Ông già chăn dê ngồi một mình bên chân đảo trên khoảnh đất đã dọn sạch cỏ, xung quanh chỗ ông ngồi cỏ tốt ngập. Trước mặt ông biển xanh ngăn ngắt dưới nắng. Tiếng la hét vui vẻ của mấy đứa nhỏ đang bơi lặn dưới đó vẳng lên tận chỗ ông ngồi khuấy động một góc đảo làm buổi chiều bớt vắng lặng. Tuy từ đây nhìn xuống ông không thấy được bọn trẻ, không thấy được mép nước và mũi đá sát biển vì độ dốc của chân đảo. Sau lưng ông cả một vạt rừng dẹp đang lao xao lúc lắc những chùm trái già đã khô đen trong gió. Dù rừng dẹp mùa khô xao xác vẫn cho ông đủ bóng mát. Bên phải ông chất một đống những chùm trái dẹp đã bẻ sẵn. Bên trái là đống vỏ trái đã lột. Một chiếc rổ nhựa đặt trong lòng để đựng hột dẹp, chính xác là chiếc rổ đặt lên chân trái đang co lại gác lên chân bên phải duỗi thẳng của ông. Khi trong rổ đã được đầy một nắm hột ông lại trút sang đồ đựng là chiếc hũ nhựa có nắp xoay. Ông nói lột trái dẹp lấy hột này để bán cho người ta làm thuốc xổ lãi.
Có lẽ tiền bán hột dẹp không được bao nhiêu nên ông làm như cho có chuyện để làm. Tách vỏ một trái xong, ông lấy ngón tay cái rà lại từng mảnh vỏ cả khi hột đã rơi hết xuống rổ rồi.
-Giống dẹp này nó hay lắm – Ông lại nói – Cứ để yên cho nó mọc thì mỗi hột nó chỉ mọc lên đúng một cây thẳng đuột ngay đơ như bồ ngay vậy đó. Nhưng chặt đi thì nó mọc lên năm, sáu nhánh quanh gốc cây cũ, tha hồ củi. Mà mấy nhánh non cứ thấp thấp tầm này là bị bò dê bẻ ăn. Dê thích ăn nhất lá dẹp.
Như để minh chứng lời ông, vừa lúc một con dê chui ra khỏi rừng dẹp đi ăn chỗ khác. Ông nheo mắt nhìn theo con dê nói thằng kia nó bị pê đê, thì nhìn đi, cứ nhìn nó thì biết. Mà lạ nha. Trong một bầy dê một trăm con thể nào cũng có một, hai thằng bị pê đê. Giống này bán rẻ lắm, các quán không thích mua. Biết tại sao không? Vì nó không có món ngầu pín, cũng không có món nầm dê. Tui thì không nghĩ hai món đó ngon, nhưng mà… chậc, có những người họ thích ăn những thứ quái quái vậy. Như có người vô nhà hàng kêu bào ngư nhưng chỉ ăn cái chân con bào ngư thôi, không ăn phần thịt. Thử hỏi phải bao nhiêu chân bào ngư mới đủ một bữa cho họ.
-Ông vô nhà hàng ăn bào ngư bao giờ chưa? – Khách hỏi
-Vô nhà hàng cũng rồi, ăn bào ngư cũng rồi. Nhưng vô nhà hàng để bán bào ngư. Còn ăn thì ăn ngoài biển.
-À, dạ. Đảo đây nhiều bào ngư không ông?
-Trong đây làm gì còn, ít lắm. Là nói biển xa ngoài khơi kìa.
Khách nhìn ông già dáng dấp gầy khô, nhỏ người, cố hình dung ông trước kia, một ngư dân thời trẻ.
-Bắt bào ngư là chuyện nhỏ. Nó bám vô vách đá như hàu, có dao là cạy lấy được. Săn bắn cá mới khó.
Thấy khách quan tâm muốn nghe, ông trở nên hào hứng. Ông kể về chuyện theo tàu đi săn bắn cá giống như các chiến binh về già thích kể lại chiến công thời trẻ oanh liệt. Ông kể mỗi chuyến đi từ nửa tháng đến một tháng mới vào bờ. Tàu chạy hai ngày một đêm thì tới nơi, dừng thả neo ở gần chân những rạn san hô. Cứ ngày nghỉ đêm lặn. Thợ lặn chia hai ca thay nhau, một đêm lặn hai ca, mỗi ca một trăm hai mươi phút (tức hai giờ). Càng xuống sâu áp lực nước càng lớn. Ở độ sâu ba mươi mét có khi bị chảy máu tai, nhưng xuống tới độ sâu đó mới có nhiều cá lớn. Cá kiếm, cá đuối, cá mú, cá bò gù… Bắn được cá lớn cỡ bảy, tám chục kí lô là chuyện thường, có con lớn cả trăm kí.
Chiến công dữ dội vậy nhưng nghe ông nói về trang bị lại vô cùng đơn giản, thô sơ đến ngạc nhiên. Ngoài cặp chân nhái, gương lặn và con dao cột vào cổ chân, dụng cụ hỗ trợ lặn ngày đó chỉ có một tảng đá để đeo theo khi lặn xuống và hất xuống lúc chuẩn bị nổi lên. Và thở bằng miệng. Miệng ngậm ống thở nối với bình dưỡng khí trên tàu. Có màng cao su chụp quanh miệng để chống nước vô.
Muốn thử để biết hướng chảy của các dòng hải lưu cũng chỉ cần một cục đá cột vào sợi dây thả xuống biển. Thấy sợi dây bị lôi về hướng nào sẽ biết có dòng hải lưu đang chảy về hướng đó. Vẫn theo cách đó tiếp tục dòng dây dài hơn thả cục đá xuống sâu hơn để tìm dòng hải lưu khác bên dưới. Có khi hai dòng dòng trên dòng dưới chảy ngược hướng nhau, có khi cắt ngang. Ông bảo nơi có những dòng hải lưu giao nhau là chỗ đó thường có nhiều cá. Còn “súng” bắn cá chỉ là một cây tông tự chế bằng gỗ dài bằng cái cán cuốc này (thì ra ông đang ngồi trên một cán cuốc, chắc ông đã cuốc cỏ xung quanh bằng cái cuốc này). Mũi tên thì phải mua. Mũi tên dài hai mươi phân có ngạnh, cột vào sợi dây thun, một đầu cột vào cây tông để bắn xong vẫn lấy lại được mũi tên. Một tay cầm tông (súng) bắn , một tay cầm đèn pha rọi. Phải bắn ở khoảng cách gần, chỉ hai mét đổ lại, xa hơn sẽ không chính xác vì nhắm bắn dưới nước lại nhìn qua kính lặn qua ánh đèn, người lại bơi lửng lơ, bị sóng đẩy du qua du lại không đứng chắc chân để ngắm.
Người có tay nghề giỏi là người nhắm bắn trúng ngay đầu, một phát cá chết ngay. Nếu bắn không chính xác, mũi tên không trúng đầu làm con cá chỉ bị thương nó sẽ vùng quẫy lôi mình đi. Mình nhắm nếu nó bị thương nặng sẽ lựa sức “đi” theo chờ cho nó đuối sức sẽ bắn một mũi nữa vô đầu để bắt. Cá lớn nó mạnh lắm, có con nó vùng quẫy dữ dội, nó càng vùng quẫy ngạnh mũi tên càng làm nó đau nó kéo mình quăng quật vào những hang hốc đá, bị bầm giập như chơi. Có khi theo nó cho đã, tới mười lăm, hai mươi phút vẫn phải cắt dây chấp nhận bỏ cá, bỏ mất một mũi tên luôn.
Ông không nói mình bắn dở, chỉ nói có lần bị cá lớn lôi đi, va đập vào đá san hô bầm giập mình mẩy…
– Lặn biển ghiền lắm. Mỗi lần xuống biển là ham không muốn về, cảm giác như mình được bay, tha hồ lướt qua phải qua trái hay đạp chân bơi ngang bơi dọc tùy thích, tự do không có gì cản trở hết, sướng lắm. Nhìn thấy đủ trò của bọn cua, cá, sứa, mực. Bọn nó bơi quanh mình nhưng không biết mình là cái giống gì nên nó cũng tỉnh queo không biết sợ. Lúc nhỏ như tuổi tụi nhỏ dưới kia sướng nhứt là bơi không mặc quần áo, thấy mình cũng như cá vậy…
Ông kể hồi nhỏ ông cũng như tụi nhỏ bây giờ. Mỗi lần xuống biển là mang theo cây xiên, đi tắm về là lại có cua cá ăn. Cá thì không thiếu gì, một chuyến ghe về thì ăn ớn. Nhưng ăn cá tự tay mình kiếm được nó đã lắm. Rồi nó thành say. Hễ xuống biển là thích săn cá. Càng lớn lên càng thích ra xa săn cá lớn hơn. Săn được con cá năm, ba kí lô đã thấy mình giỏi rồi. Có khi bắt được cả tôm hùm nữa. Tôm hùm nó bò dưới đáy biển một hàng dài như kiến, mình chỉ bắt được một con, giỏi lắm được hai tay hai con là nó chạy hết. Lúc mười hai mười ba tuổi lặn biển như đi chơi, cứ lấy một hơi lặn xuống xiên được một con gì đó lại phải ngoi lên thở. Nhưng thích vậy. Tới khi được theo tàu đi xa, có bình dưỡng khí lặn cả giờ đồng hồ, bắn được cả cá bảy, tám chục kí lô thấy đã lắm.
Dưới biển bọn nhỏ đang hò hét kêu nhau đi lên. Ngoài niềm vui phấn khích, có lẽ chúng bắt buộc phải la to như vậy để át tiếng sóng. Bọn nhỏ cỡ mười, mười một tuổi trần truồng chạy lên mỏm đá lấy quần đùi chúng để trên đó tròng vào người rồi xách những xâu cá, mực, cua ghẹ và những cây xiên đi lên chân đảo, đi về phía xóm.
Khi bọn trẻ đã về hết, mặt biển trở lại yên tĩnh đến buồn tẻ. Nhưng có lẽ ông già đã quen, ông bình thản nói chuyện tiếp.
Ông kể sau mấy lần bắn không chính xác bị cá lôi làm bị thương, ông bỏ nghề săn bắn cá. Một thời gian có bạn rủ đi lặn lấy san hô. San hô đen nó cũng “mọc” một chỗ như bọt biển, tức nó đứng bám chặt một chỗ trên đá san hô, mình thoải mái đục nạy cưa cắt, không bầm trầy như săn cá, chỉ là nó ở sâu quá. Săn cá lặn xuống sâu ba mươi mét đã áp lực rồi, san hô đen có chỗ sâu năm mươi mét, san hô đỏ còn ẩn trốn dưới sâu hơn. Tất nhiên tiền thì cũng được nhiều hơn. Trong lúc đi kiếm bãi san hô gặp bào ngư cũng cạy luôn cho vô bị đeo bên người. Ít thì lúc lên tàu nấu cháo hay nướng ăn. Nhiều thì cạy lấy thịt phơi khô, gặp ngày không nắng thì cho xuống hầm đá cấp đông. Bào ngư bán cho nhà hàng hải sản, cũng có tiền lắm.
Bên này chủ tàu trang bị bình khí oxy loại mới mang luôn trên lưng chứ không phải loại bình để trên tàu. Mỗi thợ đeo một bình riêng. Nhưng lần đó mới xuống được nửa chừng ca lặn, chưa cạy đứt được cụm san hô thì bình oxy trên lưng ông không biết sao bị tắc, như bây giờ người ta kêu là bị sự cố. Cũng đã nghe nói có chuyện này rồi nên ông hoảng hồn vội vàng giật dây làm hiệu cấp cứu kéo lên. Ông được kéo lên tức thì. Nhưng vừa lên khỏi mặt nước ông bị chết ngất luôn không biết gì nữa. Mọi người hô hấp nhân tạo cấp cứu cho ông tỉnh lại, tàu lập tức nhổ neo chạy vào bờ. Nhưng đã nói, phải mất hai ngày một đêm mới vào tới, ông lập tức được chở tới nhà thương, được cứu sống nhưng một bên chân này nó bị liệt. Cái chân bị liệt này nó cứ teo nhỏ dần.
“Chắc do nổi lên đột ngột quá. Bình thường khi chuẩn bị lên mình giật dây làm hiệu rồi hất tảng đá xuống, nổi lên từ từ, nhưng lần đó bị kéo lên quá nhanh”.
Thì ra cái chân duỗi thẳng đơ của ông là chân bị liệt. Cây nạng để bên cạnh khuất dưới cỏ được đống trái dẹp phủ lên che lấp.
Dừng một lúc ông nói thêm. Từ đó tới nay không xuống biển được nữa. Liệt một chân có cây nạng vẫn đi được, đi ven đảo kể cả vô rừng coi ngó bầy dê cũng đi theo coi ngó được. Chỉ có xuống nước là không được. Biển không cho xuống nữa.
-Dê, người ta nói giống này nó ưa nhảy nhót leo trèo ghê lắm, phải không ông?- Khách hỏi
Hiểu ý khách muốn nói liệt một chân sao ông chăn dê được, ông gật đầu nói đúng vậy, dê cỏ nó hoang đàng leo núi luồn rừng lẹ chân lắm. Nó tự đi kiếm lá rừng ăn, tự biết kiếm vũng nước đọng trên các hốc đá uống, chập choạng tối tự biết theo con đầu đàn về. Nói là chăn chứ mình có phải làm gì đâu, ra đây ngồi nhìn nó cho vui thôi. Tối về thằng cháu nó ra soi đèn đếm. Thiếu hay đủ cũng biết vậy. Có khi nay thiếu mai lại đủ, nó trốn ở lại đâu đó trên núi bữa sau lại theo bầy về.
-Ông bán hũ hột dẹp này không? Bán cho con đi – Khách nói
-Không. Có người dặn rồi. Không phải ngại cho tui. “Ông” có rảnh thì vô nhà uống nước tui cho coi cái này.
Căn nhà ông già ở cách chỗ ông ngồi khoảng vài trăm mét, tách riêng hẳn khỏi xóm chài trong kia vì không muốn mùi phân dê gây ô nhiễm. Không thể gọi đó là một ngôi nhà vì nó cũng làm toàn bằng cót ép và cây gỗ nhỏ. Ông già ở với thằng cháu ngoại, ban ngày nó đi chặt củi, còn ông lãnh việc chăn dê. Ba má thằng cháu tức con gái con rể ông đã bán ghe bỏ nghề đi biển vào bờ kiếm việc làm vì nghe đâu mai mốt hòn đảo sẽ giải tỏa. Ông không muốn đi, vô trong bờ chắc ông chết héo. Cuối cùng “tụi nó” bàn tính cất cho ông cái nhà này, cho một thằng cháu ở lại với ông, đầu tư cho ông một bầy dê.
Bảo vật mà ông chỉ cho khách coi là hai cái bọt biển khô trong nhà ông có hình dạng như một trái bắp lớn, một con dài cỡ hai gang tay, một ngắn và tròn hơn. Vỏ ngoài chúng đã khô cứng như vỏ trái bầu khô. Cả hai cái được ông xỏ dây qua hai đầu treo trên vách. Khách hỏi ông giữ cái này để làm gì. Ông nói để chơi thôi. Bảo vật bao nhiêu năm lặn biển của tui đó.
-Bọt biển mà nó hay lắm. Nó cũng khôn nha.
Ông kể một lần ông bắn trượt một con cá đuối lớn, cỡ phải gần bằng chiếc bàn ăn. Ông thấy nó đang “bay” ngay trước mặt, chưa kịp nhắm bắn thì nó đã hạ cánh xuống, tung bụi cát lên phủ lấp kín người để trốn chỉ để hở hai con mắt. Tức nó nằm im một chỗ. Quá ngon rồi. Ông chắc chắn trăm phần trăm sẽ bắn trúng đầu nó, vậy mà không hiểu sao mũi tên lại đi chệch, không chính xác. Con đuối vùng lên lôi theo ông vào chân rạn san hô. Ông bị nó quăng quật, nhưng may sao chỗ rạn san hô đó có một bãi bọt biển nên ông không bị thương nhiều. Ông túm lấy mấy cái bọt biển để ghì lại chống chọi nhưng rồi một tay ông bị đuôi cá đuối quất trúng. Hồi đó không có mang găng tay như thợ lặn bây giờ. Ông rút dao cắt dây, chấp nhận bỏ con đuối. Tiện tay ông cắt mấy cái bọt biển ấp vô chỗ cánh tay bị dính gai cá đuối giống như đắp miếng gạc, rồi giật dây làm hiệu cho kéo lên.
-Trời! Rồi ông làm sao?
-Thì…Lên trên tàu người ta lấy kẹp gắp vụn mẩu gai ra, nặn máu, rồi ngâm rửa bằng… nước đái, chứ rửa nước biển có muối nó rỉ máu hoài sao. Trên tàu cũng có thuốc cấp cứu. Ngâm nước đái xong mới rửa lại nước ngọt rồi gọt một viên thuốc cảm rắc bột lên.
Ông nói hai con bọt biển này, một con ở dưới độ sâu năm mươi mét, một con cũng ở sâu cỡ đó nhưng ở bãi đá khác. Dưới biển tụi nó có nhiều màu, có trắng sữa có tím có nâu nâu vàng vàng. Nhìn nó cũng đẹp như san hô sống vậy. Nhưng lúc còn tươi mùi nó hôi lắm. Nó cũng biết tiết ra mùi hôi để đuổi kẻ thù. Rồi nghe một ông trên tàu ổng còn nói con bọt biển này nó “khôn” lắm, bị cắt nhỏ quăng xuống biển nó sẽ biết tự tìm tới nhau ráp lại với nhau theo từng loài họ hàng dòng giống nhà nó. Tui không tin vì nó có đầu não gan ruột gì đâu mà nhận biết được. Tui định sẽ thử coi có đúng không. Định sẽ cắt lấy năm- bảy con năm bảy màu ở nhiều chỗ khác nhau về cắt ra thả chung trong bè rong coi thử. Nhưng mới lấy được hai con nầy.
-Ông còn giữ khúc san hô nào không?- Khách hỏi.
Đang vui mặt ông già như chợt có đám mây buồn lướt qua. San hô đen. Ai cũng chỉ quan tâm tới thứ đáng tiền. Ông nói:
-Không. Có con gái tui nó thích nó lấy một cục, không biết nó làm nhẫn hay làm gì rồi. Giờ trong nhà tui chỉ còn hai con bọt biển này. Hên là nó không đáng tiền, chứ nó có tiền chắc cũng bán rồi.
Ông treo hai cái bọt biển vào chỗ cũ trên vách. Treo ngay đây, bước vô cửa là nhìn thấy liền, mà thằng cháu tui nó không nhìn không thấy. Chưa bao giờ nó nhìn tới, hỏi gì tới.
-Ông có bán không bán cho con đi.
-Không, giờ thì tui không bán nữa. Giá thử ngày trước còn đi lặn biển được thì tui cho chứ mua bán gì.
Khách muốn xin lỗi vì cũng chỉ nghĩ đến tiền. Hắn đã từng thấy các thợ săn già người Thượng trên miền núi thường giữ lại những bộ răng heo rừng hay cặp sừng nai treo trên vách nhà sàn như giữ lại chiến tích một thời. Còn người ngư dân về già ít ra cũng còn có cái bọt biển để treo, vậy mà hắn lại hỏi mua.
Vân Hạ
Bài viết liên quan: