Cuộc chiến chống những quan điểm sai trái

Bấy lâu nay, chúng ta nói rất nhiều đến việc chống những quan điểm sai trái. Tôi thấy đó là một việc rất lớn. Không phải chỉ là việc của Bộ Công an hay của ban ngành nào. Vì thế, để có được sự thành công như mong đợi, cần phải huy động cả Hệ thống Chính trị và cả xã hội của chúng ta cùng vào cuộc. Tôi nói đến cả xã hội, vì có việc nằm ngoài Hệ thống Chính trị.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Chúng ta cần kết hợp chặt chẽ cả Lý luận và Thực tiễn. Về Lý luận thì chúng ta rất mạnh rồi. Nhưng nói như Gơthe: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mới thật sự xanh tươi”. Cây đời chính là thực tiễn đời sống. Lý luận tổng kết thực tiễn đời sống thành lý thuyết. Rồi Lý thuyết lại điều chỉnh, uốn nắn thực tiễn cho hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn. Vì thế, chúng ta cũng phải rà soát lại thực tiễn, từ công tác tổ chức, công tác cán bộ, đề bạt cất nhắc cán bộ, rồi công tác xây dựng Đảng, từ các chi bộ cơ sở, đến các cơ quan ban ngành tỉnh thành và cả Trung ương. Làm sao để cán bộ ta, Đảng viên ta thật sự trong sạch, tốt đẹp.

Nếu cán bộ ta, Đảng viên ta là những tấm gương sáng, những người thật sự tốt đẹp, tử tế, thì chẳng thế lực nào chống phá được, có muốn xuyên tạc, bôi nhọ, cũng không thể bôi nhọ xuyên tạc được. Còn nếu cán bộ ta, Đảng viên ta cứ tham những, khuất tất, làm láo, báo cáo hay, nói một đằng, làm một nẻo, thì kẻ chống phá ta, chẳng cần phải chống phá, chỉ nói đúng sự thật, phơi bày sự thật ra trước ánh sáng là ta đã không thể chống đỡ được rồi. Bởi mọi lời lẽ bảo vệ sẽ thành bao biện, vô nghĩa. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông dẫn câu nói của dân: “Chân mình còn lấm bê bê – Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Chính phủ nước bạn Trung Quốc cũng nói một câu mà nhiều người hay dẫn: “Chúng ta làm. Còn trời sẽ nhìn”. Nhưng trời có nhìn hay không thì cũng chẳng biết thế nào, vì trời ở xa lắm. Nhưng dân nhìn chúng ta là điều chắc chắn. Dân ở bên cạnh ta. Dân còn to hơn cả trời. Chẳng có cái gì che được mắt dân.

Thêm nữa, chúng ta cũng cần xác định đối tượng của chúng ta. Là mục tiêu chúng ta hướng tới. Đây là vấn đề vô hạn quan trọng. Nếu không nói là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh này. Đối tượng của chúng ta có phải là những kẻ chống đối chúng ta không? Không! Đấy là kẻ thù của ta, đối thủ của ta. Dù thế nào thì họ vẫn chống chúng ta. Đừng nghĩ rằng chúng ta có thể thuyết phục được họ, thay đổi lập trường của họ bằng mấy bài lý luận. Đấy chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nếu họ nghe ta thì họ đã không thành kẻ chống đối. Họ có chống đối ta thì cũng là bình thường. Họ không chống đối mới lạ, mới là điều ta cần phải xem xét. Vì thế họ là kẻ thù chứ không phải đối tượng. Đối tượng của chúng ta chính là Nhân dân, những người đang nhìn chúng ta làm, đang nghe chúng ta nói. Người chúng ta cần phải thuyết phục chính là Nhân dân. Nếu dân tin chúng ta, dân sẽ bảo vệ chúng ta, như dân từng bảo vệ chúng ta trong những năm gian nan, nguy hiểm và đói khổ nhất của lịch sử đất nước. Nếu dân tin chúng ta, bảo vệ chúng ta thì mọi sự chống phá của những kẻ chống phá chúng ta sẽ thành vô nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất sớm đối tượng đặc biệt này. Vì thế ngay từ khi mới thành lập nước, Người đã đặt tên chính quyền của ta là chính quyền Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, tờ báo của Đảng, ngôn luận của Đảng là báo Nhân dân. Rồi Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, đến cả các thày cô giáo cũng là Người giáo viên Nhân dân. Người còn nói: “Dễ một lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thiên tài kiệt xuất Nguyễn Trãi cũng nói: “Lật thuyền mới biết dân như nước”. Đúng. Nâng thuyền là dân. Nhưng lật thuyền cũng là dân. Tất nhiên dân không bao giờ lật chúng ta, không bao giờ lật chính quyền rồi. Bởi chính dân đã đẻ ra chính quyền, xả thân bảo vệ chính quyền trong những năm tăm tối nhất. Bây giờ vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ, con em của dân vẫn chưa tìm được hài cốt. Không ai quay lưng lại với xương máu của con em mình và của chính mình. Bao nhiêu lỗi của chúng ta, dân biết hết. Nhưng dân không chống lại đâu. Thậm chí cũng không lên tiếng đâu, chỉ lặng lẽ tìm cách ứng xử, coi như ta không còn tồn tại. Và như thế, chúng ta cứ lặng lẽ mất dân mà ta không biết. Và mất dân là mất hết.

Điều cuối cùng cũng rất quan trọng. Đó là việc đề cao cái tốt. Biểu dương cái tốt. Điều này ở xã hội ta hiện nay cũng có vấn đề. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến người tốt việc tốt. Người nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Từ một em bé đến các cụ già, ai làm được việc tốt, Người đều tổ chức gặp gỡ, hỏi thăm, tặng huy hiệu của Người, rồi tặng quà, mua bằng đồng lương của Người chứ không lấy ngân sách nhà nước.

Thời tôi còn đi học, buổi sáng thứ hai nào sau giờ chào cờ, nhà trường cũng biểu dương các em làm được việc tốt, như nhặt được của rơi trả lại người mất hay nộp cho các chú công an, nhờ các chú tìm người mất để trao lại cho họ. Rồi đưa cụ già qua đường, giúp các bạn khó khăn, cõng bạn bị liệt đến trường đi học. Rồi còn nhiều. Rất nhiều. Đến đâu cũng gặp người tốt. Vì thế thời ấy, dù rất khó khăn, đói khổ, lại mù mịt bom đạn, có thể chết bất cứ lúc nào, mà không có tham nhũng, không có đĩ điếm, trấn lột. Cả một xã hội trong vắt. Con người yêu thương đùm bọc con người. Bây giờ những người tốt ấy đâu cả rồi?

Xin thưa, họ vẫn còn đấy. Vẫn rất tốt. Thậm chí còn tốt hơn cả ngày xưa. Dù bây giờ làm người tốt khó lắm, vì luôn lẻ loi, đơn độc, có khi còn bị săn đuổi. Hiện nay, có những vị quan chức ăn cả đất của dân, “ăn không từ một thứ gì”, như câu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thì lại có ông già nghèo, sống lay lắt bằng nghề bán vé số, nhưng lại hiến cho xã cả ngàn mét vuông đất hương hỏa, bằng cả mấy trăm cây vàng, để làm trường học cho các cháu học sinh nghèo.

Ngày xưa, ở tuổi 15, anh Nguyễn Bá Ngọc từng lấy thân mình che bom đạn cho mấy em nhỏ rồi anh dũng hy sinh. Nhạc sĩ Phong Nhã đã có bài hát: “Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm”, nghe các em hát, ta còn thấy gai người vì xúc động. Bây giờ có em bé lao xuống dòng nước lũ cứu bạn, không phải cứu một bạn mà có đến ba bạn, em lần lượt đưa được các bạn vào bờ an toàn, rồi đến lượt mình thì kiệt sức, không thể bơi nổi vào bờ nữa, đành để dòng nước lũ cuốn đi.  Mới đây, một em bé mới ba tuổi ngồi đưa võng trông em dưới bóng tre cho mẹ đi mua sữa. Một tổ ong rơi xuống bên cạnh. Đúng là ong vỡ tổ. Cháu có thể dễ dàng chạy thoát thân, nhưng cháu bé ba tuổi, cái tuổi còn chưa có ý thức, mà cháu đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che chở cho em khỏi bị ong đốt, rồi lặng lẽ ra đi ở tuổi mới lên ba….

Rồi còn nhiều. Rất nhiều. Nhưng không có một bài hát nào, một cuốn sách nào viết về những con người cao đẹp ấy. Sáng thứ hai nào bây giờ cũng có buổi chào cờ, nhưng không có một lời nào nói đến những người tốt, việc tốt. Cũng không thấy có ai gặp những người tốt, trao quà, hoặc hỏi thăm như Bác Hồ ngày xưa. Sự tốt đẹp dường như đã bị quên lãng. Mở các trang báo, chỉ thấy đen ngòm những chuyện tiêu cực. Nếu cái đẹp, cái tốt được lên ngôi, thì cái ác không còn đất nương náu. Biểu dương cái tốt, cái đẹp, bảo về cái tốt, cái đẹp cũng là đấu tranh chống những quan điểm sai trái đấy.

Ngẫm lại mà buồn. Nhiều khi buồn mà không nói được với ai. Cũng chẳng có ai để nói. Lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh:

Chén rượu tạ ơn DÂN/ Uống một mình thấy đắng/ Đất thì cao muôn thẳm/ Trời lại sâu vạn trùng….

TRẦN ĐĂNG KHOA