Có lần nghe Nguyễn Đình Tú nói đã xa truyện ngắn quá lâu, bây giờ muốn trở lại. Một cây bút chuyên về tiểu thuyết với số tác phẩm nhiều hơn các ngón tay, bỗng khi nhớ truyện ngắn, thì đó như một sự dừng nghỉ để lấy đà đi xa hơn.
Nguyễn Đình Tú lấy đà một hơi bằng việc trong một tuần, có truyện ngắn đăng Văn Nghệ; một truyện ngắn đăng trong chuyên đề văn học nghệ thuật Viết&Đọc số Mùa Xuân. Vì những cái mới của thể loại truyện ngắn, tôi muốn nói đến truyện ngắn Bờ Mê Bến Chính của nhà văn còn trẻ tuổi đời mà đã dày dặn cứng cỏi trong nghề viết, nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Trước hết về kết cấu, truyện có tứ như một tứ thơ, mở đầu bằng con Vạc Hoa kê mỏ lên bụi lúa hóng ra cánh đồng. Hình tượng này xuyên qua tác phẩm như một sợi dây cườm lóng lánh. Đến giữa câu chuyện thì con vạc hoa lần ngược về quá khứ 400 năm gặp Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến phần kết truyện, chàng Thi Sĩ trở lại cánh đồng tìm con Vạc Hoa, thì tuyệt nhiên không thấy, con Vạc Hoa đã biến mất như một ảnh ảo. Phải chăng con Vạc Hoa chưa từng tồn tại? Hay là đợt nọ, chàng Thi Sĩ hoa mắt chỉ thấy ảo ảnh bên kia chân trời? Sự biến mất của con Vạc Hoa dự báo điều gì? Rằng chàng thi sĩ có còn đi tìm Vạc Hoa nữa không? Rằng có thể lần trở lại này chàng đã mệt mỏi lắm rồi, dừng chân ở đây thôi, chả tìm gì nữa? Hoặc là ta sẽ tiếp tục tìm kiếm như ta đã từng thấy Vạc Hoa?
Không gian của câu chuyện có một khu homestay mà có độc ba phòng vẹo vọ, chỉ đến muộn ba mươi phút là đã mất phòng đã đặt? Chậm chân không xuống bếp là không có cái gì ăn, cho dù thức ăn chỉ mấy củ khoai nướng đen xì, món rán và món cánh riêu, rau sống hái ở vườn? Nếu khách chỉ ngần ngại, phân vân một tẹo là không có người đưa đường chỉ lối đến đền thờ trạng Trình? Tất cả như muốn nói một thế giới nhìn bề ngoài thì xập xệ, tồi tàn, tăm tối, bệ rạc, lại càng khó cho ai biết bên trong đó chứa những cái gì?
Vì không biết đó là cái gì nên khách đến cứ nườm nượp đến theo lời đồn? Phải chăng sức mạnh kỳ bí của lời đồn tạo ra cái bí hiểm, tò mò, úp mở, kín hở? Lối dẫn dắt cho câu chuyện đượm sự hấp dẫn bởi cách cài đặt chi tiết khéo léo.
Khách nườm nượp khiến chủ nhà muốn lấp nửa cái ao sen để làm thêm khu nhà thuê phòng trọ. Cái thế giời xẹo xọ, vẹo vọ, tối tăm lờ mờ như ảnh ảo, ngôi đền không đèn đóm, câu sấm bay từ xà nhà tối om xuống tay khách sau lời khấn nguyện có cái gì đó thật là bí hiểm. Phải chăng từ lâu lắm, mọi thứ cứ bí hiểm như lời đồn, đẹp đẽ long lanh, hoặc xấu xa, tệ hại, tất cả là do góc nhìn của chúng ta? Phải chăng hành trình sống của con người là hành trình đi tìm câu sấm của đời mình? Phải chăng ai cũng cần một câu sấm trạng để sống cho yên ổn? Người chi phối cái sấm trạng này chính là Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đưa ra thuyết giáo “ sống nhàn” cách nay mấy trăm năm. Phải chăng từ bấy đến nay, chúng ta chưa bước ra khỏi vùng cái gọi là “ sấm trạng” hay sao?
Nhân vật đi tìm sấm trạng có chàng Thi Sĩ, ngậm thìa vàng từ khi mới sinh vì làm con nuôi đại gia. Chàng mê thơ và nhất định đi tìm cha mẹ ruột của mình, để biết tại sao họ bỏ rơi mình? Mục đích của chàng Thi Sĩ trong sáng và đầy chất thơ, không đầy chất tiểu thuyết thì đúng hơn. Nhưng chàng đã thất vọng khi có trong tay câu sấm “ biết chỗ đậu đúng là bến chính, biết chỗ đậu sai là bến mê”. Phải chăng chàng thi sĩ cũng như con Vạc Hoa đậu nơi đồng lúa thơm hương và thong dong gác mỏ và rồi vẫn bay đi mất dạng. Chàng Thi Sĩ định đem cả đời cống hiến cho thơ đấy rồi, mà vẫn không an yên, vì làm thơ tốn tiền lắm, và cha me chàng sợ thơ làm hỏng cơ nghiệp của họ. Như thế thì bến chính hay bến mê là phải tự biết? Ôi chao, để có cái tự biết ấy, con người ta sống cả đời vẫn không tự biết được.
Nếu như đầu truyện ta gặp anh chàng có “mặt lạnh lẽo hoang vắng”, đến cuối truyện mới vỡ lẽ ra đó là một tội phạm khét tiếng; một ông rất to có nhiều tiền lại chính là một quan chức chính phủ bị đình chỉ công tác để điều tra; một doanh nhân ly hôn và tuyên bố mang nửa khối tài sản nghìn tỷ đi làm từ thiện. Tất cả những số phận ấy đều không biết bến nào là bến mê, bến nào là bến chính? Phải chăng tất cả họ đều đi đến đây tìm sấm trạng để mong một câu trả lời là làm sao thoát nạn? Phải chăng họ đã ở bến chính, nhưng đều bị bến mê làm cho mê hoặc nên cuộc đời mới xiên xẹo, vẹo vọ, lệch lạc, dẫn đến nơi tăm tối.
Chỉ có chàng Thi Sĩ ngơ ngác, lạc lối, đi tìm cái này lại ra cái kia, đi tìm đam mê của mình, đã nhìn thấy con Vạc Hoa như một bài thơ lung linh, rồi thế mà để cho bay đi mất. Phải chăng, hành trình sống là hành trinh tìm kiếm, bờ mê hay bến chính là do bản thân mỗi người tự quyết định lấy số phận mình. Hành trình số phận để thấy mình ở bến mê hay bến chính là câu hỏi day dứt đi theo suốt cả đời người.
Nhà văn đã kể câu chuyện bằng một ngôn từ trong trẻo, cẩn trọng đến từng chữ, đa mang nhiều tầng nghĩa. Cảm giác mỗi chữ được viết ra đều được ngắm nghía, xem xét nhiều góc độ rồi mới lạnh lùng đặt bút. Chữ không tuôn chảy, nhưng cảm xúc lại tuôn chảy, và chính cảm xúc làm cho chữ nghĩa được khoác lên tấm áo lộng lẫy, tinh khôi như bộ lông con Vạc Hoa.
Nhà văn đã kể câu chuyện bằng một ngôn từ trong trẻo, cẩn trọng đến từng chữ, đa mang nhiều tầng nghĩa. Cảm giác mỗi chữ được viết ra đều được ngắm nghía, xem xét nhiều góc độ rồi mới lạnh lùng đặt bút. Chữ không tuôn chảy, nhưng cảm xúc lại tuôn chảy, và chính cảm xúc làm cho chữ nghĩa được khoác lên tấm áo lộng lẫy, tinh khôi như bộ lông con Vạc Hoa.
Trúc An
Bài viết liên quan: