúc đi tản cư cụ đào đất ở dưới sân gạch, nhét vàng vào đó giấu, rồi trồng cây ngọc lan lên. Mẹ tôi hăm hở trở về đào dưới gốc cây ngọc lan, nhưng không tìm thấy. Thế là trắng tay.

Mẹ tôi đành mở hiệu phở ở số 54 phố Nguyễn Siêu, gần phố Ngõ Gạch. Tôi lúc nào không đi học trường Hàng Than thì về bán phở phụ với mẹ. Quán phở cũng là chỗ cơ sở của kháng chiến.

Tôi có 2 anh trai, một anh học khoá 1 trường võ bị Trần Quốc Tuấn, cao to đẹp giai, tiểu tư sản đi học tốt nghiệp sĩ quan khoá đầu tiên của quân đội nhân dân, tự trang bị kiếm Nhật, đeo cạnh người. Khi anh tôi về thăm nhà, lúc ấy gia đình tôi tản cư về Yên Lạc, Vĩnh Phúc, tôi thấy anh oai lắm. Lúc chiến dịch biên giới, anh ấy đã là đại đội phó. Khi đánh đồn Bản Le, bản Nà Phản thì anh tôi hy sinh, đồng đội đem lên đồi chôn. Sau này con anh đã cố gắng tìm được hài cốt. Lúc đào xuống vẫn còn thấy thanh kiếm Nhật.

Anh thứ 2 làm tuyên truyền, trở thành phó ty tuyên truyền nội thành. Những lúc anh ấy vào nội thành thường dẫn theo đồng đội đến quán ăn phở của mẹ tôi nhưng thực ra là đặt cơ sở liên lạc ở đấy. Tôi làm chân canh chừng. Có lần được giao cả nhiệm vụ giao liên cầm hộp bánh Champagne đẹp lắm, có 2 đáy phần dưới là truyền đơn, phía trên là bánh đi đưa cho người khác.

Tôi học ở trường Nguyễn Công Trứ – Hàng Than, giúp bán phở cho mẹ, đi tán phát truyền đơn cho ông anh và có cả việc nữa là đi bán kem. Có lần tôi đeo thùng kem và bị bọn Tây lê dương đá đít, có lần đá vỡ cả thùng.

Có một lần vào đúng hôm Giáng sinh tôi bán kem về muộn buổi tối, về đến ngõ Gạch thì gặp 2 thằng Tây say, là người châu Âu. Tôi tưởng bị đá đít thì một gia đình mở cửa có ánh đèn hắt ra và ở trong nhà người ta vặn đĩa hát bài Silent Night (Đêm yên lặng-PV), mấy ông Tây nghe thấy bài thánh ca khóc tu tu thế là không đá đít mình nữa.

Vừa đi học vừa đi làm, xong được tiểu học, vào trung học thì tôi thi vào trường Bưởi – Chu Văn An, học ở đó suốt thời gian học trung học, 7 năm thì lấy được bằng tú tài.

Giáo sư Lê Văn Lan trong căn nhà 6m2 ở phố Nguyễn Văn Tố, chợ Hàng Da.

Ngẫu nhiên “tạt” vào lịch sử và nhân duyên gặp các bậc thầy

Rồi vì sao ông lại lựa chọn lịch sử?

– Thực ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Năm 1956, hai năm sau hoà bình, nhà nước mở một lúc 5 trường đại học: Tổng hợp, Bách khoa, Nông lâm, Sư phạm, Ngoại ngữ. Tôi vào Đại học Tổng hợp và học khoa Văn. Lúc ấy cả trường chỉ có 4 khoa, khoa Văn, khoa Sử là 2 khoa độc lập, còn 2 khoa kép Toán – Lý, Hoá – Sinh. Giáo sư Trần Đức Thảo, lúc ấy vừa “cãi nhau” với Jean Paul Sartre ở Paris về chủ nghĩa hiện sinh về thì giao làm Hệ trưởng khoa Sử. Khoa Văn của ông Đặng Thai Mai.

Và những “thằng” sinh viên như bọn tôi nghe tên của Hệ trưởng Trần Đức Thảo rất muốn vào học, nên tôi học cả Văn lẫn Sử. Rất may là lúc ấy khoa Sử có nhiều giáo sư giỏi, cổ sử thì có Giáo sư Đào Duy Anh, sử thế giới có giáo sư Phạm Huy Thông vừa mới ở Hải Phòng lên Hà Nội, lịch sử hiện đại là giáo sư Trần Văn Giàu, toàn các vị nổi tiếng. Bên khoa Văn là cụ Đặng Thai Mai, cụ Nguyễn Mạnh Tường, cả cụ Trương Tửu nữa.

Năm học thứ nhất, năm 1956, “bọn”ở khoa Sử có khoảng hơn 100 “đứa” và có 4, 5 trình độ khác nhau. Dân ở tạm chiếm như bọn tôi thì tú tài 1, tú tài 2. Tương đương với lớp 11, 12 bây giờ. Rồi hội ở kháng chiến về thì lớp 9, lúc ấy trung học kháng chiến chỉ có 9 năm, sau đó mới chuyển sang hệ 10 năm, rồi những người học xong trung học từ năm trước chưa có trường đại học để vào thì gọi là dự bị đại học. Chưa kể thêm một trình độ nữa là cán bộ đi học.

Thế nên mới có chuyện buồn cười là một anh trong lớp là cán bộ đi học, mà cán bộ đi học thì rất khó để ngồi nghe, giờ giảng triết học lúc ấy là cụ Cao Xuân Huy dạy, dạy logic học. Cái bục dài sau này là Hội trường Nguỵ Như Kom Tum thì cụ đi từ đầu này đến đầu kia, rồi lại đi ngược lại, nhìn lên trời và chắp tay sau lưng giảng bài.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ bài giảng cụ Cao Xuân Huy giảng về logic học, về tam đoạn luận. Anh cán bộ kia ngồi nghe cụ Cao Xuân Huy giảng Khổng Tử như thế thì rất chán mới ngủ. Thế nào đấy cụ Huy biết mới mách Hệ trưởng là GS Trần Đức Thảo.

Một hôm cụ Trần Đức Thảo mới gọi cán sự học tập năm thứ nhất là tôi lên văn phòng của khoa gặp Hệ trưởng. Tôi gõ cửa và ông Trần Đức Thảo hỏi: “Mày là thằng Lan phải không?”. “Vâng, con là Lan”. “Lớp mày có thằng nào tên là Đ. không”. “Thưa thầy anh ấy là cán bộ đi học”. “Mày về bảo với thằng Đ., giờ cụ Huy nó ngủ thì nó cứ ngủ nhưng không được ngáy”.

Cụ Trần Đức Thảo là nhà triết học và là đồng nghiệp của cụ Huy và các giáo sư triết học trêu nhau như thế đấy! (cười lớn)

Học năm thứ nhất, đến cuối năm thì bùng nổ vụ Nhân Văn Giai phẩm. Đại học Tổng hợp khoa Văn, khoa Sử là trung tâm của nhóm Giai phẩm, thành ra hết năm thứ nhất lên năm thứ 2 một loạt sinh viên bị đuổi. Hơn 100 sinh viên, lên đến năm thứ 2 chỉ còn độ ba chục sinh viên.

Tôi may quá nằm trong số hơn ba chục sinh viên được lên năm thứ 2. Vì vào thời gian ấy tôi không tham gia vào chuyện Nhân Văn không phải vì quan điểm lập trường mà là đang mải yêu, chính là bà vợ tôi sau này. Đang tuổi trẻ vướng vào chuyện yêu đương, tình cờ mà tôi được ở trong số 30 người còn sót lại.

Lên đến năm thứ 3, sinh viên bị đưa đi “hạ phóng”, làm giáo viên cấp 2 ở các trường phổ thông. Lại rất tình cờ trong số hơn 30 người thì chỉ 8 người, 4 ở lại trường, 4 trong đó có tôi được về Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Ở Uỷ ban Khoa học Nhà nước lúc ấy cũng chỉ có 4 viện là Viện Sử – cụ Trần Huy Liệu, Viện Văn vẫn là GS Đặng Thai Mai, Viện Kinh tế của GS Bùi Công Trừng, Viện Triết – ông Hoàng Minh Chính.

Tôi về đấy từ năm 1959, lứa có mặt ở Viện Sử từ những ngày đầu tiên ấy giờ đã đi hết rồi, hầu như chỉ còn mình tôi, 89 tuổi, vừa nhận danh hiệu U90 vừa nhận danh hiệu người tham gia thành lập Viện sử học.

Từng bị bắt vì nghi ăn trộm ấn tín vua Bảo Đại

Thế là nếu nhìn lại cuộc đời của ông cũng toàn chuyện may đấy chứ?

– Không hẳn là toàn may đâu. Vì tôi từng bị bắt giam ở Hoả Lò một cách rất oái oăm. Chuyện liên quan đến một vụ mất vàng ở Bảo tàng lịch sử. Thời ấy Bảo tàng bày ấn tín Vua Bảo Đại và cành vàng lá ngọc của Nam Phương Hoàng hậu rất hớ hênh. Rồi một hôm người ta phát hiện bị mất đồ trưng bày đó. Tôi lúc ấy đang là nhà sử học trẻ tuổi nhưng đã có tiếng tăm, tôi không chỉ làm sử mà làm khảo cổ với thành tích rất “ghê gớm” là phát hiện ra núi Đọ, và là người khai quật Văn hoá Phùng Nguyên.

Tôi viết quyển sách đầu tiên năm 1962 đến năm 1963 thì in. Hai mấy tuổi viết được cuốn Những vết tích của thời đại đồng thau ở Việt Nam là rất oách. Nhưng vì làm quyển đó về thời đại đồng thau nên tôi tập trung vào làm văn hoá Đông Sơn. Tôi là người nghiên cứu kỹ về văn hoá Đông Sơn. Nên tôi phải đến Bảo tàng Lịch sử thường xuyên để chụp đo vẽ những trống đồng, rìu đồng, dao găm… cất ở dưới hầm của Bảo tàng để đưa vào sách.

Khi vụ mất trộm xảy ra tôi trở thành nghi can số 1. Cùng lúc ấy có mấy ông bạn nhân chuyện mất vàng ở Bảo tàng, lại muốn hạ bệ một người trẻ tuổi là tôi lúc ấy đang rất vênh vang, họ mới tố giác với công an. Công an bắt luôn. 6 tháng trời quần thảo bằng 3 lệnh tạm giam, mỗi lệnh 2 tháng, mà không có kết quả gì, vì tôi có lấy đâu mà nhận.

Cuối cùng đến lúc hết 6 tháng, không đưa ra được bằng chứng, họ không thể đưa tôi ra toà được. Đúng lúc ấy, họ bắt được kẻ trộm. Ly kỳ ở chỗ, nó khai nấp ở pho tượng Chăm trên tầng 2, chờ tối mọi người về hết thì lấy trộm. Sau đó, công an đã tìm được số hiện vật bị mất mà kẻ trộm đã cất giấu.

Tôi vô tội, công an nhân ngày Tết, 20.1.1966, tức 30 Tết họ lấy cớ nhân đạo cho về ăn Tết. Cho đến bây giờ tôi vẫn chỉ có cái giấy tạm tha thôi.

Cuốn sách “Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” của GS. Lê văn Lan do NXB Giáo dục phát hành được tái bản nhiều lần. Ảnh Nguyễn Chương

Rồi ông lại trở về Viện Sử?

– Viện Sử lại nhận lại, nhưng vẫn mang tiếng là thằng tù về, không nơi nào muốn in sách của tôi nữa, phải mất gần 10 năm mới gượng lại được. Đó là nhờ đợt nghiên cứu rất lớn về Hùng Vương. Lúc đó là năm 1968, chiến trường miền Nam đang có những tổn thất. Để xốc lại tinh thần cả dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định tập trung tất cả giới tinh hoa của khoa học xã hội lại thực hiện một đợt nghiên cứu lớn về thời đại Hùng Vương với chủ đề “Các vua Hùng có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Lúc đó, ông Phạm Huy Thông chủ trì. Ông Phạm Huy Thông mới lập ra 6 tổ nghiên cứu do các ông Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, tôi và 2 người nữa bên Bộ Văn hoá làm tổ trưởng. Tôi nhận tổ Văn hoá thời Hùng Vương, tham gia trong tổ văn hoá còn có các nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản, nhà dân tộc học Nguyễn Đổng Chi…

Năm 1969, vì tôi là chuyên gia trống đồng, Đài Phát thanh Giải Phóng đã chuyển cho tôi một bức thư của một đơn vị trung đội ở khu 6, lúc đấy khu vực chiến trường ấy cũng đang cực kỳ khó khăn. Tôi đọc thư “Đêm nay chúng tôi sẽ xuất kích không biết có còn ai về được không, vì thế chúng tôi muốn được nghe tiếng trống đồng”.

Thế là tôi đi tìm trống đồng còn đánh được, đánh lên, ghi âm lại và chuyển để phát qua Đài phát thanh Giải Phóng vào trong Nam.

Tôi nghĩ đợt nghiên cứu về thời đại Hùng Vương ấy vẫn là cái mốc tốt của khoa học xã hội cả ở khía cạnh chính trị, cả ở giá trị văn hoá và lịch sử. Cá nhân tôi cũng nhờ đó mà gượng dậy được uy tín khoa học sau gần 10 năm mất trắng. Nói chung nhìn lại, cũng thấy nhiều gian truân. Nhưng những thành tựu tôi có được khi nghiên cứu thời đại Hùng Vương đã khích lệ tôi. Tiếng tăm của nhà sử học thời trẻ tuổi đã trở lại.

Đến khi phong hàm Giáo sư năm 1984, tôi là người trẻ nhất, được phong ngay đợt thứ 2. Đợt đầu là năm 1980. Lúc ấy tôi được phong là Giáo sư I, sau này Giáo sư I được gọi là Phó Giáo sư, Giáo sư II là Giáo sư.

Tôi “nặng căn” lắm

Ông có thể tiết lộ vì sao vào thời ấy ông lại chọn cổ sử mà không phải lịch sử hiện đại không? Trong thời kỳ công tác ông có đảm nhận chức vụ nào không?

– Tôi là thành phần tư sản, lại ở lại vùng tạm chiến không đi kháng chiến, lại có vợ theo đạo Tin Lành, “nặng căn” lắm, rất “nặng căn” (cười lớn). Tôi tự biết mình là ai. Ngẫu nhiên tạt vào Sử rồi lại bén duyên, may mắn không bị “lao cải”, không bị “hạ phóng” lại được về Ủy ban Khoa học nhà nước rồi vào Viện Sử tham gia vào việc thành lập nên nhận thấy mình có may mắn hơn rất nhiều người. Từ đấy, gặp được các thầy tốt như cụ Đào Duy Anh, từ đó cái trí đặt vào sử. Tôi đã “chết” cũng vì sử và bây giờ “sống” cũng vì nó.

Tôi vào Viện Sử, chọn cái rất khó là cổ sử. Về sau cụ Đào Duy Anh, cụ Trần Văn Giàu cũng đều về Viện Sử. Các vị là thầy đã thành đồng nghiệp. Năm 1964, cụ Đào Duy Anh viết quyển Đất nước Việt Nam qua các đời – một công trình phải gọi là vĩ đại. Cụ tặng cho tôi với dòng chữ: “Kính gởi anh Lê Văn Lan” thì thấy xúc động lắm. Thầy đã coi tôi như đồng nghiệp. Tôi cũng đã có một chút thành tựu, đã sống chết với nó. Tôi ở ban Cổ sử suốt từ trước khi Viện Sử ra đời cho đến lúc về hưu.

Ngày ấy Ban Cổ sử do GS Văn Tân phụ trách. Ông có lẽ nhận ra khả năng của tôi, kèm cặp dạy dỗ coi như em ruột, rất thân thiết. Ông Văn Tân là bạn thân thiết với các ông Trường Chinh, Hoàng Tùng, Xuân Thuỷ. Tôi vẫn thường gặp các ông Hoàng Tùng, Xuân Thuỷ ở nhà ông Văn Tân, họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ.

Bây giờ nhìn lại Giáo sư tự thấy đâu là đóng góp lớn nhất của ông với sử học?

– Về mặt phương pháp và phương pháp luận tôi là người đầu tiên nghĩ đến chuyện không thể làm sử Việt Nam, nhất là cổ sử theo kiểu mà tôi gọi là tờ a, tờ b thư tịch. Nếu cứ bám vào thư tịch, thì ví dụ thành tựu thời Lý Trần rất lớn, nhưng đến thời nhà Minh đã bị cướp hết, sau này mới lác đác Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… thì thu được kết quả rất ít.

Phương pháp tôi đưa ra là phương pháp tổng hợp, vẫn dựa vào thư tịch nhưng phải đưa vào cả khảo cổ, văn hoá dân gian… Tôi là người đưa ra hình ảnh về đặc điểm của lịch sử Việt Nam, nó khác Trung Quốc. Bên ấy người ta thiên kinh vạn quyển, mỗi đời vua làm mấy chục quyển trong khi ta có khi cả một triều đại mới có 1 quyển.

Cho nên, lịch sử nếu chỉ dựa vào thư tịch thì rất thiếu, phải bổ sung vào đấy những thứ là cơ sở cho lịch sử là khảo cổ, dân tộc học, ngôn ngữ, và đặc biệt là văn hoá dân gian.

Tôi là người khẳng định sử học Việt Nam khác tất cả các nước ở chỗ nó có cấu trúc giống như một tuyến đường ray xe lửa bao giờ cũng gồm 2 đường song song, một bên là chính sử, các cụ như Ngô Sĩ Liên là chính sử, tuyến đường ray thứ 2 là dân sử. Người dân Việt rất thích lịch sử, chỉ cần động vào một tí, như vừa rồi định chọn môn lịch sử là môn tự chọn, là dân người ta “ném đá”. Bởi vì Việt Nam là nước nông nghiệp, đặc điểm của dân cư nông nghiệp là thích kinh nghiệm hơn là tư duy độc lập. Mà kinh nghiệm là sử.

Cho nên người Việt bám vào sử và có cách làm sử riêng, là truyền thuyết, thần thoại và huyền thoại hoá tất cả các yếu tố lịch sử. Như vậy 2 cái đường ray, một số nhà làm sử có tiếng hẳn hoi chỉ biết có cái này, còn rất đông rất nhà làm sử nghiệp dư viết sách lu bù thì lại chỉ biết mỗi cái bên này thôi. Bằng cách này cách khác họ chập 2 đường ray làm 1. Như vậy hoặc chỉ là chính sử, hoặc chỉ là dân sử.

Về mặt phương pháp tôi là người đề cao phương pháp tổng hợp và từ phương pháp này tôi đã ứng dụng vào đợt nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và góp phần đưa nó trở thành hiện thực, đưa vào sách giáo khoa, đền thờ, bia bảng. Tôi nghĩ nhờ phương pháp tổng hợp ấy mà chứng minh được Hùng Vương là có thực.

Thứ 2 tôi là người kiên trì với quan điểm lịch sử không chỉ là công cụ tuyên huấn, tôi phê phán việc chính trị hoá lịch sử. Lịch sử là cơ thể hồng hào chứ không phải là bộ xương. Tôi là người kể sử, bằng cách kể chuyện lịch sử tôi muốn chứng minh lịch sử là cơ thể hồng hào. Cuốn sách Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ, NXB Giáo dục đã in đến lần thứ 8 rồi.

Đó là 2 việc tôi cho là tôi làm được nhất, một là phương pháp làm sử và 2 là đưa ra quan điểm về giáo dục lịch sử, chống lại việc làm xơ cứng lịch sử.

Trong chuyến khai quật di tích Đông Sơn, Thanh Hóa năm 1960, GS. Lê Văn Lan tình cờ phát hiện ra cổ vật rìu đá núi Đọ. Ảnh Nguyễn Chương

 

Còn phát hiện ra Núi Đọ và việc khai quật văn hoá Phùng Nguyên thì sao, thưa Giáo sư?

– À cái đó thì giống như người ta vẫn thường hỏi tôi, U90 rồi vẫn đi được lắm thế, vẫn nói được nhiều thế, mà nói không lẫn lộn, không ngơ ngẩn. Tôi chỉ có thể trả lời là nhờ trời đất và mẹ cha cho. Cha mẹ và trời đất đã sinh ra một “thằng tôi” mà trước tiên là có cái sức nhớ kỳ lạ, có nhiều chuyện đáng lẽ nên quên mà vẫn không thể quên được, thậm chí từ năm 3-4 tuổi khi cha tôi mất như thế nào thì tôi vẫn nhớ nguyên những hình ảnh đám tang cha tôi.

May mắn trời đất cho mình sức khoẻ, mẹ cha cho mình trí tuệ. Núi Đọ có phải chủ kiến là đi tìm đồ đá cũ đâu. Khi ấy vừa dự xong lớp giảng của một chuyên gia người Liên Xô sang Hà Nội giảng về đồ đá cũ thì tôi đi vào Thanh Hoá tham gia khai quật địa điểm rất lớn ở Đông Sơn, năm 1960.

Một ngày nhân công khai quật được 3 lạng gạo, bọn tôi là cán bộ đi khai quật cũng đói lắm. Nên hôm ấy là chủ nhật rất đói, tôi mới ra chợ gần đấy ăn bát cháo lòng. Ăn xong thì lững thững đi lên núi Đọ chơi thì đá chân vào những mảnh đá, nhặt lên xem, thì nó khớp với bài giảng vừa được học về đồ đá cũ. Và cái rìu tay tôi nhận nhờ được ăn cháo lòng đá chân trên núi Đọ giờ vẫn đang được bày ở Bảo tàng Lịch sử, rìu được bày trên đệm nhung rọi ánh sáng. Đấy, tôi đã phát hiện ra núi Đọ như thế đấy.

Còn một lần khác đi sơ tán, nhảy xuống một cái mương để tránh bom thì chạm tay vào vách mương, cạy nó ra có các mảnh đồ gốm.

Tôi tự nhận là người mát tay là ở chỗ đó. Nhưng cuối cùng thì may mắn một phần nhưng cũng phải nhờ bản lĩnh, trí tuệ thì mới thành công được.

Đi đào văn hoá Phùng Nguyên cũng thế. Tôi gần như là người duy nhất còn sống trong số những người cùng đi khai quật Phùng Nguyên hồi ấy. Một ông có bút danh là Lá Non đi tìm được cổ vật khi đi đào con mương xẻ qua cái gò ở làng ông ấy là làng Phùng Nguyên.

Ông ấy viết thư về Uỷ ban Khoa học, tôi được cử đi khai quật và tìm ra văn hoá Phùng Nguyên. Rồi nhờ lan man suy nghĩ và phương pháp liên hệ, Phùng Nguyên ở cách Đền Hùng 3 cây số, niên đại khớp với niên đại Hùng Vương, thế là ra được học thuyết Cơ sở văn hoá Phùng Nguyên của thời đại Hùng Vương.

Từ những cổ vật tìm thấy ở làng Phùng Nguyên, GS. Lê Văn Lan đã đưa ra học thuyết Cơ sở văn hóa Phùng Ngyên của thời đại Hùng Vương. Ảnh Nguyễn Chương

Thưa Giáo sư, quả thực ông viết “tút” trên Facebook đều đặn mỗi ngày với những hình ảnh vô cùng trẻ trung. Nhìn lịch trình di chuyển của ông mỗi tuần mỗi tháng trên khắp cả nước thì lớp trẻ còn chạy dài.

–  Tôi vừa nói là trời đất và mẹ cha cho sức khoẻ và trí tuệ mà. Tôi vẫn có đủ sức khoẻ và được mời để đi liên tục khắp cả nước. Nói chung là tôi vẫn “đắt show” lắm. Có lẽ vì tôi tuy đã U90 vẫn không lạc hậu, tôi vẫn cập nhật để theo kịp kiến thức và trình độ thời hiện đại. Nhiều nơi mời tôi nói chuyện, tham dự hội thảo, toạ đàm, nói chung không lúc nào thiếu việc.

Còn có việc này, hơi tế nhị một chút, là Giáo sư có thể tiết lộ về tình yêu hiện nay không?

– Bà xã tôi mất nhiều năm rồi. Kể ra từng này tuổi còn yêu thì cũng hơi trái khoáy đấy. Nhưng trời cho mình sức khoẻ và hơn nữa, phụ nữ vẫn dành tình cảm cho mình thì mình đón nhận.

Yêu ở tuổi U90 có khác thời trẻ không Giáo sư?

– Cũng không khác mấy đâu. Tôi vẫn nhớ nhung, vẫn hờn giận và có tối vẫn nằm khóc một mình.

(Trong lúc GS Lê Văn Lan trò chuyện, bóng hồng của ông sốt ruột đi ra đi vào vì có vẻ cô đã đến giờ về. Một lúc sau GS nhận được cuộc điện thoại mà đầu bên kia nói gì ông cũng vâng một cách… ngoan ngoãn. Khi ngắt máy, ông kể với chúng tôi là cô ấy sợ ông nặng tai hay nói to nên dặn là nói nhỏ thôi, và trong bàn ăn đã có cốc nước cam để sẵn, lát nữa nhớ uống!)

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

CẨM THÚY

Nguồn: Báo Dân Việt