Jay Gatsby, gã đại gia phóng khoáng, si tình trên sách và màn ảnh là biểu tượng cho sự đối lập giữa các giá trị thực và ảo của nước Mỹ thập niên 1920.
The Great Gatsby là danh tác tiểu thuyết của nhà văn F. Scott Fitzgerald. Cuốn sách đã nhiều lần được chuyển thể thành phiên bản điện ảnh và truyền hình. Trong đó, nổi tiếng nhất là bộ phim năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann với vai chính Jay Gatsby thuộc về tài tử Leonardo DiCaprio.
Jay Gatsby là một gã nhà giàu cô độc với quá khứ ít ai thấu tỏ. Anh là triệu phú tự thân của nước Mỹ những năm 1920, sống trong dinh thự hoàng tráng. Khi màn đêm buông xuống, đây là nơi thường xuyên sáng đèn với những bữa tiệc xa hoa.
Người ta kính trọng, khinh bỉ, bàn tán, đồn đại về Gatsby. Nhưng chỉ mình Nick Carraway, người hàng xóm mới chuyển tới, có cơ hội bước vào thế giới nội tâm của Jay Gatsby. Từ đây, câu chuyện về gã nhà giàu vừa là ông chủ, vừa là nạn nhân của thời đại sản sinh ra anh, đã được làm sáng tỏ.
Nước mỹ ở thập niên 1920
Trong bài nghiên cứu 1920s: A Decade of Change đăng trên Tar Heel Junior Historian số mùa xuân năm 2014, tác giả Barrett A. Silverstein đã gọi thập niên 1920 là thập kỷ của sự thăng hoa với khởi đầu rực rỡ và khép lại trong bi kịch.
Thập niên 1920 bắt đầu bằng sự trở về của những binh lính Mỹ từ chiến trường châu Âu. Sau khi trông thấy sự phát triển huy hoàng và tàn lụi của lục địa già sau đại chiến, họ trở về với khao khát làm chủ một cuộc sống đủ đầy và ấm no hơn.
Tham vọng này được tiếp sức bởi đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Thập niên 1920 đánh dấu sự bùng nổ trong xã hội xứ sở cờ hoa khi người dân sở hữu nhiều xe hơi hơn, nhiều đài phát thanh hơn và lần đầu tiên, được sử dụng điện thoại.
Sự dư dả về vật chất dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong bộ mặt xã hội đương thời, bắt đầu từ gia tăng các nhu cầu giải trí. Tiếp đó là các phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Phụ nữ thời kỳ này đã có thể diện những chiếc váy ngắn lộng lẫy, uốn tóc, đeo những món trang sức cầu kỳ và được quyền bầu cử.
Gatsby và giấc mơ Mỹ
Fitzgerald lựa chọn bối cảnh những năm đầu thập niên 1920 để bắt đầu tác phẩm. Nước Mỹ trong Đại gia Gatsby là hiện tại của ông. Thừa mứa của cải vật chất, con người bị ám ảnh bởi chủ nghĩa sở hữu, say mê hưởng thụ mà không nhận ra đám mây của cuộc Đại suy thoái đã ở phía chân trời.
Xã hội tiêu thụ ngây ngất trong nhạc jazz và những làn sóng mới trong sáng tác văn học – nghệ thuật chính là tấm canvas hoàn hảo để Jay Gatsby thỏa sức phô bày sự giàu có và độ chịu chơi.
Tương truyền vua nước Kiệt tại Trung Quốc đã ban lệnh mỗi ngày phải cống vào cung 100 súc vải lụa chỉ để đem xé vụn, đổi lấy tiếng cười của ái phi Muội Hỷ. Trong Đại gia Gatsby, Jay tổ chức những buổi tiệc xa hoa chỉ để thu hút ánh nhìn và trái tim của người con gái anh yêu say đắm.
Jay Gatsby từng là một gã trai nghèo tên James Gatz ngày ngày làm việc bán sức nuôi thân. Gatsby đã gặp và yêu Daisy khi còn đi lính. Nhưng tình yêu của họ bị ngăn cấm vì Gatsby chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.
Giải ngũ, Gatsby quyết chí làm giàu bằng mọi giá. Tình yêu với Daisy chính là kim chỉ nam, tương lai hạnh phúc bên cô – chính là lý tưởng sống của Gatsby. May mắn đã mỉm cười với Gatsby khi anh gặp được một người cầm tay chỉ việc, giúp anh gây dựng cơ nghiệp sau này.
Khi trở nên giàu có, Gatsby sử dụng danh tiếng và thành công của mình làm món qùa dành tặng Daisy – giờ đã là vợ của một người đàn ông giàu có. Nhưng Daisy lại chẳng màng tới anh.
Gatsby là hiện thân của những người cựu binh bước ra từ Chiến tranh Thế giới I, khao khát một tương lai yên ấm hạnh phúc bên gia đình. Và tương lai ấy được họ bảo đảm bằng sự tích lũy của cải vật chất.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra Gatsby là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Anh từ tầng lớp lao động nghèo vươn lên trở thành một trong những ông chủ đáng ngưỡng vọng trong xã hội đương thời, nắm trong tay cả công danh và quyền lực.
Gatsby là công dân của một thời đại nơi ranh giới về giai cấp, phẩm tước đã bị xóa mờ. Ai cũng có cơ hội để vươn lên, chỉ cần họ dám đánh đổi. Với Gatsby, anh đánh đổi lương tâm trong sạch, chấp nhận nhúng chàm để đổi lấy tiền tài và địa vị.
Mặt khác, Gatsby cũng chính là mặt phù phiếm và bi kịch của giấc mơ Mỹ. Dù đã giàu có không ai bằng, nhưng khi đứng trước người con gái mình yêu, Gatsby vẫn nguyên vẹn mặc cảm thấp kém năm nào. Anh vẫn là một kẻ cô độc, không bạn bè, không tri kỷ dù vẫn tiếp đón hàng trăm khách khứa ra vào tư gia.
Gatsby có tất cả nhưng vẫn ra về trắng tay. Tiền bạc không mang lại cho anh tương lai hạnh phúc hằng ấp ủ. Sự giàu sang chỉ càng khoét sâu hơn nỗi đau hết lần này tới lần khác vuột mất tình yêu duy nhất của cuộc đời.
Đó là mặt trái của giấc mơ Mỹ. Giấc mơ được vun đắp bằng tham vọng vươn tới một cuộc sống đủ đầy hơn, nhưng bất lực trong việc chỉ ra cho kẻ đang mơ định nghĩa hai chữ “đủ đầy”.
Gã si tình giữa xã hội phù hoa trống rỗng
Cùng một thời điểm, Đại gia Gatsby buộc khán giả phải đặt ra câu hỏi, Gatsby là kẻ mù quáng hay người tỉnh táo duy nhất giữa xã hội thượng lưu Mỹ những năm 1920.
Người phụ nữ luôn đẹp nhất trong ánh mắt kẻ si tình. Có lẽ vì vậy, với Gatsby, Daisy luôn là cô gái hoàn mỹ, xinh đẹp và kiều diễm nhất. Nhưng Daisy xét cho cùng chỉ là một trong số rất nhiều người tồn tại như ảo ảnh trống rỗng giữa thời đại phù hoa.
Daisy, tình yêu duy nhất của cuộc đời Gatsby, đã lập gia đình với Tom Buchanan và sống cuộc đời nhung lụa nhờ khối tài sản nhà chồng. Nhưng cuộc đời hoàn hảo của cô vẫn có những khiếm khuyết.
Tom là một gã đàn ông ích kỷ, trăng hoa đã có nhân tình tên Myrtle Wilson. Daisy buộc phải nhắm mắt làm ngơ vụ ngoại tình để duy trì cuộc sống trong nhung lụa.
Khi gặp lại Gatsby và chiêm ngưỡng khối tài sản khổng lồ, cô lập tức gần gũi với anh, để tình cảm của những tháng ngày xưa cũ sống lại, bất chấp đó là mầm mống của một vụ ngoại tình.
Về phần Tom Buchanan, Daisy với anh ta cũng chỉ là một vật sở hữu, tương tự cô nhân tình Myrtle. Buchanan ghét cảm giác họ bị cướp mất khỏi tay mình. Chính vì thế, khi vụ ngoại tình của Daisy đến tai, anh ta tự tin có thể giữ vợ nhờ vào khối tài sản và danh tiếng của gia đình.
Dường như, chỉ đứng trước Buchanan, Daisy mới hiện nguyên hình là một người phụ nữ thực dụng. Và đứng trước Daisy, Buchanan cũng thể hiện bản thân chẳng tử tế hơn. Họ chính là cặp đôi “nồi nào úp vung nấy”, những kẻ thượng lưu ích kỷ, vô cảm và đầy toan tính.
Chỉ còn Gatsby – vẫn âm thầm hy sinh cho một tình yêu vô vọng. Anh đứng ra gánh tội cho Daisy sau khi cô lái xe gây chết người. Kết quả, Gatsby bị chồng của Myrtle giết để trả thù.
Cái chết và đám tang của Gatsby chỉ có một mình Nick lo liệu. Anh muốn thông báo về sự ra đi của Gatsby cho Daisy, nhưng nhà Buchanan đã vội vã phủi tay, chạy trốn, chuyển đến một nơi ở mới.
Nick nhận ra Tom và Daisy là những kẻ chỉ biết gây ra rắc rối. Họ ngang ngược phá hủy mọi thứ rồi trốn tránh hậu quả bằng cách lẩn sâu vào lớp màn bảo vệ dệt nên từ tiền bạc, thanh thế và cuộc sống nhung lụa.
Nick là một phiên bản “non gan” hơn của Gatsby. Anh tìm cách chen chân vào giới thượng lưu với hy vọng đổi đời. Gatsby đã giúp Nick nhận ra mặt trái của giấc mơ Mỹ.
Cả cuộc đời, Gatsby đã sống trong giấc mộng tình ái phù du, một cuộc đời dựa trên ảo tưởng “nếu Daisy chú ý đến mình”. Nhưng anh lại là người chân thật duy nhất – giữa những người rỗng tuếch bên cạnh.
Gatsby cũng là nhân vật duy nhất trong cả câu chuyện nhận ra giá trị của tình yêu. Gatsby đã dùng của cải để đổi lấy tình yêu, thay vì mang tình yêu đổi lấy vật chất như Daisy.
Cuộc đời của Gatsby cũng ảnh hưởng tới Nick. Nick quyết định chia tay người bạn gái thuộc tầng lớp thượng lưu được Tom giới thiệu, sống tiếp với những bài học mà Gatsby để lại.
Một cách nào đó, Jay Gatsby là giá trị thực duy nhất giữa xã hội thượng lưu đầy rẫy phù du giả tạo của nước Mỹ những năm 1920 trong tác phẩm. Gatsby đã chết – như một giá trị chân thực đã bị đánh bại bởi cả một thế hệ phù hoa, trống rỗng.
Còn Tom và Daisy, thứ đón chờ họ không phải sự trừng trị của lương tâm mà là cơn bão lớn của thời đại. Cuộc Đại suy thoái chính là phép tử cho một xã hội vàng thau lẫn lộn những năm 1920.
Theo Anh Phan/Zing
Bài viết liên quan: