Dưới ánh chiều tà – Truyện ngắn của Lê Vi Thủy

Bóng chiều ngã xuống sau đỉnh núi, những vệt sáng màu cam vẫn còn vương vãi khắp thung lũng, không gian một màu rực đỏ, ma mị. Bà Tiêng vắt cái gùi trên lưng đi ngược về phía làng. Những chái nhà sàn xa xa đang hun những sợi khói bếp màu xám tản dần vào khoảng không, mờ mờ, ảo ảo.

Thằng Kút ngồi thụp xuống giữa những ngôi nhà mồ, ngửa mặt nhìn lên những ô sáng còn sót lại trên bầu trời đang len lỏi qua những tán cây cổ thụ của khu rừng ma, cùng tiếng chí choé, ồn ào của hàng trăm con chim cuối ngày đang bay về tổ. Hoà lẫn tiếng ồn như là tiếng nói vọng lên từ lòng đất. Thằng Kút dõng tai nghe, nhưng nó không thể nghe rõ được gì. Nó đi lại gần cái mồ, dán chặt cái tai xuống đất, nhưng chỉ có tiếng u u vọng lại, đứt quãng.

Làng Blo Dung, nằm chênh vênh ở đỉnh núi, khu nhà mồ là nơi cao nhất của làng, muốn đi đến khu nhà mồ phải đi ngược lại với làng. Bà Tiêng dáng xiêu vẹo chống gậy leo lên những đoạn dốc dài. Gió bắt đầu thổi, những bước chân của bà như nặng hơn. Thằng Kút cứ đến giờ nhập nhoạng chiều, nó lại đi vào khu nhà mồ, khu rừng ma của làng, nơi mà chẳng ai dám lại gần. Bà Tiêng, cứ chong mắt đi tìm thằng Kút. Cách đây một năm, lần đầu tiên thằng Kút bỏ đi, bà Tiêng cùng dân làng tìm thấy nó đang nằm trong một cái nhà mồ. Nó cuộn tròn như một con cuốn chiếu rừng, hai mắt đỏ ngầu, đẫm nước. Và từ đó, cứ mỗi chiều nó lại chạy về phía đỉnh núi, nơi những ngôi nhà mồ âm u, với những bức tượng mồ sẫm màu, méo xệch theo thời gian.

Bà Tiêng lên đến đỉnh núi thì trời cũng đã chuyển tối. Trước lối vào của khu nhà mồ bà ngần ngừ một chút. Đã lâu lắm rồi bà không nghĩ sẽ quay lại khu nhà mồ này thường xuyên đến vậy, kể từ ngày bà làm lễ bỏ mả cho ông Breng, chồng bà. Trăng lên, mọi thứ như được soi rọi rõ hơn. Thằng Kút đang nằm ngủ bên cạnh cái nhà mồ của ama nó. Đứng trước nhà mồ của ông, bà có chút xao động, nhưng nước mắt bà không chảy, chỉ thấy cay cay ở mũi. Ngày ông bỏ bà đi, khi ấy bà mới vừa chớm có thằng Kút, đến khi thằng Kút mười tuổi, bà mới đủ tiền làm lễ bỏ mả cho ông. Trong mười năm, những bước chân hàng ngày lên đỉnh núi của bà như mòn luôn con đường, bà nhớ từng cái cây, từng ngọn cỏ, bà mang cơm cho ông, nói chuyện với ông, kể cho ông nghe mỗi ngày thằng Kút lớn lên như thế nào, niềm vui nỗi buồn trong nhà ra sao, ông đều biết hết, cuộc đời nó đã khổ lắm rồi, vậy mà giờ ông còn kéo theo thằng con đến đây với ông, ông muốn bà phải sống dở chết dở một lần nữa hay sao?

Bà ngồi bên mồ của ông, nhìn thằng Kút đang ngủ ngon lành với những ché rượu cần cạn, bà định lay nó dậy nhưng rồi thôi. Trăng đêm nay sáng hơn mọi hôm, nhưng bà không thể quan sát rõ khu nhà mồ bà đang ngồi, chỉ thấy một màu vàng mê ảo của trăng đang bao trùm lấy xung quanh. Bóng ông Breng đang đứng cạnh bà, đôi mắt rất buồn, nhìn về thằng Kut. Bà cũng nhìn thằng Kut, nỗi buồn chẳng thể nói ra, cứ đào sâu mải miết trong tâm khảm.

Ama mất sớm, thằng Kút sống côi cút bên cạnh bà mà lớn. Thằng Kút giống ama của mình, có niềm đam mê tạc tượng ngay từ nhỏ. Khi mới lên bảy, thằng Kút xin mẹ cho đi học tạc tượng với một nghệ nhân ở gần nhà, bà Tiêng kiên quyết không cho. Nhưng mỗi ngày, sau khi bà Tiêng lên rẫy, thằng Kút lại lén chạy đến nhà ông nghệ nhân Ksor Mun trong làng học lén, rồi về đem rìu ra tự đẽo gọt các khúc gỗ phỏng theo các bức tượng. Bà phát hiện ra những bức tượng nhỏ xíu được thằng Kút đẽo, đục và cất trong đống củi dưới sàn nhà. Thằng Kút bị amí đánh đòn vì không nghe lời. Mỗi lần nhắc tới chuyện học tạc tượng là bà Tiêng cấm thằng Kút ngay.

Tạc tượng là một công việv ông Breng yêu thích. Qua bàn tay cần mẫn, tài hoa, sáng tạo của ông Breng, những bức tượng gỗ vô tri dường như có linh hồn, được thổi vào sức sống. Những lần làng có người làm lễ bỏ mả, họ đều đón ông Breng về tạc tượng giúp. Một lần ông vào rừng tìm gỗ về để tạc tượng thì bị cây rừng ngã đè chết. Cái chết đến đột ngột, ông chưa kịp gặp bà để nói lời cuối, bà cũng không còn cơ hội báo cho ông tin vui. Người chồng nhanh nhẹn, hoạt bát, khi bà gặp lại chỉ là cái xác tím tái, những vết bầm bị cây đè hiện rõ trên khuôn mặt. Bà đau xót, như muốn chết đi cùng với ông, nhưng một sinh linh nhỏ vừa mới chớm trong bụng bà, không cho phép bà yếu đuối. Bà không muốn thằng Kút đi theo nghề của ông nhưng năm lên mười lăm tuổi, thằng Kút không còn là đứa trẻ ốm yếu như xưa mà trở thành chàng trai rắn rỏi, nhanh nhẹn, nhiều lần theo những nghệ nhân trong làng lang thang khắp rừng già tìm gỗ về tạc tượng. Thằng Kút thích tạc gỗ và thích cây rừng. Biết không thể dập tắt niềm đam mê của thằng Kút, bà Tiêng cũng dần chấp nhận cho thằng Kút theo cái nghề của ama nó.

Gió xao xác gió.

Những tiếng đục đẽo trong đêm khuya, như những ngón tay đang miết vào một miếng tôn mỏng, dội xuống bên cạnh vách nhà khiến cho bà Tiêng trở mình, khó ngủ. Bên ngoài thằng Kút vẫn ngồi đục, bên cạnh là rất nhiều các khúc gỗ nó mới đem về hồi chiều. Thằng Kút đục đẽo không ngừng nghỉ, bà Tiêng thấy má nó hóp lại, đôi mắt thâm quầng nhưng bà nào can được nó làm gì. Cứ hết cơn say nó lại đục, hết đục đẽo lại say. Thằng Kút dường như im lặng trước mọi việc, đôi mắt nó càng sâu thẳm hơn. Bà Tiêng choàng thêm áo, ra ngồi ngoài hiên, nơi cầu thang gỗ do chính tay ông Breng làm, có đẽo hình cặp vú nhẵn thín bởi thời gian. Từ ngày thằng Kút về ở lại với bà, những tưởng hai mẹ con sẽ bớt cô đơn hơn, nhưng không phải, nỗi cô đơn, nỗi đau dường như tăng lên gấp hai lần. Bà nhìn thằng Kút đang tập trung đục tượng, bà thở dài, phải chi ông Breng còn ở đây.

Những bức tượng mồ đang tỉ tê, khóc than với nhau, tiếng nói vọng lên, vang vẳng xa gần trong tiếng gió. Thằng Kút ôm lấy tượng ngồi ôm mặt khóc, an ủi người phụ nữ mang thai, cười nói với những đứa trẻ, đỡ những người già, chơi đùa cùng các con vật. Nó xoa những thân hình cong queo, khô khốc, với những nỗi đau hằn lên khuôn mặt.

Tiếng thét của H’Nia xé toang không gian yên tĩnh của rừng. Thằng Kút chạy theo hướng tiếng thét. Đôi mắt thằng Kút dại đi khi nhìn thấy đứa bé. Bà Tiêng ôm lấy đứa nhỏ, mồ hôi ướt đẫm, ngất lịm. Đôi tay bà rung lên từng nhịp.

Thằng Kút bật khóc. Ánh trăng ôm lấy nó, khuôn mặt nửa sáng, nửa tối, đau đớn. Nó nấc lên. Một màn sương bao phủ lấy nó. Một cục máu đỏ hỏn rơi ra, cái đầu to ụ, tay chân bé xíu quơi quơi, hình thù khác lạ, không giống những đứa trẻ sơ sinh nó từng nhìn thấy. Đứa trẻ cất tiếng khóc e é không rớt ra khỏi cổ họng.

Thằng Kút quỳ bên bờ suối trước mặt là một con dê cùng một ghè rượu. Thầy cúng mặc bộ đồ của H’Nia lội ngược dòng suối đến chỗ kín đáo trút bỏ bộ đồ đang mặc thả trôi xuôi theo dòng, thay vào bộ đồ của mình. Thằng Kút ngồi nhìn bộ đồ trôi xuôi theo dòng suối, thẫn thờ.

Bà Tiêng đứng sau thằng Kút. Bà sợ thằng Kút sẽ nhảy theo dòng nước. Nhưng không, nó cứ ngồi đó mặc cho thầy cúng và dân làng, họ nấu nướng và cùng ăn bằng hết con vật hiến tế. Đến lúc mặt trời lặn, mọi người sẽ ra về, sẽ bỏ lại mọi thứ còn thừa, không được mang về theo bất cứ thứ gì, kể cả vật dụng xẻ thịt, dùng nấu nướng thức ăn, họ sợ Yang Sat (Thần Xấu) đi theo về.

Khi mọi người đã về hết, thằng Kút mới đứng dậy chạy theo dòng suối, ôm lấy bộ quần áo của H’Nia đang bị mắc lại nơi tảng đá. Thằng Kút đứng giữa dòng nước, mặc cho bóng tối đang dần bao trùm lấy khu rừng, thằng Kút chỉ nghe tiếng côn trùng khóc, dòng suối thở than, như nỗi lòng của nó.

Dân làng đồn thổi, thêu dệt đủ chuyện về đứa cháu của bà Tiêng. Họ bảo thằng Kút trèo lên mấy cây cổ thụ ở khu nhà mả nên ma rừng nhập; người nói nó bị thần linh quở trách; Lời đồn đại càng ngày càng nhiều, những kẻ tò mò đến xem cũng lắm, người xa lánh gia đình bà Tiêng cũng không ít.

Định đi nữa à? Bà Tiêng hỏi mà như gọi níu lại, dù biết thằng Kút không trả lời, khi nó lao mình vào cơn chiều chập choạng. H’Nia chuyển dạ trong đêm trăng tròn. Đứa trẻ thứ hai chào đời, bên con suối trong veo, chảy róc rách. Lần này chính tay bà Tiêng làm bà đỡ. Đứa cháu lọt lòng, hai mắt to bự lồi ra chào thế giới, tay bé xíu như hai miếng thịt dư gắn lên thân thể. Đứa trẻ cất tiếng khóc rồi tắt lịm.

Thằng Kút ôm đứa trẻ, như người mộng du, nó đi thằng vào rừng ma, ôm đứa con trong lòng và ngồi đó tới sáng, giống như với đứa đầu tiên. Bên cạnh là những tiếng nói rời rạc, những con người vô hình, những bức tượng ôm mặt khóc tức tưởi. Thằng Kút khóc, giọt nước mắt và câu hỏi vì sao đọng trong tâm trí, nó không trả lời được, mẹ Tiêng cũng không trả lời được, H’Nia cũng không trả lời được, già Kol cũng không trả lời được, thầy cúng cũng không trả lời được. Nó muốn hỏi những bóng hình trước mặt, nhưng tất cả đều im lặng như những pho tượng mồ kia, ôm mặt câm nín.

Bà Tiêng thôi không đi tìm thằng Kút nữa. Một mình bà trong căn nhà sàn no gió, thênh thang, cái bếp nhỏ bà cũng chẳng buồn nhóm lên, nguội lạnh. Bà ra mỏm đất đầu làng ngồi nhìn về phía đỉnh núi. Nơi lâu lâu có vài con chim quang quác bay lên do bị giật mình bởi những nhát rìu. Đôi mắt bà ráo hoảnh, nước mắt đi đâu hết. Cuộc đời bà vốn đã không bằng phẳng, sau khi ông Breng mất, theo tục lệ bà được “nối dây” với em trai của chồng. Bà đã từ chối, chịu phạt với làng, mất con trâu duy nhất và bộ chiêng quý. Tình yêu bà dành cho ông Breng quá lớn, không thể có người đàn ông nào thay thế. Bà yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi Breng là một thanh niên luôn hừng hực sức trai. Đôi vai dài rộng của Breng đã vác được bao nhiêu cây gỗ, tạc được bao nhiêu là tượng mồ. Bà yêu cái tài của Breng, mọi thứ ông làm ra đều như có linh hồn, có một câu chuyện đời sống riêng. Những tưởng thằng Kút nó sẽ hạnh phúc hơn bà, nhưng nó cũng không khác bà là mấy khi đi trên con đường đầy sỏi đá, đôi chân của nó đã phồng rộp, sưng tấy khiến bà xót xa.

Bà Tiêng và thằng Kút sống lặng lẽ. Những cái chén mẻ, cái nồi sứt quai không buồn thay, cứ nằm im như thế. Lưng bà còng hơn vào những xế chiều, khi mặt trời đỏ hồng dần dần chìm lấp vào sau những ngọn núi, lúc ấy bà mới buông khuôn mặt của mình để đi vào giấc ngủ méo xệch những giấc mơ.

Tiếng đứa trẻ ú ớ, với ngón tay cắn trong miệng tứa máu. Đôi mắt nó đỏ tươi, bật khóc, tiếng khóc của nó tức tưởi nhưng non tươi như một đứa trẻ sơ sinh. Nó khóc rống lên, như ai đang đánh vào mông nó. Bỗng tiếng khóc ngắt dần trong cuốn họng, khuôn mặt nó đỏ chuyển qua tím tái. Tay nó cứng đờ, đôi bàn chân chút xíu cũng cứng đờ. H’Nia ngồi đờ đẫn, từ ngày sinh con, bông hoa tươi tắn nhất làng bỗng trở nên héo úa, câm lặng, miệng H’Nia chỉ lẩm bẩm mỗi câu “Yàng phạt con rồi! Yàng phạt con rồi!”.

Tiếng cồng chiêng vang lên văng vẳng trong âm u của núi rừng. Tiếng già Kol loãng trong gió: “Cầu cho cô dâu, chú rể có nhiều sức khỏe và sinh sống với nhau hiền hòa như nước. Trong ngày hôm nay, hai người đã thành vợ thành chồng. Nhờ các vị thần Núi, thần Rừng, thần Nước, thần Ruộng giúp đỡ hai vợ chồng; khi đi làm ruộng, làm nương làm rẫy, khi đi xúc cá, bắt cua luôn đi cùng nhau, không xa rời nhau; chồng vác cuốc, vợ mang gùi, chồng đi trước, vợ đi sau, ai bị ngã người kia phải kéo lên. Khi đi làm phải nói chuyện, đùa giỡn với nhau vui vẻ. Hôm nay, hai vợ chồng đã ăn cơm một nhà, ngủ chung một giường để đẻ con nhiều như hạt đu đủ, nhiều như con kiến, con mối”. Hai chiếc vòng tay bằng đồng được trao nhau. Kut nắm tay H’Nia, hạnh phúc, nhưng bàn tay H’Nia như rời ra. Thằng Kút cứ muốn nắm, muốn kéo nhưng H’Nia tan dần như sương, nụ cười mỏng mảnh, loang vào ánh trăng vàng đang treo lơ lửng trên đỉnh núi.

Bà Tiêng nắm lấy tay thằng Kút, và nhìn về phía ông Breng, ông vẫn đứng đó quan sát hai mẹ con. Thằng Kút đã thôi không uống rượu, nhưng cả ngày nó chỉ ở ngoài trời và không chịu ăn uống gì cả. Bà Tiêng xót con, bắt thằng Kút ăn khúc cơm lam bà vừa nấu trong ống tre, nhưng nó cầm rồi để đấy, làm việc của mình.

Xung quanh thằng Kút ngổn ngang, tượng chim, chó, cá, gà, những món đồ chơi của trẻ con. Những đứa trẻ và những người phụ nữ với khuôn mặt giống nhau, bà nhìn những bức tượng rồi lại khóc. Bà nghe thấy tiếng nói trong những bức tượng, bà nghe thấy tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ gọi bà ơi, bà nghe tiếng lao xao quanh mình. Tiếng hai đứa nhỏ cười khanh khách, H’Nia dịu dàng nắm lấy tay chúng, trên tai cài thêm một bông hoa rừng khiến cho khuôn mặt của H’Nia thêm rạng rỡ. Ông Breng đang ôm lấy bà, vỗ về bà. Bóng bà đổ dài theo bóng chiều, bên một bóng hình cô độc đang vung cái rìu lên cao, rồi hạ xuống, rồi lại đục, lại vát những khuôn mặt giống nhau, mà nhìn vào bà biết ngay đó là ai.

Nhà thằng Kút phải mang một con bò và nhiều ghè rượu, để cúng tại nhà Rông của làng. Già làng Kol khấn vái nói lời tạ lỗi đến thần linh, và thầy cúng bắt đầu việc của mình. Không tiếng cồng, không tiếng chiêng, mọi thứ diễn ra trong lặng lẽ. Thằng Kút lặng lẽ nhìn những con mắt tò mò của dân làng dành cho nó. Nó đến với hai bàn tay trắng, nó chẳng đòi hỏi điều chi, nó chống lại tục lệ của làng. Như amí của nó ngày xưa, bây giờ nó đã quyết như vậy.

Cái H’Ni nhìn thằng Kút với đôi mắt rất buồn. H’Ni còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mà chị gái H’Nia đang trải qua. H’Ni còn cả một tương lai dài phía trước. Còn Kut thì còn một tình yêu trong tim, với những vụn vỡ không thể chữa lành.

Trong làng, có vài đứa trẻ sinh ra giống con của thằng Kút, mang hình hài không bình thường. Mọi nghi vấn đổ dồn vào nhà thằng Kút, ngầm cho đó là nguyên nhân. Già làng Kol và cả thầy cúng đều gạt đi ý nghĩ đó của dân làng.

Những cuộc cúng tế lần lượt diễn ra, cúng Yàng, cúng Thần Rừng, cúng Thần Nước, Thần Gió, Thần Lửa, Thần Ruộng… Những con trâu, con bò trong làng lần lượt trở thành vật hiến tế, nhưng không xoa dịu được nỗi đau. Đã có người phát điên khi nhìn thấy những đứa trẻ.

H’Nia cũng phát điên, lang thang trong rừng, lúc khóc, lúc cười. Thằng Kút cứ đi theo sau, đợi H’Nia mệt lả thì thằng Kút đưa về.Sau khi được thằng Kút cho ăn uống, khỏe lên, H’Nia lại đi. Trong vô thức, bước chân H’Nia hướng về rừng ma, vừa đi vừa hát: “Ru ơ… ru con ơi đừng khóc nào. Ru ơ… ru con ơi ngủ ngoan nào. Cho mẹ cha vào rừng làm nương ơ… làm rẫy ơ… Rẫy ngô đang trổ bông. Cây mía chưa chặt. Đừng khóc nữa con ngoan. Để mẹ cha làm nương rẫy”. đôi tay H’Nia đưa lên đưa xuống như đang bồng con. “Ru ơ ru, con ơi đừng khóc nào. Ru ơ ru, con ơi ngủ ngon nào. ngày mai, con như chim phí bay giữa trời”. Giọng hát của H’Nia trong vắt như nước suối, trầm bổng, lên cao, xuống thấp. Khi H’Nia khóc, thằng Kut lại ôm và vỗ về trong vòng tay.

Thằng Kút vác cái rìu đi vào rừng. Bóng trăng trên đầu như đi theo từng bước chân của nó. Con đường mòn vào rừng ban đêm như thu hẹp lại, trước mặt là một màu đen, chỉ có những đốm sáng xanh nhỏ nhỏ đang quấn lấy thằng Kút. Tiếng rìu bổ vào đêm, những vết thương đau nhói. Tiếng rìu hoà cùng tiếng cồng chiêng đang vang vọng khu nhà mả. Ánh lửa bập bùng, loé lên ở một góc rừng. Thằng Kút vung cái rìu lên, rồi lại thả cái rìu xuống. Cây rừng như khóc, tiếng khóc đau thương, đứt quãng, loảng xoảng vỡ trong tâm trí nó. H’Nia đang đung đưa trong gió, trên một cành cây cổ thụ, đôi mắt nhắm nghiền, hai bàn tay buông xuôi, im ắng như ánh trăng tròn, mái tóc xoã dài, trên mi mắt đọng giọt nước mắt.

Thằng Kút tự nhấn chìm mình vào bóng tối lờ nhờ đang bao trùm lên khu rừng. Nỗi đau ăn vào tâm trí, trùm lên khuôn mặt H’Nia đang mỉm cười với nó. Ước gì lấy được trái tim ra mà cấu xé thì chắc đâu có đau thế này?

Đôi mắt con trâu nhìn thằng Kút như đang khóc bởi những nhát chém. Con trâu trắng khuỵu chân và ngã vật xuống. Không tiếng reo hò hay khóc than; không tiếng trống, tiếng chiêng; điệu xoang cũng không dùng đến. Lễ bỏ mả của Thần Chết Xấu im lặng đến đáng sợ.

Thằng Kút làm lễ bỏ mả cho cả ba người thân của nó, nó không đau sao được. Bà Tiêng lặng nhìn thằng Kút. Dân làng mổ thịt con trâu, nấu nướng trong lặng lẽ và nhanh chóng, bởi lễ bỏ mả này chỉ diễn ra trong ngày, chứ không kéo dài nhiều ngày như lễ bỏ mả thông thường khác. Những ché rượu dần cạn, mọi người cũng đi  về nhà sau khi ăn uống no say. Thằng Kút ngấm rượu cay nồng, đứng dậy đắp lại cái mồ đang ngả nghiêng tạm bợ bởi cái Chết Xấu không được xây kiên cố, không mái che, rào chắn. Thằng Kut  mang những cái tượng mồ đóng xung quanh cái mả, những tượng con vật, món đồ chơi trẻ con yêu thích, những bức tượng người nữ mang khuôn mặt của H’Nia được dựng lên, nó muốn H’Nia có người bầu bạn.

Thằng Kút hì hục làm cả đêm không nghỉ. Bà Tiêng ở lại giúp thằng Kút. Đôi lúc,  bà thở dài, cuộc đời thật trớ trêu, đã lấy đi tất cả những gì của thằng Kut. Ánh lửa bập bùng cháy, rồi lụi dần khi trời dần về sáng, ông Breng vẫn ở bên cạnh bà Tiêng, cố cời chút hơi ấm còn sót lại của bếp lửa để giữ ấm cho hai mẹ con đang chìm vào giấc ngủ, với khuôn mặt đầy suy tư.

Nước mưa rơi lộp độp trên mái tranh, đây là cơn mưa mùa thứ năm kể từ ngày H’Nia và các con mất. Thằng Kút vẫn miệt mài làm việc. Bà Tiêng không thấy thằng Kút khóc một lần nào nữa, kể từ ngày nó ôm cái áo của H’Nia khóc lặng giữa suối. Đôi mắt thằng Kut sâu hơn, chiều nào cũng lên khu rừng ma ngồi bên cạnh gia đình nó tới đêm mới về, có đêm nó ngủ lại.

Những đứa trẻ dị tật trong làng vẫn xuất hiện. Nhiều đoàn người ghé làng kiểm tra nguồn nước và đất. Họ ngồi với nhau nhiều cuộc. Kết luận khu rừng làng đang sống tồn dư chất độc da cam. Chất độc màu da cam không phát ra ngay mà âm thầm phát triển trong cơ thể, để lại nỗi đau và nước mắt cho dân làng.

Làng được yêu cầu di dời, nhưng khu rừng này là linh hồn, là máu thịt của làng. Người làng không chịu. thằng Kút không chịu, H’Nia và các con còn đang ở đây, làm sao đi nơi khác được? H’Nia nhìn thằng Kút mỉm cười với nụ cười tươi như hoa rừng, hai tay dắt hai đứa trẻ, theo sau là ông Breng. Thằng Kút nghe H’Nia dặn dò nó giữ gìn sức khoẻ, tiếng nói nhè nhẹ, mỏng hơi sương. Ông Breng nắm tay nó thật chặt, dặn nó hãy chăm sóc amí Tiêng. Hình ảnh trước mắt nhạt nhoà dần dù thằng Kút cố sức nắm tay H’Nia nhưng H’Nia như sương sớm, loãng dần, loang dần vào đêm, rồi mờ dần, mờ dần với nụ cười trong vắt, cùng tiếng cười của hai đứa trẻ…. Ánh trăng vàng nhàn nhạt phủ lấy khu nhà mồ, trong giấc ngủ thằng Kút nở nụ cười…

Thằng Kút mở một lớp dạy nghề làm tượng mồ ngay tại làng, cái nghề làm tượng đang ngày càng mai một, những tưởng không có ai chịu học, vậy mà những đứa trẻ trong làng đến đăng ký rất đông. Có những đứa trẻ đam mê tạc tượng như thằng Kút lúc nhỏ. Chúng đã biết thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri để tạo nên những bức tượng nhà mồ, những người bạn luôn ở bên cạnh bầu bạn, an ủi những linh hồn đi về thế giới atâu bớt cô đơn, lẻ loi một mình.

Thằng Kút đi về phía khu rừng ma.

Dưới ánh chiều tà, những bức tượng mồ như thức cả dậy, lung linh, huyền ảo….

Lê Vi Thủy