Dưới căn gác áp mái

1.Nắng chiều xuyên qua lớp bụi mờ ảo, rọi xuống căn gác áp mái cũ kỹ – nơi thời gian dường như ngưng đọng. Bà Vân mái tóc trắng như cước, chạm tay lên chiếc bàn làm việc gỗ sồi đã nhuốm màu thời gian. Nơi đây, từng con chữ của ông An đã ra đời, từng câu chuyện tình yêu đã được viết nên. Căn gác này không chỉ là nơi cất giữ những kỷ vật, mà còn là nơi lưu giữ linh hồn của ông – người đã dành cả cuộc đời để viết, yêu và sống.

Ông An – một nhà văn có vóc dáng cao ráo cùng nước da nâu khỏe khoắn. Mái tóc hoa râm và đôi mắt sâu thẳm của ông luôn toát lên vẻ điềm đạm, trầm tĩnh, nhưng ẩn chứa bên trong là sự hài hước và dí dỏm. Những năm đầu theo đuổi con đường văn chương của ông khá chật vật, bản thảo liên tục bị các nhà xuất bản từ chối. Nguyên do sâu xa cũng bởi đời sống bấy giờ người ta thích những kiểu đề tài có phần giật gân, phù phiếm, những câu chuyện tình thật nhiều kịch tính, ồn ào.  Mà phong cách viết của ông An thì giản dị, gần gũi, như những câu chuyện kể bên hiên nhà. Ông không tìm kiếm những đề tài cao siêu, mà chọn viết về những con người bình dị, những câu chuyện thường ngày. Dưới ngòi bút của ông, những phận người nhỏ bé ấy hiện lên chân thực, sống động, có vui buồn, có thất vọng – nhưng họ không bao giờ tuyệt vọng.

– Nhà văn không chỉ là người kể chuyện, mà lòng cần rung ngân sợi tơ đồng điệu với những người yếu thế, để thấu hiểu hết nỗi đau con người, chỉ cho con người đâu là bóng tối để từ đó biết bứt mình ra mà đi về phía ánh sáng hơn. Thậm chí, nếu trong căn nhà của mình không tìm thấy ánh sáng, chúng ta cần chủ động tự tay cầm khăn lau cho bóng tối sáng dần lên – Ông An từng chia sẻ.

Bà Vân rất thấu hiểu điều này, và âm thầm ủng hộ. Bà hiểu những trang viết của ông hướng đến khơi gợi trong lòng người đọc những cảm xúc ấm áp, những suy nghĩ tích cực, để người với người biết thương nhau, trân trọng cuộc sống nhiều hơn.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông An vẫn luôn giữ vững niềm tin vào văn chương. Ông tin rằng, những tác phẩm của mình sẽ có ngày được mọi người đón nhận. Văn chương mang đầy hơi thở của cuộc sống sẽ mãi mãi là ngọn lửa thắp sáng niềm tin và hy vọng cho con người.

Bà Vân – người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, vốn là con một nên phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình với cả hai bên nội ngoại. Cha mẹ già yếu, con cái nhỏ dại, kinh tế eo hẹp, bà phải làm việc cật lực để kiếm tiền trang trải. Có những lúc thấy mệt mỏi và kiệt sức, bà muốn buông xuôi. Nhưng những câu chuyện bình dị về con người, về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống mà ông An đọc cho bà nghe lại như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để bà tìm thấy sự ủi an và hy vọng.

Bà nhớ lần đầu tiên hai người gặp nhau là tại một buổi sinh hoạt văn nghệ của trường. Ông An khi ấy là một chàng sinh viên văn khoa tài hoa, còn bà Vân là một cô gái sư phạm duyên dáng. Họ cảm mến nhau từ cái nhìn đầu tiên. Bao buổi hẹn hò đôi lứa thường diễn ra ở quán cà phê nhỏ ven đường, dưới những vòm hoa sưa mỗi độ tháng 3 về lại nở trắng lung linh ngời lên như tuyết. Bà Vân rất thích ngắm hoa sưa trong mưa. Mưa và hoa sưa – đó dường như là hai hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất  đối với bà. Khi ông An hỏi lý do, bà tủm tỉm mà rằng: Trong mưa hoa sưa đẹp một một cách lạ lùng. Gió mưa làm cánh hoa tơi tả, nhưng hoa vẫn ngời trắng – sắc trắng thuần khiết của một tâm hồn, một tấm lòng trung trinh khó nhạt phai.

*

  1. Khi còn sống, ông An đã biến căn gác áp mái là một thế giới thu nhỏ, ấm cúng và tràn ngập ánh sáng. Mỗi ban mai, nắng thường len lỏi qua khung cửa nhỏ, nhảy nhót trên những trang bản thảo ngổn ngang, trên mái tóc hoa râm khi ông cúi đầu miệt mài viết lách. Tiếng gõ lách cách của bàn phím, tiếng lật sột soạt của những trang sách, hòa cùng tiếng thở đều đều của ông, tạo nên một bản nhạc du dương, trầm bổng.

Bà Vân thường ngồi bên cạnh ông, trên chiếc ghế gỗ mòn vẹt. Bà đọc một cuốn sách yêu thích, hoặc khâu vá chiếc áo len sờn vai của ông. Những ngón tay thoăn thoắt của bà luồn kim qua từng mũi chỉ, như đang dệt nên những sợi yêu thương, những sợi gắn kết cho nhịp sống của hai người.

Bà vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy… Ánh chiều tà dát vàng khung cửa sổ căn gác áp mái, nhuộm đỏ những trang bản thảo còn dang dở trên bàn. Ông An, tay cầm bút, ngước nhìn qua ô cửa, nơi những đám mây tím biếc đang bồng bềnh trôi tựa những con thuyền bâng khuâng tìm về bến đậu.

– Em thấy hoàng hôn hôm nay thế nào? – Ông An khẽ hỏi, giọng trầm ấm vang vọng trong không gian tĩnh lặng.

– Đẹp lắm, như một bức tranh vậy. – Bà Vân ngước lên nhìn rồi lại khẽ tủm tỉm cúi xuống với chiếc áo len.

– Anh có cảm giác như mình đang hòa vào bức tranh ấy… – Ông An thì thầm, đôi mắt từ từ khép lại…

Bà Vân nhìn lên, thấy nụ cười hiền hậu đang nở trên môi ông. Bà định hỏi ông có chuyện gì, nhưng rồi nhận ra hình như có gì bất ổn. Chiếc bút trên tay ông rơi xuống bàn, phát ra một tiếng động nhỏ, nhưng đủ để phá tan sự tĩnh lặng của căn gác. Ông An đã không còn thở nữa.

Bà Vân ôm chồng vào lòng, nước mắt lã chã  rớt đầy trên mái tóc ông An. Bà hiểu đó là quy luật vô thường, chẳng ai có thể trốn chạy, và chồng bà đã đón nhận nó một cách rất an nhiên. Bà ôm chặt ông hơn một chút, cảm nhận được sự ấm áp từ cơ thể ông, như thể ông vẫn còn ở bên cạnh bà. Bà thì thầm những lời yêu thương, những lời cảm ơn, những lời tạm biệt.

Ánh hoàng hôn vẫn rực rỡ ngoài cửa sổ, những đám mây tím biếc vẫn trôi bồng bềnh trên nền trời. Bà Vân biết rằng, ông An đã hòa mình vào bức tranh ấy, đã trở thành một phần của vũ trụ bao la. Ông đã ra đi thanh thản, ấm áp – như một giấc ngủ say, như một chuyến du hành về miền cực lạc.

Sau khi chồng mất, bà Vân vẫn giữ nguyên mọi thứ: chiếc bàn làm việc gỗ sồi với những vết xước, vết mực loang lổ, chồng bản thảo viết tay, những cuốn sách cũ kỹ và một bức ảnh gia đình… Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, như thể ông An vẫn còn ở đây, vẫn đang tiếp tục niềm đam mê viết lách.

Mỗi khi bước vào căn gác, bà như lạc vào một thế giới khác: thế giới của một trời kỷ niệm. Những hạt bụi li ti nhảy múa trong từng vạt nắng xuyên qua khe cửa, tạo nên một khung cảnh huyền ảo, lung linh. Mùi giấy cũ kỹ, mùi mực viết hòa quyện với mùi gỗ mục của những kệ sách, phả vào không gian một hương thơm đặc trưng, gợi nhớ về những tháng ngày chồng bà miệt mài sáng tác. Bà tin rằng, bằng cách giữ gìn những đồ vật này, bà có thể giữ lại một phần linh hồn của ông.

Căn gác áp mái thiếu đi tiếng gõ bàn phím và tiếng đọc truyện trầm ấm, để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng bà Vân. Không cho phép mình chìm đắm trong nỗi buồn, bà đã mang thêm những chậu cây xanh vào phòng, treo lên tường những bức tranh tươi sáng, thổi hồn vào không gian. Ánh nắng lại nhảy nhót trên những trang sách, trên những chậu cây xanh mướt. Mỗi sáng thức dậy, bà pha một tách trà nóng nhẩn nha thưởng thức rồi ra vườn tưới những khóm hồng. Khu vườn này là tâm huyết của hai ông bà, lưu giữ nhiều kỷ niệm ngọt ngào. Bà chăm sóc từng bông hoa, tỉ mỉ nhặt từng chiếc lá úa, như thể đang chăm sóc từng kỷ niệm về ông An.

Bà cũng dành thời gian đến tham gia vào câu lạc bộ người cao tuổi ở phường, cùng những người bạn già tập thể dục, ca hát, trò chuyện. Bà tìm thấy niềm vui trong những hoạt động tập thể, trong những tiếng cười nói rộn rã. Bà chia sẻ với họ những câu chuyện về ông An, về những kỷ niệm đẹp của hai người, lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà ông An đã để lại.

  1. Một buổi chiều muộn, khi bà dọn dẹp những bản thảo cũ, vô tình làm rơi một chồng giấy tờ. Bà Vân cúi xuống nhặt, bất chợt nhìn thấy một hộp gỗ nhỏ được chạm khắc tinh xảo, ẩn mình sau ngăn kéo bàn làm việc của ông An.  Tò mò kéo chiếc hộp ra, bàn tay bà run run khi chạm vào lớp gỗ mịn màng, phủ đầy bụi thời gian.

Bên trong chiếc hộp là một tập thư viết tay với tựa đề thật lớn “Những lá thư gửi Vân”, buộc gọn gàng bằng một sợi ruy băng màu xanh lam. Bà Vân sững người, tim đập thình thịch. Bàn tay khẳng khiu run rẩy mở từng trang giấy.  Những nét chữ thân thuộc của chồng lại hiện ra trước mắt…

*

Lá thư thứ nhất:

Vân yêu thương,

Khi những dòng chữ này đến được tay em, có lẽ anh đã không còn ngồi bên chiếc bàn cũ sờn trong căn gác áp mái này nữa rồi. Đừng buồn, em nhé. Hãy coi như anh đã hòa mình vào dòng chảy bất tận của thời gian, trở thành một phần của vũ trụ bao la. Anh đã suy ngẫm rất nhiều về cuộc đời này, về những quy luật đến – đi, được – mất. Và anh nhận ra rằng, thứ quý giá nhất mà chúng ta có thể mang theo bên mình, không phải là vật chất phù du, mà chính là trí tuệ, sự lương thiện và tình yêu thương.

Trí tuệ giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của cuộc sống, giúp chúng ta phân biệt được đúng sai, thiện ác. Sự lương thiện giúp chúng ta sống một cuộc đời thanh thản, không hổ thẹn với lương tâm. Và tình yêu thương, em biết không, nó chính là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, là sợi dây kết nối chúng ta với nhau, là thứ duy nhất có thể xua tan bóng tối của sự cô đơn và tuyệt vọng.

Anh đã sống một cuộc đời có thể không hề hoàn hảo, nhưng anh đã cố gắng hết sức để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Anh đã học được rất nhiều điều từ những sai lầm, từ những vấp ngã của mình. Và anh muốn chia sẻ những bài học đó với em, với mọi người xung quanh. Hãy luôn giữ cho mình một trái tim nhân hậu, một tinh thần ham học hỏi, và một lòng bao dung vô bờ bến. Hãy lan tỏa tình yêu thương đến mọi người, hãy thắp sáng những ngọn lửa hy vọng trong những trái tim đang chìm trong bóng tối.

Em biết không, sự san sẻ ấy không làm cho chúng ta nghèo đi, mà chỉ làm cho chúng ta giàu có hơn. Tình yêu thương cũng giống như ánh sáng, nó không hề hao mòn khi được chia sẻ, mà chỉ lan tỏa và nhân lên gấp bội. Hãy sống một cuộc đời như thế, em nhé. Hãy sống một cuộc đời đáng sống.

 

Lá thư thứ hai:

Vân thân yêu,

Hôm nay, anh lại ngồi đây, bên chiếc bàn làm việc cũ kỹ này, nơi chúng ta đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu đêm dài. Anh nhớ lại những buổi tối mùa đông, em ngồi bên cạnh anh, khâu lại chiếc áo len sờn vai của anh, còn anh thì đọc cho em nghe những trang viết mới nhất. Em luôn là người đầu tiên đọc những tác phẩm của anh, là người phê bình công tâm nhất, là người động viên anh nhiều nhất.

Anh đã viết rất nhiều về cuộc đời, về những con người mà anh đã gặp gỡ, về những câu chuyện mà anh đã chứng kiến. Và anh nhận ra rằng, cuộc đời này giống như một cuốn sách, mỗi người là một trang sách, mỗi câu chuyện là một chương sách. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể viết nên tương lai. Hãy viết nên một câu chuyện đẹp, một câu chuyện đầy ắp tình yêu thương và hy vọng.

 Vân à, anh muốn em biết rằng, em chính là chương sách đẹp nhất trong cuộc đời anh. Em đã mang đến cho anh biết bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu hạnh phúc. Em đã dạy cho anh biết thế nào là tình yêu đích thực, thế nào là sự hy sinh vô điều kiện. Anh biết ơn em vô cùng.

Anh muốn em tiếp tục viết nên câu chuyện của riêng mình, một câu chuyện đầy ắp những điều tốt đẹp. Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa, hãy lan tỏa tình yêu thương đến mọi người, hãy thắp sáng những ngọn lửa hy vọng trong những trái tim đang chìm trong bóng tối.

 

Lá thư thứ ba:

Vân yêu quý,

Hôm nay, anh đã đi dạo trong công viên mà chúng ta thường hay đến. Anh ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, nhìn những đứa trẻ nô đùa, những cặp tình nhân tay trong tay. Nhớ lại những ngày còn trẻ, chúng ta cũng đã từng như vậy, cùng nhau đi qua biết bao nhiêu mùa xuân, hạ, thu, đông. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Em đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho gia đình, để yêu thương chồng con. Anh biết ơn em vô cùng.

 Anh muốn em hiểu rằng, dù anh có ở đâu cũng sẽ luôn dõi theo em, vẫn yêu thương em. Tình yêu của anh dành cho em sẽ mãi mãi tồn tại trong trái tim em, trong những kỷ niệm của chúng ta, trong từng trang anh viết.

*

Mỗi lá thư ấy không chỉ là những lời yêu thương, mà còn là những triết lý sống sâu sắc. Bà Vân cảm thấy như ông An đang ở bên cạnh trò chuyện, ôm lấy bà mà vỗ về, xoa dịu đi bao nỗi nhớ thương vẫn thường trực trong tim. Bà đọc từng dòng thật chậm, thật chậm… Nước mắt tuôn rơi, nhưng lòng bà ấm áp lạ thường.

  1. Một buổi sớm mùa đông lạnh giá, bà Vân đang ngồi bên khung cửa sổ căn gác áp mái, nhâm nhi tách trà nóng và đọc lại những lá thư của ông An. Bất chợt, tiếng chuông cửa vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ. Bà ngạc nhiên, vì rất ít khi có ai đến thăm nhà vào giờ này.

Mở cửa, bà thấy Thanh – em gái ông An đang đứng trước mặt mình. Chẳng cần đợi bà Vân cất lời, Thanh bước thẳng vào bên trong như một cơn gió lạnh ập qua, với gương mặt được chạm khắc bởi những đường nét vô cảm, hệt như một bức tượng đá cẩm thạch. Đôi mắt Thanh sắc bén như lưỡi dao, quét qua từng ngóc ngách căn phòng, như đang đánh giá giá trị của từng món đồ.

Thanh không phải là một người phụ nữ tầm thường. Bà ta là một doanh nhân thành đạt, một người quyền lực trong giới kinh doanh. Sự thành công đã tôi luyện nên một con người cứng rắn, quyết đoán, không khoan nhượng. Thanh quen kiểm soát mọi thứ, quen với việc đạt được những gì mình muốn.

Trong ký ức bà Vân, Thanh là một người phụ nữ xa cách, lạnh lùng. Cô ta ít khi đến thăm ông An, và mỗi lần đến đều mang theo một bầu không khí căng thẳng. Thanh luôn tỏ ra khó chịu với sự giản dị, mộc mạc của căn gác áp mái, với những cuốn sách cũ kỹ, những kỷ vật mà ông An trân trọng.

Dưới góc nhìn của Thanh thì ông An đã lãng phí cuộc đời mình vào những trang sách vô bổ. Bà muốn anh trai tập trung vào việc kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, để lại cho gia đình một khối tài sản kếch xù. Chưa bao giờ, Thanh hiểu được niềm đam mê văn chương cùng những giá trị mà ông An theo đuổi.

Có lần Thanh đến mang theo một xấp giấy tờ. Đó là hợp đồng mua bán một căn biệt thự. Thanh muốn ông An bán ngôi nhà đang ở để mua căn biệt thự đó, để có một cuộc sống sung túc hơn.

– Anh không thể sống mãi trong cái ổ chuột này. – Thanh nói, giọng nói đầy khinh miệt – Anh phải nghĩ cho tương lai của mình. Chủ căn biệt thự này đang gặp vấn đề về tài chính, nên họ để lại với một giá cực mềm. Em biết, trong khả năng của anh có thể mua được.

Ông An nhìn Thanh, ánh mắt buồn bã.

– Anh không cần một cuộc sống sung túc – ông An nói, giọng nói nhẹ nhàng – Anh chỉ cần một cuộc sống bình yên và  ý nghĩa.

Thanh tức giận quay lưng bước thẳng ra cửa, không nói một lời. Bà ta không hiểu tại sao ông An lại có thể từ chối một cơ hội tốt như vậy. Trong thâm tâm, Thanh cũng luôn cảm thấy ghen tị với bà Vân, nghĩ rằng bà không xứng đáng với anh trai mình, lấy ông An chỉ bởi nhòm ngó mảnh đất của gia đình bà ta.

Khi ông An mất, Thanh quyết định đòi lại ngôi nhà, cho rằng đó là quyền lợi chính đáng của mình. Thanh muốn chứng minh cho chị dâu thấy mình mới là người có quyền lực, người quyết định mọi thứ.

– Tôi không chỉ muốn lấy lại nhà, mà còn muốn biến căn gác áp mái thành một nơi hoàn toàn khác, một nơi không còn dấu vết của ông An – Thanh cười lớn.

– Cô… cô không thể làm vậy – bà Vân nói, giọng nói run rẩy – Đây là nơi vợ chồng tôi đã cùng nhau xây dựng, là nơi lưu giữ những kỷ niệm của chúng tôi.

– Tôi không quan tâm đến những kỷ niệm của bà – Thanh đáp trả lạnh lùng. – Tôi chỉ quan tâm đến tài sản của gia đình tôi.

Và Thanh thuê một luật sư giỏi, đưa ra những bằng chứng có lợi cho mình.

Trong căn nhà cũ kỹ, bà Vân ngồi lặng lẽ, ánh mắt đượm buồn nhìn ra khung cửa sổ. Bóng chiều chạng vạng hắt lên khuôn mặt gầy guộc, hằn sâu những nếp nhăn của tuổi tác và âu lo. Bà như một chiếc lá khô, đơn độc giữa cơn gió lạnh lẽo của mùa đông.

Vợ chồng đứa con trai duy nhất của bà và ông An đang ở xa, bên kia đại dương. Bà không muốn làm phiền, không muốn chúng phải lo lắng cho mình. Bà biết, chúng cũng đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, với những lo toan bộn bề của riêng mình. Bà cũng không có nhiều tiền để thuê luật sư, không có những mối quan hệ quyền thế để nhờ giúp đỡ.

Cuộc chiến này không chỉ là về tài sản, mà còn là về những giá trị sống. Bà Vân thấy mình như một cái cây, đứng trơ trọi giữa cánh đồng hoang vu. Gió lạnh thổi qua, lay động những cành lá khô khốc, run rẩy. Bà biết, mình không thể chống lại cơn gió này, nhưng vẫn gắng đứng vững, cố giữ lại những gì còn sót lại của tình yêu và ký ức. Nhìn lên bầu trời đêm, những ngôi sao lấp lánh như những giọt nước mắt. Bà thầm cầu nguyện, mong chờ một phép màu sẽ xảy ra…

Trong lúc bà Vân đang tuyệt vọng, một người đàn ông lạ mặt xuất hiện. Ông giới thiệu mình là Hoàng, một người bạn cũ của ông An. Ông An đã từng kể cho bạn mình nghe về căn gác áp mái, về những kỷ niệm đẹp mà ông và bà Vân đã có.  Người bạn này nói cho bà biết: ông An đã từng viết một di chúc, trong đó ông để lại toàn bộ ngôi nhà cho bà Vân.

Bà Vân run rẩy cầm tờ bản sao của di chúc, nước mắt trào ra. Vậy là ông An đều dự đoán, linh cảm trước tình huống này, và đã không để bà đơn thương độc mã. Ông Hoàng hỗ trợ bà Vân tìm đến luật sư, đưa ra bản sao di chúc. Luật sư cho biết, bản sao đó không có giá trị pháp lý, vì nó không được công chứng. Chỉ khi bà Vân tìm được bản gốc di chúc mới có quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà.

Tối đó, bà Vân thức đến gần sáng, tìm khắp các ngóc ngách trong ngôi nhà của mình, mong thấy được nơi ông An cất giấu bản gốc di chúc. Cuối cùng mệt quá, bà ngủ thiếp đi ở một góc phòng trong căn gác áp mái.

Khi bà Vân tỉnh lại, mặt trời đã lên tự bao giờ. Những tia nắng vẫn lọt qua khe cửa, nhảy múa trên bức tranh vẽ mấy đám mây bềnh bồng treo trên tường. Chợt một ý nghĩ sáng lên trong đầu, bà Vân tiến lại gần.

Nhìn ngắm bức tranh hồi lâu, bà từ từ hạ xuống và tháo rời ra. Cảm xúc như vỡ òa khi bên trong là bản gốc di chúc của ông An.

  1. Khi sóng gió đã qua, bà Vân bắt đầu viết nhật ký. Bà không muốn ghi lại những ngày căng thẳng vừa trải qua, chỉ muốn nhớ về những kỷ niệm đẹp. Bà tin rằng, bằng cách viết, bà có thể kết nối với ông An, có thể tiếp tục cuộc trò chuyện dang dở của hai người.

*

Trang nhật ký thứ nhất:

An thân yêu,

Hôm nay, em lại ngồi đây, bên chiếc bàn làm việc cũ kỹ của anh. Căn gác áp mái này vẫn y nguyên như ngày anh còn ở đây, chỉ thiếu mỗi anh thôi. Em nhớ cái cách anh ngồi, tay cầm bút, nghiêng đầu suy nghĩ, như thể đang trò chuyện với những nhân vật trong truyện của mình. Em nhớ cái cách anh cười, nụ cười hiền hậu, ấm áp, như ánh nắng ban mai sưởi ấm trái tim em.

Em đọc lại những lá thư anh viết cho em. Anh nói đúng, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, như một cơn gió thoảng qua. Nhưng tình yêu của chúng ta thì bất diệt, nó sẽ mãi mãi tồn tại, như những vì sao trên bầu trời đêm. Em cũng tin như vậy, An à. Tình yêu của chúng ta không chỉ là những kỷ niệm đẹp đẽ, mà còn là những bài học quý giá, là những giá trị mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng.

Anh nói về trí tuệ, sự lương thiện và tình yêu thương. Em cũng tin rằng đó là những thứ quý giá nhất mà chúng ta có thể mang theo bên mình. Em sẽ cố gắng sống một cuộc đời như vậy, một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời đáng sống. Em sẽ lan tỏa tình yêu thương đến mọi người, em sẽ thắp sáng những ngọn lửa hy vọng trong những trái tim đang chìm trong bóng tối.

 

Trang nhật ký thứ hai:

An yêu quý,

Hôm nay, em đi dạo trong công viên mà chúng ta thường hay đến. Em ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, nhìn những đứa trẻ nô đùa, những cặp tình nhân tay trong tay. Em nhớ lại những ngày chúng ta còn trẻ, chúng ta cũng đã từng như vậy. Chúng ta đã cùng nhau đi qua biết bao nhiêu mùa xuân, hạ, thu, đông. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, cùng nhau nuôi dạy những đứa con ngoan ngoãn.

Anh nói rằng cuộc đời này giống như một cuốn sách, mỗi người là một trang sách, mỗi câu chuyện là một chương sách. Em cũng nghĩ như vậy, An à. Và em muốn viết tiếp chương sách của mình, một chương sách đầy ắp những điều tốt đẹp.  Em sẽ nhớ mãi những lời anh nói, “Hãy viết nên một câu chuyện đẹp, một câu chuyện đầy ắp tình yêu thương và hy vọng.”

 

Trang nhật ký thứ ba:

An thân yêu,

Cuộc sống của em sau khi anh ra đi không hề dễ dàng. Em nhớ anh, nhớ những buổi tối chúng ta cùng nhau đọc sách, cùng nhau trò chuyện. Em nhớ những chuyến đi chúng ta cùng nhau khám phá những vùng đất mới. Nhưng em không cho phép mình chìm đắm trong nỗi buồn. Em biết rằng, anh không muốn em như vậy. Anh muốn em sống hạnh phúc và có ý nghĩa.

Em bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Em tìm thấy niềm vui trong việc chia sẻ, trong việc lan tỏa tình yêu thương. Em cũng bắt đầu viết lại những câu chuyện của anh, những câu chuyện về những con người mà anh đã gặp gỡ, về những bài học mà anh đã rút ra. Em muốn giữ lại những giá trị mà anh đã truyền đạt, lan tỏa những thông điệp mà anh muốn gửi gắm.

Em biết rằng, anh vẫn luôn ở bên cạnh em, dõi theo và ủng hộ em. Em cảm nhận được sự hiện diện của anh trong từng cơn gió, trong từng tia nắng, trong từng bông hoa hồng nở trong vườn nhà mình.  

Đêm nay, em lại ngồi bên khung cửa sổ nhỏ của căn gác áp mái, nhìn ra bầu trời đầy sao. Em cảm thấy như anh đang ở trên đó, nhìn xuống em, mỉm cười với em. Em thì thầm những lời yêu thương, những lời cảm ơn, những lời hứa hẹn. Em biết rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau…

 

Trang nhật ký thứ tư:

An thân yêu,

Hôm nay 20/11,  em đến thăm lại ngôi trường cũ, nơi anh đã từng dành một phần thanh xuân để gieo chữ, trồng người. Bước qua cổng trường, mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên như ngày nào.  

Em bước vào phòng giáo viên, nơi anh từng ngồi chấm bài, soạn giáo án. Bàn ghế đã cũ kỹ, nhưng trên tường vẫn còn treo tấm bảng đen với dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” – lời dạy mà anh luôn tâm niệm. Em khẽ chạm tay lên mặt bàn gỗ, cảm nhận sự ấm áp còn sót lại từ những ngày anh miệt mài làm việc. Bất chợt, em nghe thấy tiếng gọi: “Cô Vân! Cô đến thăm trường ạ?”. Quay lại, em thấy một nhóm người trung niên đang tiến về phía mình. Họ là những học sinh cũ của anh, giờ đây đã trở thành những người thành đạt, có ích cho xã hội.

“Cô vẫn khỏe chứ ạ?” – Một người đàn ông có vóc dáng cao lớn, khuôn mặt cương nghị hỏi. “Chúng em vẫn luôn nhớ về thầy An, người thầy kính yêu của chúng em.”

“Thầy đã dạy chúng em không chỉ kiến thức, mà còn là cách làm người,” một người phụ nữ có mái tóc ngắn, giọng nói ấm áp tiếp lời. “Thầy luôn nói rằng, tri thức phải đi đôi với đạo đức, tài năng phải phục vụ cho cộng đồng.”.

Họ kể cho em nghe về những kỷ niệm với anh, về những bài học mà anh đã dạy, về những lời khuyên mà anh đã dành cho họ.

“Có lần, em lười học, thầy đã đến tận nhà em để động viên,” một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành kể. “Thầy nói rằng, chỉ cần mình cố gắng, không gì là không thể.”

“Còn em, em từng có ý định bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn,” một người phụ nữ có đôi mắt sáng ngời nói. “Thầy đã giúp em tìm được học bổng, tạo điều kiện cho em tiếp tục con đường học vấn.”

Họ kể về những buổi học ngoại khóa, những chuyến đi thực tế, những hoạt động thiện nguyện mà thầy An đã tổ chức. Anh không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn khơi dậy trong họ lòng yêu thương, tinh thần trách nhiệm và ý thức cống hiến.

“Thầy không chỉ là một người thầy giỏi, mà còn là một người bạn, một người truyền cảm hứng,” một người đàn ông có giọng nói trầm ấm nói. “Thầy đã gieo vào lòng chúng em những hạt giống tốt đẹp, và những hạt giống ấy đã nảy mầm, đã đơm hoa kết trái.”

Nghe những lời kể của họ, em cảm thấy lòng mình trào dâng niềm tự hào. Anh đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa.  

“Cô Vân ạ, chúng em đã thành lập một quỹ học bổng mang tên thầy An,” một người đàn ông nói. “Chúng em muốn tiếp nối tâm nguyện của thầy, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em được học tập, được phát triển.”

Em cảm động trước tấm lòng của họ. Anh chắc chắn sẽ rất vui khi biết được điều này. Em biết rằng, những giá trị mà anh đã truyền đạt sẽ mãi mãi được lưu giữ và lan tỏa, như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm những trái tim.

 

Trang nhật ký thứ năm:

An à,

Em đã quyết định biến căn gác nhỏ của chúng ta thành nơi lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà anh để lại. Em mở cửa đón những người hàng xóm, những người bạn cũ của anh đến thăm. Em kể cho họ nghe câu chuyện của anh, về những tác phẩm văn chương mà anh đã viết.

Tuần trước, trời lất phất mưa phùn, một chàng trai trẻ xuất hiện. Cậu giới thiệu mình là Minh, một sinh viên yêu văn chương, đã đọc những tác phẩm của anh, và rất ngưỡng mộ. Cậu muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp tác giả của những trang sách ấy. Em đã chào đón Minh như một người thân trong gia đình.

Và bên chiếc bàn làm việc cũ bụi thời gian, chàng trai trẻ đọc ngấu nghiến từng trang sách.

– Ôi, con như thể đang được đối thoại trực tiếp với ông, được ông truyền cảm hứng bà ạ! – Minh bày tỏ với em niềm hạnh phúc.

Từ buổi ấy, đều đặn mỗi dịp cuối tuần, Minh lại tìm đến và đắm chìm trong những trang viết của anh.  

– Con cũng muốn trở thành một nhà văn, muốn viết nên những tác phẩm về cuộc sống quanh con giống như ông quá bà ạ! – Hôm nay, Minh bất chợt chia sẻ. Em mỉm cười rạng rỡ, nhìn vào đôi mắt đang bừng sáng nhiều hy vọng, ước mơ của chàng thanh niên.

– Con cứ viết đi. Bà tin con sẽ làm được. Bà sẽ  rất hạnh phúc khi được là độc giả đầu tiên, và góp ý cho con – Em khích lệ – Bà cũng tin, ông An sẽ rất tự hào về sự gặp gỡ và tiếp nối tuyệt vời này.

Trang nhật ký cuối cùng:

An yêu quý,

Anh có nhớ những buổi chiều tà, khi chúng ta cùng nhau ngắm hoàng hôn trên căn gác áp mái không? Ánh nắng vàng cam nhuộm đỏ cả bầu trời, rọi xuống những mái ngói rêu phong, tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Em vẫn nhớ như in cái cảm giác ấm áp, bình yên khi được nép mình vào lòng anh, cùng anh ngắm nhìn khoảnh khắc kỳ diệu ấy.

Hôm nay, em lại ngồi đây, bên khung cửa sổ nhỏ quen thuộc. Hoàng hôn cũng đang dần buông xuống, nhưng bầu trời hôm nay có vẻ khác lạ. Những đám mây không còn mang màu vàng cam rực rỡ, mà chuyển sang màu tím biếc, như những dải lụa mềm mại vắt ngang bầu trời. Gió thổi nhẹ qua những tán cây, mang theo hương hoa hồng thoang thoảng, dịu dàng như hơi thở của anh.

Em cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhàng, thanh thản, như thể đang bay bổng trên những đám mây. Em biết rằng, đã đến lúc em phải rời khỏi thế giới này, để đến một nơi xa xôi, nơi anh đang chờ đợi em. Em không hề sợ hãi, An à. Em chỉ cảm thấy một chút tiếc nuối, tiếc nuối vì chưa thể viết hết những trang nhật ký, tiếc nuối vì chưa thể kể hết những câu chuyện tình yêu của chúng ta…

*

Bên trang nhật ký cuối cùng, bà Vân khẽ nhắm mắt lại, cảm nhận hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể. Bà như nghe thấy tiếng ông An thì thầm bên tai, “Vân ơi, em đến đây với anh.” Bà mỉm cười, giơ tay ra, như thể đang nắm lấy bàn tay ông. Bà thấy mình đang bay lên, bay lên cao mãi, xuyên qua những đám mây tím biếc, tiến về phía ánh sáng rực rỡ.

  1. Bà Vân ra đi vào một buổi chiều cuối thu, khi ánh hoàng hôn nhuộm tím cả bầu trời. Căn gác áp mái, nơi bà đã dành trọn những năm tháng cuối đời, vẫn sáng đèn, như một ngọn hải đăng nhỏ bé giữa đêm tối, soi đường cho những ai còn đang lạc lối trong bóng tối của mất mát và cô đơn. Những trang nhật ký, những lá thư, những câu chuyện tình yêu… tất cả đều là những di sản vô giá, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người ở lại, trở thành nguồn cảm hứng cho những người xung quanh. Họ biết rằng, dù cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tình yêu thương và những giá trị tốt đẹp sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường, là nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua mọi giông bão.

Và khi màn đêm buông xuống, sao trời lấp lánh trên đỉnh căn gác áp mái, như những ngọn nến nhỏ soi sáng con đường cho từng linh hồn tìm về tổ ấm. Mấy khóm hoa hồng trong vườn vẫn âm thầm nở rộ, như một lời thì thầm dịu dàng, một lời hứa hẹn về sự tiếp nối. Trong tiếng gió rì rào, trong hương hoa hồng thoang thoảng, người ta như nghe thấy tiếng thì thầm của ông An và bà Vân: “Hãy sống một cuộc đời đáng sống, hãy lan tỏa tình yêu thương đến mọi người, hãy thắp sáng những ngọn lửa hy vọng trong những trái tim đang chìm trong bóng tối.”

LƯƠNG ĐÌNH KHOA

(22h41, 20/3/2025 – Ngày Quốc tế Hạnh phúc)