Hôm qua, 5/01/2024, tại Nhà sáng tác Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Công ty Thi Nhân Các đã khai mạc “Trại sáng tác truyện ngắn Đường Văn năm 2024”. Tham dự Trại sáng tác có các nhà văn đã thành danh như Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Đinh Ngọc Lâm, Phạm Thành Khương, Bùi Minh Vũ (Đắc Lắc), PGS.TS. Ngô Văn Giá.
Khách mời tham dự Lễ khai mạc có các nhà thơ, nhà văn Mai Nam Thắng, Lê Va, Hải Thanh, Ngô Đức Hành, Nguyễn Quốc Khánh. Nhiều cơ quan báo chí ở địa phương và các tỉnh đã cử phóng viên tham dự, đưa tin.
Đây là Trại sáng tác truyện ngắn đầu tiên do một công ty văn hóa tư nhân tổ chức thực hiện.
Phát biểu khai mạc, chủ biên ấn phẩm văn học “Đường Văn”, nhà văn Pham Mai Hương cho biết: Việc mở Trại sáng tác truyện ngắn Đường Văn năm 2024 là dịp để các nhà văn, nhà thơ gặp gỡ, trao đổi về nghề nhằm nâng cao nghiệp vụ sáng tác, lan tỏa ngọn lửa đam mê văn học. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng, tư duy đổi mới để các tác giả sáng tạo được những tác phẩm văn học đặc sắc, có chất lượng cao, phản ánh chân thực, sinh động hơi thở cuộc sống; nâng cao chất lượng của ấn phẩm văn học “Đường Văn”.
Đây là hoạt động nối tiếp sau khi Công ty cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các tổ chức buỗi lễ ra mắt “Đường Văn”, tập I và công bố Thể lệ cuộc thi truyện ngắn hay Đường văn 2023 – 2024, vào ngày 8/10/2023, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các – đơn vị tổ chức, cho biết: Khởi đầu bằng cái tên “Đường Văn”, chúng tôi quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn đầy toan tính của xã hội kim tiền.
Dù biết rằng, xét về góc độ kinh tế, con đường ấy thực sự là một sự dâng hiến nhưng niềm tin và lòng đam mê đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp bước trên con đường đã chọn.
Về cách làm, sart-up “không giống ai” của Công ty, Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thắng nói rằng, bằng việc huy động nguồn lực bên ngoài và nội lực bên trong, bằng sự đam mê lãng mạn văn học và chút kiến thức ít ỏi về kinh doanh, chúng tôi từng bước một, gom góp tạo dựng quỹ ủy thác đầu tư dành cho “Đường Văn”, đảm bảo duy trì hoạt động cơ bản của “Đường Văn” trong thời gian dài. Các hoạt động cơ bản ấy bao gồm xuất bản ấn phẩm định kì, tổ chức các cuộc thi và trại viết quy mô nhỏ.
“Thông qua các cuộc thi và trại viết, một mặt chúng tôi mong muốn tìm được những tác phẩm văn học thực sự có giá trị, giúp công chúng được tiếp xúc với văn chương đích thực, góp phần bồi đắp tinh thần của họ, giúp họ tự tin vào giá trị và sự cao đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, văn hóa đất nước”, ông chia sẻ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, các nhà văn PGS.TS. Ngô Văn Giá, Mai Nam Thắng, Bùi Minh Vũ, Lê Va, Phạm Thành Khương, Hải Thanh, Ngô Đức Hành và các nhà văn dự Trại sáng tác khác, các nhà văn là khách mời đều đánh giá cao nỗ lực của Công ty cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các.
Đồng thời, các nhà văn đã góp ý về nội dung các tác phẩm văn chương đã được đăng, mở thêm chuyên mục, nhất là chuyên mục “Văn học với Nhà trường”, hình thức trình bày của ấn phẩm văn học “Đường Văn”, tập II; với hy vọng “Đường Văn” ngày càng tốt về nội dung, định hình phong cách khác biệt về hình thức, xây dựng được thương hiệu Đường Văn.
Nhà thơ Hải Thanh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc, phụ trách Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc cũng đã trao đổi về các làm, hy vọng “Đường Văn” bám sát đời sống văn học nước nhà; đồng thời gợi ý về các sáng tác văn học về Vĩnh Phúc, làm số chuyên đề về văn học trong Nhà trường ở Vĩnh Phúc và việc phối hợp phát hành để đưa ấn phẩm đến giáo viên, học sinh trên địa bàn.
Sau Lễ khai mạc, các nhà văn tham dự Trại sáng tác truyện ngắn Đường văn 2024 tập trung hoàn thiện bản thảo các tác phẩm gửi về Ban Tổ chức. Trại sáng tác truyện ngắn Đường văn, sẽ kéo dài đến ngày 11/01/2024.
Như Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã đưa tin, cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường văn 2023 – 2024” kết thúc nhận bài 0h ngày 31/8/2024; Tổng kết và trao giải (dự kiến) 9/2024.
Ban sơ khảo là các nhà văn thuộc Hội đồng cố vấn “Đường văn”; Ban Chung khảo gồm các nhà văn Hà Phạm Phú, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Chí Hoan, Phan Mai Hương và dịch giả Linh Chi./.
Nhà báo :Ngô Đức Hành
Bài viết liên quan: