Đời người tựa hồ cuộc hành trình đến tận cùng thế giới. (Lê Bá Thự)

Bảo rằng, Ba Lan là một “cường quốc văn chương”, theo tôi quả là chí lý. Đất nước Ba Lan không lớn lắm, với số dân gần 40 triệu, đã có tới sáu nhà văn và nhà thơ được giải Nobel Văn học. Đó là nhà văn Henryk Sienkiewicz (1905), nhà văn Stanislaw Reymont (1924), nhà văn Isaac Bashevis Singer (1978), nhà thơ Czeslaw Milosz (1980), nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (1996) và nữ nhà văn Olga Tokarczuk (2018).

Tôi may mắn đã được gặp, trò chuyện với chủ nhân giải Nobel Văn học 2018 hơn 10 năm trước khi đã dịch hai tác phẩm của bà.

Dịch giả Lê Bá Thự và nhà văn Ba Lan Olga Tokkarczuk (Nobel Văn học 2018) chụp tại Krakow năm 2008.

               

Ngày 10.10.2019, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố quyết định trao tặng giải Nobel văn học năm 2018 cho nữ nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk, sau khi giải thưởng này bị hoãn trao năm ngoái vì một vụ bê bối tình dục. Bà được vinh danh lần này vì “trí tưởng tượng trong trần thuật, cùng với sự đam mê ắp đầy bách khoa kiến thức, trí tưởng tượng này đang chứng tỏ, vượt qua mọi ranh giới là một dạng thức của cuộc sống”. Olga Tokarczuk từng tuyên bố: “Văn học là phương cách an toàn để vượt qua mọi ranh giới”. Không bao giờ bà xem thực tại là một nhân tố bất biến, chỉ duy nhất một lần. Tiểu thuyết của bà được xây dựng trên nền tảng của những sự gay cấn tuyệt vời giữa vô vàn những mâu thuẫn: Tự nhiên đối chọi với văn hóa, lý trí đối chọi với điên rồ, đàn ông đối chọi với đàn bà, ngôi nhà đối chọi với cô liêu…

Ngày 18.10.2019, Thượng viện Cộng hòa Ba Lan đã thông qua nghị quyết nhân sự kiện nữ nhà văn Olga Tokarczuk đoạt giải Nobel văn học năm 2018: “Thượng viện Cộng hòa Ba Lan xin chúc mừng bà Olga Tokarczuk đã giành thắng lợi quốc tế. Chúng tôi công nhận công trạng to lớn của bà đối với văn hóa thế giới, kể cả công trạng xây đắp danh thơm của Ba Lan trên trường quốc tế và phát triển văn hóa đọc ở Ba Lan. Chúng tôi xin chúc cho tài năng văn học của bà Olga Tokarczuk sẽ đơm hoa kết trái bằng những tác phẩm nổi tiếng mới”. Nghị quyết trên của Thượng viện Ba Lan cho thấy, nhà nước Ba Lan tôn vinh công trạng, đánh giá rất cao vị trí và vai trò của nhà văn trong đời sống xã hội.

Cũng xin nói thêm, nhà văn Isaac B. Singer là nhà văn lưỡng quốc – vừa là nhà văn Ba Lan, vừa là nhà văn Mỹ, gốc Do Thái Ba Lan. Ông sinh năm 1902, tại Ba Lan (mất 1991 tại Mỹ).

Olga Tokarczuk sinh ngày 29.1.1962 tại Sulechow (tỉnh Lublin, Ba Lan) – nơi bà sống những năm tháng tuổi thơ của mình đến năm 11 tuổi. Sau đó, bà cùng gia đình rời làng quê ra thành phố Kieterz, tỉnh Opole. Tại đây bà theo học và tốt nghiệp trường trung học phổ thông C.K. Norwid. Bà tốt nghiệp khoa Tâm lý Đại học Tổng hợp Warszawa. Trong thời gian học đại học, bà xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc những người bị bệnh tâm thần. Ra trường, bà làm việc tại phòng khám sức khỏe tâm thần ở thành phố Walbrzych. Năm 1989, bà nghỉ việc tại đây để chuyên tâm làm công việc sáng tác. Cũng trong thời gian này bà chuyển về thành phố Nowa Ruda, phía Tây Ba Lan, gần biên giới Séc (Cộng hòa Czech). Phong cảnh đầy thơ mộng của dãy núi Sudety ở vùng này đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số cuốn tiểu thuyết của bà, chẳng hạn cuốn “Nhà này, nhà đêm”.

Mẹ của bà là giáo viên dạy văn học và ngôn ngữ Ba Lan, bố bà phụ trách một thư viện và dạy nghệ thuật dân gian, điều hành nhà hát và đoàn nghệ thuật. Bố mẹ bà rất nghiêm khắc với con cái, được hàng xóm láng giềng nể trọng.

Từ nhỏ, Olga Tokarczuk đã rất thích các chuyến du lịch dài ngày, khám phá các cánh rừng và những làng quê. Bà không nhớ chính xác bà bắt đầu đọc sách từ khi nào, nhưng bà nhớ cuốn sách đầu tiên bà đọc để lại trong bà nhiều ấn tượng và cảm xúc là cuốn “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz (đã xuất bản tại Việt Nam). Bà cũng đã đọc rất nhiều truyện thần thoại Ba Lan.

Để kiếm thêm thu nhập, Olga Tokarczuk từng làm nghề hóa trang tại nhà hát, làm nhân viên bán sách và bán vé, thậm chí làm cả nữ bồi bàn và nhân viên buồng phòng ở khách sạn. Theo bà, việc thời son trẻ bà làm nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau lại hóa hay, đó chính là một sự chuẩn bị vô thức cho công việc viết văn sau này. Bà nói: “Tại vì, tôi xuất thân từ một gia đình nhà giáo tỉnh lẻ, là một cô gái chỉ biết đọc thơ của Stachura và Eliot, thì có thể biết gì nhiều về cuộc sống? Tôi cần có những kinh nghiệm, những trải nghiệm thật sự và tôi đã có được những thứ đó, chẳng hạn việc tôi thực tập tại khoa Tâm thần của bệnh viện Đrewnica. Đó là một sự trải nghiệm quý giá không thể tưởng tượng nổi”. Rốt cuộc bà bỏ hẳn ngành Y, chuyển đến Nowa Ruda, một thị trấn thanh bình, phong cảnh hữu tình, dành toàn tâm toàn ý cho nghề văn. Rất hiếm khi Olga Tokarczuk nói về đời tư của mình. Bà thích các cuốn sách của bà làm việc này thay cho bà.

Olga Tokkarczuk ăn chay từ hàng chục năm nay. Theo bà, bà chịu đựng nỗi đau của con người dễ hơn chịu đựng nỗi đau của con vật. Con người được ưu ái đủ mọi thứ. Khi đau khổ con người có văn hóa và tôn giáo trợ giúp. Con người được Chúa cứu rỗi. Nỗi đau của con người có lý, có mục đích. Còn đối với con vật nỗi đau chẳng ăn nhằm gì, vì chẳng có sự cứu rỗi nào sẽ đến với chúng. Cho nên nỗi đau của con vật cũng chẳng có ý nghĩa lý gì. Thể xác của con vật không thuộc về nó. Nó không có linh hồn. Nỗi đau của con vật là tuyệt đối, là trọn vẹn. Vì vậy đối với  bà, không thể có chuyện lạm dụng các sinh linh khác để làm lợi cho bản thân mình. Và không thể có chuyện giết và ăn thịt…

Nhà văn Olga Tokarczuk nhận giải Nobel năm 2018

Olga Tokarczuk ăn vận theo phong cách riêng của mình. Bà nói: “Tôi không thích ăn vận như mọi người khác. Tôi vốn dị ứng với mốt. Không bao giờ tôi mua thứ gì gọi là mốt. Và tôi cũng không đọc sách mốt, thứ thường mang lại hậu quả chẳng hay ho gì đối với tôi – tại vì rốt cuộc tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Roman Fingas là đời chồng đầu tiên của Olga, cưới năm 23 tuổi. Họ đã cùng nhau gây dựng nhà xuất bản Ruta. Bà nói: “Tôi nghĩ, gia đình là cái lẽ của cuộc sống, nếu như nền tảng của gia đình là thân ái, sự gắn kết, tình yêu và sự nghiệp chung. Thiếu những những nhân tố đó, mục đích của gia đình chẳng còn. Đó là chuyện đương nhiên. Con người thích tạo ra bầy đàn, vì khi như vậy con người cảm thấy mình an toàn, có chỗ dựa, nói chung sống trong một nhóm người thì dễ dàng hơn. Và đó là gia đình”.

Zbigniew là con trai của vợ chồng bà, sinh năm 1986. Olga chia sẻ: “Sinh con trai được vài tháng thì tôi đi làm, nhờ có sự giúp đỡ của gia đình tôi và của chồng. Hình như thời xã hội nguyên thủy, những người mẹ trẻ rất cần đối với mỗi nhóm người, cho nên chẳng thể để họ ở nhà chăm sóc con cái. Họ là những người khỏe mạnh, lanh lợi và năng động, cho nên việc chăm sóc trẻ nhỏ người ta dành cho người già, cho bà và cho ông. Trong một chừng mực nào đó, tôi đã sống trong một gia đình xã hội nguyên thủy như vậy. Vì vậy, tôi xin đa tạ bố mẹ tôi, bố chồng và bà Agnieszka mà vợ chồng tôi có điều kiện đi làm. Thậm chí sau giờ làm việc ở bệnh viện tâm thần tôi và chồng tôi còn tham gia thành lập mạng lưới giúp đỡ những người nghiện rượu”.

Grzegorz Zygadlo là đời chồng thứ hai của Olga Tokarczuk.Về Grzegorz, bà nói: “Chồng tôi quản lý đời tôi, nhờ vậy tôi cảm thấy an toàn, đầm ấm, được chăm sóc và có tổ chức trong mọi cái”. Bà mong đợi những gì ở chồng ư? Bà tuyên bố: “Tôi chờ đợi sự đỡ đần, sự chăm sóc lẫn nhau và sự chấp nhận”.

Tháng 6.2008, nhận lời mời của Bộ Văn hóa và Viện sách Ba Lan, tôi đến thành phố cố đô Krakow dự Hội nghị Ddịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới, với sự tham gia của gần 200 dịch giả đến từ khoảng 70 nước. Tại hội nghị này, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nữ nhà văn Olga Tokarczuk. Đó là một ngày tháng Sáu đẹp trời, mát mẻ, dễ chịu chứ không nóng bức ở Việt Nam.  Biết tôi là dịch giả đến từ Việt Nam bà hồ hởi, cởi mở và thân tình trò chuyện với tôi. Bà tỏ ra bất ngờ và vô cùng xúc động khi được tôi thông tin cho biết, hai tác phẩm “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” và “Vũ nữ ballet” của bà đã được tôi dịch sang tiếng Việt, được người đọc Việt Nam mến mộ. Bà không ngờ tác phẩm văn học của bà lại đi xa, bay xa đến như thế, sang tận Việt Nam. Cuộc trò chuyện thân tình bữa đó với bà Olga Tokarczuk, một nữ nhà văn Ba Lan nhuận sắc và đa tài, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp.

Để kết thúc bài này, tôi muốn trích câu phát biểu rất hàm súc của bà mà tôi lấy làm thích thú: “Đời người tựa hồ cuộc hành trình đến tận cùng thế giới”.

LÊ BÁ THỰ

Trích nguồn: Vanvn.vn