Tống Phước Bảo còn có bút danh Trúc Thiên, có quê cha An Giang quê mẹ Đồng Tháp, sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện sinh sống tại Bình Dương. Có phải được vùi mình ở nhiều miền đất và vùng văn hóa khác nhau, đã hun đúc nên Tống Phước Bảo có góc nhìn và giọng văn lạ, rất Nam Bộ? Có thể nói Tống Phước Bảo là cây bút trẻ viết sung sức hiện nay. Truyện của anh xuất hiện đều đặn trên các báo từ trung ương đến địa phương. Tống Phước Bảo từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi: Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” của NXB Văn hóa Văn nghệ năm 2019, Giải nhất Cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” của Báo Thanh Niên 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội…
1.
Thằng Hết cho ghe bẹo cấm sào dưới gầm cầu khi chiều nhá nhem. Miệng thì làu bàu nửa như mắng vốn nửa kiểu dỗi hờn. Trời thần, tại má hổng nghe đám đó nói chứ tui nghe mà tui tức gần chết. Tui nói ở Chắc Cà Đao, xuôi ghe bẹo khắp mấy con kinh rạch chằn chịt đồng bưng mà kiếm sống. Mấy bà già chề môi xì một cái gần tám thước. Tưởng đâu chứ cái xứ Chắc Cà Đao- Mặc Cần Dưng cùm tay bự hơn cùm chân ai hổng biết. Ta nói nghen, mấy nhỏ con gái nó cười rần rần, tui muốn độn thổ luôn. Mấy người còn ngó cái cùm tay tui, rồi dòm xuống chân tui, gật gù bự thiệt. Tui lật đật chạy về ghe. Nè he, từ nay là hổng có buôn bán gì cái ngữ đó hết. Tui mắc cỡ lắm!
Đằng tây trời nhuộm tím lềnh cả dòng kinh. Đám dây mây ven bờ thuận con nước tháng mười nên xanh tốt rậm rạp. Phù sa theo thượng nguồn đổ về săm sắp mé. Má ra đầu ghe ngó tới ngó lui rồi biểu thằng Hết trùm bạt lá che ghe. Gió kiểu này là trời sắp mưa. Mùa sa giông, mưa thình lình hồi nào hổng hay. Mấy chục nằm trời thương hồ khắp miệt đồng bưng dạy má biết canh con nước, biết nghe hơi gió, biết ngó trời trăng. Trăng tán kiểu này thì sớm muộn cũng mưa. Gió ừng ực hơi nước lạnh nổi da gà thì là có giông. Má tắc lưỡi cái chách rồi lót tót xuống lòng ghe lấy cái dài tay mặc vào. Má mới ngoài bốn chục, trái gió trở trời ưa đau thấp khớp, xương nó cứ thế mà nhoi nhói, buôn buốt. Mấy bận tê quá má nằm co ro dưới ghe, thở dài thườn thượt. Thằng Hết ngó thấy hổng biết phải làm sao. Tỷ như mà nó đánh đổi cái sức đờn ông con trai này cho má được dăm ba phần khỏe được thì hay biết mấy.
Bận như vậy, là nó lại leo tuốt lên mũi ghe, ngồi ngó đám lục bình miên di, dập dềnh theo sóng nước. Ngó tới khi nào buồn ngủ gật gù rồi mới tót xuống lòng ghe mà nằm. Cũng có bận ngồi miết, ngồi đến hết chai đế Cà Đao vẫn chưa thấy hết buồn, vẫn chưa muốn ngủ. Nó nhảy đại xuống sông mà tắm. Cái bức rức nóng nực của lòng mình hay cái bất lực của đời gạo chợ nước sông bị sóng nước vỗ ràn rạt giữa đêm thanh vắng cũng dịu đi đôi phần.
Mưa thiệt, mưa gõ lộp bộp trên nóc ghe, mưa hắt đám nước ngọt lành sau bao ngày dãi dầu rát nắng xuống ngay mũi ghe, chỗ thằng Hết đang mặc cái quần đùi mà hí hửng ngửa mặt lên trời. Hết khoái tắm mưa. Hơn hai chục tuổi đầu, hễ nghe mưa là nó chạy ra mũi ghe mà đợi. Má la riết từ nhỏ đến chừng nó lớn thì má hết la. Mấy bận má hỏi nói khi không mầy đợi mưa cho vậy thằng khùng. Mưa rầu thúi ruột. Mưa buồn thí mụ nội. Tao ghét mưa. Cả đời này muốn ăn thua đủ với mưa. Mỗi mình mầy thích mưa. Hết nghe má nói vậy thì cười hềnh hệch. Mưa mát quá chừng. Mưa lên miệt đồng bưng cho xanh cây, tốt trái. Mưa cho lúa trổ đòng, cho bông trổ trái, cho con gái lấy chồng, cho đàn ông lấy vợ. Ờ cho mấy đứa ngu ngơ như Hết bớt buồn. Mắc gì má ghét mưa? Bận thằng Hết hỏi má vậy. Má im thinh hổng trả lời. Má chửi thằng khùng. Mầy tắm trên mũi ghe. Mưa giông không có nhảy sông mà tắm. Hà bá nó lôi mày đi hổng ai cứu nổi.
Má chửi là chửi vậy chứ mấy bận nhìn thằng Hết tắm mưa ngoài mũi ghe má hay cười mình ên, cười bâng quơ. Mà có lần bất chợt thằng Hết quay qua nhìn má. Thấy mắt má nhòe nước. Hết chạy lại gần má hỏi không dưng sao má khóc. Má lấy tay quệt cái mặt rồi chưng hửng khóc thằng cha mày chứ khóc. Nước mưa tạt vô mặt tao. Ủa rồi thằng cha tui là ai vậy má? Hết cà tửng hỏi lại má. Má với tay lấy cây mây để dành làm bẹo mà quơ về phía Hết. Thằng Hết cười nắc nẻ chạy về phía mũi ghe. Hỏi là hỏi vậy thôi chứ nó cũng biết má đâu có trả lời. Câu hỏi hai chục năm trời lênh đênh theo sóng nước. Câu hỏi cứ vậy mà âm ba trong lòng thằng con trai.
2.
Sớm mơi còn chớm hơi sương, hai má con lót tót từ bến lên chợ bổ hàng để xuôi ghe về mấy con rạch nhỏ bán thì thấy thiên hạ bu đông bu đỏ. Chợ nay ngộ ghê, mấy ông công an đâu ra quá chừng. Ủa mưa gió gì mà chùm mấy cái áo mưa xanh lè kín mít từ đầu tới chân vậy mấy cha? Hai má con vừa xáp đến cổng chợ đã bị la rầy xếp hàng, giữ khoảng cách một đoạn. Má nó quay qua nhìn nó, thằng Hết lắc đầu ra dấu nó có biết gì đâu. Hổng lẽ nay đi chợ như đi học, phải xếp hàng vào lớp. Hay người ta thí đồ, mình xếp hàng mới được nhận. Ủa chú gì ơi, nay người cúng cố hồn hay sao mà bắt xếp hàng nhận vậy. Ủa thím Bảy, nay chợ phát chồng cho má con, phát cha cho con hay sao mà làm rần rần vậy thím. Thằng Hết ngó bên này hỏi, khều bên kia nói. Chợ sớm cười rân trời. Dịch mầy ơi! Thằng khùng quá trời quá đất. Nghe nói dịch bệnh gì đó, nguy hiểm lắm. Giờ xếp hàng xét nghiệm mới được vào chợ. Rồi mầy có khẩu trang chưa? Trời thần hai má con bây từ ghe lên hổng biết gì ráo trọi.
Ai đó la thằng Hết, rồi đưa nó cái khẩu trang xanh lè biểu nó bịt cái mõ lại cho mầy bớt nói. Má nó cũng chụp lấy làm theo. Dịch giã kiểu này thì khổ đến nơi. Đói tới nơi nghen thằng quỷ ơi! Hết nghe má nói, rồi nhìn khắp cái chợ sớm mơi, thấy ai cũng nét mặt căng thẳng, giấu sau cái khẩu trang xanh lè. Phen này hổng xong rồi, bụng nó đánh lô tô.
Tới lượt má con nó phải ngoáy cái mũi. Mấy người ngoáy mũi xong lại phải đứng một bên đợi. Có người được cho vào chợ. Có người thì bị lôi lên xe đi. Ai đó ngó theo nói vậy là dính. Hết đâm ra cũng hoảng. Lỡ hai má con bị lôi đi thì cái ghe ai coi? Đồ đạc hàng hóa, tiền bạc đủ thứ trên đó. Mà nếu nó bị lôi đi một mình, má ở lại sao mà buôn bán hay chống chèo được. Hay má nó bị lôi đi, nó ở lại thì nó chịu sao nổi. Má nó già rồi, lôi đi vậy ăn ngủ rồi bệnh tình ra sao. Nào giờ có hai má con lủi thủi với nhau. Tim nó đập thình thịch. Rốt cuộc cái dịch bệnh quái quỷ gì đây trời. Miệt đồng bưng nào giờ êm ru, giỏi lắm thì mắc mưa cảm, say nắng ho sổ mũi. Chứ chưa khi nào mà căng thẳng khắp xã như vậy.
Nó ngửa mặt lên, người ta cho cái cây ngoáy vào mũi, sâu tận hóc mũi, nó nín thở hổng dám rên la tiếng nào. Tim vẫn đập thình thịch. Nghe hô xong rồi nó lật đật mở mắt ra ngó qua bên kia, thấy má nó cũng vừa kịp đứng lên. Hai má con lại đi về phía nhóm đứng đợi. Ngó qua ngó lại, thiên hạ cũng nín thinh mắt dõi về phía mấy người trùm áo xanh kín mít. Thoáng gần hai chục phút sau, nghe đọc tên, ai hổng được phát giấy thì leo lên xe. Ai được phát cho cái giấy thì mừng như trúng số đề nhảy cẩng lên.
Mẹ con bà ghe bẹo nè, âm tính, đi vô chợ làm ơn giãn giãn ra. Rồi về ở yên trên ghe. Tạm ngưng chạy tới chạy lui mua bán. Dịch giã lây lan tùm lum. Đang có lệnh ai ở đâu ở yên đó. Hổng có chạy kinh này rồi vô rạch nọ nghe hông! Ông công an dặn rõ to. Má nó líu ríu dạ đôi ba tiếng, rồi ra dấu biểu nó vào chợ. Thằng Hết quấn quíu chạy theo má nó.
Thiên hạ phía ngoài vẫn đang nháo nhào. Tiếng khóc cười mới sáng sớm mà rân trời khắp chợ.
3.
Đâu chừng mới năm hôm theo lệnh giãn cách gì đó không được xuôi ghe bẹo khắp mấy kinh rạch của đồng bưng mà buôn bán thì một bữa trưa trời đứng gió, ông trưởng ấp ghé bến dặn má con nó lui cái ghe bẹo núp dưới gầm cầu bắc qua kinh để núp đoàn kiểm tra. Má con bây đâu có hộ khẩu xứ này. Người ta đi kiểm tra là bắt đó. Mà nè dĩ lỡ lát nữa có bị ai kiểm tra thì nói hổm rày ấp có phát hỗ trợ nghe hông! Nói vậy đó cho người ta đi, bây nói vòng vo một hồi bị lôi ra xét nhân thân thì từ nay khỏi mà buôn bán gì ở đây hết nghen. Ông trưởng ấp nổ máy xe cái vèo rồi khuất dần vào xóm.
Má con nó dáo dác nhìn nhau, kịp nghe gì đâu trời, ổng nói nhanh như cái máy. Ổng kêu chui ghe vô gầm cầu kìa. Giỡn chơi hoài má. Cái ghe bẹo nó bự, cây bẹo cao ngất vậy sao chui. Hổng lẽ hạ cây bẹo xuống. Rồi ổng dặn trả lời cái gì kìa. Thằng Hết gãi đầu hỏi má nó. Nãy cứ lo ngó cái bộ dạng của ổng tắc cười gần chết, như con nhái thở hổn hển. Ai đời trưởng ấp mà mặc bộ đồ như hát cải lương. Áo vàng quần xanh, lại còn bông hoa đầy mình. Ngó ổng như đang đóng tuồng vậy đó. Má lắc đầu theo cái nết của thằng Hết rồi nhanh tay hạ cây bẹo, biểu thằng con xuôi ghe vào núp dưới gầm cầu. Thôi thì mình trốn cho lành. Tờ giấy lận lưng cũng hổng có. Mình khác xứ mà con. Nhịn người ta để còn sống đất này.
Xế trưa tí xíu, Út Hết đang ngạo mấy câu vọng cổ thì nghe tiếng rầm rập. Phía trên cầu có tiếng ai hỏi má con bà ghe bẹo. Ủa sáng nay thấy còn đây mà chèn! Tiếng ai đó la sao đã biểu ở đâu ở yên đó để còn kiểm soát. Cho đi lang bang vậy lây dịch rồi sao. Xã này đang xanh, nên cần quyết liệt. Đi bắt hai má con ghe bẹo về đây. Trưa đứng con nước, mây trời im phăng phắc nên tiếng nói từ trên cầu vọng mênh mang xuống lòng kinh. Thằng nhỏ nghe nói bắt bớ sợ hết hồn. Đâu như tiếng của Bà Sáu bên hội phụ nữ hay cho má con nó mấy cái phiếu lãnh quà tết, hoặc cho mấy bộ quần áo của thằng con trai bả để Hết mặc đi ghe. Thằng Hết nhảy ra đại xuống sông, bơi ra phía ngoài quơ tay lia lịa. Đây nè, má con ghe bẹo ở đây, hổng có đi đâu, đừng có bắt. Phía trên cầu kinh lố nhố người ngó xuống.
Cả đoàn xuống bến đứng đợi cái ghe bẹo đang núp dưới gầm cầu kinh nổ máy đuôi tôm lạch bạch cập bến. Mồ tổ cha mày nhen thằng khùng, khi không hạ bẹo chui gầm cầu chi. Đã dặn ở yên để còn xét nghiệm, chích ngừa, kiểm tra. Bà Sáu xuống gần sát bến la bài hải giữa lúc thằng Hết đang ướt sũng khoanh tay trước ngực. Trên bến là cả đoàn người lò mắt ngó hai má con nó. Mấy ông lạ quắc chắc sếp lớn từ huyện hay tỉnh xuống mà áo trắng đóng thùng, thêm mấy ông công an nữa. Có luôn ông trưởng ấp đang mặt nhăn mày nhó.
Thằng Hết thấy run người, thí mụ nội rồi má ơi, giờ biết nói làm sao? Nói thiệt là ông trưởng ấp bắt xuôi ghe đi núp thì hổng được, mà nói dối là bị bắt. Hết quay qua má nó, má nói gì đi chèn, im re vậy, mấy ổng quá chừng tui sợ quíu người rồi. Má nói gì đi, má nhìn hoài vậy trời, mấy cha này đâu có ai đẹp bằng tui. Mặc cho thằng Hết cứ nắm tay má giật giật. Má cứ vậy mà nhìn lên bến, phía đám dây mây được nước đang uống sợi bám bờ, ông áo trắng đóng thùng từ từ tiến sát lại cầu bắc lên ghe bẹo. Ổng lừng khừng rồi bước từng bước một lên. Má thụt lùi từng bước. Thằng Hết ngó ông áo trắng, rồi quay sang má. Thôi rồi, phen này tù mọt gông chứ hổng chơi.
Trưa đứng con nước, lục bình bám sào thành từng dề. Nắng gió đồng bưng mùa nổi thổi ràn rạt, bám rít vào da thịt, khiến thằng Út Hết lành lạnh.
4.
Sẫm tối, Hết nằm ngêu ngao ngoài mũi ghe. “Hò ơi …Bậu người xứ Chắc Cà Đao… Miệt quê xa lắm Qua nào có hay…Thương Qua, Bậu còn chút này…Gởi đò cho bến, gởi mây cho trời”. Câu hát buồn quắt quéo sông nước. Buồn lay phận người. Buồn như con chuồn chuồn bay qua đám dây mây báo mưa rồi mất hút, bỏ lại trên bờ sông cái ghe bẹo linh đinh hai má con phận dạt trôi muôn hướng. Buồn chưa đã cơn thì thằng Hết thình lình sực nhớ. Má nói đi qua nhà bà Sáu lấy giấy mai lên xã nhận quà. Quà phát cho mấy người nghèo. Má đi hồi hoàng hôn thẫm tím, chừng trăng treo lừng lững trời đêm đen kịt cũng chưa thấy về. Nó lồm cồm bò dậy lấy điện thoại gọi má, thì nghe tiếng chuông điện thoại reo dưới lòng ghe. Thôi rồi lại chẳng đem theo. Bà già kì thiệt dặn chục lần đi đâu làm ơn giắt cái điện thoại theo đặng người ta gọi. Đêm hôm rồi biết đâu mà lần. Nó điện cho Sáu. Đầu dây bên kia Sáu à ờ lát má mầy dìa. Mà lát của Sáu thì cả tiếng vẫn hổng nghe hơi má. Nó lót tót chạy đi tìm má.
Nhà Sáu cập mé kinh, đèn sáng trưng, bà Sáu phụ nữ nổi tiếng xứ này. Hổng biết sao má quen Sáu, nhưng chỉ biết khi nó bắt đầu lớn lên thì đã thấy má với Sáu thân thiết. Chuyện gì má cũng tìm Sáu. Có gì Sáu cũng cho má. Mấy cái bộ đồ nó mặc cũng toàn là Sáu lấy đồ cũ từ anh Bạc con Sáu cho. Cũ người mà mới ta. Nó cứ ních vào là vừa y. Anh Bạc đâu chừng hơn nó vài tuổi. Tướng tá cũng hao hao. Hồi còn nhỏ thì sau mỗi chiều đi ghe, má hay dẫn lên bờ ghé nhà Sáu. Nó lẽo đẽo theo anh Bạc chơi. Nhà Sáu là xưởng gạch nức tiếng xứ này. Gạch Chắc Cà Đao- Mặc Cần Dưng thì trăm năm đã định danh khắp sóng nước Cửu Long. Gạch chín lửa, kiểu làm thủ công của người Khmer lưu truyền bao thế hệ. Hồi đó giao thương ghe xuồng tấp nập. Xứ này hàng trăm lò gạch chạy dọc cầu mười cây số, đâu đâu cũng thấy lò gạch. Dân mần công khiên gạch thì ngày người khiên cả thiên, nên dân xứ khác mới ghẹo người Chắc Cà Đao- Mặc Cần Dưng cùm tay bự hơn cùm chân là vậy. Nhưng rồi thời cuộc thay đổi, gạch ngoại đổ từ thành phố về, đẹp hơn, rẻ hơn, năm bảy loại màu, trăm ngàn hoa văn. Thứ gách thủ công quê mùa chỉ mang cái màu vàng vọt của phù sa châu thổ dần dà mất hút. Mười cái lò gạch thì dẹp hết tám cái. Số còn lại thì lay lất theo thời vụ. Lò gạch nhà Sáu cũng dẹp dần từ hồi cha anh Bạc mất.
Anh Bạc lớn lên học trên Sài Gòn về cũng chẳng theo nghiệp gia đình, mà xin ra xã làm bàn giấy. Nhà cửa cũng còn chút của để dành nên vẫn khang trang ba gian mái ngói, cột rường gỗ láng bóng. Sáu mở cái quán cà phê cặp bờ kè trên phần đất lò gạch cũ. Quán cà phê mát rượi gió sông nên thiên hạ cũng bu đông mỗi bận chiều tối. Mấy ngày lễ tết kẹt lính chạy bàn, Sáu hay biểu thằng Hết lên phụ. Mỗi bận vậy Sáu hay dắm dúi vào tay Hết một hai trăm ngàn. Mà má dặn rồi, ơn của Sáu nhiều lắm, đâu dám lấy. Không lấy thì Sáu hổng cho về ghe. Vậy là mỗi bận lên phụ Sáu nó đổi thành mớ đồ của anh Bạc. Sáu cười hề hà. Anh Bạc cũng cười, dẫn nó vô phòng lôi hết mớ quần áo ra cho nó lựa. Nó thích cái gì thì lấy cái đó, mới cũ gì anh Bạc cũng cho ráo.
Mấy bận tết, anh Bạc dẫn nó ra thị trấn vô tiệm mua toàn đồ mới. Anh Bạc hay khen nó mặc đồ nhìn láng lẫy. Mặc áo đóng thùng mang giầy là y trang thiếu gia con nhà giàu nghen Hết. Đâu còn thấy cái thằng ghe bẹo thường ngày. Bận năm ngoái nó mặc mấy bộ đồ tết đi chạy bàn quán cà phê, người ta ghẹo quá chừng. Có mấy nhỏ con gái xin số điện thoại, hay mấy bà bóng hát lô tô hội xuân í ới níu áo làm nó mắc cỡ đỏ mặt chạy trối chết. Sau bận đó nó nói anh Bạc thôi nghen, tui mặc đồ cũ thôi, hổng ấy mặc áo thun quần tà lỏn được hông? Chứ mặc mấy cái đồ vía này hổng quen.
Hết tới nhà Sáu thấy vắng hoe, quán cà phê nghỉ bán theo lệnh của xã. Kêu năm hồi bảy lượt mới thấy anh Bạc thủng thỉnh đi ra. Anh Bạc cũng à ờ chắc lên xã lấy quà chưa về. Hai anh em bắt ghế ra ngồi sát mé kinh, châm bình trà tỉ tê chuyện cũ càng. Anh Bạc kể chuyện hồi nhỏ mấy bận đi học bị ăn hiếp ngoài cổng trường toàn thằng Hết đèn trùi trũi cao to hơn tuổi tả xung hữu đột cứu nguy. Hay thoảng khi hai anh em trốn học mùa mây chín cây, lang thang dọc triền sông quấn đầy dây mây, thằng em quen thương hồ sóng nước lúc nào cũng trèo cây hái liệng xuống cho thằng anh ở dưới chụp. Mùa nước nổi tràn bờ, hai đứa xuôi ghe vớt điên điển. Rồi bận hết vụ lúa, đêm hai đứa đi bắt chuột đồng. Nhiều lắm cái kí ức xưa xa anh Bạc kể nghe ròn rọt. Kể tới kể lui anh Bạc nhắc chuyện ngày nay. Đời ghe bẹo thương hồ thời thế này rồi cũng sẽ sớm lụi tàn. Sóng nước dập dềnh khiến đời người ta cũng hẩm hiu trôi nổi. Lên bờ đi Hết! Lên bờ để má còn an nghỉ heo may đường tà bóng xế. Lên bờ đặng thằng Hết còn yên thân mà tính chuyện thành gia lập thất. Lên bờ đi Hết, đâu có ai sống hoài cái phận đời gieo neo theo lớn ròng con nước. Sóng nước xứ mình nó nghiệt lắm!
Thằng Hết lặng yên nghe giữa thinh không đám bìm bịp gọi bầy vang vọng. Gió từ sông thổi vào làm lòng nó se sắt. Đêm nó về thui thủi trên chiếc ghe bẹo đợi má. Đợi đến thiêm thiếp đi vào giấc ngủ hồi nào hổng hay.
5.
Sớm trời hửng nắng, Hết đang mơ màng thì Sáu lay nó dậy, phía đầu mũi ghe có cái ông thanh tra mặc áo đóng thùng hôm bữa thập thò đứng đợi. Lòng ghe của má con nó hai chục năm trời mới có người lạ vào ngồi. Sáu lặng thinh. Người đàn ông lạ ngập ngừng. Hết ngó nghiêng bên này, lại dòm sang bên kia.
Hồi má bây còn con gái, thiệt tình chỉ là đứa trẻ mồ côi người ta bỏ rơi ở bến phà Châu Giang, may nhờ được một gánh hát về diễn xứ đó họ thấy được rồi lụm về nuôi. Ruổi rong theo gánh hát khắp đồng bưng cho đến hồi chập chững lớn lên làm cô đào chánh. Hồi đó đoàn hát cúng miễu bà ở Châu Đốc thì mà gặp cha bây. Nhưng hồi tượng hình mầy thì bên gia đình ổng hổng ưng. Người ta gia đình thương phú danh giá nhất nhì cái Châu Đốc làm gì ưng một con đào hát làm dâu. Người ta làm áp lực bắt nhổ bến, cho người chặn đường dí đoàn. Má mày sợ đoàn bị liên lụy nên trong đêm cứ tất tả trốn lần trốn mò đến sáng thì đò cập Chắc Cà Đao. Năm ba hôm nằm nghĩ quẩn, một đêm mưa gió não nùng má bây từ phía cầu kinh tính gieo mình xuống lòng sông thì may nhờ chồng Sáu cứu. Từ đó Sáu cưu mang cho đến ngày má mầy sinh nở. Có con rồi má mầy lại thèm được sống. Cứ mỗi lần đau buồn hay tủi hờn lại nhìn đứa con mình mà cố bám víu cuộc đời này cho trọn phước phần của người mẹ. Rồi bắt đầu tập tành lênh đênh sóng nước theo chiếc ghe bẹo mà ruổi rong sống qua ngày. Đâu có ngờ… Ờ thì đâu có ngờ người năm xưa gặp lại thình lình như vậy. Ổng là cha mầy đó.
Thằng Hết chưng hửng theo lời Sáu nói. Nhìn ông thanh tra đang cúi gằm mặt xuống. Trời thần tui đâu có may phước mà có cha. Tui đâu có duyên mà bước vô nhà giàu sang quyền quy. Tui con bà ghe bẹo. Thôi thôi ông dìa giùm cái. Lúc má con tui khổ ông ở đâu? Nắng gió mưa bão má con tui trốn chui trốn nhủi trong cái lòng ghe này còn ông thì nằm trên giường êm nệm ấm. Thôi thôi ông dìa đi, chục năm nay hổng có ông má con tui vẫn sống, chục năm tới, hổng có ông má con tui cũng đùm túm nhau chứ chẳng bao giờ bỏ rơi nhau. Máu mủ ruột rà thì dù đứt một ngón tay cũng đau thấu tâm can mà ông. Dìa đi ông!
Hết vừa nói vừa khóc. Rồi má tui đâu? Sao giờ này bả chưa dìa ghe vậy Sáu. Lòng ghe chao đảo. Sáu nói gì đó mà Út Hết nghe tiếng được tiếng mất. Gì mà nằm viện? Gì mà giai đoạn cuối vậy Sáu? Má ơi! Thằng Hết chạy ra mũi ghe, lảo đảo bước qua cầu bắc rồi nhảy lên bờ. Cứ nhắm hướng bệnh viện huyện mà chạy.
6.
Mùa dịch bệnh viện gắt gao, thằng Hết cũng phải che khẩu trang, xét nghiệm rồi chờ một đỗi mới vào được phòng của má. Má nằm đó, môi tái nhợt. Hồi hôm má đang ngồi nói chuyện với Sáu, nói chuyện về cái ông thanh tra của tỉnh thì chợt làm mệt bủn rủn chân tay, khó thở. Sáu bắt xe lên trạm xá người ta cấp cứu rồi chuyển lên huyện. Người ta làm xét nghiệm thì ra là giai đoạn cuối của phổi rồi con. Má có nhờ Sáu dắt ổng về cho mày biết mặt, đặng sau này còn có nơi nương tựa. Má thở hổn hển. Má nói gấp gáp. Nước mắt má chảy. Môi má run. Tay má nắm chặt tay thằng Hết. Tưởng là chẳng thể gặp lại, ai dè cuối đời ngay khúc ngặt nghèo này má cũng kịp nói cho mầy nghe. Thôi mà con, cha của bây, dù phài dù quấy cũng là cha mình. Bây muốn má nhắm mắt yên không?
Thằng Hết hổng biết trả lời má sao. Nó gục đầu vào tay má. Lòng bời bời như sóng nước tháng mười, mùa nổi dập dềnh hai bên mép ghe. Sóng đánh tròng trành lảo đảo, ghe cứ chông chênh ngã nghiêng. Tâm trí nó như trận mưa sa giông kéo mây đen giăng kín trời.
Chiều Sáu ghé canh má cho nó về ghe thu dọn đồ đạc. Nó ra mũi ghe ngồi nhìn bất động giữa thinh không. Anh Bạc bước lên hồi nào nó cũng hổng hay. Giờ đâu phải là lúc đeo mang cái hận thù xưa xa nữa Hết à! Phải làm má vui, phải làm má muốn sống với thằng Hết đến bạc đầu. Chuyện chạy chữa tiền nong thì ổng lo hết. Ổng cũng đã yêu cầu chuyển lên thành phố để khám kĩ càng hơn. Chuyện của mầy giờ là phải bình tĩnh. Phải chung tay với ổng mà lo cho má. Mọi thứ gác lại. Lòng mình đâu thể cùng lúc mà toan tính năm ba thứ chuyện. Dẹp cái ghe bẹo đi. Lên bờ cho má an dưỡng. Cứ ở tạm nhà tao nè. Cứ coi như nhà mình vậy đó. Ăn ở bao nhiêu đâu!
Thằng Hết ngã người nằm ngó trân trân lên mấy đám mây xám u hoài một chiều đồng bưng hiu hắt gió. Má còn bao nhiêu năm nữa đâu? Con đò nào rồi cũng phải cập bến. Dòng sông nào rồi cũng lắng phù sa. Nước ròng rồi nước cũng lớn. Hổng lẽ nó cứ trĩu lòng để đời má nó gieo neo dâu bể vậy hoài? Nó nhảy ùm xuống sông, đưa tay ngoắc anh Bạc. Tắm lần cuối để từ mai tui lên bờ nhen anh!
7.
Bệnh viện tỉnh cho má về sau đợt xạ trị lần đầu, nhưng người ta nói chỉ còn đâu chừng hai tới sáu tháng à, mùa này dịch giã tùm lum, chuyển tới chuyển lui mệt lắm, không nhất thiết phải lên thành phố, tỉnh nay cũng đã nhập máy móc hiện đại. Chỉ là …ờ thì chỉ là má đi vô thời kì cuối rồi. Nên hãy để má sống những ngày còn lại thiệt vui, ăn thiệt ngon, ngủ thiệt đã. Thằng Hết nghe môi mình mằn mặn.
Nhưng mà trước mặt má nó, lại là thằng Hết khùng khùng hồi nào. Nè bà già, người ta nói bà khỏe rồi, giờ về chứ ở trong này dịch không à! Kỳ này mình chơi sang, nay tui mua xá xíu ngon nhất vùng cho bà ăn nè. À, để lát tui vớt điên điển về nấu canh chua cho bà ăn nghen! Mùa này điên điển rợp sông. Thằng Hết cứ tếu táo vậy tận khi về đến nhà Sáu.
Chiều ông thanh tra tỉnh lại ghé ngang, ổng ở lại tận đến tối trời mới quay gót. Thằng Hết chui lên ghe bẹo thu dọn mớ đồ còn sót để dời qua nhà Sáu. Chiếc ghe nó hổng bán, cứ để cặp mé kinh vậy đó làm kỉ niệm. Dù gì cũng là cả quãng đời sông nước nuôi sống hai má con nó.
Nó về nhà Sáu gặp lúc má đang ngồi ngoài mái hiên hóng mát. Má nói nhớ cái ghe bẹo, chừng nào má khỏe thì xuống ghe, chứ ở đây phiền Sáu má ngại. Sáu thì xua tay lia lịa ở vậy cho vui, ở vậy cho ấm áp. Chừng hết bệnh khỏi đi ghe, ở đây phụ Sáu bán quán. Má hổng nói gì, móc ra trong túi áo một xấp tiền đưa cho Sáu. Tiền hồi nãy ổng đưa đó Sáu. Sáu giữ giùm đặng lo cho tui. Chừng nữa tui có gì Sáu lo cho thằng Hết. Thằng khờ câm à Sáu. Hồi tui đẻ nó tui đặt cái tên để coi như mình buông bỏ tất cả. Coi như mọi thứ vô phần bạc phước của tui sẽ chấm hết từ lúc tui bồng bế nó trên tay. Quãng đời sau này của nó, Sáu thương nó giùm tui.
Sáu khóc, anh Bạc khóc. Chỉ thằng Hết khùng là cười hề hà. Bà già tui bả hay diễn lắm, bị hồi xưa bả làm đào hát mà. Bả khỏe re, chiều còn đòi mai ăn lẩu mắm bông điên điển. Giờ bày đặt gởi gắm này nọ. Ủa rồi má hổng sống thì ai nuôi tui chèn? Nè he, má đẻ tui ra đâu phải má muốn bỏ là bỏ tui trời? Má phải ráng ăn, ráng khỏe, mai mốt còn dạy tui hò Chắc Cà Đao- Mặc cần Dưng nữa chứ.
Thằng Hết nói vậy rồi mình ên đi ra kinh. Gió từ bờ kinh thổi mắt cay xè. Nó lén giấu mình vào đám dây mây, lúc này mới dám khóc to thành tiếng. Trăng mười sáu, sáng gì mà sáng thấu cả nỗi đau.
8.
Thằng Hết dùng dằng nhưng vẫn nghe lời má, nó hổng dám làm má buồn. Nó bắt xe qua Châu Đốc một ngày tỉnh nới lệnh giãn cách. Trước cái ngôi nhà to cao bề thế, cổng xây kiên cố, phủ sơn trắng toát, nhìn thôi là đã dị ứng cái kiểu cách cao sang quyền quý. Má nói ông thanh tra tỉnh nhờ má cho nó qua bữa nay, đám giỗ bà nội nó. Ông thanh tra có về thưa chuyện với cha ổng, cha ổng muốn nhìn thằng cháu nội rơi. Vậy là má biểu đi, mà nè đi thì đi, nhưng mà tui sẽ coi như tui câm nghen má. Bị tui học ngu, quen thương hồ đãi bôi, mở miệng ra nói có móc câu hay cây dầm, thiên hạ nghe hổng đặng thì lại um sùm. Mà tui đi là vì má, chứ tui hổng phải con cháu nhà giàu, còn cái mớ trái cây này tui đâu có mua, tui hái trong vườn nhà Sáu tui đem qua, tui thắp nhang xong tui về, hổng ở lại ăn uống gì ráo. Cái nết tui vậy đó. Má thở dài thườn thượt khi nghe thằng Hết làu bàu.
Nhưng thằng Hết cũng không thể ngờ, thiên hạ nhìn nó rồi trầm trồ chỉ trỏ. Cái thứ con rơi thì nó y hệt à! Thằng Hết nghe chứ, nhưng nó làm thinh, nó thấy đâu có giống thằng cha thanh tra tỉnh, nó mà thương ai thì nó hổng có bỏ rơi người ta đâu. Chỉ có những ai đã từng bị bỏ rơi mới thấu hiểu được cái uất ức nghẹn ngào và đau đớn tột cùng của lòng dạ mình. Nó nhìn ông già tóc bạc phơ ngồi ở cái trường kỷ giữa nhà thì giật mình. Đúng là một nét. Chục ông già, nhưng chỉ cần hai ánh mắt giao nhau nó biết đâu là người cần tìm nó.
Thắp nhang cuối lạy xong thì nó cũng được mời vào một phòng riêng. Thiên hạ chào nó. Người xưng ông nội, người biểu là dì nó nhưng gọi má cũng được nghen con. Đứa thì chạy tới kêu anh hai, anh ba. Nghe mà ngơ ngác rồi mỏi mệt. Hóa ra ông thanh tra lấy bà vợ con nhà môn đăng hộ đối thì chỉ sanh được thêm ba cô con gái. Hèn chi nhất quyết ông nội nhận cháu trai. Bà dì ngọt ngào nắm tay rươm rướm nước mắt. Nó tỉnh queo cười hề hà. Tui xong rồi tui về nghen ông thanh tra. Tui sống trên cái ghe bẹo hai chục năm trời nên lên bờ tui hổng có quen.
Ông già tóc bạc trắng phẩy phẩy cái tay, thôi con, bây giờ là cháu nội ông thương gia nức tiếng Châu Đốc sao mà ở ghe bẹo. Về đây sống với ông nghen. Ông cho bây năm công đất, ông cất cho cái nhà, ông cho bây xe cộ rồi học nghề đặng mần ăn. Thằng Hết nghe mà rụng rời, thình lình được có của nả kiểu này nó hổng ham. Nó lừng khừng rồi đứng lên xin về. Thôi tui dìa với má! Cái người cần bù đắp là má tui kìa! Chứ từ lâu…ờ thì từ lâu nhà tui là cái ghe bẹo. Tui hổng có gia đình với ai hết đó. Tui là con hoang, như cái đám dây mây mọc ven bờ kinh Chắc Cà Đao mà thuận con nước thì lớn lên. Phù sa nuôi tui. Sông nước che chở. Gió thương, trăng quí. Cứ vậy mà thong dong sống. Ông thanh tra có lòng nhưng mà con nước muộn thì đám dây mây biết có ra bông?
Thằng Hết bỏ chạy. Dân tình nháo nhào. Tiếng gọi với theo lao xao. Trưa nắng rát đâu có mưa, sao mặt nó ướt nhem vậy chèn!
9.
Nhưng đâu có kịp mà bù cho má, hôm tỉnh cho loa báo hết giãn cách, giờ sống chung với dịch. Người ta phát cái phiếu cho má con nó đi chích ngừa. Nó cầm chạy về cho má thì thấy Sáu hớt hãi ngoài cổng nhà mếu máo. Má nó đi nhẹ tênh, hổng kịp để nó nhìn. Sáu nói má muốn tro cốt rải xuống dòng kinh này. Má dặn thằng Hết ráng sống tử tế. Đời má gieo neo theo chiếc ghe bẹo nên chẳng mong đời thằng con phải lênh đênh sóng nước nữa. Thằng Hết gào khóc, thằng Hết gục ngay bên xác má.
Hôm đám má, người nhà ông thanh tra qua nhiều. Thằng Hết chẳng biết buồn hay vui khi ông già đầu bạc chống cây gậy bảo nếu nó muốn thì đem má về thờ bên nhà từ đường. Giờ ổng coi như dâu con trong nhà. Thằng Hết lắc đầu quay đi. Nó ở đâu thì má ở đó. Đời má sóng nước thì trả về với sông ngòi kinh rạch. Nó thờ má trong lòng chứ đâu cần cửa vàng mâm son, cô đơn lạnh lẽo lắm! Ông thanh tra mắt đỏ hoe nắm lấy tay nó. Coi như ba xin con một lần trong đời! Thằng Hết nấc nghẹn trong cuống họng.
Một sớm mùa nổi, điên điển vàng bờ kinh. Nó ôm hũ tro của má leo lên chiếc ghe bẹo, anh Bạc ngồi sau lái máy đuôi tôm nổ bành bạch, cứ vậy mà ra giữa dòng. Nó chở má rong ruổi khắp mấy con kinh rạch mà hai chục năm nay chiếc ghe bẹo vẫn ngược xuôi. Nó thả tro má trôi theo dòng nước. Nó dựng cây bẹo lên, treo trên đó vành khăn trắng. Nó hát ngêu ngao: “Má về kinh Chắc Cà Đao…Bỏ con ở lại như dao cắt lòng”. Câu hát cứ vậy mà mênh mang theo gió, quyện giữa thinh không, âm ba vọng vang sóng nước xứ này.
Gió kiểu này là trời sắp mưa. Mùa sa giông, mưa thình lình hồi nào hổng hay. Đầu mũi ghe bẹo, thằng Hết vẫn cứ đứng đợi.
Tống Phước Bảo
Bài viết liên quan: