ĐÔNG ĐÃ QUA CHƯA?

Trời đang thu, cơn gió heo may nhẹ như lông vũ lướt qua mơn trớn làn da trên mặt, trên cánh tay áo mỏng tang, làm tôi rùng mình khoan khoái. Cảm giác ấy bất chợt khiến tôi như gặp lại mình ngày còn là cô sinh viên sư phạm nhiều mộng mơ với những lần đạp xe một mình lang thang trên con đường vắng phía sau giảng đường. Vẫn là cái lạnh nhẹ nhàng êm ái, vẫn cảm giác của ngày xưa ấy dù giờ tôi đã mon men sang cái năm mươi thứ nhất của cuộc đời. Sao mùa thu dễ khiến cho người ta yếu lòng đến thế? Tôi tưởng mình mới đôi mươi. Chiếc xe đạp theo tôi thong dong trên con đường có những hàng cây điệp vàng, cây bằng lăng đang đeo trĩu quả như những chuỗi cườm xanh óng. Hàng cây không soi bóng xuống dòng sông hiền hoà mà đổ bóng rợp con đường nhựa phẳng phiu bên phía tôi đi. Từng vòng xe nhẹ nhàng lướt qua những bóng cây chập chờn nắng, tôi hít thở thật sâu để cảm nhận sự thanh bình, yên ả của con đường buổi sớm mùa hè trong veo, còn thưa bóng người…

– Cô ơi!

Một tiếng gọi thảng thốt. Tôi giật mình nhìn sang bên kia đường, nơi có hai người đang trò chuyện hay đang níu kéo nhau. Một cô bé chừng mười lăm, mười sáu, dáng mảnh mai, mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt trắng trẻo, dù đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn thấy cô bé có đôi mắt nâu lấp lánh. Chiếc áo trắng rộng thùng thình che hết hai phần cái quần bò đen lỗ chỗ những vết sờn rách ở chân gấu khiến cô bé trở nên đầy cá tính. Và một người phụ nữ với khẩu trang, áo trống nắng kín mít, chỉ để lộ hai con mắt đỏ hoe, thâm quầng.

– Em chào cô ạ! Cô nhận ra em chứ ạ! Cô ơi…! Nó quýnh lên, tay vẫy vẫy như muốn ra hiệu cho tôi đi thật nhanh đến với nó. Tôi thì cứ ngây ra. Có lẽ bởi cái cảm giác thanh nhẹ của buổi sớm mùa hè còn đang mơn man trong tôi chưa kịp tắt…

– Cô ơi cô, lớp… lớp mình… Tiếng nói càng lúc càng như thôi thúc. Đến gần lắm mà tôi vẫn chưa nhận ra.

– Em đi học sớm thế, còn nửa tiếng nữa mới vào lớp mà. Đây là mẹ em?

Người đàn bà bỗng lúng túng, vâng vâng thật nhanh rồi kéo cao chiếc khoá áo chống nắng như muốn trùm kín mặt và nổ máy phóng xe đi thật nhanh. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì cô bé đã lễ phép:

– Em cảm ơn cô ạ! Em chào cô!

Cô bé cũng vội vàng như người đàn bà lúc nãy. Nó mở khoá chiếc xe đạp điện, quay xe và vặn ga, chiếc xe vút đi, để lại mình tôi ngỡ ngàng khó hiểu.

***

Cũng vào chính buổi sáng hôm đó, vừa bước đến cửa lớp tôi đã gặp ngay cô bé đứng đợi từ lúc nào. Vẫn bộ trang phục rất “ngầu” và chiếc khẩu trang quá cỡ che kín khuôn mặt còn hở hai con mắt đang tròn nhìn tôi như chợt nhận ra người vừa gặp trên đường lúc trước:

– Thưa cô, cô là cô giáo chủ nhiệm lớp 11A đúng không ạ? Thầy hiệu trưởng bảo em đợi cô ở lớp.

Cô bé chìa ra tờ giới thiệu của thầy hiệu trưởng. Nguyễn Trường Giang – học sinh trường THPT Khánh Hậu. Lí do tiếp nhận: chuyển trường. Tôi đón lấy mà vẫn chưa hết ngạc nhiên. Tôi dẫn Trường Giang vào giới thiệu với lớp và xếp chỗ cho Giang ngồi cạnh cô bé lớp phó văn nghệ dễ thương. Cuối giờ, Giang xin được chuyển chỗ ngồi sát tường cạnh một bạn nam. Con bé không trò chuyện với ai. Luôn cúi mặt, tránh ánh mắt nhìn của mọi người. Chỉ khi ghi chép bài trên bảng thì buộc nó phải ngước lên. Mắt nó quầng mọng như thiếu ngủ. Kì lạ sao, lúc nào, khi chạm vào ánh mắt con bé, tôi cũng luôn thấy có gì như da diết lắm, bí ẩn và đầy ắp ưu tư…

Một tuần học trôi qua, dường như con bé ngày càng hốc hác, mỏng manh. Nó  vẫn không chịu hoà đồng với lũ bạn. Một vài ý kiến phàn nàn: Giang không hoạt động nhóm, không hợp tác. Nó luôn cắm cúi làm một mình. Bài nó làm cũng rất tốt, bằng cả nhóm cộng lại. Con bé rất thông minh. Nhưng tại sao lại hành xử có vấn đề như vậy? Câu hỏi lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí tôi. Nhiều lúc, tôi cũng có ý định gọi riêng để hỏi han, tâm sự nhưng sợ lại gây áp lực hơn cho Giang. Tôi lân la vào số zalo của phụ huynh để nắm bắt hoàn cảnh:

“Em chào chị”

“Em là giáo viên chủ nhiệm lớp của Giang”

“Cháu vào lớp em sang tuần thứ hai rồi,”

“Cháu rất ngoan, chú ý học, rất thông minh…”

“Dạ”

“Em chào cô.”

“Là em, Giang đây ạ.”

“Em dùng số zalo của mẹ”

“Mẹ em cấm em dùng điện thoại rồi ạ…”

“Ôi, chào em nhé!”

“Em đã quen trường lớp chưa?”

“Em ổn cô ạ.”

“Chỉ là, em không muốn tiếp xúc với ai”

“???”

“ À, cô thấy em thế nào ạ? Không phải theo cách cô nhận xét ở trên…”

“Nói thật cho em”

“Em rất thông minh, xinh đẹp mà!”

“ Không? Ý em là, cô có thấy em dị biệt không?”

“Ôi, không? Sao em lại hỏi thế?”

“Em là đứa dị biệt và bệnh hoạn nữa cô ạ.”

“Em thấy sợ chính mình”

Đang soạn tin…

Tôi im lặng, còn chưa biết nhắn gì…

“Thôi cô ngủ đi kẻo muộn rồi ạ”

“Em chào cô!”

Thế đó, dòng tin nhắn cứ tuôn ào ào rồi tự nhiên ngăn lại cái phựt khiến tôi tưng hửng. Tôi cố an ủi con bé bằng vài tin nhắn nữa. Nhưng chỉ thấy hiện “đã xem” và im lặng… Tôi thao thức suốt đêm vì cuộc trò chuyện đó. Hẳn rằng con bé đang có chuyện rất hệ trọng. Mà tôi không biết phải làm gì. Đành chờ đợi con bé tự mở lòng mình.

Vài hôm sau, Giang bỗng nhiên nghỉ học không lí do. Tôi linh tính có chuyện gì không hay nên mò số điện thoại của mẹ con bé để gọi. Mẹ Giang nói nó ốm xin cô cho cháu nghỉ vài hôm. Hình như tiếng nói ấy đẫm nước mắt. Trước khi tắt máy, mẹ Giang nói với: “Mong cô để ý đến cháu giúp em”.

Nửa đêm. Vừa thiu thiu ngủ, tiếng điện thoại báo tin nhắn làm tôi giật mình. Là số lạ.

“Em chào cô. Em là Trường Giang đây ạ”

“Em đỡ chưa?” – Tôi uể oải soạn tin.

“Em xin lỗi vì đã làm phiền cô lúc này.”

Đang soạn tin…

“Nhưng em bế tắc lắm, em không biết tâm sự với ai”

Đang soạn tin…

“Em muốn cô cho em lời khuyên, em phải làm gì lúc này”

Đang soạn tin…

“Em nói đi” – Tôi nhắn vội để cô bé biết rằng tôi vẫn đang lắng nghe.

Chờ đợi…

“Mà thôi, cô nghỉ đi ạ! Em không làm phiền cô nữa!”

Đang soạn tin…

“Cô ngủ ngon ạ”

Ơ kìa! Con bé đánh thức tôi dậy nói chuyện, rồi nó lấp lửng thế làm sao tôi ngủ được. Cảm giác bứt rứt, khó chịu nửa bực tức, nửa lo lắng khiến tôi trằn trọc không sao chợp mắt được. Con bé thực sự đang rất cần người tâm sự, nhưng nó không đủ dũng cảm hay không đủ tin tưởng mình để có thể gửi gắm tâm sự? Mình phải làm gì cho con bé đây? Chuyện gì đang xảy ra với con bé? Liệu cô bé có nghĩ quẩn không nhỉ?

Tôi nhắn lại tin cho cô bé:

“Em ngủ thật ngon nhé! Chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết mà!”

“Vững vàng lên nhé gái!”

Không tin nhắn trả lời, không thả tim.

Trường Giang vẫn nghỉ học. Đêm thứ hai, cô bé lại làm tôi thức giấc:

“Cô”

Đang soạn tin…

“Em không ngủ được”

Đang soạn tin…

“Những ý nghĩ cứ mông lung trong đầu”.

Cô bé biết tôi đã xem tin, nó nhắn tiếp:

“Nhắm mắt lại mơ thấy những điều khủng khiếp”

Đang soạn tin…

“Em không thể thoát ra được những ý nghĩ điên rồ”

Tôi chỉ dám thả một cái mặt khóc vào tin nhắn. Cô bé cần người lắng nghe, chia sẻ.

Đang soạn tin…

“Em mệt mỏi quá”

“Muốn kết thúc tất cả”

Tôi thả khuôn mặt sửng sốt vào tin nhắn ấy…

Đang soạn tin…

“Nhưng còn mẹ em”?

Đang soạn tin…

“Ai sẽ là người bảo vệ mẹ?”

“Mẹ hằng ngày sống với ông ta. Tàn nhẫn. Độc ác.”

Đang soạn tin…

“Đó là bố em đấy cô ạ. Nhưng là gã điên rồ nát rượu. Lão luôn mồm gọi em là đồ quái thai. Chửi rủa mẹ. Đánh đập tàn nhẫn lắm”.

“Em bị gãy tay, vì lao ra đỡ cây hút bụi giáng xuống đầu mẹ”

Tim tôi thắt lại, sống mũi cay xè…

“Mẹ em khóc suốt”

“Em không biết làm gì giúp mẹ”

Tôi thương nó quá! Tôi cũng không biết phải làm gì giúp Trường Giang. Con bé đang bế tắc.

Im lặng…

“Thôi muộn quá rồi, cô ngủ đi mai còn lên lớp ạ”

“Trường Giang à”

“Mạnh mẽ lên em nhé”

“Trưa mai cô lên thăm em, được chứ?”

Đang soạn tin…

“Dạ, cô không phải lên đâu ạ”

“Ông ta cấm không được cho ai biết”

“Một vài hôm mẹ sẽ chở em đi học thôi”

“Em cảm ơn cô, cô ngủ ngon ạ”

Tôi lại như kẻ bị bỏ rơi… Tôi cũng chưa biết mình có thể làm gì giúp con bé, chỉ biết rằng con bé cần có người trò chuyện. Nhưng rõ là không thể đến thăm nó lúc này…

Đêm thứ ba tôi mất ngủ. Cũng lại là cuộc trò chuyện đầy ám ảnh của nó:

“Cô còn thức không ạ?”

“Cô đây, em đỡ nhiều chưa?”

“Dạ, em đỡ đau rồi cô”

“Tốt quá rồi, nhanh khỏi còn gặp các bạn nhé”

“Dạ”

Con bé dường như ổn hơn. Tôi không dám hỏi chuyện gia đình

“Mai em gặp cô được không?”

“Được nhé, sau buổi học nhé em”

*     *     *

*

Tôi ngồi đợi sẵn trong căn phòng phía cuối hành lang lớp học. Con bé thập thò ở cửa. Nó ngửa mặt nhìn lên biển phòng “Tổ tư vấn tâm lí”. Thoáng bất ngờ, e ngại, nó nửa muốn bước qua cánh cửa về phía tôi, nửa muốn bỏ chạy.

– Trường Giang, vào đây với cô.

Nó bước vào căn phòng, nhìn xớn xác xung quanh. Những tranh vẽ, ảnh các idol quen thuộc của bọn trẻ dán ngẫu hứng trên tường, vài con thú cưng bài trí ở góc tường, mấy chậu hoa đá đang chúm chím… dường như không gian ấm áp, thân thiện đã làm yên lòng con bé. Nó chọn một vị trí ngồi đối diện với tôi, từ từ gỡ cái khẩu trang. Hơn nửa tháng vào lớp, nay mới là buổi đầu tiên tôi nhìn thấy cả khuôn mặt con bé. Khuôn mặt trắng trong như giọt sương trên lá buổi sớm mai, đôi môi mọng đỏ càng tô thêm vẻ thanh tú, xinh xắn cho khuôn mặt. Chỉ ánh mắt to đen láy lúc nào cũng chực rưng rưng. Con bé vò chiếc khẩu trang trong tay, cố thu mình co ro lại. Dường như nó muốn giấu đi tất cả cái cơ thể mà nó cho là bệnh hoạn.

– Cô đợi em lâu chưa ạ?

– Không sao, cô cũng có thời gian soạn sửa một chút căn phòng này.

– Cô trang trí ạ?

– Không, các bạn trường ta đấy. Cô muốn căn phòng là của các em nên để các bạn tự do trang trí theo ý thích…

– Dạ. Em không xứng đáng với căn phòng này. Nó dịu dàng, trong sáng, còn em…

Nó đã sẵn sàng tâm sự. Chỉ chờ đợi có thế, tôi tiếp lời:

– Nhà em có mấy anh chị em?

– Em là cả, dưới em còn một đứa em gái 6 tuổi. Và mẹ em vừa sinh em gái nữa.

Chính vì điều này mà bố em càng uống nhiều rượu hơn mỗi ngày. Mọi nỗi cực nhục từ ngoài đường bố về trút lên đầu mẹ con em. Em là cái gai trong mắt bố, vì em mà bố phải chịu nhục bởi chót khoe thiên hạ là đẻ quý tử đầu lòng, là con trai đặt tên Nguyễn Trường Giang.  Ấy vậy mà lại tòi ra em – một đứa con gái chính hiệu. Ông ý lồng lên như dại, chửi cả nhóm bác sĩ không biết đỡ đẻ…

– Sao em không học ở trên đó cho gần, đỡ vất vả? – Tôi thắc mắc.

Giang chợt nhìn thẳng vào mắt tôi một lần nữa, Người con bé run lên, đôi mắt bắt đầu hằn lên những tia đỏ và ầng ậng nước. Hai bàn tay bấu vào nhau đến nhàu cả chiếc khẩu trang. Tôi thoáng thấy trên cổ tay trắng nõn của con bé có những hình xăm vụng về, hoặc đó là những vết sẹo có đường nét như chủ đích.

Thấy tôi nhìn xuống, con bé phân trần:

– Hình em tự xăm đấy cô ạ. Em muốn mình trông phải thật ngầu, thật mạnh mẽ. Em xăm những hình này bằng một cái nan hoa xe đạp nung đỏ. Mấy hình này là em tự châm cho chảy máu. Sẹo lâu ngày nó thành thế đó cô… Em muốn bảo vệ mẹ khỏi ông chồng tàn ác. Ông ta đánh mẹ không thương tiếc mỗi lần say xỉn… Có lẽ, bởi vì mẹ toàn đẻ con gái… Em thì yếu ớt quá!  Ông ta xách em quẳng vào xó bếp, gãy cả tay… Em đã cố gắng rất nhiều để mẹ bớt khổ. Cố gắng học, cố gắng giúp mẹ trông em. Nhưng mỗi lần ông ta say xỉn về là mọi thứ lại như cơn ác mộng. Ngày em đỗ vào trường chuyên của tỉnh, mẹ xin cho em trọ học gần trường, dù con đường đi xe đạp về nhà chỉ mất hai mươi phút. Em ở trọ ngay gần cổng trường. Mẹ rất yên tâm.

Người chủ nhà trọ sống một mình trên tầng hai, chồng họ là bộ đội, thỉnh thoảng mới về. Người ấy đối xử rất tốt với em. Cho em trọ học không lấy tiền phòng. Người ta coi em như người trong nhà. Thời gian đầu, em phụ việc bán hàng ăn sáng tại nhà. Dậy sớm một chút cùng chuẩn bị đồ để người ta làm món ăn… Em với người ta cứ quấn quýt vậy đó. Người ta chạc tuổi cô,… mà nhìn trẻ lắm. Ăn mặc lại hiện đại nữa. Sáng nào dậy cũng chỉ mặc độc có cái áo sơ mi rộng thôi… Em cũng ngại lắm, … nhưng không biết phải làm sao… Rồi những lúc tối, người ta nhờ đấm lưng, xoa bóp…người ta tâm sự về những thiếu thốn tình cảm. Em cũng thấy tội quá. Có chồng như mẹ em cũng khổ, mà sống xa chồng như người ta cũng khổ quá… Rồi người ta ôm lấy em, sờ soạng khắp người em… Em ngồi im vậy thôi, không có cảm giác gì…Trong lòng chỉ thấy thương người ta quá. Thế mà dần dần, người ta bắt em quan hệ… Em cũng chấp nhận… Em không biết tại sao nữa. Người ta nói không thể sống thiếu em, yêu em rất nhiều và sẽ lo cho tương lai của em… Còn em thì thấy người ta đáng thương… Nhưng cô ạ. Người ta yêu kinh khủng quá. Em về với mẹ một hôm mà tối người ta viện lí do nhờ đến trông nhà để đi có việc. Thế là mẹ lại phải chở em lên ngay. Mẹ không hề biết gì, luôn cảm giác hàm ơn người ta đã cưu mang con mình.

Em cũng thấy mệt mỏi, không tập trung việc học được. Em không thoả mãn người ta thì người ta giận dỗi, làm mình làm mẩy. Em không chịu được nên đã xin mẹ cho về. Mẹ không muốn cho em về vì sợ lại gây chuyện với bố. Em buộc phải nói úp mở chuyện tình cảm. Mẹ chỉ biết đủ để cảm thấy con gái ở đó sẽ nguy hiểm. Mẹ đón em về. Nhưng hằng ngày em vẫn phải đi học. Sáng nào người ta cũng chặn ở cổng để đòi quan tâm em,  năn nỉ đòi gặp em. Có lần người ta kéo xềnh xệch em vào nhà rồi bắt em phải làm chuyện đó… Em cũng làm cho xong rồi vào học…

Tôi chưa hết sửng sốt, cứ ngồi tây ngây ra khi con bé đã dứt câu chuyện. Lúc này, những câu chuyện đời của tôi trở thành nhỏ nhặt quá. Tôi lúng túng vì không biết mình sẽ phải nói gì với con bé… Thực sự, những điều con bé nói vượt ngoài suy đoán của tôi quá xa… Tôi không thể tin được điều đó. Ai có thể tưởng tượng rằng một đứa trẻ chưa kịp lớn phổng phao đã phải chịu bao nỗi nhơ nhớp cực nhục ở đời. Thế mà em vẫn học giỏi, vẫn thi tốt. Tôi sực nhớ:

– Trời, thế ra, cái người phụ nữ đứng với em ở ven đường hôm đó chính là bà ta? Con bé cúi đầu im lặng. Than ôi, thật là một sự trớ trêu. Con bé đã phải chuyển trường xuống nơi thôn quê này mà sao bà ta không chịu buông tha cho con nhỏ. Nó quá tội nghiệp mà.

Biết nói sao với em bây giờ… Tôi quả quyết sẽ vào cuộc để lấy lại công bằng cho con bé, trống ngực tôi đập loạn nhịp, cổ họng như nghẹt lại:

– Cô có thể giúp được gì cho em, em cứ nói cô biết?

– Em cũng không biết phải làm gì bây giờ. Người ấy cũng rất đau khổ khi em chuyển đi. Sáng nào cũng theo em một đoạn đường… Rồi hôm trước hẹn em ra nói chuyện… Em không ra, họ bảo họ sẽ chết cho em thấy!

– Ôi, tại sao lại thế? Chẳng lẽ, em cứ sống thế này sao? Em hãy nói sự thật với mẹ và để người lớn tìm cách cho em…

– Mẹ em mà biết thì khổ mẹ em lắm. Một người khổ là đủ rồi cô ạ!

Ruột gan tôi thắt lại. Trước mắt tôi là con bé chưa đến tuổi trưởng thành mà suy nghĩ như một bà goá phụ tốt bụng. Nó cứ quẩn quanh trong mớ bòng bong của nó, không chịu để ai giúp đỡ.  Rồi con bé sẽ ra sao?

– Hay em ở trọ dưới này đi, cô sẽ tìm nhà trọ cho em. Để tiện học tập và cũng để bà ta không làm phiền em nữa?

– Thôi cô ạ…

Tôi cảm tưởng như máu trong người tôi dâng lên, giần giật nóng bừng:

–  Rồi cô phải làm sao đây? Em phải can đảm lên, không thể sống như thế được em ơi! Người đàn bà đó chỉ lợi dụng em, coi em như một thú vui của bà ta. Bà ấy cần phải dừng ngay hành động đồi bại đó. Nhưng, quan trọng nhất lúc này là quyết định cứng cỏi của em, cô bé ạ. Em sẽ làm lại từ đầu ở ngôi trường này, những chuyện buồn sẽ qua thôi.

– Vâng, em cảm ơn cô! Thôi em xin phép về kẻo muộn ạ!

– Hãy can đảm lên và suy nghĩ đến lời cô nhé!

– Vâng ạ!

Con bé chậm chạp bước ra rồi khuất dần sau bức tường trắng bạch. Tôi còn đứng mãi, thấy lòng nặng trĩu như vừa chịu một mất mát, tổn thương…

*    *    *

Con bé không nhắn tin nữa. Nó vẫn đến lớp đều đặn. Con bé nói họ không còn bám theo nữa. Bố đã bớt uống rượu do vừa phát hiện bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Mắt con bé dường như quầng sưng hơn và có vẻ tiều tuỵ đi nhiều. Gần hai mươi năm dạy học, chưa một lần tôi thấy khó xử đến thế. Những tiết dạy cũng phải chú ý đến câu từ tránh động chạm đến tâm lí con bé. Với tôi, những cô cậu học trò luôn hồn nhiên trong sáng vô ưu, vô lo như cái thuở của chúng tôi ngày ấy chứ đâu biết rằng trong bấy nhiêu ánh mắt nhìn lên bảng kia có ánh mắt nào đang âu lo ngoài bài vở?

* * *

“Cô à”

Lại tin nhắn trong đêm. Tôi hồi hộp chờ đợi…

“Em cảm ơn cô đã luôn bên em trong kì học qua”

Tôi thả một trái tim yêu thương vào tin nhắn.

“Em không thể quên được người ấy”

“Em cũng cần phải có trách nhiệm với gia đình”

“Nên em đã xin về lại trường cũ cô ạ”

“Em chào cô! Cô tạm biệt lớp giúp em ạ”

Trên nhóm lớp vụt hiện dòng chữ “Nguyễn Trường Giang đã rời nhóm Lớp 11A.”

Tôi như chết lặng. Con bé không để tôi kịp nói câu nào. Tôi chỉ kịp thả chiếc mặt khóc vào tin nhắn cuối cùng của con bé.

“Bạn không thể nhắn tin vì Nguyễn Trường Giang đã chặn tin nhắn của bạn”

Lại một đêm mất ngủ. Và nhiều ngày sau nữa. Cảm giác thấy mình vô dụng cứ đeo bám tôi dai dẳng. Tôi chẳng thể tâm sự với ai, chẳng thể giúp con bé việc gì, cũng không biết con bé sẽ sống ra sao trong quãng đời tiếp theo. Nhiều đêm dài tôi thấp thỏm chờ đợi tin nhắn của con bé, chỉ cần nó nói cho tôi biết rằng nó vẫn ổn thôi…

Tôi vẫn đạp xe trên con đường với những tán bằng lăng trĩu những chùm quả đã chuyển sang màu nâu sẫm… Vài hạt đã tự bật ra khỏi vỏ lăn lóc dưới lòng đường nhựa. Hạt nào sẽ mọc lên mầm cây mới đây? Nắng nhàn nhạt chẳng làm cái rét dịu hơn. Tôi hỏi lòng mình: Đông đã qua chưa?

Vũ Nguyệt Khánh Phượng