GIÁ ĐÈN TRƯỚC GIÓ…                                                 

Hải ngồi dậy, hai tay quờ quạng tìm cái bật lửa, Hải định thắp cây đèn lên cho sáng. Hải nghĩ thế, bao năm rồi, cứ lẩn thẩn, không quên được cây đèn. Thời này, ai cũng dùng điện, chỉ cần bật cái nút bấm, những bóng điện sáng trưng. Vậy mà, chẳng hiểu sao, Hải vẫn không ưng, Hải muốn thắp cây đèn dầu, ngày nào ba mẹ Hải từng thắp.

Trên bàn thờ ba mẹ, Hải luôn để cây đèn dầu. Ngày giỗ, Hải thắp đèn lên. Ngọn đèn dầu leo lắc, gió thổi liêu xiêu. Hải úp chiếc bóng lại. Chiếc bóng làm bằng thuỷ tinh, hình bầu dục, được Hải lau chùi bóng loáng. Hải bảo các con tắt điện đi, chỉ để ngọn đèn dầu thôi. Nếu cần, thắp thêm hai ngọn nến. Bàn thờ có tối một chút mới linh. Hôm nay là ngày cúng cơm cho nội, Hải nói với các con như thế. Ngày bà nội còn, tay cầm đèn tay dùa chuối cho ông nội giã. Hải kể các con nghe, ông nội đi lấy tổ ong rừng, mật bán lấy tiền đong gạo, nhộng nấu cháo, sáp quấn lại làm đèn cho ba đêm đêm ngồi học. Kể đến đó, Hải bật khóc. Các con cũng khóc, mọi người cùng khóc. Khói hương trầm nghi ngút. Khách được mời đám giỗ chẳng hiểu chuyện chi, ông bà mất lâu rồi, sao giờ còn khóc.

Năm Hải rời trường Huyện về trường Làng cũng là năm ba Hải mất. Ba giờ sáng, ba kêu đau quá, Hải chở ba đi khám, bác sĩ bảo nhập viện. Những chiếc áo blu trắng đi ra đi vào, những lời xầm xì, tiếng chật lưỡi của bác sĩ làm Hải không an lòng. Nhưng công việc phải về, trời sáng, mua cháo ba ăn xong, gọi em trai đến chăm ba, Hải đón xe về. Thầy Hiệu trưởng gọi Hải vào trường để họp.

Chiếc bọ hung màu đỏ như cố ghì Hải lại, nó cứ ì ạch. Đường từ bệnh viện đa khoa Tam Kỳ vào tới Núi Thành chưa tới ba lăm cây số mà sao thấy xa. Biết Hải nóng lòng, chiếc xe như cố đi chậm hơn, nó thả người này, đón người kia, cố tình châm chọc Hải. Ghế xóc, mùi than khét lẹt. Mới sáng mà ngỡ như trưa hè nóng bức, ướt đẫm mồ hôi. Đến nơi, cũng đã hơn chín giờ. Họp cũng chẳng họp gì, mời thầy vào đây, trao cho thầy quyết định chuyển trường. Sở điều thầy đi trường khác. Thầy Hiệu trưởng bảo thế.

Lần thứ nhất Hải “được” chuyển đi. Lần thứ hai, và những lần sau cũng thế. Có người ví Hải như trái bóng, hết người này chuyền, người kia đá lại. Đá cũng chẳng sao, quả bóng vàng, họ lại nói. Nói để an ủi hay giễu cợt. Chuyện đời, hơi đâu. Mỗi người có hàng trăm bản sao trong mắt nhìn thiên hạ, nhưng chỉ có mỗi một bản duy nhất của chính mình. Hải nghĩ, đã làm quả bóng, trước quả bóng phải đầy hơi. Quả bóng có căng, mới bay xa, mới còn trọng dụng. Hải cảm ơn các cầu thủ nghiệp dư. Có người tết bóng bằng đầu, có kẻ sút bóng bằng chân. Dù sao cũng gọi là điệu nghệ.

Họ nói thế thôi, chứ họ cũng chẳng ác ý gì. Nói mà không biết nghĩ, trách cứ làm chi. Cái trống rỗng kêu to nhưng không vang xa, tiếng chuông ngân vọng dài vạn dặm.

Hôm rồi trong lúc trà dư tửu hậu, lời ra tiếng vào, có người quát tháo theo kiểu kẻ cả, có kẻ lặng thinh. Người nói nhiều, người yên lặng ít. Dẫu biết, một năm học nói, cả đời học yên lặng, nhưng lúc men say ai cũng tranh nhau nói. Chuyện thế sự, chuyện gia đình, chuyện cơ quan, bao chuyện bất bình thi nhau kể tội.

Đêm nằm, Hải nằm mơ thấy bố vợ về, bố nói với Hải:

Nghĩa tử là nghĩa tận, ai có quý con, có thương ba thì họ tới tiễn ba, chia buồn cùng gia quyến. Có tiền cúng hương thì cũng phải lòng thành. Con đừng so đo, bắt họ phải chung tiền, cho dù chẳng đáng là bao, cho đẹp cho sang, tỏ vẻ cơ quan ta có sự quan tâm người thân con nhé. Nếu được sống lại, ba gửi trả họ những gì mà họ bị cưỡng ép phải nộp theo cái gọi là thống nhất theo kiểu thiểu số phục tùng đa số.

Hải lạnh toát sống lưng. Người về với cõi tiên mà sao linh thật, chuyện thế thái nhân tình tận đáy ruột sâu, họ đều biết tất. Có người bảo Hải góp ý để cấp trên sửa sai. Hải lật sách xưa, cụ Khổng dạy rằng, nói với người biết chỉ một lần họ tiếp thu ngay. Người không biết, có nói cả đời họ vẫn vậy. Hải nghĩ, quả đúng y chang. Luật giao thông, phạt tận gốc, thu tận tay. Luật lao động trả thu nhập tăng thêm sai sờ sờ vẫn vậy. Còn nguỵ biện lí do này, lí do khác. Khổng Tử đúng là thánh nhân, đi guốc trong bụng người. Xưa nay vẫn thế.

Có lần, một thầy giáo về hưu nói với Hải, thời này cây ngay thường cụt ngọn. Phải biết làm dây leo mới trèo cao em ạ. Hải nghĩ, sống mà lươn lẹo, đeo bám sống nhờ, có nên chăng.

Trời càng về chiều gió lại càng to. Sấm chớp nổi lên, loé sáng cả vùng trời như nỗi cơn thịnh nộ. Điện cúp, nhà đóng kín cửa tối như bưng, Hải lấy que diêm thắp ngọn đèn dầu. Ngay giữa ban ngày, ngọn đèn vẫn sáng.

Vào một đêm cuối thu, tiết trời se lạnh, buổi giao mùa, buồn buồn như thương như nhớ. Hải có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Giờ lớn tuổi rồi, mắt không còn đủ sáng, Hải chuyển sang nghe. Hải nghe đọc truyện đêm khuya, từ chiếc điện thoại cầm tay. Nhiều lúc ngủ quên, điện thoại hết pin, tự tắt. Thuận theo ý trời, sáng tắt cũng là lẽ đương nhiên. Mặt trời lên rồi mặt trời lại lặn, ngày nào chả thế. Người ta hại mình mà mình vẫn sống, mà lỡ có chết thì cũng chết trong danh dự. Có nhục thì người hại mình mới nhục, mình có sao đâu. Mãi đến hơn hai chục năm sau, từ 1442 đến năm 1464, khi Lê Thánh Tông lên ngôi mới lập đàn giải oan cho Nguyễn Trãi. Sách xưa kể thế. Họ có vạ cho mình chuyện này chuyện nọ, mặc kệ. Miệng thế gian, chấp trách làm gì. Hải nghĩ thế, rồi ngủ thiếp đi.

Hải thức dậy lúc ba giờ rưỡi sáng. Giờ này, mặt trời còn trùm chăn ngon giấc. Sợ vợ con thức dậy, Hải không bật điện, anh lẳng lặng thắp ngọn đèn dầu, pha trà, ngồi uống cà phê một mình trên sàn gỗ. Mùi cà phê thoang thoảng hương đưa pha lẫn  hương vị hoa lài toả lên từ tách trà ngan ngát nhẹ nhàng làm lòng anh khoan khoái. Cái tuổi ngấp nghé lục tuần, con người muốn trở lại với chính mình, tìm chút an yên cho đời thanh tịnh.

Hải chế gói mì tôm, ngắt vài ngọn đinh lăng, vài đột sâm đất, lá lót rửa sạch bỏ vào, ăn với ớt xanh hương vị cay nồng rất hợp khẩu vị.  Món điểm tâm đạm bạc thường ngày, với Hải thế là sang. Đời ông Giáo, sáng gói mì tôm,  năm tiết dạy đều đều, trưa về vỗ bụng rau bình bịch. Toàn những thứ rau Hải trồng. Của do chính tay mình làm bao giờ cũng vậy, thành quả  tuy nhỏ, giá trị vật chất không cao nhưng hạnh phúc ở đời, đó là món quà vô giá. Hải nghĩ thế, anh mĩm cười, mãn nguyện bằng lòng với cuộc sống thực tại của chính mình. Thấy đời sang lạ.

Hải định sáng nay về quê, thăm lại mảnh vườn xưa. Mảnh vườn của ông bà ngày trước. Cũng sắp đến ngày chạp mã rồi, mảnh vườn ấy giờ không còn quyền sở hữu nữa, Hải buồn, nhưng vẫn cứ muốn ghé thăm.

Tiếng điện thoại reo như muốn phá đi cái dự định cố hương của anh. Học trò mời Hải uống cà phê. Học trò cũ lâu năm, giờ có con đã học mười hai, lớp Hải dạy. Ngày xưa, dạy mẹ bây giờ dạy con. Cả hai mẹ con đều là học trò. Nghề làm thầy cũng có đôi điều thú vị.

Lại túp lều tranh. Túp lều mà một thời Hải làm thợ sĩ đánh tranh, lợp tranh. Rồi làm văn sĩ đưa tranh vào trong “Ngày về” in trong đặc san bốn mươi năm trường cũ. Học trò đưa Hải tới đây, chúng kể cho Hải nghe chuyện quá khứ đã qua, nhắc lại cái lần bọn em bồng thầy thả rơi xuống biển. Chỉ vì bộ đồ mới lớp mua tặng thầy mà đùa nghịch làm thầy ướt đẫm từ đầu đến chân. Cả cái lần lên nhà thầy hái dừa, hái mít. Mít chưa về kịp tới nhà, giữa đường đã hết sạch. Thầy trò nghiêng ngã hả hê. Học trò tuổi quá ngưỡng bốn mươi mà cứ vô tư chọc thầy như thuở còn đi học.

Ngày ấy, có tỷ muội viết thư gửi thầy, thầy kiêu quá, chẳng đáp từ lại còn giả bộ làm ngơ…

Ai vậy?

Thầy thử nghĩ xem. Mà thôi, giờ họ đã có chồng và thầy cũng đã có vợ. Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm thầy ơi!

Cả thầy và trò cùng cười.

Đã qua mười giờ, học trò lại mời thầy về nhà ăn giỗ. Hôm nay, nhà em đám giỗ.

Giỗ ai? Sao lại bắt thầy làm khách không mời mà đến!

Tiếng điện thoại reo,

A lo, dạ con đây ba. Con đang ngồi với thầy.

Thầy nào?

Dạ, thầy của con con và cũng là thầy của con ngày trước.

À. Nhớ ra rồi. Thầy Hải chứ ai. Thầy chủ nhiệm của con ba mươi năm về trước.

Dạ, ba em gặp thầy.

Cầm chiếc điện thoại trò đưa, giọng nói từ bên kia,

Chào thầy. Tôi , Thoả đây,… thầy vẫn khoẻ …

Đã ba mươi năm rồi, phụ huynh vẫn nhớ. Từng câu chuyện kể, từng cử chỉ, cả giọng nói như xưa.

Phụ huynh gái đã ra đi không về, phụ huynh trai còn lại một mình côi cút. Căn nhà cũ năm xưa, người cứ muốn ở lại với người thưở còn chung chăn chung gối. Đêm đêm hương khói, nghĩ có ông có bà cho ấm cúng.

Con cái ở xa, thứ bảy chủ nhật nó về, hoặc giữa tuần có đứa thư thả cũng về. Giọng kể trầm trầm nghe thương thương. Tuổi già ai cũng vậy.

Mà sao, thầy lại chuyển đi nhiều trường thế. Thời ấy, phụ huynh ở NT ai cũng quý thầy. Trẻ mà đạo mạo, khẳng khái, rất nhiệt tâm.

Thì mình làm lính, họ bảo đi đâu mình đi đó.

Đâu phải dễ vậy thầy. Thầy có xin họ mới cho đi. Mà về TCV là số dách đó. Sao thầy xin giỏi vậy!

Có xin gì đâu. Họ bảo đi mình đi, bảo ở mình ở. May mà về TCV cũng có học trò chứ không thì mất dạy.

Thầy cứ đùa. Ở đâu thầy chẳng có trò. Lũ nhóc ngày ấy cứ nhắc thầy hoài. Cái ông thầy ôm ốm, nghiêm nghiêm nhưng lại rất dễ mến.

Cuộc vui thoáng chốc đã qua giờ ngọ, cô con gái cả lấy xe đưa Hải về. Đường không xa, cô chạy lòng vòng. Hải nhắc,

Sao em chạy lòng vòng cho tốn xăng thế!

Cô cười, thì cũng tại thầy đi lòng vòng hết trường này đến trường khác, không ở lại NT chi.

Chẳng biết, lúc ấy, ai buộc miệng bảo Hải trách oan, bởi tại, có người chê tôi,  họ đuổi tôi đi. Phải số long đong nên thân đành lận đận.

Cô lườm mắt, bấm còi như muốn xoá đi câu nói nửa đùa nửa thật của Hải. Hải lặng im.

Giờ em hỏi thiệt, nguyên do nào họ chuyển thầy đến TCV?

Ai biết.

Họ có nói gì với thầy không? Em đọc báo…

Thì họ nghĩ, tôi ở núi thấp thành luỹ giăng dày nên đưa lên cao, quát tháo chẳng ai nghe. Ở rừng lâu rồi nên đưa xuống biển. Làm cuộc cách mạng duy tân cho thay đổi tính tình, nhưng không được nên họ giận dữ phang ngang bớt bực bội nỗi lòng, cho hả hê. Không được, họ lọt hết để trụi trần, bớt vẻ làm cao, bớt cảnh đi mây về gió…

Nói như thầy, quả là hết chuyện.

Hải cười, xả lả:

Con em học lớp mấy tồi? Hải hỏi.

Năm ba đại học, cùng khoá với con thầy.

Lớn nhỉ, giờ thì thầy chịu thua em.

Xe đến nhà, vợ ra mở cửa. Ai đưa anh về, xe máy để đâu?

Chị của học trò đưa anh về.

Lúc trưa, học trò tới tìm anh, mời anh về họp lớp. Vợ nói thế rồi vào nhà lấy tấm thiệp mời đưa cho Hải.

 

Tiếng nhạc cứ mãi ngân nga, giọng hát ngọt ngào buồn ru khẽ đưa hồn người về với bao hoài niệm tuổi học trò sao mà nhớ nhung da diết “…Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu. Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.”

Thời học sinh của Hải đứt đoạn, hết cấp hai nghỉ hai năm, vào cấp ba tuổi lớn hơn nhiều bạn cùng lớp. Cảnh nhà quá nghèo, hết giờ học lại lo về gánh phân, cuốc ruộng. Hải nào biết đâu chuyện những chiếc giỏ xe, biết đâu nhánh phượng hồng đong đưa trong gió. Cho đến khi làm thầy cũng chỉ biết phấn trắng và củ sắn củ khoai.

Tiếng cười đùa, tiếng canh cách cụng ly. Hết hát rồi lại tặng hoa, những bộ áo in đậm đôi dòng 25 năm ngày trở về, lấp lánh ánh đèn nhấp nháy theo điệu nhạc.

Trôi theo dòng nghĩ miên man, Hải bỗng giật mình, tiếng gọi mời của MC, mời thầy… lên hát.

Những tràng pháo tay lại vang lên, những bông hoa tươi thắm tặng Hải. Có tiếng thì thầm:

Ngày dạy em, thầy không biết hát, sao giờ thầy hát hay thế?

Thầy ơi, thầy hát lại cho chúng em nghe bài “Dậy mà đi”, cái bài mà thầy cùng các anh chị sinh viên hát trong bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên ấy!”

Cứ chọc thầy hoài. Hát dở cũng bị người ta thù dai.

Học trò lại đưa Hải về. Chúng xin được đứng trước chính điện bàn thờ thắp hương cho ba Hải. Ngày ba Hải mất, chúng ra thức suốt đêm. Chúng gọi ba Hải bằng ông. Có đứa đòi để tang cho ông, Hải không cho, chúng ngậm ngùi. Đã mấy chục năm rồi, nghĩa đạo thầy trò không phai, không mất.

Thầy vẫn thắp đèn dầu cho ông. Sao thầy không thay bằng bóng đèn điện?

Thầy muốn giữ lấy cái giá đèn.

Cái giá đèn bao năm thầy vẫn giữ. Cây cau tuy mỏng manh nhưng gió lay chẳng ngã.

Nghe trò nói, Hải chột dạ nhìn qua nhà bên, có anh lái cau, nghe nói mùa này cau được giá, chân đeo dây nài số tám vắt vẻo leo thót tận ngọn cau cao chơi trò mèo vờn bắt chuột.

Sự đời, thấy mồi, mèo sáng mắt. Họ cứ trèo, đu đẩy, vặn vẹo, bẻ gãy nhánh cau. Cây cau vẫn đứng yên, chịu biết bao mùa mưa bão. Thân tròn, thẳng đứng, từng nấc khắc vòng đời oan ức đau thương.

Hải đứng dậy, thắp nén nhang cho ba, nói với trò:

Em có còn nhớ cây đèn năm nào, thầy ngồi soạn bài hai chị em em giải toán?

Dạ. Em nhớ. Giờ, cái đèn năm ấy không còn nguyên vẹn.

Cái giá vẫn còn. Nhờ có giá mà ngọn đèn toả sáng.

Dạ. Em hiểu.

Bóng chiều hối thúc mặt trời đi ngủ, Hải bảo trò về kẻo con chờ. Hải ngồi lại trước điện thờ ba mẹ, anh khơi ngọn đèn dầu thêm sáng, nhìn vào di ảnh ba mẹ, mắt anh nhoà đi. Bóng mẹ tay dùa chuối, tay bưng ngọn đèn dầu. Ba cầm chày, rồi lại lăn úp quấn sáp thành cây đèn, hai mắt sưng húp vì ong đốt, miệng nhoẻn cười, gắng học nghe con.

(Tam Kỳ, tháng mười mùa mưa gió, 2024.)

Vũ Trường Anh