Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1)

Sáng 21.12, tại thành phố Thái Nguyên, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1) để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đại hội đã góp ý báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của Hội Nhà văn Việt Nam và bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 4-2025.

Quang cảnh đại hội

Tham dự đại hội có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Hùng – Ủy viên BCH, Trưởng ban Tổ chức Hội viên; nhà thơ Hải Đường – Phó ban Kiểm tra Hội, cùng các nhà văn thuộc 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Về phía khách mời của tỉnh Thái Nguyên có bà Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, bà Vũ Thị Thu Hường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu chỉ đạo đại hội
Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu chào mừng đại hội

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ  2020-2025, văn học Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn. Sự đa dạng không chỉ dừng lại ở nội dung mà trong cả hình thức biểu đạt. Điều nhận ra trước tiên là các nhà văn không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào.

Văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống.

Nhà văn Hà Phạm Phú – Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ phát biểu ý kiến

Văn học cũng tập trung đề cao, tôn vinh những giá trị nhân văn, tinh thần dân chủ, lòng tự tôn và tự tin dân tộc. Những tác phẩm sáng tác đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng phản biện, cảnh tỉnh trước sự biến chuyển đa chiều của xã hội, chỉ ra những nguy cơ đối với tâm hồn, phẩm giá con người. Cùng mạch tiếp nối về đề tài lịch sử, 5 năm qua, sự xuất hiện của thể loại hồi ức, hồi ký và ký ức chiến tranh có thể coi là hiện tượng đáng lưu tâm…

Hệ thống giải hàng năm của Hội đã được bổ sung thêm giải văn học thiếu nhi và giải thưởng tác giả trẻ. Hội cũng đã mở rộng giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, đẩy mạnh dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới; tổ chức hội nghị và lễ tôn vinh nhà văn lão thành; triển khai dự án sách miễn phí, đưa gần 10 vạn sách đến với trẻ em vùng sâu, miền núi….

Đồng thời, các cơ quan cấp 2 của Hội là Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Bảo tàng Văn học Việt Nam, NXB Hội nhà văn, Vanvn.vn, Trung tâm Bảo vệ tác quyền… có nhiều đổi mới trong hoạt động, bắt kịp xu hướng thời đại, giới thiệu tác phẩm của hội viên.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế còn tồn tại để khắc phục trong nhiệm kỳ mới: Chưa có nhiều tác phẩm thực sự tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội; việc phát hiện và tôn vinh tác phẩm giá trị đôi lúc còn chưa kịp thời; các cơ quan cấp 2 của Hội còn lúng túng trong quy hoạch nhân sự, kéo dài nhiều năm…

Đại biểu bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc

Phát biểu chào mừng đại hội, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đánh giá cao những đóng góp của các nhà văn Việt Nam tại khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung và các nhà văn Thái Nguyên nói riêng. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thái Nguyên luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật. Đến với Thái Nguyên dịp này hy vọng các nhà văn sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, thân thiện…

Đại hội tham gia thảo luận, góp ý vào Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2020 – 2025 và phương hướng nhiệm kỳ 2025 – 2030, với nhiều ý kiến nhiệt thành của các nhà văn.

Các ý kiến đề cập một số nội dung: Tăng cường công tác lý luận phê bình để định hướng thẩm mỹ cho độc giả; đẩy mạnh quan hệ quốc tế; việc quảng bá tác phẩm văn học ra quốc tế cần có sự quản lý, tăng cường quảng bá những tác phẩm có chất lượng; Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm đầu tư sáng tác cho hội viên, cần có kế hoạch tổ chức đi thực tế sáng tác đồng đều cho hội viên các vùng miền; Đội ngũ nhà văn Việt Nam cần thêm những người viết văn trẻ, có kế hoạch bồi dưỡng, thu hút các cây bút trẻ; việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Hội tinh gọn, hiệu quả…

Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm trong đại hội

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hoan nghênh những ý kiến chân thành, trung thực góp ý cho Ban Chấp hành Hội và cá nhân Chủ tịch nhiệm kỳ qua cũng như nhiệm kỳ tới hoạt động ngày càng tốt hơn vì lợi ích của hội viên. Ông cũng cho biết, tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI, trang Vanvn.vn đã mở diễn đàn “Ý kiến hội viên” cho các nhà văn hội viên cả nước đóng góp ý kiến. Lãnh đạo Hội không viết thay các nhà văn, mà trong khả năng chỉ có thể kết nối, tạo điều kiện, tiếp thêm động lực sáng tác. Văn chương là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đến tầm cao mới, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới…

Đại hội cũng đã tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI và bầu 42 đại biểu tham dự Đại Hội Nhà văn toàn quốc lần thứ XI.

Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.150 hội viên, trong 5 năm qua kết nạp 210 hội viên mới, thành lập thêm 14 chi hội trong cả nước.

Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm khi có dịp hội ngộ ở Thái Nguyên

 

Nguồn: vanvn.vn