Cảm giác Sông Thao trong Tôi chính là nỗi sương khói nhớ Sông Thao mà Tôi có: Bóng cọ hom tàn chon von đơn lẻ nghiêng nghiêng bên sườn dốc đỏ như dòng son ngoằn ngoèo nổi chói trên nền cỏ tế xanh dại; dáng cọ hom tàn như người con gái nơi chân núi lỡ thì đợi chờ vu vơ cho lời thề nào đấy. Cả rừng cọ cuồng nhiệt huơ lên gươm giáo rực những không khí đấu tranh, xòe lớp lớp bàn tay vẫy nồng nàn cho màu trắng của phấn lá lênh loang sáng bạc dưới mặt trời thượng du.

Hình như bất cứ ai hễ vương vấn đến trung du Đất Tổ mà còn nhớ đến cọ thì hình ảnh ấy đã là một nửa nỗi nhớ thương đang sống động trong mỗi tấm lòng đượm vị chè đồi chát ngọt.
Một tiểu vùng Văn-hóa-cọ!
Sông Thao nâu sắc sô cô la loãng, chảy buồn tê giữa lau xám, ngô non, hoa dong riềng chấp chới và lắt lay lá chuối rách, liền kề ruộng lúa chạy một mạch đứng khựng trước núi dựng viền chân một màu cọ.Vượt bến đò Tình Cương dốc đứng, nẻo đường đất sét gập ghềnh xóc ruột gan khách lãng du lên đỉnh đầu.
Lúc thong dong, khi cuống quýt cua ngoặt, con đường đến huyện lỵ chia hai: Rẽ lên miền cao Yên Lập, tiếp nối mạch đường lan man bên sông bên cọ lẫn trong lúa, cọ lẫn chè, cọ lẫn những mái cọ nắng mưa mòn cũ bồi hồi…đến tận Hiền Lương chiến khu xưa. Nhìn ngang thấy cọ, nhìn xuôi thấy cọ, nhìn lên thấy cọ, nhìn ngược thấy cọ. Đâu đâu đi trên đất Cẩm Khê, lữ khách luôn luôn chờn vờn nơi đáy mắt bóng cọ quây quần, bóng cọ đơn lẻ tiếp nối bên đường như người chạy tiếp sức.
Nơi gần ngọn con Sông Thao, trên nẻo về phấp phỏng trước đền thờ Âu Cơ, có người họa sĩ mà tôi biết, thân bằng thời gian hai mươi năm của một đời lính trẻ. Ông sinh thành giữa vườn cọ của vùng quê nơi nếp thói sinh hoạt đã ánh xạ vào ca dao.
Có câu truyền khẩu Tôi muốn tin sẽ được lưu trong ca dao.
Lâm Lợi ăn đợi nằm chờ
Bên chai bên chó là người Lâm Lơi
Hỡi nhà Văn Nghệ Dân Gian Cẩm Khê không để lại tên mình trong tác phẩm: Bỏ đi một thanh nặng vẫn đồng âm nhưng dị nghĩa! Dĩ nhiên thịt chó nhắm rượu tư mùa thì lúc nào mà chả Lơi.
Hơn hai mươi năm trước, Tôi đã ngất ngư trước màu xanh chủ đạo của cọ. Cọ xanh thẫm, cọ xanh nhạt, cọ xanh xa, cọ xanh gần. Chẳng biết mặt chúng tôi xanh hơn hay màu lá cọ xanh hơn. Bữa trưa đang đến gần trong rì rầm to nhỏ từ phía bếp nhà bạn nhàn mùi khói cẫng cọ khô nhóm bếp.
Ông cụ thân sinh của họa sĩ lắc lư một bên vác cây hót đá dài đũng đẵng, để vấu nhánh làm bậc trèo cọ, một móm cọ tươi treo bên vai, đầy ắp những trái cọ bầu* to đều như quả bóng bàn căng ứ màu xanh đen phớt ánh tím như những con mắt tinh nghịch.
Bữa cơm khách thời củi châu gạo quế ấy, gia đình họa sĩ đãi đằng ba kẻ lãng du bảnh bao áo quần nhưng đói ăn đến mờ mắt, không mơ có thịt chó, không mơ có rượu. Thế nhưng bữa ăn đã vượt ra ngoài tưởng tượng của chúng tôi. Tất cả các món nhắm cọ. Đặc biệt hơn nữa lại vẫn là trái cọ bầu trộn gạo nếp đồ xôi. Tôi dán mắt xem ông cụ nho nhã chẳng có dáng vè gì là nông dân vừa tụt trên ngọn cây cọ cao hai chục mét xuống chế tác món cọ đồ xôi: chặt những thanh nứa tươi, băm vụn như dăm tre nhà máy giấy Bãi Bằng thu mua bây giờ, nhưng chỉ dùng nguyên phần cật nứa.
Nhúm dăm cật nứa, ông cụ rắc đều lên rổ trái cọ xóc xóc nhẹ tay như người vo gạo hồi lâu. Như phép màu, lớp vỏ lụa mỏng tang bao bọc trái cọ bị cật nứa cứa đứt nhẹ nhàng vụn như giấy than đánh máy. Theo ông cụ thì chất chát đắng của trái cọ nằm trong lớp vỏ bị lột bỏ rửa trôi bởi nước giếng. Nền thịt trái cọ nâu hồng lộ ra ngon lành như những viên sô cô la bày đều lên đĩa sứ. Nước nóng sôi ấm tay bắc khỏi lửa, từ từ đổ trái cọ xóc hết vỏ ngâm ủ trong mười lăm phút.
Trái cọ được vớt khỏi nồi ngâm ủ, dùng móng tay lẫy nhẹ nhàng tách phần thịt vốn chẳng dày bằng một lớp giấy các tông cứng. Thịt trái ấy đem trộn đều với gạo nếp, đồ trong chõ khoét bằng thân cọ, nấu cũng bằng củi cọ. Xôi nếp trộn cùi cọ bầu, phi hành mỡ thơm ngậm thơm ngùi suốt hai nươi năm. Vị gạo nếp, vị trái cọ béo, bùi lâng lâng đầu lưỡi. Hương đồng, hương rừng giao hòa trong mỗi miếng xôi cọ dâng lên trong Tôi bao nhiêu tình sông tình núi Cẩm Khê tự ngàn xưa một cách hữu hình…
Trước mớ ngôn ngữ không hạn chế ngợi ca món xôi cọ, ông cụ cao hứng tuyên bố, nếu có thời gian ông sẽ làm món cọ nhồi nấm hương thịt gà đãi chúng tôi. Rồi Tôi sẽ phải có lời hỏi xin cụ cách chế tác món lạ lùng ấy.
Món tiếp theo là bình cọ xào lòng gà. Lấy nõn của cây cọ nơi mọc lá. Món này có thể gọi là món đao phủ, hễ muốn ăn mỗi lần phải chặt đổ một cây cọ. Ngả cây cọ dù cọ tơ hay cọ bánh tẻ không quan hệ lắm, miễn phải dùng rìu bổ vỡ đôi được bình cọ, móc cắt lấy phần nõn trắng ngần như đậu phụ, mềm rụt như ngò cải. Mỗi nõn cọ ít ra cũng nặng tới cả ki-lô-gam. Nước giếng bỏ dúm muối vào chậu rửa, thái lát nõn cọ như thái cải củ hay su hào, thả ngập đều trong nước ngâm ít phút. Vớt ráo nước xào lòng gà như cách xào thông thường khác.
Nõn cọ trắng giòn, ngọt như mực xào nhai sần sựt khoái khẩu. Gắp chưa ngơi đũa này đã muốn tiếp đũa nữa.Vị giác cứ băn khoăn phán đoán nghi hoặc không biết là mình đang ăn thực vật hay động vật! Măng chẳng phải, thịt cũng không. Ô hay Tôi đang thưởng thức cái hồn hồng hoang trong thế giới hiện đại.
Món cuối thì ông cụ khiến chúng tôi bất ngờ hơn mọi tưởng tượng. Hỏa lò đất nung chứa than hoa đốt từ thân cọ già nhất nổ tàn tro tí tách, nổi gió quạt lá cọ. Than hồng rực lên những băn khoăn tò mò, dẫu đã giữa thu, món phải dùng hỏa lò kể ra hơi nóng bức. Vẫn từ cái món cọ tươi huyền diệu, ông cụ mang ra một bọc lá ngái những con tằm* ăn nõn cọ béo ụt ịt như lũ phú hào phất sớm. Tằm ăn nõn cọ, gọi vậy cho khỏi phải nhắc đến cái từ cứ gợi hình dung gớm ghiếc, từa tựa con tằm sắp kéo kén, trắng mọng một bầu mỡ và chất đạm. Nõn cọ xào sơ sơ còn ngon muốn chết, huống hồ đây lại là tinh túy chắt lọc qua công nghệ thiên nhiên của vật thể sống.
Hai chục con tằm cọ ngọ ngoạy trên đĩa sành nâu một hồi rồi co rụt mình nín đợi. Ớt gạo mọc hoang trong rừng cọ, rắc muối, nghiền nhuyễn làm thức chấm. Bát dấm thanh pha loãng. Bốn chiếc xiên nhỏ chẻ vót từ cẫng cọ tươi. Ông cụ yên lặng, cầm lên một con tằm cọ ngắm nghía, dùng đũa nhúng vào bát dấm thanh cho tằm nhả hết khí ai. Dùng xiên cọ tươi bén sắc cẩn trọng xiên dọc thân tằm. “Sột” nhẹ một tiếng, vỏ tằm dai nhưng đã bị xiên thủng nghe lọt xớt, không một giọt mỡ hay chất đạm dạng dịch hư hao. Nâng tay nướng tằm trên sức nóng của than hoa, không gần quá, không xa quá. Chú ý nhớ để tằm sao căng nở lên từ từ, dần dần chuyển thành vàng hươm màu của bánh mỳ Pháp cao cấp. Mùi thơm đặc trưng, không có cách gì diễn tả lại trên giấy tỉ lệ thuận với độ chín của tằm. Khoang miệng đầy ứ dịch vị, nhìn sang Tôi thấy ông bạn cũng đang nuốt suông.
Tằm chín nhuần, nhón tay chấm muối ớt gạo, run rẩy hồi hộp cắn nhẹ, thân tằm đứt ngang tan vỡ, trong Tôi trào dâng sự lạ lùng; một miếng tằm cọ mà như có cả bạt ngàn rừng cọ, thổi qua lòng…
Lúc đã cọ… dư tửu hậu, chúng tôi ngỏ ý muốn được bàn về cây cọ, ông cụ cao hứng khoát tay chỉ về phía rừng cọ xôn xao gió.
– Đấy, các anh nhìn xem thân cọ cao vút hiên ngang, được bao bọc bên ngoài lởm chởm những vè cọ, lá cọ rộng, dày che kín được cả chiếc nong lớn…Cọ đội lấy trời, níu lấy mây như những tráng sĩ thời tiền sử. Ở đâu cọ cũng sống được từ ruộng bềnh lầy thụt, đến núi cao, đồi gò sỏi ong, hay đồng bãi ven sông. Cọ không bao giờ chê đất mà cọ sống tới một hai trăm tuổi…Đồng đất đây chỉ có hai loại giống cọ: cọ xẻ và cọ bầu nhưng giống nào cũng tốt, không giống con người ta. Lão nghĩ ở vùng thượng du, cây cọ còn hữu ích cho nhà nông hơn cả cây tre…
Vâng quả vậy thưa cụ! Đã hơn hai mươi năm điều cụ nói bây giờ Tôi mới thấm. Văn-Hóa-Tre là thứ văn hóa trải rộng gần hết vùng Đông Nam Á nhưng Văn-Hóa-Cọ là văn hóa tiểu vùng nằm trong Văn-Hóa-Tre. Chính nhờ yếu tố tiểu vùng mới làm nên sự đa dạng, đặc sắc của Văn hoá dân gian Đất Tổ mà Văn- Hóa-Cọ với sắc màu lịch lãm trong nghệ thuật ẩm thực sản phẩm cọ đạt đến bậc thượng thừa cùng kỹ thuật chế tác đơn giản từ nguyên liệu cây cọ của người vùng đồi!

Để tiếp lời người xưa, Tôi được trích dẫn sách của người đi trước; Nguyễn Xuân Lân tác giả cuốn “Địa chí tỉnh Vĩnh Phú” xuất bản năm 1975 có khảo cứu về cây cọ :” Cọ là thứ cây có giá trị sử dụng lớn, toàn bộ cây cọ không bỏ đi một thứ gì. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm chổi, là bầu gánh phân, gánh củ, món hạt giống, gầu múc nước, làm quạt. Búp cọ khâu nón, áo tơi, vặn thừng, vặn chão, đan làn xuất khẩu..Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn, chõ đồ sôi…Ngày trước thân cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ những nhà giàu mới mua sắm nổi. Cuống cọ làm dui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan giọ lợn, lồng gà, dành gánh đất, rồi đến mành cọ, một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Cuối cùng, những thứ gì còn lại của cây cọ được đưa vào bếp làm củi đun, chẳng bỏ phí hoài một thứ gì cả…”
Tưởng rằng người xưa, sách xưa đã nói tận về cọ, nhưng Tôi kẻ hậu sinh vẫn muốn nói thêm về cọ ở góc của mình thì mới hả. Chỉ xét nguyên tàu lá cọ đã dụng được bao nhiêu là việc cho con người.
Lá cọ phơi khô, ngâm thôi hết diệp lục, dùng liềm sắc cào bớt phiến lá, để lại de lá. Thứ lá ấy lợp mái dày đến độ phải dùng cối đá lăn cho dẹp bớt tránh nước mưa khỏi dốc ngược vào. Mái lá cọ che chở cho xương cốt gỗ mít gỗ xoan của ngôi nhà chạm rồng trổ phượng, chích mai, chích cúc bền lâu cả những trăm năm.
Lá cọ chỉ cần túm lại chót lá buộc chặt hai đầu, là đã có thứ đồ đựng chất liệu hoàn toàn hợp tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chế tác và quá trình sử dụng cho đến lúc phế thải. Món cọ đựng ngô lúa, đựng chè tươi bán chợ, đựng sắn tươi trên nương về, món cọ đựng trái cọ… đựng bất cứ thứ gì có thể đựng…
Và, chiếc chổi lá cọ! Suốt miền Bắc tới miền Trung nước Việt dù nông thôn, hay thành thị, chiếc chổi lá cọ xẻ quét sân, quét đường không thể thiếu vắng một ngày. Chổi quét mạng nhện trong khe kẽ tử chè sập gụ, bằng phần cuống cọ đập dập còn nguyên gân sợi dẻo dai, được treo trang trọng bên sườn chiếc cột quân, hay ẩn mình dưới gậm chiếc bàn tíu của bộ trường kỷ. Chổi quét lúa, quét sân gạch lát chắp bằng bi cọ, buộc đầu cẫng cọ, đẩy đẩy đưa đưa quanh năm suốt tháng ra đến tận đầu ngõ chưa thôi…
Hình như điều Tôi định nói thêm về tàu lá cọ thì ca dao vùng Đất Tổ cũng đã có nhắc đến ngay từ lúc cây cọ hóa thân vào đời sống, tình yêu đôi lứa của của nông phu bản địa.
Đi đâu nón chẳng đội đầu
Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che..
***
Nón ai nón bạc nón vàng
Nón em tàu cọ che ngang mặt trời
***
Nón em đã có lời thề
Chàng mà lấy nón em về sao đang
***
Thương anh, em biết để đâu
Để vào móm cọ treo đầu cành đa
Con sụng bay qua, con quạ bay qua
Móm cọ thì mất, cành đa vẫn còn..
Người con gái trong câu ca dao xưa đã than: Móm cọ thì mất cành đa vẫn còn…Nhưng bây giờ cả cọ cả đa đang bị chính con người làm mai một. Rừng cọ, cây đa, những vật thể văn hóa tự nhiên ấy không dễ gì ngày một ngày hai mà có nổi. Trên dòng sông buông xuôi, không còn thấy bè tre, bè nứa chồng cao ngất lá gồi, thì trên đồi, trên núi loang lổ vệt trượt đất như vết thương xối máu. Con người đang hủy hoại dần môi sinh, cũng chính là hủy hoại đi môi trường của những vật thể văn hóa tự nhiên trong làng xã dân gian đã quen thuộc, đã thấm ngấm vào máu thịt của mình mà không hay…
Rời Lâm Lợi. Rời Cẩm Khê Quá khứ. Rời Sông Thao Hiện tại, Tôi bất chợt nhớ… Vâng! Tôi nhớ cô giáo của Tôi thuở thiếu thời người Cẩm Khê: cô giáo Nguyễn Thị Phương Du. Cô giáo người xứ cọ ấy là người đầu tiên đánh thức tâm hồn, non nớt nhạy cảm của Tôi với văn chương. Cô giáo của Tôi: dáng cao, mắt biếc rờn xanh ánh cọ, mày thanh, tóc dài mướt mát sau lưng. Trai làng thuở ấy, ai cũng thở thượt khi thấp thoáng bóng cô qua.
Cô Du từng kể cho chúng tôi, quê cô nhiều cọ đến nỗi đi mấy ngày không hết rừng. Trong mưa, đi dưới rừng cọ như đi dưới mái nhà, quần áo khô cong, nhưng thính giác thì sôi ào ào tưởng mọi hạt nước trời nhằm vào mình mà xối. Mùa cọ ra hoa, trắng ngần rồi ngả màu tím phớt, từng tay hoa vươn chùm buông li ti chấm sáng ngàn ngàn, thoảng vị hương chan chát ngòn ngọt như sắc trắng và tím giao nhau. Ong khệ nệ bàu phấn trĩu hai chân sau tha về kết mật. Ôi những phiến mật hình vành trăng phấp phỏng treo ngọt sắc trong những bình cọ um tùm. Chỉ một miếng nhỏ cỡ chiếc bánh qui Hương Thảo đã ngọt khé họng, đã díu đôi môi làm một, còn sữa từ đám ong non lại mát lừ như bột sắn dây.
Chớm Thu, hãy còn nhiều nắng, lá cọ già hanh vàng sắc rạ nếp, khép dần cẫng xuôi thân xù mấu thì người thợ đẵn cọ vác ken** vào rừng. Lá cọ phơi nắng ngay gốc cây mẹ chuyển dần sang màu ghi thẫm, hễ động vào là vang như bánh đa vừa nướng. Chờ mươi nắng, dăm lá còn dẻo thì người ta mới gò lá vào nếp, bó theo chục, bán theo trăm.
Người thợ đẵn cọ tài ba, lưng dắt mo cơm muối vừng, ống nước vối, chỉ cần dựng ken một lần là lan man trên bình cọ cả ngày không cần đặt chân xuống đất. Đẵn xong một cây này thì dùng sào móc níu búp cây bên cạnh, túm chặt nhún nhún lấy đà chuyền sang…chẳng khác diễn viên xiếc là bao….
Rễ cọ tỏa chùm như rễ tre, nhưng không gây đau cho đất, đất cọ giàu mùn, không bị mòn xói, kiệt tàng. Từng mũi rễ len lỏi trong sỏi đá chi chút tìm dưỡng chất nuôi cây. Rừng cọ sau khi đẵn lá lợp nhà hãy còn bao nhiêu khoảng đất trống thênh, có thể trồng củ từ, vùi gốc sắn dây và vô số dứa mật mà vẫn kịp đợi cho mùa lá cọ mới năm sau…
Bao giờ nhỉ, có dịp mời các em về quê cọ…quê nhà cô…
Ngày ấy, Tôi ngẩn ngơ lâu lắm. Ngẩn ngơ ngước nhìn cô, nhìn những con chữ tím chạy lan man trang vở trắng.
Lúc nhớ được đến cô Du thì Tôi đã là người đàn ông không trẻ, nhưng chưa già. Buổi học thần tiên đã ẩn sâu thời gian gần ba mươi năm…
Tôi muốn tìm thăm cô nhưng ngặt nỗi, không còn nhớ đích xác cô ở Sai Nga hay Thanh Nga của Cẩm Khê. Dọc đường đê Tôi thậm thụi một mình. Đã không một người được hỏi, trả lời rành rẽ cho Tôi biết cô Nguyễn Thị Phương Du ở cánh rừng cọ nào. Núi, núi xanh xanh dựng chân trời…
Thưa cô, ngày xưa thiếu nữ dạy học xa, cô nhớ nhiều quê cọ, nhớ nhiều một chiều xuân người trai làng ra trận.Và, cô đã thổi tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người quê đồi ấy cho lũ chúng em, thì ngọn gió thiêng rừng cọ ngày xưa vẫn còn thổi động những chiếc lá cọ tơ non cô đã kể giữa trang giáo khoa thư vẫn còn trong em đến tận bây giờ.
Tháng 1 năm 2001
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ
Bài viết liên quan: