Benedict Anderson khi nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã cho rằng: Tính đại trà của báo chí và tiểu thuyết giúp độc giả có thể hình dung về một cộng đồng gồm nhiều người khác bên cạnh họ, tiêu thụ cùng một tài liệu, do đó tạo nên sự kết nối giữa những người vốn không có bất kì mối quan hệ cá nhân nào.
Văn chương mở ra không gian để các công dân chia sẻ nhận thức, niềm tin về cùng một cộng đồng quốc gia, mở ra hình ảnh về sự hiệp thông giữa họ. Mặt khác, khả năng của văn học trong việc kiến tạo hình dung về cộng đồng thống nhất liên quan đến kiểu trần thuật bằng cái nhìn toàn tri về thế giới. Ở đó, các cá nhân sống bên cạnh nhau, hành động đồng thời trong thời gian rỗng. Lối trần thuật toàn tri tạo ra một thế giới nơi người đọc “giống như Chúa, xem A gọi điện thoại, B mua sắm và D chơi bi-a cùng một lúc.”(1) Điều này cho phép độc giả tưởng tượng về cộng đồng thống nhất. Nếu Anderson lập thuyết về cấu trúc văn hóa của cộng đồng thì Nguyễn Quang Thiều qua các tác phẩm văn học về đề tài phụ nữ và chiến tranh như Những ví dụ, Hai người đàn bà xóm Trại, Bên ô cửa những toa tàu thời chiến… đã thực hành kiến tạo hình dung một cộng đồng thống nhất với những con người đi qua chiến tranh bằng niềm khát khao cháy bỏng về tương lai hòa bình.
Những ví dụ là bài thơ văn xuôi được in trong Sự mất ngủ của lửa – tập thơ giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 và đánh dấu bước đổi mới của thơ ca Việt đương đại. Hai người đàn bà xóm Trại là một trong những truyện ngắn thành công nhất trong sự nghiệp văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều, được chuyển thể thành phim Thời gian của dòng sông do NSND Bạch Diệp đạo diễn. Bên ô cửa những toa tàu thời chiến in trong tập tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố, được Nxb Hội Nhà văn phát hành năm 2012. Ba tác phẩm thuộc ba thể loại văn học khác nhau nhưng đều chia sẻ một đề tài chung là số phận người phụ nữ dưới tác động của hoàn cảnh chiến tranh, từ đó kiến tạo hình dung về cộng đồng Việt trong và sau tình huống lịch sử đặc biệt này.
Ba tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều không mô tả trực diện khung cảnh chiến trường mà tái hiện chiến tranh từ một chiều kích khác, chiều của những người ở lại hậu phương. Trong Những ví dụ, gương mặt chiến tranh ẩn sau đời sống của bao người vợ liệt sĩ với chuỗi tháng ngày lặng lẽ, gian lao chốn quê nghèo. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, dòng sông Đáy như đường biên chia hai nửa biền biệt: nửa những người chồng qua sông đi vào mặt trận, nửa những người vợ ở lại chờ mong khắc khoải. Trong Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, đoàn tàu như là tác nhân làm rỗng làng quê khi rất nhiều người trẻ cứ lần lượt lên tàu ra chiến trường. Các nhân vật khác nhau ở những không gian khác nhau cùng chia sẻ hiện thực chiến tranh. Và từ một hiện thực chung ấy, tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều như là những biểu đạt về huyền thoại cộng đồng Việt với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm.
Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, như chính nhan đề tác phẩm, được gợi cảm hứng từ hình ảnh ô cửa của những đoàn tàu hỏa chạy qua làng quê. Nó mở ra hai cảnh tượng đối lập gắn với hai thời điểm trong và sau chiến tranh. Nếu như trong thời chiến, con tàu đi về phía mặt trận mang theo gương mặt những người lính trẻ chật cả ô cửa thì sau chiến tranh, con tàu phía Nam trở về “ô cửa đã vơi đi nhiều gương mặt và có những ô cửa trống rỗng.”(2) Hình ảnh ô cửa toa tàu là cơn cớ gợi lên những suy tư về con người, về dân tộc, về sự liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Ở câu chuyện này, chi tiết buổi liên hoan tiễn những người lính lên đường vào mặt trận như một chỉ báo cho thấy sự thống nhất ý chí, cảm xúc của cộng đồng làng xã, và rộng hơn, của cộng đồng quốc gia trong bối cảnh đất nước lâm vào chiến tranh. “Trong buổi tiễn đưa đó, bọn trẻ con chúng tôi được xem biểu diễn văn nghệ. Đội văn nghệ của làng hát những bài hát về đất nước và về chiến tranh.” Những bài hát về đất nước, về chiến tranh là một phần lí do cổ vũ tinh thần của những người lính chuẩn bị bước vào mặt trận. Họ sẵn sàng lên đường và sẵn sàng chiến đấu bằng tất cả trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần. Chi tiết ấy phản ánh hình dung thống nhất trong cộng đồng về truyền thống yêu nước vốn đã được nối dài cả ngàn năm. Nó âm vang lời chất vấn đanh thép khi kẻ thù vô lối đẩy sông núi nước Nam vào họa binh đao. Nó nối dài truyền thống đoàn kết, “nhân dân bốn cõi một nhà” để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Và trực tiếp, nó như một lời thưa trước tiếng hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”(3) Hình ảnh các chàng trai, cô gái nối nhau lên đường vào mặt trận trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều phản ánh không khí chung của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ: không khí toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chống Mĩ. Những người trẻ sẵn sàng gác lại tình thân, gác lại những nhu cầu cá nhân để xông pha tiền tuyến. Vẫn biết, cái giá của chiến tranh luôn luôn phải trả bằng máu và nước mắt, thêm một đoàn tàu đi là có thể sẽ thêm một người con trai hay một người con gái của làng ngã xuống vì trúng đạn, nhưng không vì thế mà những người con trai con gái đó từ chối lên đường. Nhìn rộng ra, con người Việt Nam nói chung không vì gian khổ hi sinh mà nhụt chí sờn lòng. Ngược lại, tình thế chiến tranh như một thứ lửa thử vàng để từ đây ánh lên chất vàng ròng của đức kiên trung. Đó là cách kiến tạo hình ảnh cộng đồng dân tộc Việt thống nhất – sự thống nhất của tinh thần yêu nước, của khát vọng hòa bình.
Trong không khí toàn dân tập trung lực lượng cho công cuộc kháng chiến như thế, một hệ quả tất yếu là những khoảng lặng cá nhân riêng tư có xu hướng mờ đi. Mọi người đồng lòng hòa tiếng nói cá nhân cá thể vào tiếng nói chung của cộng đồng dân tộc. Cho nên, những người phụ nữ ở lại hậu phương có cùng một tâm thế như lời người đàn bà xóm Trại: “Chúng em thế nào cũng chịu được. Chỉ lo cho các anh hòn tên mũi đạn.”(4) Dù vất vả lam lũ, họ vẫn thấy họ an toàn hơn người đàn ông của mình đang phải ngày đêm đối mặt với những tình thế hiểm nghèo. Và bằng tất cả tấm lòng của người vợ thương chồng, họ đủ sức mạnh để “chịu được” gian nan. Trong Những ví dụ, Nguyễn Quang Thiều mô tả: Những người đàn bà góa bụa làng tôi gồng gánh trên vai, trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả. Họ mộng du qua những cơn gió hồng hoang nổi lên lúc mặt trời lăn vòng cuối cùng vào bóng tối. Họ mộng du trong những cơn mưa tiền sử lúc bình minh vừa vực dậy sau một cơn sốt đêm.(5)
Nguyễn Quang Thiều viết bài thơ này năm 1992, lấy nguyên mẫu từ những người vợ liệt sĩ làng Chùa – những người vốn được cộng đồng ghi nhận như là “ví dụ” của đức hi sinh. Tác giả không tái hiện cảnh quan nông thôn từ góc nhìn lãng mạn với hình dung thiên nhiên thơ mộng hay những người phụ nữ xinh đẹp lộng lẫy mà mô tả nông thôn qua không gian “những con đường mòn” – thứ cảnh quan xù xì thô ráp được liên tưởng như là “cột sống dị tật” ghi dấu nỗi vất vả của bao đời phụ nữ Việt. Những người vợ liệt sĩ được gọi chung bằng một cụm danh từ lột tả chân xác tình huống bi đát của số phận: “người đàn bà góa bụa”. Họ sống như kẻ mộng du ở tất cả các khoảnh khắc thời gian trong ngày, lúc hoàng hôn buông xuống cũng như khi bình minh thức dậy. Họ là những người đàn bà lặng lẽ, vất vả, cô đơn. Và họ chờ đợi, trung trinh chờ đợi.
Sự chờ đợi là minh chứng cụ thể cho tấm lòng thủy chung của những người đàn bà hậu phương, là mạch nguồn sức mạnh cho chính họ và cho cả người đàn ông ngoài tiền tuyến. Mary Lefkowitz khi nghiên cứu về thần thoại Hi Lạp đã chỉ ra rằng, trong cuộc chiến thành Troy, nếu không có sự hiện diện của người phụ nữ, Odysseus “đã không bận tâm đến việc trở về nhà.”(6) Cũng như thế trong Hai người đàn bà xóm Trại, sự chờ đợi của người đàn bà hậu phương là điểm tựa tinh thần cho những người lính nơi chiến trường. Người lính xông pha và hẹn ước: “Đến tết, kháng chiến thành công chúng tôi về.” Người lính chiến đấu và đinh ninh: “Sắp hòa bình rồi. Chúng tôi sẽ về cả thôi.” Qua ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh viễn cảnh chiến thắng bao giờ cũng song hành với khát vọng trở về. Nhà văn từ đó cho thấy sự đan bện giữa tình yêu đất nước và tình cảm vợ chồng trong hành trang người lính khi ra trận. Viễn cảnh về hòa bình và sự trở về liên quan trực tiếp tới một động lực tinh thần to lớn, đó là sự đợi chờ của người đàn bà chốn hậu phương.
Ở Hai người đàn bà xóm Trại, chờ đợi trở thành trạng thái tồn tại chủ yếu trong hành trình sống của hai người đàn bà có chồng đi chinh chiến. Truyện ngắn mở đầu với khung cảnh một đêm mưa cuối đông, trong ngôi nhà nhỏ ven chân đê làng Chùa, hai cụ bà Ân và Mật nhắc chuyện gói bánh chưng đón tết, kết thúc vào tảng sáng hôm sau, khi “gà trong xóm bên kia chân đê thi nhau gáy ran”, hai người đàn bà tỉnh giấc và tiếp tục hỏi nhau dự định gói bánh chưng ngày tết. Có thể thấy, Nguyễn Quang Thiều đã nén thời gian trần thuật chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian được trần thuật lại mở ra đằng đẵng gần trọn kiếp người theo dòng hồi ức và những cơn mơ. Trong kí ức chập chờn nhớ quên, hai người phụ nữ thấy lại chính mình thuở chưa ngoài 20 tuổi. Bao nhiêu mong ngóng đợi trông được hiện lộ qua hành động lặp đi lặp lại: gói bánh chưng ngày tết. Việc gói bánh chưng không chỉ thuần túy là di dưỡng một phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng Việt mà còn là sự ngoại hiện hóa một cảm xúc riêng tư: gói bánh vì niềm tin khấp khởi “năm nay thế nào anh ấy cũng về”. Nó dựng lên chân dung bất biến về người phụ nữ chờ chồng.
Câu chuyện về sự chờ đợi của Hai người đàn bà xóm Trại gặp gỡ với chủ đề bức tranh Đợi của họa sĩ Trần Trọng Thượng. Trong tác phẩm mĩ thuật này, hình ảnh được đặt ở vị trí trung tâm là chiếc nồi gang bắc trên bếp củi đang đỏ lửa. Đồ vật ở vị trí trung tâm và đồng thời, con người dịch sang ngoại vi, thu lại côi cút. Nhân vật của bức tranh là người đàn bà được tạo hình trong thế ngồi co, tay bó gối, đôi mắt không nhìn về bếp lửa mà hướng xa vô định. Những chi tiết ấy cộng hưởng với nhau kể câu chuyện về một người đàn bà đã để tâm trí trôi ra ngoài không gian căn bếp – nơi bà đang thuộc về. Ở không gian đó, những ngọn lửa đỏ, những bắp ngô khô, những chiếc nồi cũ, những viên gạch vụn…, tất cả trở thành chứng nhân cho một trạng thái hiện sinh đơn chiếc. Cùng với nhan đề Đợi, bức tranh mở ra hun hút các chiều thời gian trong cõi riêng của nhân vật. Chốn ấy, người đàn bà đã dành cả thanh xuân để hoài vọng một người đi xa chưa về. Và hiện tại, người đàn bà vẫn đang chắt chiu tháng ngày tuổi già ngắn ngủi còn lại để ngóng chờ một cuộc đoàn viên chưa tới. Có thể nói, với Đợi và Hai người đàn bà xóm Trại, sử dụng chất liệu màu sắc, đường nét hay ngôn từ, họa sĩ và nhà văn đã cùng nhau kiến tạo hình dung về hiện thực chiến tranh, hình dung về nửa bên cạnh chiến trường: nửa của những phụ nữ hậu phương đã sống trọn một đời trong chờ đợi.Xây dựng chân dung người đàn bà thôn quê chờ đợi trong chiến tranh là cách nhà văn kiến tạo hình ảnh cộng đồng với truyền thống tôn vinh cái cao cả thuộc về những phụ nữ bình dị. Đặt cạnh nhau hình dung về cộng đồng thuộc các nền văn hóa khác nhau có thể giúp chúng ta nhận diện sự tương đồng ở xu hướng này. Nó liên quan đến truyền thống văn hóa của những cộng đồng đề cao phụ nữ và tính nữ. Nhà phê bình Paula Gunn Allen khi nói về các tộc người Mĩ bản địa truyền thống đã chỉ ra rằng: “Người phụ nữ lớn tuổi thực hiện vai trò chăm sóc ngọn lửa của cuộc sống. Bà ấy giống như con nhện có chức năng đan dệt cộng đồng lại với nhau trong một liên kết bền chặt.”(7) Đó là người lưu giữ, nuôi dưỡng, duy trì ngọn lửa văn hóa, kết nối thành viên, đem lại sức mạnh cho tập thể. Trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều, người phụ nữ không được mô tả như vị thủ lĩnh nhưng họ cũng chính là những người truyền cảm hứng, sức mạnh cho cộng đồng. Phụ nữ và mái nhà của họ là một lí do quan trọng để người lính quyết tâm chiến đấu, chiến thắng và trở về.
Anderson đề xuất hình dung về dân tộc như một cộng đồng hài hòa, thuần nhất, được hình thành trên cơ sở tương đồng về gia đình, về bộ lạc hay sự chia sẻ cùng nhau một lịch sử chung, một thể chế văn hóa giống nhau. Những tác phẩm viết về phụ nữ và chiến tranh của Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ hình dung về cộng đồng thống nhất, đó là tập thể những con người đi qua chiến tranh bằng tất cả ý chí chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc. Nó được mô tả như những diễn ngôn đại tự sự về tinh thần yêu nước, về đức hi sinh của con người Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều một lần nữa cho thấy chiều kích của văn chương “là vô tận, và vô tận – theo nghĩa chủ động, bởi nó là văn chương.”(8)
ĐẶNG THỊ BÍCH HỒNG
Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
——–
(1). Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, Verso, London, 1993, tr.26.
(2). Những trích dẫn tản văn Bên ô cửa những toa tàu thời chiến nơi bài viết này đều từ nguồn: Nguyễn Quang Thiều, Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.108.
(4). Những trích dẫn truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại nơi bài viết này đều từ nguồn: Nguyễn Quang Thiều, Tác phẩm chọn lọc, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2011.
(5). Những trích dẫn bài thơ Những ví dụ trong bài viết này đều từ nguồn: Nguyễn Quang Thiều, Sự mất ngủ của lửa, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
(6). Lefkowitz, Mary R, Women in Greek Myth, London: Duckworth, 2007, tr.277.
(7). Allen Paula Gunn, The Sacred Hoop: Recovering the Feminine in American Indian Traditions, Boston: Beacon, 1986, tr.11.
(8). Jean-Luc Nancy, The Inoperative Community, University of Minnesota Press, Minneapolis, 1991, tr.65.
Bài viết liên quan: