Đường Văn – Con đường vẻ đẹp

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh nhà văn Phan Mai Hương và Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thắng đứng bên cánh gà buổi lễ trao giải thưởng “Truyện ngắn hay Đường Văn”, mắt nhìn theo bàn tay nhà văn Nguyễn Đình Tú bóc từng chiếc phong bì đã được niêm phong để xướng tên các tác giả đoạt giải. Hơn ai hết, là người chủ trì hồi hộp.

Tôi nghĩ trong đầu họ, cảm xúc lẫn lộn. Mới đó đã qua một năm. Điều tưởng như không thể đã trở thành có thể.

Hằng năm, không thiếu các cuộc thi văn chương, nhưng lần đầu tiên, tôi biết đến một tổ chức tư nhân tổ chức cuộc thi văn học. Thế nhưng, với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường Văn” đã có một cái kết “có hậu”.

Một ngày đầu tháng 10/2023, Đường Văn chính thức phát động cuộc thi. Thể lệ được công bố công khai. Ban giám khảo được thành lập, công bố trước báo giới. Sơ khảo là các nhà văn thuộc Hội đồng cố vấn Đường văn; Ban chung khảo gồm các nhà văn Hà Phạm Phú, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Chí Hoan, Phan Mai Hương và dịch giả Linh Chi..

Nhà văn trẻ Ngô Tú Ngân (giữa) nhận Giải Nhất với truyện ngắn Mị Châu. Ảnh: Ngô Đức Hành

Đường Văn chọn ngày đầu năm 2024, khai mạc Trại viết tại Tam Đảo. Tham dự Trại sáng tác có các nhà văn đã thành danh như Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Đinh Ngọc Lâm, Phạm Thành Khương, Bùi Minh Vũ (Đắc Lắc), PGS.TS. Ngô Văn Giá. Và nhiều nhà văn, cây bút “mới toe”. Nói như thế, để thấy rằng, Đường Văn không kề phân biệt “chiếu trên”, “chiếu dưới”.

Như vậy là chuyên nghiệp, bài bản.

Tôi nhớ, đó là dịp áp Tết Giáp Thìn. Tam Đảo mù sương, mát lạnh. Giám đốc Nguyễn Trọng Thắng có chút run run của mùa xuân: “Chúng tôi  quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn đầy toan tính của xã hội kim tiền”.

Đúng là lạ lùng. Làm doanh nhân phải lo đi kiếm tiền, ai đời Trọng Thắng và Thi Nhân Các lại đi tìm trắc ẩn? Tôi gọi đó là Sart-up “không giống ai”. Vì đam mê văn chương mà dấn thân, kể cũng lạ.

Và rồi, Đường Văn và những người chủ xướng đã đi được hành trình 365 ngày. Đó cũng là mốc đánh dấu một năm chuyên đề văn học mang tên đẹp đẽ “Đường Văn” chính thức phát hành.

Nhà văn chủ biên Đường Văn, Phan Mai Hương cho biết, người viết tham gia cuộc thi, trước hết phải kể đến các nhà văn đã thành danh trên văn đàn nước nhà. Đó là các nhà văn Trần Thị Trường, Lê Ngọc Minh, Phạm Thanh Khương, Đoàn Hữu Nam, Đinh Ngọc Lâm, Ngô Văn Giá, Kiều Bích Hậu, Tống Ngọc Hân, Kiều Duy Khánh, Nguyễn Cẩm Hương, Kiều Duy Khánh, Bùi Tuấn Minh, Du An.

Nhà văn Tống Ngọc Hân vốn “thừa” hấp dẫn, bởi tên chị đã là một thương hiệu trên văn dàn mang đến chùm 03 truyện ngắn. Nhà văn Phạm Thanh Khương gửi đến chùm 03 truyện ngắn, cuốn hút bởi lối viết cẩn trọng, mang tinh thần đổi mới. Nhà văn Lê Ngọc Minh cũng gửi đến với cuộc thi bằng chùm 03 truyện ngắn…Viết là cống hiến, các nhà văn hiện diện trong cuộc thi truyện ngắn này, thực sự đã góp phần không nhỏ vào thành công của Đường Văn.

Hôm trao giải tôi mới biết, sức lan tỏa của cuộc thi. Bên cạnh các nhà văn tên tuổi, có không ít “tác giả mới”, tận Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh tham gia. Họ không chỉ công tác ở các cơ quan liên quan đến văn học nghệ thuật đâu, có nhiều người công tác trong lực lượng vũ trang.

Với các tác giả mới và trong văn chương đương đại: đó là Nguyễn Thị Thanh Thúy, Ngô Tú Ngân, Nguyễn Thị Minh Hoa, Dương Thành Phát, Tạ Tư Vũ, Phạm Giai Quỳnh, Nguyễn Văn Học, Bùi Tuấn Minh, Ny An, Lê Vi Thủy, Tạ Thị Thanh Hải, Mạc Yên. Đó là tác giả Quyên Gavoye.

Nhà văn, đại tá Phạm Thanh Khương nói với tôi, khi ông được xướng tên: “Tôi tham gia để cổ vũ anh em ông à”. Nhà văn là thầy dạy nghề câu cá của tôi nói vui, trước khi bước lên nhận vinh danh.

Các nhà văn đến với cuộc thi bằng tinh thần đam mê viết, tâm hồn yêu văn chương không vơi cạn, không tính toán, bỏ qua mọi e dè và ngần ngại, sẵn sàng đến với một chuyên san văn học nghệ thuật mà tên tuổi còn rất mới. Có thể nói Đường văn bước đầu đã khích lệ đam mê văn chương của những cây bút vốn “kén chọn” nơi thể hiện”, nhà văn Phan Mai Hương cho biết.

Theo nhà văn của “Cầu thang không có chín bậc”, các tác giả trẻ tham dự cuộc thi với những truyện ngắn rất chững chạc, mang giọng điệu mới mẻ, mang đến cho cuộc thi một tinh thần thấm đẫm chất thời đại, trẻ trung. Họ là những “ngôi sao” mới xuất hiện trên bầu trời văn học, bắt đầu tỏa sáng với những tia lấp lánh. Chính họ đã góp phần làm cho cuộc thi truyện ngắn Đường văn khởi sắc. Văn học đi ra từ cuộc sống, cuộc sống luôn vận động, cần tư duy trẻ, phong cách đột phá sáng tạo, phóng khoáng và tự tin. Đó là “không khí” đáng ghi nhận của cuộc thi.

Buổi lễ trao giải, không chỉ có các tác giả đoạt giải mà còn có sự hiện diện của nhiều nhà văn tên tuổi như Hà Phạm Phú, Lê Va, Nguyễn Đình Tú, PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Việt Chiến. GS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí xuất hiện từ đầu với tư cách là một nhà sáng tác. Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Tôi ấn tượng với cây bút nữ Ngô Tú Ngân, từ TP. Hồ Chí Minh với truyện Mỵ Châu. Chị bước lên nhận giải Nhất trong sự hân hoan của các thế hệ nhà văn có mặt. Ngô Tú Ngân đã trình ra một gương mặt mới đặc sắc với giọng văn ấn tượng mang tiết tấu của nhạc rock và biết sử dụng một thứ ngôn từ tiếng Việt đẹp đẽ. Tác giả trẻ này đã tìm được sự hài hòa giữa vẻ đẹp ngôn từ hiện đại và cái khuôn sáo, cách điệu của truyền thống, và đã có thành công bước đầu.

Em từng gửi truyện ngắn này đăng một số nơi, nhưng không được nơi nào lựa chọn. Em cám ơn Đường văn và Ban Tổ chức cuộc thi, đã tạo cơ hội cho Mỵ Châu được đến với bạn đọc”, Ngô Tú Ngân hôm hoa chúc mừng và nói xúc động.

Tổng Giám đốc Nguyễn Trọng Thắng – một nhà thơ với bút danh văn học Linh Chi, trong lời đáp xúc động: “Một năm không phải là quãng thời gian đủ dài để trồng nên được một cây đại thụ văn học, song lại là khoảng thời gian không ngắn cho cuộc đời một con người, nhất là khi chúng ta còn quá nhiều thứ để lo lắng cho cuộc sống gia đình trong xã hội hiện đại….Chúng tôi thực sự xúc động và từ đáy lòng, cảm tạ những người đồng hành cùng mình, các văn nhân và nhà tài trợ đã vì tình yêu văn chương mà giúp đỡ chúng tôi, giúp chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để bước đi trên con đường của văn học”.

Từ trái sang: nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí, nhà thơ Linh Chi chia sẻ về dấu ấn Đường Văn. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Anh cho biết, ban đầu đầy khó khăn, không ít thị phi, nhưng tập thể Công ty Thi Nhân Các đã vượt qua và sẽ tiếp tục bước đi trên con đường ấy. Đó là con đường văn, con đường của vẻ đẹp. “Dù biết chắc chắn rằng đây hoàn toàn là sự dâng hiến, chưa bao giờ chúng tôi hối hận vì đã bước lên con đường lãng mãn nhưng đầy chông gai này cũng như chưa một phút giây nào, chúng tôi hoài nghi về cái đích Chân – Thiện – Mỹ cao cả tối thượng của văn học”, anh chia sẻ.

Đường văn xa thăm thẳm / Vượt qua núi qua đèo / Vươn tới vùng mây trắng / Từ thác ghềnh cheo leo”, đó là bốn câu thơ, nhà thơ Linh Chi gửi gắm qua đáp từ trong buổi lễ trao giải.

Nhớ lại ngày này năm ngoái, Nguyễn Trọng Thắng kể rằng, có người lấp lửng hỏi rằng, chả biết liệu sang năm Đường Văn còn sống không? Trong buổi khai mạc trại viết tại Tam Đảo vào đầu tháng 1/2024, nhà thơ Hải Thanh cũng bảo: “Bọn này sắp chết, chết đến nơi rồi”. Có hoài nghi, dù chân thành. Tất cả đều lo lắng cho Đường văn.

Con đường của vẻ đẹp nhân văn thì xa mà không ai có thể sống dựa vào việc bán sách chứ đừng nói tới những gì lớn hơn như là lập trại viết hoặc giải thưởng văn học như Thi Nhân Các đã làm. “Có, chắc chắn cây Đường Văn sẽ sống và nảy mầm, những mầm xanh sẽ vươn lên góp vào khu rừng muôn màu của văn học Việt Nam”, Nguyễn Trọng Thắng tự tin.

Nguồn “dinh dưỡng” được Thi Nhân Các khai thác từ nội lực và các nhà tài trợ. Hôm trao giải, nhà tài trợ chính, ông Nguyễn Trọng Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex cam kết sẽ “đồng hành” cùng Đường Văn ít nhất mười năm nữa.

Nguyễn Trọng Trung, Nguyễn Trọng Thắng gặp nhau ở tình yêu văn chương. Nguyễn Trọng Chung chia sẻ rằng, ông rất trăn trở về vai trò và sự nghiệp của văn học ngày nay, văn hóa đọc đứng trước những thách thức của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại khác. Đó cũng là thử thách của đội ngũ tác giả viết văn. “Hình như những tên tuổi văn chương ngày nay rất mờ nhạt không thể so sánh với thời kỳ chiến tranh vệ quốc trở về trước”, ông nêu ý kiến chân thành.

Cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường Văn 2023 – 2024” đã khép lại. Những thành công đã và sẽ như những hạt giống mùa đầu gieo xuống mảnh đất tốt lành, này thành mầm xanh. Cuộc thi mới, dài hơi hơn, năm 2024 – 2026 đã chính thức được phát động.

Bạn đọc có quyền chờ đợi Đường Văn ghi được những dấu ấn mới.

Ghi chép của Ngô Đức Hành