Tìm đọc các bộ sưu tập câu hát dân gian đã được xuất bản ở Sài Gòn giai đoạn từ năm 1888 đến 1945 với những người mở đầu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Bá Thời…, dù không biết gì về lịch sử cũng sẽ thấy rất rõ sự có mặt của người Pháp ở Nam Bộ đã tác động một cách tự nhiên đến đời sống hàng ngày của nhân dân qua các câu hát dân gian được truyền miệng từ người này sang người khác.
Một trưa hè cách đây không lâu, tôi ngồi với một người bạn từ miền Trung vào, uống mấy ly bia hơi Sài Gòn trong cái quán ven đường phía bên Thủ Thiêm, lúc ấy cầu Ba Son chỉ mới khởi công được nửa đường, còn ngổn ngang cát đá xi măng. Đã quá đầu giờ chiều, quán vắng tanh chỉ còn 2 đứa, câu chuyện về thuở thiếu thời của một đứa li quê và một đứa bám quê cũng đã dịu dần. Trong không gian yên tĩnh chỉ lao xao tiếng gió lùa trong mấy đám dừa nước xung quanh bỗng vang lên câu hát ru con bằng cái giọng miền Tây ngọt lịm:
Ầu ơ…ơ… Anh ham chi đồng bạc con cò
Bỏ cha bỏ mẹ, ầu… ơ… ơ bỏ cha bỏ mẹ theo phò Lang- Sa… ơ…. ơ
Người bạn ngạc nhiên hỏi “trời đất, cũng có câu hát ru con về đồng bạc con cò luôn hử?”. Tôi – cái đứa hơn 20 năm điền dã khắp vùng quê Nam Bộ, táy máy tò mò với bao nhiêu cuốn ca dao dân ca Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến nay – khẳng định chắc nịch “có chứ, thậm chí còn nhiều nữa là khác”. Nói rồi, từ từ nhẫn nha đọc cho bạn nghe hết câu ca này đến câu ca khác, câu chuyện lại tiếp tục kéo dài cho đến lúc mặt trời từ từ trôi xuống phía bên kia sông Sài Gòn, đỏ au một vùng mây nước mênh mông.
Trải qua thời kỳ dài mấy mươi năm là thuộc địa của Pháp từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1945, bên cạnh những tác động mạnh mẽ về chính trị và kinh tế thì văn hóa miền Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Pháp ở nhiều mặt như giáo dục, ngôn ngữ, văn chương, sinh hoạt vật chất và tinh thần… Tránh sao khỏi những dấu ấn đậm nét của người Pháp để lại trong những câu hát dân gian xưa cũ của miền Nam do nhân dân sáng tác, những câu hát ấy không nhằm để miêu tả, kể lể về bối cảnh xã hội, chính trị của đất nước trong thời kỳ đặc biệt ấy mà chỉ là do người dân mượn cớ để nói về tâm tư tình cảm của mình. Tìm đọc các bộ sưu tập câu hát dân gian đã được xuất bản ở Sài Gòn giai đoạn từ năm 1988 đến 1945 với những người mở đầu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Bá Thời…, dù không biết gì về lịch sử cũng sẽ thấy rất rõ sự có mặt của người Pháp ở Nam Bộ đã tác động một cách tự nhiên đến đời sống hàng ngày của nhân dân qua các câu hát dân gian được truyền miệng từ người này sang người khác.
Về sinh hoạt vật chất, có lẽ nên nhắc đến trước hết là đồng bạc Đông Dương mà vẫn được lưu hành trong nhân dân qua nhiều cái tên khác nhau như “đồng bạc trắng”, “đồng bạc đầu hình” , “bạc trắng hoa xòe”, “đồng bạc con cò”, “bạc trắng thằng Tây”… Các cách gọi như trên đều nhằm để chỉ các loại tiền lưu thông ở các nước Đông Dương trong thời thuộc địa. Sau khi chiếm được Đông Dương, Pháp cho phát hành đồng bạc chung này để nhằm ổn định tình hình tiền tệ ở các nước thuộc địa và cũng để dễ bề điều hành kinh tế thương mại. Đồng bạc trắng hay đồng bạc con cò tức là để chỉ màu trắng của loại bạc đúc tiền và hình con cò (thực ra là hình con ó nhưng dân gian nhìn như con cò quen thuộc của nước mình) in dập nổi trên một mặt của đồng tiền.
Câu hát ru con của cô gái miền Tây ở trên như một lời trách móc người yêu vì ham “bạc trắng thằng Tây” mà theo giặc Lang Sa, đầu quân vào làm lính tập để ăn lương. “Lang- Sa” hay Pha Lang Sa, Phú Lang Sa hay Phú Lãng Sa … là cách mà người Việt dùng để chỉ người Pháp ở Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 19 một cách phổ biến mà ngày nay không còn dùng nữa.
Tương tự như câu hát ru con ở trên cũng có một câu hát là lời trách móc của cô gái với người đàn ông của mình:
“Tham chi bạc trắng thằng Tây
Anh đi lính tập bỏ bầy con thơ”
Lính tập là các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức thành lập nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp các thế lực chống đối và nhằm bảo vệ an ninh của chính quyền cai trị sau khi chiếm được Nam Kỳ. Tên đồng bạc con cò còn xuất hiện trong những câu hát dân gian có tính huê tình, giao duyên nam nữ, chứ không chỉ là lời trách móc người chồng theo giặc như câu hát ru con ở trên
“Cưới em phải bạc con cò
Đâu phải hẹn hò nói chuyện đẩy đưa”
Hay
“Con cò nó bạc như vôi,
Chứ tôi với bạn xứng đôi quá chừng”
Cụm từ “con cò nó bạc như vôi” khiến ta dễ liên tưởng đến hình ảnh con cò trắng muốt, một biểu tượng quen thuộc trong văn học Việt Nam và là một loài vật quen thuộc trên cánh đồng lúa ở các vùng nông thôn nước ta. Tuy nhiên trong câu này lại dùng để chỉ đồng bạc con cò – đồng bạc Đông Dương của Pháp, cũng vừa nói đến sự bạc nghĩa bạc tình, chỉ vì tiền tài vật chất mà đôi lứa phải chịu xa nha.
Hoặc ngược lại, là lời trách móc của chàng trai bị người yêu phụ bạc cũng vì cái nghèo hèn của mình, tình yêu của anh ta bị vụt mất bởi những đồng bạc trắng. Có thể đó là lời trách cứ, giận dữ:
“Thằng Tây đen, đồng bạc trắng
Em ham chi đồng bạc con cò
Đêm nằm với nó đen mò như cục than”
“Anh tiếc cho em phận gái má đào
Ham đồng bạc trắng, dấn mình vào Tây đen”
Hay lại là lời thương tiếc xót xa của anh chàng khi nhìn tấm thân xinh đẹp nõn nà hay nhân phẩm của người yêu mình bị chà đạp bởi đồng tiền:
“Ngán thay đồng bạc con cò
Tiếc thay giá trắng đen mò vì mi”
Ngoài cách gọi là đồng bạc con cò hay đồng bạc trắng thì “đồng bạc đầu hình” cũng là cách mà dân gian Nam Bộ hay dùng để chỉ đồng bạc Đông Dương này.
Giàu kết dươn, khó lại phụ tình,
Sao mình không nhớ thưở bạc đầu hình trao tay”.
“Cái thân em nom kỷ cũng tỷ như đồng bạc đầu hình,
Người người ai cũng muốn nhìn,
Bớ anh ôi, lăng xăng đương buổi chợ, biết gởi mình vào đâu?”
Đồng bạc đầu hình chính là cách mà dân gian dùng để gọi đồng xu mà mặt trước in hình bà đầm Marianne đầu đội vương miện cùng hào quang tỏa sáng (biểu tượng nền Tự do của Cộng hòa Pháp).
Những đồng tiền ngoại thương vào nước ta thế kỷ XIX
Ngoài ra, còn một tên gọi nữa về đồng bạc Đông Dương đã từng được nhà văn Ma Văn Kháng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, đó là đồng bạc trắng hoa xòe. Trong một câu hát dân gian cũng có nhắc đến tên gọi này:
“Em ham đồng bạc hoa xòe
Trốn cha trốn mẹ đi kể thằng Tây”
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Trong lúc tôi đang thao thao bất tuyệt với anh bạn về kiến thức của mình thì phía sau hàng dừa nước lại vang lên câu hò ngọt xớt:
“Hò.. ơ…ơ.. Cha mẹ tôi sinh ra ba người con gái, bày người con trai. Phận tôi là út, kết thúc cây kiềng vàng. Áo đen kia ba mớ, bạc đầu hình chẵn trăm… hò ơ ơ ơ…”./.
LA MAI THI GIA
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: